Bốn Điều Sau Cùng – Chương 5: Một Đời Sống Thiêng Liêng Vững Vàng

Chương 5

MỘT ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG VỮNG VÀNG

 

 Vì vậy, thưa anh em, anh em đã được Thiên Chúa tuyển

chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm cho

các ơn đó nên vững mạnh. Có thế, anh em sẽ không

bao giờ vấp ngã, và nhờ đó, con đường rộng mở để

đón nhận anh em vào Nước vĩnh cửu của Đức Giêsu

Kitô là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta.

2 Phêrô 1,10-11

Nếu chúng ta gắn bó theo Chúa Kitô, chúng ta sẽ được phép, ngay cả khi còn ở trên dương thế này, đứng trước ngưỡng cửa của thành Giêrusalem trên trời và tận hưởng việc chiêm ngưỡng bữa tiệc vĩnh cửu, giống như các tông đồ được chúc phúc.

— Thánh Athanasiô, Thư 14 (“Thư Phục sinh”)

Một trong những câu nói yêu thích của tôi từ Mẹ Angelica quá cố là: “Một vị thánh là người yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận của mình bằng cùng một tình yêu ấy – một tình yêu thánh thiện, một tình yêu sâu sắc, một tình yêu kiên trì.” [86] Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành những vị thánh vĩ đại – và hãy nhớ rằng định nghĩa về một vị thánh chỉ đơn giản là một linh hồn ở trên Thiên đàng. Với thực tế là có khoảng chín ngàn vị thánh đã được phong hiển thánh. Với lý do chính đáng chúng ta có thể nghĩ rằng, số vị thánh không được phong thánh thì đông hơn – thậm chí rất nhiều  so với các vị thánh đã được tôn phong. Bất kể con số các ngài như thế nào, cùng đích của chúng ta luôn là được hiện diện cùng với các thánh trên Thiên đàng. Và như thánh Athanasiô đã nói với chúng ta ở trên, ngay bây giờ chúng ta có thể nếm trước điều này bằng cách sống một cuộc sống trong ân sủng và ngày càng yêu mến Thiên Chúa và người lân cận hơn. Vì vậy, trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự cần thiết của đời sống thiêng liêng để hỗ trợ chúng ta trong nhiệm vụ thánh hóa, cũng như một số bước đơn giản giúp chúng ta “thực hiện ơn cứu rỗi cho chính mình”. Như thánh Phêrô khuyên nhủ chúng ta: “Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: ‘Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.’” (1 Pr 1,14-16).

Trong phần dẫn nhập cuốn sách này, chúng tôi đã trình bày câu nói của thánh Augustinô rằng Chúa tạo dựng chúng ta mà không cần sự hợp tác của chúng ta, nhưng Ngài không thể cứu chúng ta nếu chúng ta không cộng tác với Ngài. Tại sao? Bởi vì chúng ta được tạo dựng với trí tuệ và ý chí – nghĩa là có khả năng lựa chọn một cách hợp lý và tự do để yêu mến Chúa và tránh xa tội lỗi. Như thánh Basilô Cả đã nói: “Phạm tội khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa và đặt chúng ta liên minh với Ma quỷ.” [87] Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng quyền tự do của mình để quay trở lại với Ngài bất cứ khi nào chúng ta phạm tội và thiết lập mối quan hệ cá nhân với Ngài ngay bây giờ – để một ngày nào đó chúng ta có thể ở với Ngài mãi mãi. Đây là lý do tại sao sách Giáo lý nói với chúng ta:

Những điều Kinh Thánh xác quyết và Hội Thánh dạy về hỏa ngục là lời mời gọi con người phải có trách nhiệm sử dụng tự do để đạt tới hạnh phúc đời đời; đồng thời thúc giục chúng ta ăn năn hối cải. (GLHTCG 1036)

Một đời sống thiêng liêng mạnh mẽ sẽ nâng đỡ và hỗ trợ trách nhiệm này, giúp chúng ta đáp lại lời mời gọi liên tục hoán cải.

Lương thực Hằng ngày

Trong Tin Mừng thánh Mátthêu, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói những lời này với những người tụ tập để nghe Bài giảng trên Núi, những người mà Ngài vừa giảng về các Mối Phúc thật:

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5,14-16)

Chúng ta cần nhớ rằng tất cả hoạt động hàng ngày của chúng ta, dù đó là việc cầu nguyện, làm việc hay giải trí, đều có thể được dâng lên Thiên Chúa như một của lễ đẹp lòng Ngài. Nói cách khác, chúng ta có thể sống thánh thiện ở nhà, ở nơi làm việc, ở nhà thờ, ở nơi nghỉ ngơi, ở trường học, trong đám đông, hoặc thậm chí khi ở một mình. Trong các bài giảng tĩnh tâm của tôi, tôi luôn nhắc nhở người nghe về “thần học về sự trung thành với bổn phận hàng ngày”, có thể đóng vai trò như một yếu tố thúc đẩy lớn lao trong việc nên thánh. Thánh Gioan Thiên Chúa nói:

