Các Bài Suy Niệm Trong Tuần 3 Phục Sinh

print

Các Bài Suy Niệm Trong Tuần 3 Phục Sinh

Thứ hai tuần 3 Phục Sinh.

Thứ ba tuần 3 Phục Sinh.

Thứ tư tuần 3 Phục Sinh.

Thứ năm tuần 3 Phục Sinh.

Thứ sáu tuần 3 Phục Sinh.

Thứ bảy tuần 3 Phục Sinh.

Thứ hai tuần 3 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 6, 22-29

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.

 

SUY NIỆM 1: Hoán cải nội tâm

Ở thời đại nào, đám đông cũng có thể là một sức mạnh mù quáng, hành động thiếu suy nghĩ và bị lôi cuốn bởi những dòng chảy của sự dữ. Trước khi bị các thượng tế và tổng trấn Philatô kết án, Chúa Giêsu đã bị chính đám đông kết án. Cái đám đông đã từng tung hô Ngài trong ngày Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng cái đám đông ấy gào thét, đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Bi kịch ấy dường như được thánh Gioan báo trước qua đoạn Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay. Ðám đông được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc được động lực thúc đẩy họ tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát vọng tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê; họ đi tìm kiếm không phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì những giá trị cao quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái đám đông ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và chóng qua là cơm bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài và treo Ngài lên thập giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm, mà chỉ sống theo cảm tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô có thể rơi vào.

Dĩ nhiên, nói đến đạo là nói đến đám đông. Chúng ta lãnh nhận đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta sống và thể hiện đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta cần có một đám đông nào đó để nâng đỡ niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, cái đám đông ấy cũng dễ lôi kéo và biến việc thể hiện đức tin của chúng ta thành một lối giữ đạo hình thức và máy móc. Ðạo dễ trở thành một chuỗi biểu dương bên ngoài hơn là một cuộc gặp gỡ thâm sâu giữa tha nhân và Chúa. Ðạo sẽ chỉ còn là những bó buộc và nghĩa vụ mà đám đông thôi thúc để tuân giữ hơn là được thực thi vì xác tín và lòng mến.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta đón nhận mỗi ngày trong Thánh Thể và gặp gỡ thường xuyên qua tha nhân trở thành đối tượng của sự khao khát và tìm kiếm không ngơi nghỉ của chúng ta, để trong tất cả mọi sự, chúng ta có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Tại sao theo Đức Giêsu

Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm kiếm Người. Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Đức Giêsu đáp:

“Thật, tôi bảo thật các ông,

các ông đi tìm tôi

không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,

nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.

Các ông hãy ra công làm việc

Không phải vì của ăn hay hư nát,

Nhưng để có lương thực trường tồn

Đem lại phúc trường sinh,

Là thứ lương thực

Con Người sẽ ban cho các ông

Bởi vì chính Con Người là Đấng

Chính Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga. 6, 24-27)

Bài giảng về bánh hằng sống trong hội đường Ca-phác-na-um sau ngày phép lạ bánh hóa nhiều có lẽ là một tổng hợp các bài giảng ở nhiều nơi. Dân chúng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ và Đức Giêsu ở Ca-phác-na-um vì họ không thấy Người xuống thuyền đi sang Ca-phác-na-um với các môn đệ, mà bây giờ lại thấy Người ở đây. Còn “Đức Giêsu khi thấy họ sắp bắt mình đem đi tôn làm vua, thì Người lánh mặt, đi lên núi một mình”, mãi tới đêm, biển động vì gió thổi mạnh, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ đến gần thuyền … Ngay lúc đó thuyền đã tới bờ của miền Ca-phác-na-um.

Như thói quen, thánh Gio-an sắp nối kết sự kiện phép lạ cụ thể này với ý nghĩa thần học: Họ tìm … họ ngạc nhiên vì không biết Người đến đây bằng cách nào? Người đã đến đây bằng cách lạ lùng là đi trên mặt biển giữa đêm khuya gió to sóng lớn. Cũng thế, Đức Giêsu đã đến với họ không phải từ làng Na-gia-rét, như người ta biết, nhưng là từ trời mà người ta không biết, cũng như Người từ bờ hồ phía đông nơi bánh hóa nhiều, đi qua biển tới bờ hồ phía tây nơi miền Ca-phác-na-um.

Họ cố gắng tìm Đức Giêsu là điều đáng ca ngợi, còn đáng ca ngợi hơn nữa khi họ tìm Người trong đức tin, và liên kết với Người không vì của nuôi xác nhưng vì của ăn đời đời. Tuy nhiên, dân chúng vẫn tiếp tục đòi của vật chất, họ chú trọng đến man-na nuôi sống cha ông họ hằng ngày trong sa-mạc và so sánh với phép lạ hóa bánh ra nhiều để cầu mong Đức Giêsu cho họ được ăn như vậy. Còn Đức Giêsu, Người nhấn mạnh đến sự đói khát tinh thần, đến của ăn hằng sống cho linh hồn. Đó mới chính là sứ mệnh quan trọng của Người. Người đã hết sức nhẫn nại như đã nhẫn nại giải thích cho ông Ni-cô-đê-mô về sự tái sinh, cho bà ở Sa-ma-ri về nước trường sinh. Lúc này, Người cũng kiên nhẫn giải thích về bánh man-na dựa vào thánh vịnh 78, 24 để dẫn họ tới bánh ban sự sống đời đời. Bài diễn thuyết này có thể hiểu như một giảng đạo có ba phần: Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa (câu 32-40), bánh bởi trời: Đức Giêsu đến từ trời (câu 41-50), để làm của ăn: như bánh ăn (câu 52-58).

L.P

 

SUY NIỆM 3: Sự lao công đích thực

Người Ấn Độ có kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Một gia đình khỉ nọ sống giữa một khu rừng rậm. Mùa đông đến, cả gia đình khỉ rét run vì lạnh. Một đêm nọ nhìn từ xa thấy một con đom đóm đang bay lượn, chúng tưởng là một cục than hồng. Thế là nhà khỉ bắt lấy con đom đóm mang về, cẩn thận để củi và rơm vào rồi ngồi quanh mà sưởi. Có con còn kề miệng sát vào con đom đóm để thổi với hy vọng lửa bốc cháy. Một con chim bay qua tình cờ thấy cảnh tượng bèn dừng lại nói với bầy khỉ: “Các bạn ơi, đây không phải là lửa mà chỉ là một con đom đóm”. Nhưng bầy khỉ không đếm xỉa gì đến nhận xét của con chim, chúng lại chúi đầu vào con đom đóm mà thổi. Một lần nữa con chim trở lại bình tĩnh nói đó chỉ là một con đom đóm. Tức giận vì lời dạy khôn của con chim, bầy khỉ túm lấy nó và giết đi. Rồi chúng tiếp tục thổi hơi vào con đom đóm. Sáng hôm sau, người ta thấy cả gia đình khỉ chết cóng vì lạnh bên cạnh con đom đóm.

Khao khát hạnh phúc đích thực, nhưng lại chạy theo ảo ảnh; muốn sống sung mãn, nhưng lại chạy theo những phù phiếm chóng qua, có thể đó là bài học mà câu chuyện ngụ ngôn trên đây muốn ngỏ với chúng ta.

Tin mừng hôm nay dường như cũng muốn nhắc nhở chúng ta về sự lạc hướng ấy. Đám đông tụ tập bên Chúa Giêsu để được ăn uống thoả thích là hình ảnh của một nhân loại đang lạc hướng. Đám đông những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là những người đã từng chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, thế nhưng họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì đã tin nhận Ngài hoặc để lắng nghe giáo huấn của Ngài, mà chỉ mong được Ngài cho ăn uống no thoả.

Chúa Giêsu không đến thế gian để mang lại một cây đũa thần cho những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của con người. Ngài đến để cho con người được sống và hạnh phúc thực sự. Sự sống và hạnh phúc ấy chính là nhận biết và yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khát vọng trong tâm hồn con người, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc trọn hảo.

Mùa Phục Sinh, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta ý thức về sự sống thần linh đang châu lưu trong tâm hồn người tín hữu. Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian đó là chỗ đứng của người tín hữu trong trần thế này. Mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng người tín hữu luôn hướng về trời cao; bôn ba về của cải vật chất, nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hoà bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Trong mọi sự, họ phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, người tín hữu tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa những thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình anh cao quí của Thiên Chúa nơi bản thân, không cha đạp nhân phẩm của người anh em. Trong mọi sự họ tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.

Nguyện xin Đức Kitô Phục Sinh hướng dẫn và cũng cố chúng ta trong niềm tin ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: TIN CHÚA VÌ MỤC ĐÍCH GÌ? (Ga 6, 22-29)

Danh tiếng của Đức Giêsu ngày càng lan rộng, nhất là sau cuộc hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Tuy nhiên, vì tình thương, nên Ngài đã làm phép lạ này chứ không phải vì muốn nổi danh! Nhưng đối với người Dothái, họ có lối suy nghĩ khác! Thay vì họ tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài, thì ngược lại, họ chỉ nghĩ đến cái bụng và khao khát được thỏa cơm đói. Vì thế, dân chúng nghĩ rằng: có Đức Giêsu hiện diện ở giữa họ thì có lẽ sẽ không phải đói khát và có khi chẳng cần làm lụng vất vả cũng có ăn! Thế nên, họ tìm cách để tôn vinh Ngài lên làm vua. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lánh đi để sang bờ bên kia trước họ.

Vì biết được lộ trình của Đức Giêsu, nên họ đã tìm mọi cách để gặp Đức Giêsu. Khi gặp Ngài, họ cất tiếng hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”, Đức Giêsu thừa biết mục đích của họ, vì thế Ngài nói ngay: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26 ). Khi nói như thế, Đức Giêsu mời gọi họ hướng tới một cuộc “vượt qua” khác, sâu xa hơn, đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh (x. Ga 6, 27 ).

Ngày nay, trong đời sống đạo, nhiều người vẫn còn thói quen tin Chúa như những người Dothái. Tức là tin Chúa khi vui, lúc thành công, nhất là tin khi được lợi. Vì thế, chúng ta vẫn thấy có chuyện như: thích thì đi lễ, đi chầu, đọc kinh… không thích thì thôi!

Trong tâm tình cầu nguyện, mấy ai nghĩ đến chuyện chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì những điều kỳ diệu cũng như ơn lành Ngài đã làm cho! Hoặc liệu có ai xin Chúa cho được đạo đức, thánh thiện, sám hối, khiêm nhường, nhất là yêu mến Lời Chúa … Nhưng mỗi khi đến nhà thờ là lâm râm xin cho được cái này, được cái kia, nhất là xin cho được ăn ra làm nên… Mỗi khi như thế, chúng ta cũng không hơn gì người Dothái muốn tôn Chúa làm vua và đi tìm Ngài chỉ vì cái bụng chứ không phải vì lòng mến!

