Bình Vẫn Chưa Hề Cũ

print

Bình Vẫn Chưa Hề Cũ

Một thoáng nhìn về văn kiện “Monita Ad Missionarios”

Nhắn Nhủ Các Thừa Sai của Công Đồng Yuthia 1664

 

PHẦN MỘT: MỆNH LỆNH VÀ DI CHÚC ĐI CÙNG NĂM THÁNG.

DẪN NHẬP: VẪN TRÊN DÒNG SÔNG ĐÓ.

PHẦN MỘT: MỆNH LỆNH VÀ DI CHÚC ĐI CÙNG NĂM THÁNG.

  1. TỪ MỘT XUẤT PHÁT ĐIỂM.
  2. NHỮNG CẬP NHẬT ĐỊNH HƯỚNG TRUYỀN GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI

Kết luận Phần I:

PHẦN HAI: MONITA, “CẨM NANG TRUYỀN GIÁO” VƯỢT THỜI GIAN.

Lời đầu: Tản mạn lịch sử: “Bi đát” và “Trưởng thành”:

I. NHỮNG CHÂN TRỜI MỚI ĐỂ HỘI THÁNH “RA KHƠI”.

  1. Những yếu tố “thúc bách con thuyền Giáo Hội ra khơi”:
  2. Á Châu: “mảnh đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho cả loài người”.
  3. Đã đến lúc cần một “Công Nghị” để bắt đầu lại:

II. VĂN KIỆN “MONITA AD MISSIONARIOS”: NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT.

  1. Sự “Phân Định” cần thiết: Huấn thị 1659:
  2. Từ Huấn Thị 1659 đến Công Nghị Ajuthia 1664:
  3. Bố cục nội dung và tiêu đích nhắm tới.

III. MONITA AD MISSIONARIOS: ĐỊNH HƯỚNG VÀ ÁP DỤNG.

  1. Điểm nhấn mang chiều kích “linh đạo”: Tìm hiểu khái quát nội dung MONITA:
  2. XEM (Nhận diện tiêu cực): Không lẽ thừa sai là như thế? (CHƯƠNG I):
  3. XÉT (Giải thích tích cực): Không phải như thế này sao? CHƯƠNG II,III:
  4. LÀM (Lựa chọn hợp lý): Vẫn còn cơ hội để “lại bắt đầu”: (Từ CHƯƠNG IV ĐẾN X).

4.1. Nhà truyền giáo và Thừa tác vụ “Rao Giảng” (CHƯƠNG IV):

4.2. Nhà truyền giáo và “lập trường đức tin” (CHƯƠNG V):

4.3. Nhà truyền giáo và “mục vụ Dự tòng và Tân tòng” (CHƯƠNG VI, VII, VIII):

4.4. Nhà truyền giáo và việc chăm sóc mục vụ cho đoàn chiên (CHƯƠNG IX, X):

4.5. Kỹ năng giúp lời rao giảng có sức thuyết phục (PHỤ LỤC):

  1. Những “chiều kích vượt thời gian”:

KẾT: “BÌNH MỚI VÀ RƯỢU MỚI” ĐỂ SẺ CHIA.

 

PHẦN MỘT: MỆNH LỆNH VÀ DI CHÚC ĐI CÙNG NĂM THÁNG

DẪN NHẬP: VẪN TRÊN DÒNG SÔNG ĐÓ

Khi bàn đến sự biến chuyển đổi thay của vũ trụ vạn vật, của lịch sử và xã hội con người…, người ta hay nại đến lời phát biểu và cũng là một “định đề triết học” thời danh của một triết gia thời cổ đại phương Tây, Heraclitus[1]: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”[2]. Bởi vì “dòng sông hôm nay, bây giờ” không còn là “dòng sông cũ của hôm qua”; và “người tắm hôm nay”, một cách nào đó, cũng không còn nguyên vẹn y chang như “kẻ tắm hôm qua ngày trước”.

Định đề đó có thể “có lý” nếu áp dụng vào lãnh vực thuần tuý vật chất, sinh vật hữu hạn… như tác giả Thánh Vịnh đã từng cảm nhận:

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,

như cỏ đồng trổi mọc ban mai,

nở hoa vươn mạnh sớm ngày,

chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.” (Tv 89,5-6).

Tuy nhiên, nguyên tắc này, định đề “biến dịch” nầy của Heraclitus không thể áp dụng vào lãnh vực niềm tin, vào chân lý cứu độ; nhất là không thể áp dụng cho Thiên Chúa[3], Đấng mà cũng chính tác giả Thánh vịnh trên đã ca tụng rằng:

“Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,

Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,

địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,

Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.” (Tv 89,1-2);

hay nơi một Thánh vịnh khác:

“Xưa Chúa đã đặt nền trái đất,

chính tay Ngài tạo tác vòm trời.

Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài,

chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao.

Ngài thay chúng khác nào thay áo,

nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên;

tháng năm Ngài vẫn triền miên.” (Tv 101,26-28).

Vâng, Thiên Chúa của Israel là “Thiên Chúa vĩnh hằng”, là “Đấng Hằng hữu”, không cũ không mới, như chính Ngài đã mạc khải cho vị “Đại Tiên Tri Môsê” trong “Khải tượng” “Bụi gai bốc cháy”: Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng Hiện Hữu’ sai tôi đến với anh em.” (Xh 3,14). Khi tiến trình mạc khải đến “hồi viên mãn” (Dt 1,1-2), thì Đấng “Thiên Chúa nhập thể làm người” (Ga 1,14), Đấng tự xưng rằng “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30), cũng đã xác nhận “bản chất hằng hữu”, của mình ngay trong bi kịch Thương Khó: “Người bảo họ: Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28); một sự “hằng hữu”, bất biến…, mà trí óc con người chỉ có thể diễn tả được qua phạm trù “An-pha và Ô-mê-ga” trong sách Khải Huyền của thánh sử Gioan: Người lại phán với tôi: “Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng…” (Kh 21,6).

Và điều này có liên quan gì tới Hội Thánh?

Có đấy ! Trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, một “Giáo Hội phổ quát được thành lập”; đó là cộng đoàn bao gồm “những ai tin vào Đức Kitô”[4], “vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là Nhiệm Thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, là Giáo Hội tại thế đồng thời cũng là Giáo Hội dư tràn của cải trên trời…”[5].

Về mặt “cơ chế, hữu hình”, Giáo Hội phải chịu những tác động của không gian và thời gian; phải lớn lên, cập nhật, phát triển, đối thay…; nhưng về mặt “Nhiệm Thể, thiêng liêng”, Giáo Hội luôn trung thành với căn tính, trước sao sau vậy, “chỉ có một Giáo Hội của Đức Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”[6].

Nếu ví Giáo Hội như một “Dòng sông”, thì “Dòng sông” đó có cội nguồn chính là “Thiên Chúa Ba Ngôi”[7], “được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước, được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian”[8].

Giáo Hội tại Việt Nam cách đây hơn bốn thế kỷ (nếu lấy cột mốc năm 1533), hay chính ngay lúc này, chắc chắn đang ở trong giai đoạn cuối cùng “sẽ được hoàn tất trong vinh quang…” như Công Đồng Vaticanô II vừa nói ở trên; và dĩ nhiên, cho dù là một “Giáo Hội địa phương” non trẻ và số tín hữu vẫn thuộc thành phần thiểu số, Giáo Hội Việt nam vẫn có đầy đủ phẩm chất cơ bản của Giáo Hội Mẹ: vừa hữu hình vừa thiêng liêng; vừa trần tục vừa nhiệm mầu.

Chính trên cái “phông nền” của lộ trình lịch sử vừa “hữu hình” vừa “thiêng liêng”, vừa “thế tục” vừa “nhiệm mầu” đó, chúng ta thử tìm về những cách vận dụng “mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô” vào bối cảnh Á Châu trong thế kỷ 17 của Toà Thánh và của các Thừa Sai. Nói cách khác, đây là cuộc “trở về nguồn” để cùng đọc, suy tư và rút ra những định hướng thiết thực mà văn kiện MONITA AD MISSIONARIOS” (NHẮN NHỦ CÁC THỪA SAI) của Công Đồng Yuthia 1664 đã để lại cho dân Chúa Việt Nam hôm nay (và cả Á Châu) như một gia tài quý báu. Chắc chắn, tư liệu lịch sử liên quan đến buổi đầu loan báo Tin Mừng tại Á Châu nầy sẽ chỉ cho chúng ta những con đường, những định hướng mục vụ truyền giáo mang giá trị “vượt thời gian”; nhưng đồng thời cũng sẽ giúp chúng ta khám phá những cách thế, phương tiện mà thế hệ cha ông đã sử dụng như những công cụ hữu hiệu để loan báo Tin Mừng, cho dù hôm nay đã không còn thích dụng.

Dĩ nhiên, đây không là thái độ “quyến luyến không suy xét, không đắn đo và phi lý vào quá khứ”; hay là việc “đặt bước chân của chúng ta vào những dấu chân của người đi trước”[9]; đơn giản: đây chính là để “hiểu rõ hơn về lịch sử”; hay nếu phải dùng một hình ảnh, thì đó là chấp nhận làm “những người lùn đứng trên vai những người khổng lồ” để may ra có thể khám phá được chân lý, phát hiện được những viên ngọc quý dưới lớp bụi thời gian[10].

PHẦN MỘT: MỆNH LỆNH VÀ DI CHÚC ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Trong “Thư đệ trình Đức Thánh Cha Clément IX” của hai Giám Mục Tông toà François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, chúng ta đọc thấy một đoạn trong phần “giới thiệu nội dung” tài liệu MONITA, như sau: “Chúng con quan tâm đến việc cải thiện cách truyền bá Tin Mừng, dựa theo cách thức tuyệt diệu của Chúa Kitô và các Tông đồ (ch. II, III và IV)…”[11].

Chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu kỷ hơn nội dung trên trong PHẦN HAI, khi đào sâu chính nội dung và bố cục của MONITA. Ở đây, chỉ muốn dừng lại như một “chút thoáng qua” về những cách thức truyền bá Tin Mừng “tuyệt diệu của Chúa Kitô và các Tông Đồ” như cách nhìn nhận của hai vị “Chủ chăn Tiền bối” trên.

I. TỪ MỘT XUẤT PHÁT ĐIỂM

  1. Đã có một “từ ngữ” mang nhiều ý nghĩa phong phú:

Trong khoa “Thần học về Truyền Giáo” của Giáo Hội, nguyên vấn đề “từ ngữ” thôi cũng là một “câu chuyện dài” phức tạp[12]. Thật vậy, các từ ngữ như Sứ vụ truyền giáo (Missio), Rao giảng Tin Mừng (Praedicare Evangelium), Dạy dỗ muôn dân (Docere omnes gentes), Truyền bá đức tin (Propaganda Fide), Phúc âm hoá các dân tộc (Evangelizatio Populorum), Loan Tin Mừng, Phúc âm hoá (Evangelizatio), Tân Phúc Âm hoá (Nova Evangelizatio)… lần lượt xuất hiện qua dòng thời gian, và đã được hiểu, được sử dụng, kiện toàn… trải dài theo năm tháng, cùng với những thuyên giải, định nghĩa, quảng diễn thích dụng.

Để thấy rõ hơn, xin đan cử một thí dụ: chỉ trong một cuốn sách – “TỰ ĐIỂN Công Giáo” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – đã có hai mục từ, có thể nói được, có “nội hàm” không khác nhau bao nhiêu, hay chỉ là “hai mặt của một vấn đề”, nhưng được diễn đạt bằng nhiều cách: mục từ “TRUYỀN GIÁO”[13], và mục từ “PHÚC ÂM HOÁ”[14]. Riêng chỉ trong mục từ “TRUYỀN GIÁO” thôi, thì chúng ta có thể “lọc” ra được “một lô” định nghĩa[15]. (Xin trích):

– “Truyền giáo là sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh, tức là loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi dân tộc, theo mệnh lệnh Chúa Kitô…”

– “Truyền giáo là giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của Hội Thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người.”

– “Truyền giáo là làm cho loài người được tham dự, hiệp thông trong Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa;…”

– (Truyền giáo) “làm cho Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô thấm nhập mọi chiều kích cuộc sống…

– “Truyền giáo chỉ công việc truyền bá đức tin Kitô giáo và việc thành lập các giáo đoàn mới nơi các dân tộc hay nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô;…”

– (Truyền giáo là) “làm cho Phúc Âm thấm nhập vào trong nền văn hoá các dân tộc;…”

– (Truyền giáo là việc) “một số người có ơn gọi đặc biệt và được Hội Thánh sai đi loan báo Phúc Âm cho các dân tộc chưa nhận biết Chúa Kitô”… (Hết trích).

  1. Từ “mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập”:

Sau hai ngàn năm, cho dầu khái niệm, ý nghĩa, luận đề, chuyên đề “truyền giáo” được thuyên giải, định nghĩa, quảng diễn thế nào mặc lòng, thì điểm xuất phát uyên nguyên cố định vẫn là từ “mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập”[16], của chính Chúa Kitô, nhất là “mệnh lệnh” sau biến cố Phục Sinh, trước khi “Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha”.

2.1. Dấu chứng của Tin Mừng:

– Mệnh lệnh trong Tin Mừng Máccô 16,15: Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

– Mệnh lệnh trong Tin Mừng Matthêô 28,19-20: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

– “Lệnh lên đường” trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 10, 1.5-14; Mc 6,7-13; Lc 9,1-6): Bản văn nầy đặc biệt liên quan đến “tư cách, thái độ, hành trang…” của “nhà truyền giáo” mà không ít tác giả gọi là “lệnh lên đường”: Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi. (Lc 9,1-6).

Có thể nói được, khi Hội Thánh (hay bất cứ ai) muốn trình bày, cắt nghĩa… về “Truyền giáo” đều phải trở về với các “mệnh lệnh của Đấng Sáng lập” được Tin Mừng lưu giữ.

2.2. Cội nguồn của “mệnh lệnh”:

Dĩ nhiên, để có được hay “đi tới” mệnh lệnh nầy, là cả một công trình kỳ diệu phát xuất từ “ý định của Thiên Chúa”, như cách cắt nghĩa của Sắc lệnh Truyền giáo (Ad Gentes): “Ý định nầy tuôn trào từ “mạch suối yêu thương” nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng chính là nguyên lý tối thượng, bởi Ngài, Chúa Con được sinh ra, đồng thời cũng bởi Ngài và qua Chúa Con, nhiệm xuất Chúa Thánh Thần, cũng là Đấng vì lòng nhân từ thương xót vô biên nên khi tạo dựng và hơn nữa khi ưu ái mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh quang của Ngài… để Ngài được vinh hiển và chúng ta được hạnh phúc…” (AG số).

Riêng hai chữ “chúng ta” mà Sắc lệnh Truyền Giáo vừa nói tới có nghĩa là: “Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không chỉ từng cá nhân không liên quan gì đến nhau, nhưng còn liên kết họ thành một đoàn dân duy nhất, trong đó con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi được quy tụ về một mối” (AG số 2).

Vâng, nói cho cùng, truyền giáo chính là làm cho “ý định của Thiên Chúa muốn cứu rỗi toàn thể nhân loại” được hiện thực (AG số 3); để “Lời Chúa được lan rộng và toả sáng” (2 Ts 3,1) và để “Nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian” (AG số 1); để “giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và sa tan” và để “phục hồi vạn vật trong Đức Kitô” (AG số 3); để “rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn đau khổ, loan báo sự giải thoát cho những người bị giam cầm, và cho những kẻ đui mù được nhìn thấy” (Lc 4,18); và để “Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất” (Lc 19,10) (AG số 3)…

  1. Đến các Tông Đồ và Giáo Hội thuở ban đầu:

Và như đã nói ở trên, “xuất phát điểm của Truyền Giáo” chính là “Mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập”. Tuy nhiên, mệnh lệnh đó lại nhắm trực tiếp đến các Tông Đồ và các môn sinh được chính Đức Kitô chọn gọi, sống với Ngài, được Ngài dạy dỗ, sai đi rao giảng, chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài…(x. Mc 3,13; AG số 5).

Sau biến cố “Chúa Thánh Thần Hiện Xuống” dịp lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ bắt đầu thi hành “sứ vụ truyền giáo” đúng như mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh: “Hãy đi rao giảng…, làm phép rửa…”.

3.1. Phêrô và “Nhóm Mười Hai” khởi động truyền giáo:

Ngay từ buổi đầu, sách Công vụ Tông đồ đã cho thấy cách các Tông đồ thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô với hai hoạt động chính: “các con hãy… giảng dạy…; làm phép rửa…”. Đó chính là nội dung cốt lỏi của “Sứ điệp sơ truyền” (Kerygma); cũng là “nội dung và nền tảng cốt yếu” của công cuộc truyền giáo, Phúc âm hoá hay “Tân Phúc Âm hoá” của Giáo Hội muôn nơi muôn thuở

– Giảng dạy muôn dân (Docete omnes gentes)[17]: Bấy giờ ông Phêrô đứng chung với nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng:…;

– Làm phép Rửa (Baptizantes eos): “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần”… Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo (Cv 2,14-41).

Phần đầu của sách Công vụ Tông đồ, có thể nói được, là “Công vụ Phúc Âm hoá của Thánh Phêrô”. Chính nơi những trang đầu tiên đó, chúng ta gặp một “nhà truyền giáo Phêrô” hùng biện, can đảm, xông xáo… rao giảng và làm chứng về Đức Kitô tử nạn – phục sinh, khiến tầng lớp lãnh đạo Do Thái giáo phải e dè, kinh ngạc, tìm cách loại trừ (x. Cv 4,1-21; 5,21-33…).

3.2. Công cuộc truyền giáo của Phaolô, Tông Đồ dân ngoại:

Phaolô và công cuộc truyền giáo của Ngài đóng một vai trò tối quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển Kitô giáo trên toàn thế giới; đến đổi có người dám ví von cách “thậm xưng”: “Không phải Chúa Giêsu mà chính Phaolô mới là vị sáng lập thật sự của Kitô giáo”[18]. Vì là một “chuyên đề sâu rộng” nên đây chỉ là một cuộc “cởi ngựa xem hoa”.

Sau đây, xin đan cử một đôi trích đoạn Lời Chúa liên quan đến một “Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại”:

– Truyền giáo chính là lẽ sống, là sứ mệnh tối hậu: “Vì nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không có lý do gì để tôi tự hào, mà đó là một nhiệm vụ tôi phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

– Truyền giáo là chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa và cả cuộc sống mình: “Chúng tôi đã yêu mến anh em tha thiết, đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với anh em, không những chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả chính mình chúng tôi, vì anh em đã trở nên rất thân yêu đối với chúng tôi’ (1 Ts 2,8).

– Truyền giáo là chia sẻ chính “bằng chứng xác thực của Thần Khí” chứ không quảng bá cái “tôi”: “Thưa anh chị em, khi tôi đến với anh chị em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa… Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh chị em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1 Cor 2,1-5).

– Truyền giáo là cậy vào sức mạnh của Chúa để muôn dân nghe biết Tin Mừng: “Lần thứ nhất khi cha phải ra biện hộ trước tòa án, chẳng có ai bênh vực cha. Tất cả đều đã bỏ rơi cha. Con đừng chấp nhất với họ. Nhưng có Chúa ở bên cạnh cha, Người đã ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.” (2 Tm 4,16-17)…

Nếu có thời gian, xin mở sách Công vụ và cùng đọc và suy niệm “ba cuộc truyền giáo của ngài” (x. Cv 13-14; Cv 15-18; Cv 18-21).

3.3. Cả Hội Thánh đã lên đường:

Qua sách Công vụ Tông Đồ và các Thư mục Tân Ước khác, chúng ta có thể nói được “cả Hội Thánh đã lên đường” trong buổi bình minh của Thiên Niên kỷ thứ nhất. Ngoài các gương mặt nổi trội như Phêrô, Gioan, Giacôbe, Phaolô, Barnaba…, chúng ta còn thấy những Phó tế như Stêphanô – Vị Tử đạo tiên khởi của Kitô giáo, Philipphê…; và tiếp sau đó là những Luca, Máccô, Timôthê, Titô…; các cộng đoàn như Giêrusalem, Antiokia, Côrintô, Têsalônica…

Vâng, công cuộc truyền giáo không phải của riêng ai mà của cả một đoàn dân “loan truyền kỳ công của Thiên Chúa”, như lời quả quyết của Thánh Phêrô: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9).

Và sở dĩ cộng đoàn Giáo Hội sơ khai “thành công trong việc truyền giáo”, đã thuyết phục được nhiều người tin Chúa Giêsu và gia nhập Hội Thánh, phải chăng nhờ các yếu tố then chốt nầy: hiệp nhất, yêu thương, chuyên chăm Lời Chúa, nguyện cầu, trung thành với Thánh Thể: Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. (Cv 2,42-47).

  1. Phương thế truyền giáo cốt yếu của Đấng Sáng Lập: LÀM CHỨNG

Đấng trao sứ mệnh truyền giáo cũng là Đấng ra những chỉ thị, định hướng cần thiết như chúng ta đọc thấy trong “bản Lệnh Lên đường” của các Tin Mừng Nhất lãm: Mt 10, 1.5-14; Mc 6,7-13; Lc 9,1-6; và dĩ nhiên, đó cũng là “Kim Chỉ Nam truyền giáo” tiên khởi mẫu mực cho Giáo Hội muôn nơi, muôn thuở.

Tuy nhiên, trước hết và trên hết, chân dung của “người truyền giáo”, của kẻ “Loan báo Tin Mừng” theo đúng nguyện vọng và ước muốn của “Đấng Sáng Lập” lại là “CHỨNG NHÂN”: “Chính anh em là chứng nhân về những điều nầy” (Lc 24,48); “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Và rồi, trước những “biến động dồn dập” ở Giêrusalem trong “cái thuở ban đầu” ấy, tưởng rằng các môn sinh của Chúa Kitô đã quên bẵng ước muốn của Thầy; nhưng không, họ vẫn nhớ như in:

– Thánh Phêrô ngay từ buổi đầu Giáo Hội đã trung thành với “kim chỉ nam” đó: “Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh” (Cv 1,22); “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần…” (Cv 5,30-31)…

– Thánh Phaolô cũng đã xác nhận việc “làm chứng” của các Tông Đồ: “Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân” (Cv 13,31) và của chính mình: “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,24); sách Công Vụ Tông Đồ còn minh xác cả về “địa chỉ làm chứng” của Phaolô: Đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói: “Hãy vững lòng ! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giêrusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa” (Cv 23,11)…

Cốt lõi là như thế; còn thể hiện, vận dụng việc “làm chứng” như thế nào thì, có thể nói được, toàn bộ Lời Chúa là “ánh sáng dẫn lối đưa đường” (Tv 119,105) cùng với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần trải qua các thời đại, các thế hệ con người, các nền văn hoá, các trực giác khôn ngoan, các phát kiến sáng tạo, các biến cố thăng trầm của lịch sử…

Vâng, câu chuyện “đưa thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4) là một “thiên anh hùng ca” bi tráng trải dài qua hai thiên niên kỷ; và nơi đó không chỉ được dệt đan hoà điệu bởi các Thánh nhân, các vị Giáo hoàng, Giáo phụ… lừng danh; mà còn được góp phần của cả những giáo dân âm thầm, những thừa sai thành tâm thiện chí, ngay cả trong các Giáo Hội anh em ngoài Công Giáo (Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo…); có khi là các tội nhân hay cả những kẻ chống lại Tin Mừng… Đó cũng là một bức tranh hùng vĩ đan xen muôn gam màu, chất liệu…, không chỉ rực rỡ oai hùng của thành công, thắng lợi; nhưng cũng chất chứa rất nhiều những đau thương, bách hại, máu xương, nước mắt…

Trong bài khảo luận nhỏ dẫn vào văn kiện MONITA nầy, chỉ xin được ghi lại vài điểm nhấn truyền giáo từ Công Đồng Vatican II đến hôm nay.

II. NHỮNG CẬP NHẬT ĐỊNH HƯỚNG TRUYỀN GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI

Trong cuộc “lữ hành đức tin” của dân Chúa suốt hai ngàn năm, Truyền Giáo là một “câu chuyện dài đầy lâm ly bi đát”; có những thành công vang dội, cũng như đầy dẫy những tháng ngày “xương rơi máu đổ”; có những “thăng trầm bể dâu” nhưng cũng đầy những biến thiên chẳng ngờ…, mà cuộc “lật ngược thế cờ cách ngoạn mục liên quan đến đế quốc Rôma” là một bức minh hoạ rõ nét và sống động cho câu chuyện này: chính quan chức Rôma đã lên án đóng đinh Chúa Cứu Thế vào đầu thế kỷ thứ nhất tại Giêrusalem; và cũng chính các hoàng đế Rôma, nhất là thời bạo chúa Nêrô, đã bách hại tàn khốc các Kitô hữu tại thủ phủ Rôma và trên toàn đế quốc…; thì cũng chính một hoàng đế Rôma – Constantino – vào đầu thế kỷ thứ tư (312), đã quyết chọn Kitô giáo làm quốc giáo[19] !

Cho đến thế kỷ 21 nầy, không tính các anh chị em Kitô hữu thuộc Chính Thống giáo, Tin Lành và Anh Giáo, thì Giáo Hội Công Giáo Rôma đã có số tín hữu vượt xa con số “nghìn triệu”; tức trên dưới 1/6 dân số thế giới. Để có được thành quả “những hạt lúa vàng ắp đầy trong kho lẫm nầy”, nhất là, như nhận định của tác giả Richard Holloway, để “trở thành một thiết chế quyền lực bậc nhất trên địa cầu, ngay cả các vị vua cũng phải nép mình trước uy quyền đó”[20], Giáo Hội đã phải nỗ lực truyền giáo bằng một cái giá thực sự đắt đỏ; đắt đỏ bởi trí tuệ, công sức, máu xương của con người và nhất là “ân sủng của Thiên Chúa”. Vâng cái giá của việc “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Vì trọng tâm của bài khảo luận nầy chính là văn kiện MONITA của Công đồng Yutthia 1664, nên ở đây chỉ xin nêu ra vài “điểm nhấn quan trọng” trên lộ trình hướng dẫn mục vụ truyền giáo của thời hiện đại, như là một “bức phông nền cơ bản” để làm sáng lên những giá trị vượt thời gian của MONITA.

