Bao Dung
Mt 5, 38-48 – CN 7 TN A
Lm. Thái Nguyên
Suy niệm
Có một nhân vật rất nổi tiếng rất tâm đắc với bài Tin Mừng hôm nay là Mahamat Gandhi, người được thế giới coi là vị đại thánh. Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động trong hoạt động chính trị, để giành lại độc lập cho đất nước mình. Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú”. Gandhi là người ngoại giáo nhưng đời sống của ông đã đạt tới cao điểm của tinh thần bao dung nhân hậu của Kitô giáo.
Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi mình lùi bước. Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của lòng bao dung. Chính tình yêu bao dung chứ không phải quyền lực có thể làm cho trái tim con người tan chảy. Gandhi đã từng thách thức chúng ta dám sống và thể hiện Tin Mừng của Đức Kitô.
Nhân loại đang sống trong một kỷ nguyên cực kỳ văn minh tiến bộ, thế nhưng trong quan hệ giữa người với người, xem ra như thụt lùi, xuống cấp, có khi còn thấp hơn cả thời kỳ của luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Người ta cư xử với nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng,” giải quyết vấn đề bằng sức mạnh và bạo lực.
Chúa Giêsu đã xóa bỏ thứ luật rừng và nguyên tắc vay trả đó, khi Ngài đòi hỏi các môn đệ phải thực thi một tình yêu bao dung “yêu cả kẻ thù” và nguyên tắc bất bạo động “đừng chống cự người ác.” Điều đó không có nghĩa là người môn đệ Chúa sống nhu nhược, và chịu khuất phục trước sự ác, nhưng đừng lấy ác báo ác, vì “ác giả ác báo”, phải chiến thắng bản năng trả thù trong con người mình.
Nếu lấy ác báo ác thì sự ác sẽ lan tràn và thâm nhập vào chính chúng ta. Ở đây, Chúa Giêsu muốn mở ra một con đường khác cho nhân loại: chiến thắng điều ác bằng điều thiện, vì “thiện giả thiện lai”, dùng tình yêu để đáp lại hận thù thì mới tiêu diệt được điều ác.
Chúa Giêsu còn nêu lên một tình yêu bao dung vô độ, để nên trọn lành như Cha trên trời. Hòa bình và công chính, bình an và hoan lạc, sự sống và hạnh phúc, tất cả chỉ sáng ngời khi tình yêu ngời sáng trong ta, trong mọi người.
Chúng ta muốn sống và làm việc ra sao cũng được, vì đó là tự do của chúng ta, nhưng nếu đời sống và việc làm của chúng ta không nói lên được tình yêu sâu xa, thì sự hiện diện của chúng ta trở nên vô nghĩa, vì đã không trở nên chính mình như tình yêu Thiên Chúa đã tác sinh. Tình yêu đó phải được vươn cao tỏa sáng để chúng ta trở nên nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Tuổi trẻ chúng con hay suy nghĩ một chiều,
nên tâm trí con dễ có những điều tiêu cực,
khó lòng nhận ra những giá trị đích thực,
để sống với tấm lòng rất mực bao dung.
Con bao dung không phải vì “cực chẳng đã”,
không vì sợ gây cãi vã hay trả giá nặng nề,
hoặc chỉ muốn đề huề cho xong chuyện,
cho mình được yên thân không vướng lụy gì.
Con bao dung không phải là “Amen” với tất cả,
không phải là đồng lõa xuề xòa cho qua,
hoặc đưa ra chủ trương là “Dĩ hòa vi quí”,
làm mất đi những gì là chân thật.
Con bao dung là chấp nhận những dị biệt,
là để cho người khác được tự do thể hiện,
và sống với những điều họ xác tín sâu xa,
cho dù có những điều chưa hài hòa và hợp lý.
Con bao dung với con tim sáng suốt và nhân hậu,
biết kính trọng, mở rộng tầm nhìn và quan điểm,
tránh nguy cơ đắm chìm trong tự mãn kiêu căng,
kẻo chôn vùi bao nỗ lực và khả năng người khác.
Con bao dung là chấp nhận liều lĩnh,
có thể bị phản phúc và tai hại cho mình,
cũng như tim Chúa bị đâm thâu là vì thế,
nhưng nếu không thế thì con vẫn u mê.
Con bao dung là chống thái độ độc tôn, độc tài,
là một thứ quái thai trong đời sống nhân loại,
đã làm cho bao kẻ thành điên dại,
khiến gây ra biết bao nhiêu điều tai hại,
là thất bại lớn nhất của đời người.
Giáo hội cũng đã từng ăn năn và xin lỗi,
vì thái độ và hành động bất bao dung,
khi sử dụng bạo lực để duy trì chân lý,
là thứ lý trí đi ngược lại với Tin Mừng.
Chính lòng nhân mới thuyết phục con người,
chứ không phải tài năng hay lý lẽ cao siêu,
là tình yêu chứ không phải những giáo điều,
là cuộc sống chứ không nói nhiều như con nghĩ.
Bản thân con đã chẳng tốt đẹp gì,
nên chẳng thể so bì hoặc quyết đoán ai,
cuộc đời con còn mang nhiều sai trái,
nhưng Chúa vẫn đoái hoài và đón nhận con luôn.
Xin cho con cứ bao dung đón nhận mọi người,
không câu nệ điều chi, chẳng chấp nhất điều gì,
bằng cách thực thi lòng từ bi nhân hậu,
để thế nhân luôn tươi mới đẹp mầu. Amen.
(Trích từ cuốn: Lời Nguyện của người trẻ, số 39)