Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục

print

CHỐNG LẠI CHỦ NGHĨA ĐẮC THẮNG VÀ TINH THẦN THẾ TỤC

 Diego Fares, S.J

KỲ 1: ĐIỀU TỒI TỆ NHẤT MÀ GIÁO HỘI PHẢI GÁNH CHỊU.

KỲ 2: “NHỮNG NHÂN VẬT CHÍNH” CỦA CUỘC CHIẾN.

KỲ 3: PHƯƠNG THUỐC GIẢI ĐỘC.

KỲ 1: ĐIỀU TỒI TỆ NHẤT MÀ GIÁO HỘI PHẢI GÁNH CHỊU

Sự cám dỗ của chủ nghĩa đắc thắng – Kitô giáo không có thập giá – và hình thức quỷ quyệt hơn của nó, tinh thần thế gian – rất khó nhận ra. Nếu có một chủ đề nào đó trong huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô được lập lại với tần suất đặc biệt thì đó chính là chủ đề này[1].

Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng đã nói không “đối với tinh thần thế gian”, Đức Phanxicô đã diễn đạt nó một cách rõ ràng. Chúng ta phải lựa chọn giữa một Giáo hội đang trên đà truyền giáo cho thế giới và một Giáo hội bị tinh thần thế tục xâm chiếm: “Đây là một sự hư hỏng khủng khiếp, được ngụy trang dưới dạng điều thiện. Chúng ta cần tránh điều đó bằng cách làm cho Giáo hội không ngừng ra khỏi chính mình, tập trung vào Chúa Giêsu Kitô và sự dấn thân cho người nghèo. Xin Chúa cứu chúng ta khỏi một Giáo hội trần tục với những cạm bẫy mục vụ và thiêng liêng hời hợt! Tính trần tục ngột ngạt này chỉ có thể được chữa lành bằng cách hít thở bầu không khí trong lành của Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và gỡ tấm áo tôn giáo bề ngoài không có Thiên Chúa ra khỏi chúng ta” (EG 97).

Bộ mặt “tắc kè hoa” của chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục

Trở lại năm 1984, Đức Thánh Cha (ĐTC) đã tuyên bố: “Thái độ đắc thắng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Đa phần nó xuất hiện dưới góc độ thiên thần ánh sáng trong việc lựa chọn các phương pháp mục vụ của chúng ta, nhưng nó luôn có thể bắt nguồn từ lời mời hãy xuống khỏi thập giá”[2]. Henri de Lubac đã định nghĩa một cách tiên tri về chủ nghĩa đắc thắng, ngay cả trong khía cạnh tế nhị nhất của nó là “tinh thần trần tục”, như một sự thiệt hại tồi tệ nhất mà Giáo hội phải gánh chịu: “Tôi thấy ba trang cuối cùng trong cuốn sách của cha de Lubac thật đáng chú ý, quyển Suy Ngẫm về Giáo Hội[3] trong đó ngài nói chính xác về tinh thần trần tục. Ngài nói rằng đó là tệ nạn tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với Giáo hội. Đây không phải là một sự cường điệu. Ngài liệt kê một số tệ nạn khủng khiếp, và đây là điều tệ hại nhất: tinh thần trần tục dưới dáng vẻ thiêng liêng, bởi vì đó là cách giải thích về cuộc sống. Đó là một lối sống, thậm chí là một lối sống Kitô giáo[4].

Những khái niệm đặc trưng cho sự cám dỗ hướng tới chủ nghĩa đắc thắng và tính thế tục không được khiến chúng ta nghĩ rằng đây là những vấn đề hời hợt. Đức Giáo Hoàng nhắc lại rằng tinh thần trần tục ghét đức tin, đánh cắp Tin Mừng, giết chết những người kiên quyết chống lại nó, giết các vị tử đạo của chúng ta[5], giống như nó đã giết chết Chúa, và quyến rũ những người sẵn sàng chấp nhận nó dưới mọi hình thức, từ chối thập giá. “Thật lạ, thưa cha, tính trần tục là một lối sống hời hợt…. Ai đó có thể nói với tôi như thế. Chúng ta đừng tự lừa dối mình! Không có gì thuộc về thế gian là hời hợt! Nó có rễ sâu, rễ rất sâu. Nó giống như một con tắc kè hoa, nó thay đổi, nó đến và đi tùy theo hoàn cảnh, nhưng bản chất thì như nhau, một lối sống đi vào mọi nơi, kể cả Giáo hội. Tính trần tục, lối thông diễn trần tục, mọi thứ đều có thể được tạo ra để có vẻ ngoài theo một hình thức nhất định”[6]