  1. Toàn thể dân Chúa “đến với muôn dân” (Công Đồng Vaticano II với Ad Gentes).

Khởi đi từ “khẩu lệnh lên đường” được Đức Kitô ban ra, có thể nói được, cuộc hành trình xuyên suốt hai ngàn năm của Hội Thánh chính là cuộc lên đường không ngừng nghỉ để “đến với muôn dân”. Mỗi thời đại với mỗi hoàn cảnh, tuỳ điều kiện không gian cũng như thời gian, địa lý hay văn hoá, chính trị hay kinh tế…, công cuộc “đến với muôn dân” luôn mang những nét đặc trưng và để lại những dấu ấn…, làm nên cả một kho tàng kinh nghiệm phong phú cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

Vào thời đại của chúng ta, đặc biệt, vào hậu bán thế kỷ 20, một biến cố đức tin và cũng là một dấu ấn lịch sử sâu đậm nhất của Hội Thánh Công Giáo đó chính là Công Đồng Vaticano II[21], mà tinh thần và định hướng vẫn còn tác động lâu dài trên toàn thể sinh hoạt của Giáo Hội, trong đó, sinh hoạt “loan báo Tin Mừng” là dễ nhận thấy nhất. (x. CÁC MÔ HÌNH TRUYỀN GIÁO TRONG Giáo Hội Công Giáo trong tác phẩm “Thần học truyền giáo cho hôm nay”)[22].

Thật vậy, Vatican II, theo ý nguyện ban đầu của Đức Gioan XXIII, Vị Giáo Hoàng được ơn soi sáng khai mở Công Đồng, đó là một Công Đồng mang tính “mục vụ”[23], như một giai thoại được lưu lại: “Khi được hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng muốn triệu tập Công Đồng, ngài hóm hỉnh trả lời, trong khi lấy tay mở cửa sổ: “Tôi muốn toang các cửa sổ Giáo Hội để cho chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được”. Trong ý hướng đó, Đức Gioan XXIII mong muốn là Giáo Hội cần phải nhìn vào “những dấu chỉ của thời đại”, để có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhân loại. Ngài sử dụng một từ ngữ của người Ý là “aggiornamento”, có nghĩa là “cập nhật hóa”, để nói đến tính cấp bách của Giáo hội lúc này là mở ra với toàn thế giới”[24]. (x. Những điều đã xảy ra tại Công Đồng Vatican II)[25].

Điểm nhấn đầu tiên về truyền giáo của Công Đồng Vatican II chính là văn kiện: Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội – Ad Gentes (AG)[26], một văn kiện mang tính “thực hành” và “áp dụng” các “định hướng mục vụ của Công Đồng Vaticano II” như Lời Giới thiệu văn kiện đã trình bày: “Sắc Lệnh này khảo luận các vấn đề lý thuyết cũng như thực hành về hoạt động truyền giáo trong thời đại ngày nay. Ðồng thời, Sắc Lệnh cũng có tính cách rất thần học, nghĩa là các chủ đề chính cũng như các vấn đề truyền giáo luôn luôn được đặt trong tương quan với nguồn mạc khải. Những giải quyết và những tiêu chuẩn thực tế đều có nền tảng thần học vững chắc, thường trực tiếp dựa trên những bản văn Thánh Kinh. Mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ tình yêu giữa Ba Ngôi và là một hiệu quả, hay có thể nói là sự nối tiếp sứ mạng của các Ngài, là sự hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong thế giới, Ðấng muốn mọi người được cứu rỗi”[27].

Và đây, có thể nói được, là áng văn đẹp nhất của văn kiện diễn tả sứ vụ truyền giáo được Giáo Hội thực thi “theo mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập”: “Vì thế, vâng lệnh Chúa Kitô đồng thời được ân sủng và tình yêu Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo Hội thực thi sứ mệnh, khi thực sự hiện diện giữa mọi người và mọi dân tộc, bằng cách hoạt động để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban an sủng khác, dẫn đưa tất cả đến với đức tin, đón nhận ơn giải thoát và bình an của Chúa Kitô, nhờ đó mở ra con đường thông suốt và vững chắc giúp họ thông dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô” (AG 5).

Dĩ nhiên, bên cạnh văn kiện mang tính “chuyên đề truyền giáo” nầy, Vaticano II gần như đã “phả hương thơm loan báo Tin Mừng” lên các văn kiện quan trọng khác như Lumen Gentium (Hiến Chế Giáo Hội), Gaudium et Spes (Hiến chế mục vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay), Apostolicam Actuositatem (Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ Giáo dân), Sắc lệnh về Đại Kết (Unitatis Redintegratio), Tuyên Ngôn về mối quan hệ của Hội Thánh với các Tôn Giáo ngoài Kitô (Nostra Aetate), Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae)[28]…

  1. “Hồi sinh” sau Vaticano II: Từ Evangelii Nuntiandi (1975) đến Redemptoris Missio (1990):

2.1. “Cánh cửa Công Đồng” và những luồng gió khủng hoảng:

Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày bế mạc (1965), Công Đồng Vatican II vẫn còn âm hưởng mạnh mẽ bên trong (ad intra) lẫn bên ngoài (ad extra) Hội Thánh; đặc biệt trong chiều kích “đọc những dấu chỉ thời đại” và “nhìn nhận hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa bên ngoài Giáo Hội Công Giáo”[29]. Quả thật, Công Đồng đã mang lại cho Giáo Hội một luồn sinh khí mới, một động lực trong việc canh tân, đối thoại, hoà giải, đại kết…: “… Nhưng, có điều chắc chắn là không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của tinh thần ‘canh tân và hòa giải’ do Công Ðồng Vatican II thổi vào Giáo hội, đem lại cho Giáo Hội một sức sống mới. Từ đây, Giáo Hội được nhìn nhận như một mầu nhiệm hiệp thông, là cộng đoàn dân Chúa, không còn nặng về tính cơ cấu và phẩm trật nữa…”[30].

Tuy nhiên, những thập niên sau Công Đồng, tức khoảng thời gian từ 1965-1975, toàn thế giới gần như phải trải qua những xáo trộn, đổi thay sâu sắc về nhiều phương diện, khiến công cuộc truyền giáo của Giáo Hội cũng rơi vào khủng hoảng, như cách nhìn của tác giả Robert Schreiter[31] mà Roger P. Schroeder, SVD đã tóm tắt trong bài viết “Giáo huấn Hội thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”: “Schreiter gọi thập niên sau Công đồng (1965-1975) là chặng khủng hoảng về truyền giáo. Thế giới đang chuyển biến: phong trào nhân quyền tại Hoa kỳ, cuộc cách mạng văn hóa bên Trung quốc, Chiến tranh sáu ngày ở Trung Đông, Mùa Xuân Praha ở Tiệp khắc, cuộc nổi dậy của sinh viên ở Mêxicô[32]. Trong Giáo hội cũng có nhiều nhân tố góp phần cho cuộc khủng hoàng. Việc hồi tục của nhiều linh mục và tu sĩ đã làm suy giảm nhân số các thừa sai. Cuộc chấm dứt chế độ thuộc địa, mà công cuộc truyền giáo thường được gắn kết, cũng khiến cho nhiều người kêu gọi kết liễu việc truyền giáo, hoặc ít là một đường lối truyền giáo. Ngoài ra, những biến chuyển thần học của Công đồng – việc nhìn nhận bản chất truyền giáo của toàn Giáo hội (AG 2), sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới như là các dấu chỉ thời đại (GS 4), sự cần thiết của việc đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo khác (NA 2), và khả năng có thể được cứu độ ngoài Hội thánh (LG 16) – đã cắt đứt những động lực trước Công đồng về việc cứu độ các linh hồn và về việc thiết lập Giáo hội hữu hình”[33]. (x. STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER)[34].

2.2. Evangelii Nuntiandi: Đến với muôn dân hay là việc Phúc Âm hoá mang tính toàn diện:

Năm 1974, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới (thứ III) để bàn sâu và rộng về việc “Loan báo Tin mừng trong thế giới hiện đại”. Đúc kết những ý kiến của các nghị phụ, Đức Thánh Cha đã soạn và ban hành tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin mừng – EN) năm 1975, như một “điểm đến của Năm Thánh vừa kết thúc (1975) và món quà kỷ niệm “10 năm bế mạc Công Đồng Vaticano II”[35].

Đây được coi là văn kiện “định chuẩn” về sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh; vừa bổ túc cho AD GENTES (chỉ mới xoay quanh MISSIO)[36] vừa mở ra những định hướng mới sâu rộng hơn, bao quát hơn (với EVANGELIZATIO)[37]. Có thể nói được, với 3 số 18,19,20, tông huấn Evangelii Nuntiandi đã phần nào diễn đạt khái quát “nội hàm” của EVANGELIZATIO: Phúc Âm hoá chính là “Đổi mới nhân loại”[38], là “Đổi mới cảnh vực sống của nhân loại”[39] và “Phúc Âm hoá những nền văn hoá”[40].

Và một trong những “điểm nhấn” quan trọng của Tông huấn nầy đó “loan báo Tin Mừng qua đời sống chứng tá” mà lời phát biểu của Đức Phaolô VI đã trở thành một câu châm ngôn: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”[41].

2.3. Redemptoris Missio: Truyền giáo: câu trả lời của niềm tin và tình yêu

Nhân dịp kỷ niệm “Ngân Khánh AD GENTES” (1965-1990) và “Mười lăm năm EVANGELII NUNTIANDI” (1975-1990), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ (REDEMPTORIS MISSIO – RM) ngày 7.12.1990; và người ta cho rằng, đây là văn kiện quan trọng nhất của triều đại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II[42].

Về cơ bản “thần học truyền giáo” nơi “RM”, như nhận xét của ROGER P. SCHROEDER, là một tổng hợp và bổ túc “dựa trên AG (Sắc lệnh Truyền Giáo Ad Gentes) và EN (Tông huấn Loan báo Tin Mừng – Evangelii Nuntiandi), nêu bật vai trò của Chúa Kitô và sự cần thiết phải loan báo Đức Kitô là chủ tể”[43].

Thật vậy, “vẫn trên dòng sông cũ” của Giáo Hội, Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” muốn mang Hội Thánh “Ad Gentes” triệt để hơn, rộng khắp hơn, chính xác hơn…, như đến với những “Chân Trời Bao La”[44], bao gồm những “vùng đất còn xa lạ với Tin Mừng”, những cộng đoàn dân Chúa vững mạnh và những Giáo Hội cần được “Tân Phúc Âm hoá”[45]. Và cũng từ viễn tượng “Chân trời bao la” đó, RM muốn một lần nữa cống hiến câu trả lời dứt khoát cho những ai, những trào lưu muốn đặt lại căn tính cũng như lý do của “sứ mệnh truyền giáo” của Hội Thánh: “Đối với câu hỏi: Tại sao phải truyền giáo? Thì nhờ niềm tin và kinh nghiệm của Giáo Hội, chúng tôi xin trả lời rằng sự giải phóng đích thực là đón nhận tình yêu của Đức Kitô… Truyền giáo là một vấn đề của niềm tin, đó thực là thước đo niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô và vào Tình yêu Người dành cho chúng ta” (RM số 11).

Vã lại, cũng từ cái nhìn lạc quan, phấn khởi, Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế đã trang bị cho Hội Thánh và con cái của Giáo Hội cả một “Linh đạo Truyền Giáo”, một phương thế, một con đường để “nên thánh”: “Hoạt động truyền giáo đòi phải có một linh đạo đặc biệt, một linh đạo áp dụng riêng cho tất cả những ai được Thiên Chúa kêu gọi để trở thành những nhà truyền giáo.” (RM số 87). Vâng, “Linh đạo truyền giáo của Giáo Hội là một cuộc hành trình tiến đến sự thánh thiện” (RM 90); và đó là điều mà Vị Thánh Giáo Hoàng của chúng ta đã trực giác ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội, và công cuộc Phúc Âm Hoá hôm nay cũng phải như thế: “chúng ta hãy nhớ đến lòng nhiệt thành truyền giáo của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Bất chấp phương tiện di chuyển và truyền thông hạn hẹp vào những thời ấy, việc loan truyền Phúc Âm vẫn nhanh chóng tiến đến tận cùng trái đất. Đó là tôn giáo của một Con Người chết trên thập giá, của “một viên đá vấp phạm cho người Do Thái và ngu xuẩn cho Dân Ngoại” (1Cor 1:23)! Bên dưới cái năng động truyền giáo này chính là đời sống thánh thiện của các Kitô hữu và các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi vậy” (RM 90)..

  1. Tân Phúc Âm hoá hôm nay: “Đi ra trong Niềm vui” và “Trẻ trung trong Hiệp Hành” (Từ Evangelii Gaudium tới Christus Vivit).

3.1. Evangelii Gaudium: Giáo Hội “Đi ra trong Niềm vui”[46]:

Từ buổi sáng thứ Ba ngày 26/11/2013, cả thế giới Công Giáo hân hoan khôn xiết khi được đón nhận một quà tặng tuyệt vời từ Vị Mục Tử Tối Cao. Quà tặng tinh thần cao quý đó chính là Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô sau hơn 8 tháng trên ngai tòa Thánh Phêrô.

Trong viễn tượng “thời sự mục vụ”, có thể nói Tông Huấn nầy là một đúc kết (như vẫn thường xảy ra) của Đức Thánh Cha sau cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới; ở đây, chính là văn kiện hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ 13, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 10 năm 2012 tại Rôma với chủ đề Tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Ki-tô giáo.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cho dù “nhiều lần, Đức Thánh Cha Phanxicô tham chiếu các Đề nghị của Thượng Hội Đồng tháng Mười 2012, như thế ngài cho thấy sự đóng góp của Thượng Hội Đồng quan trọng là dường nào trong việc soạn thảo Tông huấn này. Thế nhưng văn kiện này đi xa hơn kinh nghiệm của Thượng Hội Đồng. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha đã in dấu không chỉ kinh nghiệm mục vụ riêng của ngài, nhưng còn lời mời gọi đón nhận thời điểm ân sủng mà Giáo Hội đang sống, để xúc tiến cách tin tưởng, xác tín và nhiệt thành giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa.”[47].

Kể từ khi được công bố cho thế giới, quả thật Tông Huấn EG[48] – cùng với con người và “phong cách mục vụ” của ĐTC Phanxicô, đã thổi vào “cơ thể” Giáo Hội và cả thế giới một luồng sinh khí mới mẻ đầy tươi mát, hân hoan và hy vọng, như nhận xét tinh tế của Linh mục James Martin, SJ: “Chưa bao giờ lại có một văn kiện giáo hoàng khiến người ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên và lên tinh thần bằng tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”[49]. Vâng, có thể nói, đây chính là “tiếng kèn” đánh thức để dân Chúa lên đường Tân Phúc Âm hoá bằng cam kết “Đi ra trong Niềm vui”.

3.2. Những điểm nhấn của “Evangelii Gaudium”:

3.2.1. Cốt lỏi của “Tân Phúc Âm hoá” là tìm lại “niềm vui của Tin Mừng”: “NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh. Trong Tông Huấn này, tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới.”[50].

3.2.2. Hành động và thái độ đầu tiên của tiến trình “Tân Phúc Âm hoá”: hoán cải mục vụ để trở về với chọn lựa căn bản: truyền giáo chứ không phải “bảo tồn”:

– “Trong những ngày này, nơi các GM chúng tôi, nhiều lần có những tiếng nói được gióng lên nhắc nhở rằng để có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới, thì trước tiên Giáo Hội cần đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời Chúa. Lời mời gọi rao giảng Tin Mừng được diễn tả qua lời kêu gọi hoán cải. Chúng ta hãy tin chắc rằng chúng ta phải là những người trước hết cần phải hoán cải, cần phải trở về với quyền năng của Chúa Kitô, là Đấng duy nhất có thể đổi mới mọi sự, nhất là đổi mới cuộc sống nghèo nàn của chúng ta.”[51].

– “Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.”[52].

3.2.3. Một Hội Thánh Tân Phúc Âm hoá phải là Một Hội Thánh “đi ra” để gặp gỡ và cống hiến: “Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.”[53].

3.3. Christus Vivit: Để Giáo Hội “Trẻ trung trong Hiệp Hành”:

Một trong các “môi trường mục vụ” để Hội Thánh triển khai chương trình Tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Ki-tô giáo, đó chính là “Giới Trẻ”; đây cũng chính là chủ đề nghị sự của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới thứ XV: Giới trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi[54].

Trong tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng về giới trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông huấn “Christus Vivit” (Đức Kitô đang sống – CV), như một động lực, một cơ hội để “Chính những người trẻ có thể giúp Hội thánh giữ được tinh thần trẻ trung, không rơi vào băng hoại; không dừng lại, không kiêu hãnh, không biến thành giáo phái, nhưng trở nên nghèo khó và có khả năng làm chứng hơn nữa, gần gũi với những người hèn kém và những người bị bỏ rơi, biết đấu tranh cho công lý và khiêm tốn đón nhận những chất vấn. Người trẻ có thể đem đến cho Hội thánh vẻ đẹp của sự trẻ trung khi họ khơi gợi khả năng ‘vui mừng về những khởi đầu, luôn cho đi chính mình, canh tân và lại lên đường để đạt những thành quả mới’”[55].

Ngoài nhiều định hướng được đề nghị cho chương trình mục vụ giới trẻ, có thể nói được, định hướng “Hiệp Hành” chính là điểm quy chiếu quan trọng cho việc thực hiện tiến trình Tân Phúc Âm hoá, đặc biệt cho người trẻ: “Sự tham gia của giới trẻ đã giúp “đánh thức” mô thức hiệp hành, là một “chiều kích cấu thành của Hội Thánh.” Như thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Hội Thánh đồng nghĩa với Hiệp Hành”, bởi vì Hội Thánh không là gì khác mà chính là việc “cùng nhau bước đi” của đàn chiên trên con đường lịch sử để gặp Đức Kitô” (Phanxicô, Diễn từ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Tính hiệp hành đặc trưng cho cả đời sống lẫn sứ vụ của Hội Thánh, là dân Chúa được tạo thành bởi những người già, trẻ, nam, nữ thuộc mọi nền văn hóa và mọi giai cấp từ mọi chân trời, và là Thân Thể Đức Kitô trong đó chúng ta là những chi thể của nhau, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị chà đạp. Trong tiến trình trao đổi và qua các chứng từ, Thượng Hội Đồng đã đưa ra một số đặc tính cơ bản của kiểu hiệp hành mà chúng ta được mời gọi hoán cải.”[56].

Hy vọng, qua mô hình “Hiệp Hành” trong mục vụ giới trẻ, Hội Thánh sẽ tìm được giải pháp tối ưu cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá: “Mục vụ giới trẻ phải “mang tính hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. […] Với tinh thần nầy, chúng ta sẽ có thể tiến tới một Giáo Hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo Hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta”. (CV số 206).

Kết luận Phần I:

Kể từ “mệnh lệnh đầu tiên” của Thầy Chí Thánh, công cuộc loan báo Tin Mừng vẫn như một dòng chảy bất tận mà toàn thể “Nhiệm Thể Chúa Kitô” là nước, là phù sa, bãi bờ… mang đến cho nhân loại Tin Mừng và Hồng ân cứu rỗi.

Về phương diện phàm trần, dĩ nhiên, con người hay định hướng, phương pháp, cách thế truyền giáo được Giáo Hội chọn lựa mỗi thời mỗi khác, sao cho thích dụng với các thế hệ con người, các môi trường xã hội, văn hoá… của mỗi thời đại.

Trong khi đó, viễn tượng siêu nhiên sẽ cho thấy: những điều cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng, của chân lý cứu độ, càng ngày càng được đào sâu, củng cố, trình bày và chuyển tải sao cho, vừa trung thành với đức tin Tông Truyền, với nguồn cội; vừa trở nên “quà tặng”, giải pháp, con đường được thuyết phục và đón nhận đối với tâm thức nhân loại hôm nay.

Hy vọng chúng ta sẽ tìm gặp hai chiều kích đó ngay trong văn kiện MONITA, Kim Chỉ nam cho các thừa sai đi gieo hạt giống Tin Mừng trên vùng đất Á Châu vào thế kỷ 17.

—-

[1] Heraclitus (Khoảng 544-484 TCN), xuất thân từ Ephesus (Hy Lạp), thuộc nhóm triết gia của “trường phái Elea” (Eleatic school) như Xenophanes (570-475 TCN), Parmenides (540-470 TCN)…, một trong những trường phái nổi tiếng nhất của “triết học tiền Socrate”.

[2] JOHANNES HIRSCHBERGER; Lịch sử Triết học Tập I, Triết học Cổ đại và Trung đại; tập thể dịch giả: Dương Anh Xuân và Thánh Pháp; Công ty sách Thời đại – Nhà xuất bản Tri Thức 2020; tr. 45-46: Và Plato nhận xét: “Tương truyền Heraclitus cho rằng mọi vật đều vận động và không có gì đứng yên; ông so sánh chúng với dòng sông, và nói rằng không ai tắm hai lần trên một dòng sông” (Cratylus, 402 a; ed. Jowett, Vol. I, P. 191).

[3] GHI CHÚ RIÊNG: Để khai triển sâu hơn chiều kích “biến dịch” nầy, Heraclitus còn vận dụng khái niệm “Logos”, như là “Nguyên uỷ”, “Thần linh” hay “Nguyên lý phổ quát” chi phối sự đổi thay và biến dịch. Khái niệm về “Logos” nầy hoàn toàn đối lập với khái niệm “Logos” của Thánh Gioan Tông Đồ, là Ngôi Lời và là chính Thiên Chúa, Đấng Hằng hữu, vô thuỷ vô chung: “Lúc khỏi đầu đã có Ngôi Lời (Logos). Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). (x. SĐD: JOHANNES HIRSCHBERGER, Lịch sử Triết học…; tr. 47).

[4] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN; Công Đồng Vaticanô II; nxb. Tôn giáo 2012; Hiến chế tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium (LG), số 2; tr. 70.

[5] SĐD (LG), số 8; tr. 80.

[6] SĐD (LG), số 8; tr. 81.

[7] SĐD (LG), số 4; tr. 72: “Như thế, Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

[8] SĐD (LG), số 2; tr. 70.

[9] TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền Giáo thế kỷ 17; Những lời nhận định trong phần “DẪN NHẬP” của tác giả G. Espie cho lần Tái bản sách MONITA; tr. 32.

[10] SĐD (Kim Chỉ Nam…); tr. 32: “Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy chân lý nếu chúng ta hài lòng với việc đặt những bước chân của chúng ta vào những dấu chân của người đi trước. Chúng ta nhìn xa hơn họ, bởi lẽ chúng ta là nhũng người lùn đứng trên vai những người khổng lồ”.

[11] SĐD (Kim Chỉ Nam…); tr. 39.

[12] LM. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, OP; Thần học về truyền giáo; website Giáo phận Đà Lạt: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/THANHOC/30ThanHocTruyenGiao.htm.

[13] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG Công Giáo; Tự Điển Công Giáo; Nhà Xuất Bản Tôn giáo 2016; mục từ TRUYỀN GIÁO; tr. 934-935

[14] SĐD (Tự Điển Công Giáo…); mục từ PHÚC ÂM HOÁ, VIỆC; tr. 692-693.

[15] SĐD (Tự Điển Công Giáo…); mục từ TRUYỀN GIÁO; tr. 934-935: “… Truyền giáo có gốc tiếng Latinh là missio – nghĩa là sai đi.

– Theo nghĩa rộng: Truyền giáo là sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh, tức là loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi dân tộc, theo mệnh lệnh Chúa Kitô (x. Mc 16,15; Mt 28,19-20; GLHTCG 849). Như vậy, truyền giáo là giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của Hội Thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người. Mục đích tối hậu của truyền giáo là làm cho loài người được tham dự, hiệp thông trong Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (x. GLHTCG 850), làm cho Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô thấm nhập mọi chiều kích cuộc sống (x. AG 21).

– Theo nghĩa hẹp: truyền giáo chỉ công việc truyền bá đức tin Kitô giáo và việc thành lập các giáo đoàn mới nơi các dân tộc hay nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô (x. GLHTCG 854), làm cho Phúc Âm thấm nhập vào trong nền văn hoá các dân tộc (x. TĐ Redemptoris Missio 48). Mọi Kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo (x. AG 15; GLHTCG 856). Tuy nhiên, một số người có ơn gọi đặc biệt và được Hội Thánh sai đi loan báo Phúc Âm cho các dân tộc chưa nhận biết Chúa Kitô”.

[16] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II; bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo lý Đức tin; Nhà xuất bản Tôn Giáo 2012; Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội – Ad Gentes (AG); số 1; tr. 641: “Được Thiên Chúa sai đến với muon dân để nên bí tích cứu độ phổ quát”, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính Công Giáo, và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, Giáo Hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người.”

[17] Mt 28,19-20: Theo Bản Vulgata

[18] RICHARD HOLLOWAY; Lược sử tôn giáo; Loan Vũ dịch; Nhà xuất Bản Thế Giới 2019; tr. 149: “Đó là lý do vì sao có ý kiến cho rằng không phải Giêxu mà Paul mới là vị sáng lập thật sự của Kitô giáo. Không có Paul thì phong trào của Giêxu đã phai nhạt như một nhánh tin vào đấng cứu thế khác đã từng thất bại trong Do Thái giáo. Chính nhờ Paul đã hiện thực hoá nó trong lịch sử. Điều đó đúng, nhưng nên nhớ rằng Paul cũng đã mang theo Giêxu. Đối tượng được ông thuyết giảng là Giêxu: một Giêxu mà Paul gặp trên đường đi Damascus; một Giêxu đã tiết lộ tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới; một Giêxu sẽ sớm rở lại nên không thể trì hoãn việc loan tin thêm nữa”.

[19] SĐD (RICHARD HOLLOWAY…); tr. 155-157: “… Như vậy, chỉ trong vòng hai mươi năm, một cuộc đảo ngược thế cờ ngoạn mục đã diễn ra: từ chỗ là nhóm bên lề bị áp bức cho đến tôn giáo được ân sủng của hoàng đế (…). Chính thế lực đã đóng đinh Ngài giờ đã quyết định sẽ dùng hình tượng của Ngài cho các mục đích của họ…”.

[20] SĐD (RICHARD HOLLOWAY…); tr. 157.

[21] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG Công Giáo; Tự Điển Công Giáo; Nhà Xuất Bản Tôn giáo 2016; mục từ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II; tr. 175-176: “Công Đồng Vatican II là công đồng chung thứ XXI của Hội Thánh, diễn ra tại Vaticano từ năm 1962 đến năm 1965, do Đức Thánh Giáo Hoàng Goan XXIII (1881-1963) triệu tập, sau đó được tiếp tục và phê chuẩn bởi ĐGH Phaolô VI (1897-1978)…”.