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết hướng về Chúa như là nguồn cội của hạnh phúc, và xin ban cho chúng con làm mọi cách vì hạnh phúc mai hậu trong Nước Trời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Lương thực thường tồn

Suy niệm:

Xóa đói giảm nghèo, giảm số trẻ em suy dinh dưỡng,

nâng chiều cao của giới trẻ Việt Nam lên bằng các nước trong vùng,

đó là mối quan tâm của những người mang trách nhiệm,

vì sức khỏe thân xác cần thiết cho sự phát triển toàn diện con người.

Làm sao để con người lớn lên cân đối về mọi mặt,

đó là mục tiêu tối hậu của mọi công tác giáo dục.

Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông.

Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác họ.

Nhưng Ngài cũng biết rằng không thể làm phép lạ như thế mãi.

Hơn nữa, phép lạ này chỉ giúp họ khỏi đói trong vài giờ,

và đây là cái đói của thân xác.

Phép lạ này dù lớn, nhưng chỉ nuôi được một đám đông vài ngàn người,

vẫn còn bao người trên thế giới cần được nuôi ăn.

Đức Giêsu mong nuôi được nhiều người hơn, nuôi được mọi người.

Không phải chỉ nuôi về thân xác, mà nhất là về tinh thần.

Không phải chỉ nuôi bằng thức ăn trần thế là bánh và cá,

mà nuôi bằng giáo huấn của mình, bằng chính con người mình.

Sau phép lạ bánh hóa nhiều, khi đám đông định tôn Đức Giêsu lên làm vua,

chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài mang lại.

Lúc nào cũng có bánh ăn no nê,

đó là ước mơ của nhiều người nghèo thời ấy.

Nhưng Đức Giêsu đã từ chối đứng lên khởi nghĩa giành độc lập.

Ngài không phải là một Mêsia làm chính trị.

Bánh và cá mà Ngài giúp họ tạm thời vượt qua cơn đói

chỉ là thứ lương thực mau hư nát dành cho xác thân (c. 27).

Lương thực đó là dấu chỉ cho một thứ lương thực khác Ngài sắp ban.

Đó là lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu (c. 27).

Hẳn nhiên, lương thực sau này quan trọng hơn nhiều.

Theo Mẹ Têrêsa Calcutta, người nghèo hôm nay cần cơm bánh,

nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa.

Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.

Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.

Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.

Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ.

Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến (c.29).

Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài,

vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,

ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,

và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.

Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,

để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.

Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,

nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,

nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,

nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,

nơi khách sạn năm sao, noi quán bia đầu ngõ,

nơi các tiệm cho mướn băng video,

noi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…

Nhưng lạy Chúa, trước hết,

xin cho đời con là một ngọn đèn,

xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,

mời người ta dừng lại, trầm tư,

và gặp được Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Thứ ba tuần 3 Phục Sinh

 

Lời Chúa: Ga 6, 30-35

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”.

Chúa Giêsu đáp: “Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.

Họ liền thưa với Ngài rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”.

Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

 

SUY NIỆM 1: Bánh trường sinh

Trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, mức tiêu thụ đã gia tăng nhanh chóng và xâm nhập vào hầu hết mọi chiều kích của cuộc sống con người, đến độ chúng ta gọi nền văn minh hiện nay là văn minh tiêu thụ. Từ năm 1975 đến năm 2000, mức tiêu thụ của thế giới đã gia tăng gấp đôi. Tổng cộng mức tiêu thụ của thế giới trong hai mươi lăm năm qua đã lên đến hai mươi bốn ngàn tỉ Mỹ kim. Ðây là một hiện tượng tích cực hay tiêu cực.

Sự gia tăng của mức tiêu thụ có gia tăng với sự phát triển đích thực của con người không? Ðây là những câu hỏi cơ bản mà bản báo cáo cuối cùng của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc đã nêu lên, để rồi cuối cùng đưa ra khẳng định như sau: “Sự tiêu thụ của cải và các dịch vụ là một sinh hoạt thường hằng trong đời sống mỗi ngày. Tuy nhiên, đó không phải là cứu cánh tối hậu của mỗi cá nhân. Hơn nữa, cho dẫu của cải và và các dịch vụ có thừa mứa và mức tiêu thụ có gia tăng theo một mức độ làm chóng mặt, trật tự xã hội vẫn không tốt đẹp hơn.”

Theo bản báo cáo của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, hiện nay một gia đình trung lưu tại Phi Châu tiêu thụ hai mươi phần trăm ít hơn cách đây hai mươi lăm năm. Hai mươi phần trăm dân số thế giới vẫn còn đứng bên lề sự gia tăng mức tiêu thụ của thế giới. Trong bốn tỉ bốn những người đang sống trong các quốc gia đang phát triển, gần ba phần năm vẫn chưa có được những hạ tầng cơ sở về vệ sinh. Một phần ba thiếu nước uống. Một phần tư không có được cái bếp ăn chốn ở cho đàng hoàng. Một phần năm không biết thế nào là các phương tiện chăm sóc sức khỏe hiện đại. Một phần năm trẻ em không được cắp sách đến trường cho hết bậc tiểu học và một phần năm khác không có đủ chất đạm và một chế độ ăn uống đầy đủ. Trong số hai tỉ người thiếu máu trên khắp thế giới chỉ có năm mươi lăm triệu sống tại các nước tiên tiến. Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo, chênh lệch ngay trong cùng một nước. Ðây là hiện tượng không thể chối cãi được trong nền văn minh tiêu thụ ngày nay. Khoảng cách giữa các nước giàu và những nước nghèo càng xa; khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong cùng một nước lại càng xa hơn. Nguyên nhân của sự chênh lệch ấy chắc chắn chỉ có thể là sự ích kỷ của con người mà thôi, càng có con người càng muốn có thêm và chỉ muốn chiếm giữ cho riêng mình. Sự giàu có về của cải vật chất do đó cũng đương nhiên làm cho con người được phong phú hơn. Ðây là chân lý mà Giáo Hội không ngừng nhắc nhở cho con cái mình.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống chúng ta là chính Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được khát vọng thâm sâu của con người. Ðám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau đã tìm đến Ngài. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm Ngài không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ hoặc lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, mà chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Ngài kêu gọi họ hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mà Ngài đã muốn thể hiện qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều. Quả thật, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là Ngài. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người, ai tin nhận Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, người đó sẽ được trường sinh, người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Ngài, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để san sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực sự đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người. Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã có thể nuôi nấng một đám đông trên năm ngàn người. Quả thật, Ngài chỉ cần nói một lời, múa cây đũa thần cũng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã không đến như một phù thủy, Ngài cũng chẳng đến để mang lại bất cứ một giải pháp kinh tế nào, Ngài đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban. Ai thực sự ăn tấm bánh ấy cũng có thể trở thành một tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh mà chỉ vì thiếu lòng quảng đại khi những bàn tay được mở ra để trao ban và san sẻ với người khác mà thôi. Cái đói khủng khiếp của nhân loại hẳn không là đói cơm bánh mà chính là đói tình thương và lòng quảng đại của con người.

Ước gì được nuôi sống bằng tấm bánh bẻ ra là Chúa Giêsu, các tín hữu cũng trở thành tấm bánh được bẻ ra cho người khác.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Cái nhìn thiển cận

Một gia đình ếch sống dưới một đáy giếng tăm tối, không thấy ánh sáng mặt trời cũng không biết những gì đang xẩy ra bên ngoài. Ngày nọ, có một con chim sơ ca bay xuống nói với dòng họ ếch về thế giới của mặt trời, của hoa cỏ, của tình yêu. Nghe thế, tộc trưởng ếch liền nới với đồng bào mình: “Các ngươi nghe chưa, thế giới của bạn sơn ca mô tả là một thứ thiên đàng không tưởng, nơi chỉ có những con ếch tốt, tức những con ếch chịu đau khổ dưới đáy giếng mới được lên tới mà thôi”. Tuy nghe những lời mỉa mai đó, một số ếch vẫn tin vào lời chim sơn ca. Một chú ếch sau khi nghiên cứu tình hình đã giải thích: “Thế giới mà bạn sơn ca loan báo không phải là thế giới khác đâu, đó chính là thế giới của chúng ta; thêm một chút ánh sáng, một chút gió mát, một chút thực phẩm, chúng ta có ngay thiên đàng dưới đáy giếng này”. Thế nhưng đa số đồng bào ếch đã thấy được sự phỉnh gạt của lời giải thích ấy, chúng vùng lên ra khỏi đáy giếng và thấy được thế giới có mặt trời, trăng sao, hoa cỏ, tình yêu.

Những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của vô số những người không muốn nhìn lên khỏi đáy giếng tăm tối của họ. Dù chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa, nhất là đã được Ngài cho ăn no thoả, nhưng cái nhìn của họ không vượt lên khỏi bao tử của họ. Khi Chúa Giêsu cho họ ăn bánh no nê và mời gọi họ đến thứ bánh không hư nát, họ đã chối từ Ngài; đôi mắt họ chỉ dán chặt vào thứ cơm bánh chóng qua; họ chỉ hướng đến cái trước mắt.

Đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người. Đức tin ấy chính là ánh sáng chiếu dọi vào đáy giếng tăm tối mà con người đã rơi xuống. Đức tin ấy là sức mạnh lôi kéo con người khỏi cái tăm tối ấy. Đức tin ấy cũng chính là cái nhìn về chân trời đầy ánh sáng Thiên Chúa ban cho con người.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta đức tin ấy. Cảm tạ Chúa đã cứu độ vào lôi kéo chúng ta ra khỏi vùng tăm tối của tội lỗi. Xin cho chúng ta được mãi là con người mới với Đức Kitô Phục sinh, được cùng tiến bước với Ngài để luôn sống như Ngài, nhìn đời bằng chính đôi mắt của Ngài và yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Hãy tin

Đức Giêsu bảo họ:

“Chính tôi là bánh trường sinh.

Ai đến với tôi, không hề phải đói;

Ai tin vào tôi chẳng hề khát bao giờ!” (Ga. 6, 35)

“Hãy cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó”.

“Hãy cho chúng tôi uống mãi thứ nước đó”.

Lúc đó không còn phải vất vả lao khổ nữa! Người Ga-li-lê cũng như người Sa-ma-ri chỉ biết có xin cho, xin cho để Chúa làm những phép lạ cho mình.

Thứ tôn giáo dễ dãi, mê tín dị đoan, ỷ nại, vị kỷ. Thứ tôn giáo làm suy thoái con người cầu đảo, ném tất cả mọi tham vọng của mình vào Thiên Chúa. Họ lợi dụng Thiên Chúa. Họ quên rằng Thiên Chúa đặt đường lối cho họ đến gặp Ngài, đường lối của Thiên Chúa không thể theo đường lối của chúng ta. Ngài luôn luôn đòi ta phải ăn năn sám hối trở về với Ngài để “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Cũng không phải trên trời phải như dưới đất.

