Các Bài Suy Niệm CN Lễ Thánh Gia Năm C

Các Bài Suy Niệm CN Lễ Thánh Gia Năm C

 

  1. Trở về Nagiarét 1
  2. Một nền giáo dục tuyệt vời – ViKiNi 2
  3. Gia đình. 4
  4. Gia đình nhân loại. 5
  5. Để gia đìnhnên thánh – Lm. Anthony Trung Thành. 6
  6. Con có bổn phận. 8
  7. Gia đình hạnh phúc – Cố Lm. Hồng Phúc. 10
  8. Con đường hạnh phúc. 11
  9. Gia đình- mái ấm.. 13
  10. Gia đình gương mẫu – Lm Carôlô Hồ Bặc Xái 15
  11. Lối đi riêng – Lm. Nguyễn Hữu Thy. 24
  12. Sống đức tin theo gương gia đình Thánh Gia. 27
  13. Gia đình là kiệt tác của Thiên Chúa. 29
  14. Kết hợp (Lễ Thánh Gia) 31
  15. Lễ Thánh Gia – Lm. Minh Anh. 33
  16. Thánh Gia – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An. 37
  17. Mái Ấm Tình Thương – Thiên Phúc. 42
  18. Suy niệm của Lm. Guse Nguyễn Văn Nghĩa. 43
  19. Gia đình mẫu mực cho mọi gia đình. 46
  20. Lễ Thánh Gia Thất 48

1. Trở về Nagiarét

Trong cuộc đời, Chúa Giêsu cũng đã phát triển và lớn lên. Thực vậy, tại hang đá Bêlem, Ngài chỉ là một hài nhi mới được có một ngày. Vào lễ đặt tên, Ngài vẫn chỉ là một hài nhi mới được có tám ngày. Còn ba vua đến thờ lạy Chúa Giêsu khi nào? Chúng ta không được biết rõ, nhưng có thể phỏng đoán lúc đó Ngài đã là một trẻ nhỏ được chừng một tuổi, bởi vì Hêrôđê ra sắc chỉ truyền giết tất cả các con trẻ tại Bêlem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống. Sở dĩ Hêrôđê hành động như vậy vì nghĩ rằng Chúa Giêsu cũng nằm trong đám trẻ này. Và đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại biến cố khi lên mười hai, Ngài theo cha mẹ hành hương lên Giêrusalem. Rồi sau đó, chúng ta thấy Ngài đến tuổi trưởng thành, chịu phép rửa của Gioan bên bờ sông Giócđan và làm phép lạ đầu tiên biến nước lã trở thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana. Chúa Giêsu đã trải qua những giai đoạn của cuộc đời, từ ấu thơ cho đến trưởng thành. Và Phúc Âm cũng nói cho chúng ta hay: Ngài càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan nhân đức trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta. Với lời kết luận này, Giáo Hội muốn áp dụng cho mỗi người chúng ta. Đúng thế, Chúa Giêsu không phải chỉ sống và lớn lên tại Nagiarét, mà Ngài còn muốn sống và lớn lên trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Ngài muốn phát triển trong trái tim chúng ta, như xưa Ngài đã phát triển dưới mái nhà Nagiarét. Tất cả chúng ta đều biết: Ngài được sinh ra nhiều lần. Với bản thân từng người, thì đó là ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội. Nhưng sinh ra mà thôi chưa đủ, Ngài còn phải lớn lên. Ngài muốn chúng ta giúp đỡ Ngài. Chúng ta có thể giúp đỡ Ngài bằng nhiều cách. Đặc biệt là việc lãnh nhận các bí tích.

Nếu có dịp lên Đalạt, quan sát một ngọn thác, như thác Cam Ly chúng ta sẽ thấy gì? Nước từ hồ Than Thở, từ hồ Xuân Hương và từ nhiều nơi khác góp lại thành thác Cam Ly. Khi đổ xuống, dòng nước của thác Cam Ly được chia thành những con suối nhỏ, dẫn nước tới những thung lũng, để những người trồng rau, trồng hoa có nước tưới và làm nên những thửa vườn xanh tươi. Tôi nghĩ rằng thửa vườn là hình ảnh mỗi tâm hồn chúng ta. Nó xanh tươi là nhờ giòng nước ơn sủng. Giòng nước ấy được chuyển tới nhờ những con suối nhỏ, đó là các bí tích. Vì thế, chúng ta càng siêng năng lãnh nhận các bí tích một cách sốt sắng, thì giòng nước trong lành là các ơn sủng của Chúa càng chảy vào tâm hồn chúng ta, biến nó trở thành một thửa vườn xanh tươi, cũng như nhờ đó mà Chúa Giêsu càng lớn lên trong cõi lòng chúng ta.

Mỗi bí tích là một con suối. Nó không bao giờ được ngừng chảy như lời Ngài đã phán: Nước Ta ban cho nhân loại sẽ trở thành mạch suối hằng sống và sẽ vọt tới cuộc sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, chỉ có một vật cản trở, ngăn chặn giòng suối, đó là tội trọng. Khi phạm tội trọng, chúng ta làm cho giòng suối ân sủng bị khô cạn. Giòng suối ấy chỉ hoạt động trở lại một khi chúng ta ăn năn và xưng thú nơi tòa giải tội. Và như thế, chúng ta hiểu được sự sống của Chúa thật là yếu ớt nơi nhiều người và dường như nó không còn nữa. Đó là những kẻ họa hiếm lắm mới lãnh nhận các bí tích. Mặc dù họ đã trưởng thành, nhưng nơi họ Chúa Giêsu mới chỉ là một hài nhi bé bỏng. Trái lại, Chúa Giêsu được phát triển cách trọn hảo nơi nhiều người, kể cả người già và trẻ nhỏ, miễn là chúng ta thường xuyên lãnh nhận các bí tích.

 

2. Một nền giáo dục tuyệt vời – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Vũ Khắc Nghiêm)

Người xưa đã nói: Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người, để nhấn mạnh đến việc giáo dục con em là rất quan trọng. Rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cả trăm năm sau, hữu ích cho xã hội đến cả trăm năm sau, không phải mười năm như trồng cây.

Trong bài Tin Mừng, Thánh Luca đã đề cao nền giáo dục tuyệt hảo của Thánh gia bằng câu: “Hài nhi lớn dần về vóc dáng dũng mạnh, tràn đầy khôn ngoan và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc. 2, 40-52: Bản dịch Cha Nguyễn thế Thuấn). Mạnh khỏe, khôn ngoan và ân sủng là mục đích nền tảng của giáo dục hoàn thiện nhất cho con người mà đường lối giáo dục tiến bộ nhất đang nhắm tới.

Nói đến nền giáo dục, người ta kể đến hai nền giáo dục Tây phương và Đông phương:

Hy lạp là nguồn gốc của nền giáo dục Tây phương, chú trọng luyện tập thân thể cường tráng, phát triển thể dục thể thao với những môn chơi: ném lao, chạy, nhảy, bơi lội, nhiều khi dùng đến cả võ lực: đô vật, đấu gươm, đấu người, đấu vật, đánh đòn, mục đích tạo ra những lực sĩ, những chiến binh hùng dũng hiếu chiến, hiếu thắng. Nền giáo dục này đã đưa Tây phương chú ý đến kỹ thuật chiến tranh và lao động sản suất ra nhiều của cải, đi xâm chiếm đất đai theo luật rừng khỏe được yếu thua, gây ra biết bao cuộc diệt chủng.

Giáo dục Đông phương phát nguồn từ Ấn độ và Trung hoa lại quá chú trọng về nội tâm, phát triển về tình cảm như diệt dục, nhân nghĩa lễ trí tín với những môn học: thiên về chiêm niệm, cầm, kỳ, thi, họa, tạo nên lớp người thoát tục: văn sĩ, chí sĩ, ấn sĩ, nho sĩ.

Cả hai nền giáo dục Đông Tây đó có nhiều thiếu sót, mất quân bình: Tây thiên vế vật chất, thể xác, hướng ngoại. Đông nặng về tình cảm hướng nội. Nền giáo dục ngày nay chịu ảnh hưởng sâu đậm của hai nền giáo dục mất thăng bằng đó. Một đàng quá thiên về vật chất, khoa học kỹ thuật để phát triển tiền của, kinh tế, tạo ra hai hạng người giàu quá, nghèo quá. Hạng giàu lo ăn chơi, văn nghệ phim ảnh và tiểu thuyết ướt át, suy nhược. Hạng nghèo phải lao động cật lực, cực khổ. Cả hai đều đánh mất nhân phẩm làm người.

Phúc âm đã đề ra một nền giáo dục thật hoàn hảo theo bốn chiều, khác với nền giáo dục một chiều vật chất, hướng ngoại của Tây phương hay một chiều tình cảm, hướng nội của Đông phương. Bốn chiều của Phúc âm là thể dục, trí dục, đức dục và Thiên nhân tương dữ.

Thể dục cần luyện tập thân thể lớn lên mạnh dũng bằng việc làm lao động chân tay cho con người cường tráng: Trẻ Giêsu lớn lên vóc dáng mạnh mẽ đầy sức lực nhờ lao động chân tay, xẻ cưa, vác gỗ. Lên mười hai tuổi đã đi bộ suốt bốn năm ngày đàng lên Giêrusalem để dự lễ, vẫn không biết mệt mỏi. Sau này, đi giảng đạo, Đức Giêsu đã đi khắp các thành phố, làng mạc của đất nước và các vùng lân cận.

Về trí đức càng tuyệt vời hơn nữa: Mới lên mười hai tuổi, một cậu bé của làng Nagiaret quê mùa vô danh tiểu tốt, ở tít vùng sâu vùng xa miền bắc Galilê, đã đàng hoàng vào trong đền thánh thủ đô Giêrusalem của miền nam, ngồi giữa các thầy tiến sĩ vừa nghe vừa hỏi. Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Cậu là con bác thợ mộc nghèo, cậu phải vừa làm vừa học, nhất là học và nghe giảng giải sách luật kinh Torah. Ngưòi ta thấy những trẻ em, những thiếu niên thanh niên trưởng thành và người già say mê học hàng giờ về Kinh thánh và những những lời bình giảng trong sách Talmud. Những luật sĩ thời Đức Chúa Giêsu là những chuyên gia cắt nghĩa lời Chúa, luật Chúa để hướng dẫn đời sống tinh thần cho mọi giới đến học hỏi, thảo luận và chia sẻ. Mỗi ngày sabat là một ngày cầu nguyện lâu giờ và qui tụ nghiên cứu tìm hiểu giới luật của Chúa một cách miệt mài, đi sâu vào những chi tiết chi li, thiếu niên Giêsu đã sống say sưa trong những đam mê học hỏi đó, đã thuộc lòng bộ luật đó, đã đọc đi đọc lại với các bạn bè, đã thảo luận, tham luận với nhau rất nhiệt tình (Noel Quesson Parole Dieu pour chaque dimanche: 31c).

Nhờ đó Đức Giêsu đã tràn đầy khôn ngoan về đạo cũng như đời, về trí cũng như về đức.

Chiều kích thứ bốn: đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta. Đức Giêsu là Con chí ái, chí hiếu đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, vì thế tất cả ân sủng của Cha là của Con. Chúa Con lại ban phát ân sủng cho loài người, dù loài người chẳng xứng đáng được những ân sủng đó. Do lòng nhân hậu từ ái hay thương xót, Chúa Con đã không chấp tội chúng ta và còn ban hết ơn này ơn khác cho chúng ta được nên đồng thừa tự với Đức Giêsu.

Vậy trong việc giáo dục của chúng ta, chúng ta phải theo đường lối sống của Hài Nhi Giêsu: Lớn lên mạnh mẽ, tràn đầy khôn ngoan và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta, mới thực sự phát triển con người hoàn hảo toàn diện. Xin Chúa cho chúng con sống được như vậy. Amen.

 

3. Gia đình

Gia đình là cửa ngõ để Con Thiên Chúa đi vào nhân loại như mọi con người bình thường khác. Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu không thể không nỗ lực, mỗi người ở địa vị của mình, xây dựng một gia đình gương mẫu. Thế nhưng phụng vụ không muốn chỉ đóng khung trong phạm vi gia đình. Thực vậy, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người đâu phải chỉ để làm con Thánh Giuse và Mẹ Maria, những bậc làm cha làm mẹ của Ngài ở trần gian, nhưng Ngài còn phải thực hiện nhiệm vụ Cha trên trời đã trao phó. Thánh Giuse và Mẹ Maria đã không thể hiểu ra ngay điều đó. Sự không hiểu được này đã tạo nên những khổ đau cho cả hai ông bà.

Tình yêu trong gia đình bao gồm những nỗ lực vươn lên để thông cảm và hiểu rõ những công việc của nhau, để xây dựng một sự đồng tâm nhất trí ở mức độ cao hơn. Đoạn Tin Mừng không chỉ mô tả cảnh thân mật, đầm ấm của thánh gia. Những tâm hồn đạo đức nói về sứ mạng của hài nhi Giêsu, đã tiên báo nỗi sâu xé nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thâu qua của Mẹ Maria. Vượt thắng được nỗi đớn đau ấy, như Mẹ Maria đã làm, khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá, chứng kiến hơi thở cuối cùng của người con yêu dấu, trong thái độ dâng hiến, như Mẹ đã từng xin vâng với sứ thần Gabriel trong hoạt cảnh truyền tin, như thế mối quan hệ giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu sẽ mật thiết hơn, khắng khít hơn.

Ở đây không chỉ còn là một gia đình ruột thịt, huyết thống mà còn là một gia đình thiêng liêng, mọi người đều yêu thương, đồng tâm nhất trí với nhau trong việc tuân giữ những ý định của Chúa và giúp đỡ lẫn nhau để trở nên tốt lành thánh thiện hơn.

Trong cuộc đời rao giảng của mình, Chúa Giêsu không ngừng kêu gọi chúng ta hãy vươn tơi loại gia đình này, trong đó sợi dây liên kết mọi người lại với nhau, sẽ không còn phải là máu thịt, mà là chính Lời Chúa và ý định tuyệt vời của Ngài. Gia đình là nơi đào tạo con người và giúp đỡ con người đi vào xã hội. Riêng gia đình Kitô giáo còn phải là nơi đào tạo và giúp nhau đi vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như đi vào công trình xây dựng nhân loại thành một gia đình thánh, một gia đình của những người con được Thiên Chúa tuyển chọn. Cuộc sống gia đình sẽ không chỉ là một sự xuôi chảy của những bổn phận tự nhiên, mà còn là một nỗ lực vươn lên không ngừng, dù có phải ngang qua những mâu thuẫn gay gắt, những giằng co có thể xé nát con tim người cha, người mẹ, người con.

Thế nhưng chính những hy sinh ấy sẽ làm cho gia đình có được nền tảng vững chắc trước mọi cơn phong ba bão táp.

 

4. Gia đình nhân loại.

Giáo Hội đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng gia đình Kitô hữu thành một cái nôi của tình thương, thành một mái trường dạy cho chúng ta những bài học làm người. Trong chiều hướng đó, Thánh Gia với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse vốn được coi là những mẫu gương sáng chói của gia đình công giáo.

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không muốn đóng khung nhãn giới của chúng ta trong khuôn khổ một gia đình theo huyết thống. Bài học lớn nhất Ngài để lại cho chúng ta đó là bài học làm người trong xã hội. Ngài không vun xới cho gia đình riêng của mình, nhưng Ngài lại xây dựng đại gia đình nhân loại được cứu chuộc.

Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu ngay từ lúc lọt lòng mẹ đã phải trải qua một cuộc bôn ba, đã là một con người bị ruồng bắt bởi quyền lực thế gian. Con đường trốn qua Ai Cập cũng chính là con đường dân riêng của Chúa đã đi qua thuở xưa, con đường dẫn tới cuộc sống nô lệ trong suốt 400 năm. Nhưng rồi Ngài cũng được đưa về lại Galilê tượng trưng cho cuộc xuất hành của dân riêng khỏi đất nô lệ Ai Cập. Như thế Phúc Âm đã tóm gọn cuộc đời Chúa Giêsu và đặt cuộc đời ấy trong lịch sự của dân Chúa.

Qua Ai Cập và từ Ai Cập trở về, Chúa Giêsu đã không chỉ đi với cha mẹ Ngài mà còn đi với dân của Ngài. Qua cái chết và sống lại của Ngài, một dân mới được thiết lập và các môn đệ của Ngài được sai đi đến tận cùng trái đất để mọi người, không phân biệt màu da, tiếng nói, ý thức được mình là con Thiên Chúa và là anh em với nhau.

Việc xây dựng đại gia đình nhân loại nhiều khi vượt lên trên quyền lợi của gia đình ruột thịt hay dòng họ. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó một cách thật rõ ràng. Ngài đã từng cho người ta hiểu rằng Ngài đến không phải để đem hoà bình mà là gươm giáo, đến để chia rẽ con cái khỏi cha mẹ, nàng dâu khỏi mẹ chồng và làm coh những người trong gia đình trở thành kẻ thù của nhau. Những lời lẽ quả là lạ lùng, khó nghe. Dĩ nhiên chúng ta không thể coi Ngài như một kẻ chủ trương phá hoại gia đình hay coi nhẹ giá trị gia đình. Nhưng Ngài muốn cho người ta hiểu rằng: Còn một gia đình khác lớn hơn phải được xây dựng. Cái mối quan hệ lớn lao, cao quý mà người ta cần phải quan tâm thiết lập và vun xới, không phải là mối quan hệ cha con, anh em theo máu huyết. Mà là mối quan hệ cha con, anh em theo việc thực thi ý định của Chúa: Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta. Đó là người nghe và thực hành lời Chúa.

Nếu mọi thành phần trong gia đình cùng nhìn về một phía, cùng theo đuổi một lý tưởng phục vụ hạnh phúc của con người trong xã hội. Đó chính là gia đình gương mẫu, thánh thiện theo cái nhìn của Tin Mừng. Để đạt tới lý tưởng ấy, mỗi người trong gia đình cần phải tìm hiểu và đào sâu những đòi hỏi của Tin Mừng, thấy rõ trách nhiệm làm người và làm môn đệ của Chúa trong xã hội và trong thế giới hiện tại, đồng thời cố gắng giúp nhau chu toàn trách nhiệm ấy.