[22] STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 400-419: “Mô tả của Robert Schreiter về phong trào truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ XX theo 4 giai đoạn cung cấp cho chúng ta một khung tổng quát tuyệt vời cho phần này. Sau một thời kỳ ban đầu xác tín, sang thập kỷ 1960 là thời kỳ sôi động và chuyển tiếp, chủ yếu nhờ Công Đồng Vaicanô II. Sau một quãng thời gian khủng hoảng, Giáo Hội Công Giáo đã có một cuộc tái sinh về thần học và thực hành truyền giáo của mình, được phát triển thành các trào lưu và các cách diễn tả đa dạng của cùng một sứ mạng Kitô duy nhất…”.

[23] THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Tập 1; bản dịch: Giáo Hoàng Học viện Pio X; tái bản tại nhà in Nguyễn Bá Tòng 20.2.1975; Nhập Đề Tổng quát; tr. 30:”Đức Gioan XXIII mong mỏi Công Đồng này sẽ là Công Đồng “mục vụ”. Ngài không muốn Công Đồng đề cập tới vấn đề lên án tuyệt thông, cũng như không bận tâm đến các tín điều…”.

[24] LM. GIOAN B. NGUYỄN VĂN HẢO; bài viết Sống Năm Đức Tin nhân dịp 50 năm Khai mạc Công Đồng Vatican II; website Kênh Thông tin Xuân Bích Việt Nam: https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2012/10/18/song-nam-duc-tin-nhn-ky-niem-50-nam-khai-mac-cng-dong-vatican-ii/; đăng ngày 18/10/2012.

[25] Để hiểu rõ hơn về khái niệm “aggiornamento” của Vaticano II, xin đọc: JOHN W. Ơ MALLEY; Những điều đã xảy ra tại Công Đồng Vatican II; Lm. Nguyễn Đức Thông, C.S.s.R, dịch; nxb Phương Đông 2015; tr. 75-78.

[26] THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Tập 4; bản dịch: Giáo Hoàng Học viện Pio X; tái bản tại nhà in Nguyễn Bá Tòng 20.2.1975; Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội- Ad Gentes (AG); phần Nhập Đề; tr. 523-524: “… Sau một vài tu chỉnh, bản văn cuối cùng đã được nhận ngày 7-12-1965 với 2,394 phiếu thuận, 5 phiếu chống. Ðây là một trong những tỷ số chấp thuận cao nhất cho một văn kiện Công Ðồng. Trước tiên Sắc Lệnh được gọi là “Sắc Lệnh về vấn đề truyền giáo”. Tựa đề hiện nay “Về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội” lần đầu tiên được xuất hiện trong lược đồ của 13 vấn đề. Lý do chính yếu của việc thay đổi tựa đề hình như là để nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa hoạt động và Giáo Hội. Hoạt động truyền giáo là việc thiết yếu của Giáo Hội, nó thuộc về sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới. Vì thế tựa đề không muốn nói rằng: hoạt động truyền giáo là một hoạt động riêng biệt trong Giáo Hội, bên cạnh những hoạt động khác như hoạt động mục vụ, xã hội v.v… Sự tương quan của Sắc Lệnh này với Hiến Chế tín lý về Giáo Hội được đánh dấu bằng những chữ đầu tiên của hai văn kiện “Ánh Sáng muôn dân” và “đến muôn dân”. Hai câu này ám chỉ đến lời tiên tri Isaia (42,6 và 49,6)…”

[27] SĐD (Sắc lệnh về… AG); tr. 524-525.

[28] Có thể xem đầy đủ “nội dung truyền giáo” qua các văn kiện của Công Đồng Vaticano II nơi tác giả: STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 409-411.

[29] STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 399.

[30] LM. GIOAN B. NGUYỄN VĂN HẢO; bài viết Sống Năm Đức Tin nhân dịp 50 năm Khai mạc Công Đồng Vatican II; 5. Thành quả sau Công Đồng; website Kênh Thông tin Xuân Bích Việt Nam:

https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2012/10/18/song-nam-duc-tin-nhn-ky-niem-50-nam-khai-mac-cng-dong-vatican-ii/; đăng ngày 18/10/2012.

[31] Robert Schreiter, ‘Changes in Roman Catholic Attitudes toward Proselytism and Mission.’ In New Directions in Mission and Evangelization 2. Ed. James A. Scherer and Stephen B. Bevans, Orbis Books, Maryknoll, NY 1994, p. 113-25.

[32] x. THẾ GIỚI CỦA THẾ KỶ XX của hai tác giả: STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 394-400.

[33] ROGER P. SCHROEDER, SVD; bài viết “Giáo huấn Hội thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”; website Trung Tâm Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-phan-iii/; đăng ngày 14.10.2020.

[34] STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 412.

[35] ĐGH PHAOLO VI; Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi); Bản dịch của Lê Công Đức; website Xuân Bích Việt Nam https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/01/30/tong-huan-loan-bao-tin-mung-evangelii-nuntiandi/; số 2; đăng ngày 30.01.2011: “Đó là nhiệm vụ của Ta muốn chu toàn ở đây, vào cuối năm thánh này, năm mà Giáo Hội dồn mọi nỗ lực vào việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người (Ad Gentes số 1). Giáo Hội không mong gì khác hơn là chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, được công bố từ hai lần nhắc nhở căn bản “Hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24) và “ Hãy giao hoà cùng Thiên Chúa” (2 Cr 5,20). Nhiệm vụ đó Ta cũng muốn thi hành dịp kỷ niệm 10 năm ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II. Mục tiêu của công đồng này được cô đọng trong câu: Làm cho Giáo Hội của thế kỷ 20 trở nên thích hợp hơn trong việc loan báo Tin Mừng cho nhân loại của thế kỷ hai mươi. Ta cũng muốn chu toàn nhiệm vụ đó nhân dịp một năm sau kỳ đại hội lần thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục, một đại hội mà ai cũng biết được dành riêng cho việc Phúc Âm hoá…”.

[36] Để hiểu rõ hơn về “Thần học truyền giáo của Ad Gentes” qua khái niệm “Missio”, xin đọc thêm: Chương 9. Truyền giáo là tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa Ba Ngôi trong tác phẩm “Trung Thành và thích nghi” (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay của STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 469-499.

[37] ROGER P. SCHROEDER, SVD; bài viết “Giáo huấn Hội thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”; website Trung Tâm Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-phan-iii/; đăng ngày 14.10.2020: “Có lẽ vì muốn tránh đồng hóa “truyền giáo” với “thuộc địa” cho nên thuật ngữ “loan báo Tin mừng” (evangelization) được dùng thay cho “truyền giáo” (mission). Tuy rằng việc loan báo Tin mừng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là công bố sứ điệp Phúc âm bằng lời nói và chứng tá, nhưng ở đây Đức Phaolô VI muốn hiểu theo một nghĩa rất rộng, bao gồm hết mọi hình thức của việc truyền đạo; hiểu như vậy, hai từ ngữ loan báo Tin mừng (evangelization) và “truyền giáo” (mission) coi như đồng nghĩa”.

[38] ĐGH PHAOLO VI; Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi); Bản dịch của Lê Công Đức; website Xuân Bích Việt Nam https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/01/30/tong-huan-loan-bao-tin-mung-evangelii-nuntiandi/; số 18; đăng ngày 30.01.2011: “Đối với Giáo Hội, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại : “Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới” (Ap 21,5). Nhưng không có nhân loại mới, nếu trước tiên không có con người mới, không có sự sống mới nhờ phép Rửa tội (Rm 6,4) và do đời sống theo Tin Mừng (Ep 4, 23-24). Vậy mục đích của việc Phúc Âm hóa chính là sự thay đổi nội tâm đó, và nếu phải diễn tả một cách vắn tắt, thì ta có thể nói một cách đúng đắn rằng Giáo Hội Phúc Âm hóa, khi chỉ nhờ sức mạnh thần linh của sứ điệp mà Giáo Hội công bố (Rm 1,16), Giáo Hội tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ”.

[39] SĐD (Tông huấn Loan…); số 19: “Những cảnh vực sống của nhân loại đang biến đổi, cho nên, đối với Giáo Hội, vấn đề không phải chỉ là rao giảng Tin Mừng nơi những vùng địa dư càng ngày càng mở rộng hoặc cho những nhóm dân ngày càng đông, nhưng phải ảnh hưởng tới, và nếu cần dùng sức mạnh của Tin Mừng mà đảo lộn những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị nhân đạo, những bận tâm chính yếu, những trào lưu tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những mẫu mực sống của nhân loại, khi những điều ấy ngược lại với Lời Chúa và chương trình cứu độ”.

[40] SĐD (Tông huấn Loan…); số 20: “Cần phải Phúc Âm hóa văn hóa và những nền văn hóa của con người hiểu theo nghĩa phong phú và rộng rãi như trong Gaudium et Spes (53) nghĩa là đi từ con người và lại quy về những tương quan giữa con người với người và người với Thiên Chúa. Như thế Phúc Âm hóa các nền văn hóa phải được thực hiện một cách sống động sâu xa cho tới tận gốc rễ, chứ không theo một cách trang trí như lớp sơn bóng ngoài mặt. (…).Sự ly khai giữa Tin Mừng và văn hóa qủa là một thảm trạng của thời đại chúng ta cũng như của những thời đại trước. Như vậy phải dồn mọi nỗ lực để tiến tới sự Phúc Âm hóa một cách rộng rãi, đúng hơn phải Phúc Âm hóa mọi nền văn hóa. Chúng phải được cải hóa nhờ tiếp xúc với Tin Mừng, nhưng sẽ không có tiếp xúc nếu Tin Mừng không được công bố”.

[41] SĐD (Tông huấn Loan…); số 41: “Mới đây Ta đã nói với một nhóm giáo dân rằng: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thây dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Thánh Phêrô đã diễn tả rõ rệt điều này khi Ngài đưa ra một cách sống trong sạch và đáng kính “Không dùng lời nói nhưng lại chinh phục được cả những kẻ từ chối tin vào Lời” (1P 3,1). Vì vậy chính bằng cách xử thế, bằng đời sống mà Giáo Hội sẽ rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nghĩa là bằng chứng tá đời sống trung thành với Đức Kitô, sống nghèo khó và từ bỏ, sống không lệ thuộc vào các quyền lực thế gian, tắt một lời, chính bằng đời sống thánh thiện mà Giáo Hội rao giảng Tin Mừng”.

[42] x. ROGER P. SCHROEDER, SVD; bài viết “Giáo huấn Hội thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”; website Trung Tâm Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-phan-iii/; đăng ngày 14.10.2020.

[43] SĐD (ROGER P. SCHROEDER; bài viết “Giáo huấn Hội thánh … )

[44] Đây là chủ đề của Chương IV trong Tông huấn RM: NHỮNG CHÂN TRỜI BAO LA CỦA CỦA SỨ VỤ “ĐẾN VỚI MUÔN DÂN”.

[45] x. Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (RM) số 33, 34, 37…

[46] x. BAN THƯỜNG HUẤN GPQN; Bài thuyết trình: Hoán cải mục vụ (Convertion pastorale) – Chương trình hành động của tiến trình Tân Phúc Âm hoá; tác giả: Lm. Giuse Trương Đình Hiền; tr.

[47] Họp báo giới thiệu Tông Huấn “Evangelii gaudium” của Đức Thánh Cha Phanxico về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (26/11/2013). Nguồn: trang mạng Xuân Bích Việt Nam. Tý Linh chuyển dịch.

[48] Kể từ đây, xin được sử dụng hai từ viết tắt EG để chỉ Tông Huấn Evangelii Gaudium.

[49] VŨ VĂN AN; Một số nhận định về tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô; website http://danchuausa.net

[50] EG 1

[51] Sứ điệp Thượng HĐGM thế giới thứ 13 gửi Cộng đoàn dân Chúa, số 5.

[52] EG 27

[53] EG 49

[54] Hồng Y Lorenzo Baldisseri Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng giới thiệu “Tài Liệu Làm Việc” ngày 8.5.2018 tại Điện Vatican: “Ngày 6 tháng Mười năm 2016, Đức Thánh Cha công bố chủ đề của Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ Lần Thứ XV của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi”; website http://www.giaoly.org/vn/tai-lie%cc%a3u-lam-vie%cc%a3c-thuo%cc%a3ng-ho%cc%a3i-dong-ve-gioi-tre%cc%89/

[55] ĐGH PHANXICÔ; Tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus Vivit); Bản dịch: Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn trực thuộc HĐGMVN; nxb Tôn Giáo 2019; số 37; tr. 26.

[56] Tài Liệu Kết Thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ; Giới trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi; Phạm Xuân Khôi chuyển dịch; website http://www.giaoly.org/vn/tlktthdgt/; số 121.

****

PHẦN HAI: MONITA, “CẨM NANG TRUYỀN GIÁO” VƯỢT THỜI GIAN

***

Lời đầu: Tản mạn lịch sử: “Bi đát” và “Trưởng thành”:

Nếu Phần 1, chúng ta đã cùng nhau đọc lại, xem lại thoáng qua những “trang nhật ký” liên quan đến câu chuyện “chèo ra chỗ nước sâu bắt cá” của Giáo Hội, nhất là những “MỆNH LỆNH VÀ DI CHÚC ĐI CÙNG NĂM THÁNG” mang tính “định hướng” của Hội Thánh hoàn vũ; thì giờ đây, chúng ta thử trở về dừng lại trên cánh đồng truyền giáo của Á Châu – Việt Nam vào thế kỷ 17, khoảng thời gian và không gian mà ở đó, công cuộc truyền giáo được định hướng, vận dụng cách khôn ngoan và hiệu quả với Kim Chỉ Nam MONITA AD MISSIONARIOS” (NHẮN NHỦ CÁC THỪA SAI).

Khi tìm về một “Văn kiện Huấn Quyền” cách đây đã 357 năm (1664), liệu chúng ta có rơi vào thái độ “biến Thiên Chúa thành món đồ cổ quý giá của quá khứ” không? Tôi nghĩ rằng không; nhưng, như lời mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, là để “có thể minh chứng cho thế giới biết rằng Thiên Chúa rất hợp thời”[1]. Và đây cũng là nhận xét chí lý của một chứng nhân đương thời – thần học gia lỗi lạc Jean Bona, cha sở St. Bernard, kiêm cố vấn thần học Thánh Bộ (Truyền Bá Đức tin) – khi văn kiện Monita lần đầu tiên xuất hiện: “Quyển Monita “tràn đầy đầy tinh thần tông đồ, phù hợp với đức tin truyền thống Công Giáo và cần thiết cho các Linh mục đang làm việc tại các giáo xứ truyền giáo vì phần rỗi những người chưa tin”[2].

Trước khi đi sâu và “lượng giá đúng mức” về “giá trị tổng thể” của văn kiện “Monita”, xin được góp ý về điều nầy: có lẽ chúng ta nên “thay đổi” hoặc “diễn tả khác hơn” hai lập luận mang tính tiêu cực nầy liên quan đến các giai đoạn lịch sử truyền giáo tại Việt Nam:

– Một là cho rằng: Công cuộc truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam thất bại hay “đã trở thành bi kịch”[3].

Có “thất bại một phần” nhưng không phải là tất cả. Nếu bình thản đọc lại tất cả những công trình, nỗ lực, sáng kiến và kết quả của các thế hệ Thừa sai ban đầu tại Việt Nam; cùng với thế hệ linh mục, thầy giảng, nữ tu, giáo dân Việt Nam của “cái thuở ban đầu” ấy, chúng ta phải “ngã mũ tâm phục và khẩu phục” các ngài.

Thật vậy, làm sao có thể nói việc truyền giáo buổi đầu tiên là “thất bại”, “bi đát”…, trong khi mới chỉ “37 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài và 50 năm truyền giáo ở Đàng Trong, các thừa sai Dòng Tên đã rửa tội khoảng 100.000 tín hữu (20.000 ở Đàng Trong và 80.000 ở Đàng Ngoài)[4]; và đây là kết quả của một “chương trình truyền giáo” thích thời, đúng đắn mà lịch sử đã ghi nhận: “Nhờ các “Thầy Giảng” và “Câu Trùm” là những tông đồ giáo dân nhiệt thành, việc truyền giáo đã đạt được những kết quả ngoài sức tưởng tượng”[5]. Đó là chưa kể, cũng vào cái thuở còn “vỡ đất Tin Mừng” đó, các thừa sai với sự cọng tác đắc lực của tín hữu Việt Nam, đã làm nên những công trình “văn hoá-đức tin” mà cho tới hôm nay chúng ta chưa chắc làm nổi: xây dựng thành công nền móng chữ Quốc ngữ với tác phẩm vô cùng quý giá Tự điển Việt-Bồ-La và Phép Giảng Tám ngày được xuất bản tại giáo đô Rôma năm 1651[6]; nghĩa là mới chỉ 36 năm đặt chân lên lần đầu tiên lên mảnh đất Việt Nam (1615) ! (x. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN)[7]. Cũng vậy, trong khoảng thời gian đó (1632-1656), “giáo sĩ Girolamo Majorica đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm, nổi tiếng nhất là cuốn Các Thánh Truyện viết năm 1646”[8]. Sau đó ít lâu (1670), một linh mục Việt nam, Lữ Y Đoan[9], đã dùng ngôn ngữ thuần Việt (chữ Nôm) để dịch toàn bộ Ngũ Thư của Cựu Ước bằng những vầng thơ lục bát mượt mà thanh tao qua tác phẩm “Sấm Truyền Ca”[10], mà phải đến 200 năm sau (1870) thi hào Nguyễn Du mới làm được “Truyện Kiều”. Truyền giáo như thế, “Hội nhập văn hoá” như thế… không là một thành công tuyệt diệu sao?

– Hai là cho rằng: Thời đại của chúng ta là “Thời Trưởng thành”.

Thật vậy, lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam hay lịch sử của công cuộc truyền giáo tại Việt Nam thường được chia thành 4 thời kỳ (Khai sinh, Tăng trưởng, Phát triển, Trưởng thành); và thời kỳ sau cùng (là ngày nay) được cho là “Thời kỳ trưởng thành”[11].

Cho dù sách Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 2016 có minh định: “Sự trưởng thành của GHVN được xác định không phải chỉ hệ tại nơi việc tổ chức Giáo Hội qua những con số tín hữu, linh mục, tu sĩ, hoạt động Công Giáo tiến hành và các cơ sở bác ái…”[12], nhưng hình như có “một bộ phận không nhỏ” trong chúng ta vẫn hiểu “Trưởng thành” đó là vì thời nay Giáo Hội có nhiều giáo dân, có Hội Đồng Giám mục và là “Giám Mục Chính Toà”, có nhiều linh mục, tu sĩ được đào tạo bài bản, nhiều vị có học hàm học vị cao; các cơ sở thờ tự (Toà Giám Mục, nhà thờ, tu viện, trung tâm mục vụ…) to lớn, nhân sự dồi dào với trình độ cao…

Nếu hiểu trưởng thành là như thế thì hãy xem lại ! Thật vậy, nếu đem so với Giáo Hội thuở ban đầu của “Công Vụ Tông Đồ”, thuở Hội Thánh còn chui rúc trong các hang toại đạo, thời Hội Thánh của các Giáo Phụ…; hay so với thời của Giáo Hội Đàng Trong, Đàng Ngoài chỉ có một Giám Mục Lambert De La Motte, thời của thánh Giám Mục Stephanô Thể… chẳng có Toà Giám Mục, lặn lội, trốn tránh để chăm sóc đoàn chiên… thì liệu Giáo Hội của chúng ta hôm nay có “trưởng thành” hơn không? Cũng vậy, liệu cái thời mà những “bà Phước” như Anê Soạn, Anna Trị[13], đi chân đất, mặc áo nâu sồng, với vốn liếng vài từ Quốc ngữ vỡ lòng…, len lỏi vào các thôn làng ngoại giáo để giảng đạo… có “kém trưởng thành” hơn cái thời hôm nay với “các soeurs” bằng cấp học vị đầy mình, du học từ Âu Mỹ, giao lưu với các trường Đại học.. !

Cho nên, khi bàn đến “lịch sử của Giáo Hội”, lịch sử của các cộng đoàn hay lịch sử tiến trình sinh hoạt đức tin…, xin giới hạn sử dụng hạn từ “trưởng thành” để dành cho một giai đoạn, nhất là giai đoạn của chính thời đại mình, cho dù “sau đó” có “phân trần” như những lời của Sách Niên Giám 2016: “GHCGVN cũng chỉ thật sự trưởng thành khi có sự lớn mạnh về cộng đoàn tín hữu, về nhận thức và hành động cũng như tinh thần truyền bá Phúc Âm cho mọi người. Chúng ta sẽ phải xét xem GHCGVN thật sự đã trưởng thành chưa và cần phải làm gì để đật được sự trưởng thành như Giáo Hội Mẹ mong muốn” [14].

Và có lẽ đó là “thái độ tinh thần” đối với lịch sử truyền giáo tại Việt Nam mà chúng ta cần có để cùng nhau tìm về văn kiện “MONITA AD MISSIONARIOS”. Vâng, đó chính là tinh thần biết ngạc nhiên, trân trọng “những công trình và di sản của cha ông” như những kho tàng luôn mới mẻ, hợp thời, những “bầu da mới”, những “chiếc bình chưa hề cũ”, để đựng thứ “rượu luôn mới” là chính những “mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập” (Lc 5,37-38).

I. NHỮNG CHÂN TRỜI MỚI ĐỂ HỘI THÁNH “RA KHƠI”

Không thể bàn chuyện về văn kiện “Monita” mà lại không đá động gì đến bối cảnh của Giáo Hội cũng như của xã hội (thế kỷ 17) liên quan đến sự ra đời và ứng dụng của văn kiện nầy. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là “một thoáng nhìn” tổng thể; và chỉ dừng lại ở những điểm liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến công cuộc loan báo Tin Mừng.

1. Những yếu tố “thúc bách con thuyền Giáo Hội ra khơi”:

Bất cứ thời nào, sứ vụ truyền giáo, “ra khơi loan báo Tin Mừng” của Hội Thánh cũng đều bắt nguồn từ một động lực sâu thẳm và cốt lõi nhất: Tình yêu Đức Kitô “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14). Vâng, Truyền Giáo chính là “sứ vụ duy nhất và không thay đổi, tại bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù có thể không được thực hiện theo cùng một cách thức như nhau. Như thế, những khác biệt vẫn thấy trong hoạt động của Giáo Hội không phát sinh từ bản chất của sứ mệnh, nhưng từ những điều kiện thực tế khi thi hành sứ vụ” (AG 6). Vì thế, chẳng lạ gì, trên chặng đường lịch sử 2000 năm, không ai phủ nhận công cuộc “chinh phục các linh hồn” của Hội Thánh luôn chịu những sức tác động khách quan và chủ quan, bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội.

Và sau đây là một thoáng nhìn về những yếu tố đó trong bối cảnh “Giáo Hội thế kỷ 17”.

1.1. Những yếu tố khách quan và “bên ngoài” Giáo Hội:

Trong sách “Niên Giám 2016” của Hội Đồng Giám Mục Việt nam, người ta đọc thấy bốn yếu tố hay “sự kiện” chính diễn ra trước khá lâu dẫn đến sự “chuyển mình” của Giáo Hội; một Giáo Hội Công Giáo lẫn quẫn trong cái “nôi Âu Châu” bắt đầu đứng lên tiếp cận những “chân trời mới” của thế giới. Bốn sự kiện tiêu biểu đó là (Xin trích):

– Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Constatinople (1453).

– Columbus đặt chân lên đảo Waitling tại Trung Mỹ (1492).

– Phái đoàn Magellan đi vòng quanh trái đất, bắt đầu từ Tây Ban Nha, đến cực Nam Mỹ (1520), tới Philippines, vượt Ấn Độ Dương vòng qua mũi Hảo Vọng về tới Tây Ban Nha.

– Hiệp định Tordesillas (1494) phân chia thế giới làm hai “dưới quyền bảo trợ” của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha[15] (Hết trích).

Cùng với “cái nhìn tổng quan” đó, các tác giả Stephens B. Bevans – Roger P. Schroeder còn đề xuất thêm một số nguyên nhân và tác động khác như: chế độ quân chủ chuyên chế lên ngôi; vai trò thần quyền của Giáo Hội nhường bước lần cho thế quyền của các vương quốc, đế quốc; khoa học khám phá ra la bàn và những con đường vòng quanh thế giới bao la được hỗ trợ bởi các lập thuyết “vật lý vũ trụ” của các nhà khoa học “cách tân” như Copernicus, Galilêô; những cuộc buôn bán nô lệ cho vùng đất mới Tân Thế giới; sự hấp dẫn của những cơ hội thương mại đường xa, những cuộc hải hành và chinh phục thuộc địa[16]…

1.2. Những yếu tố chủ quan và “bên trong” (hay thuộc về) Giáo Hội:

1.2.1. Công Đồng Trentô (1545-1563) và những cuộc canh tân triệt để:

Có thể nói được, có được “cuộc cách mạng truyền giáo” của Giáo Hội lúc bấy giờ chính là nhờ “viễn kiến mục vụ” đầy thức thời của Công Đồng Trentô[17]. Nhà sử học Công Giáo Việt Nam của Dòng Tên, cố linh mục Đỗ Quang Chính nhận xét: “Chúng ta đã biết Công đồng Trentô (1545-1563) có mấy điểm quan trọng trong nhiều điểm quan trọng khác, đó là: cải tổ sâu xa nội bộ Giáo hội, bảo vệ Giáo hội, cụ thể là ở châu Âu, khỏi bị cuốn theo Tin Lành, và mở rộng Giáo hội sang các dân tộc ngoài châu Âu, tức là công việc truyền giáo tại các châu Á, Phi, Mỹ…”[18].

Nói đến cuộc canh tân của Công Đồng Trentô không thể không nhắc đến công cuộc cải cách của các Giáo Hội Kitô thuộc các hệ phái Tin Lành. Chắc chắn nhờ một nền thần học “biểu thị một tinh thần con người đang cố gắng đi tìm một lối sống Tin Mừng triệt để hơn” mà động lực truyền giáo đã tác động không nhỏ lên Giáo Hội Công Giáo lúc bấy giờ[19]. Cũng trong bối cảnh “canh tân toàn diện đó”, cũng cần ghi nhận sự canh tân của các Dòng Tu và hình thành các Hội Dòng mới với một nền linh đạo mang niềm khát vọng mới về nội dung ý nghĩa của “Mission”: ra đi đến mọi chân trời góc biển để loan báo Tin Mừng[20].

