Bốn Điều Sau Cùng

BỐN ĐIỀU SAU CÙNG

EWTN PUBLISHING, INCH 2017

Fr. Wade L.J. Menezes, CPM

Giuse Ngô Quang Trung dịch

Dẫn nhập

Ấy vậy, anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ. Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người. Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng.

  • Philípphê 2,12-15

Chúa tạo dựng chúng ta mà không cần có chúng ta; nhưng Ngài không thể cứu chúng ta mà không cần chúng ta hợp tác.

— Thánh Augustinô, Sermo 169 [1]

Mục đích của cuốn sách này là làm sáng tỏ Bốn Điều Sau Cùng – một nội dung giáo lý quan trọng nhất của Mẹ thánh Giáo hội có nguồn gốc sâu xa từ Kinh Thánh, Thánh Truyền và Huấn quyền. Bốn Điều Sau Cùng là một cách khác để nói về thần học cánh chung của Giáo hội, bắt nguồn từ chữ eschaton trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “cuối cùng”, và đề cập đến việc tìm hiểu về sự kết thúc cuộc sống trần thế của chúng ta và ngày tận thế của cả thế giới.

Xuyên suốt bản văn, chúng tôi sẽ nêu bật những đoạn văn  thích hợp từ sách Giáo lý phổ quát của Giáo hội Công giáo, đặc biệt đề cập đến từng điều trong Bốn Điều Sau Cùng. Vì vậy, tôi hy vọng là cuốn sách này sẽ phục vụ như một tài liệu hướng dẫn giáo lý cho giáo dân về nội dung giáo lý quan trọng này. Giáo lý này rất cần thiết không chỉ cho sự hiểu biết của chúng ta về các nguyên lý thần học tín lý mà còn cho chính việc theo đuổi ơn cứu rỗi của chúng ta. Như thánh Bernarđô thành Clairvaux kêu gọi: “Chúng ta hãy làm việc để có được lương thực không bị hư nát – ơn cứu độ của chúng ta.” [2]

Tuy nhiên, đáng buồn thay, giáo lý về Bốn Điều Sau Cùng dường như đã bị lãng quên kể từ Công đồng Vatican II. Đây chắc chắn không phải lỗi của công đồng. Vatican II là một công đồng rất vững chắc, trung thành và chính thống, được Chúa Thánh Thần thực sự hướng dẫn. Đúng hơn, giáo lý về cánh chung của Giáo hội đã không được nhấn mạnh trước sự thờ ơ của nhiều người cho rằng những sự thật phũ phàng về cái chết và sự phán xét là không hấp dẫn đối với con người hiện đại. Và do đó, Giáo hội hậu Vatican II dường như nhấn mạnh hơn thực tại về Thiên đàng và ơn cứu rỗi mà bỏ qua những giáo huấn của Giáo hội về cái Chết, Sự Phán xét, Luyện ngục và Hỏa ngục. Nhưng sự thật là Thiên đàng và Hỏa ngục, ơn cứu rỗi và sự phán xét, sự sống đời đời và hình phạt vĩnh cửu đều là những giáo thuyết bổ sung cho nhau. Chúng cần nhau để được trọn vẹn; chỉ tập trung vào mặt tích cực hoặc chỉ vào khía cạnh tiêu cực sẽ tạo ra một cái nhìn không cân bằng về thế giới của chúng ta và thế giới mai sau.

Đúng là việc tìm hiểu giáo lý của Giáo hội về Bốn Điều Sau  Cùng có thể là một việc gây hoang mang hoặc thậm chí đáng sợ. Nhưng trước khi chúng ta để mình rơi vào lối suy nghĩ đó, mà tôi tin chắc rằng có thể là cạm bẫy của Ác Thần, chúng ta hãy xem một vài đoạn văn của thánh Phaolô:

 Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu. (Pl 4,4-7)

Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người. Vì thế, anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm. (1 Tx 5,9-10)

Thánh Phaolô mang lại cho chúng ta niềm an ủi lớn lao trong những đoạn văn này. Rõ ràng, ngài đang nói với chúng ta rằng chúng ta phải vui mừng, không được lo lắng, chúng ta phải tìm kiếm sự bình an của Chúa qua lời cầu nguyện và nài xin, và chính Chúa đã kêu gọi chúng ta không phải đến với cơn thịnh nộ của Ngài mà là bước vào ơn cứu độ.

Vì vậy, chúng ta được mời gọi nghiên cứu và hiểu Bốn Điều Sau  Cùng với niềm vui lớn lao và lòng tin tưởng mạnh mẽ vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta. Ngài muốn ơn cứu độ  cho chúng ta. Bức hình Lòng Chúa Thương Xót ở phía dưới nói lên điều gì? “Lạy Chúa, con tín thác vào Ngài.” Thần học cánh chung của Giáo hội có nghĩa là một giáo thuyết tốt đẹp và an ủi – không phải là một điểm giáo lý gây hoang mang và tốn nhiều công sức – trong đó chúng ta được trình bày những sự thật về ơn cứu độ: điều có thể dẫn chúng ta đến ơn cứu rỗi cũng có thể kéo chúng ta ra khỏi sự cứu rỗi.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa muốn chúng ta có một thứ sợ hãi nào đó; xét cho cùng, “kính sợ Chúa” là một hồng ân của Chúa Thánh Thần. Nhưng đây là nỗi sợ bắt nguồn từ tình yêu. Thánh Dorotheos xứ Gaza, vị tu viện trưởng nổi tiếng, lặp lại điều này khi ngài nói:

Tình yêu hoàn hảo…dẫn con người đến nỗi sợ hãi hoàn hảo. Người như vậy kính sợ và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, không phải vì sợ bị trừng phạt, không phải để tránh bị lên án, nhưng. . . bởi vì anh ta đã nếm được vị ngọt của việc ở bên Chúa; anh ấy sợ mình có thể mất nó. [3]

Khi thực hiện ơn cứu rỗi của mình, chúng ta nên có lòng kính sợ Thiên Chúa một cách hiếu thảo, chứ không phải là sự kính sợ nô lệ đối với Ngài. Đây là điều tác giả Thánh vịnh muốn nói khi viết: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan; Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy” (Tv 111,10). Thánh Phêrô Chrysologus, một giám mục thời đầu Giáo hội, nhắc lại lời dạy này khi ngài nói với chúng ta: “Chúa muốn được yêu hơn là sợ hãi”. [4] Và Thánh Phanxicô de Sales đã tuyên bố một cách hùng hồn và chính xác: “Chúng ta phải kính sợ Thiên Chúa vì yêu mến, chứ không phải yêu mến Ngài vì sợ hãi”. [5]

Do đó, giáo lý về Bốn Điều Sau Cùng không nhằm mục đích làm chúng ta sợ hãi. Đúng hơn, nó có mục đích dẫn chúng ta sống đời sống Kitô hữu một cách trung thành và dấn thân hơn trên trái đất này. Bài suy niệm này từ Bánh Hằng Ngày, một bài suy niệm của cha Anthony J. Paone, SJ, đã tóm tắt chân lý này rất hay:

Có rất ít điều trong cuộc sống trần gian này là tuyệt đối chắc chắn. Nhưng điều không thể tranh cãi nhất trong số này là cái chết. Mọi người, kể cả người vô thần, đều thừa nhận điều này – cái chết là điều chắc chắn. Tuy nhiên, cái chết không phải là sự kiện sau cùng trong cuộc đời này của chúng ta. Ngay sau khi chết, chúng ta sẽ chịu phán xét. Sự phán xét riêng sẽ được lặp lại vào Ngày Phán xét chung khi tất cả mọi người đều biết chúng ta là ai.

Sự phán xét của chúng ta sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta sống cuộc sống trần thế này. Nếu chúng ta thành tâm làm hết sức mình và tuân theo các điều răn của Chúa Kitô, chúng ta sẽ được thưởng sự sống hoàn hảo trên Thiên đàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta coi thường những giáo huấn yêu thương của Người và từ chối tận dụng ơn trợ giúp quảng đại của Người, chúng ta sẽ bị kết án vào hỏa ngục.

Cái chết, sự Phán xét, Thiên đàng và Hỏa ngục – đây là bốn điều sau cùng mà chúng ta đều hướng tới mỗi giờ trong ngày và đêm. Nó sẽ không bao giờ làm chúng ta sợ hãi nếu lương tâm của chúng ta trong sáng. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày, nghĩa là nếu chúng ta chân thành cố gắng tìm hiểu và tuân theo thánh ý Ngài, thì chúng ta không có lý do gì phải sợ hãi.

Bằng cách luôn giữ mục tiêu vĩnh cửu này trước mắt, chúng ta sẽ suy nghĩ thẳng thắn khi gặp phải những vấn đề và khó khăn trong cuộc sống… Chúng ta phải cố gắng luôn “suy nghĩ về vĩnh cửu”. Chúng ta phải tìm cách bảo đảm cho chính mình, trong khả năng của chúng ta, sự thành công bất tận và hạnh phúc trọn vẹn của Thiên đàng. [6]

Bỏ qua thần học cánh chung của Giáo hội không chỉ có nguy cơ gây tổn hại lớn cho linh hồn, mà còn làm suy yếu sứ điệp đức tin thiết yếu của Giáo hội. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hòa giải và Sám hối) năm 1984, đã nêu rất rõ điều này:

