Chỉ Có Một Điều Cần – Chương 9
Lời mời gọi đến với cộng đoàn
Khi nào ta thôi không làm cho những khác biệt của mỗi cá nhân thành nền tảng của việc cạnh tranh và nhận ra những
khác biệt ấy như những đóng góp có tiềm năng cho một cuộc sống chung phong phú, khi ấy ta bắt đầu nghe được lời mời gọi đến với cộng đoàn. Trong và nhờ Đức Kitô, con người thuộc những lứa tuổi, và những lối sống, những chủng tộc và tầng lớp, ngôn ngữ và giáo dục khác nhau có thể hợp nhất với nhau và làm chứng cho sự hiện diện xót thương của Thiên Chúa trên trần gian này. Có nhiều nhóm có chung những quyền lợi, và hầu hết các nhóm ấy dường như chỉ hiện hữu để đấu tranh và bảo vệ một cái gì đó. Tuy những nhóm này thường hoàn tất những nhiệm vụ quan trọng trong xã hội ta, nhưng cộng đoàn Kitô hữu lại thuộc một bản chất khác. Khi ta hình thành một cộng đoàn Kitô hữu, ta không đến với nhau bởi có cùng một kinh nghiệm, kiến thức, vấn đề, màu da hoặc giới tính, nhưng ta đến với nhau vì ta đã được cùng một Đức Chúa mời gọi. Chỉ mình Thiên Chúa mới làm cho ta có thể bắt những nhịp cầu vẫn đang chia rẽ ta; chỉ mình Thiên Chúa mới cho phép ta nhận ra nhau như những thành viên của đại gia đình nhân loại; và chỉ mình Thiên Chúa mới làm ta tự do để quan tâm săn sóc nhau hơn. Đó là lý do vì sao những người được qui tụ trong cộng đoàn đều là chứng nhân cho vị Chúa xót thương này. Nhờ việc họ mang gánh nặng cho nhau và chia sẻ niềm vui với nhau, họ làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa nơi thế gian này.
Compassion.
Cộng đoàn Kitô hữu là …. một cộng đoàn không chỉ tạo nên cảm thức thuộc về mà còn tạo nên cảm thức xa lạ. Trong cộng đoàn Kitô hữu ta thường nói với nhau: “Chúng ta ở với nhau, nhưng ta không thể thoả mãn nhau… ta giúp đỡ nhau, nhưng ta cũng phải nhắc nhở nhau rằng vận mệnh của ta vượt quá việc ta ở chung với nhau”. Sự nâng đỡ của cộng đoàn Kitô hữu là một sự nâng đỡ mọi người chờ mong. Điều đó đòi phải thường xuyên phê bình bất cứ ai làm cho cộng đoàn thành một nơi trú ngụ an toàn hoặc là một nhóm thân thương và thường xuyên khuyến khích hướng về những gì sẽ đến.
Nền tảng của cộng đoàn Kitô hữu không phải là mối quan hệ gia đình, hoặc sự bình đẳng về kinh tế hoặc xã hội, hay sự đàn áp hoặc kiện tụng chung hoặc sự hấp dẫn lẫn nhau… nhưng dựa trên lời mời gọi của Thiên Chúa. Cộng đoàn Kitô hữu không phải là thành quả của những cố gắng của con người. Thiên Chúa đã làm cho ta thành những người được tuyển chọn bằng cách gọi ta ra khỏi “Ai cập” tới một “vùng Đất Mới”, ra khỏi sa mạc đến vùng đất phì nhiêu, ra khỏi kiếp nô lệ tiến vào cõi tự do, ra khỏi tội lỗi đến với ơn cứu độ, ra khỏi cảnh tù tội vào trong sự giải thoát. Tất cả những lời và những hình ảnh ấy chỉ muốn diễn tả sự thật này là sáng kiến thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa chính là nguồn mạch của việc cùng sống chung với nhau. Do cùng được kêu gọi tới thành Giêrusalem mới, trên đường đi ấy, ta cùng nhận ra ta là anh, chị, em của nhau. Vì thế, vì là dân của Thiên Chúa, ta được gọi là ekklesia tiếng Hy nghĩa là kêu gọi; và ek,là ra khỏi), cộng đoàn được kêu gọi ra khỏi thế giới cũ vào trong thế giới mới.
Reaching