Cần Loại Bỏ Văn hoá chửi
Hình như con người hôm nay mất dần tính kiên nhẫn để sửa dạy cho nhau. Ở nhà cha mẹ thấy con cái sai thì đánh. Ra nhà trường thầy cô thấy học trò sai thì mắng. Ở cơ quan thấy nhân viên sai thì chửi. Ra đường thấy người mắc lỗi thì la lối có khi còn phang nhau giữa phố đông người.
Điểm chung là con người Việt Nam hôm nay dễ nổi giận và chửi mắng nhau. Đi đâu ta cũng có thể thấy họ chửi bới lẫn nhau. Chửi nhau để trút cái bực của mình qua người khác rồi mặc kệ họ. Chửi cũng có muôn màu muôn vẻ: chửi từ ngoài đường vào trong nhà, từ nhà tới cơ quan,… chửi từ người cho tới vật, từ pháp luật tới chính sách Nhà nước, chửi cả Tàu cho tới Mỹ… Người chửi hoặc bị chửi có thể là trẻ trâu, già trâu, người lao động hay trí thức. Hình thức chửi có thể là công khai hoặc chửi sau lưng, dạng online hoặc offline. Lãnh đạo chửi nhân viên, nhân viên chửi phụ tá, phụ tá về chửi vợ/chồng/con; đứa con vừa bị cô giáo rày, bạn ăn hiếp lại thêm bị ba mẹ mắng, thế là trút giận lên bạn bè của nhau. . .
Thực ra, con người ai cũng có sơ sót và lầm lỗi. Đối với bản thân ta dễ cảm thông, bao dung với chính mình, nhưng đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho cộng đoàn và xã hội suy thoái.
Người ta nói “ai nên khôn mà không dại một lần”. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế, sống trong xã hội phải chấp nhận sống chung với những con người đang còn thiếu sót và đang còn hoàn thiện. Vì thiếu sót và đang hoàn thện nên việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn. Im lặng là đồng lão cho cái xấu lên ngôi. Chửi bới là đẩy xa anh em vào vòng tội lỗi. Nhưng góp ý và sửa lỗi cho nhau là cùng giúp nhau hoàn thiện và làm cho xã hội bình an.
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay Chúa Giê-su nói rằng: “Khi anh em ngươi sai lỗi” (Mt.18:15). Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Dù họ là ai thì chúng ta cũng phải lấy tình yêu mà nhắc nhở họ về cái sai cần sửa. Nhắc nhở trong tế nhị và kín đáo. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Tếnhị là tôn trọng nhau, là đề cao nhau sẽ giúp cho người được sai lỗi dễ dàng tiếp thu lời góp ý chân thành. Sau đó là gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn. (Mt.18:15-17).
Người ta nói rằng: “tình yêu thì luôn vun đắp cho nhau nên tốt hơn”. Nếu chúng ta yêu nhau thì hãy yêu cả cái xấu của nhau để có thể cảm thông tha thứ và giúp nhau loại bỏ dần tính xấu. Tình yêu cũng đòi hỏi chúng ta hoàn thiện mình cho xứng với kỳ vọng của người mình yêu. Nếu chúng ta muốn cho người mình yêu hạnh phúc thì chúng ta cũng cần khiêm tốn để đón nhận những lời góp ý mà thực tâm sửa đổi.
Cụ thể: nếu người chồng say sỉn, cờ bạc thì hãy thương vợ mà loại bỏ tật xấu để sống có trách nhiệm với gia đình. Người vợ thích an nhàn, lười làm việc, nếu yêu chồng hãy biết chăm sóc gia đình hơn là chăm sóc bản thân. Người con thích đua đòi, lao vào chốn ăn chơi, nếu yêu cha mẹ hãy nghĩ đến mồ hôi nước mắt mà các ngài bỏ ra vì mình mà bỏ chốn sa đoạ.
Xin Chúa là Đấng nhân từ chậm bất bình và rất mực khoan nhân giúp chúng ta luôn kiên nhẫn để sửa lỗi cho nhau, luôn lấy lòng bao dung để nâng đỡ sự yếu đuối của anh em, và xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận sai và sửa sai, ngỏ hầu biết hoàn thiện mình nên tốt hơn xứng với tình yêu của Chúa và mọi người đã dành cho chúng ta. Amen.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền