Cảm Tạ Ơn  Chúa Luôn Mãi

print
Cảm Tạ Ơn  Chúa Luôn Mãi
Chúa Nhật 28 Thường Niên C   09.10.22
 
vo ha
I.  Trong cuộc sống xã hội đời thường, Cám Ơn hay Tạ Ơn là hình thái cao đẹp thuộc văn hóa giao tế hằng ngày của con người cao quí hơn vạn vật, tuy rằng  người làm ơn không để chờ người trả ơn.  Trẻ em luôn được cha mẹ ông bà răn dạy “Cám Ơn”  mỗi lúc nhận quà. Rồi khi tới trường, thì học tập đạo làm người qua ca dao ngạn ngữ như:
 
 “Uống nước nhớ nguồn. 
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây.
Ơn ai một chút chớ quên, 
oán ai một chút chẳng nên để lòng”. 
 
Trong phạm vi tôn giáo, Bài Sách Thánh Chúa nhật 27 C tuần trước, Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ khi làm một điều gì cho ai thì nghỉ rằng mình chỉ là “đầy tớ vô ích, vô dụng, chẳng giá trị gì,  không mang lại lợi lộc chi” để rèn luyện đức khiêm tốn và biết phục vụ nhau trong yêu thương vô điều kiện như Chúa đã làm gương cho nhân loại muôn thế hệ (Ga 5:12-17). Trở lên, là lời Chúa dạy cách ứng sử  hàng ngang giữa con người với nhau.
 
Còn  Chúa Nhật 28 C tuần nầy, Chúa Giêsu muốn mọi người hướng lên hàng dọc là Thiên Chúa tối cao bên trên, là cội nguồn của mọi sự sống, thì lòng Nhớ Ơn là bậc thang hay thước đo giá trị của mỗi người trên con đường hướng tới hoàn thiện. Đó là  chưa dám nghỉ tới  Lời Chúa Giêsu muốn con người đạt cho được mục tiêu lý tưởng như  Cha Trên Trời Đấng Hoàn Thiện. (Mt 3: 43-48). 
 
Vậy Lòng Nhớ Ơn mà Chúa Giêsu nói, nghĩa là làm sao? – Ta cùng đọc chính văn những dòng Lời Chúa bên dưới cùng thêm xin ơn Chúa Sáng Soi.
 
II. Lời Chúa

BÀI ĐỌC I: 2 V 5, 14-17 “Na-a-man trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Na-a-man, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

Tiên tri trả lời rằng: “Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu”. Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe.

 Naaman nói thêm rằng: “Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.

 

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 2, 8-13

“Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Đức Kitô”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Đavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. 

Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giêsu Kitô.

Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người.

 Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

 

PHÚC ÂM: Lc 17, 11-19 “Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng:

 “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch.

Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. 

Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

 

 III. Đôi Dòng Ghi Chú Và Tâm Tình

Trước hết, Bài Đọc 1 từ sách Các Vua Quyển Thứ 2.  Sách nầy là một trong 46 cuốn của Thánh Kinh Cựu Ưức theo Công Giáo.  Không rõ tác giả, Sách gồm 25 chương, được viết chừng những năm 848-517 TCN, kể lại truyện Đạo gói vào Ý Chúa dựa vào khung xường truyện đời của lịch sử dân tộc Do  Thái khoảng những năm 848-586 TCN.

Bài trích đoạn nầy tường thuật vị tổng tư lệnh Na-a-man của quân đội nước Syria, cầm thư của nhà vua nước của ông qua gặp Tiên Tri Elisa, xin chữa bệnh phong. 

Êlisa không ra cửa tiếp đón ông tướng mà cho sứ giả bảo Naaman bằng lời khó nghe, khó thể tưởng tượng: đi tắm 7 lần trên sông Giọt-đan. 

Ban đầu Naaman tức giận không chịu đi, vì nghĩ Êlisa phải ra cửa nghênh đón ông và đặt tay cầu danh Chúa chữa trị trên phần thân thể bị bệnh. Hơn nữa, sông của Syria không sạch hơn sông của Israel sao?  Nhưng  nhờ người tớ gái thuyết phục, nên Naaman làm theo. Và  bệnh phong cùi của ông biến mất.

Sau đó Naaman trở lại, tặng quà tạ ơn. Nhưng Người Của Thiên Chúa nhất quyết không nhận. Rồi Na-a-man tuyên xưng Thiên Chúa quyền năng duy nhất của Israel. Ông tướng chỉ xin  chở một ít đất vừa sức hai con la về xứ với ý định sau đó sẽ làm gạch xây bàn thờ, vì chỉ có đất của Israel mới xứng đáng tôn thờ Thiên Chúa trên đó (Ex 20: 24-25). 

