Chỉ Có Một Điều Cần: Chương 3

print

Chương 3

SỰ TĨNH MỊCH

 

Nơi bí mật và cô đơn ấy

Không có sự tĩnh mịch thì hầu như sẽ không thể sống đời sống thiêng liêng được. Sự tĩnh mịch bắt đầu với việc dành một thời gian và không gian nào đó cho Thiên Chúa, và chỉ cho một mình Ngài thôi. Nếu ta thực sự tin rằng Thiên Chúa không chỉ hiện hữu mà còn hiện diện cách chủ động trong đời ta — chữa lành, dạy dỗ, và hướng dẫn – thì ta cần phải sắp xếp một nơi, và một giờ nhất định nào đó, để chỉ quan tâm tới một mình Ngài thôi. Chúa Giêsu nói: “Hãy vào phòng đóng cửa lại, mà cầu nguyện với Cha anh em là Đấng thấu suốt mọi nơi kín ẩn” (Mt 6, 6)

Making All things New.

***

Sống đời Kitô hữu nghĩa là sống trong thế giới này mà lại không thuộc về thế giới này. Chính trong sự tĩnh mịch, tự do nội tâm mới có thể phát triển. Chúa Giêsu đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện, nghĩa là, để lớn lên trong ý thức rằng mọi quyền lực Ngài có đều là những quyền lực đã được ban cho Ngài; mọi lời của Ngài đều là do từ Cha, và mọi việc Ngài làm không thực sự là của Ngài mà là của Đấng đã sai Ngài. Tại nơi vắng vẻ ấy, Chúa Giêsu đã được tự do để đương đầu với thất bại.

Cuộc sống nào không có một nơi vắng vẻ, nghĩa là, cuộc sống nào không có một trung tâm thanh vắng, sẽ dễ dàng bị hủy diệt. Khi chỉ biết bám vào những kết quả của các hoạt động của ta như cách duy nhất để khẳng định chính mình, ta sẽ trở nên ích kỷ và âu lo và sẽ có khuynh hướng nhìn anh, chị, em mình như những kẻ thù phải tránh xa, chứ không phải là những bạn hữu ta đang chia sẻ những ân huệ của sự sống.

Trong sự tĩnh mịch, ta có thể dần dần lật tẩy sự ảo tưởng của tính tham lam, và sẽ khám phá ra ngay tại cõi lòng ta rằng ta không phải là những gì ta có thể chinh phục, mà chỉ là những gì đã được ban cho ta. Trong tĩnh mịch, ta có thể lắng nghe tiếng của Đấng đã nói với ta trước khi ta biết nói lên lời, đã chữa lành ta trước khi ta có thể giơ tay kêu cứu, đã giải thoát ta từ lâu trước khi ta có thể giải thoát kẻ khác, và đã yêu thương ta trước khi ta có thể yêu thương tha nhân. Chính trong sự tĩnh mịch mà ta khám phá ra rằng những gì ta là quan trọng hơn những gì ta có, và bản thân ta giá trị hơn mọi thành quả của ta. Trong tĩnh mịch, ta khám phá ra rằng sự sống của ta không phải là một gia tài cần bảo vệ, nhưng là một quà tặng cần được chia sẻ. Chính lúc chia sẻ ấy mà ta nhận ra rằng những lời nói có tính chữa lành ta nói ra không phải là của ta, nhưng là những lời được ban cho ta; tình yêu ta có thể diễn tả là một phần của một tình yêu vĩ đại hơn; và cuộc sống mới ta đem đến không phải là gia tài phải bám lấy mà chỉ là một quà tặng được đón nhận.

Out Solitude.

***

Biến cô đơn thành tĩnh mịch

Khi bàn bạc về sự tĩnh mịch và sự cần thiết của sự tĩnh mịch, có ba thuật ngữ rất quan trọng: sự cô độc, cô đơn và tĩnh mịch. Bạn và tôi và mọi người đều có thể cô độc. Cô độc là một sự kiện tự nhiên. Không ai trên trần gian này giống như tôi: tôi là người độc nhất vô nhị. Không ai có thể cảm nghiệm và kinh nghiệm về thế giới này giống như tôi. Tôi đơn độc.

