Chúa Chúng Ta Đã Sống Lại Thật Alleluia

print

Chúa Chúng Ta Đã Sống Lại Thật Alleluia

 Mừng Đại Lễ Phục Sinh Chúa Nhật 17.04.22

 vo ha

Có sinh thì có tử. Sống chết là một chân lý như đồng tiền cắc có hai mặt gắn liền. Nguyên lý nầy rất rõ ràng hiển nhiên trong cuộc sống của mọi tạo vật khi xuất hiện trên thế gian nầy; không ai không biết. Riêng Uy Viển Tướng Công Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã ngộ ra cách rõ ràng nguyên lý nầy và còn lưu dấu lẽ thật bên trên trong câu 5 của bài thơ Chí Làm Trai: “nhân sinh tự cổ thùy vô tử …?” con người sinh ra, từ cổ (tới nay)   ai không chết?

Nhìn lại nền văn hóa Á Đông và của riêng  các sắc tộc Bách Việt, đã manh nha ý niệm về Ông Trời từ ngàn xưa. Ông Trời không có điểm khởi đầu cũng không kết thúc. Ông Trời toàn năng toàn quyền, nên làm gì cũng được.  Quan niệm nầy giúp tạo ra nhịp cầu thiết thực đưa dẩn cho những ai tin rằng chết chưa phải là  hết, mà là điểm khởi đầu biến đổi trong niềm tin cốt lõi của Kitô Giáo.

Đó là “Ông Trời” Thiên Chúa Giáo của những những kẻ tin tuởng vào Người, vì thương yêu nhân loại sa đoạ, đã đến cõi trần, chịu chết để đền tội cho con người, dựa vào những chứng cứ thiết thực trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Khi  nhiệm vụ cao cả linh thiêng nầy của Thiên Chúa Ngôi Hai đã hoàn tất nơi cái chết, thì Người đã biến đổi qua sự sống lại vinh hiển vĩnh viễn muôn đời.

Niềm Tin như trên đây, đúng là một thách thức lớn lao nhất đối với mọi người có trí khôn và lý trí. Riêng với những ai chấp nhận biến cố, hay cho rằng sự cố trên là chân lý, thì niềm tin nầy trở nên chổ dựa phần hồn vững chắc,  làm nền tảng để xây dựng lý tưởng sống xã hội và tinh thần cho đời mình. Từ đó, thân tâm con người thường an lạc và có được hạnh phúc ít nhiều ngay trong kiếp sống nầy. Vậy ta cùng đọc những dòng Lời Chúa bên dưới, cùng xin ơn Chúa sáng soi thêm.

 

BÀI ĐỌC I: Cv 10, 34a. 37-43 “Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá.

Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

 

 BÀI ĐỌC II: Cl 3, 1-4 “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

 

 PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9 “Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”.

Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.

Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

 

Đôi Dòng Ghi Chú Và Tâm Tình

Trước hết, bài đọc 1 trong Sách Tông đồ Công vụ. Sách nầy do Thánh Luca một đệ tử của Thánh Phaolô ghi lại những hoạt động của các tông đồ thời kỳ sơ khai truyền đạo, sau khi  Chúa Giêsu về trời.

Bài đọc nầy là trích đoạn khi thánh Phêrô đến nhà ông Cornêliô ở Cêsarê, đã tóm gọn sứ mệnh chính của Chúa Giêsu:  chịu chết và sống lại. Nhờ đó “Ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được tha tội”. Nên  các tông đồ phải làm chứng và loan báo Tin Mừng nầy.

Những lời dạy trên còn muốn chúng con ghi nhớ và thực hành. Khi các tông đồ ra đi rồi, thì mọi thành phần dân Chúa là Hội Thánh phải tiếp tục sứ mệnh cao cả đó.

 

Qua bài Phúc Âm

Cái chết của Chúa Giêsu gây ra thất vọng cho nhiều người kể cả với một số tông đồ, như hai môn đệ chán nản bỏ về làng quê nhà Ê-mau (Cv 2, 14.22-33; 1Pr 1, 17-21; Lc 24, 13-25).

Có ba nhân vật được Thánh Gioan ghi lại trong bài Tin Mừng bên trên. Cả ba chạy ra mộ tìm Chúa. Lúc ấy là “sáng sớm khi trời còn tối”  chỉ mỗi mình bà Maria quê nhà làng Mađalêna, vì thương mến Chúa Giêsu,  ra thăm mộ, với ý định hoàn tất những chuẩn bị cho việc táng xác Chúa chưa làm xong, vì chiều thứ sáu hôm trước bắt dầu ngày nghỉ Sabat.

