Cầu Nguyện

print

Cầu Nguyện

Trích trong tập sách Đối Diện Với Thiên Chúa

Lm. Giuse Thân Văn Tường

 

Tiếp cận đến cầu nguyện có nhiều cách, nhiều như số người cầu nguyện, và như những biến cố luôn khác nhau xảy đến. Cầu nguyện rất dị biệt, dị biệt như những tìm tòi của tình yêu vậy.

 

– Phạm vi của cầu nguyện cũng rộng như phạm vi của hy vọng. Ta có thể nói rằng ở mọi sinh vật có tiến triển, đều có hy vọng. Vì thế mọi cố gắng đáp lại những đòi hỏi của bản thân mình, đều ngầm chứa một lời cầu nguyện. Cố gắng ấy là khoảnh đất tự nhiên cho cầu nguyện mọc lên.

 

– Nhìn như trên, ta có thể suy nghĩ rất rộng: tiếng khóc của trẻ sơ sinh đã là một lời cầu nguyện. Cầu nguyện này còn hoàn toàn có tính sinh lý. Nó sẽ biến nên sự thích ứng với môi sinh.

 

– Khi thời gian ở trong lòng mẹ đã mãn, thì một quy luật không gì cưỡng được đuổi nó ra khỏi lòng mẹ. Đến lúc này, nó hoàn toàn ở tình trạng thụ nhận, thì bấy giờ, trước vũ trụ bao la, nó phải tự mình phản ứng lại. Cơ thể có sự sống này thốt lên một lời cầu cứu với cái khách thể xa lạ mà nó vừa bị ném vào. Nó sẽ được đón nhận, nhưng từ nay, chính nó phải có cố gắng thì mới được đón nhận. Gặp gỡ đầu tiên cũng là đối đầu đầu tiên của con người với thế gian trong hơi thở thứ nhất của trẻ sơ sinh. Đây là: một điều phi thường, một phép lạ! Hơi thở đầu tiên tạo nên một trao đổi sự sống giữa thế gian và sinh vật. Đó là biểu tượng chứa đựng tất cả mầu nhiệm về sự sống. Thật vậy, đời sống chỉ là sự hình thành dài dòng của sự gặp gỡ đầu tiên này giữa con người và thế gian với những thành công và thất bại nối tiếp.

 

– Như trên, mọi cố gắng của con người để tồn tại và tiến triển đều ngầm chứa một lời kêu cầu, một khẩn nguyện. Ở giai đoạn này, cầu nguyện là một từ mà hy vọng nơi con người chưa dám đón nhận, hoặc vì chưa có một công thức, hoặc vì chưa biết diễn tả với ai.

 

– Phải thú nhận rằng: khi đã nhận được sự sống, ta chờ đợi và hy vọng rất nhiều. Đó là điều tự nhiên: người ta chỉ sống khi có hy vọng, và không có hy vọng thì sống cũng như là chết. Nhưng ta hy vọng gì và vào cái gì? Đời sống thế gian, tha nhân, Thiên Chúa…? Lúc sơ sinh ta chưa biết rõ được gì.

 

– Kinh Thánh đã nhắc đến người nữ tì Agar, vì lòng ghen tị của bà chủ mình, phải đuổi ra khỏi nhà với đứa con nhỏ tuổi là Imael mà cô đã có với ông chủ mình là Abraham. Cô tiến vào hoàng địa với một vò nước, và khi đã uống cạn vò, cô không đành lòng nhìn thấy con chết khát, nên đã đặt nó một nơi rồi ra xa đó mà ngồi. Vì không được sưởi ấm bởi lòng mẹ, lại khát nước, Ismael bắt đầu kêu khóc. Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa, nghe tiếng kêu khóc của đứa bé và thiên thần của Thiên Chúa từ trời gọi Agar mà bảo: ‘Sao đó Agar! Đừng sợ gì cả, vì Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu của thằng nhỏ ở nơi của nó’” (St 21,17).

 

– Ismael sắp chết khát, tiếng kêu khóc biểu lộ sự đau khổ và khát vọng được sống của nó. Tiếng kêu khóc ấy tuy chưa có lời để diễn tả, cũng đã nói lên sự nổi loạn của nó trước số phận bạc bẽo của mình. Tại sao nó lại phải chết khát trong sa mạc bên người mẹ thất vọng và đau khổ của nó? Đây là phản ứng bột phát của một sinh vật trước hoạn nạn và sự chết. Trong phản ứng này, chẳng có gì gợi lên một lời cầu nguyện. Ta ở trong một trường hợp hoàn toàn bột phát: cơ thể của một sinh vật đã kiệt quệ vì đói khát thốt ra qua tiếng kêu khóc sự bất lực và nỗi uất ức của mình. Đây là một trong muôn vàn bi kịch gây nên do kiêu căng và ích kỷ của loài người. Tiền sự chúng tạo nên đưa đến những hiệu quả theo luật tất định không cách cứu vãn. Nhưng, một tia hy vọng bất ngờ le lói: “Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu của trẻ nhỏ ở nơi của nó”. Thiên Chúa đã nghe, nghĩa là đã biết và đã cảm thông. Tình cảnh một trẻ thơ hấp hối vì hiếu mọi sự cần thiết cho đời sống mang nặng một ý nghĩa mà nạn nhân, vì còn quá non dại, chưa diễn tả ra bên ngoài được. Nhưng phải giải thích thế nào về tiếng kêu khóc của Ismael là một lời cầu nguyện mà Thiên Chúa đã nghe?