Mỗi người chúng ta phải bước đi trên con đường Chúa đã vạch sẵn. Một số được kêu gọi làm tu sĩ, số khác là giáo sĩ, số khác là ẩn sĩ. Và nhiều người được kêu gọi sống đời sống hôn nhân. Trong bất cứ trạng thái đời sống nào Chúa kêu gọi, chúng ta đều có thể cứu được linh hồn mình nếu muốn. Chúng ta mắc nợ Chúa ba điều: tình yêu, sự phục vụ, sự tôn kính. [88]

Và thánh Augustinô cũng mạnh mẽ đưa ra những gợi ý về suy nghĩ này khi nói về đoạn Kinh Thánh “cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17):

Vì ước muốn của trái tim bạn chính là lời cầu nguyện của bạn. Và nếu ước muốn không đổi thì lời cầu nguyện của bạn cũng vậy. Tông đồ Phaolô nhắm một mục đích khi nói: Hãy cầu nguyện không ngừng. Vậy chúng ta có thể liên tục quỳ gối, phủ phục hay giơ tay lên mãi được không? Đây có phải là ý nghĩa của câu nói: Hãy cầu nguyện không ngừng? Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình cầu nguyện theo cách này, tôi không tin rằng chúng ta có thể làm như vậy mọi lúc.

Tuy nhiên, còn có một kiểu cầu nguyện nội tâm không ngừng khác, đó là lòng khao khát của tâm hồn. Dù bạn đang làm gì đi nữa, nếu bạn đặt mong muốn của mình vào ngày Sabát, ngày nghỉ của Chúa, thì lời cầu nguyện của bạn sẽ liên tục. Vì vậy, nếu bạn muốn cầu nguyện không ngừng, đừng từ bỏ ước muốn.

Sự kiên trì trong chính việc khao khát của bạn sẽ là tiếng nói không ngừng trong lời cầu nguyện của bạn. [89]

Thật dễ dãi nghĩ rằng chúng ta có thể làm hài lòng Chúa chỉ bằng cách cầu nguyện và suy niệm. Mặc dù những điều này chắc chắn là quan trọng và giúp chúng ta xây dựng nền tảng vững chắc cho đời sống thiêng liêng hàng ngày, nhưng thực sự là nếu chúng ta làm mọi việc một cách trung thành, vâng phục, siêng năng và phù hợp với ơn gọi và bậc sống của mình thì đều có thể được dâng lên như một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã lặp lại điều này một cách tuyệt vời khi ngài nói: “Người ta có thể cầu nguyện thường xuyên và nhiệt thành ngay cả ở chợ hoặc đi dạo một mình. Cầu nguyện cũng có thể thực hiện ở nơi làm việc của bạn, khi mua bán, hoặc thậm chí trong khi nấu ăn.” [90] Vì vậy, việc chúng ta vâng phục Chúa là một phần của việc chúng ta trung thành với bổn phận hàng ngày của mình. Tóm lại, Thiên Chúa muốn thánh hóa chúng ta ở bất cứ nơi nào chúng ta đang sống, dù đó là người độc thân, người đã lập gia đình, người góa bụa, hay là giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ sống đời thánh hiến. Như tiên tri Samuen đã hỏi: “Ðức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Ðức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu.” (1 Sm 15,22).

Như thế, thật sự, mục tiêu của một đời sống thiêng liêng vững mạnh là vâng phục Chúa trong đời sống hàng ngày – dâng mọi hoạt động hàng ngày của chúng ta cho Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Như thánh Padre Piô đã nói: “Đừng thực hiện bất kỳ công việc nào, ngay cả những việc thấp hèn và tầm thường nhất, mà trước tiên không dâng nó lên Thiên Chúa.” [91]

Chúng ta có thể thấy tư tưởng này về điều cốt lõi của việc thánh hóa đời sống hàng ngày và các hoạt động của nó xuyên suốt lời dạy của các thánh:

Mọi sự hướng về Chúa đều là lời cầu nguyện. [92] (Thánh Ignatiô Loyola)

Đây là một quy luật cho đời sống hằng ngày: Đừng làm bất cứ điều gì mà bạn không thể dâng lên Thiên Chúa. [93] (Thánh Gioan Vianney)

Suy nghĩ kỹ lưỡng. Nói năng cẩn thận. Làm tốt. Ba điều này, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, sẽ đưa con người lên thiên đàng. [94] (Thánh Camillô de Lellis)

Đừng bỏ lỡ cơ hội nào để thực hiện một số hy sinh nhỏ bé, lúc này bằng một cái nhìn mỉm cười, lúc khác bằng một lời nói tử tế; luôn làm chu đáo những điều nhỏ bé nhất và làm tất cả vì tình yêu. [95] (Thánh Têrêsa thành Lisieux)

Một thái độ sống như vậy liên quan đến sự trung thành với ơn gọi và bậc sống cụ thể của mình, đồng thời gia tăng sức mạnh cho “việc hoán cải” mà mỗi người chúng ta cần đến.

