Chuyện Một Ơn Gọi
(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 329)
Bạn thân mến,
Bệnh viêm xoang là một con bệnh, đã khiến cho đầu tôi đau nhức liên tục, và các việc làm thường ngày thường xuyên phải bị gián đoạn, vì đau nhức.
Trong một lần gặp gỡ bạn bè, có một anh bạn đã đề nghị với tôi, hay là nên đi châm cứu thử coi. Nói thật, tôi không tin lắm ở đông y, nhưng vì tôi đã đi chữa trị ở nhiều bệnh viện theo Tây y rồi, mà vẫn không khỏi. Hễ hết thuốc là bệnh trở lại. Cho nên lần này tôi muốn thử một phen xem sao.
Thế là tôi đã tìm đến phòng khám y học dân tộc của một nhà dòng, gần nhà tôi.
Phải công nhận, phương pháp châm cứu đã đem lại cho tôi hiệu quả đúng như lòng tôi mong đợi. Nghĩa là những cơn đau buốt ở đầu, đã thưa dần, và dường như có dấu hiệu ngưng hẳn.
Châm là dùng một cây kim nhọn, hay một que nhọn, tuy nhỏ thôi, nhưng thân lại dài, để đâm vào các huyệt, để kích thích các huyệt, bắt chúng phải làm việc.
Còn cứu là dùng một thanh ngải cứu, có hình tròn, lại có thân dài, giống như một điếu thuốc lá khổ lớn.
Khi cứu, thì người ta đốt cháy một đầu của cây ngải cứu, rồi hơ nóng một số huyệt trong cơ thể, để kích thích, để bắt các huyệt đó phải làm việc.
Hằng ngày, tôi được điều trị cả châm lẫn cứu.
Nhưng thú thật, tôi thích cứu hơn là châm, bởi mỗi lần châm, tôi lại phải nhìn những cây kim, vừa dài vừa nhọn, ấn sâu vào da thịt, đã làm cho tôi ớn lạnh tới xương sống.
Mỗi khi nhìn cô bác sĩ trẻ trung, di chuyển cây ngải cứu trên các huyệt đạo của tôi một cách nhuần nhuyễn, một cách thuần thục, tôi thầm cảm phục tay nghề của cô.
Cô đã không để cho cây ngải cứu ở quá xa, khiến cho sức nóng không thể tác động lên huyệt đạo của tôi. Cô cũng không để cho cây ngải cứu quá gần, khiến tôi phải bị phỏng da.
Sức nóng của cây ngải được cô điều phối thật tinh tế, thật điêu luyện, làm cho tôi có một cảm giác thư giãn, ấm áp, dễ chịu, do cây ngải cứu đem lại.
Sau nhiều ngày điều trị, tôi đã dần dần bắt chuyện dễ dàng hơn với cô bác sĩ, và có nhiều chuyện hơn để nói.
Trong lúc trò truyện, tôi được biết, cô đã từng là một bác sĩ tại bệnh viện Y Học Cổ Truyền Thành Phố, một trong những bệnh viện lớn nhất và cũng rất có uy tín.
Thế mà hiện nay, cô lại muốn làm đệ tử của nhà dòng này.
Cô đang trong thời gian tìm hiểu ơn gọi, để có thể trở thành một nữ tu.
Hiện nay, cô đã là đệ tử năm thứ hai của dòng, nghĩa là nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, thì phải mất ít nhất là 4 năm nữa, cô mới được tuyên khấn lần đầu, mới chính thức trở thành nữ tu.
Rồi tiếp theo, là phải trải qua khoảng 5 lần khấn tạm, nghĩa là phải mất khảng, từ 5 đến10 năm nữa, thì cô mới được khấn trọn đời, mới thực thụ là thành viên của nhà dòng.
Một quá trình tìm hiểu, tu luyện và sống ơn gọi tu trì như thế, quả là rất công phu và mất đi rất nhiều thời gian.
