Các Chìa Khóa Để Hiểu Đức Mẹ Maria (2)

print

CÁC CHÌA KHÓA ĐỂ HIỂU ĐỨC MARIA

(Tiếp theo)

  1. HỘI THÁNH TÔN KÍNH ĐỨC MẸ TRONG NĂM PHỤNG VỤ

 “Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm như thế với một tình yêu đặc biệt, Hội Thánh tôn kính Ðức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Ðấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly. Nơi Mẹ, Hội Thánh ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của công trình cứu chuộc, và vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ, như trong hình ảnh tinh tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo Hội ước mong và trông đợi.”[1]

Những ngày lễ kính và lễ trọng Đức Mẹ theo Mùa Phụng Vụ:   

Mùa Vọng – Giáng Sinh

08/12: Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội (Lễ trọng)

01/1: Mẹ Thiên Chúa (Lễ trọng)  

02/2: Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh (Lễ kính)       

Mùa Chay – Phục Sinh  

11/2: Đức Mẹ Lộ Đức (Lễ nhớ)                         

25/3: Lễ Truyền Tin (Lễ trọng)

31/5: Đức Maria thăm viếng bà Elisabeth (Lễ kính)             

Mùa Thường Niên

– Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống: Đức Maria, Mẹ của Hội Thánh             

– Thứ bảy sau CN II sau lễ Hiện Xuống: Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ                        

16/7: Đức Mẹ Núi Carmêlô                               

05/8: Cung hiến thánh đường Đức Bà                

15/8: Đức Mẹ lên Trời (Lễ trọng)                           

22/8: Đức Maria Nữ vương (Lễ nhớ)                      

08/9: Sinh nhật Đức Mẹ (Lễ kính)                                     

15/9: Đức Mẹ sầu bi (Lễ nhớ)                                               

07/10: Đức Mẹ Mân Côi (Lễ nhớ)                                     

21/11: Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ (Lễ nhớ)

          Như vậy, trong Năm phụng vụ có bốn Lễ Trọng kính Đức Mẹ liên quan đến các Đặc Ân mà Thiên Chúa đã dành tặng cho Mẹ. Các lễ này đi theo các Mùa Phụng vụ với những ý nghĩa đặc biệt. Mùa Vọng thời gian chờ đợi, hoán cải và hy vọng. Các bài đọc phụng vụ trong Mùa Vọng thường nhắc đến một vài phụ nữ trong Cựu Ước như là những hình ảnh báo trước sứ mạng của Đức Maria. Như vậy, phụng vụ tôn vinh đức tin và lòng khiêm tốn của Đức Trinh Nữ Maria, khi Mẹ nhiệt thành tham dự trọn vẹn vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8 tháng 12 – lễ trọng) hướng đến việc Thiên Chúa chuẩn bị cung lòng trinh khiết của Đức Maria cho việc đón mừng Chúa Giêsu ra đời làm người. Cũng như phụng vụ Mùa Vọng, lễ Đức Maria Vô Nhiễm gợi lên việc đợi chờ lâu dài Đấng Cứu Thế, và nhắc lại các lời tiên tri và những biểu tượng trong Cựu Ước. Mùa Giáng Sinh thời gian Thiên Chúa tỏ mình ra từ người bé mọn của dân Israel như các mục đồng đến tất cả nhân loại – dân ngoại – các Đạo Sĩ đến từ Phương Đông. Phụng Vụ Mùa Giáng Sinh là một thời gian tưởng niệm về vai trò làm mẹ thần linh và trinh nguyên của Đức Maria. Mẹ là vị “có đức trinh nguyên đã đưa Chúa Cứu Thế vào thế gian”. Thật vậy, Lễ Trọng Chúa Kitô Giáng Sinh (25 tháng 12), Hội Thánh vừa tôn thờ Đấng Cứu Thế vừa tôn kính Người Mẹ vinh hiển của Người. Ngày 1 tháng 1: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời (Lễ trọng). Phụng vụ tưởng nhớ “ngày Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ Đấng Cứu Thế, Chúa đã tặng ban cho nhân loại kho tàng ơn cứu độ muôn đời”[2]. Ngày lễ này, Hội Thánh hãnh diện tuyên xưng Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thánh Tử Giêsu và là Mẹ Giáo Hội”[3]. Ngày mà các tín hữu đặc biệt dâng lên lời cầu xin với Đức Trinh Nữ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”.[4]