Vòng tay Chúa rộng mở

Tuy nhiên, chúng ta hãy quay trở lại thực tại của tội lỗi. Sự thật của vấn đề là chúng ta là những người đã bị tổn thương, sống trong một thế giới bị tổn thương do sự sa ngã của tổ tông chúng ta, và vì vậy không phải lúc chúng ta nào cũng trung thành và không phải lúc nào cũng vâng lời. Nhưng khi chúng ta sa ngã – khi phạm tội hoặc quá bận rộn với cuộc sống hàng ngày đến nỗi quên mất tầm quan trọng của việc cầu nguyện và đời sống thiêng liêng – chúng ta cần phải đứng dậy ngay. Chẳng hạn, thánh Phaolô viết cho tín hữu Thêsalônica rằng: “Anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật, và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đức Giêsu, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến.” (1 Tx 1,9-10). Và trong lá thư thứ hai của thánh Phêrô, chúng ta đọc thấy những lời này:

Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị. Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an. Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ. (2 Pr 13-15).

Hãy nhìn vào sự thật: Chúa đã kiên nhẫn với bạn và tôi rất nhiều lần. Đây là “sự nhẫn nại” – sự kiên nhẫn – của Chúa mà thánh Phêrô viết ở đây. Mỗi khi chúng ta phạm tội và trở về Tòa án Lòng Thương xót đầy an ủi tức là Bí tích Hòa giải, chúng ta cảm nghiệm được sự kiên nhẫn đó của Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn để chúng ta đạt được sự hoán cải, hòa giải và ơn cứu rỗi.

Và vì vậy chúng ta cũng cần phải làm phần việc của mình. Đây là lý do tại sao thánh Augustinô nói rằng “không ai có thể sẵn sàng cho cuộc sống mai sau, nếu anh ta không tự rèn luyện bản thân cho nó ngay bây giờ.” [96] Thánh Giêrônimô lặp lại điều này: “Có vị thánh nào đã từng giành được vương miện cho mình mà trước tiên không phải phấn đấu?” [97] Tất cả những điều này nhắc nhở tôi về điều thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Côrintô:

Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. (1 Cr 9,24)

Các vận động viên phải từ bỏ nhiều thứ để tập luyện hiệu quả nhằm mục đích giành được các chiến thắng và giải thưởng có ý nghĩa trên mặt đất này nhưng không có giá trị vĩnh cửu. Vậy chúng ta, những Kitô hữu, phải sẵn sàng làm việc và hy sinh mỗi ngày nhiều hơn như thế nào để nhận được vương miện của sự sống đời đời? Trong một thư khác, thánh Phaolô lại đưa ra phép loại suy này:

Hãy luyện tập sống đạo đức; vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức. Đó là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận. (1 Tm 4,7-9)

Bây giờ chúng ta hãy đọc một số đoạn Kinh Thánh ý nghĩa khác để giúp chúng ta củng cố quyết tâm sống một đời sống thiêng liêng mạnh mẽ:

Ấy vậy, anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ. Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người. Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời. (Pl 2,12-15)

Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Chúa Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. (Hr 12,1-2)

Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giêsu, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giêsu mà ra những chỉ thị nào cho anh em. Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó, như chúng tôi đã từng báo trước và cảnh cáo anh em. Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người. (1 Tx 4,1-8)

Những lời cổ vũ này thật tuyệt vời và đáng khích lệ, nhưng nếu “tinh thần thế gian” vẫn còn lôi kéo chúng ta ra khỏi con đường hướng tới Thiên Chúa và sự tốt lành của Ngài thì sao? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong lời khôn ngoan của hai vị thánh vĩ đại: thánh Clara thành Assisi và thánh Padre Piô. Thánh Clara nói với chúng ta: “Công việc của chúng ta ở trần gian này rất ngắn ngủi, nhưng phần thưởng thì vĩnh cửu. Vì vậy, đừng để  bị phân tán bởi những đòi hỏi của thế gian, nó trôi qua như một cái bóng. Đừng để những thú vui giả tạo của thế gian lừa dối đánh lừa bạn.” [98] Còn thánh Padre Piô nhắc nhở chúng ta “luôn trung thành với Thiên Chúa trong việc tuân giữ những lời bạn đã hứa với Ngài, và đừng để ý đến việc chế nhạo những kẻ ngu ngốc. Hãy biết rằng các vị thánh luôn bị thế gian và phàm tục chế nhạo, nhưng dù vậy họ vẫn đặt thế giới và những hào nhoáng của nó dưới chân mình.” [99]