 

– Kinh Thánh đã nhấn mạnh: “Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu khóc của trẻ thơ ở nơi của nó”. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, thông suốt mọi sự, nhưng Người lưu ý đặc biệt đến cảnh huống của trẻ nhỏ Ismael, Người thấy nó “ở nơi của nó”, giữa đau đớn và tuyệt vọng của con hấp hối.

 

Nhưng cái gì làm chứng rằng Thiên Chúa đã lưu ý đến tiếng kêu khóc của Ismael nói riêng và đến tiếng kêu khóc của những người bé mọn nói chung? Họ thiếu bảo vệ vì không có khôn ngoan, quyền lực, của cải… nên trở nên vật hy sinh cho ích kỷ và bất công của loài người. Trong lịch sử, họ luôn là những người thua thiệt.

 

– Câu trả lời ở tại sự kiện Con Thiên Chúa làm người đã thâu tóm nơi Người tất cả nhân loại yếu đuối, thua thiệt. Tiên tri Isaia nói: “Người đón nhận các khổ cực của ta và Người gánh lấy các đau đớn của ta” (53,4). Vì thương yêu loài người, Đức Kitô đã đồng hoá với họ và đã đón nhận các khổ cực của họ để nâng họ lên: “Và Ta, khi lên khỏi đất, Ta sẽ kéo theo hết mọi người với Ta” (Ga 12,32). Mọi người bé mọn, cùng khổ, kể cả những người vì hoàn cảnh đời sống, không còn có đủ sáng suốt để tự do chấp nhận hay chối bỏ Thiên Chúa nữa, cũng sẽ được Đức Kitô nâng lên.

 

– Nhờ mầu nhiệm Nhập thể, những đau khổ, thua thiệt của những người nhỏ mọn yếu đuối đều được thâu nhận trong Đức Kitô nên đều có một giá trị giải thoát. Cha Monchanin viết: “Tất cả những đau khổ không có ý nghĩa ở một tạo vật nào cũng sẽ có ý nghĩa tuyệt đối trong sự đau khổ của Đức Kitô” (Ecrits spirituels, Paris, Centurion, tr. 123).

 

– Các sự thiệt thòi, đau khổ của bao tâm hồn đơn sơ, vô tội chưa biết tự mình dâng hiến cho Thiên Chúa như trường hợp Ismael cũng không vô ích, vì đã được Đức Kitô thâu nhận là của mình, và được Thiên Chúa Ngôi Cha chấp nhận.

 

– Thánh Phaolô còn tiến xa hơn trong đường hướng suy niệm trên. “Toàn thể vũ trụ đều rên xiết trong đau đớn sinh con” (Rm 8,22). Với ông, vì tội lỗi của loài người, thế gian này nay cũng rơi vào tình trạng hư đốn, nên nó cũng đang mong chờ ơn giải thoát.

 

– Thế gian ra xấu vì tà tâm của loài người ngày nay là một sự kiện rõ ràng. Hằng ngày báo chí nhắc đến những nguy hai gây nên trong môi sinh, trong cơ cấu xã hội… có thể giảm thiểu đời sống và tha hoá con người. Đó là tiếng báo động rằng thế gian “rên xiết trong đau đớn sinh con”.

 

– Thế gian rên xiết, nó không biết ý nghĩa việc nó làm, nhưng Chúa Thánh Thần bắt đầu ở sự rên xiết này để đưa nó đến ấp úng kêu tên Thiên Chúa. Sự rên xiết của Thần Khí không thể diễn tả ra được, nhưng ở đâu có hoạt động của Thần Khí, thì ở đó có thôi thúc để thế gian xưng ra danh Thiên Chúa.

 

– Trong rên xiết ngầm chứa hy vọng, khi không có hy vọng, không còn rên xiết nữa. Trong thế gian, khi không còn hy vọng, và rên xiết đã tắt lịm, đó là lúc nhân loại đã bít kín mọi cửa sổ mở lên siêu việt.

 

– Theo thánh Phaolô, người tín hữu cũng thuộc về thế gian, nhưng họ không thất vọng vì họ biết rằng: sẽ có ngày thế gian đổi mới, và trong trời mới đất mới, họ sẽ sống trong vinh quang Thiên Chúa. Và vì thế, họ cảm thấy có trách nhiệm phải biến rên xiết của thế gian nên lời cảm tạ.

 

– Thế gian là tạo vật của Thiên Chúa. Làm xuất hiện giá trị của thế gian đã là tham dự một cách nào đó vào kinh nghiệm tôn giáo về mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Đó cũng là nhận biết hành động của Thiên Chúa trong ta qua trung gian của thế gian là hình ảnh của Người.

 

– Nếu Thiên Chúa hiện diện trong thế gian, thế gian vẫn chưa phải là nước Thiên Chúa. Vinh quang mà Thiên Chúa phản chiếu trong thế gian còn mờ mờ như ở trong gương. Con đường tiệm tiến của cầu nguyện ở trong hoàn cảnh lưỡng diện này.

