Bốn Điều Sau Cùng – Chương 1: Chết

print

Chương 1

 CHẾT

 Mọi việc đều có thời: một thời để chào đời,

một thời để lìa thế.

Gv 3,1,2

Có thời để sinh ra, có thời để chết. Sự thật là có mối liên hệ tự nhiên giữa sự sống và cái chết được diễn tả rất rõ ràng trong đoạn Kinh Thánh này. Cái chết luôn theo sau sinh ra và tất cả những ai được sinh ra cuối cùng đều đi vào nấm mồ.

– Thánh Grêgôriô Nyssa, Bài giảng 6, về sách Giảng viên

Động vật chết; côn trùng chết; cây cỏ cũng chết; và, vâng, con người cũng phải chết – nhưng chỉ có con người mới nhận thức được sự thật đó theo lý trí. Lý do là vì con người là tạo vật duy nhất được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Chỉ có con người mới được mời gọi vào Mối Phúc vĩnh cửu – Thiên đàng miên viễn. Con người xuất phát từ Thiên Chúa và được mời gọi trở về với Thiên Chúa. Nói một cách đơn giản, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa để sau cuộc sống trần thế này, chia sẻ  một cuộc sống hiệp thông và hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.

Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa? Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. (Tv 49,7-9)

Nói cách khác, chúng ta không thể mua được sự sống đời đời và cũng không thể tránh khỏi cái chết. Vì vậy, giáo lý về Bốn Điều Sau Cùng là một giáo lý thiết yếu mà chúng ta không được xem nhẹ. Chúng ta biết rằng một ngày nào đó mỗi người sẽ chết, bị phán xét và nhận phần thưởng đời đời hoặc bị kết án vĩnh viễn. Cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta là được cứu rỗi trên thiên đàng với Chúa Kitô và các thánh, hoặc sẽ chịu trừng phạt trong Hỏa ngục với ma quỷ và những kẻ bị đày đọa. Sự lựa chọn là của chúng ta về cách chúng ta sống hiện tại.

Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam là 73,6 năm. Đối với một số người, khoảng thời gian đó có vẻ như là một khoảng thời gian dài và nó cho thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc về tuổi thọ trong suốt vài thế kỷ qua. Tuy nhiên, so với trải nghiệm về cõi vĩnh hằng, nó chẳng là gì cả. Chúng ta chỉ là những đứa trẻ sơ sinh trong kế hoạch của số phận vĩnh cửu của mình.

…Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua : một tiếng thở dài. Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi. (Tv 90,9-10)

Sẽ đến lúc bạn ước mình có thêm một ngày – thậm chí một giờ – để sắp xếp cuộc sống nhưng không có gì bảo đảm rằng bạn sẽ đạt được điều đó. [10]

Những lời này trong Kinh Thánh và Thánh Truyền sẽ khiến chúng ta tỉnh thức: Cái chết là có thật, và ngày sống của chúng ta thì ngắn ngủi. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay (Gaudium et Spes), không hề quá lời về quan điểm Kitô giáo về cái chết và thực tại về sự sống vĩnh cửu trên Thiên đàng:

Trước cái chết, tính cách bí ẩn về thân phận con người đạt tới tột điểm. Con người không những bị hành hạ bởi những đau đớn và sự suy tàn nơi thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng tình cảm, con người có lý để ghê sợ cũng như phản kháng tình trạng hủy hoại hoàn toàn và sự kết thúc chung cuộc của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình, vốn không thể chỉ giản lược vào vật chất, luôn vùng lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: thật vậy, việc kéo dài tuổi thọ cho đời sống thể lý không thể thỏa mãn được nỗi khát vọng về một cuộc sống mai sau đã được in sâu trong lòng con người.

