CHA ROLAND JACQUES, NHÀ TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM CHO NGƯỜI NGHÈO VÀ NGƯỜI THIỂU SỐ
Chúa Nhật, ngày 22 tháng 10, Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 97, chúng tôi để nghị cho các bạn chứng từ của Cha Roland Jacques, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Là nhà truyền giáo trong mười ba năm ở Việt Nam, ngài hỗ trợ cộng đoàn Hiến Sĩ trẻ, và đóng góp vào sự phát triển của Giáo hội địa phương bằng sự thu hút.
Một thánh lễ ở một nhà thờ ở Việt Nam
Vào ngày 25/1/2023, Đức Phanxicô đã công bố một sứ điệp trong đó ngài đề xuất một bài suy niệm xoay quanh câu chuyện của các môn đệ trên đường về làng Emmaus. Đức Thánh Cha mời gọi các nhà truyền giáo cũng ra đi với tấm lòng bừng cháy, đôi mắt mở rộng, đôi chân tiến bước để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Vào ngày 22 tháng 10 này, Ngày Thế giới Truyền, chúng ta lắng nghe chứng từ của Cha Roland Jacques. Sau khi làm giáo sư tại Đại học Saint Paul ở Ottawa, Canada, ngài đến Việt Nam “với tấm lòng bừng cháy” và “với đôi mắt rộng mở” vào năm 2010 để hỗ trợ cộng đoàn Hiến Sĩ trẻ, hiện diện từ năm 2001. Ngài đề cập đến nhiều hoạt động đa dạng của Hội Dòng của mình.
Xavier Sartre : Thưa Cha Roland Jacques, làm sao có thể truyền giáo ở một đất nước như Việt Nam?
Cha Roland Jacques : Chỉ một số người trong chúng tôi đến Việt Nam và, ngoài tôi ra, những người khác đều là người Việt tỵ nạn, được đào tạo ở Pháp. Trong những người này, ngày nay, chỉ có một người vẫn ở bên tôi. Sứ mạng của chúng tôi, lúc đầu, là quy tụ, tập hợp và đào tạo các nhà truyền giáo Hiến sĩ được tuyển dụng tại địa phương. Chúng tôi chưa cố gắng cứu trợ các cộng đồng già cỗi của Pháp. Ngay từ đầu, chúng tôi đã quyết định đề nghị chuyên môn truyền giáo của các Hiến sĩ cho Giáo hội tại Việt Nam và chúng tôi đã tuyển dụng những tình nguyện viên trẻ tuổi cùng chúng tôi để phục vụ tại Việt Nam. Về vấn đề này, có một số trường hợp ngoại lệ: chúng tôi hiện có và gần đây có một số nhà truyền giáo người Việt ở nước ngoài, nhưng số lượng họ vẫn còn rất ít.
Xavier Sartre : Mối quan hệ của Việt Nam với Giáo hội nói chung thường khá phức tạp trong những thập niên gần đây. Hoạt động truyền giáo có chịu ảnh hưởng từ đó không?
Cha Roland Jacques : Các tôn giáo nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng được coi như làm việc trong khuôn khổ các thể chế dân sự và chính trị của Việt Nam. Chúng tôi không thể làm việc bên ngoài các giáo phận. Chúng tôi liên kết chặt chẽ với việc mục vụ của giáo phận. Điều này không cản trở chúng tôi chút nào, vì chính như thế mà các Hiến sĩ quan niệm công việc của mình. Nói như thế, các nhà truyền giáo nước ngoài không phải luôn luôn được chào đón. Tất nhiên là có sự tiến triển, nhưng vẫn còn chậm. Vả lại, khi bắt đầu, tôi được khuyên trong giấy tờ cư trú không được đề cập bất cứ điều gì về tình trạng tu sĩ của tôi. Trong chừng mực tôi là giáo sư đại học, nên đây không đặt ra vấn đề. Đối với những người trẻ mà chúng tôi tuyển dụng, hiện là linh mục và ngày nay ở độ tuổi từ 30 đến 60, vấn đề được đặt ra lại khác. Chúng tôi bắt đầu bằng cách cung cấp họ cho các giáo phận xin sự hiện diện của chúng tôi. Chúng tôi đã huấn luyện họ trong các nhà đào tạo của mình, bởi các linh mục có tinh thần truyền giáo. Họ được gửi đến một số vùng khó khăn nhất của đất nước. Đó là một chút niềm tự hào của chúng tôi. Nhờ đó, hiện nay chúng tôi có mặt ở bảy hoặc tám giáo phận, được Đức Giám mục cử đến, ở những vùng thiếu thốn nhất. Gần đây chúng tôi đã nhận được từ giáo phận Kon Tum trách nhiệm đối với một vùng có các Kitô hữu nhưng không có cơ cấu, không có nhà thờ và không có nơi cư trú. Thậm chí không có bất kỳ mảnh đất nào có sẵn. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng thành lập một nhà thờ tại chỗ, ở một góc xa xôi của giáo phận; một khu vực biên giới (không xa Campuchia và Lào, ghi chú của biên tập viên) là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số.