Giáo hội cũng không thể bỏ qua, mà không làm tổn hại nghiêm trọng sứ điệp thiết yếu của mình, việc dạy giáo lý liên tục về điều mà ngôn ngữ truyền thống Kitô giáo gọi là bốn điều  sau cùng của con người: cái chết, sự phán xét (chung và riêng), hỏa ngục và thiên đàng. Trong một nền văn hóa có xu hướng giam cầm con người trong cuộc sống trần thế mà con người ít nhiều thành công, các mục tử của Giáo hội được mời gọi cung cấp những bài giáo lý hướng dẫn và minh họa bằng những điều chắc chắn của đức tin những gì sẽ xảy ra sau cuộc sống hiện tại: vượt ra ngoài cánh cổng huyền bí của cái chết, một niềm vui vĩnh cửu được hiệp thông với Thiên Chúa hay hình phạt phải xa cách Ngài. Chỉ trong cái nhìn cánh chung này, người ta mới có thể nhận ra bản chất đích thực của tội lỗi và cảm thấy quyết tâm sám hối và hòa giải. [7]

Đón nhận và tin vào giáo lý của Giáo hội về Bốn Điều Sau Cùng là chấp nhận sự thật về thực tại vĩnh cửu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ sống cõi vĩnh hằng này ở đâu – Thiên đàng hay Hỏa ngục? Đây là lý do tại sao chủ đề này phải mang tầm quan trọng cấp thiết đối với mỗi người.

Vì vậy, tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp bạn, với niềm vui lớn lao và quyết tâm trung thành, học hỏi, đón nhận và chia sẻ những nội dung thiết yếu của thần học cánh chung của Giáo hội. Suy cho cùng, đây là một phần ơn gọi trong Bí tích rửa tội của chúng ta – được củng cố bởi Bí tích Thêm sức và được duy trì bằng việc thường xuyên lãnh nhận Bí tích Giải tội và Bí tích Thánh Thể. Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành học trò và thầy dạy Đức tin.

Có hai đoạn Kinh Thánh mà tôi tin sẽ truyền tải sự thật một cách tuyệt vời rằng, bất kể ơn gọi hay tình trạng bậc sống của một người là gì, Thiên Chúa Toàn Năng luôn khuyến giục chúng ta sống cuộc đời mình một cách đạo đức và “thực hiện ơn cứu độ” để đạt được Mối Phúc Đời Đời, mãi mãi với Ngài:

Đã đến lúc anh em phải thức dậy,…Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày (Rm 13,11-13)

Xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Ngài, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Ngài về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn. Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả. Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi. (Cl 1,9-14)

Đây là những mệnh lệnh và lời hứa tốt đẹp biết bao! Chúng thôi thúc chúng ta ở đời này luôn trung thành với Chúa và Lời Ngài để  chúng ta có thể được cứu ở đời sau.

Thánh Phêrô Chrysologus hỏi chúng ta một câu hỏi rất quan trọng: “Tại sao bạn tìm hiểu bạn được tạo dựng như thế nào mà không tìm cách biết tại sao bạn được tạo dựng?” [8] Chúng ta được tạo dựng để được Hưởng Kiến – Thiên đàng vĩnh cửu với Chúa Ba Ngôi – Thiên Chúa là Đấng chúng ta xuất phát và chúng ta được mời gọi quay về.

Vì vậy, các bạn của tôi, chúng ta hãy chú ý đến lời kêu gọi quan trọng này, vì việc biết và đón nhận giáo lý Bốn Điều Sau Cùng chuẩn bị cho chúng ta “thực hiện việc cứu rỗi cho mình” và đồng thời chia sẻ nó với người khác, điều này có thể là một khí cụ truyền bá Phúc Âm hóa mạnh mẽ để giúp người khác cũng thực hiện việc cứu rỗi của chính họ.

Chúng ta hãy kết thúc phần giới thiệu này và bắt đầu cuốn sách này bằng một câu trích dẫn hay của thánh Cyrilô thành Giêrusalem sẽ mang lại cho chúng ta niềm tin lớn lao khi đi sâu vào nghiên cứu về Bốn Điều Sau Cùng:

Vì nếu bạn tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, và Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại thì bạn sẽ được Người cứu rỗi và đưa lên thiên đàng như Người đã đưa kẻ trộm vào đó. Đừng nghi ngờ rằng điều này là có thể. Rốt cuộc, Người đã cứu tên trộm trên ngọn đồi Golgôtha chỉ vì một giờ đức tin; liệu Người lại không cứu bạn vì bạn đã tin sao? [9]

—–

[1] Quoted in Catechism of the Catholic Church (CCC), no. 1847.

[2] St. Bernard of Clairvaux, Sermo de Diversis 15.

[3] Quoted in Paul Thigpen, ed., A Dictionary of Quotes from

print