Trước cái chết, trong khi óc tưởng tượng của con người đành bất lực, thì Giáo Hội, được mạc khải chỉ bảo, quả quyết rằng con người được Thiên Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo còn dạy rằng: cái chết thể xác, điều mà con người đã có thể tránh nếu như không phạm tội; sẽ bị đánh bại khi con người nhờ Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mà được đón nhận lại ơn cứu rỗi, ơn đã bị đánh mất vì tội lỗi. Quả thật, Thiên Chúa đã và vẫn đang kêu gọi con người gắn bó trọn vẹn với Ngài trong sự thông hiệp đời đời vào sự sống thần linh bất khả hủy diệt. Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi giải thoát con người khỏi tử thần nhờ cái chết của Người và khi sống lại, Người đã đem lại sự sống cho con người. Như thế, đức tin, với những lý chứng vững chắc, đã đem lại lời giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình, đồng thời, đức tin còn giúp con người có thể hiệp thông với những người thân yêu đã chết trong Chúa Kitô, với niềm hy vọng rằng những người ấy đã nhận được sự sống đích thực bên cạnh Thiên Chúa. [11]

Ngoài ra, nhà thần học người Mỹ Fr. John A. Hardon, SJ, cũng đưa ra định nghĩa ngắn gọn và riêng biệt của Công giáo về cái chết:

[Cái chết là] sự kết thúc các chức năng cơ thể của một con người qua sự ra đi của linh hồn. Đó là một phần của mặc khải rằng, theo trật tự hiện tại của sự quan phòng của Thiên Chúa, cái chết là hình phạt cho tội lỗi. Theo giáo huấn của Giáo hội, cái chết là hậu quả của tội Ađam, như thánh Phaolô đã tuyên bố: “Tội lỗi vào thế gian bởi một người, và bởi tội lỗi mà có sự  chết” (Rm 5,12). Trong trường hợp những người được ơn công chính hóa, cái chết mất đi tính chất án phạt và trở thành hậu quả đơn thuần của tội lỗi. Vì vậy, tất cả con người đều phải bị chết….

Cái chết cũng là sự kết thúc quá trình thử thách hoặc trách nhiệm lòng trung thành của một người đối với Thiên Chúa. Nó chấm dứt mọi khả năng lập công đức hay mất công đức.

Nói đúng hơn, chỉ có thân xác mới chết khi tách rời khỏi nguyên lý sống của nó là linh hồn. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói đến cái chết thứ hai (Kh 20,6), ám chỉ những linh hồn trong hỏa ngục, những người bị tách rời khỏi nguyên lý sự sống siêu nhiên, là Thiên Chúa. [12]

Thực tại về sự chết

Điều quan trọng là chúng ta cần có cái nhìn lành mạnh và thực tế về cái chết. Theo quan điểm trần gian, điều này có thể bao gồm việc cập nhật bảo hiểm nhân thọ, chuẩn bị việc tang lễ và sắp đặt các khoản chi phí, chuẩn bị di chúc hợp pháp (cũng như “di chúc sống” tuân theo những lời dạy của Giáo hội về ngày cuối đời của bạn), v.v.

Nhưng còn việc có một cái nhìn lành mạnh về thực tế của cái chết theo khía cạnh thiêng liêng thì sao? Nói cách khác, trạng thái tâm hồn của bạn thế nào? Linh hồn của bạn đã sẵn sàng về mặt thiêng liêng để tách khỏi thân xác chưa? Chẳng hạn, bạn có thói quen xét mình một cách đúng đắn và nghiêm túc không? Bạn có thực hiện như vậy hàng ngày không? Lần cuối cùng bạn đến Bí tích Giải tội là khi nào? Bạn có xưng bất kỳ và tất cả các tội trọng đã nhận biết chưa? Bạn có thành thật cố gắng để khắc phục bất kỳ tật xấu hoặc thói quen phạm tội nhẹ nào mà bạn có thể đã mắc phải không? Bạn có thường xuyên tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa một cách xứng đáng không?

