Christus Vivit: Chương 5 Số 134-143

Christus Vivit: Chương 5 Số 134-143

Bản dịch của Lm Lê Công Đức

CHƯƠNG NĂM

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

  1. Đâu là ý nghĩa của việc sống những năm tháng tuổi trẻ của chúng ta trong ánh sáng đầy sức biến đổi của Tin Mừng? Chúng ta cần nêu dấu hỏi này vì tuổi trẻ không chỉ là một nguồn tự hào mà là một quà tặng của Thiên Chúa: “Tuổi trẻ là một ơn lành, một phúc hạnh”. [71] Nó là một quà tặng mà chúng ta có thể phung phí cách lãng xẹt, hoặc đón nhận với lòng biết ơn và sống tận lực.
  2. Thiên Chúa là Đấng trao ban tuổi trẻ, và Ngài hoạt động trong đời sống của mỗi người trẻ. Tuổi trẻ là một thời gian phúc hạnh cho người trẻ, và là một ân ban cho Giáo hội và cho thế giới. Nó là niềm vui, là một bài ca hy vọng và một sự chúc phúc. Việc sống hết mình những năm tuổi trẻ của chúng ta đòi phải biết nhìn thời gian này của cuộc đời như giá trị nơi chính nó, chứ không chỉ đơn thuần là một bước chuyển tiếp ngắn dẫn tới tuổi trưởng thành.