 

– Đó là điều giải thích thế gian vừa có ở chính mình vừa có ở ngoài mình sức mạnh để đi đến một biến hình trọn vẹn. Con đường của cầu nguyện cũng phải nhờ vào hai sức mạnh ấy thì mới đạt được kết quả.

 

******

 

Cầu nguyện có muôn vàn hình thức, nhưng đều quy về một trong hai đường hướng sau đây là ra khỏi thế gian và nhập cuộc với thế gian.

 

– Có người chỉ cầu nguyện được khi ở một mình, xa người khác. Họ cần một phòng kín hay một nhà thờ thanh vắng. Trong Phúc Âm, Người cũng “ra khỏi đám đông, đến một nơi thanh vắng, và ở đó, Người cầu nguyện” (Mc 1,35).

 

– Người khác lại cần phải nhìn thấy bất công, bạo lực, đau khổ trong thế gian để cùng với các nạn nhân của các bất hạnh ấy cầu nguyện, thì họ mới cảm thấy sốt sắng, thành tâm, khẩn thiết.

 

– Gần đây, có nhà thần học nghĩ rằng: khi việc thờ phượng Thiên Chúa trở nên một trú ẩn để xa tránh thế gian, thì người ta đã làm cho tôn giáo trở nên hư đốn (J. Robinson, Dieu sans Dieu, Nouvelles Editions Latines, P. 114).

 

– Giữa hai xu hướng trên, ta phải chọn cái nào? Đâu là tiêu chuẩn để ta lựa chọn? Một tiếp cận thật sự với cầu nguyện cũng là một tiếp cận với Thiên Chúa, nên dù theo xu hướng nào, thì cầu nguyện cũng luôn là khơi dậy một tình yêu tiến đến sự hiệp thông với Thiên Chúa. Vấn đề được đặt ra ở đây là Thiên Chúa ở đâu? Ở trong hay ở ngoài thế gian? Ở khắp mọi nơi hay chẳng ở đâu cả?

 

– Theo Kinh Thánh thì Thiên Chúa vừa siêu việt vừa nội tại trong ta. Người vừa ở trong, vừa ở ngoài ta. Người bao giờ cũng rất gần gũi, nhưng cũng rất cách biệt với ta.

 

– Nếu cầu nguyện là “nâng lòng ta lên với Thiên Chúa”, thì cũng là đi xa hơn điều ta cảm thấy để đạt đến điều ta không cảm thấy. Điều ta cảm thấy là thế gian và điều ta không cảm thấy là “thánh thiêng” (sacré). Cầu nguyện là bỏ trần gian lại đằng sau để bước vào thánh thiêng. Nhưng lại nảy ra vấn đề: thánh thiêng ở trong hay ngoài ta?

 

– Trong Kitô giáo, có người quả quyết: Thánh thiêng là chiều sâu của bình thường cũng như Thiên Chúa vừa ở ngoài vừa ở trong ta. Và nếu như vậy: thánh thiêng phải khám phá ra ở ngay trong những thực tại hằng ngày của đời ta, nghĩa là trong thế gian. Nhưng người khác lại nói: người tín hữu chân chính là người tin rằng thánh thiêng siêu việt mọi thực tại trần gian (cf. Jean Danielou, Dieu et Nous, Grasset, 1956, ch. 1 và 2).

 

– Để hiểu quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người, suy luận triết học không cho biết đầy đủ được, cần phải nhờ vào mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Con nữa. Ông Claudel viết: “Biến cố Đức Kitô đã đến vì ta cho mọi sự một đường hướng và một tiến triển” (L’Épée et le Miroir).

 

– Cần phải biết việc một ngôi Thiên Chúa đến sống giữa loài người đã làm cho tất cả các thực tại trần gian thánh thiêng như thế nào? Đó là một vấn đề quá rộng không thể đơn giản giải đáp trong mấy dòng được. Điều chúng ta cần biết ở đây là Đức Kitô đã thiết lập cả một phẩm trật hiện diện của Thiên Chúa trong tạo vật. Sự hiện diện ấy khác trong viên đá, trong viên đá đã thánh hiến trên bàn thờ, và trong tấm bánh đã truyền phép. Sự hiện diện ấy cũng dị biệt trong các hành động khác nhau nơi con người.

 

– Vì sự hiện diện của Thiên Chúa trong tạo vật có thể đi từ hiện diện trong khiếm diện đến hiện diện trong bí tích mà người ta có thể biết rằng trình độ thánh thiêng ở chúng có thể đi từ trần tục đến thánh hiến. Vì thế con đường để gặp gỡ thánh thiêng và kết hiệp với Thiên Chúa cũng có nhiều cấp bậc.

 

– Nếu khách quan con đường cầu nguyện có nhiều, ta không được vin vào đó để biện hộ cho những thái độ tâm lý sai lầm.

 

– Nếu xa thế gian một thời gian vì nó quá trần tục để đi vào thánh thiêng cho dễ “nâng lòng lên với Thiên Chúa” thì đó là điều tốt. Nhưng còn ở đời này, ta không có quyền quay lưng với thế gian để được thông hiệp giả tạo với thánh thiêng. Thế gian đầy bất công phải xoá bỏ, bất trắc phải đương đầu. Ta không được lấy cớ chọn thánh thiêng và những đặc ân dành cho nơi ấy chỉ vì hèn nhát và lười biếng trước những trách nhiệm ở đời này. Chán đời đi tu là một phương châm sai lầm.

