Chuối Sa-Mả

print

Chuối Sa-Mả

Mỗi vùng đều có thổ sản. Chuối Sa-pa ở Đà Lạt rất dẻo và thơm. Riêng nói về thổ sản xứ tôi, chuối Sa-mả không thua kém. Chuối ngon đến độ ai tới cũng đòi, phải là chuối Sa-mả họ mới chịu ăn. Loại chuối này mắt thường không thể phân biệt được, nhưng chỉ có người đốn mới biết.

Chuối Sa-mả là loại chuối xiêm, nhưng vì trồng trong khu vực đất thánh. Thành thử ra cây chuối nào ở xa mồ mả sẽ được gọi là chuối Sa-mả. Chúng cằn cỗi nhưng ai cũng thích ăn. Trái lại, có những bụi chuối gần mả, tuy tốt tươi nhưng không ai màng tới. Tôi thường nói chơi, ăn chuối gần mả như ăn thịt người. Đang ăn chuối mà thịt dính kẽ răng thì cũng đừng ngạc nhiên vì không phải là chuối Sa-mả. Thế nên mới có chuyện đốn chuỗi về để ăn thì phải là chuối Sa-mả.

Mỗi lần đi đốn chuối, tôi cứ tưởng tượng rễ chuối đâm sâu trong lòng đất, chúng len lỏi trong kẽ mả và bao phủ cả quan tài. Có những cái quan tài lâu năm, ván đã mục, rễ chuối đâm thẳng vào trong đó.

Tôi hỏi rễ chuối thấy gì?

– Thấy những mái tóc ngày xưa chải chuốt rất đẹp. Mái tóc thề chấm ngang vai làm ngả nghiêng bao kẻ tình si. Bây giờ, tóc đã rơi rụng từng lọn, rối bời trong lòng đất.

– Thấy những đôi môi hồng bởi màu son. Đôi môi một thủa thơn thớt nói cười, một thủa bĩu môi giận hờn. Dưới nấm mồ, tìm đâu đôi môi hồng. Giòi bọ đang rút tỉa để lộ ra một hàm răng ngậm màu sình.

– Thấy những làn da đang thối rữa, dính vào trong áo quần. Làn da ngày ấy sợ nắng sớm mưa chiều nên tìm đủ mọi cách dưỡng.

– Thấy hàm răng một thời muốn “ăn tươi nuốt sống” người khác. Trong nấm mộ, nó đã ngậm chặt đất và nước.

– Thấy bao tử đã một thời đi tìm những thức ăn thật ngon, thật đẳng cấp. Giờ là bùi nhùi trong đống xương ngổn ngang.

– Thấy những bộ áo quần nằm dưới một lớp xương, lõng bõng nước. Sinh thời là rất đẹp, là hàng hiếm, hàng hiệu phải đứng đợi để săn tìm. Dưới nấm mồ, họ chỉ mặc được một bộ mà chẳng ai thay. Chúng mục nát theo thời gian.

Rễ chuối thấy cái gì cũng có thời, có buổi trong thân phận con người:

– Một thời để kiếm tìm, một thời phải bỏ lại tất cả.

– Một thời để vùng vẫy tứ phương, một thời để nằm yên mãi mãi.

– Một thời để biết thương nhớ, một thời để đi vào lãng quên ngàn thu.

– Một thời để sống gần nhau, một thời để chết xa nhau ngàn trùng.

Chuối sa-mả nhắc nhớ: đời tôi còn xa mả, tôi còn đang sống hôm nay. “Sa-mả” nên còn cơ hội gặp gỡ, sống với tha nhân. Thân xác tôi rồi có ngày sẽ “nằm bên rễ chuối”. Vậy ngày nào còn “sa-mả”, tôi phải sống tử tế hơn.

Rễ chuối ơi, đó là phận người. “Người chết sẽ chết thêm lần nữa nếu chúng ta quên lãng họ”. Vì vậy họ vẫn chờ đợi chúng ta nhớ tới họ trong lời cầu nguyện, những hy sinh đền tội và trong thánh lễ mỗi ngày.

Hãy lắng nghe tiếng vọng trong nghĩa trang buồn: chúng tôi đang chờ, chờ người đang sống… chờ đến thiên thu!

Hiên Vắng 11.11.2021