Chỉ Có Một Điều Cần – Chương 8:
Hình dung ra Chúa Giêsu
Việc cầu nguyện chiêm niệm là việc cầu nguyện trong đó ta chăm chú nhìn lên Thiên Chúa. Làm sao có thể nhìn lên Thiên Chúa như thế được, vì không ai có thể thấy Thiên Chúa mà còn sống ? Mầu nhiệm nhập thể chính là mầu nhiệm con người có thể trông thấy Thiên Chúa trong và nhờ Chúa Giêsu Kitô. Đức Kitô là hình ảnh của Thịên Chúa. Nhờ Ngài và trong Ngài, ta biết rằng Thiên Chúa là người Cha yêu thương, ta có thể trông thấy nhờ nhìn vào Con Ngài… Vì thế, cầu nguyện chiêm niệm có nghĩa là thấy Đức Kitô như hình ảnh của Thiên Chúa… mọi hình ảnh do tâm trí ta tạo ra cách ý thức hoặc không ý thức đều phải tùy thuộc Chúa Giêsu, Đấng là hình ảnh duy nhất của Thiên Chúa, cầu nguyện chiêm niệm có thể được mô tả như việc tưởng tượng ra Đức Kitô, để Ngài đi vào trong ý thức của ta cách đầy đủ đến độ Ngài trở thành hình ảnh duy nhất luôn hiện diện trong căn phòng nội tâm của ta. Nhờ nhìn vào Đức Kitô với lòng âu yếm, ta học được bằng cả trí khôn và tấm lòng những gì Ngài nói về Ngài như là con đường dẫn đến cùng Cha. Chúa Giêsu là Đấng duy nhất trông thấy Cha, Chúa Giêsu nói : “Chưa ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ trừ Con Người Đấng từ trời xuống” (Ga 6, 46).
Toàn bộ con người Ngài là một sự không ngừng được xem thấy Cha. Cuộc đời và công việc của Chúa Giêsu là một sự không ngừng chiêm ngắm Cha. Vì thế, đối với chúng ta,
chiêm niệm có nghĩa là luôn gia tăng việc tưởng tượng ra Chúa Giêsu đến độ, trong Ngài, nhờ Ngài và với Ngài, ta có thể thấy Cha và sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa
Clowning in Rome
Bạn chỉ có thể hiểu được con đường của Thiên Chúa trong cầu nguyện. Bạn càng lắng nghe Thiên Chúa nói trong bạn, bạn càng sớm nghe được tiếng nói ấy mời gọi bạn bước theo con đường của Chúa Giêsu. Vì con đường của Chúa Giêsu cũng chính là con đường của Thiên Chúa, và con đường của Thiên Chúa không chỉ dành cho một mình Chúa Giêsu thôi, mà còn cho hết mọi người đang thực tâm tìm kiếm Thiên Chúa, ở đây, ta đụng phải một sự thật khó khăn, đó là con đường đi xuống của Chúa Giêsu cũng là con đường ta có thể tìm được Thiên Chúa. Chúa Giêsu không ngần ngại nói rõ về điều ấy. Ngay sau khí chấm dứt 40 ngày ăn chay trong hoang địa và gọi các môn đệ theo Ngài, Chúa Giêsu đã nói :
Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó
Phúc cho ai hiền lành…
Phúc cho những người đang than khóc…
Phúc cho những ai đói khát sự công chính…
Phúc cho những ai có lồng xót thương
Phúc cho những người tác tạo hoà bình…
Phúc cho những ai bị bắt bớ vì sự công chính…
Ở đây, Chúa Giêsu đang tự phác hoạ chính bản thân Ngài và mời gọi các môn đệ trở nên giống như Ngài. Ngài sẽ tiếp tục nói theo kiểu ấy cho tới cùng. Chúa Giêsu không khi nào có sự phân biệt giữa Ngài với những kẻ theo Ngài. Nỗi buồn của Ngài cũng là nỗi buồn của họ; niềm vui của Ngài họ sẽ sớm được nếm cảm. Ngài nói : “Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em; nếu họ tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em”. Vì Ngài nói, họ cũng sẽ phải nói; vì Ngài cư xử thế, nên họ cũng phải cư xử vậy; vì Ngài chịu đau khổ, họ cũng sẽ phải khổ đau. Trong mọi sự Chúa Giêsu quả là gương mẫu của họ, và thậm chí còn hơn cả gương mẫu nữa : Ngài là mẫu mực của họ.
Letters to Marc about Jesus.