Cản Trở Trên Bước Đường Truyền Giáo – Lm. Giuse Nguyễn

print

CN 26 TN B

Cản Trở Trên Bước Đường Truyền Giáo

Lm. Giuse Nguyễn

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, xuất phát từ mệnh lệnh của Chúa Giêsu:“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Tuy nhiên cán bộ truyền giáo của Chúa thì ít, trình độ chuyên môn chưa cao, lại còn có nhiều tật xấu nên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế. Chính những hạn chế đó trở thành cản trở rất lớn trên bước đường truyền giáo. Hạn chế mà phụng vụ lời Chúa muốn nói đến trong ngày hôm nay là tinh thần cục bộ, ganh tị, phân biệt, đối xử của một nhóm người mang danh là kitô hữu, những người bước theo Đức Kitô.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: Ds 11, 25-29

Thiên Chúa sai Môsê chọn 72 người để Thiên Chúa ban Thần Khí trên họ, để họ cùng chia sẻ trách nhiệm với ông. Môsê đã làm như vậy, nhưng hôm nay chỉ có 70 người đến đứng chung quanh Nhà Tạm. Quả thật Thần Khí của Đức Chúa ngự trên họ, khiến họ có thể nói được tiếng lạ. Hai người được chọn không đến, ở nhà họ cũng nói được tiếng lạ. Thế là người ta báo cho ông Giôsuê, ông Giôsuê vội vàng chạy vào “méc” ông Môsê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!” Ông Môsê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” Từ thời cựu ước, cách chúng ta hơn 3000 năm mà đã có cái nhìn cục bộ, kỳ thị, ghen tương như vậy rồi.

  1. Tin mừng: Mc 9, 38-43.47-48

Bài Tin Mừng hôm nay, Maccô cũng kể một câu chuyện giống như trong bài đọc I. Thời đó, mọi người đều tin rằng khi bị quỷ ám, nếu biết tên vị thần nào mạnh hơn nó, mà nhân danh của vị thần đó truyền lệnh, thì nó sẽ xuất khỏi người bị ám. Lúc đó, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, và nhân danh Ngài họ đã làm được nhiều dấu lạ, trong đó có việc trừ quỷ. Thấy vậy, có những người không phải là môn đệ của Chúa Giêsu cũng bắt chước làm theo, và ma quỷ đã nghe lời họ thật. Ông Gioan thấy vậy bực bội lắm nên đã ngăn cản họ, nhưng họ vẫn cứ làm. Ngăn cản không được nên lại “méc” Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã cố ngăn cả,vì người ấy không theo chúng ta.” Ông tưởng rằng mình sẽ lập được thành tích vì phát hiện được kẻ theo phe nhóm khác, không ngờ  Đức Giêsu lại phán: “Đừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Đức Giêsu là thế đó: khoan dung, quảng đại; còn các môn đệ của Ngài thì như vậy: hẹp hòi, phe phái.

BƯỚC ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

  1. Một vài sai lầm: (Theo “Dấu Chân Thầy” của cha Piô Ngô Phúc Hậu)

Cha Piô Ngô Phúc Hậu, một nhà truyền giáo nỗi tiếng của Giáo Phận Cần Thơ đã kể ra một vài sai lầm của những cán bộ truyền giáo từ thời Chúa Giêsu cho đến ngày hôm nay, mặc dù cái sai đó là nhân Danh Thầy mình. Thầy Giêsu thì dạy phải yêu mến và chúc lành cho người ta, kể cả kẻ thù, vậy mà Gioan đòi Thầy sai lửa từ trời xuống thiêu hủy một thành xứ Samaria vì một lý do hết sức đơn giản: không đón tiếp Thầy. Phêrô còn làm sai hơn nữa khi ông vung gươm chém đứt vành tai của tên vệ binh đền thờ. Tại sao? vì bảo vệ Thầy. Nhưng dùng gươm để bảo vệ Thầy là làm nhục cho Thầy.

Hai nhà truyền giáo nổi tiếng là Phaolô và Barnaba đã cùng nhau nằm gai nếm mật suốt 4 năm trời. Bốn năm đầm đìa nước mắt. Bốn năm ròng rã mồ hôi. Và trong nước mắt mồ hôi còn có cả máu đào. Thế mà cuối cùng tình huynh đệ bị xé nát, khiến “Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi!” Tại sao vậy? Chỉ vì họ không đồng quan điểm trong việc có nên cho ông Máccô đi theo họ trong chuyến truyền giáo hay không mà thôi. Đúng là chuyện bé xé ra to. Thời trung cổ, lịch sử của Giáo Hội đã để lại những trang vừa dày, lại vừa đen. Ví dụ Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện: “Xin cho chúng trở nên một”, thì nay “chúng” đã trở thành bốn: Công giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành và Anh giáo. Cả 4 anh em đều biết mình sai, làm khổ cho cha mẹ, nhưng không biết phải sửa sai như thế nào. Thầy Giêsu đã bảo tội nhân: “Hãy về và đừng phạm tội nữa!” Còn những người đại diện cho Thầy ở trần gian thì lại ra lệnh đưa người lạc đạo lên giàn hỏa thiêu. Trong số những người “bị cho là lạc đạo” đó có một cô gái 19 tuổi, tên là Jeanne d’Arc bị hỏa thiêu năm 1431. Đến năm 1920, Giáo Hội nhìn nhận mình đã sai lầm nên đã phong thánh cho cô: từ một người lạc đạo trở thành một vị thánh tử đạo.

