Christus Vivit: Chương 8 Số 268-277

print

Christus Vivit: Chương 8 Số 268-277

Công việc

  1. Các giám mục Mỹ đã chỉ ra rằng “giai đoạn ở ngưỡng trưởng thành của một người thường báo hiệu về lối đi vào thế giới công việc. ‘Bạn làm nghề gì?’ là một chủ đề thường xuyên trong trò chuyện, vì công việc là phần chủ yếu trong đời sống của họ. Đối với người ở ngưỡng trưởng thành, kinh nghiệm này rất hay thay đổi vì họ đi từ công việc này đến công việc khác, và thậm chí từ lãnh vực này đến lãnh vực khác. Công việc có thể ràng buộc họ về thời biểu và có thể ấn định khả năng họ có thể làm gì hay mua gì. Nó cũng có thể ấn định chất lượng và số lượng thời gian giải trí. Công việc xác định và ảnh hưởng đến căn tính của một người trẻ, cũng như ý thức về chính mình, và là nơi chính yếu để các tình bạn và các mối tương quan khác phát triển, bởi vì nói chung người ta không làm việc một mình. Các bạn trẻ nam nữ nói về công việc như là sự chu toàn một chức vụ và như một cái gì đem lại ý nghĩa. Công việc cho phép người ở ngưỡng trưởng thành đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của mình nhưng quan trọng hơn nữa, nó cho phép tìm kiếm ý nghĩa và thực hiện các giấc mơ và các dự phóng. Mặc dù công việc có thể không giúp đạt được những giấc mơ của họ, thật quan trọng việc người ở ngưỡng trưởng thành nuôi dưỡng một dự phóng, học biết làm việc trong một cách thức có tính nhân vị đích thực và với tinh thần vui sống, và tiếp tục phân định tiếng gọi của Thiên Chúa”. [148]
  2. Tôi kêu gọi những người trẻ đừng kỳ vọng sống mà không làm việc, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người khác. Điều đó không tốt, vì “làm việc là một nhu cầu, là một phần của ý nghĩa đời sống trên mặt đất, là một nẻo đường đạt tới trưởng thành, đạt sự phát triển nhân bản và sự hoàn thành con người mình. Theo nghĩa này, việc giúp đỡ người nghèo về tiền bạc phải luôn luôn là một giải pháp lâm thời, khi đứng trước những nhu cầu cấp bách”. [149] Vì thế, “cùng với sự chiêm ngắm đầy cảm kích trước thế giới thụ tạo mà chúng ta tìm thấy nơi Thánh Phanxicô Assisi, truyền thống linh đạo Kitô giáo cũng đã phát triển một nhận hiểu phong phú và quân bình về ý nghĩa của lao động, chẳng hạn, như nơi cuộc đời Chân phước Charles de Foucauld và các môn đệ của ngài”. [150]
  3. Thượng hội đồng đã ghi nhận rằng trong lãnh vực lao động, người trẻ có thể “kinh nghiệm những hình thức loại trừ và gạt ra rìa, trong đó nghiêm trọng nhất là tình trạng thất nghiệp của người trẻ, đạt tới những mức quá cao tại một số quốc gia. Thất nghiệp làm người ta nghèo, nó cũng tác động tiêu cực trên khả năng ước mơ và hy vọng của người trẻ, và nó tước khỏi họ cơ hội đóng góp cho sự phát triển xã hội. Tại nhiều nước, tình hình này do bởi một số bộ phận giới trẻ thiếu những kỹ năng chuyên môn thích đáng, có lẽ vì những khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Rất thường, sự mất ổn định về việc làm nơi người trẻ có nối kết với những lợi nhuận kinh tế bóc lột lao động”. [151]
  4. Đây là một vấn đề phức tạp và tế nhị mà các chính trị gia phải ưu tiên quan tâm, nhất là hiện nay, khi tốc độ phát triển công nghệ và mối bận tâm giảm chi phí lao động có thể nhanh chóng dẫn đến việc dùng máy móc thay thế nhân công. Đây cũng là một vấn đề xã hội nhức nhối, vì công việc làm đối với một người trẻ đâu chỉ là một phương cách kiếm tiền. Lao động là một thể hiện phẩm giá con người, một nẻo đường để phát triển và hội nhập xã hội. Nó là một động lực thường xuyên thúc đẩy lớn lên trong tinh thần trách nhiệm và khả năng sáng tạo, một sự bảo vệ chống lại xu hướng chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ. Đồng thời, nó là một cơ hội để tôn vinh Thiên Chúa bằng cách phát triển các khả năng của mình.
  5. Người trẻ không luôn luôn có cơ hội để quyết định mình sẽ làm công việc nào, hay sẽ sử dụng các tài năng của mình như thế nào. Bởi vì, bên cạnh những cảm hứng của họ, những khả năng và những sự lựa chọn của họ, còn có thực tế khắc nghiệt của thị trường lao động. Quả thực là các con không thể sống mà không làm việc, và đôi khi các con phải chấp nhận bất cứ công việc nào có sẵn, nhưng cha xin các con đừng bao giờ buông bỏ các giấc mơ của mình, đừng bao giờ chôn vùi hẳn một tiếng gọi, và đừng bao giờ chấp nhận thua cuộc. Hãy tiếp tục tìm kiếm những cách thức cho dù chưa trọn vẹn để sống điều mà các con đã phân định và nhận ra đó là tiếng gọi thực sự dành cho mình.
  6. Khi chúng ta khám phá rằng Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta điều gì đó, rằng việc này hay việc kia chính là ơn gọi của mình – dù đó là công việc điều dưỡng hay ở xưởng mộc, hay truyền thông, cơ khí, dạy học, mỹ thuật, hay bất cứ loại công việc nào khác – thì chúng ta sẽ có thể huy động các khả năng tốt nhất của mình để sẵn sàng hy sinh, quảng đại và cống hiến. Biết rằng chúng ta không làm việc chỉ để làm việc, nhưng đúng hơn chúng ta trao cho nó ý nghĩa, như một lời đáp trả tiếng gọi vang vọng trong sâu thẳm hữu thể của mình, tiếng gọi mời chúng ta cống hiến một cái gì đó cho người khác: đó là điều làm cho những công việc ấy mang lại một cảm thức mãn nguyện sâu xa. Như chúng ta đọc trong Sách Giảng Viên của Cựu Ước: “Tôi thấy rằng không có gì tốt hơn là hưởng những thú vui do công việc chính mình làm ra” (3,22).