Một cám dỗ khó phân định

ĐTC khẳng định rằng đây là một cơn cám dỗ chạm đến cả lối sống và cách giải thích thực tế của chúng ta, và rất khó để nhận ra, nên vấn đề phải được giải quyết một cách nghiêm túc. Khó khăn không nằm ở việc hiểu “ý tưởng” về chủ nghĩa đắc thắng từ góc độ xã hội học hoặc tâm lý, mà là ở việc đưa ra một “sự phân định mang chiều kích Phúc âm” thực sự (EG 50) trong từng trường hợp, qua đó mỗi người hoặc toàn thể Giáo hội nghe, giải thích và lựa chọn những gì khiến Giáo hội ra đi truyền giáo và từ chối những gì khiến Giáo hội khép kín hoặc những gì muốn xâm chiếm Giáo hội. Cần phải phân định trong mọi hoàn cảnh những hành vi, hoàn cảnh và cơ cấu trong đó tính trần tục bị ẩn giấu và che giấu.

Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng chỉ rõ rằng trung lập không phải là một lựa chọn: Nếu chúng ta không tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta tất sẽ tôn vinh lẫn nhau (x. EG 93); nếu lời rao giảng của chúng ta không hội nhập văn hóa, nó sẽ trở nên trừu tượng. Nếu chúng ta không phải là những mục tử, chúng ta sẽ trở thành những người làm thuê (x. EG 94). Nếu chúng ta không gánh lấy những tủi nhục nơi thập giá của mình, những cuộc đấu đá nội bộ ắt sẽ nảy sinh (x. EG 98). Vì vậy chúng tôi tin rằng đây không chỉ là vấn đề quan trọng mà còn là vấn đề sinh tử. Và để chiến đấu tốt, cần phải khám phá ra “tính năng động” của cám dỗ đắc thắng này, để kết nối những trái xấu của nó với cội rễ nuôi dưỡng chúng.

Tin rằng bạn nắm giữ sự thật trong tay: ‘sự ngạo mạn (hubris)’

Chúng ta hãy đi vào chủ đề với cách diễn đạt độc đáo điển hình của ĐTC Phanxicô. Cách đây không lâu, khi nói về chủ nghĩa đắc thắng trong một cuộc gặp riêng, ngài đã sử dụng một cách diễn đạt vốn đã được sử dụng khi còn là Hồng y trong các cuộc đối thoại với Rabbi Abraham Skorka. Ngài nói, chủ nghĩa đắc thắng đi vào chúng ta khi “chúng ta tin rằng chúng ta có sự thật trong tay”[7], nghĩa là khi chúng ta tin rằng chúng ta không cần phải tham gia vào công việc thực hiện một quá trình phân định, hoặc đảm nhận các nhiệm vụ mục vụ để phục vụ dân Chúa, những người đang cần sự hiện diện và hướng dẫn rõ ràng của mục tử.

Chúng tôi đã dịch cụm từ tener la precisa, một cụm từ điển hình của người Argentina, là “có sự thật trong tay”. Thông thường, cách diễn đạt này mô tả tâm lý của những người bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “hội chứng kiêu ngạo”, hội chứng của những cá nhân kiêu ngạo, tức là của những người tin rằng họ biết tất cả và cảm thấy mình vượt trội và không thể bị trừng phạt. Hubris trong tiếng Hy Lạp (tiếng Anh là pride, niềm tự hào) biểu thị sự tự phụ, thái quá và thiếu chừng mực của những người vượt quá giới hạn mà công lý đưa ra.

Đây không chỉ là một hiện tượng tôn giáo, nhưng còn hơn thế nữa[8]. Logic của nó hiện diện ở mọi giai đoạn và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến việc khi còn nhỏ chúng ta học cách vui mừng nhanh như thế nào, như thể đó là một sự đắc thắng vẻ vang, trước một thành công thể thao nào đó mà chúng ta thấy người lớn vui mừng. Logic này trở thành một mô hình thực sự, mô hình kỹ trị mà ngày nay có tính đồng nhất và một chiều, trong một số lĩnh vực mà kẻ có quyền lực quan tâm. Các nhà kinh tế, chính trị gia và kỹ thuật viên bị mê hoặc bởi ý tưởng (sai lầm) về sự tăng trưởng vô hạn và “quan niệm sai lầm rằng ‘có sẵn nguồn lượng năng lượng và tài nguyên vô hạn, dẫn đến việc ép hành tinh đến mức giới hạn và vượt quá giới hạn’” (Laudato Si’ [LS], số 106).