Những sai trái đó mang danh là làm chứng cho Thầy, nhưng ngược lại là một phản chứng khủng khiếp. Tuy nhiên chúng ta không thất vọng, bất mãn, nhưng để chúng ta thấy Thầy của chúng ta là Đấng Thánh, còn chúng ta, những học trò của Thầy chỉ là những phàm nhân. Khoảng cách giữa Thầy và trò xa vời vợi. Khoảng cách giữa Đấng Thánh và con người là bất tận. Chúng ta thì cúi đầu mắc cỡ vì những sai trái của mình. Nhưng Thầy thì vẫn yêu chúng ta một cách tha thiết. Yêu cả những cái sai trái, bất xứng của chúng ta. Yêu đến mức lịch sử truyền giáo của Giáo Hội trở thành lịch sử của yêu thương và tha thứ. Chính tình yêu đó đã rút ngắn khoảng cách giữa Thầy và trò, giữa Đấng Thánh và con người.

  1. Quyết tâm cụ thể:

Sau khi đã khiêm tốn nhìn nhận những sai lầm của Giáo Hội và của chính bản thân chúng ta nữa, chúng ta xin Chúa chỉ dạy chúng ta phải làm gì trong môi trường truyền giáo của chúng ta.

Điều trước hết là chúng ta phải tin tưởng vào Chúa và Giáo Hội của Chúa. Mặc dù Giáo Hội có những sai lầm, nhưng không vì thế mà Chúa bớt thánh thiện, Chúa sẽ bù đắp tất cả, vì Chúa là Đấng Thánh. Từ đó chúng ta tránh thái độ chê bai, chỉ trích, nói xấu Giáo Hội và những người đại diện Giáo Hội.

Có nhiều người đi lễ vì cha này cha nọ chứ không phải đi lễ vì Chúa. Khi ông cha đó đổi đi chỗ khác thì họ không đi lễ nữa, hoặc tìm đến chỗ ông cha đó để đi lễ. Có nhiều người cộng tác với họ đạo rất tích cực, nhưng khi cha sở khác về thì họ không làm gì hết. Chúng ta có nhiệm vụ xây dựng Giáo Hội, nhưng để có thể xây dựng thì phải yêu thương chân thành. Từ tình yêu thương đó mới có thể thúc đẩy chúng ta đến sự xây dựng trong tình hiệp thông được, nếu không có tình yêu thương thì chỉ có sự phá hoại chứ không phải xây dựng. Chúng ta tin tưởng Giáo Hội có những phương thế giúp chúng ta nên thánh là thánh lễ và các bí tích, nhất là bí tích giải tội. Vì vậy hãy chạy đến lãnh nhận để được nên thánh.

Kế đến chúng ta phải loại bỏ tính ganh tị, tinh thần cục bộ, óc bè phái trên bước đường truyền giáo. Đừng nghĩ rằng chỉ nhóm chúng ta mới tốt, còn những nhóm khác là xấu, thậm chí là xấu tệ. Có họ đạo kia có 2 ca đoàn mà sinh ra đủ thứ chuyện: Nhóm này nói xấu nhóm kia, nhóm kia nói xấu nhóm nọ, đến mức nhóm này may đồng phục màu vàng thì nhóm kia nói: “Trời, màu vàng gì giống cục…!” Nhóm kia cũng không vừa: “Hát gì như mèo kêu chó sủa, hát riết không ai thèm đi lễ hết!” Chúng ta hãy bắt chước Chúa để có cái nhìn rộng lượng, mở lòng ra đón nhận tất cả mọi người, vì tất cả chúng ta đều là con cái Chúa, và là cán bộ truyền giáo của Chúa. Nên nhớ rằng chúng ta làm chứng cho tình thương của Chúa chứ không phải làm chứng cho mình hoặc nhóm của mình. Vì vậy hãy cố gắn liên kết với nhau trong mọi hoạt động để mục đích là phục vụ tha nhân và phụng sự Chúa.

Xin ơn Chúa giúp qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse và cha thánh Phanxicô Trương Bửu Diệp cho mỗi người và từng người trong cộng đoàn chúng con bỏ được tật ganh tị, hơn thua với người khác. Ngược lại phải biết“vui với người vui, khóc với người khóc” để chúng con cùng nhau chia sẻ một sứ mạng mà Chúa đã truyền cho chúng con là “làm cho mọi người nên một” để “Danh Cha được cả sáng”.