Thời của những giấc mơ và những quyết định

  1. Trong thời của Đức Giêsu, sự chuyển tiếp từ tuổi ấu thời là một bước quan trọng trong đời sống, người ta hân hoan ăn mừng. Khi Đức Giêsu cứu sống đứa con gái của người kia, Người nói về em là một “đứa trẻ” (Mc 5,39), nhưng rồi Người trực tiếp gọi em là “thiếu nữ” (Mc 5,41). “Hỡi thiếu nữ, hãy chỗi dậy (talitha cum)”, qua cách gọi này Người đặt cho em trách nhiệm nhiều hơn đối với đời sống, mở ra trước em cánh cửa của tuổi trẻ.
  2. “Tuổi trẻ, xét như một giai đoạn phát triển nhân cách, được đánh dấu bằng những ước mơ có sức tạo đà vận động, bằng những mối tương quan đạt được tính nhất quán và sự quân bình ngày càng hơn, bằng những thử nghiệm, và bằng những chọn lựa dần dần hình thành nên một kế hoạch đời sống. Tại giai đoạn này trong đời, người trẻ được mời gọi tiến tới mà không cắt đứt khỏi các gốc rễ của mình, được mời gọi tạo lập sự tự trị mà không rơi vào tình trạng cô lập”. [72]
  3. Tình yêu của Thiên Chúa và mối tương quan của chúng ta với Đức Kitô hằng sống không hề ngăn cản chúng ta ước mơ; chúng không đòi ta thu hẹp các chân trời của mình. Trái lại, tình yêu ấy nâng chúng ta lên, khích lệ và truyền cảm hứng cho chúng ta để sống một đời sống tốt đẹp hơn. Phần lớn khát vọng trong trái tim người trẻ có thể được đúc kết lại trong từ “khắc khoải”. Như Thánh Phaolô VI nói: “Trong chính cảm giác không hài lòng mà các con thường kinh nghiệm…, có tồn tại một tia sáng”. [73] Tình trạng không hài lòng đầy khắc khoải ấy, kết hợp với sự nôn nao trước những chân trời mới mở ra, tạo nên một sự dũng cảm giúp các con đứng lên và nhận trách nhiệm về một sứ mạng. Sự khắc khoải lành mạnh đặc trưng của tuổi trẻ này tiếp tục ở lại trong mọi tâm hồn vẫn còn trẻ trung, cởi mở và quảng đại. Niềm an bình nội tâm đích thực cùng tồn tại với cảm giác không hài lòng sâu xa ấy. Như Thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con còn khắc khoải cho tới khi nào tìm được an nghỉ trong Chúa”. [74]
  4. Cách đây ít lâu, một người bạn hỏi tôi nhìn thấy gì nơi một người trẻ. Câu trả lời của tôi là: “Tôi thấy một người đang tìm lối bước riêng của mình, một người muốn bay trên hai bàn chân, một người đối diện với thế giới và hướng nhìn chân trời với đôi mắt đong đầy tương lai, đầy hy vọng và cả ảo tưởng nữa. Một người trẻ đứng trên hai bàn chân cũng như người trưởng thành, nhưng khác với người trưởng thành, hai bàn chân người trẻ không đặt song song, mà một chân luôn luôn ở phía trước, sẵn sàng lao tới. Họ luôn luôn lao về phía trước. Nói về người trẻ là nói về triển vọng và nói về niềm vui. Người trẻ có nhiều nghị lực; họ có thể nhìn về phía trước với niềm hy vọng. Một người trẻ là một triển vọng của đời sống, hàm chứa một mức kiên định nào đó. Họ có đủ điên rồ để đánh lừa chính mình, và có đủ năng lực phục hồi để vượt qua sự đánh lừa ấy”. [75]
  5. Một số người trẻ có thể không thích giai đoạn này trong đời sống, vì họ muốn tiếp tục làm trẻ con hay muốn kéo dài vô tận tuổi thiếu niên của mình, thoái thác việc phải đưa ra những quyết định. “Nỗi sợ tính dứt khoát, như thế, sẽ làm phát sinh một loại tê liệt khiến người ta không thể quyết định. Nhưng tuổi trẻ không thể bị đình hoãn. Nó là giai đoạn của những chọn lựa, và ở đây có hàm chứa sự thú vị cũng như trách nhiệm lớn nhất của nó. Người trẻ đưa ra các quyết định trong nghề nghiệp, trong các lãnh vực chính trị và xã hội, và trong những mặt căn bản khác nữa vốn định hình cuộc đời của họ”. [76] Họ cũng đưa ra các quyết định về tình yêu, về việc chọn bạn đời và thành lập một gia đình. Chúng ta sẽ xem xét những vấn đề này kỹ hơn trong các chương cuối, khi đề cập đến các ơn gọi cá nhân và việc phân định chúng.
  6. Nhưng đối lập với những niềm hy vọng và những ước mơ thôi thúc các quyết định này, luôn luôn có mối cám dỗ phàn nàn và bỏ cuộc. “Chúng ta muốn nói đến những người tôn thờ ‘nữ thần than thở’… Đó là một nữ thần dối trá, dẫn dụ các con vào con đường sai lầm. Khi mọi sự dường như khựng lại và tê liệt, khi các vấn đề cá nhân làm phiền chúng ta, và khi các vấn đề xã hội tỏ ra bế tắc, thì việc bỏ cuộc vẫn không tốt đâu. Đức Giêsu là con đường: hãy đón Người vào ‘thuyền’ của các con và ra khơi! Người là Chúa! Người biến đổi cách chúng ta nhìn cuộc sống. Niềm tin vào Đức Giêsu dẫn tới niềm hy vọng to lớn hơn, cho ta một sự chắc chắn không tựa trên các phẩm chất và năng khiếu của mình, nhưng tựa trên lời Thiên Chúa, trên lời mời gọi đến từ Ngài. Đừng quá tính toán theo lối nhân loại, và đừng lo lắng về những gì thách đố sự an toàn của các con, hãy ra khơi đến chỗ nước sâu. Các con hãy ra khỏi chính mình”. [77]
  7. Hãy tiếp tục theo đuổi những niềm hy vọng và những ước mơ của các con. Nhưng hãy cẩn thận về một cám dỗ có thể kéo chúng ta lại. Đó là sự lo âu. Lo âu có thể chống lại chúng ta bằng cách làm chúng ta bỏ cuộc bất cứ khi nào không nhìn thấy những kết quả ngay lập tức. Người ta chỉ đạt được những ước mơ đẹp nhất xuyên qua hy vọng, kiên nhẫn và dấn thân, chứ không phải sự nóng vội. Đồng thời, chúng ta không nên lưỡng lự, sợ phiêu lưu hay phạm sai lầm. Hãy tránh tình trạng tê liệt của những người sống mà như chết, những người không thực sự sống vì họ sợ mạo hiểm, sợ mắc sai lầm hay sợ kiên tâm trong những cam kết của mình. Ngay cả dù các con phạm sai lầm, các con luôn luôn có thể đứng dậy và bắt đầu lại, vì không ai có quyền cướp đi khỏi các con niềm hy vọng.
  8. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy sống hữu hiệu nhất những năm tuổi trẻ của mình. Đừng nhìn đời từ một ban công. Đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành, hay sống đời sống các con sau một bức màn. Làm gì thì làm, đừng trở thành thê thảm như một chiếc ô tô phế thải nghĩa địa! Cũng đừng như những chiếc xe đậu trong bãi, nhưng hãy ước mơ thỏa chí và hãy đưa ra các quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả dù điều đó có nghĩa là phạm sai lầm. Đừng đi qua đời sống một cách vô cảm giác, hay tiếp cận thế giới như những khách du lịch. Hãy sôi nổi lên! Hãy xua tan nỗi sợ vốn làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong đời sống! Hãy mở cửa lồng, thoát ra và bay lên! Xin các con đừng về hưu sớm.
print