1.2.2. Góc nhìn mới của Giáo Hội về thế giới:

Gần như trước thế kỷ 16, Giáo Hội và Âu Châu cứ cho rằng chỉ có Hy Lạp, Rôma, Do Thái, Hồi Giáo là tất cả; ngoài ra chỉ là man di mọi rợ. Chính nhờ sự khám phá thế giới và nhiều giá trị độc đáo cùng với những nền văn minh, văn hóa du nhập về Âu Châu…, Giáo Hội đã có một góc nhìn mới: “Khoảng từ đầu thế kỷ XVI trở về trước, Giáo Hội Công Giáo mới gặp gỡ các nền văn minh Hi Lạp, Roma, Ai Cập, Trung Đông và gặp gỡ tôn giáo lớn ngoài Kitô giáo như Hồi giáo. Nhưng với sự khám phá ra nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới sống trên quả đất hình tròn, chứ không phải là hình phẳng, Giáo hội “đụng” với những nền văn minh Ấn Độ, Trung Hoa, Đông Nam Á, Trung Nam Mỹ và ngỡ ngàng khi đối mặt với các tôn giáo lớn như Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thần đạo và nhiều dạng tín ngưỡng ở các châu lục ngoài châu Âu. Từ đó Giáo hội nhận thấy công cuộc truyền giảng Tin Mừng không dễ như xưa.”[21].

1.2.3. Một “định hướng” mang tính “cách mạng”: Thánh Bộ Truyền Bá Đức tin:

Chúng ta thừa biết, cho tới trước ngày 22.6.1622, toàn bộ công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, có thể nói được, là hoàn toàn lệ thuộc vào cái định chế “bảo trợ truyền giáo”[22] mà người “cầm chịch và chi phối toàn diện” chính là hai đế quốc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Quả thật, định chế nầy đã như một cái “gọng kềm” làm cho “cái đầu của Nhiệm Thể”, cái trung tâm lãnh đạo của Giáo Hội là Tòa Thánh Rôma phần nào bị “bó chân bó tay”[23]. (Xem thêm nhận xét về vấn đề nầy nơi tác giả Josef Holzer)[24].

Nhưng khi con người “bất lực” thì Chúa Thánh Thần đã can thiệp. Một cơ quan đầu não, điều hành toàn bộ công cuộc loan báo Tin Mừng mà không phải lệ thuộc bởi một thế lực trần tục nào, đã xuất hiện trong “cơ chế quản trị” của Hội Thánh hoàn vũ. Đó chính là Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin[25] được chính thức thiết lập ngày ngày 22-6-1622 do Đức Grêgôriô XV bằng Hiến chế (Constitutio) Inscrutabili Divinae Providentiae. Linh mục Đỗ Quang Chính nhận xét về sự kiện “cách mạng” nầy như sau: “Đứng trước hoàn cảnh này, Toà thánh phải tìm cách thoát ra khỏi cơ chế bảo trợ trong các vùng truyền giáo, phải đứng ra lãnh trách nhiệm trực tiếp và toàn bộ trong việc tổ chức và phái các thừa sai đến những xứ trên, mà không còn phải lệ thuộc vào quyền lực chính trị các đế quốc nữa. Như vậy mới tránh được nhiều tiêu cực trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Vì thế, dù quá hiểu cơ chế mới này trực tiếp đụng đến cách sắp xếp và điều hành quen thuộc của chế độ bảo trợ, nhất là của Bồ Đào Nha, làm vua mất nhiều ảnh hưởng, Toà thánh cũng phải vượt mọi ngãng trở để lập ra Thánh Bộ Truyền giáo.”[26].

 

2. Á Châu: “mảnh đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho cả loài người”.

Không phải chúng ta, những người Á Châu, nhưng chính Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người Ba Lan Âu Châu đã phát biểu như thế trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu: “Vì Chúa Giêsu sinh ra, sống, chết và chỗi dậy từ kẻ chết nơi Đất Thánh, vùng đất bé nhỏ ở Tây Á đã trở nên mảnh đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho cả loài người. Chúa Giêsu hiểu biết và yêu mảnh đất này. Người lấy lịch sử, những đau khổ và hy vọng của dân miền này làm của riêng mình…”[27].

Từ điểm xuất phát là “Trung tâm Giáo đô Rôma”, giờ đây, chúng ta thử đưa mắt nhìn về Á châu, một “Phương Đông huyền hoặc”, đầy thi vị và hấp dẫn mà hàng bao trăm năm trước thế kỷ 17, đã trở thành “điểm đến hấp dẫn” của hàng hàng lớp lớp đoàn người Phương Tây và Á Rập, trên con đường huyền thoại mang tên “Con đường Tơ Lụa”[28]; đó cũng là con đường để các thừa sai tung chân đem Tin Mừng cho những vùng Á Châu xa xôi vạn dặm[29].

2.1. Á Châu và công cuộc đón nhận Tin Mừng:

2.1.1. Kitô giáo: Đạo của Phương Tây hay của Phương Đông?

Xưa nay, người ta vẫn hay lập luận rằng: “Kitô giáo luôn là tôn giáo của phương Tây”. Nhưng tác giả Philip Jenkins đã nhận định: “Được sáng lập ở Cận Đông, Kitô giáo trong suốt một ngàn năm đầu tiên đã phát triển mạnh tại Châu Á và châu Phi hơn là tại châu Âu, và chỉ sau năm 1400 Châu Âu (và Bắc Mỹ chịu ảnh hưởng Châu Âu) mới thực sự trở thành trung tâm của Kitô giáo”[30]. Trong khi đó, tác giả Samuel Moffet lại đưa ra nhiều luận điểm để khẳng định “Giáo Hội Kitô đã được thiết lập tại Ấn Độ rất sớm, có thể là cuối thế kỷ thứ II, và chắc chắn là trước thế kỷ thứ IV” nhờ chính Thánh Tôma Tông Đồ, các Kitô hữu kiều dân Do Thái[31]; và tiếp nối là các đan sĩ khổ hạnh “bắt nguồn từ Syria”, với truyền thống linh đạo khác với các “ẩn tu Ai Cập, vốn thích rời xa thế gian để lui về sống trong các hang núi và các túp lều”, là “những nhà truyền giáo lưu động…, đã từng rao giảng Tin Mừng và thiết lập các cộng đoàn Kitô trên khắp đế quốc Ba Tư và đi rất xa về phía đông đến tận vùng mà nay là miền bắc Afghanistan”[32].

Chúng ta đừng quên, ngay từ Công Đồng Nicêa năm 324, đã có một Giám Mục tham dự Công Đồng đã ký tên nhân danh các Giáo Hội tại Ba Tư và Ấn Độ[33]. Cho nên, đúng như nhận xét của hai tác giả Stephens B. Bevans – Roger P. Schroeder: “Những người Châu Âu đã tỏ ra ngạc nhiên khi ngay từ đầu họ đã gặp các Kitô hữu Thánh Tôma ở Ấn Độ, các cộng đồng có bề dày lịch sử Kitô giáo hơn họ”[34].

Trong khi đó, vào năm 1623, người ta đã phát hiện một “tấm bia kỷ niệm… xác nhận rằng nhà truyền giáo người Đông Syria tên là Alopen đã đến kinh đô Tràng An của Trung Quốc năm 635, vào những năm đầu của triều đại hùng mạnh nhà Đường (618-907), thường được gọi là “Thời Hoàng Kim” của Trung Quốc”[35]; và như hai tác giả Stephens B. Bevans – Roger P. Schroeder ghi lại, thì cũng chính “Alopen được tiếp đón vào thư viện của Hoàng Đế (một trong những thư viện lớn nhất thế giới với 200 ngàn quyển) và được hoàng đế truyền lệnh bắt đầu dịch Kinh Thánh sang tiếng Trung Quốc. Năm 638 hoàng đế cung cấp tiền để xây dựng ngôi nhà thờ Kitô giáo đầu tiên tại Trung Quốc ở Tràng An, thành phố lớn nhất trên thế giới vào thời đó, và tiếp đến là xây dựng các nhà thờ và các tu viện khác. Năm 638, tại Trung Quốc có 21 tu sĩ, có lẽ tất cả là người Ba Tư”[36].

Cứ tưởng mọi sự rồi sẽ tốt đẹp, hạnh thông. Một mùa lúa vàng đồng đang đón đợi ! Nhưng “đá sỏi, nắng nôi, gai góc…” lúc nào cũng có để thử thách những “hạt giống Tin Mừng (Mt 13,3-9). Chắc chắn có nhiều lý do khiến công cuộc truyền giáo đầy hứa hẹn tại Á Châu đã bị ngưng trệ gần như tắt lịm suốt nhiều thế kỷ. Riêng hai tác giả Stephens B. Bevans – Roger P. Schroeder đã tóm lại trong “bốn phạm trù sau đây: tôn giáo, thần học, truyền giáo và chính trị”[37].

– Về tôn giáo: Á Châu đã là cái nôi của những tôn giáo lớn lâu đời như Ấn giáo (Hindu, Bà La Môn…), Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thần Đạo…; nếu “ăn ở không nên”, Kitô giáo dễ dàng bị khép vào loại “tôn giáo ngoại lai”, một thứ “tà đạo” cần khai trừ. Và đã xảy ra điều đó[38]. Đó là chưa kể, từ thế kỷ thứ 8, Hồi Giáo nổi lên với những cuộc bành trướng và chinh phục sắt máu đã phần nào đe doạ triệt tiêu những con đường truyền giáo ở phương Đông[39].

– Về thần học: Đâu là “chân lý” đâu là “mê tín dị đoan”? Một nền thần học thiếu bao dung và không mang tính “hội nhập văn hoá” sẽ chắc chắn khó thuyết phục; nếu không nói là bị “tẩy chay thẳng cẳng” như nhận xét của tác giả Ngô Công Đức: “Cuộc Tranh Cãi Về Nghi Thức Trung Hoa” hồi đầu thế kỷ 17 và những diễn biến sau đó là một bài học ‘xương máu’ cho sứ mạng của Giáo Hội, không chỉ ở Trung Hoa hay Ấn Độ mà còn tại nhiều nước khác nữa. Phải mất ba thế kỷ, Giáo Hội mới ‘nghĩ lại’ mà chấp thuận cho người Công Giáo Trung Hoa (từ 1939)[40] và Việt Nam (từ 1964)[41] có những thực hành tôn kính tổ tiên, thì ta đừng ngạc nhiên và cũng đừng phiền trách tại sao nhiều anh chị em lương dân ngày nay vẫn còn nghĩ rằng “theo đạo là bỏ ông bà.” Vì đâu mà Giáo Hội phạm sai lầm quá lớn và quá lâu dài như vậy? Vì ảnh hưởng của chế độ thực dân tây phương, và vì cảm thức tự tôn văn hóa nơi người tây phương. Thời ấy, các Kitô hữu tây phương không hề ý thức rằng thần học của họ đã bị điều kiện hóa bởi bối cảnh văn hóa; họ đơn sơ nghĩ rằng thần học ấy có hiệu lực phổ quát và siêu văn hóa. Và vì văn hóa tây phương được coi là văn hóa Kitô giáo, nên rõ ràng là văn hóa này phải được ‘xuất khẩu’ cùng với đức tin Kitô giáo!”[42].

– Về truyền giáo: Thay vì làm cho Tin Mừng thành men, thành muối biến đổi và thăng tiến, đồng hành và sẻ chia…, cung cách truyền giáo lại mang tính “chinh phục và lật đổ”: “Tâm thức và cách thức này như bị dội lại khi gặp hai cột trụ sừng sững của các dân tộc Á Châu: tức các tôn giáo lớn và các nền văn hóa kỳ cựu tại lục địa này, kỳ cựu hơn Kitô giáo rất nhiều. Chỉ xét về mặt tâm lý ứng xử thôi, thì một tín đồ cắm sâu trong truyền thống Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo hay Lão giáo, chẳng hạn, chắc chắn sẽ cảm thấy bị tổn thương và do đó sẽ đề kháng khi họ nhận ra các Kitô hữu đến để “truyền giáo” cho họ, theo nghĩa là để chinh phục họ, để xóa tôn giáo và văn hóa của họ và thay vào đó bằng Kitô giáo. Họ sẽ lịch sự nói cám ơn và quay đi chỗ khác khi nhận ra các Kitô hữu đến với họ trong tư thế của ông nhà giàu tự tôn và trịch thượng chỉ biết dạy và cho mà thôi chứ không hề biết học và nhận”[43].

– Về chính trị: Chính sách “bao dung tôn giáo” bị cuốn theo sự sụp đổ của triều đại Nhà Đường (907) bên Trung Quốc đã dẫn đến những cuộc bách hại khủng khiếp; cùng với các “hệ luỵ chính trị” từ các quốc gia theo Hồi Giáo (Giáo Hội cũng bị cuốn vào những cuộc “phiêu lưu Thập Tự Chinh”)[44]…, nên công cuộc truyền giáo tại Á Châu đã một thời đi vào ngõ cụt !

2.1.2. Á Châu và cuộc “tái rao giảng Tin Mừng”:

Nhưng “mùa xuân truyền giáo đã trở lại” tại vùng đất Á Châu nầy ! Kể từ năm 1541, “Thánh Phanxicô Xavier (k. 1506-1552) bắt đầu truyền giáo ở Ấn Độ, rồi sang Sri Lanka, Malacca, Nhật Bản”[45]. Riêng tại Trung Hoa, thì từ năm 1582, “cha Matteo Ricci (Lợi Mã Đậu) sang truyền giáo ở Trung quốc và mất năm 1610. Ngài khai mào cho những liên lạc văn hoá giữa Châu Âu và Trung Quốc”[46].

Có một điều chắc chắn là vào thời cha Đắc Lộ[47], tại trung tâm Goa, “một thành phố rất đẹp của người Bồ ở ven biển Ấn Độ Dương trong miền nhiệt đới, vĩ tuyến 15… đã có một đoàn giáo sĩ dưới quyền một Tổng Giám Mục, vị nầy cai quản hết mọi giáo dân ở miền này cho tới Trung Quốc. Có nhiều tu viện đẹp, sang, nam tu viện cũng như nữ tu viện”[48].

Nếu căn cứ vào thời điểm “9.9.1659”, tức thời Đức Giáo Hoàng Alexandre VII ký sắc lệnh “Super Cathedram”[49] bổ nhiệm hai Giám Mục Tông Toà Đàng Trong[50] và Đàng Ngoài[51] (F. Pallu và P.L. De La Motte), và sau đó một năm, 1660, bổ nhiệm Vị Giám mục Tông toà thứ ba (Cotolendi) cai quản Nam Kinh[52], thì có thể nói được, cả miền “Viễn Đông”, dọc ven biển từ Việt Nam cho tới Đông Bắc Trung quốc, Triều Tiên, hạt giống Tin Mừng đã “đâm chồi nẫy lộc”; một cuộc “tái truyền giảng Tin Mừng” sau hàng trăm năm lụi tàn kể từ đầu thiên niên kỷ II.

Sở dĩ có được những “nền móng” ban đầu để xây dựng công cuộc loan báo Tin Mừng vững chắc và phát triển về sau, ngoài công sức của các Hội Dòng như Đa Minh, Phanxicô, Augustinô…, phải ghi công đặc biệt cho các thừa sai Dòng Tên mà những gương mặt với phong cách truyền giáo tiêu biểu như Phanxicô Xaviê, Alexandro Valignano, Matteo Ricci, Roberto de Nobili, Alexandre de Rhodes vẫn còn ghi dấu ấn sâu đậm trong những trang dài lịch sử truyền giáo tại Á Châu[53]. (x. Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian)[54].

2.2. Hạt giống Tin Mừng trên “vùng đất chữ S”:

2.2.1. Hạt giống Tin Mừng theo chân những cuộc “Diaspora”:

Riêng tại vùng đất mang hình chữ “S” mà hôm nay là Việt Nam chúng ta, thì như sách Niên Giám 2016 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngay từ giữa thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17 (lấy cột mốc là năm 1533 theo bộ “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”), từ Bắc chí Nam đã ghi dấu những bước chân đi gieo hạt giống Tin Mừng của các vị thừa sai của các Dòng như Đa Minh, Phan Sinh, Augustinô, Dòng Tên… để chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo bài bản và chính thức[55] khi Toà Thánh thiết lập các giáo phận Tông Toà.

Có một điều không thể phủ nhận, đó là, công cuộc truyền giáo tại Việt Nam vào thế kỷ 17, có thể nói được, phần nào là một “cơ may đến từ cái rủi”, gần giống như thời Giáo Hội trong buổi khai sinh mà sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác[56] về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri…. Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa.” (Cv 8,1.4).

Thật vậy, như tác giả Charles Duniol đã ghi nhận: “Vào năm 1614, khi Dafiusama, hoàng đế Nhật Bản, ban lệnh trục xuất mọi vị thầy tu người châu Âu ra khỏi quốc gia này, những giáo sĩ Dòng Tên với một số đông các giáo dân người Nhật Bản tìm đến nương náu tại các vương quốc lân cận. Những cha Dòng Tên trẻ tuổi được cử đến Philippines hoặc Macao để hoàn thành việc học tập và chuẩn bị việc phong phẩm chức, những giáo sĩ khác rút về trốn tránh với đàn con chiên của mình, một phần ở Đàng Trong, một phần ở Siam hoặc Cam bốt, một phần ở Đàng Ngoài hoặc trong đảo Hải Nam…”[57]. (x. Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian; tr. 46-47: Cơ duyên các thừa sai Dòng Tên đến Đàng Trong).

Kể từ biến cố đó, Ma Cao đã trở thành “Trung Tâm” của Dòng Tên điều hành công cuộc truyền giáo tại Viễn Đông, trong đó có Việt Nam chúng ta[58]. Riêng tại Việt Nam, kết quả của công cuộc truyền giáo của Dòng Tên vào thời điểm đó đã được đánh giá tóm tắt như sau: “Với số 36 thừa sai ra vào làm việc trên một miền đất xa lạ từ năm 1615 đến năm 1659, có khi chỉ có một thừa sai, có khi cả 10 năm không có bóng dáng một thừa sai nào. Tuy nhiên, với phương châm “Ad majorem Dei gloriam – Cho vinh danh Thiên Chúa hơn” của Dòng Tên và do biết ứng xử, vận dụng nếp sống văn hóa của người Việt, các thừa sai đã gặt hái được nhiều kết quả”[59].

2.2.2. Một mảnh đất màu”:

Đó là bối cảnh truyền giáo liên quan đến “người rao giảng”. Trong khi đó, miền đất Việt Nam vào thế kỷ 17, theo “thực tế chính trị xã hội”, đó là thời kỳ “Trịnh Nguyễn phân tranh” với hai lãnh địa hoàn toàn như hai vương quốc độc lập về văn hoá, chính trị, kinh tế[60]…: Đàng Ngoài từ bắc Sông Gianh trở ra và Đàng Trong từ nam sông Gianh trở vào giáp với vương quốc Champa mà biên giới bấy giờ nằm ở phía nam Dinh Trấn Biên thuộc Phú Yên, nơi thừa sai Đắc Lộ đã rửa tội cho 90 người, trong số đó có Á Thánh Anrê Phú Yên, vào dịp Phục Sinh năm 1641[61].

Cho dù đang là thời chiến tranh giữa “Trịnh – Nguyễn”, hạt giống Tin Mừng đã được dân cả hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài đón nhận như một “mảnh đất tốt”. Theo nhận xét của cha Christoforo Borri: người Đàng Trong cởi mở, thân thiện, dễ dàng đón tiếp và gặp gỡ các thừa sai: “ở Đàng Trong, dân chúng đến bắt chuyện với chúng tôi từng đám đông, hỏi chúng tôi hàng ngàn điều, mời chúng tôi ăn uống và đối xử với chúng tôi muôn vàn lịch thiệp, gần gũi và văn minh. Đó là những trải nghiệm đã xảy đến với tôi và các bạn hữu; chỉ vừa bước chân vào nhà họ, chúng tôi đã được coi như bạn bè quen biết từ lâu. Đây quả là một điều kiện tốt để các sứ giả của Chúa Giêsu rao giảng Phúc Âm”[62]. (x. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN tr. 37). Nhưng đây cũng là vùng đất không thiếu những người có học, trí thức, đầy chín chắn và sâu sắc, khó đón nhận chân lý Phúc Âm, như chính văn kiện Monita xác nhận: “Đặc biệt có một người xứ Đàng Trong, đầu óc chín chắn và hơn nữa sâu sắc, đã mắc phải những lầm lạc kiểu này mà đến giờ chúng tôi đã chưa thể dẫn đến đón nhận giáo huấn Tin Mừng”[63].

Trong khi đó, dân Đàng Ngoài, nhờ các yếu tố “văn hoá, khung cảnh, nếp sống, tín ngưỡng, phong tục xã hội” mang tính truyền thống cố cựu hơn, nên xem ra “thuận lợi cho đạo Công Giáo, một Công Giáo thế kỷ XVII với những “cơ cấu đạo” dễ được dân Đàng Ngoài chấp nhận hơn Đàng Trong và các dân tộc láng giềng”, như báo cáo của thừa sai João Cabral: “Con nhận xét trong cõi phương đông, chẳng có dân tộc nào có điều kiện thích hợp với Kitô giáo hơn dân tộc Đàng Ngoài. Đó là một dân tộc đơn sơ, ngoan hiền, không vương mắc những thói tật xấu xa, thường làm cho người ta khó thực hành các nhân đức Kitô giáo”[64].

Phải chăng, chính nhờ những “yếu tố thuận lợi” đó, mà vào thời điểm khai diễn “Công nghị Ajuthia 1664”, Đàng Trong đã có 50.000 tín hữu và Đàng Ngoài khoảng 350.000 giáo dân cùng với hàng trăm ngôi nhà thờ đã được xây dựng từ Bắc vô Nam để dân Chúa quy tụ thờ phượng Chúa và sinh hoạt đức tin[65].

2.3. Công việc của Chúa và yếu tố con người:

Không ai phủ nhận công sức của các tu sĩ, nhất là các thừa sai Dòng Tên, trong việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta trong giai đoạn thế kỷ 17; và cũng không ai loại trừ những đóng góp quý báu của một công cụ truyền giáo mang tính thời sự và thực tế lúc bấy giờ gọi là “Chế độ bảo trợ truyền giáo” mà Toà Thánh ký thác trong tay hai “mạnh thường quân” là đế quốc Tây Ban Nhà và Bồ Đào Nha qua Sắc chỉ Inter Caetera[66].

Tuy nhiên, cho dù là “Dòng Tên” hay là những “quốc gia Công Giáo” thì vẫn là những “tập thể con người”. Dẫu biết rằng “Truyền Giáo” là “công việc của Chúa”[67]; nhưng các thừa sai, các định chế, các tổ chức, hiệp hội truyền giáo lại… lại mang “yếu tố con người” cùng với tất cả những yếu đuối và giới hạn, bất toàn và tội lỗi[68] !

Về mặt Dòng tu, cũng chính trong thế kỷ 17 và tại vùng đất Á Châu nầy, đã không tránh khỏi hiện tượng “tinh thần thế tục” lây nhiễm và chi phối đời sống của không ít tu sĩ, khiến nhiều vị sống buông thả, bất chấp các lời khấn và nhân đức của bậc tu trì[69]; tinh thần “cạnh tranh băng nhóm”, phá đổ sự hiệp nhất giữa các Hội Dòng[70] và ngay cả với thẩm quyền Hội Thánh[71]…

Trong khi đó, đế quốc Công Giáo Bồ Đào Nha, cho dù được Toà Thánh tín nhiệm và uỷ thác cho trách vụ thánh thiêng “Bảo Trợ Truyền Giáo”, nhưng khi có được “thế quyền” cọng với sự lạm dụng “thần quyền” được uỷ nhiệm, một số người Bồ (công chức, lái buôn, thuỷ thủ…; cả các linh mục, tu sĩ) đã dần dần bị tinh thần thế tục chi phối và bộc lộ đầy dẫy những tham vọng và khiếm khuyết như “bảy sự” được Đức Cha Lambert vạch trần: “sự hống hách kiêu căng khinh thường dân bản địa, tinh thần thống trị, mâu thuẩn giữa cuộc sống và lời rao giảng, hưởng thụ ăn không ngồi rồi, thường xuyên gây gương mù gương xấu, mại thánh, không đáp ứng đủ nhân sự[72].

 

3. Đã đến lúc cần một “Công Nghị” để bắt đầu lại:

Chúng ta vừa rà soát lại những “yếu tố chín mùi” và là những nguyên nhân đỉnh điểm để dẫn đến sự kiện lịch sử trọng đại “9.9.1659”, việc Toà Thánh thiết lập hai giáo phận và bổ nhiệm hai Giám Mục Tông Toà Đàng Trong và Đàng Ngoài. Cùng với biến cố lịch sử có tính “bước ngoặc” trên, đó là sự ra đời Huấn Thị 1659 của Toà Thánh dành cho các Đại Diện Tông Toà đi các nước Trung Quốc, Đàng Ngoài và Đàng Trong[73]; để rồi, từ “văn kiện mục vụ” quan trọng nầy, khi các Giám Mục và phái đoàn được cử đi đặt chân lên vùng đất Á Châu Ayutthaya[74], họ đã bắt tay tiến hành một “Công Nghị” để xây dựng một “Kim Chỉ Nam Truyền giáo” sao cho hoàn chỉnh, khả dĩ đáp ứng thật tốt cho “giai đoạn “Truyền bá Phú Âm mới” nầy.

Vâng, đó là sự ra đời của văn kiện “MONITA AD MISSIONARIOS”, kết quả của “Công Nghị Ajuthia 1664”, một “tiến trình Công Nghị” bài bản và truyền thống, mang đầy đủ chiều kích “Synodality”[75] như được ghi nhận như sau: “Trước tiên họ đã tìm nguồn cảm hứng trong việc tĩnh tâm và sám hối, họ cầu nguyện, ăn chay trong nhiều ngày, khai mạc các cuộc họp bằng việc cử hành thánh lễ cầu xin Chúa Thánh Thần, tiếp đến họ phân phát các đề mục sẽ được bàn thảo và không quên dặn dò ‘Mỗi người hãy củng cố tất cả các phương châm và các quyết định về các đề mục này dựa vào Kinh Thánh, Giáo Luật và các Hiến Chế của các Đức Giáo Hoàng, học thuyết các Giáo Phụ, dựa theo hạnh các thánh, nhất là hạnh thánh Fr. Xavier’. Từ những công việc được thảo luận chung và được phối hợp chặt chẽ nầy, một quyển sách đã ra đời với nhan đề: Những Chỉ Dẫn để chu toàn nhiệm vụ Tông Đồ, rất có ích cho các xứ truyền giáo Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong, Siam. Những chỉ dẫn này được soạn thảo do các vị thừa sai thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo tại Ayuthaya, thủ đô vương quốc Siam”[76].