 

– Nhưng lấy cớ rằng Thiên Chúa không ngự trên mây xanh, mà ngay giữa loài người để dấn thân vào các trách vụ trần gian đến không còn giây phút tĩnh tâm nào để nhớ đến Thiên Chúa và thánh ý Người thì cũng là điều sai lầm.

 

– Ta phải tránh những thái độ một chiều gây nên bởi những động lực mà ta không dám tự thú với bản thân. Để được như vậy, ta phải nhìn vào gương Người. Luôn ta phải tìm Chúa giữa loài người chứ không phải trên mây xanh. Lời của thánh Gioan sau đây đúng luôn mãi: “Có một Đấng ở giữa anh em mà anh em chưa nhận biết” (Ga 1,26). Thật vậy, trong giờ phát xét Chúa sẽ đồng hoá mình với những người bé mọn thiếu thốn, ai giúp đỡ, che chở họ là giúp đỡ, che chở chính Chúa. Nhưng mặt khác Người cũng dạy ta “rút vào nơi thanh vắng để gặp Thiên Chúa” (Mt 6,6), và giữa hoạt động tông đồ, sau một ngày truyền giáo mệt nhọc, Người thường đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện.

 

– Như trên, Người đi vào cả hai con đường cầu nguyện: Người là Thiên Chúa thật, nhưng cũng là người hoàn toàn. Trong những biến cố quan trọng của đời người Người đều gặp với Ngôi Cha: như khi Người chịu Phép rửa (Lc 3,21); khi Người hiển linh cho mấy môn đệ thân tín (Lc 9,29); khi Người cho Ladarô đã chết được sống lại (Ga 9,4); khi Phêrô chối Người (Lc 22,31). Trước hay sau khi có một quyết định quan trọng, Người thường cầu nguyện để sửa soạn và kiểm điểm việc mình làm, như trước khi chọn 12 tông đồ (Lc 6,12) và sau khi làm cho bánh ra nhiều (Lc 6,36). Ngay cả trong lúc đến một nơi truyền giáo, người ta tìm gặp Người liên miên, mà Người vẫn có giờ “rút vào nơi thanh vắng” (Mc 1,35).

 

– Tại sao trong một đời sống hoạt động đầy công việc, Đức Kitô vẫn luôn có những giờ phút rút vào thanh vắng để cầu nguyện? Vì mệt nhọc trước một đời sống đầy lo nghĩ, để thoả mãn luật tâm lý có làm việc thì cũng cần có nghỉ ngơi, để gặp lại Ngôi Cha mà nhận lãnh thánh ý Ngài… có lẽ các lý do đó đều đúng một phần.

 

– Cầu nguyện là chấp nhận cho Thiên Chúa kiểm soát mọi hành động của đời ta.

 

******

 

– Với nhiều người nói đến cầu nguyện là nghĩ ngay đến im lặng. Với họ, im lặng không những là điều kiện hay một hình thức của cầu nguyện, mà còn là cách diễn tả cuối cùng và hoàn hảo của cầu nguyện nữa.

 

– Chắc rằng yên lặng là một yếu tố quan trọng trong cầu nguyện, nhưng không là tất cả cầu nguyện.

 

– Khi nhìn vào đời sống nhộn nhịp của thời đại chúng ta, có lạ gì ta cảm thấy cần có sự yên tĩnh, cũng như người ngột ngạt thì cảm thấy cần phải thở.

 

– Thí dụ người thợ làm một xưởng máy trong thành phố. Vừa thức dậy đã phải len lách đến nơi làm việc, làm việc rồi nghỉ trưa tại sở, rồi lại làm việc tiếp giữa ồn ào của các động cơ. Tối trở về gia đình lẽ tất nhiên người ấy mong ước được hưởng một chút yên hàn. Và nếu người ấy cầu nguyện, lẽ tất nhiên cầu nguyện phải là một giờ yên lặng trong tâm hồn.

 

– Nhưng nếu người ấy, vì một may mắn nào đó, được sống trong yên tĩnh lâu dài. Anh sẽ chịu đựng yên lặng một thời gian. Rồi từ yên lặng, sẽ vang lên những tiếng động, không phải của một hoà điệu du dương, nhưng của đòi hỏi các nhu cầu từ vật lý đến tinh thần, trá hình dưới những ký ức của đời sống cụ thể. Thế là, tưởng rằng trốn vào yên lặng thì thoát được các vấn đề rắc rối của đời sống, người ấy lại gặp chúng ở một mức độ sâu sắc hơn, làm cho anh càng thêm bối rối.

 

– Sau những choáng váng của đời sống nội tâm nói trên, anh lại cảm thấy đời sống hoạt động vững chãi hơn. Chắc rằng nó đòi có sự chiến đấu, gian khổ, nhưng nó cụ thể, gắn liền với thân phận con người hơn. Làm sao tránh được quan hệ với quá trình kinh tế, chính trị của thời đại chúng ta? Bên cạnh ta, mọi người đều ở hoàn cảnh ấy, ta hãy cùng họ chiến đấu để cứu ta và cứu họ. Và người ta lao mình vào hoạt động, hoạt động… cho tới một cơn bệnh làm tắt nghẽn hoạt động.