Khi giảng, tôi luôn muốn nhắc người nghe câu châm ngôn gồm hai phần: “Kitô hữu ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian”. Tuy nhiên, đặc biệt đối với các Kitô hữu Công giáo, tôi thêm yếu tố thứ ba: Nhưng chúng ta phục vụ thế giới. Nghĩa là, chúng ta yêu thế gian – thực tế là đến mức chúng ta muốn thánh hóa nó và làm cho nó trở nên thánh thiện. Đây là ơn gọi Kitô hữu của chúng ta.

Chúng ta cũng có thể cậy nhờ vào các vị thánh để giúp chúng ta sống một đời sống thiêng liêng mạnh mẽ và nhiệt thành giữa thế giới này. Bất kể ơn gọi và bậc sống của chúng ta là gì, chúng ta cần nhớ điều quan trọng này: các vị thánh cũng sống trên thế gian, cũng phải nỗ lực và đấu tranh với những thách đố và cơ hội riêng trong hoàn cảnh lịch sử của các ngài. Nếu họ có thể làm được thì chúng ta cũng có thể. Bây giờ chúng ta hãy hướng sang họ để tìm được sự khôn ngoan và khích lệ:

Trong thế gian này, chúng ta càng cố gắng hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa, Chúa chúng ta bằng cách tuân phục các mệnh lệnh của Ngài, thì chúng ta sẽ càng được hạnh phúc nhiều hơn trong cuộc sống mai sau và vinh quang của chúng ta trước mặt Thiên Chúa càng lớn lao hơn. [100] (Thánh Ambrôsiô)

Chúng ta phải nhớ đến Chúa thường xuyên hơn là chúng ta thở. [101] (Thánh Grêgôriô Nazianzen)

Như vậy, cái chết là do tội lỗi, nhưng người ta có thể tránh được cái chết bằng cách sống đúng đắn; sự sống bị mất đi do tội lỗi và được bảo tồn nhờ lối sống tốt lành. Lương bổng của tội là cái chết; hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. [102]  (Thánh Pacian)

Chỉ nhờ sức mạnh của ân sủng, bản tính con người mới có thể được giải thoát khỏi hư hoại, được khôi phục lại sự tinh tuyền và được tự do đón nhận Sự sống Thiên Chúa. Và chính Sự sống thiêng liêng này là sức mạnh thúc đẩy bên trong mà từ đó các hành động yêu thương nảy sinh. Ai muốn liên tục bảo tồn sự sống này trong mình thì phải liên tục nuôi dưỡng nó từ nguồn mạch bất tận – từ các Bí tích thánh, nhất là từ Bí tích Tình Yêu (Thánh Thể). [103] (Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá) [Edith Stein])

Hãy cố gắng tụ họp thường xuyên hơn để tạ ơn Chúa và chúc tụng Ngài. Vì khi các bạn thường xuyên đến với nhau, quyền lực của Satan sẽ bị suy yếu, và sự tàn phá mà nó đe dọa sẽ bị tiêu diệt nhờ sự đồng lòng trong đức tin của các bạn. [104]  (Thánh Ignatiô thành Antiôkia)

Thánh Linh đến để soi sáng tâm trí trước tiên cho những ai  tiếp nhận Ngài, và sau đó, qua Ngài, soi sáng tâm trí của những người khác. [105] (Thánh Cyrilô thành Giêrusalem)

Những Thực hành

 để có một Đời sống thánh thiện

Bây giờ chúng ta chuyển sang một số đề nghị thực tế có thể giúp chúng ta thiết lập một đời sống thiêng liêng vững mạnh. Đây không phải là một danh sách đầy đủ; đúng hơn, nó chỉ đơn giản là khởi điểm cho hành trình khám phá của riêng bạn. Và cũng hãy nhận ra rằng bạn sẽ không đạt được tất cả những điều này trong một tuần hoặc thậm chí một vài tháng – và bạn cũng không cần phải làm vậy. Như Thánh Philip Nêri nói: “Người ta không nên ước muốn nên thánh chỉ trong vòng bốn ngày mà phải từng bước một.” [106]

Và hãy nhớ điều này: Hãy chỉ cho tôi một căn phòng có bảy Kitô hữu khác nhau, những người quyết tâm sống đời sống thiêng liêng mạnh mẽ hàng ngày, và tôi sẽ chỉ cho họ bảy cách thức cầu nguyện và sùng kính khác nhau. Rất đơn giản, tất cả chúng ta đều khác nhau. Thánh Phanxicô de Sales nói với chúng ta rằng đời sống thiêng liêng của chúng ta phải “thích hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và nhiệm vụ của mỗi người nói riêng.” [107] Dù vậy, có một số điều cơ bản mà mọi người nên đón nhận và thực hành theo thời gian.