Chúng ta sẽ thảo luận tất cả những chủ đề này chi tiết hơn trong chương cuối cùng, nhưng vấn đề ở đây là khi nói đến sự thật về cái chết, chúng ta có thể dễ dàng chỉ bận tâm đến những thực tế tạm thời của cuộc sống, những điều chắc chắn là quan trọng, và quên mất chiều kích thiêng liêng của đời sống. Suy cho cùng, việc bị đày đọa vì tội trọng chắc chắn quan trọng hơn việc giành được một mảnh đất chôn cất lý tưởng.

Để giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về thực tại thiêng liêng của cái chết, chúng ta không thể làm gì tốt hơn là tìm hiểu một số câu nói và lời dạy của các vị thánh nam nữ đã được lưu truyền qua nhiều thế kỷ:

Không có gì chắc chắn hơn cái chết; không có gì không chắc chắn hơn giờ của nó. [13] (Thánh Anselmô)

Hạnh phúc thay những ai luôn chuẩn bị cho cái chết và thấy mình luôn sẵn sàng chết. [14] (Thánh Phanxicô de Sales)

Ít nhất về điều này tôi chắc chắn rằng không ai từng chết mà không phải chết vào một thời điểm nào đó. [15] (Thánh Augustinô)

Cái chết không khác gì là tin tưởng buông mình vào vòng tay của Thiên Chúa. [16] (Thánh Maria Maravillas de Jesus)

Sống để không sợ chết. Đối với những người sống tốt ở đời, cái chết không đáng sợ nhưng ngọt ngào và quý giá. [17]  (Thánh Rose of Viterbo)

Đối với người tốt, chết là một điều ích lợi. [18] (Thánh Ambrôsiô)

Hơi thở của Chúa ở trong chúng ta, và khi Ngài muốn thì Ngài sẽ lấy đi. [19] (Thánh Giáo hoàng Clementê I)

Thường xuyên nghĩ đến cái chết, để chuẩn bị cho nó và đánh giá mọi thứ theo đúng giá trị thực sự của chúng. [20] (Thánh  Charles de Foucauld)

Để có một bản tóm tắt đúng đắn về mặt thần học về chủ đề cái chết của con người, người ta không cần tìm đâu xa ngoài sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, cuốn sách cung cấp một tổng hợp những gì Kinh Thánh, Thánh Truyền và Huấn quyền dạy chúng ta về chủ đề này. Dưới đây là một số đoạn văn thích hợp hơn đưa ra ba sự thật quan trọng liên quan đến cái chết:

Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Cuộc đời chúng ta được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta thay đổi, già đi rồi chết, bình thường như mọi sinh vật khác trên mặt đất. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống. Nhớ đến cái chết, chúng ta phải nhớ là đời người có hạn. (1007)

Chết là hậu quả của tội lỗi. Khi chính thức giải thích những điều Thánh Kinh (x. St 2,17;3,3;3,19;Sg 1,13;Rm 5,12;6,23) và Thánh Truyền khẳng định, Huấn quyền của Hội Thánh dạy rằng cái chết đã vào trần gian vì con ngƣời đã phạm tội (x. DS 1511). Mặc dù theo bản tính tự nhiên con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Cái chết đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa sáng tạo và nó bước vào trần gian như hậu quả của tội lỗi (x. Kn 2,23-24). “Giả như con người không phạm tội thì đã không phải chết” (x. GS 18), nên “cái chết là kẻ thù cuối cùng con người cần phải chiến thắng” (x.1Cr 15,26). (1008)

Cái chết được biến đổi nhờ Chúa Kitô. Dù là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chịu chết vì mang thân phận con người. Đứng trước cái chết, tuy sợ hãi (x.Mc 14,33-34; Dt 5,7-8), Người đã chấp nhận nó vì hoàn toàn và tự nguyện tùng phục ý Chúa Cha. Nhờ vâng phục, Chúa Giêsu đã biến đổi cái chết từ chỗ là lời nguyền rủa trở thành lời chúc lành (x.Rm 5,19-21). (1009)