Chúng tôi chuyên chăm sóc mục vụ ở các vùng miền núi, với các sắc tộc thiểu số, nhưng không chỉ thế. Các vùng miền núi đông đúc “dư dân” từ các trại đồng bằng lúa và là nơi dân cư quá dày đặc do cơ giới hóa trồng lúa. Chính quyền đã tái định cư những nhóm dân cư “dư ra” này trên những vùng đất nghèo, ở vùng núi nơi họ sống cùng với các sắc tộc thiểu số.
Giáo phận đầu tiên mời chúng tôi là giáo phận Hưng Hóa ở phía tây bắc đất nước. Ở đó, chúng tôi gặp ba thế hệ người tái định cư, trong đó có nhiều Kitô hữu. Nhưng họ không có linh mục và không có nhà thờ. Thế hệ đầu tiên đã giữ được truyền thống của mình. Thế hệ thứ hai vẫn biết kinh nguyện và nghi thức dành cho người đã khuất. Còn thế hệ thứ ba, họ biết mình là Kitô hữu mà không biết điều đó có nghĩa là gì. Chúng tôi thấy mình ở trong một hoàn cảnh hoàn toàn phù hợp với lời kêu gọi của đấng sáng lập Dòng Hiến sĩ, thánh Eugène de Mazenod, người sau này là Giám mục của Marseille và là người đã thành lập nhóm linh mục truyền giáo của mình cho các vùng nông thôn không còn là Kitô giáo nữa, bị bỏ rơi trong cuộc Cách mạng Pháp. Do đó, chúng tôi đã tiếp xúc với những cộng đồng người Việt Nam phi Kitô giáo một cách sâu xa.
Chúng tôi làm việc để phục hồi đức tin nơi những người dân nghèo, trẻ tuổi này, những người làm việc chăm chỉ để đất đai sinh sản. Chúng tôi cũng làm việc với các sắc tộc thiểu số sau khi có được sự cho phép chính thức cần thiết. Vì vậy, chúng tôi, những nhà truyền giáo đến từ Pháp, đã đào tạo những người trẻ để đến lượt họ ra đi truyền giáo tại các giáo phận có yêu cầu.
Cha Roland Jacques (hình: vnexpress)
Xavier Sartre : Làm thế nào tái loan báo Tin Mừng cho những dân cư phi Kitô giáo này?
Cha Roland Jacques : Nếu chúng ta lấy gương của giáo phận Hưng Hóa, thì có những nhóm nhỏ Kitô hữu. Chúng tôi đến thăm họ, chúng tôi làm việc với những người trẻ tuổi, chúng tôi quy tụ những người trẻ lại với nhau và điều đó rất quan trọng. Đôi khi nó rất chậm, nhưng những cộng đoàn này, trong chừng mực họ trở nên sống động hơn với những nhà nguyện nhỏ, trong đó có một ca đoàn sôi nổi. Điều đó thu hút mọi người, những người lạc lối, bởi vì khi họ không còn là Kitô hữu nữa ở Việt Nam, họ sẽ không có gì để gắn bó. Những người này không hề cảm thấy mình là Phật tử chút nào, cũng không bị Phật giáo thu hút. Chúng tôi thu hút những người trẻ đang đánh mất lý tưởng, những người đang đánh mất tương lai của mình. Khi có một nhóm Kitô hữu trẻ sôi nổi, cuối cùng họ sẽ thu hút được các bạn trai, bạn gái và các bạn của các bạn. Rõ ràng điều này không đồ sộ, nhưng đó là công việc lâu dài mà chúng tôi cũng thực hiện với các sắc tộc thiểu số, những người nói chung đang tìm kiếm bản sắc tôn giáo. Mọi người tò mò muốn biết đức tin Kitô là gì mà họ đã nghe nói đến. Vì vậy, chúng tôi đã có thể xây dựng các cộng đoàn lan tỏa, nhân rộng và ngày nay vẫn đang tiếp tục ở nước ngoài.
Xavier Sartre : Trong mắt Cha, ý nghĩa của sứ mạng nói chung là gì?
