Chứng Nhân Tình Yêu

print

Chúa Nhật III Phục Sinh B – (2021)

Chứng Nhân Tình Yêu

Lm. Giuse Nguyễn

 Sau khi chữa lành cho một người bại liệt, Phêrô đã mạnh dạn rao giảng về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bị chính đồng bào của mình trao nộp, giết chết, nhưng đã sống lại. Chính Đấng ấy đã ban quyền năng cho Phêrô để ông có thể chữa lành cho người bại liệt. Sau cùng Phêrô mời gọi họ: “Hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3, 19).  

Hai môn đệ trên đường Emmaus, sau khi nhận ra người bạn đồng hành trên bước đường chán nản, thất vọng, muốn bỏ cuộc… là Đức Giêsu Phục Sinh, đã quay lại Giêrusalem để thuật lại cho anh em mình những gì đã xảy ra, để làm chứng cho Đấng đã sưởi ấm lòng mình như thế nào.

Đức Giêsu Phục Sinh sau khi đã hiện ra với các môn đệ, ban bình an, làm nhiều cách cho các ông hiểu Lời Chúa… đã ra lệnh cho các ông : “Chính anh em là chứng nhân về những điêu này” (Lc 24, 48).

Đứng trước mầu nhiệm Phục Sinh, mọi người đều được mời gọi trở thành chứng nhân. Chứng nhân bằng lời nói như các Tông đồ, đã mạnh dạn rao giảng về những gì mắt thấy, tai nghe và nhất là trái tim cảm nghiệm. Chứng nhân bằng đời sống qua những cuộc đời thay đổi của các phụ nữ, của các môn đệ và những người đã được đón nhận mầu nhiệm Phục Sinh. Nói chung đón nhận mầu nhiệm Phục Sinh là để rao giảng về Đấng Phục Sinh.

Nhưng trước hết phải cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh là ai. Các môn đệ mặc dù sống chung với Đức Giêsu khi Ngài còn sống, nhưng thực sự các ông chưa hiểu biết và cảm nghiệm được Đức Giêsu là ai. Các ông chỉ bị hấp dẫn bởi quyền năng, bởi dấu lạ của Ngài, vì nhờ đó mà các ông được tung hô, được đón tiếp… Những điều đó đã chấm dứt với cái chết của Đức Giêsu. Chỉ khi Ngài sống lại, các ông mới cảm nghiệm được tất cả những gì Thầy làm là vì Tình Yêu. Với động lực Tình Yêu các ông đã rao giảng về Đấng Phục Sinh một cách hăng say, bất chấp cả mạng sống. Từ đó chúng ta có thể kết luận: rao giảng về Đấng Phục Sinh chính là rao giảng về Tình Yêu.

Montserrat Medina Martínez, một thiếu nữ Tây Ban Nha. Cô thành công rất sớm trên đường đời: ở tuổi 30, cô sáng lập thành công một công ty được giới kinh doanh mệnh danh là công ty khởi nghiệp, cô đã từ bỏ tất cả để trở thành một nữ tu. Trong bức thư gửi cho các đồng nghiệp, cô thừa nhận mình là người Công Giáo nhưng bấy lâu nay không đặt Thiên Chúa làm trung tâm. Cô nhận định, “Tôi đã sử dụng mọi tài năng mà lòng tốt vô hạn của Thiên Chúa chúng ta đã ban cho tôi, nhưng tôi sử dụng chúng vì vinh quang của chính mình và để tích lũy sự giàu có trên thế giới này. Tôi đã chiếm đoạt các hồng ân nhận được chỉ để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Tôi đang tự lừa dối bản thân: không hề làm tôi hạnh phúc, thái độ đó chỉ gây ra cho tôi sự trống trải ngày càng lớn thêm”. Sau cùng cô chia sẻ “Tôi đã quyết định, không hối tiếc, ngừng đầu tư vào tương lai trần thế của mình và bắt đầu đầu tư vào tương lai vĩnh cửu của mình. Vì tôi rời bỏ thế gian để phục vụ và làm theo Thánh Ý Thiên Chúa, nên tôi chắc chắn rằng Chúa nhân từ sẽ cung cấp nhiều hơn sự thiếu thốn của tôi với những thứ mà tôi để lại để đi theo Người. Đúng ra, tôi không rời khỏi thế giới, mà chỉ rời bỏ những thứ thuộc về thế giới. Tôi muốn dâng cuộc đời mình cho cầu nguyện và dâng hiến cho tất cả những người được Thiên Chúa yêu thương”.