 

5. Để gia đình nên thánh – Lm. Anthony Trung Thành

Gia đình là nền tảng của Giáo hội và xã hội. Gia đình là trường học, là chủng viện đầu tiên. Nói như vậy để chúng ta thấy được tầm quan trọng của gia đình trong Giáo hội và xã hội. Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Thánh Gia Thất. Đây là một gia đình thánh: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Các Ngài là mẫu mực cho mỗi chúng ta. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng mong muốn có được một gia đình hạnh phúc, mọi người đều trở nên thánh. Để mong muốn của chúng ta trở thành hiện thực, xin gợi ý với anh chị em mấy điểm sau đây:

  1. Vâng theo thánh ý Chúa

Đây là điểm trọng yếu trong gia đình Thánh Gia. Đức Maria quyết giữ mình đồng trinh nhưng khi biết thánh ý Chúa muốn Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ liền thưa xin vâng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38). Thánh Giuse đã “ầm thầm rút lui” khi biết Mẹ có thai, nhưng khi biết được thánh ý Chúa, Ngài đã đón nhận Mẹ Maria về nhà mình. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (x. Pl 2,8). Trong thời gian hoạt động công khai, Ngài còn nói: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).

Noi gương gia đình Thánh Gia, mỗi thành viên trong gia đình chúng ta hãy luôn vâng theo thánh ý Chúa mỗi ngày. Thánh ý Chúa thể hiện qua giáo huấn của Chúa và Giáo hội.

Noi gương gia đình Thánh Gia, mỗi thành viên trong gia đình chúng ta phải sống có tôn ti trật tự: Bề dưới vâng lời bề trên. Con cái vâng lời cha mẹ. Cháu chắt biết vâng lời ông bà (x.Hc 3, 3-7. 14-17a). Vợ biết phục tùng chồng (x. Cl 3,18). Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về điều này. Mặc dầu Ngài là Thiên Chúa nhưng khi còn sống trong gia đình Na-da-rét, Ngài luôn vâng lời Đức Mẹ và thánh Giuse, như Phúc Âm thánh Luca kể: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục hai ông bà” (Lc 2,51).

  1. Biết lắng nghe nhau

Bình thường thì người dưới phải lắng nghe bề trên. Con cái phải nghe lời cha mẹ. Vợ phải lắng nghe lời chồng. Cháu chắt phải lắng nghe lời ông bà. Nhưng trong thực tế có đôi lúc bề trên phải lắng nghe bề dưới. Cha mẹ phải lắng nghe con cái. Chồng phải lắng nghe vợ.

Mới đây, có một người phụ nữ khóc sướt mướt tới gặp tôi xin cầu cứu. Chị kể rằng: Chồng chị luôn bài bạc. Chị khuyên nhiều lần không được. Hôm nay, chị tới nơi “sòng bạc” để gọi chồng về. Anh tức giận và đánh cho chị một trận. Một câu chuyện tương tự khác: Có một người con trong gia đình, tuổi mới lên 14, nhắn tin cho tôi với nội dung sau: “Xin cha cầu nguyện cho cha mẹ con được hoà thuận thương yêu nhau. Hằng ngày con phải chứng kiến cảnh cha mẹ con cãi vã nhau, thậm chí là chửi bới, đánh đập nhau nữa. Con đã cầu nguyện nhiều mà chưa thấy Chúa nhậm lời. Có lần con mạnh dạn khuyên cha mẹ đừng chửi bới đánh đập nhau nữa. Chẳng những cha mẹ không nghe mà còn bảo con là ‘đồ mất dạy’”.

Đó là hai trong muôn vàn trường hợp xảy ra hằng ngày trong nhiều gia đình. Trong cuộc sống, đôi khi người dưới thấy bề trên làm không đúng nên góp ý, mong muốn bề trên sửa đổi để sống tốt hơn, nhưng bề trên không chịu nghe, thậm chí còn ngược đãi, nghĩ xấu cho bề dưới. Ước gì, các bậc bề trên không chỉ truyền lệnh mà còn phải lắng nghe lời góp ý của người dưới trong những điều hợp tình hợp lý.

  1. Cầu nguyện với nhau và cho nhau

Kinh nguyện trong gia đình hết sức quan trọng. Chúa Giêsu nói: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”(Lc 21,36). Đó là một mệnh lệnh. Người Việt nam chúng ta có thói quen cầu nguyện hôm sớm trong gia đình. Hồi còn nhỏ, cha mẹ tôi thường qui tụ mọi thành viên trong gia đình cầu nguyện chung với nhau trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Có lẽ nhờ thế mà Chúa Mẹ gìn giữ gia đình chúng tôi vượt qua được mọi gian nan khốn khó. Ngày hôm nay, do ảnh hưởng của xã hội, công việc, Internet, phim ảnh…nhiều gia đình bỏ mất thói quen tốt này. Thư chung HĐGM Việt Nam năm 2013 mời gọi: “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên, đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”(số 6). Đó là những lời tâm huyết của các Giám Mục Việt nam gửi tới các gia đình công giáo. Vì vậy, muốn giữ được hạnh phúc gia đình, muốn cả gia đình chu toàn bổn phận nên thánh hãy giữ giờ kinh tối sáng để cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau.

  1. Sống liên kết và yêu thương nhau

Sự “vô cảm” đang thống trị xã hội chúng ta. Sự vô cảm cũng đang len lỏi vào nhiều gia đình. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải sống liên đới với nhau: giữa cha mẹ con cái, anh em ruột thịt, họ hàng, làng xóm láng giềng với nhau. Không chỉ liên đới với nhau trong lời cầu nguyện mà còn liên đới với nhau trong cuộc sống khi vui khi buồn, như thánh Phaolô nhắn nhủ: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc”(Rm 12,15). Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013 mời gọi: “Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, ‘hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau’ (Cl 3,12-13)” (Số 6). Ngày hôm nay, bạo hành giữa các thành viên trong gia đình đang ở mức báo động, rất nhiều gia đình thiếu đức yêu thương, đánh mất sự liên đới. Đau lòng khi thấy Cha mẹ từ khước con cái. Con cái từ bỏ cha mẹ. Anh chị em ruột thịt loại trừ nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đó, nguyên nhân mà tôi thường gặp là do vấn đề kinh tế: tranh nhau từng tấc đất hay tài sản của cha mẹ, ông bà để lại. Hy vọng những chuyện đau lòng đó và những chuyện khác tương tự không diễn ra trong các gia đình của chúng ta. Nếu có, chúng ta hãy ngồi lại với nhau để xin lỗi, tha thứ và nối lại tình liên đới trong yêu thương.

Lạy Chúa, xin ban cho mỗi gia đình chúng con noi gương gia đình Thánh Gia, luôn biết vâng theo thánh ý Chúa, biết quý trọng đức vâng lời, biết lắng nghe nhau, biết cầu nguyện với nhau và cho nhau, đặc biết mỗi thành viên trong gia đình luôn biết bỏ qua những giận hờn, ghen ghét để sống liên kết với nhau trong tình yêu thương. Amen.

 

6. Con có bổn phận.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Mầu nhiệm Nhập Thể bắt đầu từ tiếng Xin Vâng ở Nadarét.

Nadarét là nơi Ngôi Lời làm người sống phần lớn thời gian. Mái ấm Nadarét thật khác thường, và rất đỗi bình thường. Đây là một gia đình có bầu khí yêu thương, đạo hạnh.

Nadarét là trường học đầu tiên huấn luyện Chúa Giêsu, chuẩn bị Ngài gánh vác sứ mạng Cha giao sau này. Nadarét là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác.

Chúa Giêsu đã vâng phục kỷ luật của trường này. Ngài đã chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ, và Ngài đã lớn lên, chững chạc, trưởng thành, quân bình cả về thân xác, trí tuệ lẫn tâm linh.

Con Thiên Chúa đã tập làm người ở Nadarét, và nền giáo dục ở Nadarét đã thành công khi trao cho ta một Giêsu khôn ngoan, đạo đức và nhân hậu, ở tuổi ngoài 30.

Nền giáo dục gia đình được coi là tốt khi giúp con cái mở ra trước những đòi hỏi của Thiên Chúa và tha nhân.

“Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà CHA con sao?” – Từ năm 12 tuổi, cậu Giêsu đã ý thức mình là Con của Thiên Chúa, Đấng mà cậu trìu mến gọi là Cha. Cậu đã sống mối tương quan thân tình độc đáo này và cậu cảm thấy điều đó kéo theo những bổn phận: ở lại trong nhà Cha hay lo việc của Cha.

Càng lúc Chúa Giêsu càng ý thức về mình, trong tương quan với Cha và trong sự thúc bách của sứ mạng.

Con Thiên Chúa cần mẹ cha, cần một mái ấm để lớn lên, nhưng cả mối dây thân thương tự nhiên ấy cũng có lúc phải chịu hy sinh, nếu nó cản trở sứ mạng Cha trao phó.

Ta không rõ tại sao cậu Giêsu rất mực khôn ngoan đã ở lại Đền Thờ mà không báo cho cha mẹ. Nhưng chắc chắn sau này cậu sẽ phải chia tay với Mẹ Maria.

Chúa Giêsu không chỉ là người con hiếu thảo với mẹ cha, nhưng trên hết và trước hết, Ngài là Con vâng phục CHA. CHA trên trời là ưu tiên vượt trên mọi ưu tiên khác.

Đức Maria không hiểu câu trả lời của Con mình. Dù Mẹ đã nghe bao mạc khải về Con từ Gabrien, Simêon, nhưng những biến cố đời thường vẫn làm Mẹ ngỡ ngàng.

Con vẫn là một mầu nhiệm vừa gần, vừa xa đối với Mẹ. Mẹ không hiểu nổi, không hiểu hết hay không hiểu ngay, nên Mẹ vẫn cung kính đứng trước mầu nhiệm bằng thái độ vâng phục của lòng tin và nghiền ngẫm mãi.

Mẹ chẳng giữ Con lại trong vòng tay của mình. Mẹ để Con lên đường, Mẹ dâng Con trên Núi Sọ.

Chỉ biến cố Phục Sinh mới làm Mẹ thật hiểu Con.

Cha mẹ vừa đùm bọc ấp ủ, vữa tiễn con mình vào đời.

Gia đình cung ứng những công dân tốt và tín hữu nhiệt thành.

Mỗi đứa con là một mầu nhiệm cần tôn trọng. Giáo dục là giúp con sống cuộc đời rất riêng của nó.

Ước gì mọi bà mẹ đều như Maria, sinh các con như Giêsu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Cuộc sống gia đình hôm nay gặp nhiều khó khăn (chung thủy, giáo dục con cái, thiếu thốn vật chất. . . ) Theo bạn, đâu là khó khăn lớn nhất? Làm sao khắc phục?

Theo bạn, thế nào là một gia đình lý tưởng? Để xây dựng một gia đình như thế cần có những điều kiện gì?

Cầu Nguyện

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu, những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.

Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới, những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán, những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường, những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.

Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình; nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay của từng người chúng conAmen.

 

7. Gia đình hạnh phúc – Cố Lm. Hồng Phúc

Hôm nay, Giáo hội mời chúng ta đi thăm một gia đình: Gia đình Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng. Một gia đình ngàn xưa nêu gương cho các gia đình soi chung.

Thánh Matthêô thường thích những tường thuật dài có kết cấu, nhưng ở đây Người chỉ trình bày cho chúng ta một gia đình, gia đình Kitô giáo đầu tiên. Trong gia đình ấy có ba nhân vật: Giuse bác thợ mộc làm gia trưởng, Maria, cô nội trợ khiêm tốn, Chúa Hài Nhi là con của gia đình.

Trước mặt xã hội thì Giuse lớn hơn cả vì là gia trưởng, nhưng trước mặt Thiên Chúa thì người nhỏ nhất lại lớn nhất vì Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

Hạnh phúc gia đình ấy được xây dựng trên 3 yếu tố.

Trước tiên, họ rất hòa thuận khắng khít: Không có một khó khăn sóng gió nào có thể làm lung lạc tình nghĩa vợ chồng, mặc dầu họ gặp bao nhiêu trắc trở. Chỉ cần nói đến cuộc di cư gấp gáp qua Ai cập giữa đêm thâu, chỉ cần nhắc lại cuộc hồi hương trở về trong lo âu và đến định cư trong làng bé nhỏ Nagiarét.

Họ rất trung tín: Vợ chồng lấy chữ tín làm đầu. Và chúng ta biết đối với Giuse không phải là dễ, khi nhìn thấy Đức Mẹ có dấu đã mang thai. Cần có một lệnh truyền bởi trời, mối hoài nghi mới chấm dứt trong sung sướng, khi biết mình được gọi đễ chia sẻ mầu nhiệm con Thiên Chúa giáng trần. Và từ đó, cả hai tuân phục Thánh Ý Chúa, sẵn sàng hy sinh tất cả cho hạnh phúc của con mình cũng là con Thiên Chúa.

Họ sống khiêm tốn, nghèo nàn, theo khả năng, theo gia cảnh. Giuse là bác thợ mộc thì con nối nghề Cha cũng làm thợ mộc.

Gia đình Nagiarét là một gia đình hạnh phúc vì 2 lý do nữa sau đây: một là, xét về tương quan nội bộ, vì trong gia đình ấy có trật tự và đâu có trật tự là ở đó có hòa bình hạnh phúc. Hai là vì trong gia đình ấy có Thiên Chúa hiện diện, mà đâu có Thiên Chúa hiện diện là ở đó có hạnh phúc, ở đó là Thiên đàng.

Ngày nay, chúng ta thấy nhiều gia đình xuống dốc vì thiếu trật tự mà Chúa đặt để an bài. Trong gia đình không có trên dưới, không có quyền bính, đường ai nấy đi, hạp thì ở, chán thì đi, con mặc kệ con, đã có chính phủ nuôi!

Vậy muốn có hạnh phúc, trước tiên mỗi người phải biết ở trong địa vị của mình là chồng là vợ là con cái, ngày nào trật tự ấy bị đảo lộn, bị lấn át thì gia đình sẽ bị lung lạc tan rã. Một tờ báo ở Luân đôn, Anh quốc, đã mở cuộc điều tra nơi các ông chồng và xin các độc giả mày râu trả lời câu hỏi sau đây: Trong gia đình bạn, ai làm chủ thật sự? Kết quả là có 80% trả lời: vợ tôi làm chủ; 20% trả lời: mẹ vợ tôi làm chủ. Chỉ có một số ít trả lời: chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã chết! Không lạ gì mà sau nước Mỹ, nước Anh có nhiều gia đình đổ vỡ nhất. Cứ hai đám cưới thì có một đám ly dị.

Yếu tố quan trọng thứ hai là một gia đình muốn có hạnh phúc phải có Chúa hiện diện ở giữa, như Chúa Giêsu hiện diện ở trong gia đình Nagiarét.

Có Đức Tin, có lòng đạo mới biết thương yêu nhau, nhường nhịn nhau. Chồng biết thương yêu vợ, vợ biết thương yêu chồng, con cái biết thương yêu nhau. Vì thế trong bài đọc II, Thánh Phaolô căn dặn: “Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng nhau… Anh em hãy làm mọi việc vì sáng danh Chúa”. Trong đời sống vợ chồng có lúc vui và có lúc buồn, có lúc phải chịu đựng nhau, vác thánh giá của nhau, vác cho đến cùng đến chết, để đền tội. Trong một tuần Đại phúc, Cha giảng phòng tổ chức làm phép Thánh giá. Cha rao: Ai có Thánh giá mang lên làm phép. Một cụ già đưa vợ lên và nói: đây là Thánh giá con, xin Cha làm phép cho con chịu khó vác… đến cùng! Vợ là thánh giá cho chồng thì chồng cũng có thể là thánh giá cho vợ.

Thánh Matthêô viết: “Người sẽ được gọi là Nagiarêô”. Cha Charles de Foucault đã đến định cư ở làng Nagiarét, sống đời sống Chúa Giêsu như một người Nagiarêô. Ngài cầu nguyện cùng Thánh Gia: “Lạy Đức Trinh nữ, lạy Thánh Giuse, là mẹ là cha của con, hãy đưa dẫn con đến cùng Chúa Giêsu. Xin cho con, sau khi được Chúa ban ơn được chia sẻ hoàn hảo khung cảnh bên ngoài của đời sống các Đấng thì cũng được chia sẻ đời sống nội tâm các Đấng… trong tình yêu, chiêm nghiệm và thờ lạy trong tinh thần khó nghèo, gạt bỏ con đi để được tràn đầy Chúa”.

 

8. Con đường hạnh phúc

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Những tranh ảnh về Thánh Gia thường diễn tả một gia đình ấm êm hạnh phúc. Thánh Giuse làm thợ mộc trong nhà. Đức Mẹ ngồi may vá. Đức Giêsu phụ giúp Thánh Giuse. Phải chăng Thánh Gia luôn sống trong êm đềm thư thái, không hề biết đến khổ đau? Phải chăng cuộc sống gia đình thánh cứ phẳng lặng trôi như mặt nước mùa thu không gợn sóng gió? Không phải, trái lại Thánh Gia đã biết đến rất nhiều sóng gió, thử thách.

Còn thử thách nào lớn hơn cảnh nghèo. Vì nghèo mà biết bao gia đình sinh ra bất hoà, ấy thế mà Thánh Gia đã phải trải qua những kinh nghiệm đớn đau của kiếp nghèo. Bị xua đuổi, bị hất hủi đến nỗi phải trú ngụ trong chuồng bò lừa. Thê thảm hơn nữa, phải sinh con giữa bầy súc vật, không giường chiếu chăn màn.

Còn gì buồn hơn là bị thù ghét, bị săn đuổi? Thánh Gia sống hiền lành khiêm nhường, thế mà phải chịu đựng sự thù ghét của Hêrôđê. Vừa sinh ra, còn non nớt đã phải bồng bế nhau chạy trốn, xa quê hương đất nước.

Còn cảnh nào bi đát bằng cảnh vợ chồng hiểu lầm nhau? Thế mà Thánh Giuse đã hiểu lầm Đức Mẹ khi Đức Mẹ thụ thai bởi quyền phép Đức Chúa Thánh Thần. Ai đã trải qua cảnh nghi ngờ bị phản bội sẽ hiểu Thánh Giuse đã bị giày vò đau đớn đến mức nào.

Còn gì khiến cha mẹ buồn hơn khi thấy con cái không ngoan ngoãn vâng lời, bỏ nhà ra đi? Vậy mà Thánh Giuse và Đức Mẹ đã phải chứng kiến cảnh đứa con ngoan ngoãn của mình tự động ở lại Đền Thờ mà không xin phép cha mẹ. Các ngài vất vả lo âu tìm kiếm thì ít, nhưng buồn phiền đau khổ thì nhiều. Làm sao các ngài tránh khỏi buồn phiền khi nghĩ rằng người con mà các ngài rất mực yêu quý đã cãi lời cha mẹ?