  1. Xưng tội hàng tháng: Chúng ta đã tìm hiểu chi tiết về việc xưng tội trong chương trước, vì vậy chỉ cần nói rằng Tòa án Lòng thương xót tốt đẹp tức là Bí tích này là nguồn ân sủng chữa lành không thể thiếu cho tâm hồn chúng ta. Và chúng ta đừng ngại kêu cầu Đức Mẹ của Lòng Thương xót giúp chúng ta xưng tội chu đáo. [108]
  1. Rước Thánh Thể hàng tuần: Tất nhiên, điều này bao gồm bổn phận tham dự Thánh lễ Chúa nhật của bạn – bổn phận không phải vì chúng ta sợ Chúa mà chính xác là vì chúng ta yêu mến Ngài. Tuy nhiên, hãy cố gắng tham dự một hoặc hai Thánh lễ các ngày trong tuần nếu thời khóa biểu của bạn cho phép. Quả thật, Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu.” [109] Bạn cũng nên cố gắng viếng Thánh Thể ít nhất mỗi tuần một lần. Cho dù đó là một sự hiện diện kéo dài mười lăm phút hay một giờ, thì thời gian dành cho sự hiện diện trước Thánh Thể Chúa là vô giá.
  1. Dâng mình ban sáng: Đây là một thực hành đơn giản mà mỗi Kitô hữu có thể đưa nó vào cuộc sống hàng ngày của mình. Rốt cuộc, làm sao bạn biết hôm nay không phải là ngày bạn sẽ chết? Làm sao bạn biết mình sẽ không bị cám dỗ phạm tội trọng? Theo truyền thống, thánh Philip Nêri đã nói những lời này vào mỗi buổi sáng khi thức dậy: “Lạy Chúa, xin hãy ở lại bên Philip của Ngài hôm nay, vì nếu Ngài không làm vậy, Philip của Ngài sẽ phản bội Ngài trước khi một ngày kết thúc.” Bạn có thể muốn sử dụng kiểu mẫu của thánh Philip Nêri để viết ra mẫu của riêng bạn hoặc dùng bất kỳ kinh dâng ngày buổi sáng nào khác tìm thấy trong một cuốn sách cầu nguyện của Công giáo. Kinh dâng ngày buổi sáng cũng có thể là một cách tuyệt vời để làm mới lại sự tận hiến của bạn cho Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
  1. Lần hạt Mân Côi hàng ngày: Hãy cố gắng cầu nguyện chỉ năm chục kinh mỗi ngày – thực hành từ mười lăm đến hai mươi phút. Thậm chí bạn có thể kết hợp kinh Mân Côi vào việc đi lại hoặc đi bộ hàng ngày của mình – cần sáng tạo. Trong môi trường gia đình, bạn có thể cầu nguyện với vợ/chồng và con cái của mình. Bạn có thể cho trẻ em cơ hội tham gia bằng cách để chúng lần lượt đọc các mầu nhiệm Kinh Mân Côi và hướng dẫn các chục kinh cầu nguyện.
  1. Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót Chúa hàng ngày: Việc sùng kính đơn giản này nhắc nhở chúng ta về tội lỗi của mình, nhưng cũng về sự thật tuyệt vời là Thiên Chúa luôn chờ đợi để ôm lấy chúng ta với vòng tay rộng mở – miễn là chúng ta thành thật ăn năn sám hối. Nếu bạn không có thời gian đọc trọn chuỗi kinh, chỉ cần nhớ đến lời cầu nguyện đơn giản này của thánh Faustina mang đến cho chúng ta, để có thể đọc suốt ngày: “Vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.”
  1. Ăn chay: Ăn chay theo quy định của Giáo hội ít nhất một ngày trong tuần, tốt nhất là vào các ngày thứ sáu. Khi nói “theo quy định của Giáo hội”, tôi chỉ muốn nói một bữa chính và sau đó là hai bữa phụ gộp lại không bằng một bữa chính. Đó thực sự là một quy tắc ăn chay rất đơn giản. Ăn chay thường xuyên có thể là một công cụ mạnh mẽ để thắng vượt thói quen tội lỗi. Như Chúa đã nói trong Tin Mừng: “Giống quỷ ấy, chỉ có ăn chay và cầu nguyện mới trừ được thôi.” (Mc 9,29).
  1. Xét mình hàng ngày hai lần: Tôi đề nghị một lần xét mình riêng và một lần xét mình chung mỗi ngày. Mỗi phần này chỉ mất khoảng hai hoặc ba phút và nên kết thúc bằng một Kinh Ăn năn tội (có thể là một kinh chính thức trong một cuốn sách cầu nguyện yêu thích hoặc bằng những từ ngữ của riêng bạn). Lần xét mình riêng được thực hiện vào khoảng giữa trưa và nhìn vào một nhân đức cụ thể mà bạn đang cố gắng trau dồi trong cuộc sống, hoặc vào một tật xấu riêng mà bạn đang cố gắng loại bỏ. Nó đơn giản như việc tự hỏi bản thân: “Hôm nay tôi đã sống như thế nào?” Tương tự như vậy, vào cuối ngày, ngay trước khi đi ngủ, hãy nhìn lại tổng quát cả ngày của bạn – nghĩa là suốt ngày hôm đó bạn đã sống như thế nào trong việc tuân hành thánh ý Chúa. Hãy ghi nhận một số tiến bộ trong ngày hôm đó khi bạn thực hành nhân đức; và đừng ngần ngại nhìn nhận những hoàn cảnh nhất định khi bạn phạm tội. Hai lần xét mình hàng ngày này giúp chúng ta tăng triển sự hiểu biết về bản thân bằng cách nhận ra bất kỳ tội lỗi nào chúng ta có thể đã phạm vào ngày hôm đó. Nếu tội là nhẹ, thì Kinh Ăn năn tội chân thành sẽ xóa sạch tội lỗi đó. Nếu là tội nặng, hãy đọc Kinh Ăn năn tội và lãnh nhận bí tích Giải tội càng sớm càng tốt.
  1. Những lời cầu nguyện thầm. Đây là những lời cầu nguyện đơn giản gồm một hoặc hai câu có thể được phát lên trong một hơi thở – do đó, nó “có tính khát vọng”. Đây là những thực hành tuyệt vời để tập thói quen cầu nguyện vì nó giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa suốt cả ngày. Những lời cầu nguyện ngắn này có thể dựa trên Kinh Thánh hoặc những lời kinh quen thuộc khác. Ví dụ:

Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ về ngày ấy. (Tv 118,24)

Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi không còn thiếu thốn gì. (Tv  23,1)

Giêsu, Maria, Giuse mến yêu- xin cứu rỗi các linh hồn.

Thiên thần bản mệnh của con, xin hãy bảo vệ con.

Lạy Mẹ Maria, Đấng vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là những kẻ chạy đến cùng Mẹ.

Ôi Bí tích Cực Thánh, Ôi Bí tích Thiên Chúa, mọi lời ca ngợi và tạ ơn đều thuộc về Ngài mọi lúc.

Hãy chọn một câu Kinh Thánh yêu thích và biến nó thành lời cầu nguyện thầm của riêng bạn, hoặc cầu khẩn một vị thánh yêu thích suốt cả ngày.

  1. Các Bài đọc Phụng vụ hàng ngày: Đặt chương trình đọc các bài đọc trong Thánh lễ hàng ngày, có thể cùng với một bài suy niệm ngắn, để ngay cả khi bạn không tham dự Thánh lễ, bạn vẫn có thể đọc Kinh Thánh với Giáo hội. Có một số bài suy niệm hàng ngày mà bạn có thể tìm trên mạng có chứa các bài đọc Thánh lễ hàng ngày, có sẵn trực tuyến miễn phí.
  1. Các Á Bí tích: Các Á Bí tích là “các dấu chỉ thiêng liêng gần giống với các bí tích, ban các ơn thiêng liêng được biểu thị và đạt được qua lời cầu nguyện của Giáo hội” (GLHTCG, bảng từ ngữ). Các Á Bí tích có thể bao gồm các đồ vật và địa điểm được chúc lành, chẳng hạn như nước thánh, đền thánh và huy chương tôn giáo (ví dụ: của các vị thánh bảo trợ của bạn). Các Á Bí tích cũng có thể bao gồm các phép lành cho người, trên thức ăn và các đồ vật – ví dụ, phép lành cho người mẹ trước khi sinh con, phép lành trước và sau bữa ăn, và làm phép tràng hạt Mân Côi. Những thực hành này xuất phát từ chức tư tế theo phép rửa, trong đó tất cả những người đã được rửa tội đều chia sẻ, vì “mọi người đã được rửa tội đều được mời gọi trở thành ‘ơn phúc’ và được chúc lành (x. St 12,2; Lc 6,28; Rm 12,14; 1 Pr 3,9)” (GLHTCG 1669).

