Christus Vivit: Chương 8 Số 248-258

print

Christus Vivit: Chương 8 Số 248-258

CHƯƠNG TÁM

ƠN GỌI

  1. Từ “ơn gọi” có thể được hiểu theo nghĩa rộng là một tiếng gọi của Thiên Chúa, gồm tiếng gọi vào hiện hữu, tiếng gọi vào tình bạn với Ngài, tiếng gọi nên thánh, vân vân. Cách hiểu này thật hay, vì nó đặt toàn thể đời sống chúng ta trong liên hệ với Thiên Chúa, Đấng yêu thương ta. Nó làm chúng ta nhận ra rằng không có gì là kết quả của ngẫu nhiên thuần túy, nhưng mọi sự trong đời ta đều có thể trở thành một cách đáp lại tiếng Chúa, Đấng có một kế hoạch tuyệt vời cho chúng ta.
  2. Trong Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ (Gaudete et Exsultate),tôi đã nói về ơn gọi của mọi người là lớn lên và trưởng thành vì vinh quang của Thiên Chúa; tôi đã muốn “nhắc lại tiếng mời gọi nên thánh một cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, với tất cả những nguy hiểm, những thách đố và những cơ hội của nó”. [136] Công đồng Vatican II giúp chúng ta ý thức lại tiếng gọi này, vốn được trao cho mỗi người chúng ta: “Tất cả các tín hữu, dù hoàn cảnh hay bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi, mỗi người theo cách của mình, đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo như Chúa Cha là Đấng hoàn hảo”. [137]

Tiếng Chúa gọi đi vào tình bạn

  1. Điều đầu tiên chúng ta cần phân định và khám phá là: Đức Giêsu muốn làm bạn với mọi người trẻ. Sự phân định này là cơ sở của mọi điều khác. Trong cuộc đối thoại của Chúa Phục Sinh với Simon Phêrô, câu hỏi quan trọng của Người là: “Simon, con Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,16). Nói cách khác, anh có yêu mến Thầy như một người bạn không? Sứ mạng mà Phêrô nhận lãnh để chăm sóc đoàn chiên của Đức Giêsu sẽ luôn được nối kết với tình yêu nhưng không này, tình yêu thân hữu.
  2. Đàng khác, đã có cuộc gặp gỡ không thành công của Đức Giêsu với người thanh niên giàu có, cho thấy rõ rằng người bạn trẻ ấy không cảm nhận được cái nhìn trìu mến của Chúa (x. Mc 10,21). Anh buồn rầu bỏ đi, cho dù anh đã có những thiện chí ban đầu, vì anh không thể quay lưng lại với mớ của cải của anh (x. Mt 19,22). Anh bắt hụt cái cơ hội mà rất có thể là một tình bạn tuyệt vời. Anh thanh niên ấy, Đức Giêsu đã trìu mến nhìn anh và đã mở rộng vòng tay mời gọi anh, chúng ta sẽ không bao giờ biết anh rất có thể đã trở thành gì cho chúng ta, anh rất có thể đã cống hiến những gì cho nhân loại, nếu anh không bắt hụt cơ hội đó.
  3. “Sự sống mà Đức Giêsu trao cho chúng ta là một chuyện tình, một sự sống muốn hòa vào cuộc sống của chúng ta và đâm rễ trong mảnh đất cuộc đời chúng ta. Sự sống ấy không phải là một sự cứu độ được ‘up’ lên ‘đám mây’ và chờ được tải xuống, không phải là một ‘ứng dụng’ mới chờ được khám phá, hay một kỹ thuật tự cải thiện tâm thần. Sự sống ấy càng không phải là một ‘tutorial’ (công thức hướng dẫn thao tác) để tìm ra bản tin mới nhất. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là lời mời gọi đi vào một câu chuyện tình đan kết với những câu chuyện riêng của chúng ta; nó sống động và muốn được sinh ra giữa chúng ta, để ta có thể sinh hoa trái tại nơi của mình, theo cách của mình, và với mọi người xung quanh mình. Chúa đến để gieo và để được gieo”. [138]