Cô sẽ còn phải vất vả nhiều lắm, và còn phải cố gắng nhiều lắm. Vất vả công phu, không thua gì những năm cô học y khoa trước đây.
Thú thật, tôi rất ngạc nhiên trước một sự chọn lựa lạ lùng của cô gái này. Cô đã là bác sĩ, đã thành đạt, đã có chỗ đứng trong xã hội, và sự giàu có đang ở trong tầm tay, thế mà cô lại từ bỏ tất cả, lại muốn trở thành một nữ tu, âm thầm, đơn sơ, khiêm tốn phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội, phục vụ tha nhân, để rồi sẽ chẳng còn ai nghe biết đến tên tuổi nữa.
Có một lần tôi thắc mắc hỏi cô bác sĩ:
“Tại sao cô không tiếp tục công việc tại bệnh viện lớn và rất uy tín đó? Tại sao cô lại từ chối một tương lai xán lạn, đầy hứa hẹn, để khởi đầu một chặng đường mới, để lại phải mất rất nhiều thời gian, và phải rất vất vả cực khổ, dò dẫm tìm hiểu một chân trời mới xa lạ này. Đang khi hiện tại, cô đã rất ổn định.”
Cô bác sĩ mỉm cười, và nhẹ nhàng trả lời cho tôi, bằng một câu hỏi:
“Chú định nghĩa thế nào là một tương lai xán lạn?”
Một câu hỏi thật bất ngờ, làm cho tôi hơi bối rối, nhưng tôi cũng cố gắng trả lời:
“Này nhé, bác sĩ là một nghề rất cao quý, nhiều người ấp ủ ước mơ. Phải mất biết bao nhiêu tiền, tốn biết bao thời gian, hao tốn biết bao công sức, mới có thể đạt được mãnh bằng bác sĩ.
Rồi khi đã là bác sĩ, thì để có được một chỗ làm ở trong một bệnh viện, cũng đâu phải là một chuyện dễ.
Hiện tại cô đã có được một chỗ làm rất ổn định, ở một bệnh viện lớn, rất uy tín. Đâu dễ gì ai mơ cũng được. Bởi ở bệnh viện này, cô có dư điều kiện để theo đuổi lý tưởng cao thượng của cô, là cứu giúp tha nhân, là phục vụ những người nghèo. Cô sẽ được mọi người nể trọng, và cô sẽ được giàu sang trong xã hội, sẽ không bị một ai khinh khi coi thường. Cô sẽ có nhiều cơ hội, để thăng tiến về danh, lẫn về lợi.
Vậy việc cô từ bỏ những điều tốt đẹp đó, để lựa chọn con đường tu, âm thầm, lặng lẻ, mất hết tất cả, làm lại từ đầu, như thế thì có phải là nghịch lý lắm chăng ?”
Dịu dàng, nhưng đầy dứt khoát, cô bác sĩ trả lời:
“Cháu đã từng làm việc ở khoa cấp cứu, đã từng chứng kiến nhiều cảnh đời rất đặc biệt. Cháu cũng đã tận mắt trông thấy nhiều cái chết rất thê thảm, rất là thương tâm, và cũng có khi rất bi đát nữa.
Từ đó, cháu mới nghiệm ra, là thân phận con người, sao quá yếu ớt, sao quá mong manh. Giữa cái sống và cái chết hình như không có ranh giới. Đang sống đó, lại chết đó. Từ cái sống bước qua cái chết, chỉ trong nháy mắt, chỉ trong tích tắc.
Ngẫm lại Lời Chúa dạy: “Được lời lãi cả thế gian, mà rồi mất linh hồn nào được lợi ích gì”, cháu mới thấy thấm thía làm sao.
Giàu có như các tỷ tỷ phú, tiền bạc rủng tỉnh dư thừa, muốn gì cũng có, muốn làm gì cũng được, thế mà đứng trước cái chết đành phải bó tay, tiền bạc chẳng giúp gì được cho họ. Bao nhiêu người thân thương ruột thịt, bao nhiêu người sùng bái ngưỡng mộ đứng chung quanh, cũng đành bó tay trước cái chết của người thân.
