Christus Vivit: Chương 2 Số 39- 48

Christus Vivit: Chương 2 Số 39- 48

Bản dịch của Lm Lê Công Đức

Một Giáo hội chú ý đến các dấu chỉ của thời đại

  1. “Dù đối với nhiều người trẻ, Thiên Chúa, tôn giáo và Giáo hội dường như là những từ ngữ trống rỗng, thì họ vẫn nhạy cảm trước hình ảnh Đức Giêsu khi Người được giới thiệu cho họ một cách lôi cuốn và hữu hiệu”. [14] Vì thế, Giáo hội không nên quá loay hoay với chính mình, mà thay vào đó, và trước hết, cần phải phản ảnh Đức Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa cần khiêm nhường nhìn nhận rằng một số điều phải được thay đổi cách cụ thể, và để thay đổi như vậy thì Giáo hội cần trân trọng cả tầm nhìn lẫn những phê bình của người trẻ.
  2. Thượng hội đồng nhận thấy rằng “khá nhiều người trẻ, vì rất nhiều lý do, không hề kỳ vọng điều gì nơi Giáo hội, vì họ chẳng thấy Giáo hội có ý nghĩa gì cho cuộc sống của họ. Một số ngay cả công khai yêu cầu rằng hãy để mặc họ, vì họ thấy sự hiện diện của Giáo hội như một cái gì phiền toái, thậm chí gây dị ứng. Yêu cầu này không phải luôn luôn do bồng bột bức xúc. Nó có thể có những lý do hẳn hoi: như những vụ tai tiếng về tình dục và tiền bạc; như một hàng giáo sĩ chưa được chuẩn bị tốt để xử lý cách hữu hiệu trước các xúc cảm của giới trẻ; như việc thiếu chuẩn bị cho bài giảng, cho việc trình bày lời Chúa; như người trẻ trong cộng đoàn Kitô hữu chỉ được trao cho vai trò thụ động; như việc Giáo hội gặp khó khăn khi giải thích giáo thuyết và các quan điểm đạo đức của mình cho xã hội hiện đại”. [15]
  3. Mặc dù nhiều người trẻ vui mừng nhìn thấy một Giáo hội khiêm nhường nhưng tin tưởng vào các ân ban nhận được, và họ có thể đưa ra những phê bình thích đáng trong tình huynh đệ, nhưng nhiều người khác thì muốn một Giáo hội biết lắng nghe hơn, biết làm nhiều hơn là duy chỉ lên án thế giới. Họ không muốn nhìn thấy một Giáo hội thinh lặng và sợ lên tiếng, nhưng cũng không phải là một Giáo hội chỉ chăm chăm vật lộn với hai hay ba vấn đề. Để được người trẻ tin cậy, có những lúc Giáo hội cần lấy lại sự khiêm nhường của mình và biết lắng nghe, nhìn nhận rằng những điều người ta nói có thể cung cấp ánh sáng nào đó giúp mình hiểu Tin Mừng tốt hơn. Một Giáo hội luôn luôn phòng thủ, đánh mất sự khiêm nhường và không còn biết lắng nghe, không chừa chỗ cho những chất vấn, thì Giáo hội ấy đánh mất sự trẻ trung của mình và hóa thành một viện bảo tàng. Như vậy, làm sao Giáo hội có thể đáp ứng những giấc mơ của người trẻ? Cho dù Giáo hội sở hữu sự thật của Tin Mừng, thì điều đó không có nghĩa rằng Giáo hội nắm hiểu trọn vẹn Tin Mừng ấy; đúng hơn, Giáo hội được mời gọi lớn lên mãi trong việc nắm hiểu kho báu vô tận này. [16]
  4. Chẳng hạn, một Giáo hội quá lo sợ và quá trói buộc mình vào các cơ cấu có thể khư khư dị ứng với các nỗ lực bảo vệ quyền phụ nữ, và lúc nào cũng chỉ ra những nguy hiểm và những sai lầm tiềm ẩn trong các yêu cầu đó. Trái lại, một Giáo hội sống động có thể phản ứng bằng việc lưu tâm đến các yêu cầu của những phụ nữ muốn tìm kiếm sự công bằng và bình đẳng nhiều hơn. Một Giáo hội sống động có thể nhìn ngược về lịch sử và nhận ra phần trách nhiệm của mình trong chủ nghĩa nam giới chuyên quyền thống trị, trong những hình thức khác nhau của nô lệ hóa, lạm dụng và bạo lực giới tính. Với cái nhìn này, Giáo hội có thể ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng nữ quyền, và mạnh mẽ hỗ trợ cho sự tương nhượng nhiều hơn nữa giữa nam và nữ, trong khi vẫn không nhắm mắt đồng thuận với mọi điều mà một số nhóm nữ quyền nêu ra. Trong tinh thần này, Thượng hội đồng muốn xác nhận lại rằng Giáo hội cam kết “chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực liên quan đến giới tính”. [17] Đó là lời đáp trả của một Giáo hội vẫn tiếp tục trẻ trung, chấp nhận bị thách thức, và được thúc đẩy bởi các cảm xúc của người trẻ.