          Mùa Chay là thời gian chuẩn bị các tín hữu mừng Lễ Trọng Phục Sinh. Đây là thời gian lắng nghe Lời Chúa và hoán cải. Vì là mùa phụng vụ đặc biệt hướng đến Đại Lễ Phục Sinh, nên mọi sinh hoạt phụng vụ và đạo đức bình dân quy về cuộc thương khó và phục sinh của Đức Ki-tô. Tuy nhiên, Đức Maria cũng không vắng bóng trong sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh trong thời gian hoán cải này. “Đức Maria là người phụ nữ đau khổ mà Thiên Chúa đã muốn liên kết với Con của Ngài như một người mẹ kết hợp với cuộc Thương Khó của con Mình. Từ lúc thưa “xin vâng” đến khi đứng dưới chân thập giá, cuộc đời Đức Trinh Nữ Maria đã được liên kết với sự ruồng bỏ mà Con Mẹ phải chịu. Điều lưu ý, tuy Lịch Phụng Vụ tính khoảng cách từ 25 tháng ba đến 25 tháng 12 là thời gian mang thai của người mẹ, Ngày 25 tháng 3: Lễ Truyền Tin (Lễ trọng) nhưng vì Mầu Nhiệm Nhập Thể với tiếng “xin vâng” của Mẹ không thể tách khỏi Mầu Nhiệm Cứu Chuộc với tiếng “xin vâng” của Đấng Cứu Thế. Do đó, Hội Thánh tin và cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng rằng Con Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là Thiên Chúa thật và là người thật. Xin củng cố đức tin chúng con và xin cho cuộc chiến thắng phục sinh của Con Chúa đem lại cho chúng con ơn cứu độ và niềm vui muôn đời.”[5] Khi cầu nguyện, Hội Thánh đều nhắc đến tước hiệu “Đức Trinh Nữ Maria” trong lời nguyện, như vậy, một chiều kích khác của phụng vụ lễ Truyền Tin  đó là qua các lời nguyện phụng vụ, hôm nay, Hội Thánh cũng muốn tôn vinh tước hiệu Đức Maria đồng trinh khi mang thai Đấng Cứu Thế.

          Trong Mùa Thường Niên, 15/8: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Lễ trọng). Thân xác và linh hồn Đức Maria được lên trời là ân ban của Thiên Chúa tình yêu, đồng thời cũng là kết quả lòng trung thành gắn bó với chương trình của Thiên Chúa nơi Mẹ trong cuộc đời dương thế. Trước hết, Thiên Chúa trung thành với lời hứa cứu chuộc. Người đã dọn sẵn cho Nữ Tỳ khiêm tốn một phần thưởng xứng đáng với lời “xin vâng” ý Chúa. Tiếp đến, Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời như là “hoa trái tuyệt vời của công cuộc cứu chuộc”[6]. Việc Mẹ lên trời xác hồn là bảo đảm cho sự tham dự sau này của các chi thể kết hợp mật thiết của Thân Mình mầu nhiệm vinh quang của Đấng Phục Sinh. Vinh quang trong thân xác phục sinh sẽ là tương lai cho tất cả những ai đã được Chúa Ki-tô nhận làm anh em (x. Dt 2, 14). Trinh Nữ Maria là hình tượng cánh chung của tất cả những gì Giáo Hội mong muốn và hy vọng trở nên một cách trọn vẹn[7]. Như vậy, các đặc ân Lên Trời Hồn Xác, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đồng Trinh Trọn Đời đều xứng hợp và cần thiết cho thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Do đó, Đức giáo hoàng Pi-ô XII đã công bố tín điều Đức Maria Lên Trời Hồn Xác như một điều tất yếu của chân lý đức tin: “tuyên xưng và định tín giáo lý Thiên Chúa đã mặc khải về Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đồng Trinh Trọn Đời sau khi hoàn thành cuộc đời dương thế đã được lên trời cả hồn lẫn xác”[8].