Những sóng gió mà Thánh Gia đã phải đương đầu như thế có lẽ nhiều và nặng nề hơn những gia đình bình thường. Thế nhưng các ngài vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Nhờ bí quyết nào các ngài đã vượt qua được biết bao cơn sóng gió như thế?

Trước hết các ngài luôn tìm thánh ý Chúa. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, các ngài không tìm ý riêng mình, cũng không tìm ý thích của người đời, nhưng luôn đi tìm ý Thiên Chúa. Tìm ý Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, qua các biến cố xảy đến. Tâm sự với Chúa trong giờ cầu nguyện. Hỏi ý kiến Chúa nơi các vị đại diện.

Khi biết được thánh ý Chúa, các ngài lập tức mau mắn vâng lời. Đức Mẹ muốn giữ mình đồng trinh, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ liền thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng lời thiên sứ truyền”. Thánh Giuse đang muốn bỏ đi, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người ở lại, Người đã vâng lời ngay không ngần ngại.

Sau cùng, các ngài luôn quên mình vì hạnh phúc của mọi người trong gia đình. Thánh Giuse tuy là gia trưởng, nhưng đã hết tình phục vụ Đức Mẹ và Đức Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng lại xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng lại trở thành người con bé nhỏ nhất trong gia đình.

Ngày nay, nhiều gia đình gặp khủng hoảng, lâm vào cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, vì đã không biết áp dụng những bí quyết của Thánh Gia. Mỗi khi gặp khó khăn, thay vì cầu nguyện, đọc Phúc Âm để tìm ý Chúa thì lại đi tìm ý kiến ở những nơi mê tín dị đoan. Thay vì vâng lời Chúa qua các vị bề trên thì lại chỉ tìm ý riêng mình. Thay vì khiêm nhường quên mình thì lại kiêu ngạo tự ái, bắt người khác phải phục vụ mình.

Hôm nay, gia đình chúng ta hãy biết noi gương Thánh Gia: Bỏ ý riêng để tìm thánh ý Thiên Chúa; mau mắn vâng lời Chúa; và hạ mình khiêm nhường, quên mình để phục vụ người khác. Có như thế chúng ta mới hy vọng giữ được hạnh phúc gia đình, nhất là khi phải đối phó với những khó khăn ngày càng nhiều trong đời sống hiện nay.

Lạy Thánh Gia, xin nâng đỡ gia đình chúng con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Mỗi khi gia đình có việc rắc rối, tôi thường làm gì trước: cầu nguyện, đọc Phúc Âm, hay là đi xem bói?
  2. Mỗi khi có bất đồng ý kiến, tôi thường khiêm nhường xét mình, hay là tự ái bắt người khác phải nhận lỗi?
  3. Qua tấm gương của Thánh Gia, tôi có quyết tâm gì để xây dựng hạnh phúc gia đình trong năm mới?

 

9. Gia đình- mái ấm

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

Không có nơi nào thuận tiện cho bằng gia đình, để xây dựng một tổ ấm gồm những người yêu thương nhau. Nơi gia đình, vợ chồng yêu thương nhau và sẵn sàng bỏ tất cả để chung sống với nhau, để có thể lo cho nhau một cách trọn vẹn. Con cái do cha mẹ sinh ra, cha mẹ yêu thương con cái. Con cái thảo hiếu với cha mẹ vì được sinh ra nuôi nấng yêu thương và dạy dỗ. Nếu những người trong một gia đình không yêu thương nhau, thì họ còn tìm đâu ra một môi trường thuận lợi yêu thương như vậy nữa!

Thực tế cho thấy có những cặp vợ chồng sống với nhau không vì yêu thương; có những người con không được yêu thương ngay từ trong dạ mẹ và không được sinh ra; có những người được sinh ra, nhưng không được nhìn nhận như con, và không được cha mẹ nuôi nấng yêu thương cưng chiều; có những người con được sinh ra, được nuôi nấng nhưng không được yêu thương chăm sóc nên đã bỏ nhà đi hoang. Có những người cảm thấy gia đình không còn là mái ấm nhưng lại là hỏa ngục; và như vậy, có những em bỏ nhà sống bụi đời, và cho rằng thà như vậy còn hạnh phúc hơn ở trong “hỏa ngục trần gian”. Người con rất đau khổ khi thấy cha mẹ mình không yêu thương nhau: gây gỗ và dùng bạo lực với nhau.

Nếu gia đình gồm những người có tương quan máu mủ ruột thịt mà không yêu thương nhau, không tạo nổi một mái ấm nơi đó những thành viên trong gia đình cảm thấy được yêu thương săn sóc, thì làm sao xã hội gồm những người khác nhau, không có tương quan máu mủ, lại có thể yêu thương nhau cho được! Tạo một gia đình yêu thương hạnh phúc, đó là điều khó nhưng cũng vẫn khả thi. Tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một xã hội an ninh hạnh phúc; tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một thế giới hòa bình yêu thương nhau.

Nếu mình không kiếm chế mình, nếu mình để cho những đam mê và những xu hướng xấu ảnh hưởng quá mạnh trên mình, để rối ngay cả mình cũng không chấp nhận chính mình, thì làm sao người khác có thể chấp nhận mình, cho dù người đó là người thân trong gia đình? “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Để có thể có một gia đình hạnh phúc, mỗi người trong gia đình phải tập làm chủ chính mình. Tu thân, là điều mỗi người phải cố gắng hằng ngày, để vươn tới mức hoàn hảo hơn.

Mỗi thành viên trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nghĩa là, quan tâm đến nhau với những nhu cầu của nhau, đến những bận tâm của nhau. Nếu mỗi người trong gia đình, và ngay cả trong một đơn vị, biết quan tâm đến nhau, săn sóc cho nhau, hy sinh cho nhau, thì đời sống của mỗi thành viên trong đơn vị đó sẽ mỗi ngày một triển nở và hạnh phúc hơn.

Vợ diễn tả ý Thiên Chúa cho chồng; chồng diễn tả ý của Thiên Chúa cho vợ; con cái diễn tả ý của Thiên Chúa cho cha mẹ; cha mẹ diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho con cái. Có người vợ người chồng nào không muốn người bạn đời của mình triển nở hạnh phúc? Có người cha người mẹ nào không yêu thương con cái, không muốn điều tốt nhất cho con cái, không tìm cách làm điều tuyệt nhất cho con cái mình? Nếu người chồng người vợ có một tật xấu, thì người chồng người vợ người con cũng mong ước người đó bỏ thói hư tật xấu đó. Thiên Chúa cũng muốn điều đó. Ý của Thiên Chúa được diễn tả qua những người thân yêu trong gia đình.

Mỗi người hãy cố gắng diễn tả ý của Thiên Chúa cho những người trong gia đình mình. Mỗi người trong gia đình hãy cố gắng diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho những phần tử khác trong gia đình. Cha mẹ được trao trách nhiệm yêu thương chăm sóc dạy dỗ con cái nhân danh Thiên Chúa. Con cái phải vâng phục cha mẹ, vì cha mẹ đại diện Thiên Chúa yêu thương mình, muốn điều tốt lành cho mình, dạy dỗ mình trở nên những người tốt nhất theo ý Thiên Chúa.

Mỗi người trong gia đình hãy sống tốt, để trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho người khác. Đừng ảo tưởng: nếu ta không xây dựng được một gia đình hạnh phúc, thì không thể xây dựng một xã hội hạnh phúc được. Ta cũng chẳng có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc, nếu mỗi người không tự tu thân sửa mình mỗi ngày. Hãy biến gia đình thành thiên đường hạ giới. Nếu không làm gia đình mình thành một mái ấm thân thương, thì mình cũng chẳng có thể xây dựng được một cộng đoàn nào thoải mái và hạnh phúc thật sự được. Nếu ta không tu sửa chính mình mỗi ngày, thì cũng chẳng có thể sống tốt với người khác, cũng không thể xây dựng một gia đình hạnh phúc được, cũng không thể xây dựng một cộng đoàn hạnh phúc thật sự được.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

  1. Bạn có thể tạo lập một gia đình hạnh phúc không?
  2. Theo bạn, làm sao để có một gia đình hạnh phúc?
  3. Nếu một người không lập gia đình với người họ yêu họ thương, thì họ có thể tạo lập một gia đình hạnh phúc không? Bạn có thể chấp nhận lập gia đình với người bạn không yêu không?

 

10. Gia đình gương mẫu – Lm Carôlô Hồ Bặc Xái

Lời Chúa

  1. Bài đọc I: 1 Sm 1,20-22.24-28

Vợ chồng Anna và Elqana son sẻ, nhờ cầu xin Chúa nên cuối cùng sinh được đứa con trai, đặt tên là Samuel.

Vì ý thức rằng con cái là ơn ban của Chúa, cho nên vừa sinh con thì hai ông bà đã đem nó dâng cho Chúa.

  1. Đáp ca: Tv 83

Đây là một Thánh Vịnh hành hương. Điều đáng chúng ta lưu ý là mặc dù hôm nay là lễ Gia đình, nhưng Phụng vụ đã chọn đọc một Thánh vịnh hành hương “Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài siết bao khả ái. Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng… Phúc thay người ở trong Thánh điện”. Nghĩa là: ngoài ngôi nhà gia đình, chúng ta còn một ngôi nhà khác, đó là Nhà Chúa.

  1. Tin Mừng (Lc 2,41-52)

a/. Tường thuật chuyện Thánh gia hành hương lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua:

Luật hành hương chỉ buộc những “nam nhân”, tức là người nam và từ 13 tuổi (tuổi được luật pháp công nhân là trưởng thành) trở lên. Thế mà cả Đức Mẹ và Chúa Giêsu năm đó mới 12 tuổi cũng đi.

Lễ Vượt qua kéo dài 7 ngày. Nhưng luật chỉ buộc dự 3 ngày đầu thôi, những ngày sau tuỳ ý. Thánh gia đã dự cho đến “xong kỳ lễ”.

Như thế, Thánh Gia đã giữ luật đạo rất chín chắn, hơn cả mức đòi buộc của Luật.

b/. Sau khi kỳ lễ đã xong, trong khi mọi người ra về thì Chúa Giêsu còn ở lại trong Đền thờ. Khi cha mẹ tìm gặp Ngài thì Ngài đáp “Con có bổn phận ở nhà của Cha con”. Qua thái độ và lời nói này, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị cho cha mẹ Ngài biết và chấp nhận rằng Ngài còn có bổn phận đối với Chúa Cha.

c/. Nhưng Chúa Giêsu không phải là một đứa con bất hiếu, bởi vì Tin Mừng thuật tiếp rằng “Sau đó Ngài cùng cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài”.

  1. Bài đọc II: 1 Ga 3,1-2.21-24

Thánh Gioan lưu ý rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vì thế hãy mạnh dạn đến với Thiên Chúa là Cha chúng ta, mặt khác hãy tuân giữ các giời răn của Ngài, nhất là giới răn yêu thương nhau.

 

GỢI Ý GIẢNG

* 1. Những bài học từ Lời Chúa hôm nay

a/ Từ bài đọc I: (1) Con cái là ơn ban của Chúa: Vợ chồng Anna và Elqana ý thức rằng đứa con của họ là ơn ban của Chúa, vì thế nên vừa sinh con ra thì họ đã đem lên Đền thờ dâng hiến cho Chúa. (2) Ý hướng của đứa con: Khi lớn lên cậu bé Samuen đã từ giã gia đình vào đền thờ Silô dâng mình cho Chúa. Cha mẹ nào cũng có những ý định cho tương lai con cái. Nhưng cha mẹ không thể thay con cái mà sống cuộc đời của nó. Vì thế Cha mẹ cũng phải tôn trọng chọn lựa của con. (3) Ơn gọi của đứa con: Chúa đã gọi Samuel, cậu đã đáp lời, cha mẹ cậu chẳng những không ngăn cản mà còn đưa con vào sống trong đền thờ để tạo điều kiện thuận lợi cho cậu đáp lời Chúa gọi.

b/ Từ bài Tin Mừng: (1) Chuyện trẻ Giêsu ở lại Đền thờ khiến Thánh Giuse và Đức Mẹ lo lắng cho thấy dù là đối với một gia đình tốt lành thánh thiện đến mức nào đi nữa, vẫn không tránh khỏi những buồn phiền, va chạm. Tuy nhiên gia đình thánh thiện biết giải quyết và vượt qua những lúc u tối đó bằng cách làm theo ý Thiên Chúa. (2) Ta thường nói rằng trẻ Giêsu bị lạc mất trong Đền thờ. Thực ra Chúa Giêsu không đi lạc vào một nơi xa lạ, mà Ngài đến ở trong Nhà của Cha Ngài. Điều này cho chúng ta thấy ngoài ngôi nhà ở gia đình, chúng ta còn một ngôi nhà khác nữa, là Nhà Thờ, Nhà của Cha trên trời. Nhiều kẻ vô phúc không nhà không cửa đã tìm được hạnh phúc khi đến với Chúa trong Nhà thờ; nhiều người ngột ngạt khổ sở ở nhà mình đã tìm được an ủi và sức mạnh trong Nhà thờ.

c/ Từ bài đọc II: Thánh Gioan nhắc nhở rằng: cũng như Chúa Giêsu vừa là con của Thánh Giuse và Đức Mẹ, vừa là con của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng thế. Đừng quên mình là con Thiên Chúa nên hãy sống thân mật với Ngài và sống theo giới luật yêu thương Ngài dạy.

* 2. “Mất con”

Tiến trình lớn lên của đứa con có thể khiến cho cha mẹ cảm thấy như mình dần dần bị mất con. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay giúp ta hiểu thêm nhiều khía cạnh tâm lý về vấn đề này:

– “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà cha mẹ chẳng hay biết”: Không phải Chúa Giêsu vì mãi chơi mà ở lại. Ngài cố ý ở lại. Các nhà tâm lý giáo dục lưu ý rằng khi một đứa con cứ quấn quít mãi bên cạnh cha mẹ thì đó là dấu hiệu không tốt, cho thấy rằng dù tuổi nó đã lớn nhưng nó vẫn cảm thấy không an toàn nên không dám tự lập. Còn khi đứa con đã an tâm về tình thương của cha mẹ thì nó dám rời xa cha mẹ để đi khám phá thế giới của nó. Cha mẹ đừng buồn vì chuyện đó, cũng đừng vì thế mà giảm bớt yêu thương. Thật là dễ khi yêu thương đứa con lúc nó còn nhỏ cứ bám víu lấy mình. Nhưng khi nó lớn, bắt đầu rời xa vòng tay che chở của mình mà mình vẫn yêu thương nó thì tình thương đó phải lớn hơn và khéo léo hơn nhiều.

– “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”: Có lẽ thánh Giuse và Đức Mẹ – cũng như mọi cha mẹ khác – vẫn coi Chúa Giêsu là một đứa trẻ và mãi mãi là một đứa trẻ. Lời Chúa Giêsu nhắc nhở hai Đấng rằng Ngài đã lớn, Ngài có cuộc đời riêng của Ngài và Ngài có bổn phận phải sống ơn gọi riêng ấy. à Khi đứa con bắt đầu có những suy nghĩ riêng và những dự định riêng của mình, cha mẹ đừng vội rầy là hay phản đối kẻo bóp chết đi đà phát triển của nó. Khôn ngoan hơn, hãy lắng nghe và nếu thấy đúng thì hãy khuyến khích, tạo điều kiện.

– “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”: Thánh Giuse và Đức Maria không rầy la, nhưng im lặng và suy nghĩ. à Im lặng, lắng nghe và tìm hiểu con cái, đó là điều mà nhiều cha mẹ không biết; cha mẹ không lắng nghe và không tìm hiểu, đó cũng là điều mà nhiều đứa con trách cha mẹ mình; và cũng là mấu chốt khiến mối liên hệ giữa cha mẹ với con cái càng thắm thiết hơn hay càng ngày càng xấu đi.

– “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài”: Sau biến cố này, Chúa Giêsu càng thấy rõ hơn tình thương, sự lo lắng và sự tôn trọng của cha mẹ đối với mình, nên Ngài càng yêu mến, tôn kính và vâng phục hai đấng. Hạnh phúc gia đình không phải vì gia đình không gặp sóng gió. Hạnh phúc gia đình là do cha mẹ con cái hiểu nhau, yêu thương nhau và tôn trọng nhau. Những sóng gió, va chạm nhiều khi còn làm cho người ta hiểu nhau và thương nhau hơn, do đó hạnh phúc gia đình càng được củng cố thêm.

* 3. Gia đình Nadarét và gia đình chúng ta

Thánh Gia Nadarét là một gia đình như hầu hết các gia đình khác nhưng lại khác hẳn tất cả những gia đình khác.

Như hầu hết các gia đình gia đình Nadarét:

Nghèo

Vì nghèo không có vốn đầu tư kinh doanh, gia đình Nadarét phải lấy sức mình ra làm việc để sinh sống: thánh Giuse làm thợ mộc, Đức Maria làm nội trợ suốt ngày bận rộn với những việc nấu nướng, giặt giũ, may vá, quét dọn… Chúa Giêsu khi còn nhỏ thì phụ giúp cha mẹ, lớn lên nối nghiệp thánh Giuse làm nghề thợ mộc. Đây là một gia đình lao động, tay chân.

Lao động tay chân thì vất vả: đổ mồ hôi, tay chân chai sạm, quần quật suốt ngày…

Mặc dù quần quật suốt ngày nhưng cũng chỉ đủ ăn không dư giả. Trong Tin Mừng ta tìm thấy hai bằng chứng về tình trạng không dư dả của gia đình Nadarét: Khi đem con đầu lòng dâng vào Đền Thờ cùng với lễ vật theo luật định, những gia đình khác người thì dâng tiền, người thì dâng chiên cừu, còn gia đình của thánh Giuse chỉ dâng có một đôi chim câu là thứ lễ vật của những người nghèo. Khi đi Bêlem, hai ông bà không có tiền thuê nhà trọ nên đành phải trú chân trong hóc đá, chỗ làm nơi tạm trú cho súc vật. Gia đình này không dư dả.

Vì không có dư giả nên dĩ nhiên cũng có những lúc túng thiếu, những ngày lo âu vì miếng cơm manh áo.

Vì túng thiếu nên dĩ nhiên cũng không được người đời coi trọng mà còn bị khinh chê. Ta nhớ lúc Chúa Giêsu đã đi rao giảng mà vẫn còn có người nhận xét về Ngài bằng một giọng khinh chê “Con ông thợ mộc như thế mà là Đấng Cứu thế cái nỗi gì!”

