Cái nhìn tích cực

Cái nhìn tích cực

 

Một hòa thượng viết lên trên đất 4 phép tính:

2+2=4; 4+4=8; 8+8=16; 9+9=19

Các đồ đệ thấy vậy liền nhao nhao lên nói: “Sư phụ ơi, thầy tính sai một câu rồi.”

Lão hòa thượng liền ngẩng đầu lên, chầm chậm nói: “Đúng, mọi người thấy rất rõ, phép tính này thầy tính sai. Nhưng ba phép tính trước thầy tính đúng, vì sao mọi người không khen thầy, mà lại chỉ nhìn thấy một phép tính thầy làm sai?”

Làm người cũng vậy, bạn đối xử tốt với người ta 10 lần, họ có thể sẽ quên rất nhanh; nhưng nếu chỉ một lần bạn làm điều gì đó không vừa lòng thôi, họ cũng có thể sẽ quên hết tình nghĩa trước đó mà “ghim” bạn cả đời.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,

Trong cuộc sống, chúng ta được ban cho đôi mắt để quan sát và nhìn mọi người cũng như vạn vật xung quanh. Tuy nhiên, cái nhìn của mỗi chúng ta có ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Vì thế, cái nhìn của chúng ta rất quan trọng! Qua kinh nghiệm thực tế, chúng ta có thể thấy rất rõ rằng tùy theo từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể mà chúng ta thường có những cái nhìn khác nhau: cái nhìn của yêu thương, cái nhìn cảm thông và đầy khích lệ; nhưng bên cạnh đó cũng không thiếu những cái nhìn rình mò, xét nét và lên án nhằm tiêu diệt người khác…. Câu chuyện chúng ta vừa nghe chính là một trong những phản ánh rất cụ thể và cũng rất thật của đời sống chúng ta. Qua câu chuyện này, chúng ta học được điều gì khi đặt ý nghĩa của nó dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay?

Thành ngữ Việt Nam có câu: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Quả vậy, trong các mối tương quan, chúng ta thường bị thành kiến và tình cảm chi phối nên dễ có xu hướng dò xét người bên cạnh hơn là lưu tâm đến sự thương cảm và thể hiện lòng nhân ái đối với người khác. Những cái nhìn bị lệch theo lăng kính chủ quan này thường đưa đến kết quả là chúng ta chỉ nhìn thấy hành động bên ngoài mà không nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của từng sự việc sâu xa bên trong. Cho nên, chúng ta rất dễ dàng đưa ra những lời chỉ trích, dò xét và bắt bẻ người khác khi họ có những hành động không vừa mắt chúng ta hay như chúng ta mong muốn.

Chiêm ngắm một bức tranh đầy kịch tích giữa Chúa Giê-su và nhóm người thuộc phái kinh sư và Pharisêu trong bài đọc hôm nay. Chúa Giêsu đã chữa lành người bại tay trong ngày Sa-bát, mà đối với người Do thái như thế là phạm luật. Cho nên, xung đột giữa Chúa Giê-su và họ đã xảy ra. Chúng ta không lạ gì những cuộc tranh luận của Chúa Giê-su và nhóm người hay chống đối này. Hành động “rình xem” của họ diễn tả sự dò xét vì nó xuất phát từ cái nhìn tiêu cực, mang tính xét đoán tha nhân. Tuy nhiên, cũng trong viễn tượng đó, chúng ta lại gặp được một cái nhìn hoàn toàn ngược lại, đó là cái nhìn đầy nhạy bén và yêu thương của Thầy Giêsu Chí Thánh: Ngài đã nhìn thấy người bại tay cần được giúp đỡ và trái tim trắc ẩn, giàu lòng thương xót của Ngài đã vượt qua giới hạn của luật lệ Do Thái để chữa lành cho họ, dù họ không lên tiếng cầu xin. Cái nhìn yêu thương của Chúa Giê-su đã hướng chúng ta đến những giá trị sâu xa hơn của hành động và giúp cho chúng ta có một cái nhìn chính xác hơn về tha nhân, đó là sự cảm thông và chia sẻ đối với những ai đang gặp thử thách, khổ đau.

Có lẽ chẳng ai trong chúng ta có thiện cảm với hành động “rình xem” người khác của nhóm kinh sư và Pharisêu; nhưng trong cuộc sống, chúng ta lại rất dễ rơi vào tình trạng này. Thật vậy, một lời nói xấu, một cử chỉ gièm pha người khác hay thậm chí chỉ là một thái độ hờ hững, mặc kệ người bên cạnh đang cần ta giúp đỡ thôi thì điều đó cũng có thể biến chúng ta thành những kinh sư và Pharisêu của thời đại hôm nay rồi. Bởi đó, chúng ta phải luôn luôn thận trọng trước những ánh nhìn mà mình đang dành cho người khác.

Là người Kitô hữu, nghĩa là người thuộc trọn về Chúa Kitô, mỗi chúng ta đều được mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu. Vì thế, chúng ta luôn được mời gọi sống tình yêu thương đối với người khác để qua đó, chúng ta có thể khám phá ra diện mạo của Thiên Chúa nơi những người đang sống xung quanh và xây dựng Nước Trời ngay tại thế này. Xin cho ánh nhìn của Chúa luôn chạm đến trái tim của mỗi người chúng ta, giúp chúng ta biết nhìn tha nhân với cái nhìn của Chúa: không hẹp hòi soi mói, nhưng luôn cảm thông và yêu thương hết mọi người, nhất là những người cần chúng ta nâng đỡ.

Lạy Chúa, xin chữa lành những yếu đuối hồn xác của chúng con và cho chúng con biết vượt qua những suy nghĩ hạn hẹp và ích kỷ của bản thân để nhìn người khác với ánh nhìn thiện cảm, tích cực và đầy tràn tình yêu thương của Chúa. Amen.

Bích Liễu

print