Cầu Nguyện Trong Khiêm Tốn

print

Cầu Nguyện Trong Khiêm Tốn

Chúa Nhật 30 Thường Niên C 23.10.2022
vo ha
I.  Đối với người có niềm tin vào Đấng Vô Hình , thì Cầu Nguyện là một trong những phương cách phổ thông và dễ làm nhất, để liên lạc với Vị Giáo Chủ của tôn giáo mà mình tin tưởng và phó thác. Như vậy, Cầu Nguyện là một nhu cầu để sống và hành đạo mỗi ngày trong kiếp sống nầy. 
 
Vì con người, tự mình thiếu sót và khiếm khuyết đủ thứ, nhiều mặt, luôn cần sự trợ lực và giúp đỡ về vật chất giữa đồng loại, cũng như phù hộ về tinh thần từ Đấng Tuyệt Đối Hoàn Hảo. Nhưng phải biết trình bày những nhu cầu thiếu hụt về vật chất và đặc biệt, về tinh thần của mình cách khiêm tốn, để được trợ giúp.
 
Lời Chúa trong Phụng vụ Thánh Chúa nhật 30 Thường Niên Năm C nầy, cho chúng con biết lời cầu xin của người thu thuế bị dư luận xã hội coi là tội lỗi, được Chúa nhận lời, còn người Biệt Phái tự phụ khi cầu nguyện, thì lại về tay không. 
 
Tới đây, ta cùng đọc nguyên văn Lời Chúa bên dưới cùng xin ơn soi thêm sáng cho biết những việc phải làm.
 
II. Lời Chúa
 

BÀI ĐỌC I: Hc 35, 12-14.16-18 “Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”.

Bài trích sách Huấn Ca.

Chúa là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van.

Nỗi hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn.

Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết.

 

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 4, 6-8. 16-18 “Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến,

Phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin.

Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. 

Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử.

 Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời! Amen.

 

 PHÚC ÂM: Lc 18, 9-14 “Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác:

“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 

‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. 

Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng:‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. 

Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

III. Đôi Dòng Ghi Chú Và Tâm Tình
 
Trước hết, Bài Đọc 1 từ Cuốn Sách được Việt ngữ gọi là “Huấn Ca” thay vì dùng tên người viết ra, chỉ gặp được  trong Cựu Ước trừ sác Các Tiên Tri. Vị Ký lục – vì Tác giả chính là Thiên Chúa chỉ đạo – của sách nầy là Ông Giêsu con của Ông Xira. Sách ra đời chừng năm 180 TCN, cũng dạy về đức khôn ngoan qui chiếu về nguồn gốc là chính Thiên Chúa, được Công giáo đưa vào  Thánh Kinh.  
 
Những dòng Lời Chúa trong Bài đọc 1, trước hết  vẽ ra chiếc vòng qui nạp vinh danh tôn phong Thiên Chúa là vị quan án tốt lành, không thiên vị kẻ giàu người nghèo. Chúa lại coi vinh quang bề ngoài chẳng là cái gì. Kẻ mồ côi, người goá phụ cô đơn yếu thế, thêm được Thiên Chúa bảo trợ (Xh 22: 21-22).
 
Kế đến, vị ký lục kể  ra những lời van xin của người nghèo dân Chúa – nhất là  trong hoàn cảnh bị vua Chúa Hy Lạp áp bức  trong thời gian lịch sử (c. 180 TCN) – sẽ vọng tới các tầng mây và Chúa sẽ xét xử cho người chính trực và thi hành công lý. 
 
Vì chưng, Người là  vị quan toà công minh chính trực,  không nhận hối lộ cũng như hi lễ bất chính (35: 11). Họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Chính Trực  chưa xét xử. 
 
Theo Thánh Kinh, “Chúa không trì hoãn, không bắt họ đợi lâu” (c. 19) có thể giải quyết khổ nạn của dân trong một giây nhãn tiền, nên dân Chúa luôn vững lòng tin. 
 