Nhưng gia đình Nadarét lại khác tất cả các gia đình khác:

Khác ở chỗ tự ý chọn cuộc sống: lao động chân tay nghèo nàn, là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể chọn sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng Ngài đã chọn sinh ra trong một gia đình lao động nghèo nàn như thế.

Khác ở chỗ mặc dù nghèo nhưng những người trong gia đình này không lục đục với nhau như thường thấy trong các gia đình chúng ta: khi túng thiếu chúng ta sinh ra bực bội, gắt gỏng, gia đình hay cãi và xung đột với nhau.

Khác ở chỗ dù nghèo nhưng không gian tham, trộm cắp như thường thấy trong nhiều gia đình khác.

Tóm lại gia đình Nadarét dù nghèo, dù làm lụng vất vả nhưng rất hạnh phúc rất thánh thiện.

Gia đình Nadarét của thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu thật là

. một niềm hãnh diện cho các gia đình lao động nghèo nàn.

. một nguồn an ủi khích lệ cho các gia đình lao động nghèo nàn.

. Và là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Nhìn vào nếp sống gia đình này ta có thể học được rất nhiều bài học quý giá.

a/ Bài học thứ nhất là: trong gia đình, mọi người đều phải làm việc.

Thánh Giuse làm thợ mộc, Đức Mẹ làm nội trợ, Chúa Giêsu khi nhỏ giúp cha giúp mẹ và lớn lên cũng làm nghề thợ mộc. Người nào việc ấy, người mạnh làm việc nặng, người yếu làm việc nhẹ, người chưa rành thì phụ giúp những người khác, ai cũng có công việc theo khả năng của mình.

Cổ nhân đã nói “nhàn cư vi bất thiện” ở không thì sinh ra hư đốn làm điều không tốt. Những gia đình giàu có ở không riết rồi chồng thì say sưa, ngoại tình, vợ thì cờ bạc, ngồi lê đôi mách, con cái thì đua đòi, chơi bời lêu lỏng, tập tành nhiều thói xấu. ngay cả những gia đình nghèo nhưng không biết thu xếp công việc, cho con cái đi chơi suốt ngày thì chúng cũng hư: làm biếng, trộm cắp, ăn nói sàm sở, chửi thề nói tục, đủ thứ…

Một số gia đình tổ chức công việc rất khéo: con cái những đứa còn nhỏ thì giao cho chúng những việc nhỏ, như quét nhà, rửa chén, giữ em; những đứa lớn hơn thì tập cho chúng may vá, nấu cơm, nuôi heo, làm gia công những đồ tiểu thủ công nghiệp… Giờ nào học thì học, còn những giờ khác thì làm việc, ai cũng có việc nấy. Dần dần thành nếp, mọi người đều cần cù siêng năng, biết dùng thời giờ của mình làm việc hữu ích, biết giá trị của đồng tiền và nhờ đó biết tiết kiệm không hoang phí, cũng không có những thói xấu như chơi bời lêu lỏng, ngồi lê đôi mách, trộm cắp gian tham…. Những gia đình biết thu xếp như vậy tuy nghèo nhưng không đến nỗi thiếu thốn vì ai cũng siêng năng và biết xoay sở.

Ngược lại trong một số gia đình chúng ta, cha mẹ thì làm ăn rất là vất vả nhưng con cái thì lại không tập cho chúng làm, để chúng đi chơi hầu như suốt ngày. Chúng vừa chẳng giúp gì cho gia đình, vừa là một gánh nặng cho gia đình, lại vừa lây nhiễm đủ thứ thói xấu ngoài xã hội.

b/ Bài học thứ hai là ta phải nên thánh ngay trong những việc lao động hằng ngày của chúng ta.

Có rất nhiều người than rằng vì bận rộn làm ăn nên đạo hạnh bê trễ. Đây là một quan niệm sai lầm, tách đời ra khỏi đạo, chia cách việc làm với đạo đức. Dĩ nhiên người bận rộn làm việc thì không có nhiều giờ để đọc kinh, để đến nhà thờ. Nhưng mỗi sáng dành ra vài phút để cầu nguyện, mỗi tối dành vài phút cầu nguyện nữa, Chúa nhật thu xếp đi lễ khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, như vậy đâu phải là nhiều. Và thậm chí nếu mình quá bận rộn thực sự để không thể làm những việc đó thì Chúa cũng không bắt tội chúng ta, Chúa chỉ bắt tội lười không có thể làm mà không làm thôi. Vả lại sống đạo đâu phải chỉ là đọc kinh cầu nguyện, mà là đem tinh thần đạo vào chính cuộc sống của mình.

Người sống đạo thật không đợi đến lúc tới nhà thờ mới nhớ tới Chúa, nhưng họ luôn dâng mọi việc họ làm hằng ngày cho Chúa, kết hợp với Chúa trong chính công việc của mình.

Người sống đạo thật cố gắng tránh những cám dỗ trong khi làm việc: cám dỗ làm cẩu thả, gian dối, cám dỗ lười biếng, cám dỗ trộm cắp. Như vậy vừa làm việc họ vừa rèn luyện đạo đức và lập công trước mặt Chúa.

Người sống đạo thật biến việc làm hằng ngày thành những công nghiệp, những lễ vật dâng lên Thiên Chúa và họ nên thánh bằng chính những công việc họ làm.

Chúa Giêsu đã dùng 30 năm trong số vỏn vẹn 33 năm ở trần gian để sống trong gia đình Nadarét, để làm việc lao động chân tay cực nhọc. Điều đó rất có ý nghĩa: Chúa muốn cho chúng ta thấy giá trị thánh thiện của việc lao động hằng ngày và Chúa muốn nêu gương cho chúng ta. Chúng ta hãy nhớ dạy cho con cháu mình biết làm việc cần cù siêng năng, và chúng ta hãy tự thánh hóa đời mình bằng chính những công việc hằng ngày.

* 4. Những cánh cửa mở ra phía nhân loại

Ánh sáng soi cho các dân tộc.

Thánh Luca là người Hy lạp. Ngài loan báo tin mừng cho đồng bào mình và đôi khi ngài phải chống lại những Kitô hữu gốc Do thái cứ muốn bắt những tân tòng người nước ngoài phải tuân giữ luật lệ và lễ nghi Do thái. Khi trình thuật sự kiện “Đức Bà dâng Con trong đền thờ”, thánh Luca có dụng ý cho ai nấy hiểu rằng, sứ điệp tin mừng không chỉ dành riêng cho dân Israel, mà được gởi cho hết mọi người đàn ông, mọi người phụ nữ trên toàn thế giới.

Vì vậy mà việc “dâng con” thay vì chỉ là việc riêng của gia đình diễn ra trong vòng ấm cúng thân mật, lại trở nên một biến cố có liên quan đến cả loài người mọi nơi mọi thời. Cái nghi thức theo truyền thống chỉ là nghi thức thanh tẩy người mẹ, lại trở thành cuộc biểu dương sứ mệnh đặc biệt của người con, như nói với cả thế giới rằng: Đây là Đấng Thiên Sai sắp khai trương một thời đại mới. Hai cụ già Simêon và Anna tượng trưng cho các thế hệ mòn mỏi chờ mong Đấng Cứu Thế.

Cha mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse là những người miền Bắc, người Nadaréth và lễ cung hiến người con lại diễn ra tại Giêrusalem, trong Đền Thờ. Đó là những chi tiết mang nhiều ý nghĩa. Giêrusalem là thành Thánh có Đền Thờ làm trung tâm. Chính tại Đền Thờ, Chúa Giêsu nhận được tước hiệu là Cứu Chúa muôn dân, là ánh sáng soi cho các dân ngoại, là sự biểu hiệu của Thiên Chúa vô hình.

Ơn cứu độ không thể bị cất giấu trong một đền thờ duy nhất cho dù đền thờ ấy có uy thế lẫy lừng cách mấy. Mà cả vũ trụ sẽ là đền thờ. Đền Thờ sẽ là tấm lòng của bất cứ người nào đón nhận Lời của Thần Khí. Thánh Luca cho biết, Đức Mẹ và thánh Giuse rất đổi ngạc nhiên. Mà các ngài ngạc nhiên cũng phải, vì các ngài lên đền thờ chỉ để cử hành một nghi thức gia đình, vậy mà lại vỡ lở ra thành lời tụng ca của muôn người muôn thế hệ.

Trong niềm vui được tin Đấng Thiên sai đến, lại có lẫn nỗi lo âu. Đấng có sứ mạng gom các dân tộc về một mối, một dân tộc duy nhất gồm những người anh em, thì lại nên dấu chỉ cho sự chia rẽ.

Bởi vì những kẻ từ chối Đấng Thiên Sai phổ quát (cho cả loài người, chứ không riêng dân Israel) sẽ nổi lên chống lại Ngài. Những người cứ khăng khăng không muốn thoát ra khỏi những cái khung suy nghĩ hẹp hòi, những cái khung đức tin và cuộc sống thiển cận, cũng sẽ nổi lên chống lại ngài, chứ không muốn theo chân Ngài đi gặp gỡ mọi người, thuộc mọi tiếng nói mầu da, chủng tộc, để sống với nhau trong tình anh em.

Ngày nay, những hình thái mới của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lao động và giải trí, đang khiến các gia đình lung lay.

Mừng lễ Thánh Gia Thất, liệu chúng ta sẽ đón nhận Đấng Thiên sai của thời mới, Đấng có những lời lẽ phát minh và sáng tạo? Lễ này cho chúng ta biết rằng gia đình theo Chúa Giêsu có những cánh cửa mở ra phía gia đình nhân loại bao la rộng lớn (CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh ’99)

* 5. Mái Ấm Tình Thương – Lc 1,41-52

Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn, khóc. Bà mẹ thấy thế, nói: chỗ này không phải chỗ con ta ở. Rồi dọn nhà ra gần chợ.

Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước cách buôn bán đảo điên. Bà mẹ thấy thế, lại nói:

“Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, về nhà cũng bất chước học tập lễ phép. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở đây.

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế. Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói lỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao!”. Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.

Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt như vậy”. Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ công giáo dục quí báu của bà mẹ hay sao?

****

Thánh Gia Thất là mẫu gương giáo dục tuyệt vời cho các gia đình cũng như cho các cộng đồng tu viện.

Thánh Gia Thất là trường huấn luyện cho Chúa Giêsu, chuẩn bị ngày lãnh nhận sứ mạng Chúa Cha giao phó.

Thánh gia thất là chuẩn mực chính xác nhất cho các người cha, người mẹ và con cái trong gia đình.

Giuse đích thực là một người cha: Sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông và tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu cùng mẹ thánh Người. Người làm chủ gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm, và siêng năng cần cù lao động, trong làng quê nghèo Nadarét.

Maria chính là người mẹ: Gương mẫu trong đời sống nội tâm, và sâu lắng trong tâm tình cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, và chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu.

Chúa Giêsu là người con thảo hiếu: “Hằng vâng phục cha mẹ” Giuse và Maria, lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và nhân đức, nhất là luôn lo việc “bổn phận ở nhà Cha”.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có thuận hoà, thì xã hội mới an vui. Lễ Thánh Gia chính là lễ của mọi gia đình. Noi gương Thánh Gia Thất, các gia đình chúng ta luôn sống có trật tự trên dưới, liên đới trong tình hiệp thông, và chăm lo cho nhau trong tình yêu thương đầm ấm.

Con Thiên Chúa chỉ ra giảng đạo có ba năm, nhưng đã phải chuẩn bị ở mái trường Nadarét suốt ba mươi năm. Nadarét là trường dạy cầu nguyện dạy lao động, dạy yêu thương. Nadarét là một vùng quê hẻo lánh, nhưng lại mang một mái ấm tình thương. Mái ấm Nadarét rất đỗi bình thường, nhưng cũng lại rất khác thường.

Một mái ấm luôn chan hoà bầu khí yêu thương và đạo hạnh.

Một mái ấm luôn ngập tràn tiếng cười vui vì hạnh phúc.

Một mái ấm mà các thành viên luôn để ý quan tâm cho nhau

Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trước tiên phải có Chúa hiện diện.

Mái ấm Nadarét luôn hạnh phúc vì lúc nào cũng có Chúa ở giữa Giuse và Maria. Nếu mỗi gia đình chúng ta đều mời được Chúa đến ở trong gia đình thì chính Người sẽ là dây liên kết để chúng ta yêu thương nhau, là sức mạnh để chúng ta vượt thắng mọi sóng gió, là mẫu gương để chúng ta nhẫn nhịn và tha thứ cho nhau.

Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, mỗi người chúng ta cũng hãy sống cho đúng cương vị của mình là cha, là mẹ, là chồng là vợ, là con cái. Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng hãy thương yêu vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Vì đó là đẹp lòng Chúa ” (Cl 3,21)

****

Lạy Chúa, là nguồn mọi tình yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con tấm gương Thánh Gia Thất, làm khuôn mẫu cho mọi quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình. và giữa cộng đoàn tu viện với nhau.

Xin cho chúng con biết kính trọng và yêu thương Nhau, không phán xét khi hồ nghi, không kết án khi chưa tường, không phụ rẫy khi còn cứu vãn được, nhưng thông cảm và tìm hiểu, nâng đỡ và tha thứ, và trên hết luôn tìm sống theo thánh ý Chúa. Amen (Thiên Phúc “Như Thầy Đã Yêu”)

* 6. Hy sinh cho con cái

Có câu nói “Một người mẹ có thể chăm sóc cho 10 đứa con. Nhưng 10 đứa con không chăm sóc nổi một người mẹ”. Chúng ta hãy suy nghĩ xem câu nói này đúng không.

Một con chim mẹ có một con chim con. Chim mẹ thương yêu chim con vô cùng. Mùa đông đến, các loài chim phải rời xứ lạnh để bay đến những xứ ấm áp hơn. Chim mẹ biết chim con còn yếu không bay xa nổi nên cõng con trên lưng. Ban đầu chim mẹ còn khoẻ nên bay khá nhanh. Nhung sau một đoạn đường dài, chim mẹ mệt và cảm thấy đứa con trên lưng mình ngày càng nặng, nhưng vẫn cố bay. Tuy nhiên một ngày kia chim mẹ đuối sức nên đành phải đáp xuống nghỉ. Trong lúc nghỉ ngơi, chim mẹ hỏi chim con: “Con ơi, hãy nói thật cho mẹ nghe nhé. Sau nay khi mẹ đã già, không còn sức bay về phía nam ngang qua những đại dương bao la thì con có cõng mẹ trên lưng như mẹ đang làm cho con bây giờ không?” Chim con trả lời: “Con e rằng không mẹ ạ!”. Chim mẹ ngạc nhiên hỏi tiếp: “Sao vậy?”. Chim con lại đáp: “Vì khi đó, con phải cõng con của con”.

Câu trả lời của chim con gợi cho ta thấy hai điều:

a/ Một sự thật phũ phàng: Cha mẹ nào cũng hết lòng thương con và hy sinh tất cả vì con. Nhưng con cái thì đáp lại không được bao nhiêu. Ca dao Việt Nam có câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.

b/ Một quy luật tự nhiên: Cũng có câu “Nước luôn chảy xuống”. Cũng như dòng nước luôn chảy xuống thấp chứ không chảy lên cao. Chảy xuống là chảy xuôi, còn chảy lên là chảy ngược. Cha mẹ yêu thương con cái và hết lòng chăm sóc con cái là quy luật tự nhiên.

Trước hai điều hiển nhiên trên, chúng ta phải làm sao? Một mặt, chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể làm được để đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ; và mặt khác chúng ta hãy hết lòng chăm sóc con cái chúng ta. Hết lòng chăm sóc con cái mình cũng là một cách để đền đáp công ơn cha mẹ trước đây đã hết lòng chăm sóc mình vậy.

* 7. Chuyện minh họa

a/ Làm thế nào chịu thế ấy

Một Cha sở ở miền núi trước khi lên giường ngủ quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa và cầu nguyện. Đêm yên lặng, những nấm mộ chập chờn trong bóng tối, những cây thánh giá lô nhô trong nghĩa địa. Tất cả những cái đó làm cho ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm kia ngài nghe có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Trong bóng tối ngài thấy một hình người đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ trộm? Một tên điên? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một cây, ngài thấy rõ người lạ mặt đến quỳ trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết: “Cha ơi, cha có tha cho con không? Cha nói đi, cha nói đi”

Cha sở nhìn kỹ và biết đó là một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền muộn quá đến chết đi.

– Ồ con, con còn bị cắn rứt không thể nào ngủ được sao?

Người bổn đạo khiếp sợ quá nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói:

– Thưa cha, con không được bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con.

– Con biết con đã xử tệ với cha con, con cái của con cũng sẽ xử tệ với con như vậy. Ngày mai con hãy đem con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm.

10 năm sau, người bổn đạo đó chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ, con cái ông ta lên tiếng nhạo báng và chửi rủa. Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên truyện này. (Trích “Phúc”)

b/ Không phải khách

Một bé gái 5 tuổi. Sau khi làm dấu ăn cơm, được mẹ dậy nên em thường nói: “Lạy Chúa Giêsu, xin dùng cơm với gia đình chúng con!” Lần đó, em đột ngột ngó mẹ, nói:

– Mẹ ơi, con không muốn Chúa là khách nhà mình.

– Sao vậy con?

– Vì khách thỉnh thoảng mới đến. Con muốn Chúa ở luôn đây cơ!

c/ Bận lắm!

Một thiếu niên phải ra trước vành móng ngựa vì tội làm bạc giả. Vị thẩm phán biết rõ gia đình em. Bố em là một luật gia nổi tiếng, từng viết nhiều bài báo nói về “Sự thật”. Vị thẩm phán hỏi:

– Cháu có nhớ bố mình không? Người bố mà cháu đã bôi nhọ thanh danh của ông.

– Có, cháu nhớ ông ấy rất rõ. Nhưng mỗi khi cháu muốn lại gần xin bố chỉ dạy, bố cháu thường mắng: “Nhóc con, cút đi, tao bận lắm!” Bố cháu thường dành hết thời giờ cho công việc, ít quan tâm đến cháu, nên giờ cháu mới ra thế này.

Vị luật gia thường viết về sự thật, nhưng lại quên mất sự thật lớn lao nhất là con mình. Thật là sai lầm.

