Christus Vivit: Chương 5 Số 144-157

print

Christus Vivit: Chương 5 Số 144-157

Một khát vọng sống và kinh nghiệm

  1. Trong khi tiến về phía tương lai và các triển vọng của nó, người trẻ cũng có một khao khát mãnh liệt muốn kinh nghiệm khoảnh khắc hiện tại, muốn tận dụng tối đa các cơ hội mà đời sống trao cho. Thế giới của chúng ta ngập tràn vẻ đẹp! Làm sao chúng ta có thể xem thường vô số tặng phẩm của Thiên Chúa?
  2. Trái ngược với điều mà nhiều người tưởng nghĩ, Chúa không muốn trấn áp những khao khát về một đời sống dồi dào phong phú. Chúng ta hẳn nhớ những lời của một hiền nhân trong Cựu Ước: “Con ơi, nếu có của, hãy làm cho đời con được tốt đẹp, và tiến dâng lễ vật lên Đức Chúa sao cho xứng. Đừng từ chối không hưởng một ngày vui, hoài bão của con, đừng để cho phần nào trôi đi mất” (Hc 14,11.14). Vị Thiên Chúa đích thực là Đấng yêu thương các con, Ngài muốn các con hạnh phúc. Vì thế, Thánh Kinh cũng chứa lời khuyên này cho người trẻ: “Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ… Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn” (Gv 11,9-10). Vì Thiên Chúa “cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1Tm 6,17).
  3. Làm sao Thiên Chúa có thể vui thích khi ai đó không có khả năng thuởng thức những phúc ân nho nhỏ mỗi ngày, khi mắt ai đó bị che khuất và không nhìn thấy những niềm vui thú đơn sơ ở khắp xung quanh ta? “Không ai tệ hơn kẻ làm khổ chính mình” (Hc 14,6). Hoàn toàn khác với việc vồ vập những thú vui mới, là điều ngăn cản ta tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, chúng ta được mời gọi mở mắt nhìn và dành một chốc lát để cảm nhận trọn vẹn mọi món quà bé nhỏ của đời sống với lòng biết ơn.
  4. Thật rõ, lời Chúa mời gọi các con thuởng thức cái hiện tại, chứ không duy chỉ chuẩn bị cho tương lai: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Nhưng điều này không giống như việc dấn mình một cách vô trách nhiệm vào một cuộc sống phóng đãng, vốn chỉ đưa tới sự trống rỗng và bất mãn dai dẳng. Đúng hơn, đó là sống trọn vẹn cái hiện tại, dùng các năng lực của mình vào những điều tốt lành, vun xới tình huynh đệ, học theo Đức Giêsu và tận dụng những niềm vui bé nhỏ của đời sống, vì đó là những quà tặng của tình yêu Thiên Chúa.
  5. Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, khi bị cầm tù trong một trại tập trung, đã từ chối việc thúc thủ để chỉ ngồi chờ ngày được phóng thích. Ngài đã chọn “sống mỗi giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ tận dụng các cơ hội có được mỗi ngày; tôi sẽ chu toàn các việc bình thường một cách phi thường”. [78] Khi các con làm việc để đạt được điều mình ước mơ, hãy tận dụng mỗi ngày và sống hết mình, để mỗi khoảnh khắc đều đầy tràn yêu thương. Ngày hôm nay của tuổi trẻ các con rất có thể là ngày cuối cùng, vì thế rất đáng để nỗ lực sống nó một cách nồng nhiệt và trọn vẹn nhất.
  6. Điều này cũng có thể áp dụng cho những lúc khó khăn, những hoàn cảnh mà ta phải kinh nghiệm đầy đủ thì mới học được thông điệp mà chúng có thể dạy mình. Như các Giám mục Thụy Sĩ diễn tả: “Thiên Chúa ở đó, nơi mà chúng ta nghĩ rằng Ngài bỏ chúng ta và chẳng còn hy vọng gì hơn về ơn cứu độ. Thật là nghịch lý, nhưng đối với nhiều Kitô hữu, đau khổ và bóng tối đã trở thành… những nơi gặp gỡ Thiên Chúa”. [79] Khát vọng sống hết mình và kinh nghiệm những điều mới mẻ cũng được cảm nhận bởi nhiều người trẻ trong hoàn cảnh khiếm khuyết về thể lý, tâm thần và giác quan. Dù có thể họ không luôn luôn có được cùng những kinh nghiệm như những người khác, họ sở hữu những nguồn lực và những khả năng kỳ diệu thường vượt xa trên mức bình thường. Chúa Giêsu ban cho họ những quà tặng khác, mà cộng đoàn được mời gọi nhìn nhận và trân trọng, để họ có thể khám phá kế hoạch yêu thương của Người cho mỗi người trong họ.

Trong tình bạn với Đức Kitô

  1. Dù các con sống kinh nghiệm những năm tuổi trẻ của mình đến mức nào, các con cũng sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa sâu xa và đầy đủ nhất của nó, nếu các con không gặp gỡ mỗi ngày với người bạn tốt nhất của mình, đó là Đức Giêsu.
  2. Tình bạn là một trong những quà tặng của cuộc sống và là một ân sủng của Thiên Chúa. Qua các bạn hữu của chúng ta, Chúa tinh luyện chúng ta và dẫn chúng ta tới trưởng thành. Những người bạn trung thành, những người đứng bên ta trong những thời khắc khó khăn, đó cũng là một phản ảnh tình yêu của Chúa, phản ảnh sự hiện diện ân cần và khích lệ của Người trong đời sống chúng ta. Kinh nghiệm tình bạn dạy chúng ta mở ra, hiểu và quan tâm đến người khác, đi ra khỏi tình trạng cô lập ru ngủ của mình, và chia sẻ đời sống mình với người khác. Chính vì vậy, “không có gì quí hơn một người bạn trung thành” (Hc 6,15).
  3. Tình bạn không phải là một tương quan hời hợt tạm bợ, nhưng là tương quan ổn định, vững chắc, trung thành và nó chín muồi với thời gian. Đó là một mối tương quan tâm cảm nối kết chúng ta lại với nhau, và một tình yêu thương quảng đại thúc đẩy chúng ta tìm kiếm điều tốt lành cho bạn mình. Bạn hữu có thể rất khác nhau, nhưng luôn luôn có những điểm chung kéo họ lại gần nhau trong cởi mở và tin tưởng. [80]
  4. Tình bạn thật quan trọng đến nỗi Đức Giêsu gọi chính Người là một người bạn: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Nhờ ân ban của Người, chúng ta được nâng lên để trở thành thật sự là bạn hữu của Người. Với cùng tình yêu mà Đức Kitô đổ tràn trên chúng ta, chúng ta có thể yêu mến Người để đáp lại, và chia sẻ tình yêu của Người với những người khác, với hy vọng rằng họ cũng sẽ tham dự vào cộng đoàn thân hữu mà Người đã thiết lập. Và cũng như Người đang sống sự sống Phục Sinh trong trọn vẹn vinh phúc, thì chúng ta, về phần mình, có thể làm việc cách quảng đại để giúp xây dựng vương quốc của Người trên thế giới này, bằng cách mang sứ điệp của Người, ánh sáng của Người, và trên hết là tình yêu của Người cho người khác (x. Ga 15,16). Các môn đệ đã nghe Đức Giêsu gọi họ là bạn hữu của Người. Đó là một lời mời gọi không hề áp chế họ, nhưng nhẹ nhàng gọi mời sự tự do của họ. “Hãy đến mà xem”, Đức Giêsu nói với họ như thế; vì thế “họ đến và xem nơi Người ở, và họ ở lại với Người hôm ấy” (Ga 1,39). Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động ấy, họ đã bỏ mọi sự và đi theo Người.
  5. Tình bạn với Đức Giêsu không thể bị gãy đổ. Người không bao giờ rời bỏ chúng ta, ngay cả dù có những lúc dường như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta (x. Gr 29,14); Người vẫn ở bên ta dù ta đi tới đâu (x. Gs 1,9). Người không bao giờ phá vỡ giao ước của Người. Người chỉ yêu cầu rằng chúng ta không bỏ Người: “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Nhưng cho dù chúng ta đi lạc khỏi Người, “Người vẫn trung thành, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13).
  6. Với một người bạn, chúng ta có thể nói và chia sẻ những bí mật sâu xa nhất. Với Đức Giêsu cũng vậy, chúng ta luôn luôn có thể trò chuyện. Cầu nguyện vừa là một thách đố vừa là một cuộc phiêu lưu. Và cuộc phiêu lưu ấy thú vị biết bao! Dần dần, Đức Giêsu giúp ta trân trọng sự cao cả của Người và kéo ta lại gần Người hơn. Việc cầu nguyện cho phép ta chia sẻ với Người mọi khía cạnh trong đời sống mình, và an tâm nghỉ ngơi trong vòng tay của Người. Đồng thời, cầu nguyện giúp ta tham dự vào chính sự sống và tình yêu của Người. Khi chúng ta cầu nguyện, “chúng ta cởi mở mọi điều ta làm” cho Người, và chúng ta dành chỗ cho Người “để Người có thể hành động, có thể đi vào, và có thể chiến thắng”. [81]
  7. Bằng việc cầu nguyện, chúng ta có thể thường xuyên kinh nghiệm sự gần gũi với Người, nhiều hơn bất cứ gì mà chúng ta có thể kinh nghiệm với một người khác: “Không còn là tôi sống, nhưng chính là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đừng tước mất khỏi tuổi trẻ các con tình bạn này. Các con có thể cảm nghiệm Người ở bên mình không chỉ khi các con cầu nguyện, nhưng là mọi nơi mọi lúc. Hãy thử kiếm Người, và các con sẽ có cái kinh nghiệm tuyệt vời là nhận ra rằng Người luôn luôn ở bên các con. Đây là điều mà các môn đệ trên đường Emmau đã kinh nghiệm, khi họ đang buồn bã lê bước trên đường, Đức Giêsu “đã đến gần và cùng bước đi với họ” (Lc 24,25). Một vị thánh đã nhận định: “Kitô giáo không phải là một bộ sưu tập các chân lý để tin, các qui tắc để tuân theo, hay các cấm đoán. Nhìn theo cách ấy, nó làm ta nản lòng. Nhưng Kitô giáo là một Đấng yêu thương tôi vô hạn, Người kêu gọi tình yêu của tôi. Kitô giáo là Đức Kitô”. [82]
  8. Đức Giêsu có thể đem lại cho tất cả mọi người trẻ trong Giáo hội một giấc mơ, “một giấc mơ vĩ đại, một giấc mơ có chỗ cho mọi người. Vì giấc mơ ấy mà Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình trên thập giá, vì giấc mơ ấy mà Thánh Thần được đổ tràn trong ngày lễ Ngũ Tuần và mang lửa đến cho trái tim của mọi người nam và nữ, cho trái tim các con và trái tim của cha. Ngài mang lửa ấy đến cho trái tim các con, trong hy vọng tìm được chỗ để nó lớn lên và lan tỏa. Giấc mơ ấy tên là Giêsu, được Chúa Cha gieo trồng trong niềm tin rằng nó sẽ lớn lên và sống trong mọi con tim. Giấc mơ cụ thể ấy là một Đấng, đang tràn ngập trong huyết quản chúng ta, làm cho trái tim ta rộn rã nhảy mừng”. [83]