Chúa Giêsu Biến Đổi Người Tội Lỗi

print
Chúa Giêsu Biến Đổi Người Tội Lỗi
Chúa Nhật 31 Thường Niên C 30.10.2022
 
vo ha
I.   Mỗi khi tự nhìn lại chính mình, hầu như ai cũng biết rõ “nhân vô thập toàn” không ai hoàn hảo, trừ ra những Vị Rất Thánh Thiện Tuyệt Đối. Nói cách khác, ai cũng tự thấy mình yếu đuối hay sai phạm, vương vấn tội lỗi lớn nhỏ. Theo Thánh Kinh Kitô Giáo, đó là một vài trong số những di chứng bi thương hay nọc độc hậu quả của tội Nguyên Tổ truyền lại cho con cháu muôn thế hệ, mà mình là một trong những người đó. 
 
 Mặt khác, ai cũng biết điều thiện là cao quí, nhưng trong thực tế hầu như đa số thích làm ngược lại. Như Lời Chúa trong thư gởi Do Thái chương 7:   “vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm (c. 15). Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không (c. 17). Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (c. 19)”.
 
 Vì chưng, bản tính con người tội lỗi hư hỏng trì trệ như thế, Chúa biết rõ, nhưng vẫn yêu thương và thương yêu  cho đến cùng (Ga 13: 1). 
 
Lời Chúa trong Phụng Vụ Thánh Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm C nói lên tấm lòng cao cả bao la của Thiên Chúa đối với loài người, vì Chúa đã tạo dựng mọi loài trong đó con người cao quí nhất. Dù con người có yếu đuối tội lỗi ra sao, Chúa vẫn khôn ngoan như người cha tốt lành, luôn yêu thương và kiên trì chờ đợi con cái hoán cải quay về.
 
Đến đây, ta cùng đọc những dòng Lời Chúa bên dưới, cùng xin ơn  thêm soi sáng cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan trong tình thương của Chúa bao la là dường nào. 

II.  Lời Chúa

BÀI ĐỌC I: Kn 11:22 – 12: 2  “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối.

 Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.

Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.

Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào! Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.

 

 BÀI ĐỌC II: 2 Tx 1: 11 – 2: 2  “Danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Anh em thân mến, nhân về ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày Chúa gần đến.

 

PHÚC ÂM: Lc 19, 1-10 “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”.

 Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. 

Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

III.  Đôi Dòng Ghi Chú Và Tâm Tình
 
Trước hết Bài Đọc 1 từ sách Khôn Ngoan gồm 19 chương, chỉ được Công Giáo đưa và Thánh Kinh Cựu Ước. 
Sách nầy do một hiền nhân Do Thái thông lào lịch sử dân tộc mình và văn hóa Hy Lạp, sống tại thành phố lớn Alexandria phồn thịnh nhờ thương mãi trên bờ Địa Trung Hải gần phía Ai Cập thế kỷ 3 TCN.
 Vị Ký lục – dùng từ ngữ nầy thay vì tác giả,  vì Thiên Chúa là chính Tác Giả linh hứng chỉ đạo – đã gom góp bao lời hay ý đẹp của dân tộc ông cũng thêm trong khắp cả vùng Trung Đông. Sách xuất hiện trong thời gian chừng năm 200 – 30 TCN, được mang danh tánh của Vua Salomon sống 8 thế kỳ trước, là tác giả để tăng giá trị. Tất cả văn vẻ tải đạo nội dung  đều qui chiếu về Thiên Chúa là cội nguồn của Khôn Ngoan. 
Đoạn sách dễ hiểu trên, là những lời cầu nguyện chân thành, trong đó  ca tụng cũng như vinh danh Thiên Chúa là tình yêu cao cả, đã dựng nên mọi sự mọi loài và tiếp tục chăm sóc mọi chúng sinh cho phát triển và tồn tại. 
Riêng chỉ có con người cao quí nhất nhờ được Chúa tặng quà tự do lại phạm tội chống Chúa. Nhưng  Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối.
Chúa lại rất khôn ngoan khi sửa phạt từ từ cho những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.
Riêng phần chúng con, nhiều khi lạm dụng việc Chúa chậm giận, nên  liều mình mà cả lòng phạm tội đủ thứ. Hoặc tệ hạị hơn nữa, là công bố Chúa không có hoặc đã chết rồi như ông  Friedrich Nietzsche (1844–1900) của thế kỷ trước, để chỉ biết sống về mặt vật chất mà thôi.  Cuối cùng Ông Nietzche đã không còn, nhưng chúng con tin Chúa vẫn hiện hữu và ngự trị trong tâm hồn chúng con đời nầy qua đời khác. 
Trong lịch sử Do Thái Chúa luôn cho cơ hội đến người sai phạm, để họ quay về từ thời Cựu Ước trong bài đọc 1,đã làm thành nhịp cầu nối liên tiếp tới thời Tân Ưóc, với câu truyện Ông Giakêu được Chúa hoán cải qua lời ngỏ ý muốn tới nhà ông trong bài Phúc Ngôn. 
 