 

11. Lối đi riêng – Lm. Nguyễn Hữu Thy

Trước hết, bài Tin Mừng hôm nay tường trình những sự thể như sau:

Sau khi ngày lễ chấm dứt, cha mẹ và trẻ Giêsu trên đường từ Giê-ru-sa-lem trở về nhà đã không cùng đi chung với nhau, nhưng mỗi người chọn một lối đi riêng. Và sau đó, không phải cậu con lên 12 tuổi đi tìm cha mẹ, nhưng là cha mẹ đi tìm kiếm cậu!

Câu trả lời của trẻ Giêsu trước lời trách móc của mẹ mình, xem ra bất cẩn: “Tại sao cha mẹ đi tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà cha của con sao?”

Ðiều ngạc nhiên ở đây là đã không xảy ra chuyện cãi cọ giằng co giữa hai bên. Trái lại, trẻ Giêsu ngoan ngoãn “hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51), chứ không hề tỏ ra bất kính. Còn cha mẹ Người – hai ông bà Giuse và Maria – cũng không nhắc đi nhắc lại hay đưa ra phân tích mổ xẻ sự việc đã xảy ra.

Chắc chắn là đã có những khó khăn xảy ra. Nhưng với những khó khăn, người ta cũng vẫn có thể sống chung với nhau được, miễn là mọi thành viên trong gia đình đều biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Ðó chính là điều đã làm cho một gia đình đơn sơ Na-da-rét thành một thánh gia thất!

Lời đầu tiên mà các bản Tin Mừng đã tường thuật lại từ miệng trẻ Giêsu, là một lời hết sức tự tín: “Tại sao cha mẹ đi tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà cha của con sao?” Lời nói này biểu lộ sự tự lập của trẻ Giêsu khỏi tất cả mọi ràng buộc nhân loại. Nói đúng hơn, vì sứ mệnh Thiên Sai của mình, Ðức Giêsu không ràng buộc gắn bó với cha mẹ mình như là điều tiên quyết, nhưng là với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha của Người và sứ mệnh của Người là chu toàn mọi ý định của Thiên Chúa.

Cuộc đời Ðức Giêsu được gắn liền với chữ “phải”, và chữ “phải” đó định đoạt cuộc sống và mọi hoạt động của Người. Thí dụ:

Người phải ở nhà Cha của Người;

“Thầy cũng phải loan báo tin Mừng của Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa” (Lc 4,43);

“Con Người phải chịu nhiều đau khổ” (Lc 9,22);

“Phải chăng Ðấng Messia không phải chịu tất cả những điều đó, để đạt tới được sự vinh quang của Người” (Lc 24,26); v.v…

Chữ “phải” đó được đặt nền tảng trên thánh ý Thiên Chúa, mà Ðức Giêsu cảm thấy có bổn phận phải chu toàn. Ðối với Ðức Giêsu, không có gì quan trọng hơn thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, việc chu toàn thánh ý Thiên Chúa chính là lối đi riêng của Người, và không có bất cứ lý do ngoại tại nào có thể ngăn cản hay làm lạc hướng được!

Trong cuộc hành hương về giáo đô Giê-ru-sa-lem, Ðức Giêsu phải ở nhà Cha Người. Người phải ở nơi mà Danh Thiên Chúa được tôn kính và Lời của Thiên Chúa được công bố. Trong cuộc hành hương của mình, Ðức Giêsu đã tìm kiếm và đã gặp được Thiên Chúa, Cha của Người.

Qua thái độ rõ ràng và dứt khoát của mình đối với Thiên Chúa, trẻ mười hai tuổi Giêsu đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ và tự xấu hổ. Tại sao chúng ta lại không định hướng đời chúng ta về cùng Thiên Chúa một cách hoàn toàn và trọn vẹn như Người?

Ðức Giêsu đã tìm được lối đi riêng cho mình và qua đó Người cũng đã tìm gặp được ý nghĩa đích thực của đời mình, đó là khi Người hoàn toàn sống một cuộc sống vì Thiên Chúa và cho Thiên Chúa.

Ðối với chúng ta cũng thế, chúng ta không còn có sự lựa chọn nào khác, khi đi tìm kiếm cho mình một lối đi riêng. Vì thế, Thiên Chúa phải luôn luôn là đề tài và nội dung của cuộc sống chúng ta!

Ðiều “phải” của cuộc sống chúng ta hệ tại việc chúng ta phải tự lập và trưởng thành. Thiên Chúa muốn mỗi người trong chúng ta là một nhân vị cá biệt, độc lập và bất tráo đổi. Người đã trao ban cho mỗi người trong chúng ta những ơn huệ và những bổn phận riêng biệt.

Ðứa trẻ có bổn phận phải lớn lên và trưởng thành cả hai mặt: tâm-sinh lý. Các bậc cha mẹ có bổn phận phải là những nhà giáo dục tốt, để giúp đỡ con cái trong suốt tiến trình trở thành tự lập của chúng.

Người thanh niên có bổn phận phải học hỏi và phải tập tự nắm lấy định mệnh của mình, nghĩa là: Có tư duy riêng, có những quyết định và lựa chọn riêng với đầy đủ ý thức trách nhiệm; nói tắt, có cuộc sống tự lập. Vì thế, người thanh niên sẽ thiếu sót bổn phận của mình cách trầm trọng và qua đó sẽ làm mất định hướng cho cuộc đời mình, nếu chỉ bán bíu và lệ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Tiến trình tự nhiên và bình thường của cuộc sống con người là “sinh ra, lớn lên, trưởng thành và sống đời tự lập!” Ngoài tiến trình đó ra là không bình thường, là thiếu sót, là lệch lạc!

Do đó, người thanh niên sẽ bỏ lỡ đời mình, nếu anh chỉ biết làm theo điều người khác làm; nếu anh chỉ nhắm mắt chạy theo người khác từng bước trên đường đời.

Mỗi người chỉ tìm gặp được con đường riêng của mình, nếu người đó biết khám phá ra được các ân huệ mà Thiên Chúa đã ban riêng cho mình để mang lại hạnh phúc và sự cứu rỗi cho mọi người.

Một điều vô cùng quan trọng và có tính cách quyết định là việc ý thức được rằng chúng ta có bổn phận phải chu toàn thánh ý Thiên Chúa trên hết mọi sự, trên tất cả mọi mệnh lệnh, mọi chương trình và ý muốn nhân loại.

Nhưng ai tìm cách bước đi trên con đường đời của mình một cách đầy đủ ý thức và nghiêm chỉnh như thế, thường sẽ phải đối mặt với những va chạm và đụng độ: với môi trường sống, với những người hữu trách và cả với chính mình nữa. Tuy nhiên, trong cuộc sống mọi sự được đan kết và gắn bó chặt chẽ với nhau, chứ không hoàn toàn sòng phẳng rõ ràng, để có thể nói được rằng đây là con đường duy nhất khả dĩ đối với tôi, ngoài ra không có con đường nào khác nữa. Nhưng điều đó cũng không phủ nhận là trong suốt dòng thời gian, người ta thường cảm nhận được rằng Thiên Chúa đã tiền định cho mỗi người một điều hoàn toàn riêng biệt. Ðiều quan trọng là mỗi ngày và trong mỗi hoàn cảnh phải luôn luôn biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Ðó chính là điều kiện để vượt thắng được những thử thách trên bước đường đời và để đạt tới được mục đích. Và qua gương sống của mình, trẻ mười hai tuổi Giêsu sẽ đỡ nâng và truyền sức mạnh cho chúng ta để có thể hiên thực được điều đó. Amen.

 

 

12. Sống đức tin theo gương gia đình Thánh Gia

Gia đình hạnh phúc, ấm êm đó là mơ ước của nhiều người. Cũng vậy, gia đình Công Giáo mong muốn hạnh phúc và người ta thật sự hạnh phúc khi có Chúa hiện diện trong gia đình mình, khi gia đình mình sống theo gương gia đình Thánh Gia.

Ai trong chúng ta cũng muốn sống trong gia đình hạnh phúc. Phải, gia đình chính là cái nôi để con cái phát triển toàn diện. Trong đạo Công giáo gia đình là nơi để con cái được giáo dục trong đức tin, cha mẹ thực thi quyền lợi và nghĩa vụ theo tinh thần gia đình Thánh gia. Trong ngày lễ Thánh Gia hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm, học hỏi và bắt chước gia đình Thánh Gia Nagiareth, nơi đó có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse.

Chắc hẳn ngày nay chúng ta đang chứng kiến và có thể trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng trầm trọng về sống gia đình. Rất nhiều gia đình trong xã hội đang là những gia đình nghèo, nghèo vì thiếu tình thương, què quặt, tan nát vì nạn ly thân, ly dị và phá thai; những gia đình phân tán, chia ly vì chiến tranh, bạo lực và áp bức; những gia đình bất hoà vì nạn thất nghiệp, với đời sống vật chất kinh tế khó khăn eo hẹp hay vì nạn cờ bạc, rượu chè…

Phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy mẫu gương gia đình sống đức tin. Đây là một gia đình như bao gia đình khác, nhưng họ đã chu toàn bổn phận của mình là từng thành viên trong gia đình. Đây là một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất. Như thế, chúng ta bắt chước gia đình Thánh gia sống đức tin.

Gia đình sống đức tin là gia đình luôn tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa. Nói cách khác gia đình sống đức tin là gia sống đạo theo ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Gia là một gia đình Thánh vì ngoài sự hiện diện của Chúa Giêsu, gia đình các Ngài còn tuân giữ và sống theo Thánh Ý Chúa, sống gắn bó với Chúa. Các Ngài thể hiện việc sống gắn bó với Chúa qua việc chu toàn lề luật, dâng con vào đền thờ, đi hành hương….(Lc 2, 41). Nhờ chính việc chu toàn lề luật, siêng năng cầu nguyện và sống gắn bó với Chúa nên các Ngài nhận ra và mau mắn thi hành ý Chúa trong cuộc sống. Gia đình kitô hữu chúng ta ngày nay cũng là một gia đình thánh. Thánh trong việc sống gắn bó với Chúa qua kinh nguyện, trong việc giữ các giới răn và qua việc sống bái ái.

Gia đình sống đức tin cần được xây dựng trên tình yêu. Nhưng làm sao có tình yêu khi người cha, người mẹ không chu toàn bổn phận của mình cũng như không hết tình thương con cái. Làm sao có được hạnh phúc khi con cái trong gia đình không thảo hiếu với cha mẹ và làm sao có hạnh phúc khi mọi người trong gia đình luôn sống bất hoà với nhau. Gia đình là tế bào của xã hội, là trường dạy đầu tiên, là cơ sở cho cuộc sống xã hội trong tương lai. Nơi gia đình con cái được học hỏi và sống tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc, sống liên đới với tha nhân. Hơn nữa, gia đình Kitô hữu là mảnh đất tốt sống đức tin, biết thờ phượng Chúa cho phải đạo, kính mến cha mẹ, yêu thương tha nhân và biết sống lễ phép, lễ độ, lễ nghĩa. Điều này trong Chương 3 sách Huấn ca đã nhắc lại điều răn thứ tư , dạy con cái phải tin yêu và thảo hiếu với cha mẹ và những lý do luân lý tự nhiên với câu ca dao Việt Nam:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Hãy noi gương Thánh Gia, nơi đó Đức Mẹ và Thánh Giuse yêu thương nhau, cùng hợp sức nuôi dạy Chúa Giêsu. Còn Đức Giêsu thì hằng yêu thương và vâng phục cha mẹ mình. Nhưng trên hết tình yêu của Thánh Gia đặt nền tảng trên tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Gia đình sống đức tin khi từng thành viên góp phần của mình vào việc xây dựng gia đình. Mỗi người hãy sống đúng bổn phận của mình trong gia đình. Thánh Giuse là một người cha mẫu mực, khôn ngoan quán xuyến mọi sự trong chức vụ gia trưởng nhưng cũng hết tình phục vụ Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Những người cha trong gia đình hãy biết học đòi nơi mẫu gương ấy. Người làm mẹ cũng hãy học hỏi nơi Mẹ Maria mẫu gương về tình yêu, đức nết na, đức tin, sự phục vụ và khiêm tốn hết lòng. Dù là Mẹ Đấng Cứu Thế nhưng Mẹ Maria đã xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Những người con hãy học nơi Chúa Giêsu đức vâng lời, lòng tôn kính biết ơn. Là Thiên Chúa nhưng Người đã chấp nhận trở nên một người con nhỏ nhất trong gia đình hằng vâng phục cha mẹ trong tình yêu.

Thiên Chúa không xa vời, Người hiện diện trong cuộc sống bình thường mỗi ngày của chúng ta, bởi vì Người đã sống giữa con cái loài người, đồng hành với con người và chia sẻ mọi niềm vui, mọi âu lo, khó nhọc của cuộc sống con người. Khi biết nhìn thực tại với đôi mắt của đức tin, thì mọi sự trong thế giới hữu hình đều được biến đổi là điều nói lên sứ điệp Thiên Chúa muốn nhắn gởi chúng ta. Một gia đình trong đó mọi thành phần biết kính sợ Thiên Chúa, biết yêu thương tôn trọng nhau, hy sinh cho nhau, sống cho nhau và sống vì nhau sẽ là một gia đình được tràn đầy phúc lành và sức sống thiêng linh của Thiên Chúa.

Như thế, gia đình sống đức tin khi mỗi người trong gia đình biết noi gương Thánh Gia, sẵn sàng và quảng đại cộng tác với nhau để tạo lập và duy trì tình thương, sự hiệp nhất. Sống đạo bằng cách thực thi ý Chúa trong cuộc sống và thể hiện tình yêu qua việc chu toàn bổn phận của mình, đóng góp vai trò của từng thành viên trong gia đình để quên mình phục vụ người khác trong yêu thương. Nếu gia đình luôn đặt ý Chúa lên trên và đặt tình yêu trong từng việc phục vụ thì mới hy vọng giữ được hạnh phúc gia đình, nhất là khi phải đối phó với những khó khăn ngày càng nhiều trong đời sống hiện nay.

Lạy Thánh Gia Nagiareth, xin giúp từng thành viên trong gia đình chúng con biết sống đạo, sống đức tin theo tinh thần của Chúa, tìm kiếm và thực thi ý Chúa, chu toàn bổn phận và sống tình yêu thương như Thiên Chúa muốn. Amen.

 

 

13. Gia đình là kiệt tác của Thiên Chúa

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành lễ kính Thánh Gia Thất, trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, và Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa kết thúc với đề tài “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới”. Mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh cũng là mừng Gia Đình Thánh, nơi Người sinh sống.

Gia đình là tác phẩm tuyệt đẹp của Thiên Chúa

Quả thật, Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình. Ađam và Evà sống tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa và với nhau, rất hạnh phúc, không phải đau khổ và không phải chết.

Gia đình tan vỡ do Tội Nguyên Tổ

Nhưng rồi con người tự tách ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là đánh mất tất cả, tình nghĩa vợ chồng phân tán, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Hậu quả là từ đó cho đến nay gia đình luôn ở trong tình trang bị đe dọa do tội lỗi, phá thai, coi thường người già, bất hiếu, sống chung, ly dị.

Thiên Chúa cứu vớt trong tình thương

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi gia đình. Vì gia đình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa trong tình yêu. Nếu Thiên Chúa không yêu thương chúng ta thì Ngài không tạo dựng nên chúng ta. Ngài không dựa vào những gì chúng ta làm, hay thành quả chúng ta có được, Ngài chỉ nhờ vào công nghiệp của Con Ngài là Đức Giêsu giáng thế. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chúng ta. Muốn cứu vớt gia đình nhân loại, Thiên Chúa đã chọn một gia đình để đến cứu vớt! Đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thiết lập.

Noi gương Thánh Gia sống Năm Thánh Lòng thương Xót

Các bài đọc hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp tuyệt vời về cách đối nhân xử thế trong gia đình. Nếu bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ, kèm theo phần phúc là sống lầu dài (x. Hc 3, 3-7. 14-17a). Thì bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng trong các gia đình.

Gia đình ngày hôm nay rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa và sự thương cảm lẫn nhau trong cách sống trong gia đình nói riêng và gia đình nhân loại cả thể nói chung. Chúng ta thấy ai bị thương một cơ phận nào đó, không phải chỉ một cơ phận mà thôi, nhưng là cả con người bị. Không ai là không bị đau thương về thể lý, tinh thần, tình cảm…dẫn đến hậu quả cũng khác nhau. Tất cả đều chịu ảnh hưởng, và những vết thương đó càng đau khổ khi người thân của chúng ta đau khổ, nhất là những người trong gia đình. Bởi vậy, rất cần sự cảm thông. Nhiều nơi không quan tâm đến tương quan giữa người với người nữa. Nhưng gia đình vẫn là nơi có thể mang lại an ủi, và có thể hàn gắn vết thương.

Có nhiều loại vết thương rất lớn và sâu do thiếu thốn nhu cần cần thiết, thiếu tiền bạc, thiếu giáo dục. Những chính sách không ủng hộ gia đình, kỳ thị tôn giáo, văn hoá, hành hạ trẻ em, bạo động trong gia đình, chiến tranh, xung khắc giữa các chủng tộc, biến đổi khí hậu. Tất cả đều hằn sâu những thương tích.

Đó là những lý do khiến Đức Giêsu Kitô phải thân hành xuống thế để rao giảng, để chữa lành những vết thương, kèm theo nhưng dấu lạ. Người đi vào trong các làng mạc và chữa lành mọi bệnh tật (x. Mt 10, 7-8).

Người không chỉ cứu chúng ta khỏi sự yếu đuối, nhưng Ngài muốn trở nên như chúng ta để cảm nghiệm được những đau khổ, sự thất lạc, vô gia cư, sỉ nhục khi ở trên thánh giá, chết và an táng trong một ngôi mộ không phải của mình. Người mang lấy vào thân những đau khổ của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Ngài sống lại vẫn còn vết thương.

Gia đình nào trong chúng ta cũng cần được Chúa thương xót, thì chúng ta phải xót thương nhau trong gia đình. Chúa Giêsu Kitô, người mang thương tích và cầu nguyện với Chúa Cha. Khi sống lại, chan tay và hình hài của Ngài vẫn còn những vết sẹo, những dấu ấn.

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta trở thành những ngôn sứ loan báo Niềm Vui Phúc Âm về gia đình, về tình yêu gia đình, trở thành những ngôn sứ như môn đệ của Chúa, và xin Chúa ban cho chúng ta ơn được xứng đáng với con tim thanh khiết, không cảm thấy bị vấp phạm vì Tin Mừng.