Người Do thái cũng không lầm khi tin Đức Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa?”. Và Đức Giêsu cũng chẳng lầm khi trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn là hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến”. Làm là gì? làm ở đây là thực hiện đức tin, là việc nội tâm, là tự tạo mình để tỏ lòng tin, tự đón nhận tận đáy lòng thuận theo chương trình của Thiên Chúa. Thuận theo, vâng phục là một ơn phải cầu xin cho mình chỉ thực hiện trong chân lý, chúng ta phải chứng tỏ chúng ta chân thật trước tôn nhan Chúa, phải vượt qua những ước muốn hời hợt phàm trần bên ngoài như lối cầu xin “xin cho chúng tôi được bánh đó mãi mãi”. Để tiến tới lối cầu xin những điều cần thiết sâu thẳm: xin ánh sáng chân lý chiếu soi, xin được can đảm hy sinh, xin được tận tâm hiến thân. Tận đáy nền của việc cầu nguyện là gắn bó, cam kết, hiệp nhất.

Như thế toàn diện đời sống chúng ta mới có thể đến với Đức Kitô, sống với Người làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa.

Cầu nguyện không phải là trốn trách nhiệm, nhưng xin Chúa giúp mình làm tròn trách nhiệm. Cầu xin hòa bình không phải xin phép lạ, chính là xin để mọi người sáng suốt, can đảm và khả năng xây dựng hòa bình.

Man-na là bằng chứng Thiên Chúa ở với Mô-sê. Bánh hóa nhiều có nghĩa là chính Đức Giêsu là bánh từ Chúa Cha ban cho thế gian được sống vô cùng hơn của ăn vật chất, vì nhờ đức tin vào Người, chúng ta được tham dự vào chương trình Thiên Chúa. Thay vì rước Thánh Thể như một bánh ảo thuật, tín hữu phải nhìn thấy Đức Giêsu đến ban tặng tình yêu cho ta được làm bạn với Người để giải khát cơn đói chân lý, đói sự sống của ta, cho ta được hiệp thông với Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM 4: CẦN LỰA CHỌN CÁCH KHÔN NGOAN (Ga 6,30-35)

Trong nền văn chương Việt Nam, nếu đã từng đi học, hẳn không một ai mà không biết truyện “thằng Bờm”.

Truyện kể rằng: thằng Bờm có cái quạt mo. Khi được một người phú hộ đề nghị đổi trâu, bò, bè gỗ lim, ao thả cá mè, đôi chim đồi mồi, để ông lấy cái quạt mo của thằng Bờm, nhưng Bờm ta vẫn không chịu. Thế nhưng khi người phú hộ đề nghị đổi bằng một nắm xôi, thì Bờm ta lại đồng ý!

Khi thằng Bờm đã đồng ý đổi nắm xôi, phải chăng cho thấy một lối nhận thức hạn hẹp trong sự thực dụng của Bờm. Bờm ta chỉ đủ khả năng để biết no hay đói mà thôi, chứ không hề có những suy tính xa và sâu hơn!

Dân chúng thời Đức Giêsu cũng vậy, họ có cái nhìn và lối sống cũng như lựa chọn không khác gì thằng Bờm trong câu chuyện trên! Vì thế, mới nghe Đức Giêsu nói về một thứ bánh mà khi ăn vào không hề phải đói, thế là họ nhao nhao lên xin Đức Giêsu cách khẩn thiết: “Xin Thầy cho chúng tôi thứ bánh đó luôn mãi”.

Qua lời van xin của họ, chúng ta thấy rõ cái bụng của họ đã lớn hơn cả lý trí, nên nó cũng chi phối luôn cả lựa chọn. Thấy vậy, Đức Giêsu đã trách họ:“Các người tìm Ta không phải vì các người đã thấy dấu lạ, nhưng vì các người đã được ăn bánh no nê”.

Tiếp theo dòng chảy đó, Đức Giêsu đã mạc khải để giúp họ trực tiếp đi vào thẳng nội dung, trọng tâm của vấn đề, đó là: “Chính tôi là Bánh Hằng Sống. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”.

Trong đời sống đạo của chúng ta hôm nay, nhiều khi tin Chúa vì có lợi chứ không phải lòng mến. Chúng ta vẫn cầu nguyện, vẫn đi lễ, đọc kinh thường xuyên, nhưng tin và đón nhận thánh ý Chúa, nhất là khi thử thách, đau khổ và thất bại trong cuộc đời thì lại là chuyện rất khó chấp nhận! Những lúc như thế, phải chăng chúng ta cũng thực dụng không kém những người Dothái và đôi khi chẳng khác gì thằng Bờm trong câu chuyện trên!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng tin vững mạnh, để trong cuộc sống, chúng con biết tìm Nước Trời trước hết, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ ban cho sau. Xin cho chúng con biết đặt ra cho mình những bậc thang giá trị dưới con mắt đức tin, để chúng con không như những người Dothái khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Bánh ban sự sống cho thế giới

Suy niệm :

Man-hu? Cái gì vậy? Đó là câu con cái Israel hỏi nhau

khi thấy manna lần đầu tiên rơi trên mặt đất.

Môsê trả lời: “Đó là bánh Đức Chúa đã ban cho các ngươi làm của ăn.”

Bốn mươi năm Đức Chúa đã nuôi dân của Ngài bằng thức ăn ấy,

trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc cho tới khi họ đến đất Canaan.

Đức Chúa vẫn là Đấng quan tâm đến sinh mệnh của dân.

Qua Môsê, Ngài cho họ manna là bánh từ trời xuống.

Có vẻ những người ở Caphácnaum muốn thách đố Đức Giêsu

làm một dấu lạ lớn lao tương tự như dấu lạ Môsê đã làm (cc. 30-31),

nếu Ngài thật là một vị ngôn sứ như Môsê đã loan báo (Đnl 18, 15).

Hãy ban cho chúng tôi thứ bánh bởi trời như manna ngày xưa.

Đức Giêsu khẳng định không phải Môsê đã cho họ ăn bánh bởi trời.

Chính Chúa Cha đã ban cho dân Israel bánh bởi trời, trong sa mạc.

Và nay Chúa Cha còn muốn ban một thứ bánh mới.

Đức Giêsu long trọng giới thiệu bánh mới này :

“Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (c. 32).

Bánh này là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế giới (c. 33).

Như thế bánh mới này cũng là bánh từ trời,

nhưng không chỉ dành cho dân Israel như manna cũ.

Đây là thứ bánh đích thật dành cho cả thế giới loài người.

“Lạy Ngài, xin cho chúng tôi thứ bánh ấy luôn” (c. 34).

Đây là một sự hiểu lầm của dân chúng đang nghe Đức Giêsu.

Nó tương tự như sự hiểu lầm của người phụ nữ Samari

khi chị xin Đức Giêsu: “Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát” (Ga 4, 15).

Thứ bánh mới Đức Giêsu giới thiệu

không phải là tấm bánh vật chất, ăn được để tránh cái đói tạm thời,

nhưng là tấm bánh thỏa mãn sự đói khát sâu thẳm nơi trái tim.

“Chính tôi là bánh trường sinh,

Ai đến với tôi sẽ không đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ” (c.35).

Đến với và tin vào Đức Giêsu ta sẽ tìm được thức ăn tinh thần.

Lời dạy dỗ của Ngài là bánh từ trời đích thực, vượt hẳn manna xưa.

“Người ta sống không nguyên bởi bánh,

nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 3).

Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa,

nên lời của Ngài sẽ là bánh đem lại sự sống cho bất cứ ai tin.

Tạ ơn Cha đã nuôi chúng ta bằng Tấm Bánh Giêsu, Bánh từ trời xuống.

Chúng ta không phải đi lượm manna mỗi ngày như dân Israel xưa.

Nhưng mỗi ngày chúng ta phải lắng nghe Lời Giêsu để được no đủ.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Thứ tư tuần 3 Phục Sinh

 

Lời Chúa: Ga 6, 35-40

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài.

Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.

 

SUY NIỆM 1: Ý nghĩa của cuộc sống

Một nhà thơ nào đó đã nói lên thái độ bất cần của một số người như sau:

“Cần gì truy nguyên ta từ đâu đến

Lỡ sinh ra rồi, ta chơi đến nơi

Chết rồi đi đâu thì cũng mặc kệ

Trước khi sinh ra có ai hỏi đâu

Lỡ sinh ra đây ta không câu nệ

Từ đâu tới đây, chết rồi về đâu

Ôi thôi mặc kệ”.

Vào thời Chúa Giêsu cũng không thiếu những người sống theo chủ trương mặc kệ ấy. Cái đám đông đi theo Ngài để chỉ được ăn uống nô nê là một điển hình. Họ chỉ biết có của ăn cho thân xác. Nói như thánh Phaolô: “Ðạo của họ là cái bụng”. Là Ðấng Toàn Năng, Chúa Giêsu có thể vung chiếc đũa thần lên để thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu thể lý của con người. Bằng chứng là với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài có thể nuôi sống một đám đông trên năm ngàn người. Nhưng Chúa Giêsu đã không đến trong trần gian để cung cấp một thức ăn chóng hư nát như thế. Ngài đến để làm cho con người được sống và sống sung mãn, và sự sống sung mãn ấy chính là sự sống vĩnh cửu. Của ăn dư dật mà Ngài đã dâng lên từ năm chiếc bánh và hai con cá là dấu chỉ của bánh trường sinh mà Ngài sẽ ban cho con người trong phép Thánh Thể, chỉ có bánh này mới làm cho con người được thỏa mãn trong nỗi khát vọng mà không một lương thực nào trên trần gian này có thể đắp đầy, chỉ có bánh này mới làm cho cuộc sống con người được sung mãn, chỉ có bánh này mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống con người, chỉ có bánh này mới không ngừng khơi dậy nỗi khát khao cõi trường sinh trong lòng người.

Cuộc sống tự nó là một nỗi khao khát khôn nguôi. Mỗi một ngày mới là một chuỗi những khắc khoải mới. Mỗi một ngày mới là một chuỗi những câu hỏi không ngừng được đặt ra cho chúng ta. Những người túng thiếu, những kẻ khốn khổ chung quanh chúng ta không ngừng hỏi chúng ta đã biết yêu thương đến mức độ nào. Cái chết của một người thân không ngừng hỏi chúng ta về cứu cánh của cuộc sống. Cô đơn và khổ đau không ngừng hỏi chúng ta về ý nghĩa của từng biến cố trong cuộc sống. Mỗi ngày sống là một chuỗi những câu hỏi mà chúng ta không thể tránh né được và đi cho đến ngọn nguồn những câu hỏi ấy là những câu hỏi ngàn đời của kiếp người: “Tôi từ đâu đến? Tôi sống để làm gì? Tôi sẽ đi về đâu? Tôi không thể dửng dưng trước sự chất vấn của cuộc sống” Tôi không thể mặc lấy thái độ mặc kệ trước những tra vấn ấy của cuộc sống?”

Chúa Giêsu không những đến để khơi dậy những câu hỏi ngàn đời của cuộc sống: “Phần các con, các con bảo Ta là ai?” Câu hỏi Ngài đã từng đặt ra cho các môn đệ của Ngài cách đây hai ngàn năm. Ngày nay, Ngài cũng không ngừng đặt ra cho mỗi người. Ngài không những tra vấn con người của mọi thời đại, Ngài là giải đáp cho mọi thắc mắc của con người. Ngài là Ðấng đang hiện diện trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta. Ngài đang đồng hành với chúng ta.