Còn trong thực tế hay lịch sử, con người phải kiên nhẫn chờ đợi, có khi lâu hơn tới nhiều thế hệ. Trong  thời gian đó, phải tích thiện để phùng thiện, vì chúa cũng nói:  “cây tốt sẽ sinh trái tốt”  (Mt 7: 17). Và Ngày giờ đó gọi là “Thời Thần” do luật lệ qui định của Thiên Chúa. 
 
Những Lời cầu nguyện của người xưa với tâm thành hai thế kỷ trước Chúa Giêsu trong sách Huấn Ca, đưa dẩn các môn đệ và dân Chúa  tới hai thái độ cầu nguyện của hai con người tiêu biểu trong dụ ngôn của Chúa Giêsu dạy trong  thời Tân Ước. 
 
 
Qua bài Phúc Âm, câu truyện về phương cách và thái độ cầu nguyện của người Biệt Phái và người thu thuế, khá rõ ràng dễ đọc dễ hiểu với câu kết thúc của Chúa Giêsu cho biết thành quả cầu nguyện của mỗi người.
 
Chúa Giêsu một lần nữa, dùng dụ ngôn dạy cách sống đạo của thời Tân Ước, để kiện toàn luật lệ và tập tục của thời trước, qua hai nhân vật tiêu biểu sau đây.
 
Vào truyện, một là người Biệt Phái, lên đền thờ, đứng thẳng  cầu nguyện bằng cách cảm tạ Chúa năm điều, mà không cần Chúa giúp đỡ. 
 
Ông tự coi mình không như bao kẻ khác – ý nói cao trọng hơn – do không tham lam, bất công, ngoại tình, mà lại  ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả thu nhập lợi tức. Ông còn xỏ xiêng coi khinh người thu thuế (c 11)  không làm được như ông.
 
Phàm, luật Cựu Ước chỉ đòi người Do Thái ăn chay 1 lần vào ngày Sám Hối mỗi năm Day of Atonement (Mt 6:16-18). Ông Pharisiêu nầy đã làm quá bổn phận ăn chay với 104 lần một năm. Coi như ông đạt tới đỉnh điểm trong việc giữa chay – nhịn ăn uống cả ngày khi trời còn sáng. 
 
Hai là, Người Do Thái khi cầu nguyện, đứng  thẳng, giơ tay  hướng lên trời, là bình thường. Nhưng phong cách đứng thẳng của người Biệt Phái trong dụ ngôn nầy, chất chứa thái độ trân tráo, tự kiêu, tự mãn, tự đại.
 
Ba là, ở đây người Biệt Phái, qua lối cầu nguyện,  tự cho mình có khả năng hoàn thành những bổn phận mà luật cũ  qui định, để trở thành công chính, mà không cần xin Chúa giúp đỡ điều gì hơn nữa để tiến tới hoàn thiện. 
 
Nhưng ngược lại, người thu thuế bị xã hội dán nhãn cho là người xấu. Còn chính mình cũng cảm thấy tội lỗi, nên đứng đàng xa, tách ra khỏi cộng đoàn, chẳng dám nhìn trời, mà chỉ biết cậy dựa vào Chúa đầy lòng tha thứ vì mình tội lỗi, với lời cầu đơn sơ ngắn gọi:  ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. 
 
Kết đoạn, Chúa Giêsu không lên án người Biệt Phái,  nhưng đánh giá thái độ nâng mình lên của ông, nên bị hạ xuống bằng không.
 
 Còn người thu thuế thì được tha thứ, vì biết hạ mình xuống cậy dựa vào ơn sủng của Thiên Chúa, để  sám hối, hầu tiến tới hoàn mỹ. Vì chưng, niềm tin tưởng vào Chúa, là yếu tố chính làm cho con người trở nên công chính (Rm 3: 28). 
 
Quay lại chính mình, lâu nay những người và chúng con đã được sinh ra trong gia đình “đạo dòng” nên quá quen thuộc với lề thói sống đạo phần lớn như máy móc bề ngoài xưa nay, kiểu người Pharisiêu, mà lòng trí thì xa cách Thiên Chúa.
 