Đây là biểu tượng của việc đổ nước ba lần trong Bí tích Rửa tội: khởi đầu của cái chết là ở trong và cùng với Chúa Kitô. Điều này có vẻ đen tối hoặc buồn thảm, đặc biệt là khi rửa tội cho trẻ sơ sinh, nhưng nó thực sự vô cùng đẹp đẽ. Cái chết này không phải là “cái chết” như mọi người quan niệm, với việc Tử thần đưa chúng ta đến hư vô vĩnh viễn; đúng hơn, chính cái chết đi cho chính mình mới cho phép chúng ta được sống trọn vẹn trong Chúa Kitô. Và vì vậy, nếu chúng ta chết trong tình trạng ân sủng của Chúa Kitô – nghĩa là, không mắc tội trọng nào trong tâm hồn mà chúng ta chưa xưng thú và thống hối – thì cái chết thể xác của chúng ta thực sự hoàn thành việc chết với Chúa Kitô bắt đầu trong chúng ta khi rửa tội. Cái chết thể xác hoàn tất sự kết hợp trọn vẹn của chúng ta với Người, trong và qua hành động cứu chuộc của Người bằng cách chết cho chúng ta trên Thập giá. Thật là một giáo huấn đẹp đẽ và an ủi về Đức tin Công giáo của chúng ta!

Biết được điều này, sách Giáo lý càng làm cho chúng ta thấy rõ hơn rằng trong cái chết, Thiên Chúa gọi con người đến với chính Ngài. Đây là một sự thật mà thánh Phaolô đã nhận thức sâu sắc:

Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với Người. Vì thế đối với cái chết, Kitô hữu có thể mong ước như thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Chúa Kitô” (Pl 1,23); theo gương Chúa Kitô, họ có thể biến cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha. (x.Lc 23,46) (1011)

Sách Giáo lý cũng trích dẫn một số vị thánh hiểu sự thật rằng cái chết thể xác, trong tình trạng ân sủng thánh hóa, hoàn tất việc kết hợp chúng ta với Chúa Kitô. Đặc biệt hãy suy nghĩ lời tuyên bố mạnh mẽ này của thánh Ignatiô thành Antiôkia, vị trong thư gửi giáo đoàn Rôma đã bày tỏ một trực giác mạnh mẽ về cuộc tử đạo sắp xảy ra của mình: “Thà tôi chết trong Chúa Giêsu Kitô còn hơn là cai trị khắp tận cùng trái đất. Đấng mà tôi luôn tìm kiếm – Người đã chết vì chúng ta. Tôi mong muốn Người – Người đã sống lại vì chúng ta…Khi đến đó, tôi sẽ trở thành một con người trọn vẹn.” [21] Nghĩa là, một khi về Thiên gàng, thánh nhân sẽ sống trọn vẹn theo bản tính con người như ngài luôn mong muốn: sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa mãi mãi.

Chết lành

Mẹ Giáo hội, Hiền thê của Chúa Kitô, chính là người mẹ nhân lành và thánh thiện – cũng dạy chúng ta tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho một cái chết thánh thiện và hạnh phúc:

Hội Thánh khuyên chúng ta chuẩn bị cho giờ chết (“Xin cứu chúng con khỏi chết bất đắc kỳ tử”: kinh cầu các thánh cũ); khấn xin Mẹ Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta “trong giờ lâm tử” (Kinh Kính Mừng) và trông cậy vào Thánh Giuse là bổn mạng kẻ “mong sinh thì”. (GLHTCG 1014)

Thánh Giuse được coi là vị thánh bảo trợ cho một cái chết an lành vì truyền thống cổ xưa trong Giáo hội cho rằng trên giường bệnh, ngài được Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu Kitô, Con nuôi của ngài, người mà ngài phục vụ như người giám hộ, che chở. [22] Đây là một cảm nghiệm tốt đẹp mà mỗi người chúng ta có thể cầu xin: đó là khi chúng ta chết, ước gì đó là một cái chết thánh thiện đến nỗi chúng ta cũng có Đức Trinh Nữ Maria đứng một bên và Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ở bên kia.