Còn những người có chức, có quyền, nắm trọn cán cân công lý trong tay, đã từng phân giải phải trái cho mọi người, phán quyết công lý như kẻ có quyền, thế mà khi đối mặt với cái chết, họ cũng đành phải chịu xuôi tay.
Rồi sau khi chết, mọi danh vọng, chức trọng, quyền cao, đều đã tan biến thành mây khói, mà đã chẳng để lại một dấu vết gì cho thế hệ sau.
Hay cho dù con người ta ở đời này là chi chi đi nữa, thì cũng sẽ kết thúc trong thân phận con người, thật mong manh, thật mỏng dòn, thật bi đát, thật thê thảm.
Tôi bắt đầu cảm thấy tò mò, trước những lý luận hơi bi quan của một con người trẻ, của một người trí thức có thế giá, tôi mới gặng hỏi:
“Cô có thể cho biết thêm, những hoàn cảnh nào đó, hay gặp phải trường hợp cụ thể nào đó, đã làm cho cô có những suy nghĩ như vừa kể, để rồi cô có một quyết định thật táo bạo, muốn thay đổi cuộc đời, theo chiều hướng không giống bất cứ một ai”.
Như thể gặp được một người đồng cảm, muốn thấu hiểu tường tận sự chọn lựa của mình, cô bác sĩ trẻ hào hứng, lần lượt kể chuyện như sau:
“Cách đây vài năm, cháu đã chứng kiến một cái chết thương tâm của một cô con gái đang mang thai.
Chuyện là thế này, cô gái đó đưa mẹ chồng đi chợ về, ngang qua khu rừng cao su, đột nhiên một cơn lốc khá mạnh bỗng bùng lên, làm cho nhiều cành cây gẫy đổ. Trong những cành cây đó, lại có nhiều tổ ong vò vẽ, thế là các đàn ong bay tứ tung một cách hỗn loạn.
Chẳng may, đúng lúc hai mẹ con vừa chạy xe tới, thế là chúng ùa đến bao vây họ, người mẹ nhanh chân hơn, bị thương tích ít hơn, nên đã thoát chết. Còn cô con gái, vì đang mang thai, lại vướng vít với chiếc xe, nên bị đàn ong bao vây, chích chi chít lên thân thể.
Khi thai phụ được mang đến bệnh viện cấp cứu, thì 3 ngày sau cô ta đã tắt thở, vì nọc độc của ong trong cơ thể cô quá nhiều! Tai nạn đến với cô thật bất ngờ!
Lại một trường hợp khác, còn bất ngờ hơn, đó là một phụ nữ trẻ đang chạy xe bon bon trên đường, bỗng một cành cây khô từ trên cao rơi xuống, trúng ngay vào sau gáy, khiến cô bị liệt toàn thân, làm cho cô không còn năng động, hoạt bát, lanh lẹ như xưa được nữa. Cô bị liệt toàn thân, vì tai nạn hy hữu đó, và từ đấy, cô đã phải nằm một chỗ suốt quãng đời còn lại.
Câu chuyện thứ ba thì không có nhiều tính bất ngờ, cho bằng sự bất lực của con người trước cái chết.
Một chàng trai, khoẻ mạnh, trẻ đẹp, về quê nhà nghỉ hè sau hai năm du học ở trời tây. Đột nhiên, anh ta bị lên cơn sốt đữ dội. Gia đình vội vàng đưa anh ta vào bệnh viện để cấp cứu, để điều trị. Các bác sĩ đã cho biết nguyên nhân, là cơ thể của anh đã bị nhiễm siêu vi.
