CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM A – 2020
Công Bằng Và Bác Ái
Lm. Giuse Nguyễn
Tác giả Lá Mùa Thu có một bài thơ mang tên Bất Công như sau:
“Lực bất đành tâm lại chửi thề
Cũng vì xã hội lắm nhiêu khê
Người ăn chẳng hết rồi đem vứt
Kẻ kiếm không ra lại nhặt về
Ngó cảnh bất công mà nẫu ruột
Trông phường vô lí thấy đau mề
Thà đui chẳng biết thời cũng kệ”
Bất công vẫn đang diễn ra trong cuộc sống vì “Cuộc sống vốn không công bằng. Hãy tập quen dần với điều đó”. Chính Bill Gates đã thốt lên như vậy. Nhiều người đứng lên “đòi công bằng” cho mình, cho người khác… Công bằng nhiều khi đơn giản chỉ là tại sao nó giàu mà lại có bảo hiểm hộ nghèo? Còn tôi nghèo rớt mồng tơi, khi bệnh lại tính từng viên thuốc? Hoặc lắm lúc khổ quá nằm suy nghĩ sự đời: Tại sao tôi làm cực khổ muốn chết mà cũng chỉ kiếm được vài đồng tiền lo cho gia đình, lỡ bệnh tật hoặc đám tiệc lại không có tiền mà lo? Trong khi nhà bên cạnh ăn không ngồi rồi mà không biết tiền ở đâu chi xài đủ thứ?… Hay đơn giản tại sao trời sinh ra con nhỏ đó đẹp hơn mình, chân dài, da trắng, tóc mượt, dáng thon? Còn mình lại chân ngắn, da đen, tóc rối, mập lù?…
Công bằng mà một số người thợ làm vườn nho trong đoạn Tin Mừng hôm nay đòi hỏi là tại sao tụi tôi làm nhiều mà lại hưởng ít, còn tụi kia làm ít mà hưởng nhiều? Thực sự Thiên Chúa không bất công. Ngài nói: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao?” (Lc 20, 13). Hãy nhớ lại vài giờ trước đó, họ là những người mong muốn ai đó ban cho mình một ân huệ được làm việc để kiếm tiền nuôi gia đình. Và chính ông chủ vườn nho đã ban cho họ ân huệ đó. Vì vậy việc họ có việc làm và có lương vừa là sự công bằng vừa là ân huệ của ông chủ. Có việc làm để thấy cuộc đời mình có ý nghĩa. Có lương để sống và lo cho người khác. Vì vậy nếu thấy đủ thì đời ta sẽ đủ. Nếu thấy thiếu thì sẽ không bao giờ đủ.
Vậy tại sao họ lại thắc mắc khi thấy người làm cuối ngày cũng được một đồng? Thưa đó là sự ganh tị vì thấy người khác làm ít mà hưởng nhiều. Nhưng cái “hưởng” của người khác đâu ảnh hưởng đến sự công bằng mà ông chủ dành cho họ. Ông chủ nói: “Tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra gen tức?” (Lc 20, 14b-15). Thiên Chúa công bằng với hết mọi người, nhưng Ngài nhân hậu với mỗi người tùy hoàn cảnh của từng người. Kẻ được nhiều, kẻ được ít, điều quan trọng là ai cũng được. Vì thế những ai suy nghĩ về bất công là trong họ đang có một chút ganh tị, và dường như những ai đòi công bằng thường có chút nhẫn tâm vì chưa quan tâm đủ đến hoàn cảnh của người khác ; chính họ cũng đã bất công với người ban ân huệ cho mình, vì không biết ơn mà lại đòi thêm ơn.
Qua hình ảnh ông chủ trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay mặc khải cho ta biết Thiên Chúa là Đấng công bằng, hơn thế nữa còn là Đấng xót thương. Công bằng vì Ngài đã dựng nên ta và cho ta một cuộc đời như hiện tại. Xót thương nhân loại cách chung nên Ngài đã ban ơn cứu độ. Xót thương từng người nói riêng khi Ngài để cho mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy chúng ta đừng nhìn nhau bằng luân lý (tội lỗi – thánh thiện, tốt – xấu…) ; bằng địa vị (giàu – nghèo , có chức quyền – dân ngu cu đen) ; bằng nghề nghiệp (sang trọng – thấp hèn) ; bằng hình dáng (đẹp – xấu ; lành lặn – tật nguyền)… nhưng hãy nhìn và đối xử với nhau bằng cái tình, cái nghĩa, vì mỗi cuộc đời đều được Chúa xót thương.