Qua bài Phúc Âm, Thánh Luca tường thật câu truyện quay về của ông Giakêu  thành Giêricô hai ngàn năm trước, cũng không khó hiểu. 
Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua thành nầy vào giai đoạn cuối hành trình lên Giêrusalem, thì có Ông Giakêu/Dakêu thủ trưởng  tổ  thuế vụ tại Giêricô là nơi thu được nhiều thuế vì là giao điểm của hai bên Đông và Tây. 
Ông có thiện tâm muốn biết Chúa Giêsu là ai,  bèn leo lên cây để xem cho rõ, vì dân chúng bu nghẹt chung quanh chổ Chúa đứng, mà ông thì không đủ cao. 
Thấy tận tấm lòng của ông, Chúa Giêsu gọi: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải ở lại  nhà của ông”.
Ông vội vàng xuống cây, vui vẻ đón Chúa vào nhà. Thấy vậy đám đông liền lẩm bẩm rằng: “Ông (Giêsu) này lại đến trọ nhà một người tội lỗi” vì quan niệm Do Thái cho rằng ai tới lui giao thiệp với người tội lỗi, thì bị dơ bẩn, đáng khiển trách.
Ông Giakêu liền đứng lên thưa cùng Chúa: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải của tôi cho kẻ khó và nếu tôi có làm thiệt hại ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. 
Luật Do Thái chỉ buộc đền gấp 4 cho tội ăn trộm chiên (Xh 21: 37) còn luật Roma đương thời cũng làm như vậy khi bị nêu lên bằng chứng.  
Còn Ông Giakêu tự nguyện đền gấp 4 cho mọi thiệt hại do ông gây ra. Đây là lòng rộng rãi, do được hoán cải nhờ Chúa mang đến ơn tha thứ và cứu chuộc, như người phụ nữ tội lỗi được xoá tội, vì yêu Chúa nhiều (7:47).
Không rõ ông Giakêu giàu-có, có mang huyết thống dân riêng của Chúa. Nhưng làm nghề thuế vụ “tội lỗi” vì bị mang tiếng người đời cho là hay bốc lột,  thêm dễ biển thủ công quỹ thường là an toàn nhờ chia đều trên dưới. Nhưng khi được hoán cải,  ông cũng được coi là con cháu Tổ Phụ Abraham, nhờ biết sám hối, đền bồi và rộng lượng sau đó. Ông Giakêu được nối kết với Tổ Phụ công chính nầy, bằng niềm tin. 
Niềm tin vào Chúa Giêsu giúp ông trở thành công chính (Rm 4: 3-8) dù trước kia ông đã bị dán nhãn và chính ông cũng thấy lối sống của mình  chưa đủ chính trực .
Câu kết của bài Phúc âm là khẩu hiệu tuyên ngôn sứ mệnh đến trần gian của Chúa Giêsu: “cứu những gì đã mất”  bằng chứng điển hình tiên tiến là trường hợp của ông Gia Kêu. 
Ngày nay, chúng con có phần còn tệ hại hơn cả ông Giakêu xưa, bất chính lỗi phạm từ tâm, khẩu, ý và trong cả việc làm. 
Xin ban cho chúng con tia lửa khôn ngoan, để trước hết thấy mình bất toàn, kế đến là biết tìm mọi cơ hội quay về với Chúa – dù cho có thể quay về từ từ như lời cầu của Thánh Augustino (354-430). Vì chưng,  bất cứ thiện chí lớn nhỏ nào, cũng đưọc nhìn cách tích cực, là có còn hơn không.
 
Trở lại bài đọc 2, 
Thánh Phaolô viết thư khuyên tín hữu giáo đoàn Thêxalônica đừng tin, đừng hoãng sợ hay giao động trước những đồn, những lời tiên tri mạo danh Thánh Phaolô, về ngày tận thế hay Chúa sắp đến.
Hơn nữa, Thánh Phaolô luôn cầu nguyện cho tín hữu được xứng đáng với ơn gọi làm con Chúa. Cũng như xin Chúa dùng quyền phép mà hoàn thành những ý định do lòng tốt và niềm tin của giáo dân tại đây, để Chúa được vinh hiển trong dân và dân được vinh hiển trong Chúa.
 
IV.   Xin Dâng Lời Cầu

Xin cho những tâm hồn thiện chí có cơ hội gặp được  Chúa là đường, sự thật và sự sống cho cuộc sống tinh thần của mình.

Xin cho những người tự cảm thấy  nhiều tội lỗi, đừng thất vọng, vì Chúa là người cha tốt lành, luôn rộng cửa chờ đón chúng con quay về.

Xin Chúa nâng đỡ và thêm sức mạnh cho những nạn nhân của chiến tranh, của đàn áp, của bất công  vượt qua được những khổ nạn đang xảy ra nhiều nơi trên thế giới.

Xin cho mọi thành viên trong Họ Đạo chúng con noi gương Chúa đi bước trước, đến với những người cần được giúp đỡ tinh thần và vật chất cũng như có thể.

Xin giúp chúng con thêm ý thức chính mình cũng nhiều lỗi lầm sai phạm, sẳn sàng tha thứ cho người, để  Chúa cũng tha thứ cho chúng con.

Xin giúp chúng con học được tấm gương hoán cải của ông Giakêu, trả lại cho người những món nợ và biết chia sẻ trong khả năng những vật chất Chúa ban chung cho mọi người. Amen.