 

14. Kết hợp (Lễ Thánh Gia)

(Suy niệm của Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

Kể câu truyện vui có ý nghĩa: Vào một tối nọ, ông Ađam về nhà trễ và bà Evà đổ lỗi cho ông là đi lại với người đàn bà khác. Ađam năn nỉ: Tại sao, em yêu, không thể có một người đàn bà nào khác. Tuy nhiên, sau khi ông Ađam ngủ say, bà Evà đã hết sức cẩn thận đếm lại những cái xương sườn còn lại của ông. Thiếu tin tưởng lẫn nhau là một trong những đầu mối gây phiền hà trong đời sống gia đình. Gia đình là một tổ ấm có cha mẹ và con cái. Cha mẹ là rường cột và là kiên thuẫn chở che để con cái có chỗ nương thân.

Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Chúa. Chúa đã kết hợp gia đình đầu tiên giữa người nam và người nữ. Ông Ađam và bà Evà đã nhận lãnh sự sống trực tiếp từ Thiên Chúa. Chúa trao cho hai ông bà trách nhiệm truyền sinh giống nòi theo hình ảnh của Thiên Chúa. Sự khác biệt của nam nữ về sự kết cấu giới tính, lý trí, ý chí, tình cảm, tâm sinh lý và sở thích làm nên sự trọn hảo khôn lường. Giữa phái nam va phái nữ có sự thu hút tìm đến với nhau để xây dựng sống chung gia đình. Theo ý định của Thiên Chúa và theo lẽ sống tự nhiên, trải qua bao đời con người đã và đang sống để hoàn thành sứ mệnh cao cả này.

Trước khi được làm cha làm mẹ, ai cũng từng là những người con. Chúng ta biết rằng là con người, ai cũng được cưu mang ngay từ khi khởi đầu cuộc sống. Có nghĩa là, ai cũng đã được thụ thai trong lòng mẹ và phát triển theo ngày tháng để trở thành người. Khi suy về sự sống, chúng ta nhận ra vai trò liên đới quan trọng của mỗi người trong cuộc sống này. Với thời gian và trong không gian, mỗi người phát triển từ trẻ thơ tới tuổi già. Không thể có bước nhảy vọt từ loài này sang loài kia hay đột biến vượt thời gian. Lần lượt từng bước là con thơ, sau trở thành cha mẹ và rồi thành ông bà nội ngoại. Dòng dõi này nối tiếp dòng dõi kia để truyền sinh sự sống. Ý nghĩa cuộc sống gia đình quá linh thiêng và tốt lành. Ấy thế mà giá trị hôn nhân gia đình ngày nay dần dần bị xao lãng. Có nhiều người không còn chấp nhận những giá trị tự nhiên và truyền thống của gia đình nữa.

Thời đại văn minh tiến bộ, từ ngữ ‘gia đình’ đã bị lạm dụng theo những suy tư không thuận với luân lý truyền thống. Tại một số nơi, đời sống gia đình có nhiều khác lạ, bao gồm cả các tín hữu công giáo. Tôi nhận thấy nhiều lối sống gia đình lạ ngay trong cộng đoàn nơi đang sinh sống và phục vụ. Kìa, gia đình một cha hay một mẹ sống chung với con cái. Gia đình gồm có bạn trai và bạn gái sống tạm với nhau không khế ước hôn nhân. Gia đình vợ chồng sống ly thân hoặc ly dị, con cái nheo nhóc. Gia đình một mẹ với ba bốn người con và có khi con cái cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha khác mẹ. Trong khi người nam, người nữ bình thường không còn muốn lập khế ước hôn nhân, thì những cặp đồng tình luyến ái lại muốn lập hôn thú hợp pháp trước tòa án. Vấn đề đời sống chung gia đình rất bén nhậy và đầy thử thách! Cách sống này có thể vì ảnh hưởng lối sống theo văn hóa và quan niệm xã hội riêng. Nhiều người kết hợp lối sống gia đình theo như thế hệ trước, cha mẹ thế nào và con cái thế ấy. Nhiều bạn trẻ bắt đầu vào đời, liên hệ nam nữ trước hôn nhân nên đành bước lỡ này kéo theo cái lỡ khác. Nhiều bạn sợ hãi trước tương lai bất định nên tìm sống hưởng lạc ngay trong hiện tại. Xảy một ly đi một dặm là thế. Như thế, các thế hệ trẻ lớn lên trong bầu khí gia đình bất thường như thế sẽ bị ảnh hưởng không ít bởi cách sống quá ồn ào, tự do và hưởng thụ.

Tự hỏi làm sao chúng ta có thể tìm được sự an lạc, bình an và hạnh phúc trong đời sống gia đình? Hình như càng đi tìm hạnh phúc, hạnh phúc càng vượt tầm tay. Câu truyện hay: Chó con hỏi chó mẹ: Mẹ ơi hạnh phúc là gì? Chó mẹ bảo: Hạnh phúc là cái đuôi con đấy! Và thế là chó con quay lại tóm cái đuôi của mình, nhưng không tài nào tóm được. Chú ngồi xuống oà khóc và lại hỏi mẹ: Tại sao con không thể nào bắt được hạnh phúc hả mẹ? Chó mẹ mỉm cười và nói rằng: Con trai, tại sao con không tiến về phía trước và hạnh phúc sẽ theo sau con. Vậy tại sao chúng ta cứ phải đi tìm hạnh phúc, khi mà hạnh phúc luôn đi theo mình. Hãy sống và cảm nhận hạnh phúc mà cha mẹ đã tặng ban cho ta. Chúng ta hạnh phúc vì được sống bên những người mà mình yêu thương.

Giáo Hội trung thành với lời Thiên Chúa đã ban truyền trong đời sống gia đình khi một người nam va một người nữ đã kết bạn: Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. ” (Mt 19, 6). Thiên Chúa đã phối hợp con người trong đời sống gia đình để mong tìm hạnh phúc. Vai trò của mỗi thành viên trong gia đình rất quan trọng. Cha mẹ phải là mẫu gương tốt cho con cái noi theo. Thánh Phaolô nhắn nhủ:Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng (Col 3, 21). Còn con cái có những bổn phận quan trọng đối với đấng bậc sinh thành. Đối với cha: Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm (Hc 3, 3) và đối với mẹ: Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu (Hc 3, 4). Tất cả sự hiếu nghĩa là bày tỏ sự tôn kính và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ.

Thánh Phaolô khuyên dạy vợ chồng phải tương kính lẫn nhau sống cho có đức độ: Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Col 3, 13). Cha mẹ có bổn phận và nhiệm vụ nuối nấng, dạy dỗ và nêu gương mẫu mực trong đời sống. Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Cha mẹ là mái che và lá chắn che chở đời con. Người ta ví rằng: Con có cha như nhà có nóc hoặc còn cha thì gót đỏ như son, đến khi cha chết, gót mẹ gót con đen xì. Tình cha nghĩa mẹ thật sâu nặng. Sách Đức Huấn Ca đã khuyên dạy con cái rằng: Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng (Hc 3, 6).

Bài phúc âm tường thuật câu truyện Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ để gặp gỡ các chức sắc và lo lắng cho sứ mệnh. Nghĩ rằng con bị lạc, Giuse và Maria lo lắng đi tìm:Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “(Lc 2, 48). Cha mẹ đau buồn vì vắng con. Với những lời trách cứ nhẹ nhàng của cha mẹ, Chúa Giêsu hé mở một chút về sứ vụ của ơn cứu độ:Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “(Lc 2, 49). Nhưng rồi Chúa Giêsu cũng đã vâng lời đi theo cha mẹ trở về quê hương tiếp tục sống những tháng ngày âm thầm chờ đợi. Một mẫu gương cao cả, Con Thiên Chúa vâng phục loài người là cha và mẹ. Đây là điều vô cùng đẹp lòng Chúa và làm hài lòng cha mẹ. Thánh Phaolô viết: Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa (Col 3, 20).

Chúa Giêsu đã sống an vui trong khung cảnh gia đình. Gia đình là nền tảng và là vườn ươm mầm sống. Mọi sự tốt lành bắt nguồn trong đời sống gia đình. Chúng ta hãy qúy trọng mọi vai trò trong đời sống gia đình. Dù biết rằng đôi khi cha mẹ có thể bị thất học, thấp kém, nghèo nàn, bệnh hoạn tật nguyền nhưng vai trò làm cha làm mẹ không suy giảm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta hãy tôn kính hiếu thảo và yêu thương các ngài. Chúa Giêsu đã trải qua từng ngày sống bên cha cạnh mẹ và Chúa đã trưởng thành: Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc 2, 52).

Lạy Chúa, gia đình là tổ ấm của tình yêu. Chỉ có yêu thương mới khỏa lấp mọi yếu đuối, hờn ghen và giận ghét. Chỉ có tình yêu mới khơi nguồn hạnh phúc đích thực trong đời sống gia đình. Thánh Phaolô khuyên:Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (Col 3, 14). Xin cho chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu.

 

15. Lễ Thánh Gia – Lm. Minh Anh

Khi các bài ca của thiên thần ngưng bặt,

Khi những chòm sao trên nền trời Bêlem lặng khuất,

Khi ba vua đã trở lại quê nhà,

Khi các mục đồng cùng đoàn vật đã rút lui,

Thì bấy giờ, công việc Giáng Sinh lại bắt đầu

để tìm kiếm những gì đã mất,

để hàn gắn những gì đổ gãy,

để các tâm hồn được chữa lành,

để các nước được dựng xây trên công lý và hoà bình…

và để nhân loại được sống trong một nền văn minh mới, văn minh tình thương Kitô.

Vậy mà tất cả ấy lại được bắt đầu từ một mái ấm, từ một gia đình, gia đình Nazareth mà chúng ta quen gọi là gia đình Thánh Gia.

Như bao gia đình khác, Thánh Gia cũng đã trải qua những ngày nắng ấm, những chiều giông bão; cả những khoảnh khắc an vui lẫn những phút giây bồi hồi; nhiều lúc rộn rã tiếng cười, bao lần sùi sụt tiếng khóc.

Thử nhìn lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy của đôi bạn trẻ Giuse – Maria. Từ phút truyền tin, từ buổi đón nhau về cho đến ngày sinh con giữa đồng không mông quạnh, hay khi phải ẵm con đỏ hỏn làm khách trọ quê người…, Thánh Gia phải đương đầu với bao thử thách. Thử thách bên ngoài do hoàn cảnh, thử thách bên trong như câu chuyện Tin Mừng chúng ta vừa nghe, “Con ơi, sao con làm thế, này cha con và mẹ phải lo lắng tìm con?”. “Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc nhà Cha con sao?”. Đó là cả một thử thách, một hiểu lầm. Ngước nhìn lên hang đá, bóng thánh giá đã thấp thoáng ở đó.

Ấy thế, kính thưa Anh chị em,

Gia đình ấy vẫn là một gia đình hạnh phúc nhất trần gian, gia đình ấy vẫn trở nên thước ngọc khuôn vàng cho mọi gia đình trong nhân loại. Đó là một gia đình kính sợ Thiên Chúa, một gia đình cầu nguyện, một gia đình mà con cái là tất cả của cha mẹ và cha mẹ là tất cả của con cái. Ở đó, cha mẹ là cả một bầu trời cho con cái và con cái là cả một bầu trời của cha mẹ.

Ở đó, có một người cha chăm chỉ làm việc, một người mẹ ít nói nhưng cầu nguyện nhiều và cả hai cùng ra sức làm gương tốt để nuôi dạy và giáo dục trẻ Giêsu. Ở đó, người con Giêsu hằng vâng lời tùng phục cha mẹ mình.

Trước bao khủng hoảng của cuộc sống hôm nay, nền đạo đức luân lý gia đình đang hấp hối, không ít gia đình đang đối diện bên bờ vực đổ vỡ. Đời sống vật chất của một xã hội tiêu thụ và hưởng thụ đang chực nuốt chửng cái giá trị đạo đức truyền thống của gia đình. Cha mẹ ít có thời giờ cho nhau, chẳng có thời giờ để ở với con cái. Chưa bao giờ mà con cái vuột mất khỏi tầm tay cha mẹ như hôm nay. Cha mẹ mất con ngay khi con đang ở trong nhà. Gương lành gương tốt đang trở nên một cái gì xa xỉ và hiếm hoi. Đó là chưa nói đến gương mù gương xấu nhan nhản trên báo chí, trên phim ảnh…

Hỡi những người làm cha làm mẹ, cả những người làm con, hãy nhìn lên Thánh Gia. Hãy chiêm ngắm Giuse, Maria và trẻ Giêsu: những tấm gương ngời sáng của một người cha, một người mẹ và một người con hết lòng vì gia đình. Hãy làm sống lại truyền thống gia phong Á Đông của cha ông.

Chuyện kể về một người chuyên nuôi cá cảnh. Một hôm, trong kỳ hè, khi đang dạo chơi trước các quầy hàng dọc theo bờ biển, anh thấy một con cá ngũ sắc tuyệt đẹp trong một chậu thủy tinh ở quầy. Đó là một con cá nước mặn xinh xắn mà anh chưa từng thấy, anh quyết định mua về. Về đến nhà, anh ra sức chăm sóc nó và áp dụng những phương pháp tốt nhất của một nhà chuyên môn.

Trước hết, anh đặt cá vào chậu nước mặn, cá lội tung tăng trong môi trường quen thuộc. Thế nhưng, một tuần sau, với sáng kiến, anh thêm vào một ít nước ngọt, mỗi ngày một ít. Cứ thế, anh tăng dần nước ngọt cho đến khi chú cá quen hẳn với môi trường mới. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục luyện cá. Mỗi ngày, anh bắt đầu đổ vào chậu một ít bùn, và cứ thế, sau nhiều tháng, lượng bùn được tăng lên cho đến khi con cá quen hẳn với việc ngày ngày nằm trên mặt bùn đớp mồi như một loài bò sát. Chưa hết, anh tập cho cá ra khỏi chậu và lẽo đẽo theo anh như một con cún cưng. Anh đã thành công, vì mỗi lần anh đi đâu, con cá màu ngoan ngoãn theo sau. Cho đến một ngày kia, chuyện đã xảy ra khi anh có việc sang nhà bạn, có chú cá cùng đi. Lúc trở về, trời đổ mưa, anh phải chạy thật nhanh và quên mất chú cá. Sực nhớ, anh quay lại tìm, nhưng chẳng thấy đâu cho đến khi gặp một vũng nước trên đường, thì hỡi ôi, chú cá yêu quý của anh nằm chết trong đó vì nó không biết bơi.

Câu chuyện khiến chúng ta rùng mình sởn ốc khi nhớ đến trách nhiệm và bổn phận của một người làm cha làm mẹ trong việc giáo dục và làm gương sáng cho con cái. Vì “nửa cuộc đời còn lại của một con người được hình thành từ những thói quen có được từ nửa cuộc đời trước đó”. Thói quen cầu nguyện, thói quen đạo đức, thói quen lễ phép, thói quen dùng thời giờ, thói quen học hành, thói quen dùng tiền…, nghĩa là giáo dục thế nào, kết quả thể ấy.

Muốn được như thế, gia đình chúng ta phải là một gia đình mà Thiên Chúa phải chiếm địa vị tối thượng tuyệt đối trong bậc thang các giá trị. “Không ai hơn Chúa, không chi bằng Chúa, Chúa trên hết, Chúa trước hết”. Bởi lẽ, gia đình được dựng xây và phát xuất từ gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu Thiên Chúa không chiếm địa vị độc tôn tối thượng, mọi trật tự sẽ đảo lộn. Có Chúa, gia đình sẽ là một gia đình cầu nguyện. Nhưng để trở nên một gia đình cầu nguyện, để nuôi dưỡng đời sống đức tin, phải lưu ý đến ba hình thức cầu nguyện:

  1. Trước hết là hình thức cầu nguyện riêng tư, cá nhân. Mỗi người trong gia đình cầu nguyện riêng với Chúa. Đời sống đức tin phải được đặt nền tảng trên việc trải nghiệm cá nhân với Chúa. Một trong những món quà quý báu nhất mà cha mẹ có thể ban tặng cho con cái là tập tành dạy dỗ và làm cho chúng biết yêu thích cùng thưởng thức những giây phút cầu nguyện một mình. Không cách nào để thực hiện điều đó tốt hơn là dùng chính những gương sáng cầu nguyện của mình.
  2. Hình thức thứ hai của việc cầu nguyện trong gia đình là cầu nguyện chung: kinh nguyện gia đình. Kinh nghiệm cho thấy, các gia đình bỏ kinh, bỏ cơm chung… là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt. Có hình ảnh nào dễ thương hơn khi mọi người được lắng nghe Lời Chúa trong những giây phút này. Hãy để Chúa Thánh Thần dạy dỗ mỗi khi đêm về nhiều hơn thay vì cả nhà ngồi chầu trước con quái vật một mắt để nghe con người dạy bảo.

Thống Tướng Douglas MacArthur, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ Quân Đội Philippines thập niên 1930, người đã để lại một câu nói bất hủ: “In war, there is no substitute for victory”, “Trong chiến tranh, không có gì thay thế được chiến thắng”. Vậy mà trong tiểu sử của ông còn có một câu nói bất hủ hơn: “Tôi là một quân nhân chuyên nghiệp, tôi hãnh diện về điều ấy. Nhưng tôi còn hãnh diện hơn, hãnh diện hơn rất nhiều vì được làm một người cha…và niềm hy vọng của tôi là: Khi tôi đã về bên kia thế giới, thì con tôi vẫn nhớ đến tôi không phải với những hình ảnh ở trận chiến mà là những hình ảnh ở nhà tôi, khi tôi cùng đọc với nó những lời kinh thường đọc hằng ngày: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”.

  1. Cuối cùng, cầu nguyện với cộng đoàn, Nhà Thờ phải là ngôi nhà thứ hai của mỗi gia đình. Ở đó, cùng với cộng đoàn, mỗi người thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các Bí Tích cùng những sinh hoạt không thể thiếu khác với cộng đoàn dân Chúa.

Lễ Thánh Gia hôm nay là dịp để chúng ta tự vấn về việc cầu nguyện trong gia đình của mình. Cầu nguyện có phải là một phần sống chết của gia đình tôi không? Cụ thể hơn là chúng ta – cha mẹ, con trai, con gái – đã góp phần và làm gương sáng vào đời sống cầu nguyện trong gia đình thế nào?

Để kết thúc, chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện với Nguyên Soái Douglas McArthur khi ông đang ở chiến trường Philippines trong những ngày mở đầu cuộc chiến Thái Bình Dương.