Chỉ khi nào cảm nghiệm được tình yêu, chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân cho tình yêu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói ý hướng như thế trong bài giảng hôm Chúa Nhật 2 Phục Sinh, Chúa Nhật kính lòng thương xót Chúa : “Trước đây, nhiều lời nói và nhiều gương sáng của Chúa đã không thể biến đổi các môn đệ. Bây giờ, vào ngày Phục sinh, một điều gì đó rất mới mẻ đã xảy ra. Và nó xảy ra như dấu chỉ của lòng thương xót. Chúa Giêsu nâng các môn đệ lên bằng lòng thương xót – nâng các ngài lên bằng lòng thương xót – và các ngài trở nên từ bi sau khi được thương xót. Rất khó trở nên có lòng thương xót nếu một người không nhận ra rằng mình đang được xót thương”.

Để có thể cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, yếu tố đầu tiên là phải biết cầu nguyện. Nó là điều thiết yếu trong đời sống đức tin mà Kitô hữu ngày nay xem nhẹ thậm chí không quan tâm vì sự quay cuồng của cuộc sống. Họ bận rộn với lịch liên hoan, tiệc tùng; họ lu bu với công việc học hành, làm ăn; họ túi bụi với những tính toán cho cuộc sống… Nếu xét kỹ lại tất cả đều ở bên ngoài con người. Họ sẽ bị stress, bị căng thẳng, mệt mỏi nếu không có điểm tựa bên trong và bên trên. Giữa những bận rộn đó Kitô phải biết dành cho Chúa một khoảng trống để họ còn có nơi tìm về. Dù lu bu, bận rộn nhưng họ vẫn có thể cầu nguyện khi bắt đầu một ngày mới; vẫn có thể tâm sự với Chúa trong lúc đang làm việc; và nhất là phải biết hy sinh để thờ phượng Chúa trong ngày Chúa Nhật. Có cầu nguyện ta mới cảm nghiệm được Tình Yêu để trở thành chứng nhân cho Tình Yêu.

Điều kế tiếp để trở thành chứng nhân cho Tình Yêu chính là việc biết chăm sóc cho người nghèo. Chính Đức Giêsu đã miệt mài thi hành điều đó trên bước đường loan báo Tin mừng. Vì vậy để có thể loan báo Tin mừng cách hữu hiệu, Kitô phải biết bắt chước Thầy mình để không ngừng sống cho Tình Yêu bằng việc chăm sóc cho người nghèo.

Như một điểm thực hành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giảng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa hôm Chúa Nhật II Phục Sinh như sau : Anh chị em có muốn thấy bằng chứng rằng Chúa đã chạm vào cuộc đời anh chị em không? Muốn thấy điều đó, anh chị em hãy tự hỏi xem mình có nghiêng người xuống trên những vết thương của người khác không. Hôm nay là ngày để tự hỏi: “Tôi, là người đã nhận được sự bình an của Thiên Chúa rất nhiều lần, là người đã nhận được sự tha thứ và lòng thương xót của Ngài rất nhiều lần, tôi có thương xót người khác không? Tôi, là người đã nhiều lần được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, tôi có làm gì để nuôi người nghèo không?” Chúng ta đừng thờ ơ. Chúng ta đừng có một niềm tin nửa vời, nhận thì được nhưng cho thì không, đón nhận món quà nhưng không tự biến nó thành một món quà. Chúng ta đã được thương xót, chúng ta phải trở nên nhân từ. Bởi vì nếu tình yêu kết thúc trong chính chúng ta, niềm tin sẽ cạn kiệt trong một sự gần gũi vô sinh. Nếu không có những người khác, tình yêu trở thành một thứ hồn lìa khỏi xác. Không có các công việc của lòng thương xót tình yêu sẽ chết (xem Jas 2:17). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho mình được phục sinh nhờ sự bình an, sự tha thứ và những vết thương của Chúa Giêsu nhân từ. Và chúng ta cầu xin ơn để trở thành chứng nhân của lòng thương xót. Chỉ bằng cách này, đức tin mới sống động. Và cuộc sống mới nhất quán. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, là Tin Mừng của lòng thương xót.”

Xin Chúa cho chúng con trở thành chứng nhân cho Chúa bằng một đời sống đức tin mạnh mẽ và yêu thương sáng ngời.