II. VĂN KIỆN “MONITA AD MISSIONARIOS”: NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT

1. Sự “Phân Định” cần thiết: Huấn thị 1659:

Mở đầu cho Chương V của tông huấn Gaudete et Exsultate (hãy Vui Mừng và Hoan hỉ), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có những lời sau: “Đời sống Kitô hữu là cuộc chiến đấu liên lỉ. Chúng ta cần sức mạnh và sự can đảm để chống lại những cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin Mừng.” (GE 158). Và cuộc “chiến đấu liên lỉ” đó chính là “hành trình Phân Định”, một sự “cần thiết trong những thời điểm đặc biệt”, như cách ngài cắt nghĩa: “Phân định không chỉ cần thiết trong những thời điểm đặc biệt, khi chúng ta cần giải quyết những vấn đề hệ trọng và đưa ra những quyết định gay go, nó còn là một phương thế của cuộc chiến thiêng liêng giúp chúng ta đi theo Chúa cách trung thành hơn. Sự phân định luôn là điều hữu ích, nhằm giúp ta nhận ra chương trình của Chúa và ân sủng của Ngài, đồng thời giúp ta không để vụt mất những gợi ý Ngài soi sáng và không xem thường lời Ngài mời gọi ta lớn lên.” (GE 169).

Một cách nào, chúng ta có thể nói được, Giáo Hội Mẹ đã có một cuộc “Phân Định” tới nơi tới chốn trong biến cố thiết lập Thánh Bộ Truyền Giáo năm 1622; để từ đó đi tới quyết định thành lập các Giáo Phận Tông Toà Đàng Trong, Đàng Ngoài, Nam Kinh cùng với văn kiện Huấn Thị 1659.

Thật vậy, trước khi đi tới những quyết định khôn ngoan được đúc kết nơi “Bản Huấn Thị 1659”, Toà Thánh thông qua Thánh Bộ Truyền Giáo mà người “cầm chịch” chính là Đức Ông Phanxicô Ingoli (1578-1649), người có công đầu trong cuộc “Đại Phân Định” nầy[77]. Chính “Vị Thư Ký Thánh Bộ” này “đã tổ chức được một hệ thống tiếp thu tin tức ở mức độ tuyệt hảo, bằng cách nhờ đến các khâm sứ Toà Thánh, các bề trên tổng quyền các dòng tu khác nhau; và chính các thừa sai, hay các tác giả những bản tường trình chu đáo đầy dữ liệu, hay các vị chỉ tạm dừng chân tại Roma. Trong mức độ có thể, Đức Ông Ingoli còn chú tâm lo kiểm chứng các tin tức nhận được”[78]. Đặc biệt, từ các “bản tường trình chu đáo” 1625, 1628 và 1644[79], Thánh Bộ Truyền Giáo hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để “phân định” và đưa ra một quyết sách mới về Truyền Giáo được cụ thể hoá nơi Huấn Thị 1659 mà tác giả Joseph Metzler đã tóm tắt với bảy điểm cốt yếu sau:

  1. Tìm giải thoát hoạt động truyền giáo khỏi chế độ thực dân mà vào thời đó là chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
  2. Tìm giải thoát hoạt động truyền giáo khỏi các vấn đề chính trị.
  3. Tìm giải thoát hoạt động truyền giáo khỏi mọi tổ chức thương mại.
  4. Tìm tuyển chọn và đào tạo những thừa sai xứng đáng với nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng.
  5. Tìm thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ.
  6. Tìm thực hiện việc, mà nói theo ngôn ngữ thần học hôm nay, là “hội nhập văn hóa”.
  7. Tìm phương cách truyền giáo có tính mục vụ và nhân bản hơn: rao truyền, giảng dạy, bàn luận, cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, khuyên bảo, khuyến khích, cử hành bí tích, ấn loát sách vở, mở trường dạy học, v.v…[80].

2. Từ Huấn Thị 1659 đến Công Nghị Ajuthia 1664:

Con đường từ Âu Châu sang Á Châu thuở ấy dài “vạn dặm” ! Trong “Phái đoàn” đi về Châu Á “dưới chiếc ô dù của Thánh Bộ Truyền Giáo” từ tháng 6.1660 (Ngày Đức Cha Lambert de la Motte rời nước Pháp) cho đến ngày 3.01.1662 (Ngày Đức Cha Pallu lên đường) có cả thảy 17 vị thừa sai (Giám mục + Linh mục + giáo dân), nhưng chỉ có 9 vị tới được Ayuthaya; còn 8 vị đã chết dọc đường (Trong đó có Đức Cha Cotolendi. Ngài khởi hành vào tháng 7.1661, lâm bệnh chết ngày 26.8.1662 và được chôn ở bờ biển Đông Ấn)[81].

Đã có được “Định hướng của Thánh Bộ” trong tay, lại may mắn có được một thời gian thuận lợi để quan sát cùng một địa điểm yên bình để cầu nguyện và làm việc chung, “nhóm thừa sai Pháp” đã tiến hành một Công nghị vào Thứ Sáu sau ngày Thứ Tư Lễ Tro năm 1664[82], với lý do thiết thực nhưng cũng đầy nhạy cảm cho chương trình mục vụ lúc bấy giờ: “Xét định các bê bối rất lớn và vô kỷ luật của những giáo sĩ triều và các dòng tu nơi những miền này, nói chung, và cách riêng, lo tránh né các tệ hại đó và tìm các phương tiện để đừng sa ngã vào”[83].

Đây cũng là kết quả của một sự “Phân định” kỹ lưỡng mà chúng ta có thể nhận rõ nơi bức “Thư đệ trình Đức Thánh Cha Clément IX” (để giới thiệu tổng quát về tài liệu Monita của Công nghị Ajuthia 1664) của hai vị chủ chăn vừa mới được bổ nhiệm: “Từ lúc mà Thiên Chúa nhân từ đã đoái thương gọi chúng con đi truyền giáo, mặc dù chúng con bất xứng; và từ lúc mà vị Tiền nhiệm của Đức Thánh Cha, Đức Alexandre VII đáng nhớ, đã cất nhắc chúng con lên hàng Giám Mục và sai chúng con đến với lương dân giúp họ trở lại, thì không điều gì khiến chúng con quan tâm hơn là đem hết sức lực để hoàn thành sứ mạng cao quí và quan trọng này. Chúng con đã nghe nhiều, chúng con đã đọc nhiều, chúng con cũng đã quan sát tường tận tại các cuộc họp với những anh em đồng nhiệm từ các xứ truyền giáo, và nhờ kinh nghiệm chúng con đã xem xét kỹ lưỡng tất cả các tường trình. Một biến cố “thuận lợi” chưa chắc đã giúp ích cho chúng con bằng việc chúng con phải bị bắt buộc dừng lại lúc vừa đến ranh giới lãnh thổ được giao phó. Ý Chúa quan phòng đã làm chậm lại những nỗ lực của chúng con để chúng con cùng nhận ra điều phải làm hoặc phải tránh, đồng thời sự quan phòng cũng bảo đảm “một vụ mùa bội thu” sắp tới.”[84].

3. Bố cục nội dung và tiêu đích nhắm tới.

3.1. Từ định hướng của Huấn thị 1659:

Như chúng ta biết, Công Nghị Ajuthia 1664 với văn kiện đúc kết là MONITA AD MISSIONARIOS, thực chất là việc triển khai các định hướng của Huấn Thị 1659 để đưa vào áp dụng mục vụ thực hành, nhất là Phần III của Huấn Thị nầy: Tại nơi truyền giáo (In ipsa missione). Riêng trong Phần III, Huấn Thị đã đề nghị 23 mục[85], trong đó, có hai mục quan trọng được MONITA tập chú khai triển và đề xuất những phương án hành động: mục (17): Buộc các linh mục giữ đúng kỷ luật truyền giáo và mục (22): Đào tạo linh mục tương lai.

Chúng ta có thể nhận rõ “nội dung và đích nhắm” nầy nơi chính “Thư Đệ Trình” của quý ngài gởi cho Đức Giáo Hoàng Clément IX: “Cũng thế, để những nơi được giao cho chúng con tránh được những tai họa như thế, chúng con mạo muội đưa ra một số ý kiến mà chúng con tin sẽ giúp tránh xa được những bất trắc sẽ xảy ra, những ý kiến này chúng con tóm gọn trong tập CHỈ DẪN. Do đó, trong tài liệu này, chúng con trình bày cách thức phải tránh những thói quen buông thả bằng cách sống các nhân đức tông đồ (chương I). Chúng con quan tâm đến việc cải thiện cách truyền bá Tin Mừng, dựa theo cách thức tuyệt diệu của Chúa Kitô và các Tông đồ (ch II, III và IV). Sau cùng, để đánh tan sự dốt nát, chúng con đã trình bày những bổn phận phải thực thi khi đi làm việc tông đồ nơi lương dân (ch V), nơi các dự tòng (ch VI), nơi những ứng viên đã được tuyển chọn để lãnh nhận Phép Rửa (ch VII), nơi các tân tòng (ch VIII), nơi các tín hữu đã được đào luyện (ch IX), nơi những thầy giảng sẽ được lãnh chức linh mục (ch X). Trong phần phụ lục, chúng con cũng thêm những ý kiến rất hữu ích liên quan đến cách giảng dạy cho có hiệu qủa, hoặc những điều phải truyền đạt.[86].

3.2. Bố cục nội dung của “MONITA”:

Như “lời giới thiệu tổng quát” của “Thư Đệ Trình” vừa nêu, chúng ta biết văn kiện Monita gồm có mười Chương và một phần Phụ lục. Trong khi đó, nơi “Lời Tựa” của Văn kiện, chúng ta lại được các ngài phối trí nội dung Monita thành ba phần rõ rệt, như một “tiền đề” gợi hứng để sau nầy, vào thế kỷ 20, trở thành phương pháp của Phong trào Thanh Sinh Công đó là “XEM, XÉT, LÀM”[87]; hay mới đây, rọi sáng cho “cấu trúc diễn trình biện phân” của “Tài liệu làm việc” của Thương Hội Đồng Gám Mục thứ XV về Giới trẻ[88], đó là: NHÌN NHẬN, GIẢI THÍCH VÀ LỰA CHỌN.

Sau đây, có thể tóm tắt các nội dung của MONITA thành ba chủ đề chính như sau:

– Tìm hiểu và đánh giá hiện tình (Xem hay Nhìn nhận)

– Phân định dưới ánh sáng Lời Chúa (Xét hay Giải thích)

– Lựa chọn phương án tối ưu để hành động (Làm hay Lựa chọn)[89].

III. MONITA AD MISSIONARIOS: ĐỊNH HƯỚNG VÀ ÁP DỤNG

1. Điểm nhấn mang chiều kích “linh đạo”: Tìm hiểu khái quát nội dung MONITA:

Có thể nói được rằng: toàn bản văn Monita là những “nhận định, phân tích, khuyến dụ và định hướng” liên quan trực tiếp đến “hành trang lên đường” cho các thừa sai. Quả thật, đây đích thị là một “văn kiện Huấn Quyền”, được cảm hứng và soi sáng từ “Kinh Thánh, Giáo Luật và các Hiến Chế của các Đức Giáo Hoàng, học thuyết các Giáo Phụ, dựa theo hạnh các thánh, nhất là hạnh thánh Fr. Xavier…”[90]; cùng với việc các ngài đã “nghe nhiều, … đã đọc nhiều, … quan sát tường tận tại các cuộc họp với những anh em đồng nhiệm từ các xứ truyền giáo, và nhờ kinh nghiệm (các ngài) đã xem xét kỹ lưỡng tất cả các tường trình”[91]. Chính vì thế, bản văn của MONITA có thể nói được chứa đựng cả một kho tàng “linh đạo truyền giáo” dành cho những ai dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng như chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận trong thông điệp REDEMPTORIS MISSIO (Sứ Vụ Đấng Cứu Độ): “Hoạt động truyền giáo đòi hỏi một linh đạo riêng, linh đạo này đặc biệt chi phối những người được Chúa kêu gọi trở nên nhà truyền giáo” (RM 87).

Sau đây, chúng ta sẽ dừng lại những “điểm nhấn quan trọng” của MONITA.

2. XEM (Nhận diện tiêu cực): Không lẽ thừa sai là như thế? (CHƯƠNG I):

2.1. Mất phương hướng: “đánh mất nhiệt tình ban đầu hầu như không còn quan tâm đến những dân tộc được giao phó cho họ, rồi chẳng bao lâu sau, họ không quan tâm đến chính phần rỗi của mình nữa”[92].

2.2. Buông thả và nuông chiều thân xác: “Thật vậy, quá lo lắng cho thân xác và những sự dễ dãi không chính đáng đã dàn dần làm suy yếu lòng yêu mến Thiên Chúa nơi nhiều vị khiến họ coi trọng xác thịt hơn tâm linh”[93].

2.3. Nô lệ cho lòng tham và chiếm hữu: “Lòng tham vô đáy muốn chiếm hữu tất cả dẫn đến cuộc sống xa hoa và yếu nhược. Từ đó ta mới hiểu nết xấu này đã biến những môn đồ thành tín của đức nghèo khó Tin Mừng trở nên những nô lệ xấu xa của tiền bạc. Đó là cách thức dẫn đưa những tôi tớ Chúa Kitô đến chỗ phục vụ ma quỉ”[94]; “chính lòng ham muốn này đặt nhà thừa sai vào tình trạng nguy hiểm nhất, vì nó dùng cái vẽ bề ngoài của nhân đức để che phủ cái xấu. Bởi kẻ bị lòng khát khao trên dày vò, thường cho việc tích trữ của cải là biết khôn ngoan tiên liệu; y lấy cớ phải đáp ứng nhu cầu trước mắt trong nhà, phải lo trang hoàng nơi thờ phượng, phải tổ chức lễ lạc. Như thế, y tự cho là không bao giờ thừa và không bao giờ đủ, dù những của dâng cúng người ta giúp y có đến mức nào đi nữa. Lòng tham của y vô đáy ! Còn gì nữa? Y còn viện cớ phải truyền bá đạo Chúa, phải vận động các vua quan, phải dùng quà cáp để lấy lòng, phải làm cho dân chúng thán phục bằng vẻ hào nhoáng bên ngoài và phải bảo vệ phẩm giá của mình. Và rồi, cuối cùng chính y bị đưa đảy cách thảm hại vào việc tích luỹ của cải bằng những phương thế đáng khinh và bất chính”[95].

2.4. Xa rời nền tảng, đối nghịch với tinh thần tông đồ: “Vậy phải nhận định thế nào về sự đối nghịch giữa những lo toan này vói tinh thần tông đồ?”; và Monita đã chỉ ra vài nét về “tinh thần tông đồ” như sau: Lời mời gọi của chính Chúa Giêsu: “Nếu ai muốn theo ta thì hãy chối bỏ chính mình, vác lấy khổ giá mà theo Ta” (Lc 9,23); Đời sống của Chúa Giêsu và các Tông Đồ: “Chúa Giêsu không có cả nơi gối đầu” (Lc 9,58); chứng từ của Thánh Phaolô: “Cho đến giờ nầy chúng tôi phải đói, phải khát, mình trần thân trụi.v.v…” (1 Cr 4,11); mẫu gương của các thánh: “Thánh F.r. Xavier, vị tông đồ vĩ đại của xứ Ấn Độ…”[96].

2.5. Tính tự phụ và vinh quang phù phiếm: “Cho nên đối với các thừa sai, không gì nguy hiểm hon là tính tự phụ và vinh quang phù phiếm. Thật vậy, chính ính tự phụ, đã biến Thiên Thần hành ma quỉ; khi tính tự phụ xâm nhập vào tâm hồn của vị thừa sai, nó liền phá huỷ công trình của Thiên Chúa khiến vị này liều lĩnh mà không lường được sức mình. Vinh quang phù phiếm tước đoạt rất nhanh phần thưởng chính đáng sau nhiều năm nỗ lực…”[97].

2.6. Hướng ngoại, đánh mất đời sống nội tâm, cầu nguyện: “Dần dà, ngài sẽ bỏ bê những thực hành thường ngày của mình như cầu nguyện, xét mình, đời sống nội tâm; ngài sống hướng ngoại, không chu toàn bổn phận và hoàn toàn quên cả chính mình”[98]; Điều xấu mà chúng ta vừa nói đến, đã hoành hành khắp cả Ấn Độ, đến mức mà ba lời Khấn Dòng, đáng ra phải là những liều thuốc hữu hiệu nhất, thì đã không thể giữ cho một số tu sĩ tránh khỏi những tổn hại bi thảm. Phải có một nguyên nhân tiềm ẩn của sự đồi truỵ này. Khi xem xét kỹ càng người ta nhận ra một nguyên nhân duy nhất: Sự lơi lỏng tinh thần cầu nguyện trong những miền này đã lên đến mức báo động như lời tiên tri Giêrêmia: “Cả xứ đã ra cằn cỗi, mà không người để tâm lo đến” (Gr 12,11)[99].

3. XÉT (Giải thích tích cực): Không phải như thế này sao? CHƯƠNG II,III:


3.1. Thái độ đầu tiên: tĩnh tâm gặp gỡ Chúa Kitô: “Vậy nên, ngay khi vị thừa sai đặt chân đến xứ truyền giáo sẽ được giao phó cho mình, ngài mau mắn đưa mắt nhìn lên Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Người Mục Tử, để được chúc phúc. Và khi hoàn cảnh cho phép, ngài sẽ rút lui để tĩnh tâm hầu tích luỹ những nhân đức cần thiết, ngài sẽ dâng lên Chúa Kitô các linh hồn được giao phó cho ngài, và đem hết mình dạy dỗ họ, ngài vui sướng vì đã đổ công sức chăm lo cho các linh hồn, và có thể một ngày nào được đổ máu mình nữa”[100].

3.2. Khổ chế và cầu nguyện: “Cho nên vị thừa sai, để thanh tẩy mình khỏi mọi vết nhơ, hãy cùng Môsê tháo giày ra trong nơi hiu quạnh, phải cởi bỏ con người cũ cùng mọi quyến luyến xác thịt, phải chế ngự thân xác mình bằng chay tịnh và bắt nó phải phục tùng tinh thần bằng sự khổ chế, và bắt tinh thần phải tùng phục Thiên Chúa bằng cầu nguyện. Như vậy ngài sẽ xứng đáng được đàm đạo với Thiên Chúa, và để Người trao ban lề luật mà sau đó ngài sẽ làm cho các dân tộc phải tuân giữ”[101].

3.3. Chống lại ma quỉ bằng vũ khí hữu hiệu: Lời Chúa (Ep 6,10-17): “Nhưng để thắng chúng cách tốt hơn, vấn đề là phải tấn công; thánh tông đồ Phaolô như vậy đã có lý khi chỉ ra lưỡi gươm tinh thần, nghĩa là Lời của Thiên Chúa (Ep 6,17). Thật vậy, không gì bằng Lời Chúa để bẻ gãy những nỗ lực của ma quỉ…”[102].

3.4. Tìm hiểu thực trạng: “Vậy nên khi vừa cấm phòng xong, ngài cố gắng hết sức để tìm hiểu tình trạng của nơi truyền giáo…; nghiên cứu cặn kẽ phong tục địa phương và các sở thích của dân chúng…; khám phá mọi thứ liên quan đến tôn giáo của dân địa phương, những nghi lễ và những sai lầm phổ biến nơi họ…; tìm hiểu kỹ thời kỳ mới du nhập đạo, lịch sử xuất phát, những phương thức được các đấng thừa sai dùng để củng cố ngọn đuốc đức tin và chủ yếu những người đã thành công nhất; cuối cùng nếu có sự gián đoạn trong việc phát triển các xứ truyền giáo, thì lý do là gì và lúc đó cách ứng xử của các thừa sai ra sao?…; tìm hỏi số tín hữu, số nhà thờ, số thừa sai và Thầy giảng, về cách sống và dạy dỗ của họ, về những qui chế Giáo Hội hiện hành nơi đó, về những qui chế chưa được ban hành, về qui chế bị vi phạm hoặc đã bị huỷ bỏ do tập quán đặc biệt…; tìm hiểu chính quyền dân sự, nhưng với sự đúng mức mà sự việc đòi hỏi để hướng dẫn cộng đoàn của mình, lợi thế của Giáo Hội và việc thi hành đều đặn của chức vụ tông đồ”[103].

3.5. Học ngôn ngữ: “Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã không sai các thánh Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian mà không trước tiên ban cho các ngài ơn nói các thứ tiếng (Cv 2,4). Điều đó rõ ràng cho thấy sứ vụ rao giảng kéo theo sự cần thiết học các thứ tiếng, bởi vì Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan của Ngài, đã muốn rằng đức tin lan truyền bằng phương thức rao giảng. Thật vậy, “Ấy vậy, tin là do bởi đã được nghe, còn nghe là nhờ việc rao giảng Lời Đức Kitô” (Rm 2,17)[104].

3.6. Tựa nương vào Chúa thay vì tìm kiếm phương tiện tuần tuý con người: Thánh Ambroise đã nói với chúng ta điều đó. (lib. 6, in Luc., cap.9): “Người loan báo Nước Thiên Chúa phải như thế nào thì Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã chỉ thị rõ trong Tin Mừng: hãy ra đi không gậy, không bao bị, không giày dép, không bánh và không tiền bạc, nghĩa là ngài không tìm những hỗ trợ phàm tục, nhưng mạnh mẽ nhờ đức tin, ngài hãy xác tín rằng càng ít sử dụng chúng thì càng có lợi” (…) “Cho nên ngài đừng tìm kiếm những chỗ dựa khác với những chỗ mà Tin Mừng gợi lên cho ngài. Vả lại, ngài cần xác tín rằng cánh tay của Thiên Chúa vốn đã dài và rằng điều còn thiếu, không phải là nhờ phép lạ, nhưng là những con người tông đồ xứng đáng phục vụ Thiên Chúa như là những dụng cụ để thực hiện phép lạ ấy;… Tuy nhiên, sự tin tưởng này phải luôn luôn đi kèm với sự khiêm tốn, không bao giờ quá liều lĩnh hay quá tự phụ để đòi những phép lạ tức thời, nhưng phải biết chờ đợi”[105].(x. MONITA, Chương III, Tiết 4: Không trông chờ vào những thủ thuật con người)[106].

3.7. Tránh xa việc buôn bán, thương mại: “Một số thì xấu và không được phép làm trong mọi trường hợp: việc rõ nhất là thương mại, bởi vì nó làm tổn hại nặng nhất đến thanh danh của sứ vụ tông đồ. (…) Một vị kỳ cựu ở xứ truyền giáo Ấn Độ đã nói: “nếu cần một phép lạ để việc loan báo Tin Mừng có hiệu quả, thì phép lạ ấy là các sứ giả khi rao giảng tránh được mọi nghi ngờ là ngài ham mê tiền bạc hay tiếng đồn ngài sống vô luân” (Acista, de procur. Indorum convers., lib. 5, c. 22)[107].

3.8. Không dùng bạo lực và áp đặt: “Chúa Kitô đã muốn chế ngự thế gian, không phải bằng thanh gươm, mà bằng Thập giá. Ngài đã sai các Tông đồ như chiên vào giữa sói rừng (Lc 10,3); Ngài đã quở trách nghiêm khắc Phêrô vừa chém một nhát gươm để bảo vệ ngài (Mt 26,52). Cũng thế, thánh Phaolô đã nói: “Quả vì khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không thuộc về xác thịt, nhưng có quyền phép của Thiên Chúa, để triệt hạ các đồn lũy” (2 Cr 10,4)[108].

3.9. Không dựa trên sự khôn ngoan loài người (Một thứ “Ngộ Đạo”): “Đó chính là khoa học mà những nhà khôn ngoan của thế gian rao giảng với những lời nói lắt léo, trí trá của con người. Chính về những người đó mà đã được viết: “Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của hạng khôn ngoan, và Ta sẽ triệt tiêu trí thông thái của hạng người thông thái.” (1 Cr 1,19). Rõ ràng là những hạng người thiếu lòng tin này đã không được trải nghiệm rằng việc trở lại không phải là kết quả của người trồng, cũng không phải của người tưới, nhưng chỉ là kết quả của lòng nhân từ Thiên Chúa đã thay đổi trái tim con người”[109]…

3.10. Kiên trì trong “lựa chọn thập giá”: “Cơn cám dỗ khó chịu nhất đối với nhà truyền giáo đương nhiên gần với tình huống sau đây: ngài thiếu những phương tiện thuần túy nhân loại đã được liệt kê ở trên, hoặc là chúng ở trong tầm tay ngài; nhưng dường như một thần cảm từ Chúa, hay Thiên Ý nào đó cấm ngài hoàn toàn không được sử dụng. Ngài kéo lê cuộc sống khốn khổ, thường túng thiếu ngay cả cho những nhu cầu cần thiết nhất; chấp nhận ngàn muôn nghịch cảnh: mọi người khinh rẻ, rồi đủ loại đau khổ từ bên trong lẫn bên ngoài; và điều còn làm cho ngài lo sợ hơn nữa, đó là không gặp thành công nào trong công việc truyền bá Tin Mừng của ngài. (…) Trong lúc đó, thật ra bề ngoài có vẻ thất bại, nhưng có nhiều người khi xem xét tình thế của ngài, lại cho là rất hạnh phúc và đáng mơ ước: ngài cảm thấy trong chính mình sự toàn thắng của ân sủng, con người cũ đã bị chôn vùi và nay con người mới được phục sinh, hoàn toàn trơ trụi để phó thác cho Chúa”[110].

4. LÀM (Lựa chọn hợp lý): Vẫn còn cơ hội để “lại bắt đầu”: (Từ CHƯƠNG IV ĐẾN X)4.1. Nhà truyền giáo và Thừa tác vụ “Rao Giảng” (CHƯƠNG IV):

4.1.1. Xác tín vào “sứ mệnh cốt yếu”: Mỗi người đều hiểu việc rao giảng là phần chính yếu của trách nhiệm tông đồ, vị thừa sai phải tập trung công sức tinh thần của mình với hết nhiệt tình. Trong mục đích này Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã chọn các Tông đồ “để Người sai đi rao giảng” như thánh Marcô miêu tả (3,14). Các Tông đồ luôn luôn tự cho mình mang trách nhiệm phải bó buộc từ bỏ và xa lánh mọi thứ không mấy phù hợp với chức trách này. Các ngài nói: “không phải là điều đẹp lòng Thiên Chúa, nếu chúng tôi sao nhãng Lời Chúa mà đi lo giúp việc bàn ăn” (Cv 6,2). Và thánh Phaolô xác định: “Quả vậy, Đức Kitô đã không sai tôi đi thanh tẩy, mà là rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 1,17). Những lời mà thánh Phaolô dặn dò Timôtê về sứ vụ rao giảng, chắc chắn đáng ta lưu ý “trước mặt Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu, Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết, vì cuộc hiển linh và vương quyền của ngài, cha khẩn thiết yêu cầu con hãy rao giảng Lời, hãy ứng phó lúc thuận, cũng như lúc nghịch…v.v.” (2 Tm 4,1-2)[111].