Sự ngạo mạn là sự thái quá mà kẻ kiêu ngạo rơi vào khi họ thích làm nhục ai đó yếu đuối. Logic liên kết sự kiêu ngạo với việc vượt quá giới hạn, điều này gây ra sự thù địch hoặc sự trả thù tiếp theo của các vị thần chống lại những con người không còn ở vị trí của họ trong vũ trụ. Những kẻ bị thống trị bởi sự ngạo mạn ăn theo đắc thắng, coi đắc thắng là “con mồi”. Điều quan trọng là trong tiếng Hy Lạp, hành động hiếp dâm được gọi là hubrizein. Bên dưới những lạm dụng khủng khiếp được thực hiện trong Giáo hội là tội kiêu ngạo, sự kiêu ngạo quá mức được che giấu rất kỹ nhưng vẫn có thể nhận thấy được trong một số biểu hiện của nó[9]. Ngày nay, ĐTC quan ngại về mối liên hệ đã được nhận thấy gần đây trong Giáo hội giữa chủ nghĩa đắc thắng hiển nhiên của một số phong trào và nhân cách mới với những lạm dụng ngấm ngầm đang diễn ra giữa họ[10].

[1] Vào đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã nói: “Chủ nghĩa đắc thắng thuộc về các Kitô hữu là điều trải qua sự thất bại của con người, sự thất bại của thập giá. Để mình bị cám dỗ bởi những chủ nghĩa đắc thắng khác, bởi những chủ nghĩa đắc thắng trần tục, có nghĩa là nhượng bộ trước cám dỗ quan niệm về một ‘Kitô giáo không có thập giá’, một ‘Kitô giáo nửa vời’” (Đức Phanxicô, Bài giảng tại Santa Marta, ngày 29 tháng 5 năm 2013).

[2] J. M. Bergoglio, “La cruz y la misión,” trong Boletín de espiritualidad, No. 89, September-October 1984. Now in Id., Cambiamo! Milan, Solferino, 2020, 232.

[3] Cf. H. de Lubac, Meditazione sulla Chiesa, Milan, Paulines, 1955.

[4] Francis, Homily at Santa Marta, May 16, 2020.

[5] Thái độ kiêu ngạo và khinh thường của thế gian đối với những kẻ giết các vị tử đạo thường hiện diện nơi cuộc tử đạo của những người kiên định với đức tin..

[6] Francis, Homily at Santa Marta, May 16, 2020, op. cit.

[7] “Đôi khi mọi người nghĩ rằng họ nắm giữ sự thật trong tay, nhưng thực tế không phải vậy. […] Tôi khuyên mọi người đừng biết đến Chúa bằng tin đồn. Thiên Chúa hằng sống là Đấng mà họ sẽ tận mắt nhìn thấy trong trái tim mình” (J. M. Bergoglio – A. Skorka, Il cielo e la terra. Il pensiero di Papa Francesco sulla famiglia, la fede e la Missione della Chiesa nel XXI secolo, Milano, Mondadori, 2013, 15).

[8] Thật thú vị khi thấy rằng trong thần thoại, các hình phạt liên quan đến tính kiêu ngạo rất nhiều và đa dạng, và tất cả đều liên quan đến việc đánh giá quá cao bản thân. Nhà thơ Epicurean Lucretius giải thích huyền thoại về Sisyphus là hiện thân của những chính trị gia khao khát chức vụ công, nhưng liên tục bị nó đánh bại. Việc theo đuổi quyền lực, bản thân nó là một “thứ trống rỗng”, được so sánh với việc lăn một tảng đá lên đồi. Tantalus, vì tội ăn trộm ambrosia, đã bị kết án là phải chịu đói khát mãi mãi. Icarus đã phạm tội kiêu ngạo vì bay quá gần mặt trời. Nguồn gốc bắt chước của chủ nghĩa đắc thắng mang tính tinh thần, vì vậy niềm đam mê này có thể có nhiều hình thức, tùy thuộc vào điều gì khiến mỗi cá nhân cảm thấy đắc thắng. Chính thực tại lừa dối và đôi khi bị che giấu này ẩn giấu trong những người bị thói xấu này ám ảnh.

[9] Như câu tục ngữ nói, “Chúa trừng phạt sự kiêu ngạo bí mật bằng sự ham muốn hiển nhiên.”

[10] “Chúa Thánh Thần chắc chắn thổi bất cứ nơi nào Ngài muốn và khi nào Ngài muốn. […] Tuy nhiên, cá nhân tôi rất ấn tượng bởi thực tế là hiện tượng này đôi khi đi kèm với một chủ nghĩa đắc thắng nhất định. Và chủ nghĩa đắc thắng, trong thực tế, không thuyết phục được tôi. Tôi cảnh giác với những biểu hiện của sự phát triển kiểu gần như trong ‘ống nghiệm’ này hoặc những biểu hiện hoặc thông điệp đắc thắng theo kiểu nói ơn cứu độ ở ngay đây” (Francesco, La forza della vocazione. Conversazione con Fernando Prado, Bologna, EDB, 2018, 44).

KỲ 2: “NHỮNG NHÂN VẬT CHÍNH” CỦA CUỘC CHIẾN

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ khác, nhưng sâu xa bên trong, đó là gốc rễ của mọi cám dỗ khác chống lại kế hoạch của Thiên Chúa.

Bối cảnh của ‘Những bức thư trong cảnh hoạn nạn’

Điều quan trọng cần nhớ là Đức Thánh Cha (ĐTC) nói đến chủ đề “chủ nghĩa đắc thắng” trong bối cảnh nào. Ngài bàn về nó trong thời kỳ hoạn nạn ở Córdoba, từ tháng 6 năm 1990 đến tháng 5 năm 1992. Vào tháng 12 năm 1990, ngài viết một loạt ghi chú, sau đó được xuất bản với tựa đề “Silencio y Palabra”[1] – như ngài giải thích trong phần giới thiệu – để giúp phân định “một cộng đồng tôn giáo đang trải qua thời kỳ khó khăn”[2]. Nói cách khác, tính chất của bài viết rõ ràng mang tính mục vụ, nhắm đến một cộng đồng cụ thể đang ở trong một hoàn cảnh cụ thể.

Austen Ivereigh – chắc chắn là người viết tiểu sử giỏi nhất của ĐTC –nhận thấy văn bản này được viết trong thời kỳ hoạn nạn nên có sức “hấp dẫn gấp đôi”: “Cộng đồng ở đây rõ ràng là tỉnh Dòng Tên Argentina, và điều khiến cho sự phân định trở nên hấp dẫn gấp đôi là các sức mạnh tâm linh mà ngài đã nhìn thấy ở đó, công việc trong cuộc khủng hoảng của nó cũng giống như cách mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sau này tìm cách đấu tranh trong toàn thể Giáo hội”[3].

Chính điều này đã khiến tờ La Civiltà Cattolica, với sự đồng ý của ĐTC, biên tập lại các Bức thư trong hoạn nạn và bình luận về chúng. Thái độ kiểu mẫu về một “cuộc bách hại lớn”, chẳng hạn như thái độ mà những Bức thư này xuất hiện, “cung cấp một khuôn mẫu tinh thần để đối phó với bất kỳ cuộc bách hại nào khác. Nó tuân theo tinh thần của Thư Thánh Phêrô là ‘đừng ngạc nhiên trước thử thách rực lửa’ xảy ra (1 Pr 4, 12) khi có sự bách hại”[4].

Đây là một văn bản tìm kiếm “sự an ủi của đức tin chung” trong thời kỳ hoạn nạn. ĐTC tự áp đặt sự im lặng cho mình về hoàn cảnh nặng nề mà ngài đang trải qua, và khi ngài quyết định lên tiếng để giúp đỡ người khác, vì không thể “đưa ra một cái nhìn tổng thể rõ ràng” về cuộc xung đột, ngài “đã tìm kiếm và tìm thấy” trong Kinh thánh, trong Bài tập Linh Thao và trong các Bức Thư hoạn nạn, được “phương pháp đọc lịch sử”[5].

Chúng ta có thể nói rằng cách đọc lịch sử được ngài áp dụng mang tính chiêm niệm trong hành động. Đó là một phương pháp bao gồm những bước thực tế chứ không chỉ những bước lý thuyết để làm cho tinh thần xấu của chủ nghĩa đắc thắng “lộ diện”. Ngài chọn một khoảng thời gian im lặng; ngài tự rút lui và không thảo luận về vấn đề này; ngài buộc tội mình trước người khác. Đây là những cách để nhường chỗ cho ánh sáng của Thiên Chúa. Cuối cùng, ngài không làm gián đoạn sự im lặng để xây dựng một bài diễn văn trừu tượng, nhưng để đưa ra một nhận định mang tính Tin Mừng về một tình huống thực tế[6]. Đối với tình huống phức tạp này, cùng lắm, người ta chỉ có thể thêm “chú thích và giải thích rõ ràng”, khi người ta thấy dấu hiệu của sự cám dỗ là xây dựng dự án của riêng mình thay vì dự án của Chúa.

Phương cách và gốc rễ của chủ nghĩa đắc thắng

Trong “Silencio y palabra”, ĐTC mô tả các thái độ và tìm kiếm mối liên hệ giữa những cám dỗ khác nhau chống lại kế hoạch của Thiên Chúa và những cám dỗ đặc trưng hơn của thời kỳ hoạn nạn. Một số trường hợp như vậy đã xuất hiện trong tình huống cụ thể đó. Trong số những người khác, có sự chia rẽ thành các phe phái nội bộ: “Người hoạt động của ‘phe phái’ là người ‘vượt ra ngoài’ cộng đồng, với dự án cá nhân của họ: họ là proagón (2Ga 1,9)”[7]. Một cám dỗ khác là tham vọng được ngụy trang dưới dạng lòng đạo đức: “Người ta tìm kiếm sự thăng tiến cho riêng mình, nhưng theo một cách lén lút […], trước đó đã chọn con đường riêng của mình: ‘Tôi phục vụ bạn, nhưng theo cách riêng của tôi’”[8]. Một cám dỗ khác là thiếu sự nghèo khó của bữa tiệc nhỏ, đến nỗi “bữa tiệc của Chúa”, vốn luôn mang chiều kích cánh chung, bị thu gọn thành một phe phái nhỏ.