Thánh Junipero Serra nói: “Trong tất cả mọi điều của cuộc sống, một cái chết lành thánh là mối ưu tư chính của chúng ta. Vì nếu chúng ta đạt được điều đó, thì việc chúng ta mất tất cả những thứ còn lại cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng nếu chúng ta không đạt được điều đó thì chẳng còn gì có giá trị nữa.” [23]

Khi nói đến một cái chết “lành thánh”, chúng ta chỉ muốn nói như sau:

  1. Chết trong tình trạng ân sủng – nghĩa là linh hồn không còn tội trọng nào mà chưa được tha thứ trong bí tích Giải tội
  2. Được lãnh nhận bí tích Xức dầu Bệnh nhân, nếu trước cái chết của chúng ta là một căn bệnh
  3. Rước Mình Thánh Chúa – nghĩa là Rước lễ lần cuối cùng
  4. Có những lời cầu nguyện Phó linh hồn trong tay Chúa
  5. Đã nhận được Ơn Xá của Tòa Thánh, vốn cũng ban cho chúng ta Ơn Toàn xá, miễn là chúng ta sẵn sàng đón nhận ân sủng lớn lao này.

Nhưng có thể không phải tất cả (hoặc bất kỳ) ơn trợ giúp bí tích nào đều có thể được ban cho một người khi qua đời. Đôi khi cái chết đến bất ngờ và chúng ta không thể kịp chuẩn bị gì được. Vì vậy, đây càng là lý do để chúng ta cố gắng sống sao cho “tâm trí luôn hướng về vĩnh cửu” trong cuộc sống hàng ngày của mình. Một cách đơn giản nhưng mạnh mẽ để thực hiện điều này là cố gắng sống một đời sống bí tích một cách trung thành, lãnh nhận thường xuyên và sốt sắng các Bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Như Thomas a Kempis nói với chúng ta trong sách Gương Phúc:

Nếu bạn khôn ngoan, bạn sẽ sắp xếp cuộc sống của mình như thể bạn sẽ chết trước khi một ngày kết thúc.

Nếu lương tâm của bạn trong sáng, bạn sẽ không sợ chết. Thà từ bỏ tội lỗi còn hơn sợ chết. Nếu hôm nay bạn không chuẩn bị để đối mặt với cái chết thì ngày mai bạn sẽ ra sao? Ngày mai là điều không chắc chắn và bạn có thể không còn ở đây để thấy nó….

Hãy tích lũy công đức vĩnh cửu ngay bây giờ khi còn thời gian và chỉ quan tâm đến sự cứu rỗi đời đời của bạn. [24]

Thánh Phanxicô Assisi nhắc nhở chúng ta rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi, và người ta có thể chết trong tình trạng tội trọng:

Lạy Chúa, con xin ca ngợi Ngài vì cái chết về thể xác của chị Tử Thần chúng con, mà không một người sống nào có thể thoát khỏi. Khốn thay cho những ai chết trong tội trọng! Phúc cho những ai được nhìn nhận trong thánh ý của Chúa, vì cái chết thứ hai sẽ không làm hại họ. [25]

Điều này nhắc nhở chúng ta rằng chỉ một tội trọng mà cố tình không xưng – tức là một tội nặng phạm với sự hiểu biết đầy đủ và với sự đồng ý của ý chí – cũng đủ để tước đi ơn cứu rỗi đời đời của một người. [26] “Thiên Chúa tiền định để không ai phải xuống Hỏa ngục.” [27] Nhưng người ta có thể chọn nó cho mình bằng cách ngoan cố không chịu thống hối. Con người, do không sám hối, đã tự ý cắt đứt việc kết hợp đời đời với Thiên Chúa.