4.1.2. Rao giảng và cuộc sống: “Nhưng thực ra, nếu lối cư xử không đi đôi với lời nói, người rao giảng sẽ thu hoạch được ít, nếu không nói là không được gì. Do vậy thánh Phaolô tông đồ đã viết cách khôn ngoan cho Titô “trong mọi sự, anh hãy tỏ mình gương mẫu về đức hạnh” (Tt 2,7). Như thánh Luca nhận xét, chính Chúa Kitô “đã bắt đầu bằng hành động và bằng dạy dỗ” (Cv 1,1)… Phẩm hạnh đời sống sẽ giúp các vị thừa sai có nhiều uy tín nơi các dân tộc hơn là những phép lạ…. Thêm vào cuộc sống gương mẫu, phần bổ sung thứ hai của việc rao giảng là sự tận tụy đậm đà tình phụ tử, sẽ mở toang con đường dẫn đến việc chinh phục các tâm hồn… Vậy nên, người thừa sai sẽ tận tụy hoàn toàn cho sứ vụ rao giảng, nơi riêng tư hoặc nơi công cộng, cho người nghèo cũng như người giàu, cho giới chủ cũng như tớ, cho mọi người, ngài sẽ bẻ và phân phát Bánh thánh thiêng của Tin Mừng. Ngài sẽ rảo qua những con đường, thăm viếng dân chúng, làm lan toả khắp chốn hương thơm dịu ngọt của sự nhận biết Thiên Chúa; mời gọi, thúc bách mọi người đến dự tiệc cưới của vị Hôn Phu trên trời”[112].

4.1.3. Chuẩn bị Lời cẩn thận: “Lời Thiên Chúa là Hạt giống” (Lc 8,11); vị thừa sai phải chuẩn bị Lời cẩn thận trước khi giao Lời cho trí khôn của những người đang nghe ngài. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn việc cứu rỗi các dân tộc phụ thuộc vào việc rao giảng của các vị thừa sai, nên Người cũng mong muốn các ngài tỏ ra tích cực trong sứ vụ, không được quá nhàn rỗi và lười biếng. Tuy nhiên, không phải nghệ thuật ăn nói dạy cho vị thừa sai soạn và chuẩn bị bài giảng của mình, chính nhờ nguyện gẫm nhiều hơn”[113].

4.1.4. Ngôn ngữ cho mọi người: “Ngài sẽ cố gắng trước hết nói thứ ngôn ngữ vừa tầm mọi người. Ngài sẽ bỏ đi điều vượt quá trí khôn của những người bình thường mà kết quả duy nhất chỉ là làm lóa mắt họ. Sau cùng, để dùng lời của thánh Công đồng Trente “Ước gì ngài nuôi dưỡng bằng lời cứu rỗi những dân tộc được giao phó cho ngài, bằng cách giảng dạy mọi người điều cần thiết cho việc cứu rỗi và dạy điều ấy trong một ngôn ngữ dễ hiểu và ngắn gọn, bằng cách thu hút sự chú ý của họ về những thói hư tật xấu phải tránh và những nhân đức phải thi hành để khỏi sa hoả ngục và đón nhận vinh quang thiên quốc” (Sess. 4, c.2, de Reform.)”[114].

4.2. Nhà truyền giáo và “lập trường đức tin” (CHƯƠNG V):

4.2.1. Làm chứng “Đạo Thật” trong môi trường ngoại giáo: “Nếu những nền móng chính yếu của Đạo, như chúng tôi sắp đưa ra, được vị thừa sai trình bày đúng đắn và đầy đủ cho dân ngoại, thì chúng sẽ xua tan ngay lập tức những bóng tối dày đặc của những lầm lạc này và chắc chắn người có lương tri sẽ được thuyết phục về sự cần thiết của Đạo thật. Bởi vì Đạo thật tự bản chất có một đức tính mà chỉ cần trí tuệ nắm vững là đủ để hiểu những quyền chính đáng mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải tôn kính Ngừơi và con người được thúc đẩy cách tự nhiên để thực hiện nghĩa vụ đó, và vì mục đích ấy, ơn Chúa không bao giờ thiếu”[115].

4.2.2. Chân lý đức tin và dung mạo Thiên Chúa qua ngôn ngữ dễ thuyết phục: “Nhưng phải lưu ý khi giới thiệu những điểm căn bản trên, ít dùng những lý chứng tế nhị, mà nên dùng những lý luận được rút ra từ ý thức chung của con người và được hỗ trợ bằng những ví dụ thông thường. Đương sự phải được thuyết phục rằng ở trường học đạo, chính Thiên Chúa, nguồn ánh sáng bên trong, mới làm cho trí khôn hiểu và nắm bắt được chân lý. (…) Cho nên trong những nhắn nhủ của ngài, điều chính mà ngài sẽ luôn luôn nhấn mạnh, liên quan đến sự quan phòng phụ tử của Thiên Chúa, sự khôn ngoan của Người, quyền năng, sự thánh thiện, tính trung thực, lòng nhân từ, sự công chính và lòng thương xót của Người. Tóm lại là tất cả mọi thuộc tính của Thiên Chúa có khả năng sản sinh trong họ đức tin, niềm hy vọng, sự kính sợ, lòng tôn kính và đức bác ái. Chính đó cũng là bấy nhiêu tình cảm tốt, là cội nguồn, là lương thực nuôi dưỡng để Đạo tồn tại”[116].

4.2.3. Tất cả là “vì và cho con người”: “Để tưởng thưởng đức tin chúng ta bằng sự hưởng kiến vĩnh phúc. Tại sao phải trông cậy, nếu không phải là để lấp đầy những nguyện ước của những người mà niềm hy vọng thúc đẩy cầu nguyện? Tại sao là đức ái, nếu không phải để đổ đầy bằng tình yêu những người đang yêu và để hiến thân cho họ, mong cho họ hưởng được niềm hạnh phúc vĩnh cửu?”[117].

4.2.4. Không chỉ “tín lý” mà còn “luật đạo” và “giới răn”: “Biết sự cần thiết phải thờ phượng Thiên Chúa thì chưa đủ; còn cần phải có ý niệm rõ ràng về bản chất của việc thờ phượng, của những luật lệ và giới răn của đạo; việc hiểu biết này là cần thiết đối với mọi người, nhưng đặc biệt hơn đối với các thừa sai và các thầy giảng. Bởi vì làm thế nào đem dân chúng ra khỏi những tuân giữ vô ích và mê tín của họ để hứơng về đạo thật, nếu chính các ngài không hiểu biết?”[118].

4.2.5. Thái độ đối với việc “thờ ngẫu tượng”: Sau khi hướng dẫn các thừa sai phân tích việc thờ ngẫu tượng (mê tín dị đoan) qua 4 nguyên nhân: (1) “sự yếu đuối của đầu óc con người sống trong sự thiếu hiểu biết về Thiên Chúa”; (2) “tham vọng của vua chúa”; (3) “tình yêu quá mức, hoặc thuộc về người cha hoặc thuộc người con, được đẩy lên đến mức mù quáng”; (4) “thói ranh mãnh của ma quỉ”[119], Monita đề nghị hướng giải quyết:

– Hoặc bằng sự dứt khoát của Thánh Phaolô: “Cho nên phải bắt chước gương thánh Phaolô ở Athènes, ngài càng đề cao Thiên Chúa lên cao trong những bài diễn văn của mình, thì ngài càng hăng say tấn công ngẫu tượng. Cũng vậy, vị thừa sai sẽ không đề cập vấn đề cách qua loa và cho xong chuyện, nhưng hết sức lưu ý và cố gắng trừ tận gốc khỏi tâm hồn những người chưa tin sự quyến luyến thờ cúng ngẫu tượng đáng chê trách này”[120].

– Hoặc bằng lời cầu nguyện: “Những kẻ, do chưa hoàn toàn bị thuyết phục, tỏ ra do dự, ngài sẽ mạnh mẽ cổ vũ họ khẩn thiết nài xin sự trợ giúp của Thiên Chúa sẽ dẫn dắt họ tìm kiếm đức tin thật và giúp đỡ họ có được đức tin ấy. Thiên Chúa luôn trung thành, kẻ mà Người kêu gọi và lôi kéo, Người sẽ không để kẻ ấy lạc đường nếu thấy kẻ ấy biết vâng lời, nhưng Người sẽ chỉ con đường phải theo và sẽ giúp đương sự bằng những thần cảm để đi theo con đường ấy mà không bị giao động”[121].

4.2.6. Thận trọng “tiếp cận” những người ngoại giáo: Sau khi “phân loại các đối tượng” cần tiếp cận: (1) những người ngoan cố; (2) những người nhiệt tình; (3) những người vô cảm; (4) những người do dự[122], và đề nghị những thái độ tiếp cận tương ứng, chúng ta có thể nhận ra hai “lựa chọn” hay “thái độ” cần thiết được Monita đề nghị như sau đây:

– “Phải đối xử khoan hồng với những người ấy, tránh thúc đẩy họ đến tận cùng, nên gắn bó với họ bằng sự giúp đỡ, bằng lòng yêu mến và khoan dung, trao phó họ cho Chúa trong kinh nguyện, hơn là dồn họ bằng lập luận và tư tưởng. Chính lời cầu nguyện của thánh Têphanô đã sản sinh ra thánh Phaolô cho Giáo hội, và nước mắt của thánh Monica đã cho thánh Augustin”[123].

– Tinh thần “hội nhập văn hoá”: “Về vấn đề này, ngài sẽ dành một phần quan tâm để tìm hỏi tập quán của dân địa phương, để phân biệt rõ ràng tính chất ngại ngùng của chúng: dân sự, chính trị hay mê tín? Ngài sẽ cố gắng lo báo cho Tòa Thánh biết mọi sự, ngài sẽ xin Tòa Thánh cho mình biết những tập quán nào sẽ phải lên án, đồng ý hay chiếu cố và nhất là cho ngài biết những phương cách phải dùng để tranh thủ các tâm hồn. Như thế, bằng cách làm mọi việc cho mọi người, ngài sẽ chinh phục mọi người đến với Chúa Giêsu Kitô”[124].

4.3. Nhà truyền giáo và “mục vụ Dự tòng và Tân tòng” (CHƯƠNG VI, VII, VIII):

Với “3 Chương” và “14 Tiết”, quả thật Monita đã dành một “ưu tiên đặc biệt” cho chương trình “mục vụ Dự Tòng và Tân Tòng”. Mà cũng phải thôi; bởi vì đây chính là “đối tượng chính yếu” của Truyền Giáo, của công cuộc “chài lưới người” mà các thừa sai đang đảm trách. Dĩ nhiên, cách đây gần bốn thế kỷ, kinh nghiệm “mục vụ Dự tòng và Tân tòng” của Hội Thánh chắc chắn không được phong phú, đa dạng, sâu sắc và hoàn chỉnh như hôm nay; nhất là sau những “canh tân vĩ đại” của Công Đồng Vaticanô II cùng những “định hướng Huấn Quyền” luôn cập nhật và tương thích với các trào lưu và tiến bộ ngoài xã hội cũng như trong Giáo Hội. Tuy nhiên, từ thế kỷ 17 mà đã có được một “định hướng rõ ràng và chắc chắn” như “phương án mục vụ Dự Tòng và Tân Tòng” của Monita, quả thật là một “viên ngọc hiếm quý” !

4.3.1. Lưu ý đầu tiên về “mục vụ Dự tòng”:

– Tạ ơn và cầu nguyện: “Sau khi đã nhận ra ý ngay lành của dự tòng, vị thừa sai cùng với họ cảm tạ Thiên Chúa Cứu Độ, xin Người hướng dẫn và ban xuống ơn soi sáng nội tâm nhằm thấu đạt các kỳ công và sự xét xử công minh của Người. Vị đó nài van Thiên Chúa can thiệp sao cho dự tòng biết hãi sợ sự bất chính, gian tà và khi đã bước vào đường lối sự thật, người dự tòng xứng đáng hưởng ơn Phép rửa tái sinh, trở nên nghĩa tử của Chúa và tên tuổi được ghi vào sổ sách hằng sống”[125].

– Đón tiếp với thái độ nhân bản: “Vị thừa sai cũng phải biết ứng xử dịu dàng với dự tòng, tránh nói nặng và đừng tỏ dấu quá nghiêm khắc”[126].

– Một chương trình Huấn giáo thích hợp: “Ngài cũng không dạy bảo họ như cách huấn luyện dành cho những ai đã hiểu biết đức tin và đã xác tín. Thánh Tông đồ có nói: “Tôi đã không nói với anh em như với những người thuộc giới thần thiêng, nhưng mà với người phàm xác thịt” (1 Cr 3,1). Cũng trong ý nghĩa đó mà Đức Giêsu đã đưa ra nhận định: “Không ai vá vải mới vào áo cũ; vì miếng vải sẽ ra tồi tệ hơn …” (Mt 9,16). Do vậy, việc dạy giáo lý cần được tiến hành theo từng bước, đầu tiên phải kiên trì chịu đựng vài điểm bất toàn khi họ chưa tiến triển bao nhiêu trong lòng sùng đạo. Đức Giêsu từng làm gương nhịn nhục như thế khi Người đã sống rất nhẫn nại với các Tông đồ. Cũng điểm này cần theo gương Thánh Tông đồ vốn “trở nên yếu hèn với người hèn yếu hầu có thể thu phục mọi người” (1 Cr 9, 22-23)[127].

– Trong khung cảnh Phụng vụ và tương tác với Cộng đoàn: “Trong các tông thư, các Đức Giáo Hoàng Lêô và Syrilô nhắc dạy ta là để xóa tan các cơn cám dỗ đang vây bủa dự tòng, ta nên thường xuyên cậy dựa vào các nghi thức trừ tà và việc đặt tay do các linh mục thực hiện. Cũng cần để ý thúc nhắc bổn đạo cầu nguyện thường xuyên cho họ, cũng như thúc nhắc cho chính dự tòng luôn biết hướng về Chúa và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin để bù đắp sự yếu kém lòng tin nơi con”. (Mc 9,23), sao cho họ liên lỷ cầu xin Người khấng ban cho họ một đức tin mạnh mẽ, kiên vững”[128].

4.3.2. Về “Huấn giáo Dự tòng”:

– Trật tự ưu tiên của tín điều: Sau khi phân tích “3 loại tín điều”: Loại vừa tầm với lý trí (Có một Đấng Toàn năng, con người khát vọng vô biên…); loại cần có sự trợ giúp của mạc khải (Sáng tạo, sa ngã, tội tông truyền…); loại vượt quá trí hiểu (Ba Ngôi, Nhập Thể…)[129], Monita đề nghị khai triển chương trình Giáo lý Dự tòng theo một tiến trình tiệm tiến và tương tác giữa các tín điều: “Mọi tín điều trên kết nối theo nhau : loại đầu dọn đường cho loại sau, và các tín điều sau chuẩn bị các tín điều cao cả hơn nữa. Thứ tự này gần như bó buộc phải trình bày như thế cho dự tòng. Chính Đấng đáng kính Bède đưa ra ý kiến: “Các bước khởi sự không nhằm mưu tìm sự toàn thiện, nhưng là những phương tiện dẫn đưa đến đó”. (x. Cv 17)[130].

– Không nên chậm trễ dạy cho Dự tòng cách sống hoàn thiện (Luân lý): “Đằng khác, không có gì đưa lương dân nhanh chóng đến đạo Chúa cho bằng một đời sống thánh thiện thiết yếu cho phần rỗi và đạt đến sự sống đời đời. Do vậy vị thừa sai không được chậm trễ dạy cho dự tòng tuân giữ các bổn phận mà ngay lý trí cho là đúng đắn mà không cần bất cứ sự soi sáng nào khác. Hệ quả là vị thừa sai cùng với thánh Tông đồ cần khuyến dụ dự tòng phải “từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12)[131].

– Nhấn mạnh việc từ bỏ “dị đoan” và luân lý tính dục sai trái: “Vị thừa sai phải quyết liệt tấn công các dị đoan của dân ngoại cùng những mối liên hệ xấu xa của họ với ma quỷ. Ngài cần mời gọi dự tòng là muốn theo đạo thì phải sớm từ bỏ những hành vi này… Vị thừa sai phải vạch ra tính xấu xa của sự dâm ô vốn hoàn toàn không hợp với lý trí lành mạnh, nó làm cho con người khốn đốn, lầm lạc khi đã bị chi phối sâu xa…”[132].

– Dạy Dự tòng cầu nguyện: “Nếu mọi điều trên họ thấy khó quá trong việc chế ngự các nỗi đam mê, thì vị thừa sai cần liệu sao cho họ đừng ngã lòng mà hãy dựa cậy vào sự cầu nguyện …; ngài khuyến dụ họ sẽ chắc chắn lãnh nhận ơn Chúa trợ giúp nếu họ cầu nguyện cho nên. Ngài dạy họ cầu nguyện theo cách thức Đức Giêsu đã dạy các môn đồ; ngài cần bảo họ học thuộc lòng bản kinh ngày Chúa nhật, trong đó có nêu 10 giới răn, gắng nhớ và suy niệm thường xuyên nội dung và quyết tâm trung thành tuân giữ huấn lệnh của Chúa và hằng ngày dâng lên Thiên Chúa ba việc hi sinh: dè chừng tình cảm, lời nói và hành vi của mình”[133].

– Tiến trình Giáo lý cần dựa trên “tiến trình Lịch Sử Cứu Độ”: “Việc hiểu biết Đức Kitô cũng như hiểu biết Thiên Chúa là hai vòng tròn quy tâm mà đạo giáo xoay quanh: sau khi rao giảng Thiên Chúa, phải thiết yếu rao giảng ngay Đức Kitô. Tuy nhiên y như việc dạy một khoa học nào đó cần có phương pháp, nghĩa là trình bày điều gì đó cho đúng thời điểm và đúng chỗ của nó, thật không hợp lý tí nào nếu rao giảng Đức Kitô và các mầu nhiệm liên quan đến Người, trước khi đã trình bày đầy đủ cặn kẽ việc loài người sa ngã, vì như Thánh Phaolô tuyên bố: “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu chuộc tội nhân” (1 Tm 1,15)[134].

– Sẵn sàng giải thích các vấn nạn: Monita đưa ra 4 vấn nạn tiêu biểu cùng với 4 cách giải thích: Tại sao lại cho phép xảy ra tội lỗi; lý do dựng nên thiên sứ và loài người; tại sao có hình phạt đời đời; tại sao Tội Nguyên Tổ lại lưu truyền cho con cháu. Riêng phần “giải thích” hay “phản biện”, Monita trưng dẫn các lý chứng của Lời Chúa, Thánh Phaolô, các thánh Giáo phụ và Tiến sĩ thời danh như Thánh Augustinô, Tôma, Alselmô, cùng với những lưu ý: “Vị thừa sai chớ dại mà “đầu độc” tâm trí dự tòng bằng những câu hỏi cắc cớ như trên để hòng tìm giải đáp cho họ. Ngược lại, nếu dự tòng tự nêu các thắc mắc trên, ngài sẽ gắng tìm cách kìm hãm sự tọc mạch quá đáng của họ, làm sao cho họ tin nhận là trong mọi sự xảy ra thì ý định của Thiên Chúa vừa chính đáng vừa khôn lường. Tốt hơn có lẽ cùng nêu lên với vị Tông đồ dân ngoại: “Ôi ! Những phán quyết của Người thật khó hiểu biết bao, bởi nào ai dám đi dò các ý định của Thiên Chúa?” (Rm 11,33-34). Dầu vậy, sợ anh chị em dự tòng không vui khi không được giải đáp thỏa đáng thì chúng tôi cố gắng cung cấp ở đây một vài đáp án”[135].

4.3.3. Cẩn trọng khi dạy hai mầu nhiệm cao trọng nhất: “Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể: Sự hiểu biết lẫn cách trình bày liên quan đến mầu nhiệm cực trọng này phải chạm đến những chiều sâu khôn dò: ta thiếu lời lẽ để giải thích, trí hiểu ta dường như đụng phải bức tường, do vậy phải cẩn trọng, đừng quá mạo hiểm với những gì quá mới lạ, mà chỉ nên trình bày niềm tin của ta cách chắc chắn vững chãi. Ngoài ra, vì những so sánh với đời thường đều có hiệu quả tốt, nhất là với những tâm trí đang còn đơn sơ. Ví dụ sự tương tự loại suy với linh hồn có trí khôn, với mặt trời, với nguồn nước. Những loại suy cho dẫu bất toàn, vẫn ít ra cho phép đưa ra một ý niệm nào đó về mầu nhiệm Ba Ngôi”[136].

4.3.4. Dạy về mầu nhiệm Chúa Kitô cần tuân thủ một “quy luật”: hướng tới mục tiêu: “Khi nói về Chúa Kitô, mục tiêu vị thừa sai phải nhắm là giúp cho dự tòng thán phục và yêu mến Người hơn nữa”[137]; và để đạt “mục tiêu đó”, các thừa sai phải trình bày toàn vẹn cuộc đời của Chúa, nhất là “cuộc đời công khai”, cuộc khổ nạn và sự phục sinh. Cho dù Monita không xác nhận rõ, nhưng chúng ta hiểu đây chính là “Kerygma”, phần giáo lý nền tảng dành cho các Dự tòng[138].

4.3.5. Tổng hợp “đạo lý Tin Mừng” trong năm chủ điểm: “giáo lý về lề luật Tin mừng có thể qui về năm điểm chính. Trước hết về đức tin, những chân lý phải tin được hàm chứa trong Bản Biểu Tín của các thánh Tông đồ, còn các điều khác do truyền thống truyền lại. Điểm thứ hai, đức cậy có đối tượng được diễn đạt trong cầu nguyện suy gẫm ngày Chúa Nhật. Điểm thứ ba, các chỉ thị luân lý mà nguồn gốc chính là từ Bản Mười Điều Răn, ngoài ra ta có thể thêm các lời khuyên Phúc Âm. Điểm thứ tư, hiến tế không đổ máu của Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô. Và sau cùng điểm thứ năm, các Bí tích”[139].

4.3.6. Lập trường đối với những người “ở ngoài Hội Thánh”: Mặc dù xuất hiện trước Công Đồng Vaticanô II 300 năm (1664 – 1965), nhưng Monita đã cho thấy một “cái nhìn thông thoáng” của Hiến chế Lumen Gentium về “những ai chưa lãnh nhận Tin Mừng cũng quy hướng về Dân Thiên Chúa bằng nhiều cách” (LG 16): “Bất cứ người bán khai nào, cho dẫu đang sinh sống nơi núi xa rừng thẳm, vẫn đều hiểu phải thờ phượng và phục vụ Thiên Chúa duy nhất, Đấng tạo dựng mình, bởi là việc chính đáng và phải lẽ: không được phép nói dối, thề vặt, không được trộm cắp, giết người, không được làm hại người khác, không được vi phạm luật khiết tịnh và các khoản luật khác tương tự vốn tất cả đều được hàm chứa trong lề luật tự nhiên của Thiên Chúa. Kỳ diệu thay việc mọi kẻ sống trên dương thế này, cho dẫu phong tục tập quán có khác biệt nhau, nhưng đều đồng thuận từng chi tiết về các nguyên tắc và chỉ thị nói trên. Chính Thiên Chúa đấng tạo dựng muôn loài đã đặt sự thông hiểu này vào trong nội tâm thẳm sâu của từng người, và để ghi nhận ân huệ nơi lòng trí của họ, dường như thể Thiên Chúa đã ghi khắc đậm những lề luật này nơi trái tim họ, nơi có những bản luật thật sự sống động…”[140].

4.3.7. Trình bày giáo lý căn bản về “mầu nhiệm Hội Thánh”: “Các ngài cũng phải có mối quan tâm mục vụ để giảng giải về nguồn gốc của Hội thánh, quyền uy Giáo hội từ đâu mà có, các tính chất và sắc thái mà qua đó người ta nhận ra Hội thánh chân thật. Phải xác tín là, giữa những người đã vào đạo, thì phải có sự nối kết họ lại với nhau, chặt chẽ nơi một thân mình duy nhất dưới hình thức một xã hội hữu hình trong đó có người chỉ huy và có người vâng phục.(…). Trên thực tế ta có thể nêu ra các dấu hiệu đặc trưng của Hội thánh Đức Giêsu Kitô từ chính yếu tính của đạo: tính duy nhất, tính thánh thiện, tính phổ quát và tính tông truyền. Những dấu chứng rõ rệt cho thấy Giáo hội được Thiên Chúa thiết lập, mọi người nghe lời và tuân giữ các luật lệ, quy định của Hội thánh”[141].

4.3.8. Chuẩn bị thật nghiêm túc để “Dự tòng nhập đạo”:

– Tránh việc chuẩn bị vội vàng, cẩu thả: “Việc vội vàng để có được số đông người rửa tội, không chuyên tâm để dạy dỗ, coi sóc cẩu thả, tính cả tin thái quá khi chọn lựa giữa họ, hối hả ban Bí tích Thanh tẩy cho họ. Đây đúng là khó khăn đặt ra cho họ. (…). Kinh nghiệm cho thấy không có Kitô hữu nào xấu hơn những người lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy mà không trang bị đủ: sự vội vàng ghi danh tên vào danh sách của những người Kitô giáo. Nhưng cứ sự thường thì để có được tự do hợp pháp đào tẩu. Người ta cũng thấy họ có thói quen vừa đi nhà thờ vừa đi đến các đền thần, và điều đáng buồn hơn nữa đó là họ còn tệ hơn những người lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy trước họ, và họ không chịu đựng nổi ngay cả một chút hối cải”[142].

– Thừa sai đích thân lo huấn giáo Dự tòng: “Bao nhiêu có thể các nhà thừa sai phải tự trau dồi giáo lý và bổn phận này không được thoái thác cho những người khác, như là điều đó không xứng đáng với họ”[143].

– Chú trọng “chất lượng” và tính “thống nhất”: “Nguy hiểm trước hết phải chú ý đó là chạy theo số lượng người hơn là chất lượng đào tạo và tính thống nhất của việc giáo dục tân tòng”[144].