Và cuối cùng, có bốn bản văn chính mà tôi muốn khuyên bạn nên làm quen:

  1. Kinh Thánh: Cố gắng đọc một chương mỗi ngày – khoảng năm phút – dành thời gian để suy niệm.
  2. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo: Cố gắng đọc và học hỏi từ ba đến năm đoạn mỗi ngày. Đây là một cách tuyệt vời để tự học giáo lý theo mức độ của riêng bạn và trung thành học hỏi những lời dạy của Mẹ thánh Giáo hội.
  3. Hạnh các thánh: Cố gắng đọc bản tóm tắt cuộc đời của một vị thánh mỗi tuần. Những phiên bản cô đọng, vắn tắt sẽ không khiến bạn mất quá vài phút. Trong khi chúng ta có thể được hưởng lợi từ việc đọc tiểu sử của bất kỳ vị thánh nào, thì những lợi ích đặc biệt sẽ đến từ việc tập trung vào những vị thánh đã chia sẻ ơn gọi và bậc sống của chúng ta. Hãy nhớ: Các thánh sống trong thế giới cụ thể vào thời của các ngài cũng như chúng ta sống thế giới hiện đại của thời chúng ta.
  4. Nhật ký của thánh Faustina: Tôi đặc biệt yêu mến tác phẩm thiêng liêng tuyệt vời này. Cố gắng đọc ba đến năm đoạn văn mỗi tuần. Nó sẽ giúp bạn khám phá nhiều hơn lòng thương xót của Thiên Chúa là một hồng ân và kho tàng bao la như thế nào.

Tôi hy vọng rằng mười bài tập thiêng liêng và việc đọc thường xuyên bốn bản văn chủ yếu này sẽ là nền tảng tuyệt vời để bạn bắt đầu một đường hướng trung thành với đời sống thiêng liêng. Xin nhắc lại, danh sách này chưa đầy đủ và bạn cũng không cần phải thực hiện từng đề xuất ngay lập tức; nó chỉ đơn giản là một kế hoạch hành động được gợi ý nhằm thúc đẩy bạn sống đời sống cầu nguyện hàng ngày. Một đời sống thiêng liêng mạnh mẽ giúp tất cả chúng ta luôn ở trong trạng thái ân sủng, đó luôn phải là mục tiêu hàng đầu của chúng ta.

Chúa đã từng nói với thánh Faustina: “Vương quốc của Ta trên trái đất là sự sống của Ta trong tâm hồn con người.” [110] Thật là một sự thật tuyệt vời! Linh hồn trong tình trạng ân sủng là Vương quốc của Chúa Kitô, cho phép chúng ta tham dự vào đời sống thần linh của chính Thiên Chúa.

Sống và yêu thương mãi mãi

Thánh Maximilianô Kolbê, vị thánh tử đạo dòng Phanxicô ở trại Auschwitz, đã nói: “Biểu hiện huy hoàng nhất của vinh quang Thiên Chúa là sự cứu rỗi các linh hồn mà Chúa Kitô đã cứu chuộc bằng việc Người đổ máu.” [111] Điều này nhắc nhở chúng ta về lời trong sách Isaia nói rằng: “Ðây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Ðức Chúa là sức mạnh tôi, là Ðấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.” (Is 12,2). Và trong sách Khải Huyền, chúng ta đọc: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” (Kh 7,10). Thật vậy, những đoạn văn này sẽ mang lại cho chúng ta niềm tin tưởng lớn lao rằng “ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu” (Cv 2,21).

Chắc chắn, thưa các bạn, chúng ta không đơn độc. Thiên Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta chỉ cần hợp tác với ân sủng và lòng thương xót của Ngài hoạt động trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Và tiếp theo chúng ta phải truyền bá tin tốt lành này – bao gồm cả tin mừng về Bốn Điều Sau Cùng. Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là “dân riêng của Chúa” và chúng ta phải “loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.” (1 Pr 2,9). Và Thiên Chúa cũng muốn ban cho chúng ta niềm vui và sự bình an của Ngài trong cuộc hành trình trần thế này. Thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Rôma: “Xin Thiên Chúa của niềm hy vọng đổ tràn trên anh em mọi niềm vui và bình an” (Rm 15,13).

Thật vậy, chúng ta là con cái Thiên Chúa yêu thương và cũng là người Cha yêu thương. Chúng ta là dân của những lời hứa đã được thực hiện, dân được kêu gọi nên thánh, dân của Thiên Chúa cứu độ. Vì vậy, chúng ta hãy “thực hiện ơn cứu rỗi” bằng cách trung thành với bổn phận hằng ngày, đồng thời để Chúa hành động trong chúng ta và qua chúng ta với tư cách là những người con luôn trung thành của Ngài.

[86] Raymond Arroyo, ed., Mother Angelica’s Little Book of Life Lessons and Everyday Spirituality (New York: Doubleday, 2007), p. 163.

