Chớ quên cội nguồn

print

CHỚ QUÊN CỘI NGUỒN

Với lối sống thấm đượm ‘Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’ trong tâm khảm, chúng ta chẳng thể nào lãng quên cội nguồn. Hơn nữa, ngày mồng hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên, ông bà, những bậc đã đi trước chúng ta, đã sống đức tin và hằng đau đáu trong lòng khi còn sống, ngõ hầu để lại ơn sống đạo cho con cháu mai sau: “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (x. Hc 44, 1. 10-15).

Theo dòng lịch sử, đạo Công Giáo bị gán với danh xưng ‘đạo bỏ ông bà, ông vải’! Thật sự, chúng ta không biết vì sao mà bị gán ghép một cách oan uổng như vậy. Có lẽ do chưa hiểu tường tận về đạo Công Giáo, cũng như tinh thần khép kín không muốn đón nhận giá trị đạo đức, luân lý Công Giáo, nên mới ra cớ sự như vậy!!! Tuy nhiên, với tâm tình biết ơn, tri ân, nhớ về cội nguồn, và hằng cầu nguyện-noi gương sống đạo của các ngài, chúng ta cùng nhau đào sâu Lời Chúa, thay vì chú trọng giải thích nguyên do trên.

Trước hết, Sách Huấn Ca quả quyết rằng: “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phao-lô Tông đồ khuyên răn chúng ta: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1). Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc này trở thành hiện thực? Lời giải đáp rất ư đơn giản và hết sức rõ ràng, đó là thực hành Lời Chúa dạy: “Hãy thảo kính mẹ cha” (Mc 7, 10). Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu thể hiện việc này:

“Vì cha nên mới có mình,

Mẹ cha đối đáp công trình biết bao

Ơn này sánh với trời cao

Trong lòng con dám lúc nào lãng quên”.

Thứ đến, việc ‘thảo kính mẹ cha’ không chỉ là lời khuyên răn, mà là một điều răn, một kết ước với Chúa (x. Thập điều), nghĩa là chúng ta phải sống, thực hành cụ thể trong suốt cuộc đời, như: biết tôn kính, phụng dưỡng, vâng phục, chăm sóc, cầu nguyện cho các ngài. Không ai trong chúng ta có thể quên câu: “Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông, có cha có mẹ, có ông có bà”. Nào ai không thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha:

“Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ song thân” (về lòng tôn kính các bậc sinh thành).

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự, ta thì an tâm.” 

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca, nói đến tâm tình phụng dưỡng mẹ cha)

và hết lòng vâng lời mẹ cha: 

“Dạy sao cho được con hiền

Để cho cha mẹ khỏi phiền về con

Một niềm phép tắc nết na

Biết sống biết kính mới là khôn ngoan”.

Chăm sóc cha mẹ khi còn sống, cũng như biết cầu nguyện cho linh hồn các ngài khi đã qua đời không đơn giản là một chọn lựa tuỳ hỷ, mà là trách vụ của một người Ki-tô hữu, như đâu đó có câu:

“Một nén hương nồng nàn lặng lẽ

Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương

Dù bao năm dù có hóa vô thường

Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất” (Kim Liên).

Thật ra, chẳng có bố mẹ nào đòi buộc con cái mình phải phụng dưỡng, trả công nuôi dạy sinh thành cả; nhưng nét tập tục tốt lành này đã ăn sâu vào tâm khảm của con cái, đó là: biết sống hiếu thảo với ông bà, tổ tiên, cha mẹ. Nhờ các ngài, chúng ta được Chúa cho chào đời. Nhờ công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ mà chúng ta nên người, trở thành con cháu hiếu hoà:

“Con nợ mẹ cha những ngày vui bất tận

Rong rủi suốt cuộc đời không định hướng tương lai

Con nợ những chiếc hôn còn nóng hổi vành môi

Trong cơn điên loạn giữa bạc tiền mến mộ.

Khi rời xa mới biết ý nghĩa của gia đình

Mới biết niềm vui trong từng cử chỉ 

Mới biết hạnh phúc phải đâu nào xa xỉ

Vì chỉ một nụ cười cũng đủ ấm con tim…” (Kim Liên);

Hơn thế, “Giữ mãi gia đình trong một góc riêng

Để nhớ để mong để âm thầm cầu nguyện:

Xin nỗi buồn đừng hằn trên mắt mẹ

Và nụ cười đừng chia cách môi cha…” (Kim Liên).

Sau cùng, năm cũ đã qua với bao nhiêu tiếc nuối, bao nhiêu thiếu sót của những người con đối với cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời. Có lẽ không thiếu lỗi lầm lớn nhỏ khiến cha mẹ phiền lòng, già đi vì chúng ta. Tuy nhiên, năm mới đến, sắc xuân tươi trẻ và với ơn Chúa, chúng ta cùng nhủ nhau rằng: sống thảo hiếu với cha mẹ, vâng phục, tôn kính, chăm sóc các ngài, đừng sống bất hiếu, đừng làm những chuyện thất đức, đáng xấu hổ với tổ tông như “liệt tổ, liệt tông”, cũng đừng làm cho cha mẹ bất an, lo lắng cho chúng ta, để khỏi phải cảm thấy nuối tiếc về thời gian cạnh bên cha mẹ, đã không làm tròn phận vụ người con, khiến cho các ngài khổ tâm, âu sầu, buồn tủi. Thế nên, ai đó muốn quay ngược thời gian như trong chuyện tranh Đô-rai-môn của Nhật Bản:

“Thời gian thấm thoắt trôi đi, 

Tìm đâu một vé trở về tuổi thơ? 

Một thời lém lỉnh ngây ngô, 

Sống trong đùm bọc bến bờ yêu thương” (khuyết danh).

Và đâu đó, tiếng nức nở tiếc nuối của những người con mải miết với ‘cơm áo gạo tiền’, quên mẹ cha hằng thương nhớ, lo toan cho mình:

“Bài học đầu đời thật vất vả mẹ cha ơi!

Xin cho con im lặng để mắt con cay

Xin cho con lạnh lùng để con không bật khóc

Xin cho con góp nhặt để còn chút lương tâm

Xin cho con chuộc lỗi dù biết đã muộn màng” (khuyết danh).

Nhân dịp mồng hai Tết, xin cầu chúc quý cha, quý sơ cùng quý thầy, ông bà, anh chị em, các bạn trẻ và mọi em thơ:

Năm mới kính chúc quý cha

Dạt dào ơn thánh, bao la tình người

Tận tâm phục vụ vui tươi 

Cho đoàn con nhỏ mãi cười hợp hoan

Cầu chúc ông bà bình an

An vui hạnh phúc bên đàn cháu con

Gia đình tình mến sắt son

Vợ chồng khăng khít núi non không dời

Con cái hiếu thảo một đời

Nam thanh nữ tú chơi vơi bớt phần

Hăng say dâng hiến ân cần

Ra đi phục vụ thánh ân tuôn tràn

Xuân sang tín thác hân hoan

Cậy trông nơi Chúa, lo toan tan dần

Trọn niềm phó thác canh tân

Xin thương tuôn đổ phúc ân miên trường….Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng