Christus Vivit: Chương 1 Số 1-11

print

TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG CHRISTUS VIVIT

(ĐỨC KITÔ HẰNG SỐNG)

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Bản dịch của Lm Công Đức,

  1. Đức Kitô hằng sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách kỳ diệu Người mang sự tươi trẻ đến cho thế giới chúng ta, và mọi sự được Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sức sống.. Vì thế, lời đầu tiên cha muốn nói với tất cả các bạn trẻ Kitô hữu là lời này: Đức Kitô đang sống và Người muốn các con cũng sống thực sự!
  2. Người ở trong các con, Người ở với các con, và Người không bao giờ bỏ các con. Dù các con đi lạc xa đến đâu, Người là Đấng Phục Sinh vẫn luôn ở đó. Người kêu gọi các con, Người chờ mong các con trở về với Người và bắt đầu lại mọi sự. Khi các con cảm thấy mình đang già đi vì ưu phiền, vì phẫn uất hay sợ hãi, vì nghi ngờ hay thất bại, Người sẽ vẫn luôn ở đó để phục hồi nghị lực và hy vọng của các con.
  3. Với cả tấm lòng, cha trao gửi Tông huấn này cho tất cả các bạn trẻ Kitô hữu. Tông huấn này nhằm nhắc các con về một số xác tín đến từ đức tin của chúng ta, đồng thời khích lệ các con lớn lên trong sự thánh thiện và trong sự dấn thân cho ơn gọi riêng của mình. Nhưng vì đây cũng là một phần của tiến trình Thượng hội đồng Giám mục, tôi cũng trao sứ điệp này cho toàn thể Dân Thiên Chúa, các mục tử cũng như các tín hữu, bởi vì tất cả chúng ta đều được thách đố và được thúc bách để suy tư cả về giới trẻ lẫn cho giới trẻ. Vì thế, nhiều chỗ tôi sẽ nói trực tiếp với các bạn trẻ, nhiều chỗ khác, tôi sẽ gợi ra một số xem xét khái quát hơn cho sự phân định của Giáo hội.
  4. Tôi nhận cảm hứng nơi kho tàng suy tư và thảo luận phong phú đúc kết từ Thượng hội đồng Giám mục hồi năm ngoái. Tôi không thể bao gồm tất cả những đóng góp ấy ở đây, nhưng mọi người vẫn có thể đọc chúng trong Tài liệu Chung kết. Dù sao, khi viết Tông huấn này, tôi đã cố gắng đúc kết những đề nghị thiết tưởng là có tầm quan trọng nhất. Bằng cách ấy, những lời của tôi ở đây sẽ vọng lại vô số tiếng nói của các tín hữu trên khắp thế giới, những người đã bày tỏ quan điểm của mình với Thượng hội đồng. Những bạn trẻ không phải là Kitô hữu nhưng đã muốn chia sẻ các suy nghĩ của mình, họ cũng đã gợi ra những vấn đề làm cho tôi đặt ra những dấu hỏi mới.

***

CHƯƠNG MỘT

LỜI THIÊN CHÚA NÓI GÌ VỀ NGƯỜI TRẺ?

  1. Chúng ta hãy tiếp cận một số bản văn trong kho tàng Thánh Kinh phong phú, vì Thánh Kinh thường nói về người trẻ và về cách mà Chúa đến gần để gặp gỡ họ.

Trong Cựu Ước

  1. Vào một thời đại mà người trẻ không được đánh giá cao, một số bản văn cho thấy rằng Thiên Chúa nhìn họ một cách khác hẳn. Chẳng hạn, Giuse là đứa con nhỏ trong gia đình (x. St 37,2-3), nhưng Thiên Chúa bày tỏ cho cậu ấy những điều lớn lao trong các giấc mơ, và khi chỉ mới mười bảy tuổi, cậu ấy đã trổi vượt hơn các anh mình trong những chuyện quan trọng (x. St 37-47).
  2. Trong Ghi-đê-ôn, chúng ta thấy sự thẳng thắn của người trẻ, họ không quen với thực tế được bọc đường. Khi được bảo rằng có Chúa ở với mình, Ghi-đê-ôn đáp: “Nhưng nếu Chúa ở với chúng tôi, thì tại sao tất cả những điều này lại xảy ra với chúng tôi?” (Tl 6,13). Thiên Chúa không chấp lời trách cứ ấy, Ngài tiếp tục truyền: “Với sức lực ngươi có đó, hãy đi mà cứu Israel!” (Tl 6,14).
  3. Chúa cũng ngỏ lời với Samuel khi cậu còn là một đứa trẻ. Nhờ lời khuyên của một người lớn, cậu đã mở lòng ra nghe tiếng gọi của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,9-10). Kết quả là Samuel trở thành một ngôn sứ lớn, người đã can thiệp tại những thời điểm rất quan trọng trong lịch sử đất nước mình. Vua Sao-lê cũng là một chàng trai trẻ khi được Chúa kêu gọi đảm nhận sứ mạng (x. 1Sm 9,2).
  4. Vua Đa-vít được tuyển chọn khi còn là một thiếu niên. Khi ngôn sứ Samuel tìm kiếm vị vua tương lai cho Israel, người kia đã tiến cử các con trai của mình, lớn tuổi và dày dạn hơn. Nhưng vị ngôn sứ nói rằng người được chọn là chàng Đa-vít trẻ, cậu ấy đang đi chăn cừu (x. 1Sm 16,6-13), vì “người phàm xét theo vẻ bên ngoài, nhưng Đức Chúa trông thấy tâm hồn” (c.7). Tinh anh của tuổi trẻ nằm trong tâm hồn, hơn là nơi sức mạnh cơ bắp hay nơi ấn tượng trao cho người khác.
  5. Salômôn, khi kế vị phụ vương, đã cảm thấy hốt hoảng và thưa với Chúa: “Con còn non nớt, biết gì đâu mà làm” (1V 3,7). Nhưng sự táo bạo của tuổi trẻ đã thúc đẩy chàng xin Chúa sự khôn ngoan, và chàng đã hết mình cho sứ mạng. Một điều gì đó tương tự cũng đã xảy ra với ngôn sứ Giêrêmia, người được kêu gọi dù tuổi đời còn trẻ, để thức tỉnh dân mình. Trong nỗi sợ, Giêrêmia thốt lên: “Ồ không, lạy Chúa là Thiên Chúa, con thực sự không biết ăn nói, vì con chỉ là một đứa trẻ” (Gr 1,6). Nhưng Chúa bảo không được nói thế (x. Gr 1,7), và Ngài thêm: “Ngươi đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,8). Nhiệt tâm của ngôn sứ Giêrêmia đối với sứ mạng mình cho ta thấy điều gì có thể xảy ra khi sự can đảm của tuổi trẻ được nối kết với sức mạnh của Thiên Chúa.
  6. Một nữ tỳ Do thái của vị tướng ngoại bang là Naaman đã dùng đức tin để can thiệp, và nhờ đó vị tướng này được chữa lành bệnh (x. 2V 5,2-6). Nàng Rút là một mẫu gương quảng đại khi ở lại bên mẹ chồng vào hoàn cảnh khó khăn (x. R 1,1-18), nhưng nàng cũng cho thấy sự dũng cảm của mình khi bước tới trên đường đời (x. R 4,1-17).