Con Rùa Ham Nói

Con Rùa Ham Nói

Có con rùa già sống nhiều năm trong cái hồ nước nhỏ. Một hôm, có đôi ngỗng đi lang thang tìm thức ăn nên đã gặp được rùa và chúng kết tình thân hữu. Chú ngỗng khoe với rùa: – Này bác rùa, chúng tôi ở trên ngọn núi cao, trong một động chứa đầy vàng. Đó thật là một nơi ở lý tưởng và thích thú, bác có muốn đi tới đó với chúng tôi không? Rùa băn khoăn nói: – Tôi già rồi, chiếc mai trên lưng lại nặng nề, làm sao có thể đi đến đó được? Ngỗng nhanh nhảu đề nghị: – Nếu bác chịu ngậm miệng không nói lời nào, chúng tôi sẽ đưa bác đến nơi. Rùa ta đồng ý ngay và nói: – Được rồi, tôi hứa sẽ ngậm chắc miệng mồm. Hãy đưa tôi đi đến động vàng.

Ngỗng cho bác rùa ngậm một cây gậy dài, hai con ngỗng tha hai đầu gậy và bay lên không trung. Chợt mấy đứa bé ở dưới đất thấy cảnh rùa bay cùng với ngỗng thì thích thú la lên: – Các bạn ơi, ra xem hai con ngỗng bay cùng con rùa trên cây gậy nè. Nghe vậy, rùa ta nghĩ thầm: – Tụi nhóc con này quá hỗn láo, bạn ngỗng tha ta đi đâu thì có dính dánh gì tới tụi bay mà phải la lối. Rùa vừa mở miệng định quát mắng bọn trẻ thì cây gậy và nó bị rơi mạnh xuống đất khiến chiếc mai vỡ ra làm hai mảnh.

Quý vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện ngụ ngôn trên cho ta bài học thật ý nghĩa. Chú rùa đã tự hại mình vì tật nóng nảy không kiềm chế được bản thân. Người ta thường nói “thắng được vạn quân cũng không bằng thắng được chính mình”. Trước khi chế ngự được thiên nhiên vũ trụ, thu phục được lòng người, ta phải làm chủ chính mình với những cảm xúc, suy nghĩ và lời nói. Trong cuộc sống, biết bao tổn thương nảy sinh từ lời nói. Điều này cho thấy lời ăn tiếng nói có tầm quan trọng hàng đầu, là tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách con người. Lời nói chứa đựng tâm tư, tình cảm, đạo đức, là nét duyên dáng của con người. “Chim khôn kêu tiếng rãnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

Ngôn sứ Isaia hết lời ca tụng Thiên Chúa đã yêu thương tạo dựng nên con người cao quý hơn các loài thụ tạo vì có ngôn ngữ để giao tiếp. “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người” (Is 49,1b-2a). “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng, Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn” (Is 50,4). Tiếc thay, loài người đã sa ngã, đã dùng lời nói để mắng nhiếc phỉ nhổ chính Đấng đã tạo tác nên con người. Vì thế, loài người đã phải chịu nhiều đau khổ và phải chết.

Trong hành trình lên Giêrusalem, dân chúng thờ ơ không đón tiếp Đức Giêsu, thấy thế hai môn đệ Giacôbê và Gioan liền đến nói “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9,54). Đức Giêsu liền quay lại trách mắng các ông hành động nóng nảy. Lịch sử nhân loại cho thấy, bao nhiêu người đã chết vì miệng lưỡi gian dối điêu ngoa. Chính ngôn sứ Gioan Tẩy giả đã chết vì một lời hứa ngông cuồng của bạo chúa Hêrôđê. Ông đã hứa cho con gái bà Hêrôđia bất cứ thứ gì cô muốn, vì cô đã nhảy múa làm đẹp lòng ông và thực khách trong buổi dạ tiệc. Lời hứa của ông quả là đã trúng kế độc của người vợ lăng loàn. Bà đã xúi cô con gái xin ông cái đầu của Gioan Tẩy giả, vì vị ngôn sứ đã nói lên sự thật về tội lỗi xấu xa của bà với Hêrôđê (x. Mc 6,17-29).

Làm chủ chính mình trước hết là làm chủ lời ăn tiếng nói. Tác giả sách Huấn Ca khuyên chúng ta phải biết phân định phải trái, phải cương quyết tự chủ “Đừng có gió nào cũng theo, đường nào cũng bước, như một tên tội lỗi lật lọng. Hãy giữ vững xác tín của mình, và lời nói phải trước sau như một. Hãy mau mắn nghe nhưng thong thả hãy trả lời” (Hc 5,9-11). Thánh Giacôbê tông đồ là người rất thực tế, ngài khuyên chúng ta phải kiềm chế miệng lưỡi. “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (Gc 3,2b). Muốn làm chủ được lời nói, trước hết phải biết kiềm chế miệng lưỡi. “Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác” (Gc 3,5-6a).

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm chủ chính mình, trung thực trong lời nói và việc làm. Xin Chúa uốn nắn miệng lưỡi chúng con nên giống Chúa, để chúng con biết dùng lời nói ca ngợi tán dương tình thương của Chúa. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa đức khiêm nhu tự hạ, biết nói những lời yêu thương tha thứ, để xây dựng hòa khí với mọi người. Amen.

Phương Anh  

print