Một cám dỗ khác là sự gắn bó với vùng tranh tối tranh sáng và sự ngờ vực. Người bất tín lại “sở hữu một sự tự tin gần giống với chứng hoang tưởng tự đại, phát triển từ ít nhiều thành công mà họ có được”[9]. Sau đó là việc đàm phán: Nếu một người từ bỏ [một cuộc đàm phán xấu] thì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy người đó đang tìm kiếm lợi ích chung”[10]. Cuối cùng, chủ nghĩa đắc thắng và biểu hiện ngấm ngầm nhất của nó, tinh thần trần tục, luôn luôn dẫn đến một số sự thù địch chống lại những người công chính[11]. Sức mạnh mà chúng ta nhận thấy trong những mô tả của ĐTC nằm ở chỗ ngài không tính đến “ý tưởng” mà tính đến những tình huống thực tế. Mặt khác, ĐTC đào sâu vào các cám dỗ cho đến khi ngài nhận ra căn nguyên chung của chúng: căn nguyên ấy là việc thập giá bị từ chối và đi tìm vinh dự bản thân thay vì vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa. Sau đó, ngài tìm kiếm những biện pháp chữa trị cụ thể và cá vị để khám phá, đối đầu và từ chối những cám dỗ như vậy, đồng thời chỉ ra “những nhân vật chính thực sự” của cuộc chiến này: Thiên Chúa và Satan.

Chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như bất kỳ cám dỗ nào khác, nhưng vì nó nằm ở gốc rễ của mọi cám dỗ chống lại thập giá Chúa Kitô và vinh quang của Chúa Cha[12], nên ở đây nó lộ rõ sự chống đối chính kế hoạch của Thiên Chúa. Nói về các tu sĩ Dòng Tên vào năm 1985, ĐTC bày tỏ một quan điểm có giá trị cho tất cả mọi người: “Cốt lõi căn tính Dòng Tên được tìm thấy – như Thánh Ignatius đã nói – trong việc gắn bó với thập giá (qua nghèo khó và tủi nhục); thập giá là sự khải hoàn đích thực, tội căn bản của tu sĩ Dòng Tên chính xác là việc làm méo mó sự khải hoàn của thập giá: ‘Chủ nghĩa đắc thắng’ trở thành linh hồn của mọi hành động của tu sĩ; ‘huyền thoại về thành công’, việc theo đuổi tư lợi, sở thích riêng, quan điểm riêng, được mến chuộng, quyền lực”[13]. (La Civiltà Cattolica, 1.10.2022)

—-

[1] Tiêu đề này được lấy cảm hứng từ Romano Guardini, người nói về sự căng thẳng giữa im lặng và lời nói, khác xa với sự cực đoan của chủ nghĩa câm lặng và tiếng ồn (xem R. Guardini, Etica, Brescia, Morcelliana, 2021).

[2] J. M. Bergoglio, “Silencio y Palabra”, trong Reflexiones espirituales, Buenos Aires, USAL, 1992, 19. Hiện nay, trong Francis, “Silenzio e parola”, in Id., Non Fatevi rubare la speranza, Milan, Mondadori, 2013, 85.

[3] A. Ivereigh, The Great Reformer. Francis and the Making of a Radical Pope, New York, Henry Holt, 2014.

[4] D. Fares, “Contro lo spirito di ‘accanimento’,” in J. M. Bergoglio-Francesco, Lettere della tribolazione, Milan, Àncora, 2019, 71.

[5] Cf. J. M. Bergoglio, “Silenzio e parola”, op. cit., 98.

[6] Yếu tố then chốt trong sự phân định của ngài là việc coi chủ nghĩa đắc thắng như một cám dỗ có vẻ ngoài tốt đẹp. Vì nó sở hữu một sự rõ ràng (ít nhất là trong cao trào của câu chuyện kể), chúng ta không được phản đối nó nhiều hơn (nghĩa là chống lại một công thức đắc thắng bằng những ý tưởng khác) mà phải dành thời gian. Vì ánh sáng rực rỡ của nó giống như ánh chớp chứ không phải ánh sáng dịu dàng của Chúa nên chúng ta phải đợi cho đến khi tia sáng chói lóa biến mất.

[7] J. M. Bergoglio, “Silenzio e parola”, op. cit., 90.

[8] Ibid., 91.