  1. ĐỨC MARIA TRONG THỰC HÀNH ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN

Lòng đạo đức bình dân dành cho Đức Maria của người tín hữu rất đa dạng. Sự sùng kính này bộc phát từ niềm tin và lòng yêu mến của dân Chúa đối với Đức Ki-tô và từ sự thấu hiểu sứ mạng của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ. Trong thực tế, người tín hữu hiểu rằng Đức Giêsu – Con Thiên Chúa cũng là Cứu Chúa của họ, và Đức Maria – Mẹ Đức Giêsu – Kitô cũng là Mẹ của họ. Do đó, dân Chúa vừa kính tôn Mẹ như một Nữ Hoàng vinh hiển trên trời, vừa tin chắc rằng Đức Maria cũng luôn chiếu cố can thiệp cho họ trước tòa Chúa, nên họ kêu Mẹ phù hộ với một lòng tin cậy lớn lao. Trong thực hành, người tín hữu cử hành các cuộc lễ phụng vụ dành cho Mẹ trong niềm vui, tổ chức các cuộc rước kiệu để tôn vinh Mẹ, đi hành hương đến các ngôi đền cung hiến cho Mẹ hoặc các thánh địa Mẹ hiện ra, lần chuỗi mân côi và các kinh cầu…Cách đặc biệt, họ không khoan thứ khi người ta xúc phạm đến Mẹ, và họ tự động bênh vực Mẹ và chống lại những kẻ từ chối tôn kính Mẹ.

Đối với lòng sùng kính Đức Maria của dân Chúa, Huấn Quyền của Giáo Hội luôn giúp quy hướng lòng đạo đức của người tín về “trung tâm duy nhất của việc phụng tự được gọi một cách chính đáng là phụng tự Kitô giáo, bởi vì chính từ nơi Chúa Kitô mà việc phụng tự đó tìm thấy nguồn gốc và hiệu lực của nó, chính trong Chúa Kitô mà nó tìm thấy sự biểu hiện trọn vẹn của nó và chính nhờ Chúa Kitô, trong Thần Khí, nó dẫn đưa đến Chúa Cha”[9]. Do đó, các việc đạo đức cử hành tôn vinh Đức Maria trước hết phải biểu đạt âm điệu về Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải trong Thánh Kinh. Tiếp đến, các việc thực hành phượng tự phải mang tính chất Giáo Hội, nghĩa là, người tín hữu phải cầu nguyện chung với nhau nhân danh Đức Chúa và hiệp nhất trong sự Hiệp Thông của các thánh. Hơn nữa, các việc đạo đức kính Đức Mẹ luôn quy chiếu về Thánh Kinh được diễn giải trong Truyền Thống của Hội Thánh. Chúng cũng phải tôn trọng những nguyên tắc của phong trào đại kết[10].

Như đã nói, hầu hết các việc đạo đức tôn vinh Đức Maria gắn liền với một lễ theo Năm Phụng Vụ Roma hoặc trong những lịch riêng của địa phương. Tuy nhiên, cũng có xảy ra trường hợp việc đạo đức có trước việc thiết lập lễ theo phụng vụ (trường hợp lễ Mân Côi), hoặc có khi lễ theo phụng vụ có trước việc sùng kính (như Lễ Truyền Tin có trước Kinh Truyền Tin). Điểm này cho thấy tương quan giữa phụng vụ và việc đạo đức. Vì là thành phần của phụng vụ, nên lễ mừng kính Đức Maria luôn liên quan với lịch sử cứu độ, nhìn Đức Maria về phương diện kết hợp với mầu nhiệm Chúa Kitô.

Một số việc đạo đức tôn kính Đức Maria phổ biến:

Ngày thứ Bảy do Vua Charlemagne (thế kỷ IX) khởi xướng, nhưng không biết lý do gì là ngày thứ Bảy ! Chỉ biết, Vua dành ngày thứ Bảy trong tuần để dâng kính Đức Trinh Nữ Maria. Hiện tại, không kể đến nguồn gốc lịch sử, ngày thứ Bảy dành kính Đức Maria với lý do: ký ức về sự trung kiên không gì lay chuyển được của Đức Trinh Nữ, với tư cách là mẹ và môn đệ, trong ngày “thứ bảy vĩ đại”, lúc Chúa Kitô còn nằm yên trong mồ, Đức Mẹ vẫn đầy nghị lực chỉ nhờ vào niềm tin và lòng trông cậy của Mẹ, một mình giữa các mộn đệ, trong tin tưởng chờ đợi sự phục sinh của Chúa; sự báo trước và dẫn nhập việc cử hành ngày Chúa Nhật với tư cách lễ mừng chủ yếu và việc kính nhớ hằng tuần sự phục sinh của Chúa Kitô. Đây cũng là dấu hiệu, với nhịp điệu hằng tuần của nó, nhắc nhở rằng “Đức Trinh Nữ Maria luôn luôn hiện diện và hoạt động trong đời sống Giáo Hội”. Lòng đạo đức bình dân cũng làm tăng giá trị ngày thứ Bảy dâng kính Đức Mẹ. Có nhiều cộng đoàn tu và hiêp hội tín hữu thực hành tôn kính Đức Mẹ cách đặc biệt vào ngày thứ Bảy bằng những quy định cho một số việc đạo đức riêng cho ngày này.[11]

