Biết Vị Trí Của Mình

Biết Vị Trí Của Mình

BIẾT VỊ TRÍ CỦA MÌNH

Một doanh nhân sang trọng đến nhà hàng để dùng bữa vào đúng giờ cao điểm mà không đặt chỗ trước. Các bàn ăn bên trong nhà hàng đã đầy ắp khách, và người ngồi bên ngoài chờ tới lượt mình, rất đông. Vốn là một trong những cổ đông cùng góp vốn kinh doanh vào nhà hàng này, ông cho rằng mình sẽ được ưu tiên hơn. Thế là ông bèn gọi một nhân viên phục vụ đến và nhờ anh ta vào bên trong, báo tin cho ông chủ nhà hàng biết rằng một cổ đông của nhà hàng đang phải chờ đợi.

Nhân viên phục vụ đó đi một lúc thì quay trở lại báo cho ông rằng:

– Thưa ngài, tôi đã báo tin cho ông chủ.

Vị doanh nhân hí hửng hỏi tới:

– Ừ, rồi sao nào? Ông ấy bảo dọn bàn ngay cho tôi, đúng không?

Nhân viên phục vụ lúng túng trả lời:

– Thưa ngài, không phải ạ. Ông chủ bảo tôi nhắn với ông là “cảm phiền ông cứ ngồi chờ đến lượt của mình nhé”!

Vị doanh nhân bất ngờ với câu trả lời đó. Ông đứng dậy, xăm xăm bước vào bên trong nhà hàng và đến trước ông chủ nhà hàng, lớn tiếng:

– Anh thật không có chút lịch sự. Tôi là người hùn tiền làm ăn vào nhà hàng này mà khi tôi đến, anh chẳng biết đón tiếp tôi nồng hậu, chẳng dọn chỗ ngồi đàng hoàng cho tôi. Thử hỏi, làm sao tôi còn có thể tiếp tục đến đây ký hợp đồng làm ăn với anh nữa?

Người chủ nhà hàng thản nhiên trả lời:

– Không phải tôi không lịch sự mà là tôi tôn trọng vai trò của anh. Khi anh đến ký hợp đồng, anh là người cộng sự của tôi. Khi anh đến đây để ăn uống, anh là khách của tôi. Mà hễ không báo trước và không còn chỗ thì vị khách nào cũng đều phải xếp hàng và chờ đến lượt của mình thôi, anh ạ! Phép lịch sự giữa người với người nơi công cộng không phải như thế sao? 

Vị doanh nhân nghe xong lời giải thích của người chủ nhà hàng thì im lặng rời khỏi nơi đó và lặng lẽ bước vào hàng người đang chờ đến lượt mình.

Quý vị và các bạn thân mến,

Tư tưởng “nhất thân nhì thế” từ bao đời vẫn còn in đậm trong nhân sinh quan của con người hôm nay. Khi đi đến bất cứ nơi đâu: công ty, bệnh viện, trường học, cơ quan hay những nơi công cộng, người ta thường có được sự ưu tiên hoặc ưu đãi, nếu có được người thân hoặc người quen biết đang làm việc ở nơi đó. Đến bệnh viện, nếu có quen biết hoặc là người nhà của bác sĩ, y tá nào đó, bệnh nhân có thể được nhận sự quan tâm chăm sóc ngay mà không phải mất thời gian ngồi xếp hàng chờ đợi đến lượt mình. Ở các công ty, người được sự bảo lãnh hay giới thiệu của người thuộc cấp trên sẽ được nhận vào công ty làm ngay, thậm chí vừa tập tễnh vào làm việc đã nhận được việc có chức vụ khá quan trọng. Chính tâm thức này khiến cho nhiều người cậy dựa vào vị thế của người khác và ảo tưởng rằng mình cũng có một vị trí cao và quan trọng để có quyền yêu sách, đòi hỏi những điều mình muốn.

Vị doanh nhân trong câu chuyện nói trên cũng cho rằng mình phải được ưu tiên một chỗ ngồi, giữa lúc bao nhiêu người phải xếp hàng chờ được bởi vì mình có vị trí trong việc kinh doanh của nhà hàng. Lời giải thích nhẹ nhàng của người chủ nhà hàng đã giúp ông nhận ra được vị trí của mình ở nhà hàng, ngay tại thời điểm đó. Có lẽ ông đã ảo tưởng khi tự đặt mình cao hơn những người khác để rồi bẽ bàng nhận ra mình cũng chỉ có được một vị trí bình thường, như bao nhiêu người khác.

Cám dỗ lớn của con người hôm nay chính là thủ đắc được một vị trí quan trọng để được người khác nể nang, kính trọng nhờ khả năng hay công trạng của mình. Trong gia đình, người nào kiếm ra được nhiều tiền nhất thì người  đó có tiếng nói và quyền quyết định đối với các thành viên khác. Nơi công sở hay trong các tổ chức tập thể, người nào mạnh tay ủng hộ và tài trợ kinh phí thì có vị trí danh dự trong các buổi họp hay lễ lạc, tiệc tùng. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đừng học theo cách hành xử đó, nhưng biết sống khiêm nhường trong tương quan với anh chị em. Người dạy rằng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23, 12). Sự khiêm nhường đó không phải là kiểu giả bộ hạ mình xuống để được người khác tôn vinh lên, nhưng là tinh thần khiêm nhường đích thực để có thể nhận biết vị trí của mình và hành xử tương xứng với vị trí ấy. Việc nâng mình lên thiết nghĩ, không phải là một điều xấu. Vấn đề là chúng ta có lòng bác ái nhường chỗ nhất, chỗ cao trọng cho anh chị em của mình, chứ không khiến họ trở thành đối tượng phục tùng mình.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống khiêm nhường như Chúa, để chúng con cảm nếm được sự bình an và hạnh phúc khi có được một vị trí trong cung lòng yêu thương của Chúa. Amen.

Duy An

print