Nguyện xin Ðấng Hôm Qua, Hôm Nay, và Mãi Mãi Vẫn Là Một cho chúng ta luôn được tác động bởi sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Sức mạnh Phục Sinh

Vì tôi từ trời mà xuống

Không phải là để làm theo ý tôi,

Nhưng là để làm theo ý Đấng đã sai tôi.

Mà ý của Đấng đã sai tôi

Là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi,

Tôi sẽ không để mất một ai,

Nhưng sẽ cho họ sống lại

Trong ngày sau hết.

Thất vậy ý của Cha tôi

Thì tất cả những ai thấy người Con

Và tin vào người Con

Thì được sống muôn đời,

Và tôi sẽ cho họ sống lại

Trong ngày sau hết. (Ga. 6, 38-40)

Chúng ta đã nhấn mạnh đến giá trị tương quan giữa hai ngôi vị như của nuôi con người: Người ta chỉ có thể sống khi có sự tương quan với nhau, có sự cần tới nhau. Nói cách khác, ai có thể nuôi người khác được thì mới giải thoát được chính mình, mới gắn bó với người khác được.

Đức Giêsu, qua dấu chỉ tấm bánh, quả quyết với chúng ta rằng Người là một thứ của nuôi. Chính Người cam kết với chúng ta rằng: Người ban chính mình cho chúng ta, rằng: Chính mình Người là bằng chứng tình yêu gắn bó của Chúa Cha đối với chúng ta.

Hôm nay, Người cắt nghĩa rõ ràng Người được Đức Chúa Cha nuôi sống, Người sống nhờ Chúa Cha, cho chúng ta có sự sống của Người trong chúng ta. Thiên Chúa đã cam kết với chúng ta và cho chúng ta thấy dấu chỉ của sự cam kết này là chính Đức Giêsu Kitô đến dẫn đưa chúng ta đến sự sống lại: “Tất cả những ai thấy Chúa Con và tin ở Người thì được sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”.

Tóm lại, bất kỳ ai chấp nhận liên đới với chính mình Đức Kitô đều được chúc phúc, được hưởng sức mạnh cứu độ của Người. Đời sống nhân loại của mình sẽ đi tới vô cùng để được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa.

Sự mặc khải này đã làm cho chúng ta hôm nay thấy rằng tiếp xúc với Đức Giêsu Kitô là sức mạnh sự sống lại giúp ta bày tỏ lòng cảm tạ Thiên Chúa. Chúng ta phải biết rằng Đức Giêsu là quà tặng của Chúa Cha ban cho ta để Người đến tái tạo sự hợp nhất con người với Thiên Chúa, để tiêu diệt sự chết và tỏ bày sự sống lại.

Hành động tạ ơn của chúng ta có thể tô điểm cho ta thấy những sự lạ lùng để ý thức sự trung tín, vâng lời và sẵn sàng hiến dâng của Đức Giêsu Kitô đối với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến thực hiện kế hoạch trao ban sự sống đời đời cho loài người.

C.G

 

SUY NIỆM 3: Sống là chính Đức Kitô

Một mục sư nọ kể câu chuyện sau:

Hai người bộ đội vào một giáo đường để trốn các cuộc truy lùng. Khi bước vào giáo đường, họ đe dọa: Ai không bỏ đạo sẽ bị bắn ngay tại chỗ, ai bỏ đạo đứng sang bên phải. Có một số người đứng sang bên phải và được thả về nhà ngay, những người còn lại vẫn hiên ngang chờ đợi cái chết. Khi những kẻ nhát đảm ra khỏi nhà thờ, hai người lính mới hạ súng xuống và ôn tồn nói: “Chúng tôi cũng là Kitô hữu, sở dĩ chúng tôi làm thế, vì chúng tôi muốn biết ai là người thực sự sẵn sàng chết cho đức tin của mình, chỉ những người đó mới đáng tin cậy”.

Sống đức tin có nghĩa là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Đó là đức tin mà Giáo Hội mời gọi chúng ta củng cố khi cho chúng ta lắng nghe đoạn Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chính Ta là Bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”. Duy chỉ mình Ngài mới cho chúng ta sự sống đích thực.

Những người Do Thái đã thấy Chúa Giêsu nhưng họ không tin, thật ra họ đã không thấy gì. Cái nhìn của họ dừng lại nơi những cái chóng qua, họ tìm kiếm Thiên Chúa không phải vì đã tin nhận Ngài, mà chỉ vì chờ đợi được Ngài cho ăn no nê bằng của ăn hư nát. Muốn được thấy Chúa Giêsu, muốn tin nhận Ngài, trước tiên con người cần ra khỏi cái vỏ ích kỷ tham lam của mình. Có sẵn sàng ra khỏi thế giới hẹp hòi của mình, con người mới có thể thấy được Đức Kitô và đi vào thế giới của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Quả thật, chỉ những tâm hồn trong sạch, nghĩa là biết quên đi cái thế giới ích kỷ, phàm trần mới nhìn thấy Thiên Chúa.

Ước gì chúng ta luôn sống kết hiệp với Ngài và nhận ra Ngài trong mọi biến cố cuộc sống, và khi cuộc lữ hành trần gian chấm dứt “Ngài thế nào, chúng ta sẽ được thấy như vậy”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: SỐNG ĐỨC TIN CÁCH TRƯỞNG THÀNH (Ga 6, 35-40)

Tin vào Đức Giêsu có nghĩa là đến với Ngài. Không chỉ dừng lại ở đó, mà chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để đón nhận, tức là thông dự vào sự sống thần linh của Ngài bằng việc đón nhận chính Ngài.

Đây cũng chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).

Tại sao Đức Giêsu phải tuyên bố như vậy? Thưa, bởi vì Ngài thấy lòng trai dạ đá nơi những người Do thái và họ đi tìm Ngài vì của ăn hư nát chứ không phải là của ăn tinh thần, tức là sự sống đời đời.

Lối sống và lựa chọn của người Do thái khi xưa cũng chính là lối sống và lựa chọn của nhiều người trong chúng ta! Nhiều khi chúng ta sẵn sàng bỏ lễ, bỏ nhà thờ chỉ vì mớ rau, củ hành, củ tỏi, con cá, con tôm, hay cũng có khi chỉ vì một nhu cầu nào đó rất tầm thường mà chúng ta sẵn sàng đánh đổi…!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống đức tin cách trưởng thành. Tức là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Quả thật: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Muốn được như thế, chúng ta phải bỏ qua lối sống thực dụng, phải sống vượt lên trên những gì là vật chất, hẹp hòi, ích kỷ của mình. Có thế, con mắt đức tin của chúng ta mới nhận ra những dấu chỉ thiêng liêng và lý trí của chúng ta mới trong sáng để nhận biết điều gì quan trọng, điều gì thứ yếu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho ban chúng con ơn khôn ngoan để chúng con biết lựa chọn điều cần thiết cho sự sống đời đời hơn là những thứ chỉ nuôi được thân xác. Xin cho chúng con biết quý trọng Bánh Hằng Sống chính là Thánh Thể Chúa và siêng năng rước Chúa vào trong linh hồn với trọn lòng mến. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Đến với tôi, tin vào tôi

Suy niệm :

Cuộc sống làm người ở đời chẳng mấy dễ dàng.

Con người lúc nào cũng phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống.

Môi trường sống bị ô nhiễm do bụi, khí thải, tiếng ồn.

Thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày thêm trầm trọng bởi sự biến đổi khí hậu.

Dịch bệnh đủ loại thỉnh thoảng lại bất ngờ bùng phát ở một nơi nào đó

và có nguy cơ lan rộng toàn thế giới.

Khủng hoảng kinh tế lại càng xô đẩy nhiều người đến chỗ đói nghèo.

Chiến tranh vẫn kéo dài giữa một số quốc gia, bộ tộc.

Căng thẳng trong mối quan hệ giữa người với người, ngay trong gia đình.

Có những vấn đề riêng tư mà tự mỗi người không sao giải quyết nổi.

Con người lúc nào cũng phải vất vả trăn trở trước cuộc sống.

Kinh Lạy Nữ Vương gọi trần gian là thung lũng đầy nước mắt.

Chúng ta thuộc Giáo Hội chiến đấu trước khi thuộc Giáo Hội khải hoàn.

Để sống ở cuộc đời chóng qua này một cách tận tụy, nghiêm túc,

để sống như một người con xứng đáng của Trời và Đất,

người Kitô hữu cần nhận được sự đỡ nâng của ơn trên.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chia sẻ phận làm người ở đời như ta.

với đủ mọi cay đắng ngọt bùi của phận người và cái chết trên thập giá.

Ngài mong trở nên bạn được đồng hành của chúng ta

trên đường đời nhiều thách đố, gai chông và cạm bẫy.

Ngài thỏa mãn những khát vọng thâm sâu và thầm kín nhất của ta.

“Ai đến với tôi, sẽ không hề đói.

Ai tin vào tôi sẽ chẳng hề khát bao giờ” (c. 35).

Thiên Chúa Cha muốn gửi gắm chúng ta cho Chúa Giêsu lo liệu.

“Tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai,

nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (c. 39).

Hãy đến với Chúa Giêsu để nhận được sự bảo vệ của Thiên Chúa.

Hãy tin vào Ngài và cùng với Ngài đi trên con đường gập ghềnh,

bạn sẽ đến được quê hương vĩnh cửu đang chờ đợi bạn.

Sự sống vĩnh cửu thực ra đã bắt đầu ngay từ đời này rồi,

khi chúng ta đến với Giêsu với niềm tin tưởng :

“Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời” (c. 40).

Hãy trở thành món quà của Chúa Cha cho Con của Ngài là Đức Giêsu.

Hãy trở thành món quà của Đức Giêsu cho thế giới.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thuong của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Thứ năm tuần 3 Phục Sinh

 

Lời Chúa: Ga 6, 44-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: “Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo”. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha.

Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

 

SUY NIỆM 1: Tin vào Lời Chúa

Rất nhiều khi chúng ta cũng có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa. Nói khác đi, chúng ta thường quan niệm theo mẫu mực và lối suy tưởng riêng của chúng ta, do đó Thiên Chúa mà chúng ta muốn chối bỏ không phải là Thiên Chúa thật: chúng ta chối bỏ vị Thiên Chúa theo quan niệm của chúng ta chứ không phải vị Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta, và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã quả quyết: “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta”. Chúa Giêsu là mạc khải hữu hình của Thiên Chúa vô hình, và Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải hoàn toàn khác với Thiên Chúa mà chúng ta thường quan niệm hoặc tự vẽ ra cho chính mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc thấy lời mạc khải của Chúa Giêsu: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu nói lên sự thật quan trọng và là trung tâm của đức tin Kitô giáo: con người không những phải tin nhận, mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời. Giáo Hội đã trải qua bao thử thách, chống đối, vẫn kiên trì trong niềm tin này: tin vào Lời Chúa và hàng ngày cử hành Thánh Thể để con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức hơn nữa về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể và được có tâm hồn xứng đáng mỗi khi cử hành bí tích Thánh Thể là bảo chứng cho sự sống đời đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Tôi là Bánh Hằng Sống

Tôi là bánh trường sinh.

Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc,

nhưng đã chết.

Còn bánh này là bánh từ trời xuống.

Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời.

Và bánh tôi sẽ ban tặng,

Chính là thịt tôi đây,

Để cho thế gian được sống. (Ga. 6, 48-51)

Tiếp theo bài giảng của Đức Giêsu về bánh ban sự sống dẫn đưa chúng ta chiêm ngắm một tiến độ khác trong hoạt động của Đức Giêsu, chúng ta nhớ đến những tiến triển của bài giảng này dần dần đào sâu đến đoạn này.

Lúc đầu là bánh hóa nhiều. Phép lạ nuôi một đoàn dân chúng dẫn họ đi tìm Đấng đã làm phép lạ. Rồi Đức Giêsu rời xa họ, để vào nơi thanh vắng đêm khuya và hôm sau trở lại với các môn đệ bên kia bờ hồ. Tới đây, Người tiếp tục bài giảng sâu hơn, ý nghĩa hơn. Sự thay đổi nơi chốn thể hiện ý nghĩa thay đổi của bài giảng.

Đức Giêsu đồng hóa mình với thứ bánh mới. Ai liên kết với Người sẽ được sống. Đức Giêsu mặc khải mục đích của sự liên kết này là: Cho con người được sống lại. Hôm nay Người nói cho ta biết: Người sẽ trở nên nguồn sống lại cho chúng ta bằng cách nào? Bằng cách hiến thịt mình cho chúng ta ăn. Ở cảnh này, Đức Giêsu còn nói rõ hơn: “Bánh Tôi ban tặng, chính là thịt Tôi đây để cho thế gian được sống”.

Cho tới nhà Tiệc ly, Đức Giêsu nói: “Đây là mình Tôi bị nộp vì anh em”. Tất cả hoạt động của Người, tất cả mọi sự in ấn trong thịt máu Người với những lao khổ, chống đối, những thao thức, những bước đi cho tới lúc chết: Tất cả là hồng ân ban tặng cho chúng ta.

Đức Kitô đã là Người hiến thân cho tha nhân, không phải chỉ trong ý tưởng hay tinh thần mà còn trong hành động cụ thể sống động để lấy thân xác mình là quà tặng cho muôn dân. Như vậy, ai kết hợp với Người là kết hợp với sự sống mạnh mẽ của Người và biểu lộ ra bằng thân xác, biến thân xác mình thành quà tặng ban sự sống như Đức Giêsu.

Phần chúng ta, được thông phần thịt máu Người và được tham dự sự sống lại của Người, đó là thực hiện thánh ý và việc làm của Đức Kitô để sẵn sàng hiến thân mình làm quà tặng cho tha nhân theo gương Người, với tất cả lao khổ, thống khổ của ta để làm tôi tớ mọi người.

Tế lễ của chúng ta là thực hiện những điều đó.

C.G

 

SUY NIỆM 3: Thịt Máu Chúa Giêsu

Ở cổng nhà Dòng nọ có cậu bé bị bỏ rơi, một Thày dòng đã đem về nhà dòng nuôi. Với thời gian, cậu bé lớn lên, khôn ngoan và tinh nghịch. Vốn tính nghịch ngợm, cậu bé bị cấm không được leo lên kho trên gác. Nhưng vì tò mò, ngày nọ Marxellino đã leo lên gác. Cậu sửng sốt khi thấy có một người khổng lồ bị treo trên Thánh giá. Nghĩ rằng người này đang đói, nên ngay đêm đó, Marxellino đã lẻn vào bếp ăn cắp bánh và rượu đem lên cho người bị treo trên Thánh Giá. Từ đò, ngày ngày cậu bé cứ âm thầm tiếp tế lương thực cho con người khốn khổ ấy. Thế rồi, một ngày người khổng lồ ấy xuống khỏi Thánh Giá, đến bên cạnh cậu bé và hỏi: “Con thích điều gì nhất”. Cậu bé đáp: “Con muốn được thấy mẹ con”. Người khổng lồ liền nói: “Con hãy nhắm mắt lại và ngủ say”. Ngày hôm sau, các tu sĩ trong nhà không thấy Marxellino nữa, họ đi tìm và này cậu bé đã chết trong vòng tay của Chúa Giêsu trên Thánh giá.

Đối với Marxellino trong câu chuyện trên, bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói với Chúa Giêsu: “Con yêu mến Chúa”, “Con muốn được chăm sóc Chúa”.

Còn đối với Chúa Giêsu, bánh và rượu Ngài ban qua Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình yêu hiến thân để trở thành lương thực nuôi sống chúng ta, và Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận.

Mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài trong Thánh Thể, con người mới có thể mở rộng trái tim và đôi bàn tay để đón nhận Ngài nơi tha nhân. Chúa Giêsu là Bánh từ trời xuống để lôi kéo con người lên với Chúa Cha, người tín hữu tiếp nhận Ngài trong Thánh Thể cũng được sai đến với tha nhân và lôi kéo họ về với Thiên Chúa. Chia sẽ sự sống thần linh nơi bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu được mời gọi chia sẻ cơm bánh hàng ngày với tha nhân. Và kỳ diệu thay, chính khi chia sẻ với tha nhân, người tín hữu cảm nhận được sự sống trường sinh và hạnh phúc đích thực tràn ngập tâm hồn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: BÁNH TRƯỜNG SINH LÀ ĐỨC GIÊSU (Ga 6,44-52)

Có một câu chuyện kể rằng: hai người yêu nhau tha thiết, nhưng chàng trai có lệnh lên đường đi nhập ngũ trong thời chiến. Bạn gái rất đau khổ, vì không biết đi như vậy, liệu có sống xót trở về không? Vì thế, nàng khóc lóc thảm thiết! Tuy nhiên, lệnh đã được ban, chàng không có cách nào khác, đành lòng rời xa nàng để đi thi hành nhiệm vụ. Trước khi chia tay, chàng tặng nàng một chiếc khăn mùi xoa với hoa văn thêu rất đẹp. Nàng trân trọng đón nhận và lưu giữ kỷ vật ấy như là vật thiêng thánh, và thi thoảng bỏ ra xem. Mỗi lần nhìn thấy khăn đó, nàng có linh cảm như chàng đang ở trước mặt mình. Vì thế, nàng có thể cười hay khóc rất tự nhiên, khiến nhiều người không khỏi thắc mắc!

Như vậy, qua câu chuyện trên, chúng ta thấy cô gái có một niềm tin mãnh liệt rằng: chiếc khăn ấy chính là hiện thân của người yêu mà mình hết mực thương mến.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi dân chúng tin vào mình. Chỉ khi tin vào Ngài thì những lời Ngài dạy, mọi việc Ngài làm mới thực sự có giá trị đối với họ. Vì “ai tin thì được sự sống đời đời”.

Thật vậy, tin là điều kiện cần phải có để được lãnh nhận hiệu quả siêu nhiên. Nếu không tin, mọi chuyện trở nên vô bổ vì không có sự tương tác.

Khi mời gọi dân chúng tin vào mình để được sống đời đời, Đức Giêsu đã dần dần khai mở và dẫn họ đến xác tín vào Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này.

Lời xác định “Tôi là bánh trường sinh” là lời mạc khải rất đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Bởi vì đây là lời quả quyết cụ thể, chính xác, chắc chắn.

Vì thế, ngày nay, nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ niềm tin vào sự hiện diện toàn vẹn của Đức Giêsu nơi hình bánh và hình rượu. Từ đó, chúng ta yêu mến, cung kính và đón nhận để chúng ta được sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Thịt Chúa thật là của ăn, Máu Chúa thật là của uống. Xin cho chúng con và mọi người biết siêng năng tôn thờ sự hiện diện của Chúa nơi Bí tích cao trọng này, để như một bảo chứng cho sự sống mai ngày trên Thiên Quốc. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Chúa Cha lôi kéo

Suy niệm :

Sống ở đời là phải chịu nhiều sự lôi kéo.

Thời nay sự lôi kéo lại càng mạnh mẽ và thô bạo.

Có sự lôi kéo của khuyến mãi, giảm giá,

khiến ta vui vẻ mua cả điều không cần.

Có sự lôi kéo của những sản phẩm thuộc đời mới hơn, nhiều chức năng hơn,

khiến chúng ta mê mải chạy theo và rượt đuổi không ngừng.

Có sự lôi kéo của hình ảnh quảng cáo, của thời trang, của sách báo,

khiến chúng ta chẳng làm chủ được cái nhìn, và dễ đi đến chỗ phạm tội.

Để chống lại được sự lôi kéo bên ngoài cần có nội lực bên trong.

Nhiều người sa ngã vì bị kéo bên ngoài, mà bên trong không vững.

“Không ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha,

Đấng sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44).

Đức Giêsu khẳng định về sự lôi kéo của Chúa Cha trong đời từng người.

Cha lôi kéo chúng ta về phía Con của Ngài là Đức Giêsu,

bất chấp những lôi kéo ngược lại đến từ phía thế gian, ma quỷ, xác thịt.

Nếu chúng ta để cho Cha kéo đi mà không cưỡng lại,

thế nào ta cũng đến được với Giêsu.

Và Giêsu lại là Con Đường tuyệt vời dẫn ta đến với Cha.

“Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 13, 6).

Như thế Cha đưa ta đến với Con :

“Này là Con ta yêu dấu… hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5).

Và Con đưa ta lại cho Cha

để hưởng sự sống đời đời trong ngày sau hết.

Cuộc sống người Kitô hữu là cuộc sống giữa những lôi kéo, giằng co,

giữa chính và tà, giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và Xatan.

Tâm hồn con người là hiện trường của những cuộc giao đấu không ngơi nghỉ.

Hãy để cho Cha lôi kéo bằng cách nghe và đón nhận giáo huấn của Cha.

Lời dạy dỗ của Cha có khi chỉ nghe được trong thầm lặng.

Lời ấy đưa ta đến với Giêsu, Đấng duy nhất thấy Cha, biết Cha (c. 46).

Hãy tin vào Giêsu để được Sự Sống vĩnh cửu (cc. 44. 47).

Hãy ăn Tấm Bánh Giêsu để được Sự Sống ngay từ đời này (c. 51).

“Khi nào tôi được giương cao lên khỏi đất,

tôi sẽ lôi kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12, 32).

Hãy để Giêsu lôi kéo chúng ta khỏi sự tầm thường của cái tôi ích kỷ.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,

Chúa đã muốn trở nên con của loài người,

con của trái đất, con của một dân tộc.

Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa

dù họ từ khước Tin Mừng

và đóng đinh Chúa vào thập giá.

Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,

một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu

sau những năm dài chiến tranh,

một quê hương đang mở ra trước thế giới

nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc

và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.

Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên

trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,

nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,

và làm một điều gì đó thật cụ thể

cho những đồng bào quanh chúng con.

Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước

bằng khối óc, quả tim và đôi tay.

Và ước gì chúng con biết khiêm tốn

cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Thứ sáu tuần 3 Phục Sinh

 

Lời Chúa: Ga 6, 53-60

Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.

Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.

 

SUY NIỆM 1: Con đường hiến thân

Bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ, Nga đã đưa du khách đầu tiên vào không gian. Vị du khách này là một triệu phú người Mỹ, tên là Dennis Titô. Ông Titô đã rời căn cứ phi thuyền không gian vào tối thứ Bảy tháng 4 năm 2001 và được đưa lên trạm không gian quốc tế.

Sở dĩ cơ quan không gian Hoa Kỳ là NASA phản đối chuyến đi này là vì cho rằng ông Titô có thể gây ra nguy hiểm cho các phi hành gia trên trạm không gian quốc tế. Tuy nhiên, cơ quan không gian của Nga cam đoan rằng sứ mạng của ông Titô sẽ được bảo đảm trong suốt chuyến du hành vào không gian. Ðược biết, vé du lịch không gian của ông Titô là hai mươi triệu mỹ kim.

Phải bỏ ra một số tiền kếch xù như thế để ra khỏi trái đất tìm một chút cảm giác thoát tục để trở thành một con người nổi tiếng quả là điều không cân xứng. Trong khi con người muốn bay lên trời cao bằng những phương thế và xác thịt riêng của mình, thì Ðấng từ trời cao đã xuống trần gian, để chỉ cho con người cách thế đúng đắn nhất để lên trời cao.

Thật ra khoảng không gian mà con người có thể bay lên được chỉ là vô nghĩa so với cõi trời cao từ đó Ngài đưa con người xuống; và con đường Ngài mở ra để cho con người ra khỏi trời cao ấy hoàn toàn trái ngược lại với con đường mà con người tự vạch ra. Con đường mà Ngài đã khai thông là con đường của tự hạ, hy sinh, quên mình và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân. Với Ngài, chỉ khi nào thoát khỏi mọi thứ vướng bận của trần tục, con người mới có thể nhẹ nhõm để bay lên khỏi trời cao. Trở thành tấm bánh và được bẻ ra để trao ban cho con người, Ngài đã đi cho đến tận cùng con đường đã hiến thân, Ngài đã chỉ ra cho con người con đường đích thực của sự siêu thăng. Tiếp rước Ngài, ăn lấy tấm bánh là chính Ngài, con người đón nhận sự sống của Ngài để rồi chia sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ bằng con đường hiến thân vô vị lợi, con người mới tìm lại được bản thân mà thôi.

Với những tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thế giới sâu xa này càng thu hẹp với con người, khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng ngắn lại, đường lên không gian cũng được mở ra. Tuy nhiên, khoảng cách giữa người với người càng ngày càng lớn hơn. Cách biệt giữa giàu nghèo ngày càng vời vợi, con người đi vào không gian và cũng ngày càng xa cách nhau. Người nghèo Lazarô quằn quại bên cửa nhà hay ngay cả dưới gầm bàn ăn mà người giàu có cũng nhìn thấy. Chúa Giêsu đến để xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người, Ngài ngồi đồng bàn với những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài kết thân với những người tội lỗi, Ngài chịu đồng hóa với những người nghèo hèn và khẳng định rằng trong ngày sau hết, chính dựa trên cách cư xử với người nghèo hèn mà con người sẽ được xét xử.

Nguyện xin lương thực thần linh mà chúng ta đón nhận trong bí tích Thánh Thể bồi bổ chúng ta trong cuộc cử hành trần thế, để chúng ta luôn tiến bước trong hân, tin tưởng và quảng đại.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Ngôn ngữ Lễ Hy Sinh

Người Do-thái liền tranh luận với nhau. Họ nói:

“Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”.

Đức Giêsu nói với họ:

“Thật, tôi bảo thật các ông

nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người,

các ông không có sự sống nơi mình

Ai ăn thịt và uống máu tôi,

Thì được sống muôn đời

Và tôi sẽ cho người ấy sống lại

Vào ngày sau hết. (Ga. 6, 52-54)

Những vấn nạn về tiệc Thánh Thể, về Mình và Máu Thánh Đức Kitô vẫn khó giải đáp. Chúng ta hiểu theo ngôn ngữ thực tế ư? “Ăn thịt Ta và uống máu Ta” là vây quanh một xác chết, là tiêu hóa những miếng thịt của một cơ thể loài người từ hai ngàn năm nay sao? Dứt khoát là không.

Ngược lại với lối giải thích trên, người ta hiểu theo nghĩa biểu tượng: “Ăn thịt Ta và uống máu Ta” chỉ là nhớ đến thịt và máu Đức Giêsu, tức là nhớ đến đời sống của Người, đến sinh hoạt của Người để gợi cảm hứng.

Đối với tôi, lời Đức Kitô rất rõ nét và súc tích. Tôi yêu lối giải thích cho bạn về lời Đức Kitô theo ngôn ngữ tế lễ hy sinh. Chúng ta được linh ứng theo lối giải thích của Kinh thánh để hiểu sự phân phát Mình thánh Đức Kitô.

Sự thông phần trong các lễ hy sinh, có sự phân phát của ăn cho các người tham dự. Của ăn đó là thịt con chiên hay con bê. Người ta lấy máu nó rảy trên dân chúng và dành một phần thiêu nó trên bàn thờ, một phần phân phát cho người dự lễ.

Phần dâng lên thì thuộc về Thiên Chúa với lời chúc tụng của dân chúng, điều đó có nghĩa là dân chúng nhận biết hồng ân Thiên Chúa và những việc lạ lùng Ngài làm cho dân.

Nhưng việc tế lễ đó không chỉ là do động lực của con người. Thiên Chúa tự mình nêu lên ý nghĩa cho những cử chỉ hy tế này. Hy tế trình bày quyền phép của Thiên Chúa trong hành động và khêu gợi cho con người đến tham dự.

Nguyên lý quan trọng nhất của tế lễ Thánh Thể không phải chúng ta làm cho Thiên Chúa xuống trong những dấu chỉ, nhưng chính Thiên Chúa đến với chúng ta, cho chúng ta được ở trong Ngài, cho chúng ta được liên kết với Ngài, được giao ước với Ngài.

Chúng ta vẫn còn được mời gọi tham dự vào tế lễ Thánh Thể này.

 

SUY NIỆM 3: Sống bằng sự sống của Thiên Chúa

Triết gia Nietzsche của Đức đã cho rằng: Kitô giáo là vong thân. Con người càng tin tưởng nơi thần linh, con người càng đánh mất chính mình. Như vậy để cho con người đừng thẳng lên như một con người, cần phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con người”.

Thật ra, con người không thể loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, vì làm như thế con người sẽ chuốc lấy chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy của cái chết, loại bỏ Thiên Chúa là tự hủy diệt. Con người không thể sống mà không cần Thiên Chúa, đó là bản chất Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người, đi ngược với bản chất ấy là đi vào cõi chết.

Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy, Chúa Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, chỉ trong Ngài con người mới thấy được Thiên Chúa. Ngài đã nói với các môn đệ: “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta”, “Ta và Cha Ta là một”. Bởi vì con người chỉ có thể sống nhờ Thiên Chúa, bởi vì Chúa Giêsu và Chúa Cha là một, cho nên để sống thật sự, con người phải sống bằng chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống”. Tuyên bố điều đó, Chúa Giêsu cũng loan báo chính cái chết của Ngài. Thật thế, vừa xác quyết mình từ trời xuống nghĩa là bởi Thiên Chúa mà ra và là chính Thiên Chúa, vừa tự xưng là lương thực cần thiết cho con người, Chúa Giêsu đã đọc lên chính bản án của Ngài. Người Do Thái đã giết Ngài vì Ngài tự xưng là Thiên Chúa nghĩa là Ngài đã lộng ngôn. Như vậy cái chết của Ngài trên thập giá là một mạc khải Thiên tính của Ngài.

Bí tích Thánh Thể, vì là tưởng niệm cái chết ấy, nên cũng là một bày tỏ và tuyên xưng Thiên tính của Chúa Giêsu. Chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban cho con người như lương thực để con người được sống. Khi tiếp nhận Chúa Giêsu trong Thánh Thể, người tín hữu tuyên xưng rằng con người không thể sống mà không có Thiên Chúa. Chỉ có sức sống thần linh mới làm cho con người được sống và sống dồi dào. Thế nhưng lương thực trường sinh mà người tín hữu đón nhận trong Thánh Thể cũng là một cam kết. Tuyên xưng rằng con người chỉ có thể sống bằng sự sống của Thiên Chúa, người tín hữu cũng phải sống thế nào để cuộc sống của họ là một bằng chứng của sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong con người. Sức sống của Thiên Chúa mà con người cần đến sẽ được tỏ hiện qua niềm vui, tình huynh đệ, lòng quảng đại, sự tha thứ trong cuộc sống người tín hữu.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG (Ga 6,53-60)

Tin Mừng hôm nay trình thuật lời tuyên bố của Đức Giêsu về một vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới Ngài và tới tất cả những ai tin Ngài, đó là “Bánh Hằng Sống”. Ngài không nói quanh co bóng gió, nhưng rõ ràng minh bạch: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Khi tuyên bố như thế, ngay sau đó, Ngài liền khẳng định: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).

Như một sự tiệm tiến, Đức Giêsu không chỉ ao ước, cũng như không chỉ có ý định trở thành lương thực cho con người, nhưng Ngài còn thực sự muốn và thực hiện điều đó. Vì thế, Ngài nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”; “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x. Ga 6, 54-56).

Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu cho thấy, lương thực Ngài ban tặng chính là lương thực Thần Linh, hoàn toàn khác biệt với những thứ lương thực trong đời thường, bởi vì Bánh mà Đức Giêsu trao ban chính là Ngài.

Khi trao ban cho con người chính bản thân mình, Đức Giêsu mong muốn được trở thành nguồn nuôi sống và nhất là thông truyền sự sống Thần Linh của Ngài cho nhân loại. Sự liên kết này được thể hiện qua việc ăn Thịt và uống Máu Chúa trong niềm tin. Chính vì thế, thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Côrintô: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”.

Nói như thế, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến việc chuẩn bị và ý thức cách xứng đáng để tương xứng với hồng ân cao trọng mà vì yêu, nên Đức Giêsu sẵn sàng trao hiến cho con người.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con hiểu được sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể và ý thức được giá trị của việc đón nhận Mình Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Nhờ tôi mà được sống

Suy niệm :

Tin Mừng theo thánh Gioan không viết về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể,

nhưng lại giải thích cách sâu xa cho chúng ta về ý nghĩa của bí tích ấy

đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay.

Câu 51 là một bước chuyển quan trọng

trong bài giảng của Đức Giêsu về Bánh hằng sống ở chương 6:

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.

Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Lần đầu tiên thịt được nhắc đến trong bài giảng này.

Thịt của Đức Giêsu chính là bánh từ trời được ban cho thế gian.