Thêm nữa, chúng con thường tự cho mình là con nhà “có đạo” nên hay để dạ khinh thường: chúng nó là “người ngoại, kẻ ngoại, ngoại đạo, đạo giả, đạo dối …”. Những anh chị em nầy, đa số là những người lương thiện đã gặp thẳng Chúa trong Chân Lý, Thần Khí  và Sự Thật, nên cũng đã thực hành Lời Dạy Phúc Thật của Ngài  nghiêm túc hơn chúng con bội phần. 
 
Còn trong cộng đoàn Họ Đạo, chúng con thường hay so đo đánh giá, kẻ nầy nguội lạnh, gia đình kia rối rấm, họ đang nằm  trong tội lỗi lớn nhỏ … không được làm quen thân gần. Họ không xứng đáng vào nhà thờ hay ngồi chung với tín hữu, mà phần lớn như con trong sạch bề ngoài. Trong khi đó,  chúng con chẳng làm gì giúp họ, kể cả cầu nguyện, thăm viếng, khuyên nhủ… 
 
Chúng con còn tệ hại hơn cả người Pharisiêu nữa.  Xin mở mắt và cải hóa tâm hồn chay đá  của chúng con, cho trở nên mềm mại như Chúa muốn, giúp chúng con biết nhận ra mình cũng đầy tội lỗi như người thu thuế hôm nay. Chúng con chỉ có một tấm lòng tan nát khiêm cung, để dâng lên chúa (ý TV 51: 19)
 
Trở lại bài đọc 2, là sáu câu  được trích ra trong bài đọc nầy từ thư dài thứ 2, Thánh Phaolô gởi cho cộng sự viên cũng là bạn thân cận Timôtê vào giai đoạn cuối đời lúc bị cầm tù tại Roma. 
 
Thánh Phaolô biết giờ ra đi, là giờ chết sắp đến. Người như một chiến binh anh dũng xông pha mạo hiểm giữ vững niềm tin, chạy hết chặn đường gian lao, để gặp Chúa nhận triều thiên chính nghĩa, cũng như sẽ ban thưởng triều thiên đó cho những ai yêu quí sự xuất hiện của Chúa. 
 
Trong lần bị cầm tù lần 2, Thánh Phalô bị bỏ mặc, một mình ra buổi điều trần sơ bộ với Cêsa, không ai theo hổ trợ. Nhưng Người tin tưởng có Chúa bên cạnh, ban sức mạnh để thoát nanh vuốt sư tử, mà hoàn thành việc rao giảng cho các dân chưa biết Tin Mừng. 
 
Rồi Chúa sẽ còn cứu thoát Người khỏi mọi hành vi hiểm độc và đưa người vào vương quốc của Chúa trên trời.  
  
IV. Xin Dâng Lời Cầu

Chúa đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh cao quí và hoàn hảo của Chúa.  Nhưng tội lỗi đã làm chúng con xa cách Người. Dù vậy, Người không bỏ chúng con trong vô vọng mà luôn tỏ lòng từ ái với chúng con, như những cha mẹ tốt lành luôn mở rộng vòng tay đón đứa con  sai phạm trở về. 

Xin cho mọi thành phần dân Chúa là Hội Thánh luôn tin tưởng Lòng tha thứ và thương xót của Chúa bao la hơn lỗi lầm của chúng con.

 
Xin cho con người tại những nước phát triển, biết nhìn ra mọi chủng tộc màu da đều xuất phát từ Chúa,  mà thêm tôn trọng, yêu thương và giúp đỡ họ nhiều hơn nữa.
 
Xin cho mỗi thành viên trong  Họ Đạo chúng con, ý thức thân phận tội lỗi của mình, mà tránh tự cao tự đại kết án hay khinh thường những anh chị em khác.
 
Xin giúp chúng con chú ý hơn nữa và thực hành thường xuyên lời dạy bỏ qua những  xúc phạm của người khác, như Chúa đã luôn tha thứ cho chúng con.  Amen.