Khi thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ, bà  liền chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Hai nam môn đệ nầy cũng chạy ra mộ và thấy khăn cùng vải liệm còn đó, chứng tỏ Chúa di vào đời sống mới, vì nếu xác Chúa bị trộm cấp, thì kẻ trộm không có thì giờ cởi khăn và vải liệm để lại.  Bấy giờ môn đệ kia, là Gioa mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin “theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết”.  

Chúa Giêsu Phục Sinh,  đã chiến thắng tử thần và tội lỗi, tượng trưng như bóng tối đêm vọng phục sinh. Còn Chúa Giêsu như ngọn nến  giữ u tối, như nến mẹ mồi lửa cho nến con, dẫn đưa con người   vào  vùng ánh sáng sự sống mới.

Từ ngôi mộ, tượng trưng cho sự chết và thất vọng, Chúa Giêsu đã sống lại, loan báo niềm vui phục sinh và hi vọng về cuộc sống mới cho mọi người.

Chúa Giêsu trong thân xác con ngưoời thật, đã chết thật, và rồi phục sinh thật, thì những ai sống thật trong Chúa, cũng sẽ được xác hồn sống với người sau nầy.

Trên đây phần lớn là niềm tin của từng cá nhân, hoà quyện kết hợp riêng tư với Chúa Giêsu trong tâm trí, có vẻ tĩnh lặng về mặt lý thuyết. Thực ra, măt chính của phép lạ phục sinh của Chúa còn mang tính cách động đích, khiến cho đệ tử phải như Thầy, bước ra khỏi mồ, loan truyền Tin Mừng của Thầy bằng những hoạt động yêu thương trong hoàn cảnh mà mình sống trãi, như lời Sứ Thần răn bảo “Sao các bà lại tìm người sống giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi” (Lc 23,5-6).

Thêm nữa, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, cũng làm cho chúng con hiểu rằng đau khổ trên đời mà chúng con không tránh khỏi, cũng có giá trị thanh luyện và cứu rỗi, khi chúng con biết kết hợp những đau thương nầy vào cuộc thương khó của Chúa, để cùng chết cho lối sống cũ, và sống lại đời sống mới đầy hi vọng trong Chúa.

 

Trở lại bài đọc 2, thánh Phaolô khuyên kitô hữu phải sống một đời sống mới, vì được thông phần vào sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Nên hãy hướng lòng lên những sự trên trời, là những giá trị tinh thần cao quý, hơn là nghỉ đến sự dưới đất như là thờ cái bụng: ăn chơi vô luật lệ, sẽ đưa đến huỷ diệt cả xác và hồn.

 

Xin Dâng Lời Cầu

Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu phục sinh, để đem lại nguồn sống mới cho mọi người.  Hảy ca tụng Chúa: Alleluia.

 Xin cho mọi thành phần dân Chúa là Hội Thánh, luôn là nhân chúng trung thành của Chúa Giêsu phục sinh, bằng những gương sáng trong đời sống hằng ngày.

Xin cho chúng con biết nhận chìm đời sống cũ tội lỗi  trong cái chết của Chúa Giêsu, và được chổi dậy trong cuộc sống mới với Người.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh cũng thổi hơi ban Thánh Thần trên chúng con, để giúp chúng con luôn trung thành với cuộc sống mới Chúa ban.

Xin cho mọi người trong Họ Đạo chúng con biết cố gắng ít  nhiều mang niềm vui và bình an của Chúa Phục sinh đến anh chị em chung quanh, cách riêng trong mùa lễ nầy.

Xin cho chúng con thêm hiểu biết và cố gắng sống xứng đáng với giá cứu chuộc bằng cái chết đau thương và phục sinh của Chúa.

Lễ Phục Sinh của Chúa có nguồn gốc từ lễ Vượt qua của dân Chúa ra khỏi xứ chủ nô Ại Cập, tiếp theo vượt qua biển đỏ, rồi cũng đã vượt qua nhiều kiếp nạn đau thương trong lịch sử đạo đời. Xin cho chúng con biết vượt qua tự kiêu tự đại, vượt lên trên ích kỷ hẹp hòi cùng tự ái nhỏ nhoi, để biết yêu thương trong lý thuyết và thực hành trên thực tế tới những người cần được chúng con quan tâm, giúp đỡ.  Amen.