 

– Dù tha thiết ước mong được yên lặng, nhiều người chỉ đến ngưỡng cửa rồi dừng lại, chứ không đi sâu vào lòng yên lặng. Một số người khác sợ hãi yên lặng, họ cần có tiếng động bên mình, nếu không thì họ lo sợ.

 

******

– Ước muốn yên lặng và trốn lánh vào ồn ào hoạt động đều là những hiện tượng ta luôn gặp thấy trong đời sống người Kitô hữu. Điều này đã gây nhiều tranh luận về quan hệ giữa suy niệm và đời sống tông đồ.

 

– Yên lặng chỉ có ích khi ta biết dành cho nó vị trí đúng trong đời sống. Lúc ấy nó không đối lập với hoạt động, nhưng phối hợp với hoạt động để đem lại cho đời sống một bước tiến biện chứng: suy niệm ban can đảm và sáng suốt cho hoạt động và hoạt động ban kinh nghiệm, đối tượng và lý do cho suy niệm.

 

– Tâm lý học cho biết dù chỉ trong giới hạn một ngày, hoạt động của con người cũng có giới hạn vì gặp phải những phản kháng bên ngoài và bên trong. Lúc ấy, không tránh được sự chùn bước và làn sóng nội tâm ập ngược lại gây nên một xúc động mạnh. Nếu lúc ấy người ta không tự chủ được mình thì rơi vào tình trạng chán nản, phân tán tập trung, trốn lánh vào thế giới tưởng tượng. Trái lại, nếu lúc ấy con người có tự chủ và sự chín chắn, thì điều họ coi như phản kháng sẽ là cơ hội để họ hiểu biết mình và đời sống hơn, và nhờ đó, họ sẽ có một đổi mới trong cách dấn thân phù hợp với thực tế hơn. Biện chứng: suy nghĩ – hành động là điều kiện không những cho thành công trong hoạt động mà còn cho sự tiến bộ trong đời sống tinh thần nữa.

 

– Ở thời đại chúng ta, thường biện chứng trên bị rối loạn hay lãng quên. Những khó khăn trong đời sống thường bởi đó mà ra. Người ta sống phân tán, vọng ngoại vì không biết phải tìm gì, làm chủ cái gì, và giũ bỏ cái gì?

 

– Những vấn đề của cầu nguyện chỉ đặt đúng khi lưu ý đến biện chứng trên. Thánh Gioan Thánh Giá phân biệt trong việc thánh hoá sự thanh luyện thụ động và sự thanh luyện hoạt động. Ông cho rằng: thanh luyện thụ động phải đặt trên thanh luyện hoạt động. Trong “cảnh vực thần linh”, Teilhard de Chardin cũng phân biệt sự thần hoá các hành động và sự thần hoá các thụ nhận vì đó là hai bộ mặt của cùng một đời sống và là hai cánh tay để con người vươn lên tới Thiên Chúa.

 

– Dính bén thế gian hay chìm xuống và từ bỏ đời này hay vươn lên là hai động tác của đời sống con người như trong hô hấp, người ta phải trở ra và hít vào vậy.

 

– Một bên là hoạt động, dấn thân, gắn bó với trần gian và bên kia là yên lặng, cầm trí, từ bỏ đời này: đó là nhịp điệu của đời sống. Chẳng ai đạt đến ngay một lúc sự hoàn thiện cho dù đó là kinh nghiệm của hoạt động hay một suy niệm. Đời sống là một hình thành vất vả của thế gian và của con người, con người trong thế gian.

– Ta không hoàn thiện bản thân một mình nhưng với người khác. Sự liên đới ấy có cả trong cầu nguyện riêng tư nhất, và là nền tảng cho cầu nguyện tập thể.

 

******

 

– Chân lý trong cầu nguyện đòi chân lý trong đời sống và sự tôn trọng nhịp điệu của nó. Như vậy, phải đặt lúc nào cho việc cầu nguyện! Có được chỉ cho nó những giờ nhất định không? Chắc rằng sức lực dồn vào các công việc bên ngoài có lúc dội lại nội tâm: lúc ấy là thời giờ tốt nhất để cầu nguyện. Nhưng người ta cần phải đi xa hơn nữa: phải biết cầu nguyện mọi lúc, vì cầu nguyện ăn rễ rất sâu vào đời sống con người.

 

– Làm thế nào để có thể cầu nguyện mọi lúc? Phải phân biệt cầu nguyện như một hành động trong các hành động của con người, và như một thái độ trong đời sống. Trước là một bận bịu riêng, một thời giờ dành vào việc cầm trí để đón nhận Thiên Chúa đến tỏ ra cho ta. Thứ đến một chú ý của cả cuộc đời: ta luôn tỉnh thức đi theo con đường Thiên Chúa đã vạch ra cho đời sống ta như một tinh tú trung thành chuyển vận theo quỹ đạo của mình. Hai hình thức trên phải bổ túc lẫn cho nhau, nhưng hình thức trên có giờ có lúc, còn hình thức sau phải gắn bó với cả mọi lúc của cả cuộc đời.

