Có Thiên Chúa, Chúng Ta Không Sợ!

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM A 2020

Có Thiên Chúa, Chúng Ta Không Sợ!

Lm. Giuse Nguyễn

Cụ bà 101 tuổi người Brazil thoát chết coronavirus đã khiến các bác sĩ và nhân viên y tế kinh ngạc vì Brazil đang là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới với 742.084 ca nhiễm Covid-19; và người càng lớn tuổi bị nhiễm thì tỉ lệ tử vong càng cao. Bà Petronilia đã tận hưởng một lễ sinh nhật thứ 101 của bà vào ngày 2 tháng 6 với hai tin mừng: Bà tròn 101 tuổi và được tuyên bố đã được chữa khỏi COVID-19. Bà chia sẻ: Đó là điều kỳ diệu lớn nhất Chúa có thể làm cho tôi. Và Ngài đã làm!” Cuộc đời của bà còn nhiều biến cố khác, nhưng bà nói: “Có Thiên Chúa, tôi không sợ!”

Đó là sự thật đã được tiên tri Giêrêmia xác tín trong bài đọc thứ nhất. Là một con người hiền lành, dạt dào tình cảm, nhưng lại nhận lãnh một sứ mạng khó khăn, không phù hợp với tính cách con người của ông, đó là vạch trần tội lỗi của dân và báo cho họ biết Thiên Chúa sẽ trừng phạt nếu họ không hối lỗi. Vì vậy mà dân chúng thù ghét và nhiều lần hãm hại ông. Nhưng ông vẫn tin tưởng và cầu nguyện: “Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con” (Gr 20, 11). Nói cách khác, có Thiên Chúa, Giêrêmia không sợ.

Chính Đức Giêsu cũng đã khẳng định như thế với các môn đệ của Ngài: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 28). Thực ra các ông cũng sợ nên đã bỏ trốn khi Thầy bị bắt; Phêrô sợ nên đã chối Thầy đến 3 lần… Hay chính Đức Giêsu cũng sợ đến toát mồ hôi máu khi đứng trước cuộc khổ nạn, nhưng sau khi cầu nguyện Ngài đã sẵn sàng “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Mc 14, 36). Các môn đệ sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh đã mạnh dạn sống và làm chứng cho Tin Mừng bằng chính mạng sống của mình. Có Đức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ không sợ.

Năm 1978, khi khởi đầu triều đại Giáo Hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với toàn thể thế giới: Những ai trong anh em vẫn may mắn còn có đức tin, những ai trong anh em vẫn đi tìm Thiên Chúa, những ai trong anh em đang bị sự nghi ngờ xâu xé. Đừng sợ hãi! Hãy tin nhận Đức Kitô và nhận lấy quyền lực của Ngài. Đừng sợ hãi! Hãy mở cửa đón nhận Đức Kitô, vì Ngài là sức mạnh chữa lành mọi sự dữ… Đừng sợ hãi! Ta xin các con, ta chân thành yêu cầu anh em, hãy để Đức Kitô được ngỏ lời với mọi người, chỉ mình Ngài có lời hằng sống, chỉ mình Ngài biết con đường dẫn tới vĩnh cửu.”

Có Thiên Chúa, chúng ta không sợ cũng là lý do để Đức Thánh Cha Phaxicô khởi đầu Tông Huấn Christus Vivit gởi những người trẻ: “Người ở trong con, Người ở với con và không bao giờ bỏ rơi con. Dù con có rời xa Người, Đấng Phục Sinh vẫn ở bên con. Người kêu gọi và chờ đợi con bắt đầu lại. Khi con cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, thù hận, vì lo sợ, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để ban lại cho con sức mạnh và hy vọng” (Số 2). Có Thiên Chúa chúng ta không sợ.

Thế nhưng có một số người, nhất là những người trẻ ngày hôm nay đã sợ nên đã khiến cuộc sống mình bất an. Họ không dám cầu nguyện trong gia đình vì “sợ” người khác cười. Họ không dám làm những việc đạo đức một cách công khai “ngại ngại”… Đây là những lý do tâm lý mà ma quỷ rất tinh vi để gieo vào lòng người trẻ, đại khái như: “Thời đại người ta lên tới cung trăng rồi mà còn ở đó giang tay đọc kinh cầu nguyện”.

