Chúa Giêsu Thanh Tẩy Nhà Cha

print
Chúa Giêsu Thanh Tẩy Nhà Cha
Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B
 
vo ha
 
Khi xem những bộ phim xã hội, kiếm hiệp, khán thính giả thường được nghe thấy thành ngữ  phổ thông quen thuộc “quốc có quốc pháp. Gia có gia qui”: nước có luật pháp, nhà có phép tắc.  Trên lãnh vực tinh thần, Tôn Giáo nào cũng có những qui định hay luật lệ riêng do Vị Giáo Chủ ban ra và  giới lãnh đạo sau đó giải thích thêm khi thi hành. 
 
Đạo Chúa cũng vậy. Thiên Chúa đã chọn lựa và ký Giao Ước với dân Do Thái taị núi Si-nai (Xh 20: 1-17. Thế kỷ 16 – 13 TCN) qua Vị đại diện là Đặc Sứ  Môsê,  trong Bài Đọc I của  Lời Chúa hôm nay,  Chúa Nhật thứ III Mùa Chay nầy. 
 
Hôm nay Kitô Giáo giữ Mùa Chay 40 đêm ngày, là thời kỳ đặc biệt nhắc cho tín hữu ăn năn sám hối. Vì do tội lỗi của mình mà Chúa Giêsu phải hi sinh mạng sống để chuộc lại. Nên  mỗi lần phạm tội, là chống lại Chúa yêu thương, cụ thể là vi phạm lề luật Giao Ước của Chúa, gọi tắc là Mười Điều Răn trong  Cựu Ước.
 
 Tới thời Tân Ước, người ta sai phạm giới răn còn nhiều hơn,  đến mức tục hóa cả  Nhà  Thờ  Chính Toà tại Thủ Đô Giêrusalem, thành nơi buôn bán chim thú và đổi chắc tiền bạc. Nên Chúa Giêsu đã dùng dây thừng làm roi xua đuổi chiên bò và lật đổ bàn đổi tiền ra khỏi đền thánh mà Ngài gọi là  nhà Cha Ta. Xin giúp chúng con khám phá thêm Thiên ý  của Ngài khi đọc nguyên văn Lời Chúa trong những Bài sau đây.
 

Bài Đọc I. Trích sách Xuất Hành (20, 1-3. 7-8. 12-17).

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.

Bài đọc II.  Trích thư Thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Côrintô (1 Cr 1, 22-25)  
 
Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, 
 
Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.
 

 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (2: 13-25) “Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại” 

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong Đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

Vài hàng ghi chú và tâm tình.
Trước hết, Bài Đọc I được trích ra từ Sách Xuất Hành, hay Xuất Ai Cập, là quyển thứ hai trong bộ Ngũ Thư, năm sách đầu tiên của Thánh Kinh Cựu Ước theo bản dịch tiếng Hy Lạp. Trong Sách nầy, đã ghi lại một biến cố lớn lao, đã làm cho dân Chúa có kỷ cương qua Giao Ước với Chúa   tại núi Si-nai,  mà cốt lõi là  Mười Điều Răn.
 
Mười Điều Răn nầy từ thời Cựu Ước vẫn có giá trị qua thời Tân Ước với Chúa Giêsu và cho tới hôm nay. 
 
Trong mười điều Giao Ước, chỉ ba điều đầu trực tiếp dành cho Chúa, còn bảy điều sau có tính cách luân lý xã hội cho mối tương quan giữa con người với nhau. Mà mỗi người lại chính là đền thờ sống động của Thiên Chúa. 
 
Mười Điều Răn nầy đã làm cho Israel xưa và dân Chúa nay, khác với các  dân khác vì được Thiên Chúa chọn làm dân riêng. Nên chỉ tôn thờ  một mình Chúa. Do đó phải theo gương Chúa làm việc 6 ngày và nghỉ ngày Sabat, nay là Chúa Nhật.
 
 Từ xa xưa, Giao Ưóc nầy đã mang sẳn vẻ đẹp nhân bản, có khi còn cao trọng hơn ngày nay,  khi đòi hỏi chủ nhà phải cho con trai, con gái, tôi tớ  nam nữ, cả ngoại kiều được nghỉ ngày nầy, thêm thú vật cũng được giải lao  “ăn theo” (câu 10). Mười điều Răn trên đã trở thành nền tảng tinh thần và xã hội cho nền văn minh kitô Giáo Tây phương từ khi Đạo Chúa được tự do phát triển.
 

Khi đọc Bài I với con tim, chúng con thấy Chúa không làm giới hạn hay gò bó tự do của con, mà còn thêm khám phá ra lòng Chúa bao la trong đó. Vì nhờ những điều luật nầy mà dân Chúa xưa và nay trở nên công chính tâm hồn. Còn mặt xã hội, khi tuân thủ càng nhiều, thì khắp nơi càng được  bình an, đất nước thêm cường thịnh.  

 
Đến Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa  Giêsu lấy dây thừng làm roi, xua đuổi kẻ bán chiên bò, chim câu, người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ. Chúa  không chút làm phiền người hành hương lương thiện lên Giêrusalem trong mùa lễ Vượt Qua, mà muốn Nhà Cha là nơi cầu nguyện chung cho mọi người.
  
