CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C
CHÚA LÀ NGUỒN VUI ĐÍCH THỰC
Lm. Giuse Nguyễn
Năm thứ nhất triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) vào ngày 24.11.2013. Ba năm sau, Ngài tiếp tục ban hành Tông huấn thứ hai: “Niềm vui của tình yêu” (Amoris Laetitia) vào ngày 19.03.2016. Hai năm sau, ngày 19.03.2018, năm thứ sáu triều đại Giáo hoàng của Ngài, Ngài tiếp tục ban hành Tông huấn thứ ba mang tên: “Vui mừng và hân hoan” (Gaudete et Exsultate) về việc nên thánh trong thế giới hôm nay. Gần đây nhất, Đức Thánh Cha đã viết trong tự truyện được xuất bản 14/01/2025 của Ngài: “Biết cười, men tạo niềm vui”. Niềm vui cũng là sứ điệp của Tin Mừng mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại chúng ta.
Tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất loan báo sự xuất hiện của “Đấng Công Chính”, “Vị Cứu Tinh” sẽ đem đến niềm vui cho toàn thể con cái Israel. Sự xuất hiện đó mang đến một giá trị mới cho họ. Từ đây họ sẽ được trân quý như vàng ròng, như kim cương. Họ không còn là nô lệ, là thứ bị lạm dụng… nhưng sẽ là người vợ rất yêu quý, là tân nương được Tân Lang hết lòng sủng ái… Điều mới mẻ trong sứ điệp của Isaia là thay vì Thiên Chúa là niềm vui cho dân thì ngược lại dân cũng là niềm vui cho Thiên Chúa: “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62, 5b). Để từ đây dân chúng thấy rõ ràng giá trị của mình. Kết luận: Thiên Chúa và con người là niềm vui cho nhau. Con người thực sự hạnh phúc khi khám phá ra sự thật đó.
Thánh kinh dùng hình ảnh của rượu là dấu chỉ của niềm vui khi Thiên Chúa thiết đãi dân bữa tiệc có rượu: “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon…” (Is 25, 6). Thánh Thi giờ Kinh Sáng Thứ Hai tuần VII Thường niên cũng nhắc đến vai trò của rượu: “Rượu ngon tiết độ Thần Khí Chúa, say ngất hồn thiêng mới đã thèm.” Vì thế rượu còn là biểu tượng của sự ngất ngây trong men tình với Thiên Chúa.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy rõ ràng rượu là dấu chỉ của niềm vui, thiếu rượu là thiếu niềm vui. Đức Maria đã thay mặt gia đình để trình bày trước với Chúa Giêsu về khó khăn đó: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2, 3). Mẹ đã quan sát và biết chắc việc đó sẽ xảy ra, Mẹ không muốn gia đình này thiếu vắng niềm vui do việc hết rượu, và Mẹ biết chỉ có quyền năng của Con mình mới can thiệp được việc này. Và Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu trong một tiệc cưới tại Cana. Điều đó cho thấy Chúa đã quan tâm đến đời sống hôn nhân gia đình của nhân loại, và sẵn sàng can thiệp khi họ gặp khó khăn.
Có rượu là có niềm vui. Hơn thế nữa, rượu này là rượu ngon. Gia đình đã chuẩn bị rượu và rượu của họ vừa thiếu, lại vừa là rượu xoàng (theo lời của ông quản tiệc). Còn Đức Giêsu đã ban cho họ thứ rượu vừa nhiều lại vừa ngon, cũng theo lời ông quản tiệc: “Ai cũng thết rượu ngon trước. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (Ga 2, 10).
Như vậy qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa mang đến niềm vui cho con người và đó là niềm vui sâu xa, đích thực vượt lên trên mọi niềm vui ở thế gian này. Nó là thứ rượu do Đức Giêsu làm chứ không phải do con người sản xuất.
Ngay từ đầu Thiên Chúa đã thiết lập định chế Hôn nhân và Gia đình và họ đã thực sự hạnh phúc trong vườn địa đàng. Thế nhưng họ đã thực sự gặp khó khăn khi muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Và hôm nay đây, khi xuống thế làm người, Đức Giêsu đã muốn định chế hôn nhân đó được tái lập lại ở sự kiện công khai xuất hiện đầu tiên của Ngài tại tiếc cưới Cana chứ không phải nơi nào khác. Ngài đã giúp cho gia đình này vượt qua hoàn cảnh khó khăn trong tình thế hết rượu bằng phép lạ đầu tay của Ngài. Như vậy, một lần nữa Ngài khẳng định: có Chúa là có niềm vui, có Chúa gia đình sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Khó khăn thực sự của các gia đình hôm nay là không có Chúa, hay nói cách khác Chúa vẫn hiện diện trong gia đình của họ như trong vườn địa đàng thuở ban đầu, như trong tiệc cưới tại Cana, nhưng vì họ muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi gia đình mình hoặc không cần đến thứ rượu của Đức Giêsu.
Họ loại trừ Thiên Chúa như bà Eva vì bị cám dỗ để không còn lệ thuộc vào Chúa nữa. Gia đình gặp khó khăn khi không muốn thờ phượng Chúa vì mất giờ, vì theo giữ đạo phiền phức quá, vì có một vị thần nào đó hấp dẫn hơn Chúa… Hãy nhớ bà Eva đã bị ma quỷ cám dỗ để bỏ Chúa, trong khi Chúa là Cha đích thực của bà.
Họ không cần đến thứ rượu của Đức Giêsu vì họ đang say trong men rượu do con người làm ra. Rượu đó là rượu của ham mê tiền bạc, của quyền lực, nhục dục… Còn rượu của Đức Giêsu chính là tình yêu. Gia đình gặp khủng hoảng khi họ không còn yêu thương nhau, mà chỉ lo chuyện tiền bạc, tìm kiếm địa vị và khoái lạc trong những thỏa mãn thú vui xác thịt, đôi khi dẫn đến công khai thách thức cả gia đình và người bạn đời.
Giáo hội đồng hành với những gia đình gặp khó khăn để mời gọi họ nhớ rằng dù họ có chối từ thì Thiên Chúa vẫn là Cha của họ. Dù họ có đi đâu làm gì, thì ấn tích của Bí tích Rửa tội cũng không phai mờ nơi họ. Thiên Chúa vẫn không bỏ họ. Và để giải quyết khó khăn này, chỉ có cách họ quay trở về với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Và mời gọi những ai đang tìm kiếm những men say từ thứ rượu khác hãy từ bỏ ngay mà trở về với thứ rượu do Thiên Chúa làm, vì nếu họ cứ mãi mê với những thứ rượu do con người làm họ sẽ bị say xỉn không biết đường về hoặc sẽ bị ngộ độc. Chỉ có “rượu ngon tiết độ Thần Khí Chúa, say ngất hồn thiêng mới đã thèm” mà thôi.
Lạy Chúa, xin cho những gia đình gặp khó khăn biết rằng Chúa vẫn hiện diện trong gia đình họ. Và xin cho những gia đình đó biết tìm đến với sự ân cần, tế nhị của Đức Mẹ, vì chắc chắn Mẹ biết và sẽ trình bày tất cả với Đức Giêsu con của Mẹ.