[9] Ibid., 94.

[10] Ibid., 97.

[11] “Các thượng tế cùng với các thầy thông luật và các trưởng lão cũng chế nhạo Ngài rằng: ‘Nó đã cứu kẻ khác mà không thể tự cứu mình. Ông là Vua của Israel; bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi thì chúng ta mới tin’” (Mt 27:41-42).

[12] Ví dụ, trong Dante, tội nguyên tổ và mong muốn được giống Chúa của Adam và Eva có mối liên hệ với nhau. Chiếm đoạt thứ không phải của mình là kiêu ngạo.

[13] J.M. Bergoglio, Bài phát biểu tại nhà thờ Dòng Tên ở Mendoza, ngày 23 tháng 8 năm 1985, trong bối cảnh kỷ niệm 400 năm ngày các tu sĩ Dòng Tên đến vùng đất này. Bây giờ có trong Id., Cambiamo!, op. cit., 267.

KỲ 3: PHƯƠNG THUỐC GIẢI ĐỘC

Khi đến lúc phải tìm kiếm một phương thuốc và sự giúp đỡ để chống lại tên ác quỷ, Đức Trinh Nữ đóng một vai trò quyết định trong linh đạo của Đức Thánh Cha (ĐTC), vốn mang đậm dấu ấn Đức Mẹ: “Đức Maria xuất hiện trong việc cầu nguyện khi ĐTC cầu nguyện về mầu nhiệm nhập thể, sự khó hiểu và thập giá. Mẹ là biểu tượng của thân xác, trái tim và sự dịu dàng” [24]

Dấu ấn Thánh Mẫu: biện pháp chống chủ nghĩa đắc thắng

Trong “Silencio y palabra”, ĐTC đã sắp xếp những suy tư của mình xung quanh sáu hình ảnh mạnh mẽ về Đức Mẹ: Đức Maria thinh lặng suy ngẫm mọi điều trong trái tim mình; Đức Maria là người “cởi những nút thắt” mà chúng ta đã tự tạo ra cho mình; Đức Maria bảo vệ các con mình dưới tấm áo choàng của chính mình; Đức Maria, với nỗ lực của trái tim, chống lại cái ác và hát bài Magnificat trong nhà bà Elizabeth; Đức Maria cầu nguyện trong Phòng Tiệc Ly với các tông đồ khi họ chờ đợi Chúa. Hình ảnh mạnh mẽ nhất – hình ảnh cuối cùng – là hình ảnh Đức Mẹ dưới chân thập giá: “Chủ nghĩa đắc thắng đã bị phá hủy trong trái tim mệt mỏi của Đức Mẹ dưới chân thập giá” [25]

Thuốc giải độc cho chủ nghĩa đắc thắng bao gồm nỗ lực đặc biệt của trái tim mà Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra trong Đức Mẹ, và điều mà ĐTC luôn coi như một dấu hiệu của đức tin: “Đối mặt với những biến cố khó khăn và đau đớn của cuộc sống, đáp trả bằng cái giá phải trả của đức tin, cái giá đó chính là “một nỗ lực đặc biệt của trái tim” [26]. Đó là đêm đen của đức tin. […] Đức Maria trên đồi Golgotha phải đối mặt với sự phủ nhận hoàn toàn lời hứa của Thiên Chúa: Con của bà đang đau đớn trên thập giá như một kẻ phạm tội. Vì vậy, chủ nghĩa đắc thắng, bị phá hủy bởi sự sỉ nhục của Chúa Giêsu, cũng bị phá hủy trong trái tim của Người Mẹ; cả hai đều biết cách giữ im lặng” [27].

Nỗi trăn trở của trái tim Đức Maria là một phần lịch sử của rất nhiều nhân chứng đã sống và đang sống giữa hàng ngũ dân trung thành của Chúa. Người ta phân biệt và thể hiện bản chất của mình, không chỉ bằng hành động, mà còn bằng đau khổ: bằng việc chống lại sự dữ, thụ động theo nghĩa là bất bạo động, nhưng tích cực trong một đức tin hành động qua bác ái. ĐTC lấy học thuyết này từ Thánh Augustinô, theo ngài “thước đo sức khỏe và tính chính thống của Kitô giáo không nằm ở cách hành động mà ở cách chống trả” [28]. Thánh nhân giải thích một số dấu hiệu chống trả, mà ngài định nghĩa như “những dấu hiệu Kitô giáo”: “Cuộc đấu tranh của người nghèo, của những người khiêm nhường, của trẻ em, […] được thể hiện qua những cử chỉ và thái độ của một đứa trẻ, chẳng hạn như khả năng tiếp thu, khả năng lắng nghe, gạt bỏ mọi hình thức của chủ nghĩa đắc thắng”[29].