Ngày nay đâu đâu con người cũng đứng lên đòi công bằng. Công bằng là trả lại cho người ta cái thuộc về họ, còn bác ái là cho người khác cái thuộc về mình. Hai ý niệm nầy thường hay lẫn lộn. Bác ái là hoa nở của sự công bằng, cho nên không thể nói bác ái mà thiếu công bằng. Công bằng cần phải được thiết lập trước đã, dĩ nhiên công bằng là cần thiết nhưng công bằng mà thôi thì chưa đủ cho cuộc sống đức hạnh, mà phải có bác ái.
Nếu người làm việc từ sáng sớm được một quan tiền, thì nếu theo công bằng, người làm vào giờ cuối cùng chỉ được hưởng 1/8 quan mà thôi. Nếu vậy thì lấy tiền đâu để họ lo cho gia đình? Lúc này cần đến đức bác ái. Bác ái là cho người khác cái thuộc về mình. Ông chủ có tiền và tiền đó là của ông, nhưng ông đã bác ái để chia sẻ cho người khác để giúp họ trong lúc cần.
Cuộc sống sẽ tốt đẹp khi người ta biết noi gương Đức Giêsu để không chỉ công bằng mà còn biết bác ái với tha nhân. Hay nói ngắn gọn lại là biết quan tâm đến người khác và sẵn sàng san sẻ cái mình đang có. Công bằng là anh đối xử với tôi làm sao thì tôi đối xử lại với anh như vậy; Bác ái thì không, vì dù anh đối xử với tôi thế nào, tôi vẫn đối xử tốt với anh. Đó là câu chuyện của Đavit đối xử với Saul khi Saul vì ganh ghét mà lùng bắt để muốn giết chết Đavit. Có lần khi Saul đang ngủ trong hang, Đavit có thể giết chết ông để trả thù, nhưng không, Đavit chỉ cắt một miếng vải áo để làm bằng chứng cho sự trung thành của mình (x. 1Sm 17-18). Dù anh đối xử với tôi như thế nào, tôi vẫn đối xử tốt với anh.
Công bằng là khi nhận được lòng tốt của anh, tôi sẽ trân quý và giữ gìn nó cho riêng mình. Bác ái là khi nhận được lòng tốt, tôi biết san sẻ lòng tốt đó chứ không giữ cho riêng mình. Có lần mẹ Têrêxa Calcutta đến thăm người đàn bà và những đứa trong khu ổ chuột ở Ấn Độ và tặng cho họ 1 túi gạo. Những tưởng bà sẽ mang đi cất, nhưng không, bà lấy 1 cái túi khác để sớt ra làm hai. Mẹ Têrêxa hỏi bà ta làm gì vậy? Người đàn bà đó nói: “Người hàng xóm của tôi cũng không có gì ăn mấy hôm nay”. Bác ái là biết san sẻ lòng tốt của người khác dành cho mình.
Hiểu được sự công bằng của Thiên Chúa dành cho ta khi Ngài đã ban cho ta cuộc đời này, đức tin này, gia đình này, hoàn cảnh này… để tôi biết cám ơn Chúa. Vì lẽ đó, giữ đạo, sống đức tin không phải vì tôi “tốt” với Chúa, vì tôi “nể tình ông cha”, vì tôi “quý mến các Dì” nhưng đó là bổn phận của tôi phải chu toàn, người khác chỉ góp phần động viên khích lệ cho tôi. Nếu đã được trao mà không chu toàn thì sẽ bị lấy lại.
Thấy được lòng thương xót của Ngài để tôi biết sống bác ái với người khác. Bác ái không chỉ là sự cao cả của tôi, nhưng là lòng tốt tôi phải làm. Vì vậy khi có cơ hội, khi được người khác tạo điều kiện để làm việc bác ái thì tôi phải nhận ra Chúa đang nhắc nhở để tôi trở nên giống Chúa.
Đừng keo kiệt để chỉ đòi công bằng cho mình mà quên đi bác ái. Đừng chỉ muốn thêm cho mình mà không muốn chia bớt cho người khác. Mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu tồn tại. “Hãy làm mọi sự vì Đức Ái” (1Cr 16, 14).