Hiện hữu cho người khác

  1. Giờ đây tôi muốn nói về ơn gọi theo nghĩa hẹp, như một tiếng gọi thi hành sứ mạng phục vụ tha nhân. Chúa gọi chúng ta tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và đóng góp cho thiện ích chung, bằng cách sử dụng những quà tặng mà mình đã nhận lãnh.
  2. Ơn gọi thừa sai này, vì thế, có liên hệ với sự phục vụ. Vì đời sống chúng ta trên dương thế này đạt được tầm vóc sung mãn của nó khi nó trở thành một sự dâng hiến. Ở đây tôi muốn nhắc lại rằng “sứ mạng của việc hiện hữu giữa người ta không phải chỉ là một phần đời sống mình, hay như một phù hiệu mà tôi có thể gỡ ra; nó không phải là một cái gì gắn thêm vào, hay chỉ là một khoảnh khắc trong đời. Thay vào đó, nó là một cái gì mà tôi không thể nhổ rễ khỏi hiện hữu của mình, vì như vậy là hủy diệt chính bản ngã của tôi. Tôi là một sứ mạng trên trái đất này; đó là lý do vì sao tôi có mặt ở đây trong thế giới”. [139] Như vậy, mọi hình thức hoạt động mục vụ, huấn luyện và linh đạo phải được nhìn trong ánh sáng của ơn gọi Kitô hữu chúng ta.
  3. Ơn gọi riêng của bạn không hệ tại duy chỉ ở công việc bạn làm, dù đó là một sự diễn tả của nó. Ơn gọi riêng của bạn là một cái gì hơn thế: đó là một đường lối giúp cho các nỗ lực và hành động của bạn được điều hướng về phía phục vụ người khác. Vì thế trong việc phân định ơn gọi, thật quan trọng việc xác định xem bạn có thấy nơi mình những khả năng cần thiết để làm công việc phục vụ chuyên biệt ấy cho xã hội hay không.
  4. Điều đó đem lại giá trị nhiều hơn cho mọi việc bạn làm. Công việc của bạn không còn chỉ là để kiếm tiền, để khỏi nhàn cư hay để làm vui lòng người khác. Nó trở thành ơn gọi của bạn bởi vì bạn được gọi đảm nhận nó; nó không chỉ là một quyết định có tính thực dụng. Cuối cùng, nó cho thấy lý do vì sao tôi được dựng nên, vì sao tôi ở đây trên đời, và đâu là kế hoạch của Chúa cho cuộc đời tôi. Chúa sẽ không chỉ cho tôi thấy mọi nơi chốn, thời gian và chi tiết, vì tôi sẽ phải đưa ra các quyết định thận trọng của mình về những điều này. Nhưng Chúa sẽ chỉ cho tôi một chiều hướng trong đời, vì Ngài là Đấng Sáng Tạo và tôi cần lắng nghe Ngài, để cũng như đất sét trong tay thợ gốm, tôi có thể để Ngài đúc nặn và hướng dẫn mình. Như vậy tôi sẽ trở thành điều mà tôi được nhắm đến, trung thành với sự thật của mình.
  5. Để đáp lại ơn gọi riêng, chúng ta cần củng cố và phát triển tất cả hiện hữu của mình. Điều này không liên hệ gì với việc phát minh hay sáng tạo con người mình từ số không. Nó liên hệ với việc tìm ra con người thực của mình trong ánh sáng của Thiên Chúa và cho phép đời sống mình triển nở và sinh hoa quả. “Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mọi người nam nữ được đặt định để hoàn thành chính mình, vì mọi cuộc sống con người đều được Thiên Chúa kêu gọi đảm nhận phần việc gì đó”. [140] Ơn gọi của bạn truyền cảm hứng cho bạn phát huy chính mình cách tốt nhất, vì vinh quang Thiên Chúa và vì thiện ích của tha nhân. Nó không chỉ là vấn đề làm những việc gì đó, nhưng là làm các việc ấy với ý nghĩa và với định hướng. Thánh Alberto Hurtado bảo các bạn trẻ hãy nghiêm túc nghĩ về chiều hướng mà cuộc đời họ nên theo: “Nếu người lái tàu bất cẩn, anh ta sẽ bị sa thải ngay vì không nghiêm túc chu toàn trách nhiệm thánh thiêng của mình. Đối với cuộc đời mình, chúng ta có ý thức đầy đủ về đường hướng mình đang đi không? Đời bạn đang đi theo hướng nào? Nếu cần phải suy nghĩ thêm về điều này, cha tha thiết xin mỗi người các con hãy xem xét nó cách kỹ nhất, vì ở đây chuyện đúng hay sai cũng là chuyện thành hay bại”. [141]
  6. Trong đời sống của mỗi người trẻ, sự “hiện hữu cho người khác” này thường liên quan tới hai vấn đề: lập một gia đình mới và làm việc. Các bảng thăm dò người trẻ thường xuyên xác nhận rằng đây là hai vấn đề chính yếu làm cho họ vừa lo lắng vừa thích thú. Hai vấn đề này phải được xem xét đặc biệt. Chúng ta hãy nhìn thoáng qua mỗi vấn đề.