Các tín hữu nhận thức được kẻ thù thực sự và biết cách tìm nơi nương tựa nơi Đức Mẹ Đồng Trinh. “Trên trần nhà nguyện của Dòng Tên ở Córdoba – nơi ĐTC cầu nguyện – một bức ảnh được vẽ mô tả các anh em tập sinh được che chở dưới tấm áo choàng của Đức Maria, được bảo vệ cẩn thận; và bên dưới là dòng chữ: Monstra te esse matrem (“Hãy chứng tỏ ngài là Mẹ”). Trong những giây phút tâm linh hỗn loạn, khi Thiên Chúa muốn gây chiến với kẻ thù, vị trí của chúng ta là nằm dưới tà áo của Mẹ Thiên Chúa thánh thiện” [30]. Ở đó, ma quỷ không thể vào được. Nếu chúng ta ẩn náu dưới áo choàng của Đức Mẹ khi trận chiến quá khốc liệt, đó là vì chúng ta đã nhận ra chiều kích thực sự của cuộc chiến: đó không phải là cuộc chiến của chúng ta mà là của Chúa, Chúa là nhân vật chính thực sự mà ma quỷ đang ra sức chống lại [31].

Học đọc lịch sử từ quan điểm đức tin và sống nó một cách nhất quán là điều mệt mỏi cho tâm hồn, nhưng chúng ta đừng quên corde intelligitur (Trái tim thông hiểu). Việc biện phân ý muốn của Thiên Chúa giữa những mơ hồ của cuộc sống khiến con tim trở nên căng thẳng, nhưng vì đó là một nỗ lực vì điều tốt nên nó làm cho việc phân định trở nên sáng suốt và vững chắc hơn, mặc dù đôi khi sự mơ hồ ngày càng dày đặc và những quyết định phải đưa ra rất quan trọng. Sự mỏi mệt của trái tim Đức Mẹ là nơi tuyệt vời nhất mà dân trung thành của Thiên Chúa nương ẩn. Người mục tử còn được định nghĩa bằng khả năng chống lại cái ác cùng với dân của mình. Vì vậy, trong mắt Chúa, sự mệt mỏi của chúng ta thật tuyệt vời. Sự mệt mỏi của chúng ta, vì gánh nặng của công việc mục vụ, thật quý giá trước mắt Chúa Giêsu [32].

Cuối cùng, ĐTC đối chiếu sự kiêu ngạo của chủ nghĩa đắc thắng với sự mệt mỏi trong công việc, bao gồm việc dần dần khám phá ý muốn của Thiên Chúa và hiện thực hóa nó trong cuộc sống của chúng ta. Tiến một bước trong đức tin, chống lại sự dữ, giải thích rõ ràng các dấu chỉ của thời đại, đọc lịch sử từ góc độ đức tin, giống như Đức Maria, làm con tim mệt mỏi, vì nó đòi hỏi công sức và sự phân định.

Ba thái độ đe dọa nỗ lực của trái tim

Đức Phanxicô chỉ ra một số thái độ bộc lộ tính thế tục và chủ nghĩa đắc thắng. Một trong số đó liên quan đến thời gian và việc ăn mừng. Những người theo chủ nghĩa đắc thắng được chú ý vì họ “ăn mừng quá sớm”: “Sự mệt mỏi của trái tim bị đe dọa bởi sự thiếu hy vọng, bởi cử chỉ toàn năng đoán trước chiến thắng bằng cách sử dụng những cách khác nhanh hơn, thông qua con đường tắt đàm phán, muốn có chiến thắng mà không qua thập giá” [33]

“Ăn mừng mỗi bước tiến trong việc truyền giáo” (EG 24) là một điều tốt. Nhưng bữa tiệc báo trước sự chiến thắng, Bí tích Thánh Thể, không phải chỉ là một bữa tiệc bất kỳ. Bí tích Thánh Thể không chỉ bao hàm niềm an ủi và phần thưởng, mà còn là của ăn cho hành trình tiến bước của Giáo hội. Tiệc Thánh Thể mang tính bao gồm, không giống như lễ khải hoàn, mang tính chọn lọc tinh hoa. Và đó là một bữa tiệc với việc chia sẻ bánh và việc rửa chân, nghĩa là, cử chỉ tiên tri bao bọc và mở rộng triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô về mặt tông đồ.

Việc cử hành trước có thể trở thành một thói quen tạo ra sự phụ thuộc và dần dần nó trở thành một cách đọc và sống lịch sử. Tiệc nhỏ làm suy yếu đi sự dồi dào mãnh liệt của niềm hy vọng [34], vốn là điều khiến chúng ta “giữ vững vị trí của mình”, chống lại sự dữ và dẫn chúng ta chuẩn bị ra trận một lần nữa, luôn vì vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa.