– Chỉ cử hành phép Rửa khi đã chuẩn bị đầy đủ: “… Trước hết, Giáo hội phải đề phòng một cách nghiêm túc để chặn đứng tất cả sự giả dối, thiếu xác tín khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy và Giáo hội có thể bằng việc tra khảo kỹ càng của mình biết rõ ý định của người muốn lãnh nhận Bí tích. Và như thế họ mới thấu đáo được những bài học về giáo lý đức tin mà chính họ phải loan truyền và sống nhân chứng. Ngoài ra, người ta kính trọng thể Bí tích này chỉ trong những ngày đã ấn định như ngày lễ Phục Sinh và ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống thật lộng lẫy và trang trọng”. S. Tôma (trong “Somme” của ngài) giữ một ngôn ngữ đồng nhất (P.III, q.68 a.3)[145]… “Lại nữa: cho dù ước muốn lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy của dự tòng mãnh liệt đến đến đâu chăng nữa hay sau khi họ đáp ứng tất cả những điều kiện cần thiết về học hỏi thì các nhà thừa sai cũng không nên vội vàng ban Bí tích Thanh tẩy cho họ”[146]… “Vì thế, thời gian quan trọng để cho nhà thừa sai dạy dỗ họ là trả lời những câu hỏi đặt ra cho họ khi mới bắt đầu; để biết điều gì nên từ bỏ, điều gì nên giữ lại. Thực vậy, họ phải từ bỏ ma quỷ, ước muốn danh vọng và lối sống xa hoa của mình để tháp nhập vào Đức Giêsu Kitô”[147]…. “Ngược lại, nếu ta làm phép rửa cho họ sớm thì sự thành tâm nơi họ giảm sút, trở nên người lười biếng và bê tha trong đời sống tinh thần. Họ yếu đuối và vô tình sa lầy vũng tội ngày xưa, họ coi thường dược sủng, chai cứng và trở nên bê bối và làm ô danh chính Giáo hội”[148].

4.3.9. Sự cần thiết của “giai đoạn Nhiệm Huấn”: “Chăm sóc các Tân tòng: Phải khắc sâu những lời giáo dục đức tin cho những người trưởng thành không những trước mà cả sau khi họ lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy. Như Chúa nói: “vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Nhưng Người lập tức nói thêm: “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Vậy phải dạy cho những anh em tân tòng thực hành mọi việc tốt và chăm chút cho họ sự hiểu biết đúng đắn về tất cả các bổn phận mà họ sẽ phải trung thành sau khi chịu phép rửa, và về tất cả những gì cần thiết để sống một cuộc sống hiếu thảo, đức độ và trinh trắng. Đối với họ, cần phải kín múc nguồn sống và sự vững vàng trong Lời Chúa, để họ được ở trong sự che chở của Giáo hội như những cây mới trồng đang lớn và để nền tảng đức tin họ đã chọn lựa được ngày càng bền chặt”[149].

4.3.10. Giáo lý Tân tòng (thời Nhiệm huấn):

– Các chủ đề giáo lý chính: Bí tích Giải tội, các điều răn Hội Thánh, bổn phận riêng của mỗi thành phần, các bí tích thường lãnh nhận, Tám mối phúc thật, những lời khuyên Tin Mừng, cầu nguyện, sám hối, rước lễ và tham dự thánh lễ, sùng kính Đức Maria, Thiên Thần Bản Mệnh, Thánh Bổn mạng, thực hành suy gẫm[150]…

– Chương trình “mục vụ Tân tòng: “Sau đó thật hữu dụng khi để những người dự tòng tự họ hành động ngay khi họ được đào tạo đủ và chấp nhận họ mà không phân biệt trong việc giáo dục chung của cộng đồng tín hữu. Các vị thừa sai không được giảm thiểu sự chăm sóc riêng cho họ. Những cây non này cần được tưới đều đặn, và những cơn lốc cám dỗ có thể dễ dàng lung lay và làm bật rễ chúng”[151].

– Mục vụ Tân tòng có thể bao gồm các điều sau: Sự hỗ trợ của các Kitô hữu cao niên phẩm hạnh; không ngừng động viên, tận dụng mọi cơ hội đưa họ đến nhà thờ, đi hành hương; giúp tiếp cận các thông lệ, lễ nghi, thói quen của Kitô hữu; quan tâm khuyên bảo, giúp đỡ, thăm viếng, hoà giải, giao lưu; giúp sống đạo tốt trong gia đình, với người lân cận; kiên nhẫn và bao dung với những Tân tòng yếu đuối[152]…

4.4. Nhà truyền giáo và việc chăm sóc mục vụ cho đoàn chiên (CHƯƠNG IX, X):

4.3.11. Chăm sóc mục vụ các tín hữu lâu năm: “Các vị Đại diện Tông toà phải có trách nhiệm không những với người dự tòng và tân tòng mà còn với những tín hữu lâu năm, trách nhiệm của người cha đối với con cái, của người chủ chăn với giáo dân, của người thầy với học trò; Vậy phải yêu mến, dẫn dắt, dạy dỗ họ và phải dành sự chăm sóc hơn mức bình thường vào việc hướng dẫn cũng như giáo dục họ”[153]. Việc chăm sóc mục vụ nầy tập vào ba điều: hướng dẫn, gìn giữ và cai quản đoàn chiên được giao cho họ chăm sóc.

– Hướng dẫn: “Vậy người mục tử – thừa sai phải chăm chú toàn tâm vào việc cung cấp cho các tín hữu Sữa Thần Linh của giáo lý thánh, củng cố họ bằng ơn sủng từ các Bí tích; Trong những nỗi đau khổ sâu xa, hãy nhỏ xuống trên họ những giọt sương êm dịu của sự an ủi; Khi tàn tật, tăng thêm cho họ sức mạnh, giúp đỡ bằng những lời khuyên khi họ đau buồn, bằng sự bố thí khi họ thiếu thốn, nâng đỡ họ hết thảy bằng sự hy sinh và cầu nguyện, vây bọc họ trong sự ân cần của lòng vị tha đầy tình phụ tử”[154].

– Gìn giữ: “nhiệm vụ thứ hai của người mục tử, gồm 3 điều: xua đuổi sói xa khỏi chuồng, dẫn về những con chiên lạc, và liều mình vì chúng”[155].

– Kế hoạch mục vụ chăm sóc các cộng đoàn thiếu linh mục: huấn luyện nhân sự tông đồ giáo dân để họ tự quản một số công việc như: Hướng dẫn cầu nguyện, nhất là vào ngày Chúa Nhật, thông báo tin tức Giáo Hội, thông tin Phụng vụ, rao Hôn Phối, việc rửa tội cho trẻ em, cho bệnh nhân nguy tử, ghi chép và giữ gìn các loại sổ: rửa tội, thêm sức, khai tử, hôn phối, hiện tình sống đạo…; chăm sóc bệnh nhân, trân trọng người quá cố, tổ chức lễ nghi An táng[156]…

4.3.12. Đào tạo Thầy giảng: “Việc đào tạo tốt và hoàn bị cho các Thầy giảng không kém phần quan trọng để đạt được những thành công và tiến bộ của các xứ truyền giáo: Ở đó lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, các Thầy giảng có thể giúp đỡ các thợ gặt này. Nếu việc bách hại hoành hành và xảy đến cho các vị chủ chăn thì các Thầy phải thay thế họ. Cuối cùng họ cũng có thể tiến đến Chức Thánh và được đặt làm đầu các giáo xứ mới thành lập có một nhà thờ”[157]…

4.3.13. Đào tạo ứng viên chức thánh: “Chức Thánh thì cao trọng hơn chức Thầy giảng. Vậy các Thầy được đề nghị đón nhận Chức Thánh phải có những phẩm hạnh cao hơn những phẩm hạnh mà chúng tôi đã nói là cần thiết thực tế nơi các Thầy giảng. Hơn nữa, ta sẽ không giao trọng trách quan trọng và nguy hiểm này lên vai những người tu hành bình thường mà cho những Thầy được đề cử bởi những nhân đức thật sự thoát tục, để các Thầy sẽ không tìm lại vinh dự này cho chính họ mà để các Thầy được Chúa kêu gọi như Aaron”[158]…

4.5. Kỹ năng giúp lời rao giảng có sức thuyết phục (PHỤ LỤC):

Trong phần Phụ Lục, Monita bổ sung thêm một số ý kiến của các chủ chăn nhằm giúp các thừa sai khai triển các nội dung giáo lý đức tin sao cho hiệu quả và dễ thuyết phục. Có hai điểm cần lưu ý:

4.5.1. Trình bày mầu nhiệm Chúa Kitô (Kerygma) cách tiệm tiến khởi đi từ “chiều kích nhân loại”: Vì thấy sự ngu muội của dân chúng, họ đã không bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu như một Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghe thánh Jean Chrysostome bình luận về sách “Tông đồ Công vụ”. Ngài nói: “điều phải kính phục nhất nơi các tông đồ là cách họ tự đặt mình vào một mức độ khiêm tốn của các tinh thần mềm yếu và thô lỗ này; cách này được Chúa Thánh Thần gợi lên cho họ. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng chuẩn bị cho họ như thế để thực hiện như Ngài đã phù hợp với thừa tác vụ Lời Chúa. Và qủa thật, dù cho có đọc những bài diễn văn dài dòng về Chúa Giêsu, họ cũng ít đụng đến thần tính của Ngài. Thánh Phaolô, khi nói với người dân thành Athène, cũng lấy làm bằng lòng mang cho Đức Kitô cái tên con người mà không có phẩm tính nào khác. Kết qủa là các Tông đồ hướng dẫn họ từ từ và tiệm tiến; các ngài cố công trong các việc trình bày các tín điều phải theo theo mức độ của tinh thần yếu đuối, để nâng họ lên một mức độ cao hơn”. Vả lại một nhà truyền giáo sẽ phản bội thừa tác vụ của mình nếu như người ấy để mình bị lèo lái bởi sự khôn ngoan của xác thịt là thứ bịt miệng người ấy trước sự nghèo khó của Chúa Giêsu trước những nỗi đau và thánh giá của Ngài. Thánh Tôma nói: “niềm tin Công giáo dạy rằng, chính ơn cứu độ bằng thánh giá của Chúa Giêsu vượt trên tất cả”[159].

4.5.2. Trình bày tính ưu việt của luật Thánh Kinh với 4 điều kiện: “Quả thật, lề luật hoặc giáo lý Thánh Kinh chỉ là một, được Con Một của Thiên Chúa trao tặng và chỉ có một kết luận. Tuy nhiên, dưới bốn diện mạo khác nhau, Thánh Kinh chỉ ra tính ưu việt của mình so với các lề luật khác do Thiên Chúa hay con người gìn giữ. Một ghi chú sẽ là điều hiển nhiên. Bằng lý trí, người ta nói các lề luật phải hội đủ 4 điều kiện: (1) luật phải có chức năng nhổ tận gốc các nết xấu, (2) vạch đường đi nước bước cho con người và cho hành động của con người, (3) đem lại hạnh phúc và (4) giúp nhận ra chân lý một cách rõ ràng. Trong sự ưu việt của mình, lề luật hoặc giáo lý thánh kinh vượt trên mọi luật lệ dù thánh hay phàm”[160].

5. Những “chiều kích vượt thời gian”:

Chúng ta vừa đọc lại một số nội dung chính yếu của sách “MONITA”. Chỉ cần đối chiếu với hai văn kiện quan trọng về Truyền Giáo của thời đại hôm nay: AD GENTES của Vaticanô II và REDEMPTORIS MISSIO của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta sẽ nhận ra một số “chiều kích vượt thời gian” của văn kiện Monita ad missionarios, một “kim chỉ nam” cho các thừa sai cách đây gần 4 thế kỷ.

5.1. Hai điểm nhấn của AD GENTES:

5.1.1. Chứng từ Kitô hữu: “Để có thể làm chứng cho Chúa Kitô cách hữu hiệu, các Kitô hữu phải tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương, phải ý thức về tư cách là thành viên của cộng đồng đang chung sống, tham gia đời sống văn hoá, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động nhân văn…” (AG 11).

5.1.2. Dành ưu tiên cho việc rao giảng và chăm sóc Dự tòng: “Đối với những người đã được Thiên Chúa ban cho niềm tin vào Chúa Kitô qua Giáo Hội, hãy cử hành những lễ nghi phụng vụ tiếp nhận họ vào lớp dự tòng; đây không chỉ giản đơn là một giảng khoá để trình bày về giáo thuyết và các giới răn, nhưng là chương trình đào tạo cho toàn bộ đời sống Kitô hữu, đồng thời cũng là thời gian tập sự cần thiết để giúp các môn sinh sống mối tương giao với Thầy của mình là Chúa Kitô…” (AG 14).

Về “điểm nhấn thứ nhất” (Chứng từ Kitô hữu), Monita đã dạy: “Phẩm hạnh đời sống sẽ giúp các vị thừa sai có nhiều uy tín nơi các dân tộc hơn là những phép lạ…. Thêm vào cuộc sống gương mẫu, phần bổ sung thứ hai của việc rao giảng là sự tận tụy đậm đà tình phụ tử, sẽ mở toang con đường dẫn đến việc chinh phục các tâm hồn…”[161].

Về “điểm nhấn thứ hai” (Chăm sóc Dự tòng), Monita cũng dạy và dạy thật kỹ trong suốt 3 Chương VI, VII, VIII. Đơn cử: “Do vậy, việc dạy giáo lý cần được tiến hành theo từng bước, đầu tiên phải kiên trì chịu đựng vài điểm bất toàn khi họ chưa tiến triển bao nhiêu trong lòng sùng đạo. Đức Giêsu từng làm gương nhịn nhục như thế khi Người đã sống rất nhẫn nại với các Tông đồ. Cũng điểm này cần theo gương Thánh Tông đồ vốn “trở nên yếu hèn với người hèn yếu hầu có thể thu phục mọi người” (1 Cr 9, 22-23)[162]. “Trong các tông thư, các Đức Giáo Hoàng Lêô và Syrilô nhắc dạy ta là để xóa tan các cơn cám dỗ đang vây bủa dự tòng, ta nên thường xuyên cậy dựa vào các nghi thức trừ tà và việc đặt tay do các linh mục thực hiện. Cũng cần để ý thúc nhắc bổn đạo cầu nguyện thường xuyên cho họ, cũng như thúc nhắc cho chính dự tòng luôn biết hướng về Chúa và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin để bù đắp sự yếu kém lòng tin nơi con”. (Mc 9,23), sao cho họ liên lỷ cầu xin Người khấng ban cho họ một đức tin mạnh mẽ, kiên vững”[163].

 

5.2. Hai điểm nhấn của Redemptoris Missio:

5.2.1. Sống mầu nhiệm Đức Kitô “được sai đi”: Từ bỏ và khó nghèo: “Nhà truyền giáo cũng bị đòi hỏi “từ bỏ chính mình và những gì mình có từ trước đến nay và trở nên mọi sự cho mọi người”, qua sự nghèo khó, họ được tự do loan báo Tin Mừng, qua sự từ bỏ những người thân cũng như của cải, nơi quê hương mình, họ trở nên anh em của những người mình được sai đến và mang Đức Kitô Cứu độ đến cho họ. Đó chính là điều mà linh đạo của nhà truyền giáo hướng tới: “với những người yếu, tôi đã nên người yếu… với mọi người, tôi nên mọi sự, để dầu sao cũng cứu được ít người. Mọi sự tôi làm, đều là vì Tin Mừng…” (1 Cr 9,22-23)” (RM 88).

5.2.2. Nhà truyền giáo đích thực là một vị thánh: “Mỗi nhà truyền giáo chỉ đích thực là nhà truyền giáo khi dấn thân sống theo con đường thánh thiện: “sự thánh thiện là nền tảng cốt thiết và là một điều kiện tuyệt đối không thể thay thế để chu toàn sứ vụ cứu độ của Giáo Hội” (RM 90).

Về điểm thứ nhất (Mầu nhiệm Đức Kitô “được sai đi”), Monita đã dạy: “Cho nên vị thừa sai phải tỏ rõ giá trị, không phải bằng vẻ lộng lẫy khoa trương, nhưng bằng việc áp dụng khiêm tốn, không phải bằng sự tìm kiếm danh vọng nhưng bằng sự trốn chạy các phẩm tước, không phải bằng sự dồi dào của cải nhưng bằng tình yêu sự khó nghèo. Bởi vậy, ngài sẽ không bao giờ là khách quen của chốn cung đình…””[164].

Về điểm thứ hai (Nhà truyền giáo là vị thánh), Monita cũng dạy như sau: “Rõ ràng để làm rung động con tim và làm cho người ta trở lại, gương lành cuộc sống thánh thiện có nhiều ảnh hưởng hơn là chính việc rao giảng, bởi ta thuyết phục bằng hành động dễ dàng hơn là bằng lời nói suông. Gương sáng làm cho con đường nhân đức trở nên dễ đi và mau mắn; còn ngược lại thì có vẻ khó nhọc và lâu dài. Chính đó là bằng chứng tốt nhất chứng tỏ đạo của chúng ta không đến nỗi khó quá và gay go đến thế; từ đó nhờ sức mạnh thần thiêng, người ta dễ thiện cảm và đến chỗ yêu mến đạo. Về phía lương dân, sức mạnh này làm cho các vị thừa sai được kính trọng và tán dương, khiến họ thích thú đến gặp và nghe các ngài, rồi quyến luyến ưa chuộng cộng đoàn các ngài ở, họ sẽ quyết định nghe theo lời khuyên và ý kiến của các ngài”[165].

Thật ra chẳng phải chỉ có bấy nhiêu ! Nếu chăm chú đọc kỹ mọi lời giáo huấn của Monita chắc chắn chúng ta còn khám phá được biết bao “hạt ngọc” quý giá vẫn còn “lấp lánh” và hoàn toàn thích hợp cho công công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay trên quê hương đất nước chúng ta.

KẾT: “BÌNH MỚI VÀ RƯỢU MỚI” ĐỂ SẺ CHIA

Trong những lời kết thúc tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia), Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ những tâm tình thật ưu ái dành cho châu Á: “Các dân tộc Á Châu cần đến Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Á Châu đang khao khát uống nước hằng sống mà chỉ một mình Chúa Giêsu có thể ban phát cho (x. Ga 4,10-15). Các môn đệ Chúa Kitô tại Á Châu, do đó, phải cố gắng không hạn chế để làm tròn sứ mạng họ đã lãnh nhận do Chúa, Đấng đã hứa ở với họ cho tới tận thế (x. Mt 28,20). Tin tưởng vào Chúa, Đấng không bỏ mặc những kẻ Người kêu gọi, Giáo Hội tại Á Châu vui vẻ hành trình đi vào ngàn năm thứ ba. Niềm vui duy nhất của Giáo Hội là niềm vui xuất phát từ sự chia sẻ, với đông đảo các dân tộc Á Châu, ân huệ to lớn mà Giáo Hội đã lãnh nhận – tình yêu của Chúa Giêsu Cứu Thế. Tham vọng duy nhất của Giáo Hội là tiếp tục sứ mạng phục vụ và yêu thương của mình, để tất cả dân Á Châu “có sự sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) (EA 50).

Chắc chắn đó cũng chính là tâm tình và khát vọng của các Giám Mục Tông Toà François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, cùng các “thế hệ thừa sai” được sai đến vùng đất Á Châu vào thế kỷ 17, những bước chân mang “Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người” để chia sẻ “với đong đảo các dân tộc Á Châu”.

Ngày hôm nay, đứng trước một “Á Châu đang trỗi dậy” hay đang “tự khẳng định”[166] chính mình về mọi mặt: dân số, kinh tế, văn hoá, chính trị, quân sự, tiến bộ khoa học…, nhưng cũng là một đại lục đang chứa đựng “nhiều vấn đề đầy tang thương do đau khổ, bạo lực, kỳ thị và nghèo đói”[167], công cuộc loan báo Tin Mừng cho vùng đất nầy chắc chắn phải đối diện với “nhiều phương diện phức tạp, vừa trong nội dung vừa trong phương cách”[168].

Riêng đối với Giáo Hội tại Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm Năm Thánh 2010 (Kỷ niệm 350 thiết lập hai giáo phận Tông Toà Đàng Trong và Đàng ngoài, 1659-2009; và 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt nam, 1960-2010), “truyền giáo” là mục tiêu sau cùng được Hội Đồng Giám Mục nhắm tới, trong “Thư Công Bố Năm Thánh”: “Cuối cùng, Năm Thánh 2010 phải là động lực thúc đẩy chúng ta hăng say chia sẻ niềm vui đức tin với tất cả mọi người dân Việt. Để thực hiện được điều này, cần phải khơi dậy hồng ân đức tin đã lãnh nhận nhưng vì hoàn cảnh khách quan hoặc những yếu tố chủ quan, hồng ân ấy có thể đã bị phai mờ, lãng quên hay mai một. Ngoài ra, cần canh tân các phương thức truyền giáo nhắm đáp ứng những biến chuyển nhanh chóng của thời đại; tuy nhiên nên nhớ rằng chứng tá đời sống vẫn luôn là cách thế cụ thể và thuyết phục nhất trong việc làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa cho người khác…” (Số 4).

Việc cùng nhau đọc lại văn kiện truyền giáo của cha ông cách đây 357 năm (Monita hay Huấn thị Ajuthia 1664) nào chẳng phải là “khơi dậy hồng ân đức tin đã lãnh nhận”? Mà chẳng phải khơi dậy thôi đâu, nếu biết trân trọng và thành tâm vận dụng, MONITA AD MISSIONARIOS, sẽ là một “Kim Chỉ Nam” tuyệt hảo, một thứ “Bình Mới” vẫn còn nguyên giá trị để chứa thứ “Rượu Mới” là Tin Mừng Cứu độ, một thứ “Rượu ngon hảo hạng” mà bất cứ người Kitô hữu nào đều có quyền và trách nhiệm chia sẻ cho anh chị em mình.

Trương Đình Hiền

(Viết xong ngày 19.7.2021)

Nguồn VCN

—–

[1] Y PHAN CMC; 1001 Danh Ngôn Các Thánh; nxb. Tôn giáo 2009; câu số 686, tr.148; Chân phước Têrêsa Calcutta: “Người ta đang cố gắng biến Thiên Chúa thành món đồ cổ quý giá của quá khứ. Nhưng các bạn, bằng tình yêu của các bạn, bằng sự thanh thiết của đời sống các bạn và bằng lòng cảm thông của các bạn, có thể minh chứng cho thế giới biết rằng Thiên Chúa rất hợp thời”.

[2] TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền Giáo thế kỷ 17; MONITA AD MISSIONARIOS; Lời Nói đầu cho lần Tái bản sách MONITA; tr. 30.

[3] x. LM. JOS. TẠ DUY TUYỀN; bài viết Cách thức loan báo Tin Mừng cho người Việt Nam hôm nay; website http://conggiao.info/cach-thuc-loan-bao-tin-mung-cho-nguoi-viet-nam-hom-nay-d-2347; đăng ngày 10/3/2011: “… Thế nên, việc rao giảng Tin Mừng đã không đem lại kết quả là bao, có khi trở thành phản chứng trong môi trường truyền giáo. Đó cũng là bi kịch đã diễn ra tại việt nam vào thời gian đầu của việc truyền giáo. Trong quá khứ, Giáo hội Việt Nam đã trở thành một tà đạo đối với dân tộc. “Điểm then chốt ở đây là: Giáo Hội chưa thích nghi để hội nhập văn hoá,để diễn tả niềm tin theo ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam…”.

[4] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM; Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016; nxb. Tôn Giáo 2017; tr.176.

[5] SĐD (Niên giám 2016); tr. 176.

[6] SĐD (Niên giám 2016); tr. 175.

[7] Để có thêm thông tin về những bước đầu truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên cùng với công trình xây dựng và hình thành chữ Quốc ngữ, xin đọc trong: BAN BIÊN SOAN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN; Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian; nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2017; Chương IV: Phương châm và Phương pháp hoạt động truyền giáo; tr. 85-105.

[8] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM; Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016; nxb. Tôn Giáo 2017; tr.175

[9] LỮ Y ĐOAN; Sấm Truyền Ca, Testamenti Veteris 1670; nxb. Hồng Đức 2020; tr. 11-16.

[10] SĐD (Sấm Truyền Ca); tr. 11-16.

[11] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM; Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016; nxb. Tôn Giáo 2017; tr.174-194. (x. LM. ANTÔN NGUYỄN MẠNH ĐỒNG; bài viết Từ Loan báo Phúc Âm đến Truyền giáo và Tân Phúc Âm hoá; website https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tu-loan-bao-phuc-am-den-truyen-giao-va-tan-phuc-am-hoa-41941; đăng ngày 22.5.2021)

[12] SĐD (Niên Giám 2016); tr. 189.

[13] HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN; 350 năm Dòng Mến Thánh Giá từ An Chỉ đến Qui Nhơn; nxb. An Tôn & Đuốc sáng 2021; Cuộc tử đạo của nữ tu Anê Soạn và Anna Trị; tr. 123-125.

[14] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM; Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016; nxb. Tôn Giáo 2017; tr.188.

[15] SĐD (Niên Giám 2016…); tr. 10.

[16] x. STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; Chương 6: Truyền giáo trong thời đại khám phá (1492-1773); tr. 283-284.

[17] GHI CHÚ RIÊNG: Công đồng Trentô (hay còn được gọi là Tridentino) là Công đồng chung thứ XIX của Giáo Hội Công Giáo được khai mạc ngày 13.12.1545 tại Trentô, miền bắc nước Ý, gần các quốc gia germaniques là nơi đã lan tràn giáo phái Tin lành. Công đồng Trentô diễn ra từ năm 1545 -1563 do Giáo hoàng Phaolô III triệu tập. Lúc khai mạc có 70 Giám mục, lúc kết thúc có 252 Giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự trong 25 khoá họp từ ngày 13 tháng 12 năm 1545 đến ngày 4 tháng 12 năm 1563 và trải qua 3 thời kỳ Giáo Hoàng: Đức Phaolô III (1545-1547); Đức Giuliô III (1551-1552); Đức Piô IV (1562-1563). Công đồng xác định một số tín điều và giáo lý liên quan đến Phong trào Cải Cách, canh tân Giáo hội về nhiều điểm thực tế. Nội dung của công đồng có thể được tóm tắt như sau:

– Thúc đẩy sự canh tân trong Giáo Hội Công Giáo, phản đối phong trào cách mạng của nhóm Thệ Phản (Tin Lành) liên quan đến vấn đề Mặc Khải và Đức Tin (Lý trí và sự Tiếp thụ) như Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn quyền của Giáo hội, Tội Nguyên Tổ, ơn Công Chính hoá, Đặc Sủng, Bảy Phép Bí tích (Thánh Lễ), Thánh nhân, Thánh cốt, Thánh tượng.