Ngôi Lời đã vào đời làm người, đã thành thịt (Ga 1, 14).

Bây giờ chính thịt ấy lại được trao ban cho con người như bánh hằng sống.

Đức Giêsu không bằng lòng với chuyện nuôi một số người bằng bánh và cá.

Điều đó chỉ làm giảm cơn đói thân xác trong một thời gian.

Ngài muốn nuôi cả thế giới bằng chính sự sống thần linh ở nơi Ngài,

nuôi bằng trọn cả con người Ngài, nuôi bằng chính thịt và máu Ngài.

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu.

Và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54).

Ăn thịt và uống máu một người là điều làm người Do thái ghê sợ.

Chúng ta chỉ hiểu được những lời trên đây trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly,

khi Đức Giêsu mời các môn đệ ăn bánh và uống rượu Ngài trao

mà Ngài lại nói: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy.

Đức Giêsu muốn trao cho nhân loại sự sống của Ngài

qua thức ăn, thức uống bình thường của con người là bánh và rượu.

Sự sống vĩnh cửu đã hé nở ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau.

Hãy đến ăn và uống lương thực thần linh Ngài dọn cho ta.

Hãy đến với lòng tin và sự trân trọng trước món quà quý giá.

Nhưng dự tiệc Thánh Thể không phải chỉ là đến với thịt và máu Chúa,

mà còn là gặp gỡ tiếp xúc với một ngôi vị là chính Đức Giêsu.

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi

thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c. 56).

Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm giữa hai ngôi vị.

“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,

thì kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (c. 57).

Rốt cuộc, qua việc ăn uống mình máu Chúa,

chúng ta được tham dự vào mối tương quan thân tình giữa Cha và Con.

Chúng ta được sống bằng cùng một dòng sự sống xuất phát từ Cha.

Chúng ta được diễm phúc chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.

Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ bùa chú hay đũa thần.

Ai càng mở lòng mình ra để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt,

thì càng thấy mình được biến đổi và được giàu có muôn ơn.

Trong mỗi thánh lễ, chúng ta được mời gọi đón lấy Bánh hằng sống,

Tấm Bánh Lời Chúa và Tấm Bánh Mình Chúa.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

Chúa là thức ăn, thức uống của con.

Càng ăn, con càng đói;

càng uống, con càng khát;

càng sở hữu, con lại càng ước ao.

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con

hơn cả tầng mật ong,

vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,

vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài ?

Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,

con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,

đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,

vì con không muốn từ bỏ

những thói quen của con

để ngủ yên trong tay Chúa.

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,

ca ngợi và tôn vinh Chúa,

bởi đó là sự sống đời đời cho con. Amen. (Ruy Broeck)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Thứ bảy tuần 3 Phục Sinh

 

Lời Chúa: Ga 6, 60-69

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống.

Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa.

Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”.

 

SUY NIỆM 1: Biết chọn lựa

Trong những ngày vừa qua, nhiều người Mỹ đã tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát tại trường trung học Litaton, bang Colorado vào năm 1999. Cuộc thảm sát không những làm cho người Mỹ mà cả thế giới đều bàng hoàng, sửng sốt. Bàng hoàng, sửng sốt bởi vì đây không phải là cuộc thảm sát đầu tiên xảy ra như thế tại một trường học ở Mỹ, mà nằm trong một dây chuyền bạo động diễn ra hầu như theo một chu kỳ khó hiểu. Trong những năm gần đây, cứ vài ba năm lại xảy ra một vụ bắn giết như thế. Nạn bắn giết như thế cũng đã lan tràn sang Úc và một số nước khác.

Trong thư mục vụ công bố vào tháng 11/1994, các Ðức Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động điều mà các ngài gọi là một nền văn hóa bạo động, được nuôi dưỡng bằng truyền thông, âm nhạc và không biết bao nhiêu trào lưu chối bỏ sự sống khác. Nhưng bạo động từ đâu mà đến, bởi đâu mà con người có thể trở thành bạo động để hãm hại và loại trừ người khác. Hai cậu học sinh tại trường trung học Litaton đã có thể tính toán chi li cuộc sát hại và đã có thể cười cợt trên chết chóc, có lẽ cũng chẳng khác bao nhiêu so với một Milosevich và vô số người Serbi đứng đằng sau ông với chủ trương tàn sát và diệt chủng đối với người gốc Albani tại Kosovo.

Quả thật, chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm của sự dữ. Bạo động, sự dữ, tội ác vốn là một bí ẩn của loài người. Mùa Phục Sinh, chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết. Ðồng thời suy nghĩ về cuộc song đấu giữa thiện và ác, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động, giữa ân sủng và tội lỗi. Một cuộc song đấu như thế đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Mỗi một giây phút của cuộc sống là một chọn lựa giữa thiện và ác, giữa ân sủng và tội lỗi, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động, giữa Chúa Kitô và ác thần. Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về chọn lựa ấy. Sự chọn lựa ấy lại được xây dựng trên chính sự chọn lựa của Chúa Giêsu.

Với quyền năng của một Thiên Chúa, Ngài đã nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống một đám đông trên năm ngàn người. Cơn cám dỗ đầu tiên trong sa mạc hẳn đã trở lại với Ngài, chỉ cần vung cây đũa thần, Ngài đã có thể giải quyết nhiều vấn đề cơ bản của xã hội. Nhưng Chúa Giêsu đã không đến để mang lại cơm bánh bằng một giải pháp dễ dãi ấy. Ngài đến trước tiên là để cho con người được sống và sống dồi dào. Ngài đến để mang lại sự sống trường sinh cho con người. Ngài đến để chỉ cho con người biết rằng mục đích của cuộc sống này không phải là cơm bánh hay của cải chóng qua, mà là cuộc sống vĩnh cửu. Ngài đến để nhắc nhở cho con người rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng những lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Khước từ giải pháp dễ dãi của loài người, Chúa Giêsu đã chọn lựa thập giá và đã đi cho đến cùng sự lựa chọn của Ngài. Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha: cái chết của Ngài trên thập giá đã bày tỏ được ý nghĩa và cứu cánh của cuộc sống con người. Con người chỉ thực sự sống cho ra người khi nó thuộc trọn về Thiên Chúa và sống theo những giá trị vĩnh cửu. Ðám đông đã bỏ đi và nhiều môn đệ khác cũng rút lui, chỉ còn lại nhóm Mười Hai, mà người đại diện là thánh Phêrô, bày tỏ sự lựa chọn dứt khoát: “Bỏ Thầy, chúng con biết đến với ai. Chỉ có Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời”. Sự lựa chọn ấy cũng bao hàm cái chết mà tất cả các tông đồ đều trải qua. Chọn lựa theo Chúa là chọn lựa thập giá của Ngài, mỗi một giây phút là một chọn lựa.

Nguyện xin Chúa gia tăng niềm tin và ban sức mạnh để chúng ta mãi mãi được thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai, vì Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Đức tin vượt lên trên mọi lý luận

Khởi đầu cho hành trinh đức tin là sự hiểu biết, nhưng đức tin phải vượt xa sự hiểu biết. Chỉ thuần túy là hiểu biết thì không thể gọi là tin và nhiều khi đức tin còn nghịch lại với hiểu biết. Đức tin đòi con người vượt trên mọi lý luận để xả thân chấp nhận như một liều lĩnh.

Có một người vô thần, bị rơi từ đỉnh núi cao xuống vực thẳm. May thay là giữa chừng có một lùm cây cản anh lại. Hai tay giữ chặt lùm cây, nhìn lên chẳng có ai, nhìn xuống là vực thẳm, anh mới cất tiếng kêu cứu: “Nếu quả thật có Thiên Chúa quyền năng vô biên, xin Ngài hãy ra tay cứu tôi, tôi xin tin”. Một giọng nói đáp lại: “Nếu anh thật lòng tin, anh hãy buông tay ra”. Người vô thần thầm nghĩ: Làm sao mà buông được, trèo lên chẳng được, buông tay thì rơi xuống vực thẳm, làm sao giữ được mạng sống, và anh hỏi lại: “Thật sự có Ngài ở đó không?” Nhưng không một lời đáp trả, chỉ còn có tiếng của anh vang vọng giữa núi rừng, cơ hội cho anh có đức tin đã qua.

“Lời gì mà sống sượng thế”, hoặc “Có Ngài ở đó không”, đấy là những phản ứng trước lời mời gọi tin. Nếu chỉ thuần túy lỳ luận và đòi hỏi bằng chứng, thì chẳng bao giờ gặp được niềm tin. Quá đòi hỏi một hiểu biết cụ thể, con người khó chấp nhận Thịt Máu Chúa Giêsu làm lương thực nuôi dưỡng thì họ sẽ thế nào khi thấy Con Người lên nơi Ngài đã ở trước. Chưa cảm nhận được những điều cụ thể như thức ăn của uống, thì làm sao có thể cảm nhận được vinh quang của Ngài. Chưa chấp nhận được điều thuộc tinh thần mang hình thức vật chất, thì làm sao nói đến những điều thuần túy tinh thần.

Chính vì không tin, nhiều người đã bỏ không theo Chúa Giêsu nữa, chỉ còn nhóm 12 vẫn tin và theo Chúa, mặc dù cho đến lúc đó họ vẫn không hiểu lời giảng dạy của Ngài. Nói thế không phải là các ông tin và theo một cách mù quáng, nhưng là phó thác vì xác tín rằng chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống.

Trước những biến cố cuộc sống xem ra đòi hỏi một sự đáp trả bằng niềm tin, ước gì chúng ta cũng biết đáp trả không phải bằng sự bỏ đi, nhưng bằng lòng quảng đại trung thành vì biết rằng không gì ở ngoài thánh ý Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Những kẻ còn lại

Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?” Ông Si-mon Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga. 6, 67-69)

Trong Tin mừng theo thánh Gio-an, sau một phép lạ hay một dấu chỉ là tiếp đến một bài giảng giải thích, thính giả hay khán giả tiếp thu với thái độ lựa chọn trước đức tin, chấp nhận hay từ chối lời chứng của Đức Kitô. Lúc đầu thường bày tỏ thái độ hăng hái theo Đức Giêsu, sau đó lại tỏ ra bất mãn về sự đòi hỏi phải tin vào Đức Giêsu.

Phúc cho ai biết đi theo Người vì họ không thể chống cự lại mạc khải của Đức Kitô: Phúc cho họ vì họ không biết thoái thác! Phúc cho họ biết chọn lựa rõ ràng và không bị cuốn theo lười biếng!

Phúc hơn nữa cho ai sau khi nghe một loạt những lời của Đức Giêsu mà không còn bỏ Người ra đi, vì họ biết chỉ có một lý do độc nhất là sống theo Đức Giêsu và đặt hết tin tưởng và hy vọng của mình vào Người.