Nhiều giới trẽ thời nay cho rằng Chúa ở khắp mọi nơi, cần gì phải đi nhà thờ. Nhưng xét lại mà coi, nhà thờ vật chất giúp nhà thờ tinh thần rất nhiều. Vì nhà thờ bằng vật liệu nhỏ lớn, sang hèn, coi vậy mà lại là nơi thuận tiện nhất, để có thời gian dành ra cho Chúa và cũng là nơi để ta biết thương quí linh hồn của chính mình. Tại sao? Xin thưa,  nhờ khi tới nhà thờ, không có tủ lạnh, TV, máy nghe nhạc, vi tính … nên không bị vong thân hay tha hóa cả hồn lẫn xác.
 
Nhà thờ cũng là nơi Hội Thánh (tín hữu được kể như vị thánh hợp lại) cùng dâng Lễ, cử hành và nhận lãnh các bí tích khác từ khi chào đời tới giây phút tiễn đưa lần cuối, trong cùng một đức tin, kinh nguyện … dâng lên tới Chúa. 
 

Khi thanh tẩy đền thờ, Chúa Giêsu tỏ ra là Đấng đaị hùng, đại lực, đại từ, đại bi và cả đại liều lĩnh, khi dám đụng chạm đến quyền lợi chằng chịt của giai cấp đặc quyền Do Thái. Lòng nhiệt thành của Chúa đã là mẩu gương cho các thánh tử đạo dám hi sinh thân mạng vì danh Chúa mà không  ngại ngùn chút  nào.

Trong mùa chay nầy, theo gương Chúa Giêsu là đại đền thờ tế lễ Chúa Cha, chúng con cũng cùng lau chùi dọn dẹp tâm hồn, bằng cách bớt đi những thói hư tất xấu như có thể, để làm nên tiểu đền thờ, chờ đón Chúa phục sinh. 

Trước khi vào Bài đc hai, tín hữu của Chúa  khám phá thêm rằng Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ là niềm hãnh diện cùng là danh dự của Giêrusalem huy hoàng dù theo nếp cũ. Ngài đã đụng chạm mạnh đến quyền lợi thế gian của giai cấp giáo sĩ, như thêm giọt nước cuối cùng tràn ly, đưa đến cái chết mấy ngày sau đó. Trước mắt thế gian, việc làm của Chúa, theo từ khóa mà thánh Phaolô gởi tín hữu Côritô, cũng gọi là “điên rồ”. Trong trường hợp nầy, Chúa Giêsu đã chịu trở nên “điên dại” vì yêu Chúa Cha, thương loài người, và cũng để kiện toàn (chỉnh chu) cho Giao Ước cũ. 

 

 Theo gương Thầy Giêsu, Thánh Phaolô gốc Do Thái, nhưng sanh tại Tarsê, quốc tịch Rôma (có uy như công dân Mỹ ngày nay) trí thức hạng cao, có ăn học, vậy mà từ bỏ lợi danh để đi rao giảng ông Giêsu bị đóng đinh như kẻ nô lệ trên thập giá. Ngài chịu làm cái việc mà người đời cho là “folly” điên rồ, rồ dại, dại dột, dại khờ. 

Nhưng đó là niềm hãnh diện và khôn ngoan trong Chúa. Vì theo Chúa xưa nay hay theo một tôn giáo chân chính, là chấp nhận con đường hạn hẹp ngược dòng. Không vì cuộc sống vô thường trước mắt đời nầy, mà hướng tới tương lai vĩnh cữu đời sau. Đó là đức tin Kitô giáo. Ai có tai có mắt giác ngô thì liễu văn liễu thị, mới dám làm theo, như Chúa Giêsu và Thánh Phaolô. Đó là việc làm của những vị thánh.

Gói gọn, xin ghi lại vài nét chấm phá  “điên rồ” đáng quí. Trong những xã hội chụp giựt điên đảo ngày nay, người ta đa số trồng trọt hoa màu với phân bón và thuốc trừ sâu độc hại. Nhưng cũng may thay, tại nông thôn Việt nam, đó đây còn những con người lương thiện, chịu mang tiếng  “dại khờ” khi canh tác với phân bón thiên nhiên cổ truyền, miển là lợi tức đủ sống. Vì chưng, làm theo tiếng  lương tâm của Chúa hơn là sợ toà  án sơ suất của loài người.

Cùng chung lời cầu

Xin giúp chúng con biết quí trọng những điều răn của Chúa và biết dùng đến như bản chỉ đường cần thiết, để  đi đến Nhà Cha.

Xin cho Hội Thánh của Chúa, trở nên đền thờ hữu ích trong việc đưa dẩn mọi người tới  Chúa và cùng thông công với nhau.

Xin hướng dẩn những nhà cầm quyền trên mặt đất, biết cách cai trị trong yêu thương, hầu mang lại hạnh phúc cho mọị người.

Xin giúp chúng con thêm ý thức khi sám hối trong mùa chay nầy, bằng cách loại bỏ ích kỷ tham lạm, để chuẩn bị đón mừng Ngôi Hai Phục sinh.

Xin cho mọi thành phần trong giáo xứ chúng con, đủ can dảm chấp nhận “dại khờ” vì danh Chúa,  như những gì mình ăn được, xài được, mới trao đổi cho người. Amen.