Ơn gọi thánh hiến đặc biệt

  1. Nếu thực sự xác tín rằng Chúa Thánh Thần tiếp tục khơi dậy những ơn gọi linh mục và tu sĩ, chúng ta có thể “một lần nữa tung lưới” nhân danh Chúa, một cách hoàn toàn tin tưởng. Chúng ta có thể dám – vì quả thật là cần – khích lệ mỗi người trẻ tự nhủ phải chăng đây là nẻo đường dành cho họ.
  2. Lúc này hay lúc khác, tôi nêu điều này với các bạn trẻ, và họ trả lời hơi có vẻ nghịch ngợm: “Ồ không, cái đó không phải cho con!” Nhưng rồi ít năm sau, vài người trong họ có mặt trong chủng viện. Chúa không thể quên lời Ngài hứa ban cho Giáo hội các mục tử, vì nếu không có các mục tử thì Giáo hội không thể sống và thi hành sứ mạng của mình. Nếu quả thực một số linh mục không trao chứng tá tốt, thì điều đó không hề có nghĩa rằng Chúa ngừng kêu gọi. Trái lại, Ngài đặt cược gấp đôi, vì Ngài không bao giờ ngừng săn sóc Giáo hội yêu dấu của Ngài.
  3. Trong việc phân định ơn gọi, các con đừng loại trừ khả năng dâng hiến cho Thiên Chúa trong chức linh mục, trong đời sống tu sĩ hay trong các hình thức thánh hiến khác. Tại sao không? Các con có thể nắm chắc rằng nếu các con thực sự nhận ra và đi theo một tiếng gọi của Thiên Chúa, thì các con sẽ tìm thấy sự hoàn thành cho mình.
  4. Đức Giêsu đang bước đi giữa chúng ta, như Người đã bước đi ở Galilê. Người bước đi xuyên qua các đường phố chúng ta, và Người lặng lẽ dừng lại, nhìn vào mắt chúng ta. Tiếng gọi của Người đầy hấp lực và thật thú vị. Nhưng ngày nay sự căng thẳng và nhịp sống vội vã của một thế giới thường xuyên dội trên chúng ta những sự kích động có thể không còn chỗ cho sự thinh lặng nội tâm, trong đó chúng ta có thể cảm nhận ánh nhìn của Đức Giêsu và nghe tiếng gọi của Người. Trong khi đó, nhiều món hàng được đóng gói rất hấp dẫn đón chờ các con. Chúng có thể trông thật quyến rũ và đem lại sự phấn khích, nhưng rồi về sau chúng chỉ để lại nơi các con cảm giác trống rỗng, mệt mỏi và cô đơn. Đừng để điều này xảy ra với các con, vì dòng xoáy của thế giới có thể kéo các con theo một tuyến đường không có ý nghĩa thực sự, không có hướng, không có những mục tiêu rõ ràng, và do đó phá vỡ nhiều cố gắng của các con. Tốt hơn, nên tìm kiếm sự an tĩnh có thể giúp các con suy tư, cầu nguyện, nhìn ngắm thế giới xung quanh mình một cách rõ hơn, và rồi với Đức Giêsu, các con nhận ra ơn gọi của mình trong thế giới này.