 

– Cầu nguyện luôn thuộc phạm vi của hữu thể, ở đây sự kết hiệp với Thiên Chúa là một hiệp nhất trong sự kiện, nó không cần đến lời nói để nhắc lại. Nó cho ta cảm giác rằng đời mình có tập trung, không phân tán, có mục đích và mình đang tiến tới mục đích ấy.

 

******

 

– Tối đến, cơm nước xong, ta ngồi trước máy truyền hình cho đến lúc buồn ngủ, ta tắt máy lên giường và rơi vào giấc ngủ: đó là nếp sống bình thường của biết bao người! Ít ai nhận thấy rằng ban ngày mình đã bận rộn với các việc ngoại giới, tối đến mình lại còn để cho hình ảnh các bận bịu ấy ám ảnh cho đến lúc thân thể mệt mỏi rơi vào trống rỗng của giấc ngủ là một mất mát lớn. Tại sao ta không nghĩ đến sửa soạn giấc ngủ là việc quan trọng nhất của ta trong ban đêm? Đó là tiên báo về ban đêm của đời ta, khi sự chết đến. Người ta quen nói: sống là sửa soạn để biết chết. Cả ngày bận rộn để mưu sinh, đêm đến, ta được nghỉ ngơi yên tĩnh, đó là lúc ta phải trở lại nội tâm, suy nghĩ về ý nghĩa đời mình, và cho nó một định hướng. Trước khi đi ngủ, kinh tối đọc có ý thức là một sửa soạn rất thích hợp.

 

– Lúc sáng sớm, vừa mở mắt ra, với nhiều người, các hình ảnh của ban ngày đã ập vào đầu óc họ: nào là dự định, lo ngại, nào là chán chường, mệt mỏi… Không phải chính bản thân họ dậy khỏi giấc ngủ, nhưng một mớ ý nghĩ và cảm xúc đã xô đẩy họ tỉnh thức và kéo họ vào dây chuyền các bận rộn.

 

– Ít ai gạt được các hình ảnh trên ít phút để nghĩ đến bản thân: như đọc kinh sáng, tập thể dục và ăn lót lòng một cách thanh thản.

 

– Để trở lại với bản thân lúc đi ngủ và lúc thức dậy như vậy, con người phải biết chống lại các bận rộn và lôi cuốn làm cho họ lạc hướng đời mình. Sự chống lại này thường đem đến cho họ một cảm giác trống vắng, vì nó chưa có một kết quả phải đạt được vào một chương trình phải thể hiện. Nó chỉ là sự kiện chứng tỏ bản ngã ta không thể hiểu biết được và mọi ngày trong đời ta đều chỉ có cho bản ngã mình.

 

– Khi rời ồn ào các việc bên ngoài để trở về với nội tâm, ta thường có cảm giác sự trống rỗng, nhưng dần dần, ta sẽ khám phá ra cảm giác có Thiên Chúa ở trung tâm đời sống mình. Cảm giác này ban đầu còn yếu đuối và chủ quan, nhưng sẽ vững vàng dần dần và trở nên dấu chỉ của một đời sống tinh thần đích thực. Vì cố gắng lặp đi lặp lại ta sẽ dần dần học biết lắng nghe Thiên Chúa ngự trong lòng ta và vâng theo chỉ dẫn của Người. Lúc ấy ta sẽ thấy một hữu thể đầy sức sống ngự giữa cuộc đời ta, ân cần với nó và là mô hình mà nó phải noi theo.

 

– Thánh ý Thiên Chúa không tuỳ thuộc vào giá trị của sự vật bên ngoài, nhưng là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong quan hệ với mỗi người. Người ban cho ta đời sống Người đã quyết định, và cầu nguyện là tìm hiểu thánh ý. Người cho thời gian tới, và gặp được Người ở đó.

 

******

 

– Ngày nay, người ta đặt nặng hoạt động và hiệu nghiệm của đời mình nên có người nghĩ rằng: cầu nguyện là thoái thác và trốn lánh thực tế phũ phàng để bước vào ảo mộng.

 

– Cầu nguyện không phải là mơ mộng ích kỷ. Đức Giêsu là mẫu mực cho ta về cầu nguyện chẳng bao giờ trốn lánh khó khăn và phấn đấu thực tế. Người là Con Thiên Chúa mà Người đã không e ngại nhận lấy thân phận một người chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc loài người. Theo gương Người, nhiều vị thánh có đời sống cầu nguyện thâm sâu, đã tìm thấy ở đó ánh sáng và sức mạnh để trở nên những người tổ chức xã hội phi thường. Thánh Bernađô và thánh Grêgôriô Cả vừa là những người có đời sống siêu nhiên sâu sắc vừa là những động lực lớn của việc tổ chức xã hội Tây phương ở thời Trung cổ. Thánh Têrêsa Cả vừa chép sách thiêng liêng vừa cải tổ và thành lập nhiều nhà dòng mới trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Thánh Đaminh lấy khẩu hiệu cho dòng Người sáng lập là “Comtemplare et tradere” (Suy niệm và rao giảng). Như vậy, không thể nói rằng: cầu nguyện tách ra khỏi người khác để khỏi phải dính líu đến các trách vụ và cuộc chiến đấu của họ.