Đây là một nội dung giáo lý cổ xưa và vĩnh cửu về đức tin duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của chúng ta, và là một điểm giáo lý không thể xem nhẹ. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này chi tiết hơn trong chương 4, trong khi trình bày về Hỏa  ngục, nhưng bây giờ chỉ cần nhắc nhớ rằng mặc dù chúng ta chắc chắn muốn tránh xa mọi tội lỗi trong cuộc sống hàng ngày của mình, nhưng tội trọng mới đáng bị trừng phạt đời đời, còn tội nhẹ thì bị phạt tạm thời – ở trần gian này hoặc trong Luyện ngục. [28] Bao lâu một người thành tâm cố gắng sống một đời sống tốt lành, ngay thẳng, đạo đức theo lời dạy của Giáo hội như được mặc khải trong Kinh Thánh và Thánh Truyền, được Huấn quyền minh định và được lưu truyền bởi Kho tàng đức tin thiêng liêng, người đó chắc chắn có thể bình an. Đây chính xác là cách một người xây dựng lương tâm của mình thành tốt.

Thật vậy, chính Kho tàng Đức tin là “di sản đức tin chứa đựng trong Kinh Thánh và Thánh Truyền, được lưu truyền trong Giáo hội từ thời các Tông đồ, từ đó Huấn quyền rút ra tất cả những gì Giáo hội đề nghị cho niềm tin như được Thiên Chúa mặc khải” (GLHTCG, bảng từ ngữ). Cái chết và cánh chung học của Giáo hội nói chung, là một phần của Kho tàng Đức tin đó.

Sợ chết—và sợ sống

Chúng ta hãy kết thúc chương đầu tiên này bằng cách tìm hiểu cốt lõi của nỗi sợ chết và sự kính sợ Chúa. Khi thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta “thực hiện ơn cứu rỗi [của mình] với sự sợ hãi và run rẩy”, ngài không có ý nói đến nỗi sợ hãi nô lệ – nỗi sợ hãi đối với một ông chủ độc tài – mà đúng hơn là nỗi sợ của người con thảo – niềm kính sợ đối với người cha dịu dàng, nỗi bận tâm không muốn làm thất vọng (Pl 2,12). Trong một thư khác thánh Phaolô nói với chúng ta:

Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. (Rm  8,15-16)

Thiên Chúa không muốn nô lệ, nhưng muốn những người con hiếu thảo. Liên quan đến nỗi sợ nô lệ, thánh Cyprianô thành Carthage nói: “Sợ chết là dành cho những người không sẵn lòng đến với Chúa Kitô”. [29] Nhưng khi nói đến niềm kính sợ của người con thảo, thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả nói: “Nếu chúng ta sợ cái chết trước khi nó đến, chúng ta sẽ chủ động khi nó đến.” [30]

Vì vậy, miễn là sống theo ý Chúa thì không cần phải sợ chết. Như một tác giả thời Giáo hội sơ khai là Tertullianô nói với chúng ta: “Không có gì đáng sợ trong việc giải thoát khỏi tất cả những gì đáng sợ.” [31] Điều đó có nghĩa là chúng ta không bao giờ tự kết liễu đời mình, như Giáo hội dạy rất rõ ràng về các tội như an tử, tự tử, tự tử có sự trợ giúp của bác sĩ, hay điều được gọi là trợ giúp y tế khi hấp hối. [32] Những đau khổ thể xác, khi được kết hợp với thập giá Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đau khổ và chết vì chúng ta, đều mang hiệu năng cứu chuộc và giải thoát.