– Quy định quyền lợi và trách nhiệm của Giám mục.

– Quy định đời sống của Giáo sĩ và Tu sĩ.

– Quy chế việc thành lập Dòng tu.

Công đồng Trentô đã có một ảnh hưởng quyết định trên đời sống và bộ mặt của Giáo hội Tây phương vào thế kỷ 16 và tiếp sau đó. (Nguồn tổng hợp).

[18] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ; Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam; nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005; tr. 21.

[19] x. STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; Chương 6: Truyền giáo trong thời đại khám phá (1492-1773); tr. 285-286.

[20] SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER …); tr. 286.

[21] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ; Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam; nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2005; tr. 24.

[22] GHI CHÚ RIÊNG: Chế độ “Bảo trợ Truyền giáo” thường được gọi chung bằng tiếng La tinh là Patronatus hình thành từ sắc chỉ “Inter Caetera” của Đức Giáo Hoàng Alexandro VI ký ngày 04.5.1493, “phân chia quyền bảo trợ truyền giáo cho hai nước Tây ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau đó hai nước ký hiệp ước tại Tordesillas (Tây Ban Nha) vào ngày 07.06.1494, thỏa thuận đường ranh giới là kinh tuyến 30 từ Bắc cực xuống Nam cực. Tây kinh tuyến thuộc Tây Ban Nha; Đông kinh tuyến thuộc Bồ Đào Nha, gồm Phi châu và Á châu…” (Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian; tr. 44; xem thêm: STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; Chương 6: Truyền giáo trong thời đại khám phá (1492-1773); tr. 286-287.).

[23] x. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ; Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian; nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2017; đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017; tr. 44.

[24] GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN; Mẹ tôi là thế đấy – Suy tư, bình luận, nghiên cứu về Mẹ Giáo Hội; nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2019; Bài 17: Tìm lại kho tàng bị lãng quên; tr. 275: Và đây là nhận xét của Josef Holzer, một tác giả rất uy tín viết về lịch sử Giáo Hội, trong tác phẩm “LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT”: “Thực-dân Bồ và Tây-Ban-Nha đi tới đâu, các nhà truyền giáo theo tới đó. Những khám-phá và xâm chiếm đất-đai không chỉ vì quyền-lợi chính-trị, quân-sự và kinh-tế, mà còn cả tôn-giáo. Nhưng tiếc thay, công cuộc truyền giáo dưới cây dù thực-dân thường với những phương-cách tàn-bạo và nhơ-nhuốc đó đã tạo cho người ta cảm-tưởng rằng Giáo-hội đã cùng một bè một cánh với thực-dân cướp-bóc. Cảm-tưởng này cho đến ngày nay vẫn còn hằn sâu trong tâm-trí của một số dân-tộc.”

[25] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ; Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam; nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005; tr. 24. (x. tr. 20-21: Bắt đầu thành lập năm 1622, cơ quan này mang tên La tinh Sacra Congregatio de Propaganda Fide (trong tiếng Việt ngày nay quen dịch là Thánh Bộ Truyền giáo nhiều hơn là Thánh Bộ Truyền bá đức Tin, từ năm 1946 trở về trước cũng còn gọi là Toà Áp giải việc truyền giáo); ngày 15-8-1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bằng Hiến chế Regimini Ecclesiae đổi tên Bộ này là Sacra Congregatio pro Gentium Evangelizatione seu de Propaganda Fide (Thánh Bộ Phúc âm hoá các Dân tộc hoặc Truyền bá đức Tin); ngày 28-6-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng Hiến chế Pastor bonus lại rút gọn tên Bộ này là Congregatio pro Gentium Evangelizatione (Bộ Phúc âm hoá các Dân tộc). Với Hiến chế Pastor bonus cải tổ giáo triều Roma, Toà thánh đã dám có một thay đổi lớn, dù chỉ là một tính từ, là bỏ hết từ Sacra (Thánh) đứng trước tên các Bộ và các cơ quan đầu não của giáo triều, vì vậy từ 1988 trở đi chỉ còn gọi là Bộ Phúc âm hoá các Dân tộc, Bộ Giám mục, Bộ Giáo sĩ, V.V

[26] SĐD (Hai Giám Mục đầu tiên…); tr. 20.

[27] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II; Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” (Ecclesia in Asia – EA); lm. Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ; phần DẪN NHẠP; số 1.

[28] PETER FRANKOPAN; Những Con đường Tơ lụa – Một lịch sử mới về thế giới (Tựa gốc: The Silk Roads: A New History of The World); Trần Trọng Hải Minh dịch, Huỳnh Hoa hiệu đính; nxb. Đà Nẵng 2019; Phần 1: SỰ RA ĐỜI CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA; tr. 25-68: “Phương Tây đã bắt đầu nhìn về phương Đông, và phương Đông đã bắt đầu nhìn về phương Tây. Cùng với giao thông ngày càng kết nối chặt chẽ Ấn Độ với vịnh Ba Tư và Hồng Hải, Những Con đường Tơ lụa của thời cổ đại tràn ngập sức sống”;

[29] SĐD (PETER FRANKOPAN … ); Phần 2: CON ĐƯỜNG CỦA NHỮNG ĐỨC TIN; tr. 69: “Không chỉ hàng hoá chảy dọc theo những tuyến đường huyết mạch nối Thái Bình Dương, Trung Á, Ấn Độ, vịnh Ba Tư và Địa Trung Hải thời cổ đại; còn có cả các tư tưởng nữa. Và trong những tư tưởng mạnh mẽ nhất có tư tưởng về thần thánh. Sự trao đổi trí thức và tôn giáo đã luôn diễn ra sôi động khắp vùng này; giờ càng trở nên phức tạp và cạnh tranh. Các hệ thống tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng địa phương bắt đầu tiếp xúc với những vũ trụ luận đã được thiết lập lâu đời, tạo ra một nồi lẩu thập cẩm phong phú, nơi các tư tưởng được vay mượn, tinh chỉnh và dựng lại hình ảnh”

[30] x. STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; Chương 3: Truyền giáo trong Giáo Hội thời kỳ đầu (100-301); tr. 131.

[31] SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); 136.

[32] SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); 133.

[33] SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); Chương 4: Truyền Giáo và phong trào Dòng tu; tr. 175.

[34] SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); Chương 6: Truyền giáo trong thời đại khám phá (1492-1773); tr. 302.

[35] SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); Chương 4: Truyền Giáo và phong trào Dòng tu; tr. 177.

[36] SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); tr. 177.

[37] SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); tr. 181.

[38] x. SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); tr. 181.

[39] x. SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); Chương 5: Truyền Giáo và phong trào khất thực (1000-1453); tr. 227.

[40] LM. ĐÀO QUANG TOẢN; Giáo Hội Việt Nam Năm 1659; nxb Phương Đông 2010; tr. 94: “Ngày 8.12.1939, trong triều đại ĐGH Pio XII, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin công bố sắc lệnh “Plane compertum est”, xóa bỏ sự nghiêm cấm việc thờ cúng ông bà tổ tiên tại vùng văn hóa Khổng Mạnh”.

[41] LM. TRĂNG THẬP TỰ; Năm mươi năm thờ cúng tổ tiên; nxb Phương Đông 2014; trang 15: “Ngày 20.10.1964, Tòa Thánh, qua Bộ Truyền Giáo đã chấp thuận đề nghị của hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng huấn thị Plane Compertum est (8.12.1939), về việc tôn kính Tổ tiên cho giáo dân Việt nam”.

[42] LM. LÊ CÔNG ĐỨC; Truyền giáo; website http://conggiao.info/truyen-giao-d-15998; đăng ngày 30.5.2013.

[43] SĐD (LM. LÊ CÔNG ĐỨC; Truyền giáo… ).

[44] x. SĐD (STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER…); Chương 5: Truyền Giáo và phong trào khất thực (1000-1453); tr. 227.

[45] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM; Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016; nxb. Tôn Giáo 2017; tr.27

[46] x. SĐD (Niên Giám 2016…); tr.28.

[47] GHI CHÚ RIÊNG: Linh mục Alexandre De Rhodes sinh ngày 15.3.1591 tại “lãnh địa Giáo Hoàng Avignon” thuộc Pháp, là một thừa sai Dòng Tên và là một nhà ngôn ngữ học, đã góp phần rất lớn trong công cuộc truyền giáo tại Việt nam vào thế kỷ 17, nhất là công cuộc thiết dựng và kiện toàn chữ Quốc Ngữ. Ngài mất ngày 5.11.1660 tại Isfahan Iran.

[48] ALEXANDRE DE RHODES; Hành trình và Truyền giáo (Divers voyages et Missions); bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ; nxb. Hồng Đức 2020; tr. 35-36.

[49] LM. ĐÀO QUANG TOẢN; Giáo Hội Việt Nam 1659; nxb. Phương Đông 2010; tr. 10: Sắc lệnh “Super Cathedram” năm 1659 gồm hai bản, một gởi cho Đức cha F. Pallu và một gởi cho Đức cha Lambert De La Motte. Hai bản giống nhau, chỉ khác về các miền đất được trao phó.

[50] SĐD (LM. ĐÀO QUANG TOẢN… ); tr. 11: “… xứ Đàng Trong và các tỉnh Triết Giang, Phước Kiến, Giang Tây, Quảng Đông, đảo Hải Nam và các đảo khác…”

[51] SĐD (LM. ĐÀO QUANG TOẢN … ); tr. 11: “… xứ Đàng Ngoài và các vùng kế cận là Vân Nam, Quí Châu, Hồ Quảng, Quảng Tây, Tứ Xuyên và xứ Lào…”.

[52] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ; Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam; nxb. Tôn Giáo 2008; tr. 110: “Giáo phận Nam Kinh bao la bát ngát; vì giáo phận này gồm các vùng rộng lớn của Trung Quốc: Bắc Kinh, Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông, Mông cổ và cả nước Triều Tiên…”.

[53] STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020;; Chương 6: Truyền giáo trong thời đại khám phá (1492-1773); tr. 302-314.

[54] x. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ; Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian; nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2017; đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017; Chương II, III, IV; tr. 43-105 (Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam của Dòng Tên).

[55] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM; Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016; nxb. Tôn Giáo 2017; tr.174-175.

[56] GHI CHÚ RIÊNG: trong tiếng Do Thái cổ, “tản mác”, “phân tán” được viết là “diaspora”.

[57] NGUYỄN THỪA HỶ (Tuyển dịch, giới thiệu và bổ chú); Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX (Qua các nguồn tư liệu phương Tây); nxb Khoa Học Xã Hội 2020; Phần IV: Du hành và tác vụ của các giáo sĩ Dòng Tên (Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus); nguồn: De Montézon & Estève, Mission de Cochinchine et du Tonkin, Charles Duniol, Paris, 1858; tr. 189-190.

[58] x. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ; Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian; nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2017; đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017; Chương II: Các Thừa sai Dòng Tên từ Ma Cao đến Đàng Trong; tr. 45-47.

[59] SĐD (Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian…); Chương IV: Phương Châm và Phương Pháp hoạt động Truyền Giáo; tr. 85.

[60] OLGAR DROR & K.W. TAYLOR; Việt nam thế kỷ XVII, Những góc nhìn từ bên ngoài; Hoàng Tịnh Thuỷ dịch; nxb Đà Năng 2020; tr. 36.

[61] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ; Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian…; Chương III: Công cuộc truyền giáo của các thừa sai tại Đàng Trong; tr. 72.

[62] CRISTOFORO BORRI; Xứ Đàng Trong; Thanh Thư dịch; nxb Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2019; tr. 82.

[63] TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền Giáo thế kỷ 17; MONITA AD MISSIONARIOS; Chương V, Tiết 2; tr. 91.

[64] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ; Tản mạn lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam; nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2007; tr. 52.

[65] SĐD (ĐỖ QUANG CHÍNH…); Tr. 49-51.

[66] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ; Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian; nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2017; đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017; Chương II: Các Thừa sai Dòng Tên từ Ma Cao đến Đàng Trong; tr. 44.

[67] x. Cv 13,2; AG 23: “bởi họ được dành riêng để lo công việc Chúa đã gọi họ thi hành…”

[68] x. LG 8: “Giáo Hội lại luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng tiến bước trên con đường sám hối và canh tân”.

[69] LM. ĐÀO QUANG TOẢN; Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá; tr. 12-13. (Dẫn nguồn: Ghi chú 6: AMEP, tập 121, trang 621-622).

[70] SĐD (ĐÀO QUANG TOẢN…); tr. 13: “… Hẳn là do những sai phạm quái gở ấy mà người ta thấy bàn thờ nầy chống lại bàn thờ kia, và trong các cuộc rước kiệu công khai và trọng thể, có giáo sĩ và tu sĩ mang dưới tu phục họ những giao găm và súng đạn, mà đôi khi họ sử dụng để tàn sát lẫn nhau.”

[71] x. ĐỖ QUANG CHÍNH; Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773; nxb Tôn Giáo 2008; Chương ba, II: Căng thẳng giữa hai nhóm thừa sai; tr. 218: “Ngày 6.10.1675, ĐC Lambert ra vạ tuyệt thông hai cha B. d’Acosta và G. Candone vì tội bất phục tùng”

[72] LM. ĐÀO QUANG TOẢN; Giáo Hội Việt Nam năm 1659; nxb Phương Đông 2010; tr. 122-123. (Xem thêm: Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam năm 1659; tr. 22-23 trong nội dung “các xứ truyền giáo trong chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha đang trong tình trạng sa lầy”).

[73] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ; Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam; nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005; tr. 120.

[74] GHI CHÚ RIÊNG: Địa danh AYUTTHAYA, mà Tây Phương thường viết là Ayuthia, Ajuthia, Yuthia hoặc Juthia, Theo lịch sử nước Thái Lan, Địa danh nầy vừa chỉ vương quốc Ayutthaya (Tên đầy đủ là Phra Nakhon Si Ayutthaya) tồn tại từ khoảng năm 1350-1767; vừa chỉ thành phố thủ đô của Vương quốc nầy do vua Uthong xây dựng từ năm 1350 và tồn tại liên tục 417 năm, cho đến khi bị quân Miến Điện tàn phá năm 1767. Đây cũng là địa điểm tập trung của các thương gia và thừa sai phương Tây.

[75] x. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN; Mẹ tôi là thế đấy – Suy tư, bình luận, nghiên cứu về Mẹ Giáo Hội; nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2019; Bài 20: Muốn đi xa phải đi cùng nhau; tr. 371: “Là một chiều kích tạo nên Giáo Hội, tính “hiệp hành” (synodalité) cung cấp cho ta một cái khung giải thích rất phù hợp để thấu đáo về chính thừa tác vụ phẩm trật. Nếu đồng quan niệm như Thánh Gioan Kim Khẩu đó là “Giáo Hội và thượng hội đồng (synode) luôn đồng nghĩa với nhau”, vì Giáo Hội chính là cuộc đồng hành của Đoàn Chiên Chúa trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô,…”.

[76] TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền Giáo thế kỷ 17; MONITA AD MISSIONARIOS; Lời Nói đầu cho lần Tái bản sách MONITA; tr. 30.

[77] LM. ĐÀO QUANG TOẢN; Giáo Hội Việt Nam năm 1659; nxb Phương Đông 2010; tr. 17-19

[78] SĐD (LM. ĐÀO QUANG TOẢN…); Tr. 20.

[79] Xem đầy đủ các Bản Báo Cáo nầy tại SĐD (LM. ĐÀO QUANG TOẢN…); Tr. 26-40.

[80] SĐD (LM. ĐÀO QUANG TOẢN…); Tr. 42.

[81] TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền Giáo thế kỷ 17; MONITA AD MISSIONARIOS; Lời Nói đầu cho lần Tái bản sách MONITA; tr. 29.

[82] Tức ngày 29.2.1664. Vì năm 1664 là năm nhuận nên có ngày 29.2.

[83] LM. ĐÀO QUANG TOẢN; Giáo Hội Việt Nam năm 1659; nxb Phương Đông 2010; Công đồng Ajuthia; tr. 131

[84] TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền Giáo thế kỷ 17; MONITA AD MISSIONARIOS; Thư đệ trình Đức Thánh Cha Clément IX; tr. 38.

[85] x. LM. ĐÀO QUANG TOẢN; Giáo Hội Việt Nam năm 1659; nxb Phương Đông 2010; tr. 50-73: (1) Đào tạo giáo sĩ bản quốc, (2) Về giám mục bản quốc, (3) Vâng phục và lĩnh ý Toà Thánh, (4) Toà Thánh đặt đại diện ở các miền xa xôi, (5) Đừng bức bách người ta tuân theo Thánh Bộ, (6) Tổ chức liên lạc thư thừ với Thánh Bộ, (7) Thận trọng trong việc gởi thư, (8) Khuyên các thừa sai viết thư, (9) Kính trọng nhà cầm quyền, (10) Đừng xen vào chính trị, (11) Đừng lưu lại nơi công đường, (12) Dạy dân chúng họp nhất và vâng phục chính quyền, (13) Tôn trọng cổ tục bản xư, (14) Tôn trọng trật tự công cọng, (15) Đừng rời bỏ khu vực của mình, (16) Đừng tranh luận, (17) Buộc các linh mục giữ đúng kỷ luật truyền giáo, (18) Những lý do để các cha về Âu châu, (19) Đối với các cha dòng, (20) Vấn đề tiền của, (21) Vấn đề văn hoá, (22) Đào tạo linh mục tương lai, (23) Những lời nhắn nhủ kết thúc.

[86] TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền Giáo thế kỷ 17; MONITA AD MISSIONARIOS; Thư đệ trình Đức Thánh Cha Clément IX; tr. 38-39.

[87] GHI CHÚ RIÊNG: Phương pháp “XEM, XÉT, LÀM” (( See – Jugde – Act) được Đức ông Joseph Cardijn (sau là Hồng Y) phổ biến. Năm 1946, Phong trào Thanh Sinh Công thế giới (International Young Catholic Students – IYCS) ra đời. Phương pháp kiểm điểm đời sống: Xem – Xét – Làm đã trở thành nền tảng cho tiến trình huấn luyện của TSC. Nói cách khác, đây chính là con đường sống Lời Chúa của phong trào TSC.

[88] Tài Liệu Làm Việc PHIÊN HỌP TOÀN THỂ THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XV CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC GIỚI TRẺ, ĐỨC TIN VÀ BIỆN PHÂN ƠN GỌI; số 3: “Tài Liệu Làm Việc tập hợp và tóm tắt các đóng góp được thu thập trong diễn trình tiền Thượng Hội Đồng trong một tài liệu được cấu trúc thành ba phần, phản ánh rõ ràng cấu trúc của diễn trình biện phân được mô tả trong Evangelii Gaudium 51: nhìn nhận, giải thích, lựa chọn”.

[89] TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền Giáo thế kỷ 17; MONITA AD MISSIONARIOS; Lời Tựa; tr. 43: “Trước hết chúng tôi phải tìm hiểu cặn kẽ hiện tình đạo Kitô và thấu hiểu những tệ nạn đang phát triển tại đó. Tiếp đến, khi nhóm họp với các đồng sự, ưu tư đầu tiên của chúng tôi, theo lời thánh Tông Đồ gửi cho ông Timothê: “Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy.” (1 Tm 4,16) phải là: ưu tư về phần rỗi của chính mình và phần rỗi của các thừa sai khác. Do đó, chúng tôi phải quyết định làm gì, tránh gì để khỏi phải rơi vào con đường xấu. Sau cùng, lấy những qui luật tông đồ làm kim chỉ nam, chúng tôi phải vạch ra đâu là phương cách đúng và tốt để truyền bá Đức Tin”.

[90] SĐD (MONITA…); Lời Nói đầu; tr. 30.

[91] SĐD (MONITA…);Thư đệ trình Đức Thánh Cha Clément IX; tr. 38.

[92] SĐD (MONITA…); Chương I, Tiết 1; tr. 45.

[93] SĐD (MONITA…); Chương I, Tiết 1; tr. 45.

[94] SĐD (MONITA…); Chương I, Tiết 1; tr. 46.

[95] SĐD (MONITA…); Chương I, Tiết 4; tr. 51-52.

[96] SĐD (MONITA…); Chương I, Tiết 2; tr. 47-48.

[97] SĐD (MONITA…); Chương I, Tiết 3; tr. 49.

[98] SĐD (MONITA…); Chương I, Tiết 3; tr. 49.

[99] SĐD (MONITA…); Chương I, Tiết 5; tr. 53.

[100] SĐD (MONITA…); Chương II, Tiết 1; tr. 56.

[101] SĐD (MONITA…); Chương II, Tiết 2; tr. 58.

[102] SĐD (MONITA…); Chương II, Tiết 3; tr. 59.

[103] SĐD (MONITA…); Chương II, Tiết 4; tr. 62-63.

[104] SĐD (MONITA…); Chương II, Tiết 5; tr. 63-64.

[105] SĐD (MONITA…); Chương III, Tiết 1; tr. 65-67.

[106] SĐD (MONITA…); Chương III, Tiết 4; tr. 72: “Nhưng vấn đề là không phải cái uy tín được tìm kiếm bằng sự phô trương, bằng của cải, bằng sự xa hoa và tình bạn với các vua chúa, nhưng là uy tín đặt nền tảng trên nhân đức và sự thánh thiện. Uy tín do thánh đức thì xây dựng trong lúc uy tín thế tục thì phá hủy; một bên gợi lên sự khiêm tốn, bên kia nuôi dưỡng tham vọng; một đàng dạy bảo việc khinh chê mọi sự, khinh chê những của cải chóng qua, đặt chúng ta ở trên mọi thứ phù vân, đàng kia mua danh vọng bằng vàng, nuôi dưỡng sự ham mê của cải và tính kiêu ngạo…”

[107] SĐD (MONITA…); Chương III, Tiết 2; tr. 68-70.

[108] SĐD (MONITA…); Chương III, Tiết 3; tr. 70.

[109] SĐD (MONITA…); Chương III, Tiết 5; tr. 74-75.

[110] SĐD (MONITA…); Chương III, Tiết 7; tr. 79.

[111] SĐD (MONITA…); Chương IV, Tiết 1; tr. 81.

[112] SĐD (MONITA…); Chương IV, Tiết 1; tr. 81-84.

[113] SĐD (MONITA…); Chương IV, Tiết 2; tr. 85.

[114] SĐD (MONITA…); Chương IV, Tiết 2; tr. 85-86

[115] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 1; tr. 87-88.

[116] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 1; tr. 89-90.

[117] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 2; tr. 96.

[118] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 3; tr. 97.

[119] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 4; tr. 102-103.

[120] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 4; tr. 102.

[121] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 4; tr. 105.

[122] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 5; tr. 108-110.

[123] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 5; tr. 108.

[124] SĐD (MONITA…); Chương V, Tiết 5; tr. 109.

[125] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 1; tr. 111.

[126] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 1; tr. 111.

[127] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 1; tr. 111-112

[128] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 1; tr. 112.

[129] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 2; tr. 112-113.

[130] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 2; tr. 113.

[131] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 2; tr. 114.

[132] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 2; tr. 114.

[133] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 2; tr. 115.

[134] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 3; tr. 116.

[135] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 4; tr. 120.

[136] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 5; tr. 127-128.

[137] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 6; tr. 131.

[138] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 6; tr. 131-134.

[139] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 7; tr. 135.

[140] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 8; tr. 140.

[141] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 10; tr. 146-148.

[142] SĐD (MONITA…); Chương VII, Tiết 1; tr. 158.

[143] SĐD (MONITA…); Chương VII, Tiết 1; tr. 159.

[144] SĐD (MONITA…); Chương VII, Tiết 1; tr. 159.

[145] SĐD (MONITA…); Chương VII, Tiết 1; tr. 159.

[146] SĐD (MONITA…); Chương VII, Tiết 2; tr. 162.

[147] SĐD (MONITA…); Chương VII, Tiết 3; tr. 163.

[148] SĐD (MONITA…); Chương VII, Tiết 2; tr. 161.

[149] SĐD (MONITA…); Chương VIII; tr. 167.

[150] SĐD (MONITA…); Chương VIII; tr. 167-168.

[151] SĐD (MONITA…); Chương VIII; tr. 169.

[152] SĐD (MONITA…); Chương VIII; tr. 169-170

[153] SĐD (MONITA…); Chương IX; tiết 1; tr. 171.

[154] SĐD (MONITA…); Chương IX;; tiết 1; tr. 171-172.

[155] SĐD (MONITA…); Chương IX;; tiết 1; tr. 172.

[156] SĐD (MONITA…); Chương IX; tiết 2; tr. 174-178.

[157] SĐD (MONITA…); Chương X; tiết 1; tr. 181.

[158] SĐD (MONITA…); Chương X; tiết 3; tr. 187.

[159] SĐD (MONITA…); Phụ lục; tr. 199.

[160] SĐD (MONITA…); Phụ lục; tr. 199-200.

[161] SĐD (MONITA…); Chương IV, Tiết 1; tr. 81-84.

[162] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 1; tr. 111-112

[163] SĐD (MONITA…); Chương VI, Tiết 1; tr. 112.

[164] SĐD (MONITA…); Chương III, Tiết 4; tr. 73.

[165] SĐD (MONITA…); Chương IV, Tiết 1; tr. 82.

[166] SAMUEL P. HUNTINGTON; The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (Sự Va chạm của các nền Văn minh và sự tái lập trật tự thế giới); Nguyễn Phương Sửu, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Phương Nam, Lưu Ánh Tuyết dịch, Võ Minh Tuấn hiệu đính; nxb Thế Giới 2018; tr. 149: “Phát triển kinh tế của Đông Á là một trong những tiến triển có ý nghĩa của thế giới vào nửa sau thé kỷ 20. Quá trình này bắt đầu ở Nhật Bản từ những năm 1950, và đã có lúc Nhật Bản được coi là trường hợp ngoại lệ điển hình: một đất nước phi phương Tây đã hiện đại hoá thành công và rất phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế sau đó đã lan rộng sang Bốn con hổ (Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore), rồi Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, và Indonesia, đang diễn ra ở Philippines, Ấn Độ và Việt Nam. Các nước này trong vòng hơn một thập niên đã duy trì được mức độ tăng trưởng trung bình hằng năm từ 8 đến 10% hoặc hơn. Lần đầu tiên, thương mại được mở rộng đáng kể giữa châu Á với thế giới, giữ các nước châu Á với nhau. Thành tựu kinh tế này của châu Á đi ngược lại với tăng trưởng khiêm tốn của kinh tế châu Âu và Mỹ cũng như sự trì trệ của phần lớn kinh tế thế giới”.

[167] Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu” (EA); số 4.

[168] SĐD (EA); số 23.