Hãy nhớ cầu chuyện của nhà khoa học Luis Pasteur . Một sinh viên trẻ ngồi cùng toa xe lửa với một ông già đang lần hạt. Anh mạnh dạn bắt chuyện với ông: “Thay vì lần hạt, tại sao ông không dành thời gian học hỏi và tự đào luyện bản thân đôi chút nhỉ? Tôi có thể gởi cho ông một cuốn sách hướng dẫn” Ông già đáp: “Anh làm ơn gởi cuốn sách đến địa chỉ này”, và ông trao cho anh sinh viên tấm danh thiếp. Tấm danh thiếp ghi là: Luis Pasteur, Viện khoa học Paris. Anh sinh viên cảm thấy xấu hổ vô cùng. Ạnh định khuyên nhủ một học giả lừng danh nhất của thời đại mình, nhà sáng chế ra vaccines, được cả thế giới ca tụng và là một người siêng năng lần hạt. Hoặc nhiều những nhà khoa học lừng danh khác đã để lại cho nhân loại những công trình vĩ đại, nhưng công trình vĩ đại nhất nơi họ chính là sự cúi mình trước Thiên Chúa. Vì thế hãy đánh tan tâm lý sợ người khác chê cười khi làm việc đạo đức.

Điều đáng sợ thứ hai là người ta sợ ảnh hưởng đến cuộc sống nên không can đảm sống đức tin. Vì thế nhiều người không còn đi lễ vì bận bịu với công việc; các bạn trẻ không đến nhà thờ vì lịch học chính thức, học phụ đạo, học thêm, học nâng cao chiếm đầy thời gian của các bạn… Người ta biết lo cho cuộc sống là điều tốt, nhưng nếu biết nghĩ đến sâu xa thì tốt hơn. Sâu xa nghĩa là biết phân định điều nào là quan trọng hơn. Thân xác và linh hồn đều quan trọng như nhau, nhưng linh hồn thì bất tử, thân xác thì có giới hạn.

Bác sĩ Lý Văn Lượng được cả thế giới tưởng nhớ khi anh là một trong những người đầu tiên đã cảnh báo về dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra ở Vũ Hán nhưng bị chính quyền thành phố cáo buộc tung tin đồn thất thiệt và buộc phải giữ im lặng. Nhiều người cảm phục một bác sĩ trẻ tài ba, đầy tâm đức, nhiệt huyết cống hiến, nỗi khắc khoải, xâu xé giữa khát vọng phục vụ, tình yêu gia đình và quê hương nhưng lại phải đối diện với cái chết gần kề mà anh cảm thấy khó tránh khỏi, giữa niềm tin vào Thiên đàng nhưng lại vẫn khát vọng được sống lâu hơn ở trần thế để hoàn thành bao nhiêu trách nhiệm và ước mơ còn dang dở. Anh là tấm gương sáng cho các Kitô hữu trẻ. Chu toàn bổn phận, lo cho gia đình, cống hiến cho cuộc sống, nhưng vẫn luôn khắc khoải về Thiên Đàng. Trước khi qua đời, anh đã để lại bài thơ với nhiều cảm xúc. Đoạn cuối bài thơ như sau:

 

“Xin tạm biệt những người tôi yêu mến

Xin chia tay Vũ Hán, quê hương tôi

Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa

Có ai đó sẽ một lần nhớ đến

Có người đã cố gắng cho họ biết sự thật càng sớm càng tốt

Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa

Người ta học được đứng thẳng

Không còn để những người tử tế

Phải chịu đau khổ vô tận

 

Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp

Tôi đã chạy hết chặng đường

Tôi đã giữ vững đức tin

Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính (2Tm 4,7-8a)”

Anh là tấm gương cho nhiều người, trong đó có các bạn trẻ phải biết chu toàn bổn phận với gia đình, với xã hội, nhưng quan trọng hơn hết là phải chạy cho hết chặng đường đức tin của mình. Có Thiên Chúa, chúng ta không sợ!

Đức Giêsu nhắc các môn đệ của Ngài “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 28). Vì thế trong mọi việc chúng ta phải lo sao để giữ được Linh hồn của mình. Những hy sinh, những cố gắng của chúng ta trong việc cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và các việc đạo đức, cũng như việc góp phần của mình vào việc xây dựng Giáo Hội đòi hỏi chúng ta sự can đảm. Hãy mạnh dạn, đừng sợ, vì có Thiên Chúa Đấng hằng chăm sóc chúng ta.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp và các thánh cho chúng ta can đảm chu toàn cả hai sự sống, tự nhiên và siêu nhiên.

 

print