 

– Trách móc bất công trên không chỉ dành cho cầu nguyện, người ta cũng đã trách móc như vậy với thi ca và nghệ thuật. Mỗi lần có tiếng mời gọi con người đưa mắt nhìn xa hơn các gánh nặng và đau khổ của cuộc đời là người ta lại trách móc như vậy.

 

– Nguyên nhân ở tại người ta không phân biệt trốn chạy và vượt lên trên. Vượt lên trên không phải là sợ đương đầu, nhưng đương đầu để vượt lên một cái gì đẹp đẽ hơn. Con người chỉ chiến đấu khi có hy vọng, chẳng ai chiến đấu để mà chiến đấu.

 

– Đức Kitô đã muốn đem lại một đời sống mới bất diệt, nhưng để đạt tới đó, Người đã phải đón nhận một cái chết thê thảm nhất.

 

– Đời này còn là tù đày, chưa phải là hạnh phúc, nhưng để giải thoát những kẻ tù đày thì phải nếm mùi tù đày mới biết cách giải thoát họ.

 

– Trong việc cầu nguyện, không được quên duy nhất của tương phản và biện chứng đối lập: cầu nguyện vừa là một dấn thân vừa là một thoái thác, hai phương diện ấy không thể tách rời nhau được.

 

– Như người lao động có quyền được thời giờ nghỉ ngơi để lấy lại sức, như người lính chiến được trở về hậu phương để bồi bổ trước khi đánh một trận mới, người tín hữu cũng cần phải có thời giờ dứt bỏ các bận bịu đời này để hướng về Thiên Chúa là hy vọng của đời mình.

 

******

 

– Thiên Chúa là Chúa của đời sống. Người xưa cảm nghiệm Lời này rõ hơn chúng ta. Họ nghe thấy tiếng Thiên Chúa trong sấm nổ, gió gào; họ dùng sư tử và mãng xà để tượng trưng cho các sứ thần của Người. Những biến cố bất ngờ xảy đến làm đảo lộn cả nếp sống cũ, những tư tưởng mới làm đảo lộn cả quan niệm về đời sống, đều là gặp gỡ với Thiên Chúa.

 

– Sứ thần của Thiên Chúa không luôn có hình thức sư tử và mãng xà, nó có thể có hình thức quen thuộc hơn: một ước muốn dai dẳng, một ngờ vực, một ức chế, một nhu nhược nuôi dưỡng một tình trạng căng thẳng, sợ sệt cũng có thể là sứ thần của Người. Trong trần gian, Thiên Chúa không ngự ở một thiên đường êm đềm, bình lặng, trong đó mọi sự đều có trật tự và hợp lý. Người ngự giữa chia ly phải hàn gắn, dang dở phải hoàn thành, bất toàn phải đưa đến hoàn hảo. Không phải trật tự và sự bền vững là điều Người muốn, nhưng sự biến đổi để nên tốt hơn, vì thế để đến với Người thì phải phấn đấu và dứt bỏ.

 

– Ở đời này người ta làm lụng vất vả để có đời sống sung túc, và khi đã được giàu có rồi, thì ước ao được an nghỉ trong khung cảnh ấy. Còn Thiên Chúa, Người không lo tổ chức Nước Người cho bền bỉ ở đời này. Người không tiêu diệt các thầy thông luật và người biệt phái, Người không loại Giuđa ra khỏi nhóm 12, Người để cho những kẻ chống đối, thù nghịch Người tồn tại theo quy luật tự n hiên, Người không bênh vực Đức Kitô bằng phép lạ… Khôn ngoan của Người xem ra trái với khôn ngoan của loài người.

 

– Chúng ta nóng lòng muốn xoá bỏ bất công, bạo lực, ngu muội, hèn nhát… với lý do là để bảo vệ bản thân vào Giáo Hội, và ta cầu nguyện trái với thánh ý Thiên Chúa: Lạy Chúa, xin sai thiên thần của Chúa xuống lập lại trật tự trong Giáo Hội và trên trái đất! Trong lúc chính Đức Kitô đã xin Cha Người không đưa chúng ta ra khỏi thế gian, mà chỉ xin Ngài gìn giữ chúng ta cho khỏi sự dữ mà thôi. Khi muốn trốn lánh thế gian, ta cũng xa lánh Thiên Chúa.

 

– Có sự dữ phá huỷ và có sự dữ làm cho ta đau đớn. Ta phải xa lánh sự dữ phá huỷ, nhưng ta phải đương đầu với sự dữ làm cho ta đau đớn. Đức Giêsu không lánh vào trong đền thờ yên tĩnh, Người ở ngoài tiền đường, giữa náo nhiệt của quần chúng, bên hòm tiền và người đổi bạc. Người không tìm lợi thế, Người chấp nhận hoàn cảnh tự n hiên xảy đến. Nhưng lúc nào Người cũng tự chủ và tin ở sứ mệnh Ngôi Cha trao phó.

 

– Với người tín hữu, các cuộc khủng hoảng của đời sống đều có ý nghĩa: thất bại, ảo tưởng, đổ vỡ, sự mới lạ gây e ngại… đều có thể vượt qua và đưa đến hoàn thành định mệnh. Nhưng trước những hoàn cảnh ấy, điều cầu thiết là đừng mù quáng chấp nhận, hèn nhát chịu đựng, nhưng có sự kiên nhẫn sáng suốt của người biết phân biệt lành dữ.