Maria, người phụ nữ trẻ ở Nadarét

  1. Đức Maria chiếu sáng ở con tim Giáo hội. Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Giáo hội trẻ trung muốn đi theo Đức Kitô với nhiệt tâm và sự mềm mỏng. Khi còn rất trẻ, Maria đã đón nhận thông điệp của thiên sứ, ngài không sợ nêu ra các câu hỏi (x. Lc 1,34). Với trái tim và tâm hồn rộng mở, ngài đáp: “Này đây, tôi là nữ tỳ của Đức Chúa” (Lc 1,38).
  2. “Chúng ta mãi còn kinh ngạc trước sức mạnh của tiếng ‘xin vâng’ nơi cô gái trẻ Maria, sức mạnh trong lời thưa ‘hãy thực hiện điều đó’ mà Maria nói với vị thiên sứ. Đây không phải là sự chấp nhận thuần túy thụ động hay bị bắt buộc, hay một tiếng ‘vâng’ vu vơ, kiểu như nói: ‘Ờ, thì ta cứ thử xem sao’. Maria không nói như vậy, không ‘cứ thử xem sao’. Ngài rất kiên quyết; ngài ý thức cái giá phải trả, và ngài nói ‘xin vâng’ không chút do dự. Đây là tiếng ‘xin vâng’ của một người đã sẵn sàng dấn thân, một người sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng đặt cược tất cả những gì mình có, mà không có gì chắc chắn hơn ngoài việc biết rằng mình nhận một lời hứa. Vì vậy cha muốn hỏi mỗi người trong các con: Các con có thấy mình là người mang một lời hứa không? Lời hứa nào đang có trong lòng tôi mà tôi có thể nhận lấy? Sứ mạng của Đức Maria hẳn là không dễ dàng, nhưng các thách đố phía trước không phải là lý do để thoái thác. Mọi sự dĩ nhiên sẽ rất phức tạp, nhưng không giống như trường hợp sự nhút nhát làm tê liệt chúng ta do nghĩ rằng chẳng có gì được thấy rõ ràng hay chắc chắn. Maria không mua bảo hiểm! Ngài mạo hiểm, và vì thế ngài rất mạnh mẽ, ngài là một ‘người tác động’, ‘người tác động’ của Thiên Chúa. Tiếng ‘xin vâng’ của Maria và lòng khát khao phục vụ của ngài thì mạnh hơn bất cứ sự nghi ngờ hay khó khăn nào”. [18]
  3. Không lẩn tránh cũng không ảo tưởng, “Maria sát cánh bên đau khổ của Con mình; ngài nâng đỡ Con bằng ánh mắt nhìn và che chở Con bằng trái tim. Ngài chia sẻ đau khổ của Con, nhưng không bị đè bẹp bởi đau khổ ấy. Maria là người phụ nữ mạnh mẽ thưa tiếng ‘xin vâng’, là người nâng đỡ và đồng hành, bao bọc và che chở. Ngài là người canh giữ xuất sắc niềm hy vọng… Chúng ta học từ ngài để biết nói ‘vâng’ với sự kiên nhẫn bất khuất và năng lực sáng tạo của những ai luôn kiên cường sẵn sàng bắt đầu lại”. [19]
  4. Maria là một phụ nữ trẻ với tâm hồn tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), đôi mắt ngài – phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần – nhìn đời sống với đức tin và lưu giữ mọi sự trong trái tim trẻ trung của ngài (x. Lc 2,19.51). Ngài năng động, sẵn sàng mau mắn lên đường khi biết rằng người chị họ cần đến mình. Ngài không loay hoay với các kế hoạch riêng của mình, nhưng ra đi “vội vã” đến miền đồi núi ấy (Lc 1,39).
  5. Khi đứa con bé bỏng của mình cần sự bảo vệ, Maria trẩy đi cùng với Giuse đến một xứ sở xa xôi (x. Mt 2,13-14). Ngài cũng có mặt với các môn đệ khi chờ đợi được tuôn đổ Thánh Thần (x. Cv 1,14). Trong sự hiện diện của ngài, một Giáo hội trẻ trung được khai sinh, khi các tông đồ lên đường để sinh hạ một thế giới mới (x. Cv 2,4-11).
  6. Ngày nay, Đức Maria là Mẹ chăm sóc chúng ta, con cái ngài, trên hành trình cuộc đời vốn thường gặp mệt mỏi và quẫn bách, lo sao để ánh sáng hy vọng không bị dập tắt. Vì đó là ước vọng của chúng ta: ước mong ánh sáng hy vọng không bao giờ lụi tàn. Đức Maria, Mẹ chúng ta, coi sóc đoàn dân lữ hành này: một dân non trẻ mà ngài yêu thương, một dân kiếm tìm ngài trong cõi tâm an tĩnh của mình ở giữa muôn náo động, giữa những tiếng nói huyên thiên và những chia trí trong cuộc hành trình. Nhưng dưới ánh nhìn của Mẹ, chỉ có sự thinh lặng lấp đầy hy vọng. Vì thế Đức Maria không ngừng soi sáng tuổi trẻ của chúng ta.
print