Cha Roland Jacques : Có một tầm nhìn về Giáo hội mà chúng ta tìm thấy nơi nhiều linh mục người Việt. Việt Nam có nhiều giáo xứ đẹp, được tổ chức tốt, có nhiều hiệp hội, nhóm cầu nguyện, v.v. Họ rất thích tổ chức những buổi cử hành đẹp. Nhưng Giáo hội không thể chỉ như vậy. Đây là những cử hành rất đẹp mà chúng tôi ngưỡng mộ và tham gia, và chúng quy tụ đám đông lại với nhau. Tuy nhiên, trong ý thức truyền giáo của chúng tôi, với tư cách là con cái của thánh Eugène de Mazenod, chúng tôi không thể bằng lòng với điều đó. Chúng tôi biết rằng, như đấng sáng lập đã nói, có rất nhiều tâm hồn bị bỏ rơi, nhiều người đang tìm kiếm ý nghĩa và cần được đồng hành. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã thành lập một công trình bác ái nhỏ tại giáo phận Hưng Hóa này. Công trình này cho phép thu hút được sự tham gia của giáo dân, những người có lẽ chưa sẵn sàng trở thành nhà truyền giáo, theo nghĩa là nhà truyền giáo giáo dân, nhưng họ hoàn toàn sẵn sàng, nhân danh đức tin của mình, để thực hiện một số cử chỉ bác ái nhỏ bé. Công trình bác ái này đã đạt được một số thành công. Một hoặc hai Hiến sĩ đồng hành cùng giáo dân và ngày nay nó có mặt ở năm tỉnh. Nhưng chúng tôi cũng chăm sóc những người bệnh tật, những người cô đơn, và chúng tôi đã phụ trách một cô nhi viện ở ngoại ô Sài Gòn. Tất cả những điều này nằm hoạt động truyền giáo của chúng tôi.
Cô nhi viện của chúng tôi thậm chí còn nhận được vinh dự từ truyền hình Việt Nam. Chúng tôi tiếp nhận các trẻ em chủ yếu là người sắc tộc thiểu số, hoặc vì gia đình của chúng quá nghèo đến mức không thể chăm sóc chúng được nữa hoặc vì không còn ai chăm sóc. Và chúng tôi có thể dạy giáo lý cho những đứa trẻ này, tất nhiên là chúng đang theo học ở trường công. Sau đó, chúng tôi đảm bảo hỗ trợ học tập với “sự chúc lành” của chính quyền. Không thiếu việc làm, chính những người thợ của vườn nho đang thiếu! Nhưng năm nay chúng tôi đã mang lại năm linh mục và bốn phó tế cho Giáo hội.
Giáo điểm Hmong
Xavier Sartre : Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng lặp đi lặp lại rằng Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ. Cha đã thiết lập nhiều hoạt động xã hội. Làm thế nào để không trở thành một tổ chức phi chính phủ đơn thuần?
Cha Roland Jacques : Rủi ro rõ ràng là có đó. Nhưng công trình bác ái nhỏ bé của chúng tôi gồm có các tình nguyện viên, các Kitô hữu đến đó vì họ là Kitô hữu, ý thức sống đức tin của mình qua những hành động bác ái. Họ không che giấu điều đó bằng bất kỳ cách nào và thường xuyên cử hành đức tin của mình, với chúng tôi hoặc không có chúng tôi. Đối với cô nhi viện hoặc ngôi nhà dành cho người trẻ của chúng tôi, chúng tôi tiếp nhận các em trai và em gái từ 16 tuổi trở xuống, thậm chí xa hơn khi các em không thể tự nuôi sống bản thân. Các em được bao bọc bởi các tình nguyện viên và một số nhân viên mà chúng tôi có thể trả công, tất cả đều là các Kitô hữu cũng đến để sống đức tin của mình, để khẳng định đức tin đó. Các đứa trẻ biết điều này, cũng như gia đình của những đứa trẻ này cũng biết điều đó, đối với những người đã có gia đình. Chúng tôi cử hành thánh lễ hằng ngày trong đó các bạn trẻ được tự do tham gia. Chúng tôi dạy giáo lý cho những ai muốn biết Chúa Kitô nhiều hơn, và những ai muốn đều có thể xin rửa tội. Họ đang ở trong một môi trường Kitô giáo, không có nghi ngờ gì về điều đó, và chúng tôi cung cấp một nền giáo dục Kitô giáo. Điều này khiến chúng tôi khác biệt với các tổ chức từ thiện không liên quan đến tôn giáo.
——————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican News)