[87] DQS, p. 211.

[88] Quoted in Bert Ghezzi, ed. Voices of the Saints, 2nd ed. (Chicago: Loyola Press, 2000), pp. 478-479.

[89] St. Augustine, Discourse on Psalm 37.

[90] Quoted in Compendium of the Catechism of the Catholic Church 576.

[91] EWS,p. 17.

[92] Ibid., p. 25.

[93] Ibid., p. 100.

[94] Ibid.

[95] Ibid., p. 47.

[96] St. Augustine, Discourse on Psalm 148.

[97] St. Jerome, Collection Against Jovinianus, bk. I, letter XXII, to Eustochium, par. 39.

[98] St. Clare, Letter to Ermentrude of Bruges.

[99] Quoted in Fr. Gerardo Di Flumeri, OFM Cap., ed., Padre Pio da Pietrelcina: Letters, 2nd edition, vol. 3 (San Giovanni Rotondo: Our Lady of Grace Capuchin Friary, 2001), p. 1093.

[100] St. Ambrose, Treatise “On the Letter to the Philippians.”

[101] St. Gregory Nazianzen, Theological Oration 27. Quoted in CCC 2697.

[102] St. Pacian, Sermon on Baptism.

[103] Edith Stein, Essays on Woman, 2nd edition, trans. Freda Mary Oben (Washington, DC: ICS Publications, 1996), p. 56.

[104] St. Ignatius of Antioch, Letter to the Ephesians.

[105] St. Cyril of Jerusalem, Catechetical instruction 16, De Spiritu Sancto.

[106] EWS, p. 97.

[107] St. Francis de Sales, Introduction to the Devout Life, introduction, pt. 1, chap. 3.

[108] See the beautiful Memorare prayer in appendix A.

[109] Second Vatican Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, November 21, 1964, no. 11.

[110] St. Faustina, Diary, 1784.

[111] Writings of Maximilian Kolbe, vol. 1, pt. 1.

TÁC GIẢ

Cha Wade L. J. Menezes, CPM, là tu sĩ của dòng Fathers of Mercy (Các Cha Lòng Thương Xót), một dòng tu truyền giáo có trụ sở tại Auburn, Kentucky. Được thụ phong linh mục trong Năm Thánh 2000, ngài nhận bằng Cử nhân Văn học về Tư tưởng Công giáo tại Nguyện đường thánh Philip Nêri ở Toronto, Canada, và hai bằng Thạc sĩ Nghệ thuật và Thạc sĩ Thần học từ Chủng viện Các Thánh Tông đồ ở Cromwell, Connecticut. Bằng đại học đời của ngài là về báo chí và truyền thông.

Cha Wade hiện là phụ tá Tổng quyền của các Cha Lòng Thương Xót và đã từng là Giám đốc Ơn gọi và Giám đốc Chủng viện cho nhà dòng. Cha Wade cũng đã phục vụ với tư cách là Tuyên úy nội trú tại Đền thờ Bí tích Cực thánh của Tu viện Đức Mẹ Thiên thần ở Hanceville, Alabama. Khi phụ trách tại đền thánh, cha Wade là người chủ tế, giảng lễ và giải tội trong Thánh lễ hàng ngày; ngài cũng tổ chức các cuộc hội thảo thiêng liêng về những nội dung chuyên biệt của giáo lý Công giáo cho nhiều người hành hương đến thăm đền thánh.

Cha Wade đã từng là nhà văn đóng góp cho các tờ báo National Catholic Register, Our Sunday Visitor, Catholic Twin Circle, Lay Witness, Pastoral Life, và Christian Ranchman. Một số loạt bài giảng của cha đã xuất hiện trên tờ Homiletic and Pastoral Review, một tạp chí quốc tế dành cho các linh mục. Cha Wade là khách mời trong chương trình Mother Angelica Live and Life on the Rock của EWTN, trong đó ngài  thảo luận về các chủ đề như thánh hóa đời sống hôn nhân và gia đình, ơn gọi và Phụng vụ Thánh. Ngài cũng đã tổ chức một số loạt bài cho EWTN, bao gồm Crux of the Matter, The Wonders of His Mercy, Mười Điều Răn của Đời sống Gia đình Công giáo, Bốn điều Sau cùng, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến với chính Ngài, và Tin Mừng sự sống đối ngược với văn hóa sự chết. Nhiều bài thuyết trình thần học của ngài đã được đăng trên Đài phát thanh Công giáo EWTN, Đài phát thanh Ave Maria, Mạng lưới giao ước, Mạng phát thanh Guadalupe và Đài phát thanh Mater Dei. Ngài là người dẫn chương trình Open Line của Đài Phát thanh Công giáo Toàn cầu EWTN vào thứ ba hằng tuần.

print