Cách sống thời gian đặc quyền này làm xói mòn niềm hy vọng và được phản ánh trong ngôn ngữ. Nói chung, chủ nghĩa đắc thắng có câu chuyện riêng của nó hay chính xác hơn là nó phần lớn trùng khớp với câu chuyện của chính một người. Trình thuật này là một bức tranh biếm họa về lịch sử cứu độ, bởi vì “nó dựa vào những thành công cục bộ và những từ ngữ có khả năng giải thích chúng, như trong lịch sử của Thiên Chúa bằng hành động và lời nói, nhưng với sự khác biệt là chúng không vượt qua lò thử thách của thập giá cũng như qua cái nhìn đức tin” [35].

Một thái độ khác: những người theo chủ nghĩa đắc thắng “về cơ bản cũng là những nhà thống kê” [36]. Họ yêu thích số liệu thống kê. Nhưng họ sử dụng chúng vì họ cần so sánh những thành công của mình với những người khác và để làm như vậy, họ luôn chọn những người mà theo họ, kém hơn họ. Nguyên mẫu là người Pha-ri-si đứng cầu nguyện và cảm thấy cần phải so sánh mình với người thu thuế, người mà anh ta khinh thường. ĐTC kết luận bằng cách nói rằng kẻ đắc thắng ăn xác thối, giống như loài linh cẩu. Việc thực hành so sánh với người thấp này làm cho người ta mất đi sự căng thẳng hữu ích hướng tới việc trở nên hoàn hảo (về lòng thương xót) như Chúa Cha.

Nếu chúng ta quan sát Đức Mẹ, chúng ta sẽ nhận thấy sự khải hoàn diễn ra dưới chân thập giá đã hiện diện như thế nào ngay từ đầu cuộc hành trình đức tin của Mẹ. Ngay khi nhận được tin mừng về việc thụ thai của mình, Mẹ đã lên đường; Mẹ đã tự mình phục vụ. Mẹ không chỉ đơn giản là “trình bày chi tiết những gì đã xảy ra”, mà còn bắt đầu suy ngẫm mọi thứ trong lòng. Chúng ta có thể hiểu được nỗ lực cần có để thực hiện cuộc hành trình vội vã đó đến Ain Karim (x. Lc 1, 39). Chính nhờ nỗ lực của con tim mà bài thánh ca đẹp nhất ca ngợi Thiên Chúa vang lên, cách rõ ràng và thoát khỏi mọi tham vọng: bài Magnificat, dưới ánh sáng của bài ca này chúng ta đọc và giải thích lịch sử.

(còn tiếp)

Tác giả: Lm Diego Fares, S.J

Người dịch: Lm Giuse Vũ Uyên Thi, S.J

—-

[25].    J. M. Bergoglio, “Silenzio e parola”, op. cit., 100.

[26].     John Paul II, Encyclical Redemptoris Mater, No. 17.

[27].     Francis, Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá,14 tháng Tư 2019.

[28].    Cf. J. M. Bergoglio, “Servicio de la fe y Promotionción de la justicia. Algunas phản ánh acerca del decreto IV de la CG 32”, ở Stromata, số 1/2, 1988, 7-22. Câu nói của Thánh Augustinô được trích dẫn trong De pastoribus, Bài giảng 46, 13.

[29].    Ibid., 20.

[30].    Ibid., 106.

[31].    Cf. ibid., 106f. Lucifer trong Kinh thánh được đặc trưng bởi sự ngạo mạn “lên cao hơn Đấng Tối cao” và sa ngã nhanh chóng. “Con rồng và các thiên thần của nó chống cự nhưng bị đánh bại… và nó bị quăng xuống đất” (Kh 12:7-9). Chúa phán trong Tin Mừng Thánh Luca: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như một tia chớp” (Lc 10:18). Nguồn gốc của mọi tội lỗi là sự kiêu ngạo. Các Giáo Phụ và các nhà thần học áp dụng mô thức này cho tội lỗi của ma quỷ qua câu nói mà dân Israel thốt ra trong cuộc phản loạn chống lại Thiên Chúa: “Tôi sẽ không làm nô lệ!” (Giê-rê-mi 2:20).

[32].    Cf. Đức Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 2 tháng 4 năm 2015.

[33].     Francis, “Silenzio e parola”, op. cit., 99.

[34].    “Khi chúng ta chọn niềm hy vọng của Chúa Giêsu, dần dần chúng ta khám phá ra rằng lối sống đắc thắng là sự nhỏ bé của hạt giống, của tình yêu khiêm tốn. Không có cách nào khác để đắc thắng sự dữ và mang lại hy vọng cho thế giới” (Đức Phanxicô, Tiếp kiến chung, ngày 12 tháng 4 năm 2017).

[35].     Francis, “Silenzio e parola”, op. cit., 99.

[36].    Ibid., 100.