Câu truyện trên cho thấy tinh thần phục vụ vô vị lợi, tránh xa tham lam danh lợi khi hầu việc Chúa, của Êlisa. Vì nếu nhận quà, có nghĩa là do lợi lộc từ việc  của cá nhân Êlisa, mà không còn là do quyền năng của Thiên Chúa nữa. 

Cũng nên hiểu thêm, lời  khuyên nhủ lành mạnh cho Ông tướng từ một tớ gái bình thường, đã mở lối ánh sáng Đức tin cho Ông tướng ngộ ra sự thật, để thực hành và được kết quả khỏi bệnh. Từ sự cố đó,  ông đã tin tuởng và nhận ra Thiên Chúa cao cả, với điều kiện Ông có tâm thành nghe theo lời lành lẽ phải trước tiên.

 Ngoài ra ở đây, Thiên Chúa cũng muốn giáo dục dần dần cho dân của Người biết mở rộng vòng tay tới những dân tộc ngoại biên,  không được Israel ưa thích vì đã từng xâm lang hoặc hà hiếp dân tộc Do Thái.

Na-a-man cũng nêu lên tấm gương vâng phục đức tin, dù có ngược lại ý riêng. Khi tín hành,  có khi bị thiệt thòi ít nhiều, như trường hợp của tiên tri Ôsê hay Gio-na.

Việc thi ơn bất cầu báo của Êlisa Người Của Thiên  Chúa,  giúp thêm củng cố đức tin cho lương dân Na-a-man vào Thiên Chúa, là Đấng Kiêm Ái thập toàn,  thương yêu ban mưa nắng cho mọi người lành kẻ dữ (Mt 5: 45). Nhưng người Kitô Giáo Việt nam ngày nay, có còn kỳ thị lương dân không,  khi dùng từ ngữ “người ngoại” cách tỉnh bơ, để dán nhản lên 90% anh em đồng bào của mình, mà không biết rằng 500 năm trước tổ tiên mình cũng là “dân ngoại đạo”.

 Tới đây, câu truyện của tổng lãnh binh nước Syria, được chữa lành bệnh phong cùi, do quyền phép Thiên Chúa qua tiên tri Êlisa (khoảng 855-798 T.C, 50-60 năm làm tiên tri) đã tạo nên nhịp cầu nối kết câu truyện 10 người bị bệnh phong,  được Chúa Giêsu chữa lành trong thời Tân Ước. 

 

Qua bài Phúc Âm Chúa Giêsu chữa trị cho 10 người phong cùi,  bằng cách bảo những người nầy đi trình diện tư tế theo luật định. 

Lề Luật  tôn giáo và xã hội Do Thái qui định người cùi phải sống tách biệt, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, đầu tóc bù xù, đi đâu phải la lớn “cùi đây, phong đây”  cho người khác tránh xa. Khi nào hết bệnh, phải nhờ vị tư tế xác nhận, thì mới được hoà nhập trở lại với xã hội  bình thường. Hơn nữa tâm lý chung của quần chúng cho rằng người  bị cùi, là do Thiên Chúa phạt, vì tội nghiêm trọng nào đó của cá nhân, gia đình, dòng họ lớn nhỏ của người ấy.

Ngày hôm đó, Chúa Giêsu đã giải thoát cho 10 nạn nhân nan y trên,  khỏi  bệnh tật ác ôn phần xác và cả phần tinh thần nữa. Nhưng chỉ có một người trong nhóm nầy, khi thấy mình được lành, thì liền quay lại, lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, rồi phủ phục dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người nầy lại là dân xứ Samaria. 

Dân trung kỳ Samaria bị người Do Thái tự cho mình chính thống không ưa, lại thêm dán nhản cho là dân ngoại. Vì lẽ chính, là khi vua Assyria  xâm lăng bắc quốc Israel năm 721 TCN, đã lưu đày giới trí thức, thợ xây dựng, thợ kim hoàn, chuyên viên kỷ thật …  rồi bù vào chổ trống bằng 5 sắc dân ô hợp khác, pha trộn với nông dân, phụ nữ, trẽ con  Israel bị chê, nên bị  bỏ lại trong xứ. 

Câu truyện trên cho thấy, người Samaria nầy, có lẽ do mặc cảm bị coi rẽ, nên thấy rất hân hoan vui mừng khi được phúc lợi phép lạ chữa lành ngang hàng như người Do Thái tự cho là chính danh con ruột của  Giavê Thiên Chúa. 