Vậy, ta phải đương đầu với sự đơn độc này ra sao? Nhiều người lấy cô đơn giải quyết sự cô độc. Đó là khi bạn kinh nghiệm về sự đơn độc của bạn như một vết thương, như một cái gì đó làm bạn đau đớn, làm bạn khốn khổ. Nó làm bạn phải kêu lên: “Có ai có thể giúp tôi chăng?” Cô đơn là một trong những nguồn mạch lớn nhất của những nỗi khốn cùng hôm nay. Đó là căn bệnh của thời đại ta.

Nhưng, với tư cách là Kitô hữu, ta được mời gọi biến cô đơn thành tĩnh mịch. Ta được mời gọi kinh nghiệm về sự đơn độc của ta không phải như một vết thương mà là như một ân ban – ơn của Thiên Chúa – để trong sự đơn độc ấy của ta, ta có thể khám phá ra ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương.

Chính tại chỗ ta cảm thấy ta đơn độc nhất, độc đáo nhất, ta cảm thấy ta là mình nhất, lại là chỗ Thiên Chúa gần gũi ta nhất. Đó là chỗ ta cảm nghiệm được Thiên Chúa như một người Cha yêu thương, Đấng biết ta hơn ta biết ta.

Tĩnh mịch là cách thức, nhờ đó ta lớn lên trong nhận thức rằng tại những nơi ta cảm thấy cô độc nhất, lại chính là những nơi ta được Thiên Chúa yêu thương nhất. Tĩnh mịch là một phẩm chất của tâm hồn, một phẩm chất nội tại giúp ta chấp nhận sự đơn độc của ta cách yêu thương như một quà tặng của Thiên Chúa.

Tại nơi ấy, các hoạt động của ta trở nên những hoạt động được làm vì người khác. Nếu ta chấp nhận sự đơn độc của ta như một quà tặng của Thiên Chúa, và biến sự cô độc ây thành một sự tĩnh mịch sâu xa, thì từ chính sự tĩnh mịch ấy ta có thể đến được với người khác. Ta có thể cùng đến với nhau trong cộng đoàn, vì ta không bám vào nhau chỉ vì ta cảm thấy cô đơn. Nhưng, ta tôn trọng sự tĩnh mịch của nhau. Ta nhận ra nhau như những con người được cùng một vị Thiên Chúa kêu gọi.

Nếu tôi tìm thấy Thiên Chúa trong nơi tĩnh mịch của tôi, và bạn cũng tìm được Thiên Chúa trong nơi tĩnh mịch của bạn, thì chính Thiên Chúa ấy đang kêu gọi ta lại với nhau, và ta có thể trở thành bạn hữu. Ta có thể làm nên một cộng đoàn, có thể trợ sức cho một cuộc hôn nhân, có thể ở chung vơi nhau mà không hủy diệt nhau khi chỉ biết bám cứng lấy nhau.

A Quality

***

Cô đơn: một món quà quí giá

Nhưng càng suy nghĩ nhiều về sự cô đơn, tôi càng nghĩ rằng vết thương của sự cô đơn chẳng khác gì một khe núi — một vết rạch thật sâu trên bề mặt của sự hiện hữu của ta, vốn đã là nguồn vô tận của vẻ đẹp và việc tự biết mình.

Vì thế, tôi muốn la thật to và thật rõ những gì như thể là bất thường và thậm chí còn gây hỗn độn nữa: lối sống Kitô giáo không xoá bỏ sự cô đơn của ta nhưng bảo vệ và ấp ủ như một món quà quí giá. Đôi khi dường như ta đã làm mọi sự có thể để tránh đương đầu cách đớn đau với sự cô đơn căn bản của con người của ta và đã tự để mình bị các thần linh giả tạo dụ dỗ bằng cách hứa hẹn những thoả mãn tức thời và những xoa dịu nhanh chóng. Nhưng có lẽ ý thức đau đớn về sự cô đơn chính là lời mời gọi vượt quá những giới hạn của ta và nhìn xuyên qua những biên giới của sự hiện hữu của ta. Ý thức về sự cô đơn có thể là một ân ban ta phải bảo vệ và canh giữ, vì sự cô đơn của ta mạc khải cho ta sự trống rổng nội tâm có thể rất tác hại khi bị hiểu lầm, nhưng lại đầy hứa hẹn đối với những ai có thể chịu dựng nỗi đau ngọt ngào của nó

The Wounded Healer.

***