Bài giảng về bánh hằng sống được đọc lại cho chúng ta nghe trong tuần đã dẫn đưa các môn đệ phải biết chọn lựa theo Đức Giêsu. Có phải sự chọn lựa này đặt trên nền tảng lý luận tỉ mỉ kỹ lưỡng không? Không cần thiết đâu, chỉ cần ưng thuận theo Đức Kitô với lòng cảm mến hơn là lý trí. Chúng ta nhận biết một người nào đó, chúng ta liên đới với họ, và không muốn rời họ. Những người lính được sai đi bắt Người đã nói: “Không có ai ăn nói như người này bao giờ”.

Trái lại, nhiều người đã bị cám dỗ bỏ trốn theo lý trí, quyền lợi, luật lệ khi phải quyết định.

Bài giảng của Đức Giêsu cùng một mạch văn phản ảnh toàn thể tinh thần Tin mừng: Một tinh thần thuần túy điên dại trước mắt thế gian, nhưng lại là sự khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa.

Những người còn lại theo Đức Giêsu đã đặt tin tưởng hoàn toàn vào Người.

 

SUY NIỆM 4: Xác Tín Niềm Tin

Vụ thảm sát ở tiểu bang Colorado Hoa Kỳ không những làm cho người Mỹ mà còn cho cả thế giới bàng hoàng sửng sốt. Bàng hoàng sửng sốt vì đây không phải là vụ thảm sát đầu tiên xảy ra như thế tại một trường học ở Mỹ, mà hay diễn ra theo một chu kỳ bạo động. Ðó là một điều thật khó hiểu, vì trong những năm gần đây thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ thảm sát như thế.

Trong lá thư mục vụ công bố vào năm 1994, các Ðức Giám Mục đã lên tiếng báo động được nuôi dưỡng bằng truyền thông âm nhạc, và không biết bao nhiêu trào lưu chối bỏ sự sống khác được thực hiện. Nhưng bạo động từ đâu mà đến? Bởi đâu con người có thể trở thành bạo động thảm hại và loại trừ người khác?

Hai cậu học sinh trung học tại Colorado có thể tính toán chi li về việc sát hại và đã có thể cười cợt trên chết chóc; có lẽ cũng chẳng khác bao nhiêu so với vô số những người Serbia đang đứng đàng sau để chủ trương tàn sát những người gốc Albani tại Kosovo. Quả thật chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm của sự dữ, vì bạo động là sự dữ.

Trong mùa Phục Sinh, chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của Ðức Kitô trên tội lỗi và sự chết, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về cuộc song đấu giữa hòa bình và bạo động, giữa ân sủng và tội lỗi. Một cuộc song đấu như thế đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta, mỗi phút giây trong cuộc sống là một cuộc chọn lựa giữa lành và dữ, giữa điều thiện và ác, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động.

Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta sự chọn lựa, và sự chọn lựa ấy được xây dựng trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Với quyền năng của Thiên Chúa, Ngài đã dâng bánh và cá để nuôi sống một đám đông hơn 5,000 người. Cơn cám dỗ đầu tiên rong sa mạc đã trở lại với Ngài, Ngài chỉ cần vung cây đũa thần là có thể giải quyết được mọi khó khăn của xã hội, nhưng Chúa Giêsu không mang lại cơm bánh bằng một giải pháp dễ dàng ấy.

Do đó, điều trước tiên là Ngài đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Ngài đến để mang lại sự sống trường sinh cho con người. Ngài đến để chỉ cho con người biết rằng mục đích của cuộc sống không phải là cơm bánh hay của cải chóng qua mà là cuộc sống vĩnh cửu. Ngài đến để nhắc nhở cho con người biết rằng: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh nhưng bằng những lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Khước từ giải pháp dễ dãi của loài người, Chúa Giêsu đã chọn lựa Thập Giá và đi đến cùng sự chọn lựa của Ngài, Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, vì chính cái chết của Ngài trên Thập Giá bày tỏ được ý nghĩa và cứu cánh của cuộc sống con người. Con người chỉ thực sự sống cho ra người cốt là để thuộc trọn về Thiên Chúa là sống theo sự sống vĩnh cửu ấy.

Khi Chúa Giêsu đã nói đến sự trọn lành của Ngài, đám đông đã bỏ đi và nhiều môn đệ khác cũng rút lui (Ga 6,66), chỉ còn lại nhóm mười hai mà người đại diện là thánh Phêrô; thánh nhân đã bày tỏ sự chọn lựa một cách dứt khoát: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì chỉ có Thầy mới mang lại sự sống đời đời” (Ga 6,67-68). Sự chọn lựa ấy cũng mang lại cái chết mà các Tông Ðồ đều đã trải qua. Theo Chúa là chọn lựa Thập Giá của Ngài, các thánh Tử Ðạo Việt Nam đã hiểu rõ giá trị ấy, nên các ngài đã chọn lựa cái chết chứ không bỏ Thập Giá Chúa Kitô.

Mỗi một giây phút là một chọn lựa, nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin và gia tăng sức mạnh để chúng ta mãi mãi được thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Bỏ Ngài chúng con biết theo ai?” Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 5: “CHÚNG CON CÓ MUỐN BỎ THẦY MÀ ĐI KHÔNG?” (Ga 6,61-70)

Lịch sử Giáo Hội vào những thế kỷ đầu, người Công Giáo gặp muôn vàn khó khăn do hoàng đế Rôma gây nên. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi khó khăn đó!

Tuy nhiên, sự cương trực, thẳng thắn và dứt khoát đã làm cho các bậc anh hùng, tổ tiên của chúng ta trung thành với Chúa cách trọn vẹn.

Nói về sự can trường của các vị tử đạo, người ta có kể đến câu chuyện của Giáo phụ Policarpo: khi đám lính đã bắt được ngài, họ điệu ngài ra tòa xét xử và buộc ngài phải từ bỏ Đức Giêsu, chối bỏ niềm tin của ngài vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, cụ già gần 90 tuổi đã tuyên bố cách dứt khoát: “86 năm tôi theo Đức Giêsu, Ngài không bao giờ phụ bạc tôi, làm sao các ông lại bảo tôi phản bội Ngài…?”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy thái độ dứt khoát là điều kiện cần để sống đời sống chứng nhân. Đây cũng là điều mà Đức Giêsu đòi hỏi các Tông đồ và tất cả những ai muốn bước theo Ngài. Vì thế, khi có một số môn đệ đã bỏ Đức Giêsu vì những lời tuyên bố của Ngài về Bánh Hằng Sống, và cụ thể chính là sự trao ban Thịt và Máu của Ngài để cho những ai tin và ăn thì được sống đời đời.

Thấy có người bỏ cuộc, Đức Giêsu đã lên tiếng hỏi trực tiếp các Tông đồ là những người mà Ngài sẽ trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, Ngài hỏi: “Còn các con, các con có muốn bỏ Thầy không?” Phêrô đại diện cho anh em thưa với Thầy: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai?”.

Khi hỏi như thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: muốn theo và làm chứng cho Ngài thì phải có thái độ dứt khoát. Không được lập lờ…!

Như vậy qua câu trả lời của thánh Phêrô, chúng ta thấy một cuộc tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thầy của mình. Tin Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Vì thế, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành và xác tín thật mạnh mẽ niềm tin của mình nơi Chúa. Chỉ có Chúa mới là niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực, và cũng chỉ có mình Ngài mới ban cho chúng ta sự sống đời đời. Ngoài Ngài ra, chúng ta không có chúa nào khác có thể ban cho chúng ta những thứ đó.

Mong sao, mỗi người chúng ta hãy có tâm tình như thánh Phêrô: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ngày càng gắn bó mật thiết với Chúa như các Tông đồ khi xưa, để dù có gặp phải những khó khăn, chúng con vẫn dứt khoát nói không với những gì trái ngược với đức tin và sẵn sàng sống chết cho niềm xác tín của mình vào Chúa để xứng đáng được Chúa ân thưởng trong cuộc sống mai hậu. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 6: Anh em cũng muốn bỏ đi sao?

Suy niệm:

Chương 6 của Tin Mừng Gioan có một kết thúc không vui lắm.

Bài Tin Mừng hôm nay (cc. 60-69) đi theo ngay sau các câu 35-50,

vì các câu 51-59 có lẽ được viết muộn hơn và thêm vào sau này.

Đức Giêsu coi mình là bánh thật từ trời xuống (cc. 33. 50).

Ai tin vào Ngài sẽ được sống muôn đời (cc 40. 47).

Những lời giảng của Đức Giêsu đã gây vấp phạm, khó nghe, gai chướng,

khiến nhiều môn đệ xầm xì, không tin, rút lui và không đi theo Ngài nữa.

Chỉ có nhóm Mười Hai ở lại, nhưng cũng không trọn vẹn.

Giáo huấn của Đức Giêsu vẫn luôn gây sốc cho con người mọi thời.

Lời Chúa vẫn luôn là điều khó hiểu, khó chịu và khó sống.

Những Kitô hữu đã tin theo Đức Giêsu trong nhiều năm

vẫn bị đặt mình trước lời Chúa và được mời gọi chọn lại.

Tin vào Đức Giêsu là một chọn lựa lớn và căn bản.

Chọn lựa này cần được làm mới lại mỗi ngày xuyên qua những chọn lựa nhỏ.

Có những Kitô hữu mất đức tin vì đã không dám sống niềm tin của mình.

Có những người rút lui và bỏ đi, dù tên vẫn còn trong sổ Rửa tội.

Có những người xầm xì vì những đòi hỏi gai góc của Lời Chúa.

“Chẳng lẽ anh em cũng muốn bỏ đi sao?”

Đức Giêsu buồn rầu hỏi nhóm Mười Hai như thế.

Simon đại diện anh em đã xin được tiếp tục ở với Thầy, đi với Thầy.

“Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai?”

Lời của Thầy tuy khó nghe, nhưng con tin đó là lời ban sự sống đời đời (c. 68).

Lời của Thầy tuy chướng tai, nhưng lại là thần khí và là sự sống (c. 63).

Simon tin Thầy Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 69).

Đấng Thánh là Đấng từ trời xuống

và cũng là Đấng sẽ lên trời nơi đã ở trước kia (c. 62).

Có thể điều làm con người hôm nay bỏ đạo, bỏ Chúa Giêsu,

lại không phải là những lời khó nghe của Ngài,

mà là đời sống của các Kitô hữu, những người không dám sống các lời ấy.

Nhiều người thấy chướng khi nhìn vào cuộc sống của họ.

Xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn đến với Giêsu, và kiên trì ở lại với Ngài.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng

trước mọi biến cố của cuộc sống,

khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,

hay gặp sự bất trung, bất tín

nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên

để nghĩ đến hạnh phúc người khác,

giấu đi những nỗi phiền muộn của mình

để tránh cho người khác phải đau khổ.

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,

để đau khổ làm con thêm mềm mại,

chứ không cứng cỏi hay cay đắng,

làm con nhẫn nại chứ không bực bội,

làm con rộng lòng tha thứ,

chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi

vì chịu ảnh hưởng của con,

không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,

lòng cao thượng, tử tế,

chỉ vì đã là bạn đồng hành của con

trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,

xin cho con có lúc

thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,

tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,

và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen. (dịch theo Learning Christ)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.