Tuần tam nhật, thất nhật và cửu nhật thường được tín hữu thực hiện trước lễ mừng để chính ngày lễ là thời điểm tột đỉnh của việc tôn vinh Đức Maria. Trong thời gian này, người tín hữu sẽ tìm hiểu và suy niệm về vai trò của Đức Mẹ trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Đây là thời gian chuẩn bị thực sự cho việc mừng lễ Đức Mẹ, khích lệ người tín hữu quyết tâm sám hối, đến với bí tích Giao Hòa và bí tích Thánh Thể. Hiện nay, một số địa phương, các tín hữu cũng họp nhau cầu nguyện với Đức Mẹ vào ngày 13 mỗi tháng, kỷ niệm những lần hiện ra của Mẹ tại Fatima.

Các “Tháng Đức Mẹ” là tháng các tín hữu công giáo đặc biệt tỏ lòng tôn kính  đối với Đức Trinh Nữ Maria. Từ thế kỷ XIII, Hội Thánh đã kính dâng tháng Năm cho Đức Maria. Nhưng mãi năm 1947, Đức Pi-ô XII trong Thông điệp Mediator Dei về phụng vụ, đã xếp Tháng Năm vào một trong các việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ[12]. Đến năm 1965, Đức giáo hoàng Phaolô VI viết Tông thư Tháng Năm, lấy tháng Năm sùng kính Đức Maria như một cơ hội xin ơn Hòa Bình. Ngài còn khuyến khích các tín hữu hãy tận dụng thói quen tốt này để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria và nhờ đó các tín hữu được tràn đầy ân sủng thiêng liêng[13].

Năm 1886, Giáo hoàng Lê-ô XIII qua thông điệp Supremi Apostolatus chính thức thành lập tháng Mười là Tháng Mân Côi. Ngài viết: “Tôi không chỉ khẩn khoản nhắn nhủ tất cả các Ki-tô hữu hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi cả ở nơi chung lẫn nơi riêng, trong các gia đình, và thực hiện việc ấy như một thói quen lâu dài, nhưng Tôi cũng còn muốn rằng, toàn bộ tháng Mười hằng năm sẽ được dâng hiến và được dành để tôn kính Nữ Vương Mân Côi Thiên Đàng.”[14] Hiện nay, trong thực hành của người công giáo Việt Nam, ngoài các tháng Đức Mẹ, vào ngày 13 mỗi tháng cũng là dịp để hành hương đến các đền thánh mang tên Fatima, kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ ở làng Fatima nước Bồ Đào Nha. Riêng ngày 13 tháng Năm và 13 tháng Mười[15] luôn được tổ chức long trọng đan xen giữa đạo đức bình dân và phụng vụ.

Kinh Truyền Tin quy chiếu về biến cố trung tâm của ơn cứu độ: Theo ý định của Chúa Cha, Ngôi Lời Thiên Chúa, bởi tác động của Chúa Thánh Thần, đã làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Theo truyền thống, kinh này được đọc ba lần trong ngày: bình mình, ban trưa và hoàng hôn. Kinh có cấu trúc đơn giản, đặc tính phát xuất từ Thánh Kinh, nhịp điệu mang tính gần như phụng vụ, khả năng thánh hóa những thời điểm khác nhau trong ngày và tính cách hướng về mầu nhiệm phục sinh. Khi đọc Kinh Truyền Tin các tu viện hay xứ đạo thường kéo chuông đi kèm[16]

Năm 1742, Đức giáo hoàng Bênêdictô XIV đã quy định đọc Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” đọc thay thế Kinh Truyền Tin trong Mùa Phục Sinh. Kinh này có thể xuất hiện trong Giáo Hội vào khoảng thế kỷ X-XI. Lời kinh phối hợp giữa mầu nhiệm nhập thể “Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng” với biến cố phục sinh “Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa”.