Mặc cho gia đình bỏ ra gần 3 tỷ bạc để lọc máu, để thay máu, và còn dùng nhiều phương pháp điều trị khác nữa, rất tối tân, rất hiện đại, chấp nhận việc hao tốn, nhưng cuối cùng, anh ta vẫn phải từ giã cõi đời, giữa tuổi thanh xuân, mang theo bao ước mơ tươi sáng của tuổi trẻ, và mang theo bao hy vọng, bao ước mơ của gia đình, sang thế giới bên kia.
Cô bác sĩ trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp:
“Chú thấy không, trẻ đẹp, tài năng, giàu có đến như thế, mà vẫn không thoát khỏi kiếp phận mong manh của đời người.
Cháu còn được chứng kiến tận mắt nhiều, có thể nói là quá nhiều trường hợp thương tâm khác, tương tựa như vậy hằng ngày trong bệnh viện.
Và cháu đã nghĩ, việc kiếm tìm tiền của, địa vị, sức khỏe, sang trọng, chức quyền không thể là ưu tiên số một cho cuộc đời của cháu nữa, những thứ mà trước đây cháu đã từng xây mộng, và đã từng theo đuổi.
Bây giờ tất cả đều đã khác rồi, cháu muốn tìm kiếm một điều gì đó, tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Và may mắn cho cháu, là cháu đã được Lời Chúa đánh động, để thực hiện một cuộc chọn lựa mới cho cuộc đời của cháu, đó là chọn Chúa làm gia nghiệp cho đời mình!
Cháu không muốn chọn Chúa một cách nửa vời, mà cháu muốn chọn Chúa một cách triệt để. Nghĩa cháu muốn dành trọn cuộc đời của mình, để sống với Chúa, để sống cho Chúa, và sống vì Chúa, và chỉ một mình Chúa mà thôi.”
Khi câu chuyện của cô bác sĩ kết thúc, cũng lại đúng vào lúc cây nhang ngải cứu vừa tàn. Tôi chào tạm biệt cô bác sĩ. Và trên đường về nhà, tôi vẫn tiếp tục miên man nghĩ suy về những mẫu chuyện của cô bác sĩ vừa kể.
Nhất là tôi vẫn thầm thán phục về một quyết định thật táo bạo của cô, khi quyết tâm từ bỏ tất cả, để theo đuổi một ơn gọi, để quyết định đi vào đời tu, để quyết bước theo Thầy Giêsu, quyết chọn Chúa làm gia nghiệp cho đời mình.
Lạy Chúa, sau khi nghe câu chuyện kể về cô bác sĩ trẻ, lại trùng hợp với những câu Kinh Thánh mà con vừa đọc, trong Phúc âm theo thánh Marcô, đoạn 10, câu 20, khi Chúa âu yếm nói với chàng thanh niên, đã làm cho con suy nghĩ rất nhiều. Câu đó như sau:
“Anh chỉ còn thiếu có một điều này nữa thôi, là anh hãy đi về, bán hết những gì anh có, đem phân phát cho những người nghèo khó, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi sau đó, anh hãy trở lại theo tôi”.
Lời Chúa nói thật êm ái, thật nhẹ nhàng, thật dễ hiểu. Nhưng sao con thấy quá khó để thực hiện.
Nhưng con cũng lại thấy cô bác sĩ trẻ trong câu chuyện đã thực hiện được. Cho nên xin hết lòng bái phục Chúa, vì Chúa đã làm biết bao điều kỳ diệu, đã làm biết bao điều lạ lùng nơi các tâm hồn, mà với trí óc non nớt, hẹp hòi, và rất giới hạn của con, con không sao có thể hiểu nỗi.
Lạy Chúa, xin Chúa hãy cứ tiếp tục biến đổi nhiều tâm hồn, để họ cũng nghe, để họ cũng hiểu, nhất là để họ cũng biết sẵn sàng đáp trả lại tiếng Chúa gọi, một cách nhiệt tình, một cách hết mình, để cho cánh đồng truyền giáo của Chúa không phải bị thiếu thợ gặt. Amen.