“Lạy Cha, xin ban cho đứa con của con đủ sức mạnh để biết được lúc nào nó yếu đuối, đủ dũng cảm để đối diện với chính mình khi nó cảm thấy sợ hãi… Xin đừng để cho đứa con của con chỉ biết ước muốn mà không dám hành động… Xin đừng để nó đi vào con đường dễ dãi tiện nghi, nhưng hãy hướng dẫn nó đi vào con đường bắt buộc nó phải cố gắng vượt qua những khó khăn thử thách.

Xin hãy tập cho nó đứng vững trong bão tố, nhưng lại biết thông cảm với những ai gục ngã.

Xin hãy ban cho đứa con của con có một trái tim trong sạch, có một mục đích cao cả, biết tự chủ lấy mình trước khi muốn làm chủ người khác, biết lo lắng cho tương lai mà không bao giờ quên quá khứ.

Và khi Chúa đã ban cho nó tất cả những điều ấy, xin cũng hãy ban cho nó có đủ tính hài hước để có thể luôn nghiêm nghị nhưng không bao giờ nghiêm nghị một cách quá đáng.

Như vậy, là cha nó, con dám tự nhủ rằng, con đã không sống một cách vô ích”.

Mừng kính Thánh Gia hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho các bậc làm cha mẹ luôn ý thức tầm quan trọng của việc hình thành những chiếc khuôn giáo dục nhân cách, đạo đức cho con cái. Xin cho mọi thành phần trong gia đình luôn biết làm gương sáng cho nhau, gương sáng cầu nguyện, gương sáng yêu thương quên mình. Ở đó, tình yêu, chứng tá hùng hồn nhất của Tin Mừng luôn được hâm nóng và toả sáng cho mọi người chung quanh. Nguyện xin Thánh Gia luôn che chở, cầu bầu và ban bình an cho gia đình Anh Chị em trong Mùa Giáng Sinh hồng ân này và suốt cả Năm Mới. Amen.

(Tham khảo thêm New Sunday & Holy Day Liturgies by Flor McCarthy).

 

16. Thánh Gia – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN hướng dẫn các gia đình: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta. ” (số 9).

Từ mẫu gương Thánh Gia, mỗi gia đình Công Giáo “hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương”.

  1. Mẫu gương Thánh Gia

Phúc Âm Lễ Thánh Gia kể chuyện: gia đình Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đi hành hương về Giêrusalem. Hai ông bà là người sùng đạo, tuân giữ lề luật cách trung tín. Theo luật quy định, người Do thái phải hành hương về Đền Thánh “mỗi năm ba lần mọi người nam phải trình diện trước Đấng toàn Năng là Đức Chúa”. Họ đi bộ về Nhà Chúa phải mất một tuần lễ. Vừa đi vừa hát “thánh vịnh lên đền”: tôi vui sướng biết bao khi người ta nói với tôi rằng nào ta tiến về Nhà Chúa.

Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cùng cha mẹ và đoàn hành hương tiến về Đền Thờ theo tập tục ngày lễ. Đối với người Do thái, 12 tuổi là tuổi trưởng thành. Chúa Giêsu bộc lộ sự khôn ngoan trước các bậc thông thái. Sau khi dự lễ vượt qua, Người ở lại Đền Thờ tranh luận với các tiến sĩ luật “mọi kẻ nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Ngài đối đáp”.

Sau đó cả gia đình trở về Nazareth. “Chúa Giêsu hằng vâng phục hai ông bà”. Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình, một mái ấm có cha có mẹ. Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. 30 năm sống dưới mái nhà Nazareth, Đức Giêsu đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó. Đức Giêsu đã học nơi Thánh Giuse tinh thần lao động miệt mài, tâm tình tín thác và luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, lòng nhiệt thành chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Đức Giêsu học nơi Đức Mẹ nét đẹp hiền lành đơn sơ tế nhị, tận tụy phục vụ, tin tưởng phó thác, cầu nguyện thâm trầm. Nếp sống đạo đức của cha mẹ đã ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi cha mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với Đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình, chuyên chăm làm việc, ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.

  1. Gia đình “ngôi nhà thờ phượng Chúa”

Công Đồng Vaticanô II đã ví “gia đình như một Hội Thánh nhỏ” (Hiến chế Ánh sáng muôn dân số 11). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã định nghĩa: “gia đình là Hội Thánh tại gia” (Tông huấn đời sống gia đình số 11).

Gia đình là Hội Thánh tại gia, bởi lẽ:

– Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong gia đình Nazareth, có Thánh Giuse và Đức Mẹ. Thánh gia là mẫu mực cho mọi gia đình.

– Gia đình Công giáo là trường học đức tin đầu tiên, là môi trường sống các bí tích và thực hành các nhân đức Kitô giáo. “Gia đình Công Giáo trở thành nơi gặp gỡ đặc biệt, có sức thánh hoá với tình yêu của Đức Kitô” (Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân số 15).

– Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái.

– Gia đình là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa. Qua đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, gia đình toả sáng sự bình an, trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện.

Để trở thành Hội Thánh tại gia, mỗi thành viên phải ý thức về căn tính cao cả và chức năng quan trọng của mình. Mỗi ngày, thể hiện rõ nét hơn những tính chất căn bản của Hội Thánh tại gia như hiệp thông, liên đới, yêu thương, thuận hoà, tôn ti trật tự, kinh nguyện sáng tối, sống phục vụ, làm chứng nhân Tin mừng.

  1. Gia đình “trường dạy đức tin”

Gia đình là nơi trẻ em và thanh thiếu niên hấp thụ nền giáo lý chân chính từ cha mẹ. Công đồng Vaticanô II mong muốn các bậc cha mẹ là những người đầu tiên “dùng gương lành và lời nói, truyền dạy đức tin cho con cái”. (Hiến chế tín lý về Giáo hội số 11). Gia đình chu toàn được sứ mệnh cao cả này nhờ yêu thương, cùng nhau học hỏi và cầu nguyện để hạt giống đức tin được triển nở. (Sắc lệnh tông đồ giáo dân số 11).

Cha mẹ chăm lo giáo dục nhân bản và giáo dục tâm linh cho con cái.

Với con cái, cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của Chúa (GLTC # 2225). Hạt giống đức tin nơi trẻ em được gieo và chăm sóc trong môi trường gia đình sẽ phát triển thành cây đức tin. Gia đình là vườn ươm, là thửa đất tốt. Dạy giáo lý như cung cấp chất dinh dưỡng. Tuỳ theo mức độ hấp thụ, tuỳ theo thời điểm, cây đức tin nơi đứa trẻ sẽ phát triển và đơm bông kết trái. Dạy giáo lý tại gia đình, cha mẹ góp phần với Hội Thánh trong sứ vụ đào tạo đức tin cho con cái.

Những yêu cầu của giáo lý tại gia

– Giáo lý đơn giản: Giáo lý tại gia mang tính đơn sơ dễ hiểu, không bài bản nhưng lại rất hiệu nghiệm vì nó có sức tác động đúng thời điểm phát triển thể lý và tâm linh của một con người.

– Giáo lý cơ hội: Giáo lý tại gia có tính uyển chuyển, tuỳ dịp, tuỳ việc. Dựa vào những việc tự nhiên xảy ra trong gia đình mà dẫn con cái tới chân lý tôn giáo.

– Giáo lý kinh nghiệm: Giáo lý tại gia mang tính cụ thể và thiết thực vì dựa trên những kinh nghiệm xảy ra ở gia đình và xã hội. Giải đáp những vấn đề quan trọng do trẻ em gợi ra. Những câu hỏi “tại sao” thường xuyên của trẻ thường gợi lên nhiều vấn đề nhân sinh quan trọng mà cha mẹ không thể né tránh, viện cớ trẻ chưa hiểu.

Một vài việc cụ thể của giáo lý tại gia

– Dạy con từ thuở còn thơ: Phải giáo dục đức tin cho con cái từ những năm đầu của tuổi thơ nhi. Dạy dạy giáo lý trong gia đình luôn đi trước, đi kèm và phong phú hoá các hình thức giáo lý khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa (GLCG # 2226). Những kinh đọc vắn tắt mà trẻ nhỏ bập bẹ sẽ là khởi điểm cho một cuộc đối thoại đầy tình yêu mến với Thiên Chúa mà sau này nó sẽ bắt đầu nghe lời. (Tông huấn dạy giáo lý, số 36).

– Dạy con cầu nguyện: Những giờ đọc kinh cầu nguyện là những giờ giáo lý sống động nhất vì bản chất và mục đích của việc dạy giáo lý là truyền đạt sức sống Tin Mừng và đưa đến đối thoại, gặp gỡ chính Đức Kitô; và như vậy đọc kinh cầu nguyện là thể hiện chiều kích hàng dọc này (GLCG # 2685).

– Dạy con làm quen với Lời Chúa: Cha mẹ kể chuyện Thánh Kinh, chuyện về Đức Giêsu, chuyện các Thánh, chuyện người tốt việc tốt để chúng làm quen với Lời Chúa. Có thể lợi dụng nhiều cơ hội để kể chuyện Phúc Âm, giảng giải Lời Chúa một cách đơn sơ, ấm cúng và đầy ý vị.

– Dạy con học giáo lý: Thiếu nhi học giáo lý ở các lớp học, chúng cũng cần được bồi dưỡng, nhắc nhở để những điều đã học được thông hiểu và ghi vào ký ức. Những dịp con cái được nhận lãnh bí tích (Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức), cha mẹ cần lưu tâm đến giáo lý nhiều hơn và tích cực giúp chúng nhận lãnh bí tích cách sốt sắng. Giáo lý tại gia không những nhắm đến con cái mà chính các bậc cha mẹ cũng phải học hỏi trau dồi giáo lý. Cha mẹ là người hướng dẫn chăm sóc cho con cái biết Chúa Kitô nhưng đồng thời cùng với con cái, cha mẹ cũng là những người cần được học hỏi để yêu mến Chúa Kitô hơn.

  1. Gia đình “mái ấm tình thương”.

Gia đình là cộng đoàn hiệp thông và liên đới chặt chẽ giữa các thành viên với nhau, bình đẳng về phẩm giá, về ơn gọi trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Nhờ đó gia đình trở nên mái ấm với cuộc sống an hoà, yêu thương đầm ấm, chia sẽ, giúp đỡ, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của nhau.

Gia đình là cộng đoàn phục vụ yêu thương. Luật yêu thương thúc đẩy gia đình Công Giáo gắn bó chặt chẽ với Hội Thánh là dân Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế, để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền bá đức tin. Noi gương Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, hiến thân phục vụ mọi người.

Từ “GIA ĐÌNH” bao gồm người cha, người mẹ và con cái. Trong Anh ngữ, gia đình là “FAMILY”, từ này có một ý nghĩa rất sâu đậm, được diễn đạt như sau: Family = (F)ather (A)nd (M)other, (I) (L)ove (Y)ou! Nghĩa là: “Cha Và Mẹ Ơi, Con Yêu Thương Cha Mẹ. “

Hãy gìn giữ mái ấm gia đình. Hãy đặt ưu tiên cho hạnh phúc gia đình.

Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con cái. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nãn, buồn phiền, không thích học nữa, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ. Một số phụ huynh chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Họ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế rồi đi vào thế giới ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau. Hãy nhớ gia đình là thiêng liêng cao quý, còn công việc chỉ là vật chất tầm thường. Mọi thành viên có thể hy sinh công ăn việc làm cho mái ấm gia đình.

Tình yêu từ mái ấm sẽ làm trổ sinh hoa trái cho đời sống gia đình.

– Lòng bác ái: Trên mọi đức tính hãy có lòng bác ái, đó là mối giây liên kết tuyệt hảo (Col 3, 14). Bác ái là tình yêu rộng lớn; là tình yêu mạnh hơn tội lỗi, sự dữ, khổ đau và cái chết. Tình yêu mãnh liệt như thế mới liên kết mọi sự và mọi người lại với nhau. Chính Thiên Chúa đã gieo vào lòng chúng ta lòng bác ái đó.

Là tình yêu được tiếp sức bởi tình yêu của Thiên Chúa, lòng bác ái giúp mọi người gắn bó với nhau làm nên mái ấm gia đình. Lòng bác ái làm cho mọi người chấp nhận nhau, chịu đựng lẫn nhau, tha thứ hy sinh cho nhau, chia sẻ cho nhau, ban tặng cho nhau bản thân mình. (Col 3, 12-13).

– Niềm vui: Hạnh phúc là niềm vui của mỗi người và mọi người trong gia đình chung sống với nhau. Niềm vui của chồng vợ, con cái cháu chắt. Niềm vui đời thường, niềm vui nhỏ làm thành hạnh phúc. Niềm vui từ tình yêu làm cho gia đình thành mái ấm.

– Bình an trong gia đình: Tâm hồn bình an là tâm hồn đạo đức. Chúng ta được bình an khi hòa giải với Chúa, tin và yêu Chúa. Chúng ta được bình an khi hòa giải với chính mình, khi hòa giải với những người sống chung quanh. Chúng ta được bình an khi tâm hồn không chất chưa tham vọng, không chất chứa oán hờn ganh ghét. Chúng ta được bình an khi tâm hồn không bị xáo trộn bởi đam mê bất chính. Chúng ta được bình an khi là con người tự do đích thực và tôn trọng người khác. Đó là bình an Chúa Kitô ban tặng cho chúng ta.

Thật đúng như nhận định của thư HĐGMVN: “Gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức”.

Gia đình thật quan trọng. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và sự ân cần chăm sóc. Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hằng nhắc nhở về sự thánh thiêng của gia đình khi Ngài gọi gia đình là nền tảng của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phaolô VI gọi gia đình là Cung Thánh của Giáo Hội, là trường học đầu tiên của con cái mà cha mẹ là thầy cô.

Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận cũng từng viết: “Chủng Viện thứ nhất, Đệ Tử Viện thứ nhất, trường Sư Phạm thứ nhất là Gia Đình Công Giáo. Không vị giám đốc tài ba nào, hay chuyên môn đến đâu có thể làm thay cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội Thánh và xã hội cũng rung rinh sụp đổ”.

Từ mái ấm gia đình, cha mẹ con cái siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên chăm Kinh Nguyện tại gia, biết dùng Lời Chúa làm ánh sáng soi đường chỉ lối, luôn sống hoà thuận yêu thương nhau, thì “Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta”.

Năm Đức Tin, theo gương Thánh Gia, mỗi gia đình hãy nỗ lực thi lời mời gọi của HĐGMVN: “Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Công Giáo”.

 

 

17. Mái Ấm Tình Thương – Thiên Phúc

(Trích trong “Như Thầy Đã  Yêu”)

Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn, khóc. Bà mẹ thấy thế, nói: chỗ này không phải chỗ con ta ở. Rồi dọn nhà ra gần chợ.

Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước cách buôn bán đảo điên. Bà mẹ thấy thế, lại nói:

“Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, về nhà cũng bất chước học tập lễ phép. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở đây.

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế. Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói lỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao!”. Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.

Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt như vậy”. Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ công giáo dục quí báu của bà mẹ hay sao?

****

Thánh Gia Thất là mẫu gương giáo dục tuyệt vời cho các gia đình cũng như cho các cộng đồng tu viện.

Thánh Gia Thất là trường huấn luyện cho Chúa Giêsu, chuẩn bị ngày lãnh nhận sứ mạng Chúa Cha giao phó.

Thánh gia thất là chuẩn mực chính xác nhất cho các người cha, người mẹ và con cái trong gia đình.

Giuse đích thực là một người cha: Sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông và tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu cùng mẹ thánh Người. Người làm chủ gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm, và siêng năng cần cù lao động, trong làng quê nghèo Nadarét.

Maria chính là người mẹ: Gương mẫu trong đời sống nội tâm, và sâu lắng trong tâm tình cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, và chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu.

Chúa Giêsu là người con thảo hiếu: “Hằng vâng phục cha mẹ” Giuse và Maria, lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và nhân đức, nhất là luôn lo việc “bổn phận ở nhà Cha”.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có thuận hoà, thì xã hội mới an vui. Lễ Thánh Gia chính là lễ của mọi gia đình. Noi gương Thánh Gia Thất, các gia đình chúng ta luôn sống có trật tự trên dưới, liên đới trong tình hiệp thông, và chăm lo cho nhau trong tình yêu thương đầm ấm.

Con Thiên Chúa chỉ ra giảng đạo có ba năm, nhưng đã phải chuẩn bị ở mái trường Nadarét suốt ba mươi năm. Nadarét là trường dạy cầu nguyện dạy lao động, dạy yêu thương. Nadarét là một vùng quê hẻo lánh, nhưng lại mang một mái ấm tình thương. Mái ấm Nadarét rất đỗi bình thường, nhưng cũng lại rất khác thường.

Một mái ấm luôn chan hoà bầu khí yêu thương và đạo hạnh.

Một mái ấm luôn ngập tràn tiếng cười vui vì hạnh phúc.

Một mái ấm mà các thành viên luôn để ý quan tâm cho nhau

Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trước tiên phải có Chúa hiện diện.

Mái ấm Nadarét luôn hạnh phúc vì lúc nào cũng có Chúa ở giữa Giuse và Maria. Nếu mỗi gia đình chúng ta đều mời được Chúa đến ở trong gia đình thì chính Người sẽ là dây liên kết để chúng ta yêu thương nhau, là sức mạnh để chúng ta vượt thắng mọi sóng gió, là mẫu gương để chúng ta nhẫn nhịn và tha thứ cho nhau.

Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, mỗi người chúng ta cũng hãy sống cho đúng cương vị của mình là cha, là mẹ, là chồng là vợ, là con cái. Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng hãy thương yêu vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Vì đó là đẹp lòng Chúa ” (Cl 3,21)

****

Lạy Chúa, là nguồn mọi tình yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con tấm gương Thánh Gia Thất, làm khuôn mẫu cho mọi quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình. và giữa cộng đoàn tu viện với nhau.

Xin cho chúng con biết kính trọng và yêu thương Nhau, không phán xét khi hồ nghi, không kết án khi chưa tường, không phụ rẫy khi còn cứu vãn được, nhưng thông cảm và tìm hiểu, nâng đỡ và tha thứ, và trên hết luôn tìm sống theo thánh ý Chúa. Amen.