Kinh cầu Đức Bà là một loạt lời kêu ngắn dâng lên Đức Mẹ, gồm có hai phần: phần thứ nhất là một lời ca tụng: “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, phần thứ hai là một lời nài xin: “cầu cho chúng con”. Thông điệp của Đức giáo hoàng Lê-ô XIII yêu cầu trong tháng Mười sau khi đọc Kinh Mân Côi nên kết thúc với Kinh Cầu Đức Bà. Lời đề nghị này về sau làm cho người tín hữu có thói quen đọc Kinh Cầu Đức Bà như “phụ lục” của Kinh Mân Côi. Nhưng thực ra, Kinh Cầu Đức Bà tự thân là một lời kinh riêng biệt và là hành vi phượng tự. Cho nên, đọc Kinh Cầu không cũng đã đủ ý nghĩa. Kinh này có thể được hát lên như lời tôn vinh Đức Mẹ trong các cuộc rước kiệu hay các buổi tôn vinh khác.

Tận hiến cho Đức Mẹ xuất phát từ lòng đạo đức cá nhân cũng như cộng đoàn. Thánh Louis Marie Grignion de Monfort là thầy việc thực hành “dâng hiến cho Đức Mẹ”. Ngài đề nghị với các tín hữu Kitô dâng hiến cho Chúa Kitô qua tay Đức Mẹ như phương thế hữu hiệu để sống trung thành với những lời đã hứa khi chịu Phép Rửa[17]. Như vậy, việc tận hiến cho Đức Mẹ không phải là sản phẩm của một quyết định nhất thời, nhưng là một thành quả của một quyết định cá nhân, tự do và chín chắn trong một sự thúc đẩy của ân sủng. Tuy nhiên, đây là xuất phát từ lòng sùng mộ vốn không thể được đồng hóa với phụng vụ, nên việc dâng hiến phải được thực hiện ngoài thánh lễ.[18]

Áo Camêlô là một dạng thu nhỏ tu phục của dòng Huynh Đệ Đức Mẹ Núi Camêlô. Do đó, việc người tín hữu mặc áo Camêlô có một mối liên hệ với đời sống và linh đạo của gia đình tu trì này. Cho nên “không nên giản lược thành một cử chỉ ít nhiều có tính tùy tiện, nhưng đúng hơn đó phải là kết quả của một sự chuẩn bị đặc biệt kỹ lưỡng, trong đó, người tín hữu học cho biết bản chất những mục đích của hiệp hội mà người ấy gia nhập, cũng như những nghĩa vụ mà người ấy cam kết thi hành suốt đời”[19].

Lm. Gs Lê Ngọc Ngà

(còn tiếp)

[1] Hiến Chế Phụng Vụ, số 103.

[2] Lời Nguyện Nhập Lễ của ngày lễ.

[3] Lời Nguyện Hiệp Lễ của ngày lễ.

[4] X. Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, nguyên tắc và định hướng, số 115.

[5] Lời Nguyện Hiệp Lễ của ngày lễ Truyền Tin.

[6] Hiến Chế Phụng Vụ, số 103.

[7] X. Hiến Chế Phụng Vụ, số 103.

[8] Đức Pi-ô XII, Bửu sắc Munificentisssimus, ngày 1/11/1950.

[9] Phaolô VI, Tông Huấn Marialis Cultus, số nhập đề.

[10] X. Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, nguyên tắc và định hướng, số 186.

[11] X. Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, nguyên tắc và định hướng, số 188.

[12] Pi-ô XII, Tông thư Mediator Dei, số 182.

[13] Phaolô VI, Thông điệp Tháng Năm, số 2, ngài viết: “Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ.” (x. Dictionary of Mary, Catholic book, Pub. 1985, tr. 236).

[14] Lê-ô XIII, Thông điệp Supremi Apostolatus, số 8.

[15] Kỷ niệm lần hiện ra đầu tiên (13/5/1917) và lần hiện ra cuối cùng (13/10/1917) của Đức Mẹ tại làng Fatiama.

[16] X. Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, nguyên tắc và định hướng, số 195.

[17] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, số 48.

[18] X. Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, nguyên tắc và định hướng, số 204.

[19] X. Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, nguyên tắc và định hướng, số 205