 

– Trong đời sống, phải biết chấp nhận sự giằng co giữa lành và dữ, không nên nôn nóng xoá đi một bên nào: đó là một hình thức hy vọng và một thái độ cầu nguyện.

 

– Cầu nguyện là tới gần Thiên Chúa giữa những biến cố gây xúc động của cuộc đời.

 

******

 

– Các định nghĩa về cầu nguyện thường in dấu vết triết lý của thời đại mình, nên không xác định được cầu nguyện là gì một cách quán triệt.

 

– Định nghĩa quen thuộc: “Cầu nguyện là nâng linh hồn lên Thiên Chúa” chịu ảnh hưởng sâu đậm của phái Tân Platon và coi linh hồn như bị giam hãm trong thân thể cần được giải thoát. Nhưng cầu nguyện không phải là việc riêng của linh hồn, mà là việc của toàn thể con người trước Đấng sáng tạo nên mình.

 

– Định nghĩa của thánh Augustinô: “Cầu nguyện là thưa lên Thiên Chúa” nói lên được một vế của cầu nguyện là “thưa lên”, nhưng vế “đáp lại lời Thiên Chúa” mà chắc rằng thánh Augustinô không chối bỏ, vẫn chưa được diễn tả.

 

– Định nghĩa của K. Rahner sau đây xem ra đầy đủ hơn: “Cầu nguyện vừa là đón nhận ý muốn thương yêu của Thiên Chúa, vừa là đáp lại nồng nàn với tình yêu ấy, được diễn tả hay công thức hoá bằng một hình thức nào đó”. Nhưng mọi người không hiểu được dễ dàng định nghĩa phức tạp này.

 

– Trong cầu nguyện, có liên quan đến yếu đố sâu thẳm nhất của căn tính con người là xu hướng về Thiên Chúa là nguồn gốc của mình vì Người đã sáng tạo nên mình từ không cho có.

 

– Trong cầu nguyện còn có liên can đến ơn cứu độ mà Đức Kitô đã đem đến cho ta. Nhờ ơn này, ta được tham dự vào tình yêu Thiên Chúa trong bình an và hoan lạc của Chúa Thánh Thần.

 

– Trong cầu nguyện, khi sự dứt bỏ với bản thân càng lớn, nghĩa là sau khi tâm hồn ta càng trong sạch, càng giũ bỏ được các đam mê thấp hèn, thì sự gặp gỡ với Thiên Chúa càng có nhiều thuận lợi.

 

– Sự đón nhận đức tin, sự hướng về đức cậy và sự tận hiến trong đức mến và sự cầu nguyện củng cố sẽ làm cho người tín hữu cảm thấy một cách cụ thể phẩm chất siêu nhiên của đời sống mình.

 

– “Này là tâm hồn con ở trước mặt Chúa, xin mở nó ra và xin nói với tâm hồn con rằng: Chính Ta là ơn cứu độ của con. Con muốn chạy theo tiếng ấy và cuối cùng nắm bắt được Chúa. Xin Chúa đừng lánh mặt xa con” (Confessions 1,5).

 

– Căn tính của cầu nguyện không thể xác định được, nó chỉ xuất hiện cho kẻ đã cầu nguyện với tâm hồn cởi mở nhờ đức tin, đức cậy và đức mến vào Đấng đã thâu nhận thế giới vào mình mà vẫn ngàn trùng siêu việt nó. Vì thế, để biết cầu nguyện, con đường các tông đồ đã theo là đúng nhất, đó là hỏi chính Chúa: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).

 

– Với kinh “Lạy Cha”, không những Đức Kitô đã ban cho các môn đệ một công thức mẫu, mà còn ban cho các ông khả năng cầu nguyện một cách thích hợp (Rm 8,26).

 

– Trong cầu nguyện của Kitô hữu, họ không tách rời với Đức Kitô, “trong Người họ tìm được gan dạ để đến với Thiên Chúa trong cậy trông” (Ep 3,12). Họ tìm được trong Người phẩm giá là con Thiên Chúa, vì thế mỗi lời cầu nguyện của họ đều kết thúc bằng: “nhân danh Đức Kitô, Chúa chúng con”.

 

– Nhân danh Đức Kitô không chỉ có nghĩa là làm nên với Người một nhiệm thể mà Người là đầu, nhưng còn có nghĩa là có cùng một tư tưởng và ý muốn như Người. Vì thế mà Chúa Thánh Thần cũng có vai trò soi sáng và hướng dẫn để ta không sai lầm khi cầu nguyện. “Thánh Thần đến giúp sự yếu hèn của ta vì ta không biết xin gì để cầu nguyện cho đúng” (Rm 15,33).

 

– Nếu Đức Kitô và Chúa Thánh Thần là tác giả và là Đấng ban sự sống cho cầu nguyện của người tín hữu, thì nơi cầu nguyện phải là Giáo Hội. Đức Kitô chỉ hiện diện trong Giáo Hội, vì Người đã hứa ở đâu có hai hay ba người tụ họp nhân danh Người thì ở đấy Người hiện diện. Mặt khác Đức Kitô là đầu Giáo Hội, mọi hoạt động của thân thể đều phải nhờ đầu điều động.