 

18. Suy niệm của Lm. Guse Nguyễn Văn Nghĩa

GIA ĐÌNH: TRƯỜNG ĐÀO TẠO TÌNH THƯƠNG VÀ NIỀM TIN

Đất nước chúng ta đã mở cửa cho nền kinh tế thị trường phát triển, đã gia nhập Tổ chức Thương Mại thế giới (WTO). Thế là bao tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đi vào đầu tư, kinh doanh, hợp tác trong các ngành nghề, không chỉ trong lãnh vực kinh tế mà cả trong lãnh vực văn hóa, giáo dục… Cửa mở thì gió vào. Dĩ nhiên ai ai cũng muốn đón gió lành, khí trong sạch, thế nhưng gió độc, khí ô nhiễm dù không mong cũng lùa vào và nhiều khi nhiều hơn cả lượng gió lành, khí sạch.

“Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng”. Ngạn ngữ người xưa vẫn diễn tả đúng cái hiện thực hôm nay. Các cơn gió độc, cái bầu khí ô nhiễm luôn có sức lôi cuốn con người, nhất là các thế hệ trẻ, khi chưa đủ đầy nhân cách hay bản lãnh. Một trong những hậu quả nhãn tiền, đó là nền tảng gia đình đang lung lay và có nguy cơ bị băng hoại. Không phải vì sự trịch thượng của người Đông phương thích xét nét và phê bình lối sống Âu – Mỷ, trời Tây mà ngay cả các nhà đạo đức của những quốc gia phát triển ấy cũng từng nhìn nhận và phân tích hiện tượng xuống dốc của các giá trị nền tảng xã hội, cách riêng là sự thánh thiêng và bền vững của gia đình tại đất nước họ. Bác sĩ Benjamin Spack, trong cuốn sách “Nghệ thuật làm cha mẹ”, một trong những cuốn sách bán chạy nhất (best beller) ở nước Mỷ đã phân tích tình trạng sa sút gia đạo với các nguyên nhân như sau: (x. Tuần báo CG và Dt số 1134 trang 20-21)

  1. Vì thích độc lập, thích sống riêng rẽ, nên các gia đình trẻ mất sự hổ trợ, mất bầu khí đùm bọc yêu thương của cha mẹ, anh chị em.
  2. Cuộc sống sinh kế, nghề nghiệp thiếu ổn định khiến cho các gia đình hay thay đổi chỗ ở làm mất tình làng nghĩa xóm (bà con xa không bằng láng giềng gần).
  3. Cũng do kế mưu sinh mà cả cha lẫn mẹ đều bôn ba chuyện cơm áo gạo tiền một cách tất bật và thế là thiếu thời giờ dành cho nhau và dành cho con cái.
  4. Nạn ly hôn ngày càng phổ biến làm ảnh hưởng rất tai hại trên con cái, trên sự thánh thiêng của đời hôn nhân gia đình. Đây là một sự thật khó chối cãi.
  5. Óc thượng tôn của cải, lấy vật chất làm thước đo giá trị đã làm cho con người thiếu niềm tin vào các giá trị tinh thần mà đạo hiếu là một trong những số phận hẩm hiu ấy.

Chúa Nhật tiếp ngay sau lễ Giáng Sinh, Giáo hội liền mời gọi chúng ta hướng cái nhìn vào Gia đình Thánh: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Hẳn nhiên Giáo hội ý thức tầm quan trọng của gia đình vốn được ví là tế bào của xã hội. Không gì hơn hãy nhìn vào Ba Đấng của Thánh gia để học cách củng cố gia đạo, xây dựng cái nền tảng của xã hội đúng như thánh ý Chúa tự ban đầu buổi sáng tạo, khi Người dựng nên loài người có nam có nữ và cho họ chung sống thành gia đình (x. St 1,27-28).

  1. Gia đình: trường huấn luyện con tim.

Vì yêu thương hai trái tim chung nhịp đập tìm đến nhau và kết duyên vợ chồng. Tình yêu ấy trổ sinh hoa trái là các đứa con.

Con nằm giữa cha, con nằm giữa mẹ.

Cuộc đời nằm giữa yêu thương. (Tế Hanh)

Thi sĩ Tế Hanh diễn tả một hình ảnh rất thân quen mà mãi luôn chan chứa nét tình. Nhìn vào máng cỏ: một Hài nhi Giêsu bé bỏng nằm giữa mẹ cha. Tình yêu là thế đó. Các thành viên luôn sống vì nhau và cho nhau. Không hề kể công và cũng chẳng tiếc tình, đó là tình nghĩa phu thê, là tình mẹ tình cha. Có thể nói gia đình là mái trường đào luyện tình yêu thương cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Vì yêu Maria, Giuse đã không muốn làm bất cứ sự gì xấu cho người mình yêu, dù có thể làm theo luật. Trước sự kiện Maria thụ thai và khi chưa hiểu sự thể thì Giuse đã chọn con đường âm thầm rút lui và dĩ nhiên là sẽ chịu tiếng xấu cho riêng mình. Khi đã được sứ thần tỏ bày qua giấc mộng, thì Ngài đã mau mắn đón Maria và Hài Nhi trong dạ về chung sống (x. Mt 1,18-25). Chính trong gia đình, chúng ta sẽ học biết rằng đã thương thì không hề tiếc, đã yêu thì không hề tính toán, so đo, đã yêu là yêu đến cùng.

  1. Gia đình: trường đào tạo niềm tin.

Đã yêu thì hẳn nhiên sẽ dẫn đến sự tin cậy. Tin tưởng, tín nhiệm nhau là một trong những biẻu hiện của tình yêu chân thực. Khi nhận lời sứ thần truyền tin là mang thai do bởi phép Chúa Thánh Thần, chắc chắn Maria không chỉ tin vào quyền năng của Thiên Chúa mà còn tin vào tình yêu của Giuse, người bạn đã đính hôn. Tin cậy ở Giuse, dù đã gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa thế mà vẫn lên đường về quê Bêlem khai nhân hộ khẩu. Tin cậy ở Giuse, dù con thơ còn quá bé, thế mà phải lặn lội lánh nạn sang Ai Cập rồi sau đó lại trở về, Maria theo chân Giuse không một lời than vãn. Dù luật không buộc, thế mà Maria vẫn theo chân Giuse và con trai đủ tuổi mười hai lên Giêrusalem dự lễ hằng năm. Đức tin là hồng ân Chúa ban nhưng lại được trao ban qua nhiều cách thế. Một trong những cách thế phổ biến và hữu hiệu đó là gương sáng cũng như sự dạy bảo của mẹ cha.

Tin Mừng làm chứng cho ta hay rằng nhân cách của Chúa Giêsu mang đậm dấu ấn của Maria và Giuse, những người theo lệnh truyền là phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu (x.Mt 1,21; Lc 1,31). Cũng thế, sự trưởng thành trong đức tin của con trẻ cũng có sự góp phần đáng kể của hai ông bà. Sau khi tìm được con trong đền thờ, trước câu trả lời của con: Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49), thì dù không hiểu, hai ông bà vẫn im lặng đón nhận. Chúng ta có thể khẳng định rằng đã có sự tin cậy giữa con trẻ với hai ông bà. Khi sinh thời, đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu thường nhấn mạnh đến lòng tin như là điều kiện ắt có để có thể đón nhận Người cũng như hồng Người ban tặng.

“Ba là cây nến hồng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba cây nến lung linh.” Một ca từ của nhạc sĩ Ngọc Lễ nói về sự tốt đẹp và thánh thiêng của đời gia đình đã từng được xã hội Việt Nam vinh danh trong một chương trình tất niên đón xuân mới trên truyền hình. Ba cây nến cháy lửa tình yêu. Ba cây nến thắp sáng niềm tin. Hai tiếng gia đình thật thiết thân và ấm tình. Hai tiếng gia đình cần phải ưu ái và gìn giữ. Con Thiên Chúa đã chào đời, làm người từ mái ấm gia đình. Xin Thánh Gia che chở, phù trì các gia đình để với niềm tin và tình yêu, con người mọi thời được lớn lên thành người, thành người con Chúa.

 

19. Gia đình mẫu mực cho mọi gia đình.

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Nếu có ai đặt câu hỏi: gia đình nào xứng đáng là mẫu mực cho mọi gia đình khác noi theo, thì câu trả lời không gì khác hơn là thánh gia thất Nadarét.

Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse đã cùng nhau xây nên một gia đình rất đẹp, rất thánh thiện và gương mẫu nhất đời.

Thành viên thứ nhất: thánh Giuse, người công chính.

Là người công chính, thánh Giuse đã không hành động cách nông nổi điên cuồng như bao thanh niên khác khi thấy người bạn trăm năm của mình mang thai trước khi về chung sống. Ngài đã xử sự đầy bao dung, quảng đại và khôn ngoan. (Mt 1, 19)

Thánh Giuse là một người cha luôn mau mắn phục vụ gia đình không quản khó nhọc, không quản ngày đêm: “Đang đêm, sứ thần hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ và bảo: “hãy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập”, thì thánh Giuse tức tốc thi hành (Mt 2, 13-14). Rồi sau khi đã an cư lạc nghiệp bên Ai-cập, sứ thần Chúa lại báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en”, thánh Giuse mau mắn thi hành không do dự. (Mt 2, 19 # 21)

Thánh Giuse là người lao động cần cù để nuôi dưỡng gia đình. Ngài chuyên chăm làm nghề mộc đến nỗi nói đến bác thợ trong làng Nadarét thì người ta nghĩ ngay đến thánh Giuse. Khi người Nadarét gọi Chúa Giêsu là con bác thợ, ai chẳng biết bác thợ đó là thánh Giuse. (Mt 13, 55).

Thành viên thứ hai: Mẹ Maria, một người Mẹ tuyệt vời.

Một người Mẹ trổi vượt về khiêm nhường. Cho dù được sứ thần Gabrien gọi là “Đấng đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), được bà Ê-li-sa-bét ca ngợi là người có phúc hơn mọi người nữ; (Lc 1, 42) thì Mẹ vẫn nhận mình chỉ là “nữ tì hèn mọn” (Lc 1, 48).

Một Người Mẹ đầy lòng yêu thương và phục vụ: khi vừa hay tin người chị họ cao niên được Chúa cho cưu mang con trai trong tuổi già, Mẹ tất tả lên đường tiến lên miền núi, tìm đến nhà bà Ê-li-sa-bét để chúc mừng và ở lại phục vụ người chị họ cao niên trong thời gian thai nghén và sinh nở ròng rã ba tháng trời.

Mẹ là người luôn quan tâm đến niềm vui và hạnh phúc người khác, thế nên khi dự tiệc cưới tại Ca-na, dù không phải là người nhà, Mẹ là người đầu tiên phát hiện tiệc cưới thiếu rượu và đã tìm cách chữa cháy cho sự việc nầy. (Ga 2, 3)

Là người Mẹ rất mực hiền lành, nên dù phải nôn nao, lo lắng, cực lòng tìm con suốt ba ngày ròng, khi gặp được con, Mẹ vẫn giữ được sự dịu dàng hiếm có: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”

Thành viên thứ ba: Chúa Giêsu.

Dù là Thiên Chúa Ngôi hai, Chúa Giêsu đã trở thành một người con hết lòng yêu thương và phục vụ cha mẹ trần thế. Trong ba mươi ba năm ngắn ngủi sống thân phận con người, Ngài đã bỏ ra đến ba mươi năm, tức 9/10 cuộc đời, để cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse xây dựng gia đình Nadarét. Ngài đã đổ mồ hôi với công việc lao nhọc hằng ngày để nuôi dưỡng phục vụ Đức Mẹ và thánh Giuse cho đến tuổi ba mươi mới lên đường thi hành sứ mạng.

Dù là Thiên Chúa quyền năng nhập thể, nhưng Chúa Giêsu luôn tỏ ra là một người con hiếu thảo với cha mẹ trần gian. Thánh Luca tóm tắt cuộc sống tại gia của Ngài như sau: “Người hằng vâng phục cha mẹ. . . ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 51-52)

* * *

Thiên Chúa đã thiết kế và xây dựng một ngôi nhà rất đẹp, rất ấm cúng và thánh thiện là gia đình Nagiarét. Thiên Chúa nhận thấy đây là một mẫu nhà đẹp nhất nên Ngài mời gọi chúng ta dựa trên mô hình đó để dựng xây gia đình mình y như vậy.

Xây dựng gia đình mình theo mẫu nhà Nadarét là mọi người trong gia đình phải đối xử với nhau như ba Đấng trong thánh gia nầy, cụ thể là chồng phải yêu thương và phục vụ vợ con như thánh Giuse đã yêu mến và phục vụ Đức Mẹ và Chúa Giêsu; người vợ phải yêu thương và săn sóc chồng như Mẹ Maria đã yêu mến và phục vụ thánh Giuse và Chúa Giêsu; cha mẹ phải yêu mến và chăm lo cho con cái như thánh Giuse và Mẹ Maria chăm lo phục vụ Chúa Giêsu; con cái trong gia đình phải hiếu kính mẹ cha, biết thờ cha kính mẹ, phụng dưỡng cha mẹ như Chúa Giêsu đã làm đối với Đức Mẹ và thánh Giuse.

* * *

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi các gia đình, nhắn nhủ: “Thiên Chúa đã tự đồng hoá với người cha, người mẹ, người con trong gia đình. . . Những gì mà các thành viên trong gia đình làm cho nhau là làm cho chính Chúa”.

Thế là phần thưởng đời đời sẽ được Chúa Giêsu ưu ái trao tặng cho các thành viên gia đình biết yêu thương phục vụ lẫn nhau.

Và thế là một phần thưởng vô cùng quý báu đang nằm trong tầm tay mọi người.

 

 

20. Lễ Thánh Gia Thất

(Suy niệm của Lm. Augustine Nguyễn Huy Tưởng)

Gia đình là nền tảng xã hội. Gia đình bền vững thì xã hội mới vững bền. Tuy nhiên chúng ta đang sống trong một thời đại mà cơ chế gia đình đang bị lung lay. Một MC của một chương trình văn nghệ thời danh đã đọc một bức thư của một khán thính giả về dấu hiệu sự phản bội của người chồng và người phụ nữ đó kết luận: khi cầm giấy ly dị trên tay là như thấy thiên đàng.

Theo một thống kê đứng đắn thì tỉ số li dị của những người giữ đạo đàng hoàng là 1.7 phần nghìn. Cha Peyton một linh mục thời danh đã nói rõ: family prays, family stays: có nghĩa là khi có đời sống cầu nguyện thì gia đình sẽ vững bền.

Hôn nhân là một bí tích có nghĩa Chúa ban ơn đặc biệt cho vợ chồng để họ có thể yêu nhau và trung thành với nhau. Được bao nhiêu cặp vợ chồng khi có nguy hiểm li dị đã cầu nguyện để xin ơn trợ giúp hay là họ đã để cho tự ái và cơn nóng giận nhất thời lôi kéo đến những chuyện mà cả hai người không muốn xảy ra. Những thiếu niên phạm pháp hay có vấn đề đều do những gia đình cha mẹ không thương yêu nhau hay là đồng sàng dị mộng hay là giả vờ đóng kịch làm cha làm mẹ.

Nhìn vào gia đình Nazareth chúng ta thấy có những nhân đức về đời sống gia đình mà vợ chồng cần học hỏi. Trước hết theo Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khi ngài viếng Nazareth đó là bài học của sự im lặng. Nói cụ thể hơn là sự bớt lời, kìm hãm những lời nói thô bỉ xúc phạm đến nhau: Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa không đời nào khê. Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Im lặng còn có nghĩa chỉ nói những lời an bình yêu thương mang lại hạnh phúc. Có nhà tâm lý Việt nam kia cho rằng có ít là ba câu nói trong gia đình mang lại hạnh phúc nhưng người Việt nam ít nói nhất đó là câu nói: cám ơn, xin lỗi và khen tặng. Hình như người chồng cho rằng vợ phục vụ mình là bổn phận không cần phải cám ơn. Họ đâu có biết câu cám ơn đầu ngày hay khi nhận được sự phục vụ hay giúp đỡ là ánh sáng và niềm vui cho người phối ngẫu trong cả ngày sống. Có những người chồng hay cha còn quan niệm mình không bao giờ phải xin lỗi ai và vợ con phải xin lỗi mình. Và được bao nhiêu người cha Việt nam khi thấy con và vợ làm được cái gì mà biết khen tặng thực sự hay họ đã đổi họ thành họ Chê của người chàm? hay người Tây Ban Nha?

Im lặng còn có nghĩa trong mọi trường hợp phải dẹp bỏ những tình cảm lố lăng trong tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa và tuân thủ. Yêu nhau có nghĩa là cảm thông có cùng ý nghĩ và cùng tần số yêu thương? Yêu nhau còn có nghĩa là cùng nhìn về một hướng chính là Thiên Chúa là hạnh phúc của con cái. Thánh Giuse và Mẹ Maria làm mọi chuyện cho Chúa Giêsu. Vợ chồng cũng phải làm mọi việc cho Thiên Chúa và con cái là món quà Chúa ban.

Hiện nay nhiều vợ chồng công giáo còn cho con cái là cái nợ đời nên yêu con mà hình như là yêu mình và chỉ muốn con làm theo ý kiến độc đoán của mình không cần biết con có hạnh phúc hay không. Họ yêu con vì họ chứ không phải vì con cái. Và những người con cái chỉ cần bắt chước Chúa Giêsu: và người vâng lời các Đấng ấy là đủ vì cá không ăn muối cá ươn con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư. Con hư vì con không muốn tuân thủ những giáo huấn của cha mẹ. Có thể con cái học cao có bằng cấp hơn cha mẹ, nhưng Chúa cho cha mẹ kinh nghiệm và ơn sủng cần thiết cho việc giáo dục con. Cha mẹ đừng mặc cảm không dám dậy con mà hãy can đảm nhận lãnh trách nhiệm Thiên Chúa đã ban. Và con cái đừng quên rằng bằng cấp không mang lại sự khôn ngoan trong cuộc đời mà chính là cuộc sống và kinh nghiệm. Cái học thực tế là cái học tạo nên con người và cuộc sống có ý nghĩa đích thực chứ không phải mớ kiến thức chuyên môn để kiếm tiền qua ngày.

Hãy cầu nguyện và im lặng gia đình sẽ hạnh phúc. Và yêu thương nhau giữa vợ chồng con cái chính là chìa khoá của việc giáo dục. Khi con cái vợ chồng biết rõ vợ chồng con cái yêu thương nhau thì sự an toàn sẽ làm cho mọi người thăng tiến và hạnh phúc trong gia đình. Hãy nghe lời thánh tiến sĩ Augustinô: Yêu thương nhau đi rồi muốn làm gì thì làm: Ama et fac quod vis. Aimes et fais ce que tu veux.

 

print