Để dễ hiểu hơn chút tình cảnh trên,  vị thầy của mình kể rằng: mặc cảm tự ti biến thành hân hoan của người Samaria trong bài đọc, cũng gần  tương tự câu truyện thời đại đã thường xảy ra và vẫn còn tồn tại trong một xứ Á Đông bên kia bờ Thái Bình Dương. Vì chừng 50 năm nay, có những đợt ra khỏi quê hương tìm sự sống. Rồi khi tới thời kỳ trong xứ mở cửa, nhiều người cũ đã trở về thăm lại quê hương.  Đó đây cũng có những gói quà từ thiện cứu trợ phân phát. Phần nhiều, những gói quà chừng 10 kí/cân gạo, bỏ bao chung với vài thứ thức ăn khác, tổng trị giá chừng 15 Mỹ Kim, biếu cho tha nhân ngoại tộc. Quà trên thường tạo nên niềm vui sướng lớn lao kèm theo lời Cám ƠN rối rít hơn hẳn những món tiền gấp 10 lần được biếu cho ruột thịt mà có khi còn kém vui, 

Lời nói “Cám Ơn” đơn giản, không mất tiền mua, chẳng lựa được nói, cho vừa lòng nhau, cũng tạo thêm mối dây thân thương, tin cậy, quan hệ hai bên, giao tế qua lại, cư sử bình đẳng sòng phẳng… giữa người với người trong xã hội đời thường. 
Còn đối với Chúa,  việc CÁM ƠN chẳng mang lại lợi lộc gì cho Chúa, nhưng lại sinh nhiều ích lợi cho chúng con. Do đó, Chúa Giêsu  lên tiếng đặt câu hỏi trong tâm trạng than phiền đồng hương rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. 
Khi người Samaria trở lại ca tụng Thiên Chúa là Cha, mà Chúa Giêsu luôn hướng về mỗi khi cầu nguyện sáng tối và luôn Cám Tạ tôn vinh trước khi làm phép lạ, như khi hoá bánh nên nhiều (Mt 14:13-21, Mc 6:31-44, Lc 9:10-17, Ga 6:5-15). Cuối bài, Chúa Giêsu một lần nữa xác nhận Lòng Tin đã cứu chữa anh. Đức Tin trong tường hợp nầy được thần thánh hóa là Chính Chúa. 
Còn đức tin của con được tới đâu? – Con chỉ tin tưởng và Tạ Ơn Chúa lúc vinh vang. Còn khi gặp rủi ro trái lại, thì phiền trách ta thán Thiên  Chúa đủ cách, mọi điều. 
 
Trở lại bài đọc 2, Thánh Phaolô gởi thư cho người đệ tử thân tín Timôthêu cũng là cộng sự viên tin tưởng. Dù  đang bị giam tù vì rao giảng Đức  Giêsu, Thầy Phaolô vẫn ca tụng Thiên Chúa và quyết tâm cùng chết với Chúa Giêsu để được cùng sống với Người.
 

IV.  Xin Dâng Lời Cầu.

Ngay từ nguyên thủy, Chúa đã tạo nên mọi loài mọi sự, để chuẩn bị cho con người tới sau hưởng dùng. Qua tổ tiên ông bà cha mẹ, chúng con được đưa dẩn vào đời, với  biết bao ân huệ kèm theo trong suốt thời gian dài đã qua, cũng như Chúa vẫn còn ban thêm nhiều ơn phúc khác sau nầy hơn nữa. Chúng con chân thành cám tạ hồng ơn của Chúa suốt đời.

 Xin cho những vị Lãnh Đạo tinh thần các cấp trong Hội Thánh Chúa, trở nên chiếc máng hữu dụng trung gian thông chuyển tình thương và ơn phước của Chúa  cho  hết mọi người

Xin cho những nhà cầm quyền trên thế gian ngày nay, biết nhật ra lẽ thật là  tôn thờ một mình Chúa là Thiên Chúa quyền phép, đã chữa lành đau thương tật bệnh thể xác cũng như tâm hồn, như đã chữa cho Na-a-man quan lãnh binh của xứ Syria  năm xưa.

 Xin cho có nhiều nhà hảo tâm mở rộng vòng tay cứu giúp những bệnh nhân nan y và cũng giúp phương tiện nghiên cứu bệnh lý, chữa trị  cho những người kém nay mắn mắc bệnh như ông Na-a-man.

  Xin cho mọi thành viên trong Họ Đạo chúng con biết  tỏ lòng nhớ ơn tới những người thi ơn mặc dù bất cầu báo, nhất là chính Chúa đã ban mọi ơn lành nhưng không cho chúng con.

Xin cho chúng con biết quí mến và siêng năng đến với Bí Tích Thánh Thể, cũng  là Nhiệm Tích Tạ ƠN Chúa Con dâng lên chúa Cha, mà múc lấy những ơn sủng cần thiết cho đời sống trên trần thế nầy của chúng con. Amen.