Nếu chúng ta hằng ngày nỗ lực sống một lương tâm được rèn luyện tốt và trong sáng, chúng ta sẽ thủ đắc được sự xác tín về mặt luân lý nhờ tin rằng Thiên Chúa hài lòng về chúng ta. Ngài là “Thiên Chúa không thể lừa dối hay bị lừa dối,” như lời cầu nguyện cao đẹp được gọi là Kinh tin thật đã nói với chúng ta – một lời kinh mà chúng ta nên cầu nguyện mỗi ngày, cùng với Kinh trông cậy và Kinh Kính mến. [33]

Thánh Ambrôsiô nói với chúng ta: “Từ ‘cái chết’ không làm chúng ta bất an; những phúc lành xuất phát từ một cuộc hành trình an bình sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui. Cái chết là gì ngoài là sự chôn vùi tội lỗi và là sự sống lại trong sự tốt lành?” [34] Thật là những lời an ủi! Thật vậy, phản ứng trước cái chết mà không sợ hãi một cách nô lệ cũng có thể là một chứng tá tuyệt vời cho người khác khi chúng ta thực hiện bổn phận truyền giáo – đưa mọi người đến với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Thánh Cyprianô nói thẳng thắn với chúng ta: “Hãy xua đuổi nỗi sợ chết và hãy nghĩ đến cuộc sống vĩnh cửu theo sau. Điều đó sẽ cho mọi người thấy rằng chúng ta thực sự sống đức tin của mình.” [35]

Chúng ta hãy để tâm đến những lời mời gọi đầy lạc quan này của cả thánh Ambrôsiô và thánh Cyprianô. Những vị thánh vĩ đại này của thời đầu Giáo hội chỉ là lặp lại lời thánh Phaolô khi ngài đặt ra câu hỏi này cho tín hữu Côrintô:

Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. (1 Cr 15,55-57)

[10] Thomas a Kempis, The Imitation of Christ, ed. Clare L. Fitzpatrick (New York: Catholic Book Publishing, 1985), bk. 1, chap. 23.

[11] Second Vatican Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium etSpes, December 7,1965, nos. 18, 22.

[12] John A. Hardon, S.J., Modern Catholic Dictionary (Bardstown, KY: Eternal Life Publications, 2000), pp. 146-147.

[13] St. Anselm, Meditations 7. Quoted in John Chapin, ed., The Book of Cath­olic Quotations, Roman Catholic Books, 1998, p. 247. The Book of Catholic Quotations will be hereafter abbreviated BCQ.

[14] St. Francis de Sales, Letters to Persons in the World 3, 4. Quoted in BCQ, p. 248.

[15] St. Augustine, The City of God, I, II. Qtd. in BCQ, p. 246.

[16] EWS, p. 91.

[17] Ibid.

[18] St. Ambrose, De Interpell. Job. Quoted in BCQ, p. 246.

[19] DQS,p. 55.

[20] Ibid., p. 58.

[21] St. Ignatius of Antioch, Ad Rom. 6. Quoted in GLHTCG 1010.

[22] See appendix B for a Litany of St. Joseph.

[23] DQS,p. 58.

[24] Thomas a Kempis, The Imitation of Christ, bk. 1, chap. 23.

[25] St. Francis of Assisi, Canticle of the Creatures. Quoted in GLHTCG 1014.

[26] “Tội trọng” có nghĩa là bất cứ hành động nào trái với luật Chúa – Mười Điều Răn. “Sự hiểu biết đầy đủ” có nghĩa là lý trí của người đó thực sự nhận biết rằng một hành động như vậy trái ngược nghiêm trọng với luật luân lý của Thiên Chúa. Và “sự đồng ý của ý chí” có nghĩa là người đó cố tình thực hiện hành động đó. Xem GLHTCG  1857-1859.

[27] GLHTCG 1037. See Council of Trent, Can. 17 On Justification.

[28] X. GLHTCG 1861, 1863.

[29] DQS,p. 55.

[30] Ibid., p. 57.

[31] Tertullian, The Testimony of the Christian Soul. Quoted in BCQ, p. 246.

[32] x. GLHTCG 2276-2283.

[33] x. appendix A for these prayers.

[34] St. Ambrose, Treatise On Death as a Blessing.

[35] St. Cyprian, Sermon On Man’s Mortality.