Của Cêsa, trả Cêsa. Của Thiên Chúa trả cho Chúa

print
Của Cêsa, trả Cêsa. Của Thiên Chúa trả cho Chúa
Chúa Nhật 29 Thường Niên A
 
 
vô hạ
 
Dân gian tin rằng Ông Trời sáng tạo mọi sự và thưởng phạt công minh. Kitô Giáo qui chiếu niềm tin đó lên Thiên Chúa Tối Cao, là Chủ  của lịch sử trái đất, thời gian và mọi người. 
 
Chúa Nhât 29 thường niên A nầy,  Phụng vu Lời Chúa chọn Bài đọc I của Đại Ngôn Sứ I-sa-i-a để nói lên tình yêu thương và quan phòng, khi Chúa đã kiêu gọi một người từ 150 năm trước khi ông sinh ra, để đưa dân bị lưu đày từ Babylon (586 BC) về quê nhà Do Thái năm 538 BC. Người đó là ai?
 
Tới thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng xác nhận quyền từ Trời được trao cho con người được trao trách nhiệm từng thời kỳ, để phục vụ nhau, khi nói ”  Cái gì của Cêsa, trả cho Cêsa. Những gì của Chúa, trả lại Chúa”.  
 
Xin đọc ba bài Lời Chúa sau đây để xin Chúa soi sáng cho hiểu thêm ý Chúa và sống cho phải lẽ như Chúa muốn. 
 

Bài Ðọc I: Is 45, 1. 4-6. Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại:

Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác.

Ðáp Ca: Tv 95, 1 và 3. 4-5. 7-8. 9-10a và c

Ðáp: Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang (c. 7b).

Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. – Ðáp.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. – Ðáp.

Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa. – Ðáp.

Xướng: Mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Tx 1, 1-5b Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.

Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.

 

Phúc Âm: Mt 22, 15-21.  Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình.
 
Và trong thực lịch sử, Vua Cyrô/Kyrô Đại Đế (600 hay 576-530 BC) nước Iran,  đã  30 lần được nhắc tên trong Thánh Kinh. Ông không có gốc gác Do Thái con cháu Abraham, nhưng được Thiên Chúa cầm tay trao quyền, thắt lưng nâng đỡ và cho chiến thắng vua Chúa trong vùng (45: 1). 
 
Ông được gọi là Mục Tử của dân Chúa và là người làm vui lòng Chúa (44:28). Chúa dùng Ông, cho công trình của Chúa, làm người ban phước cho Israel (41:2-25, 42:6) qua sắc lệnh cho dân chúng  hồi hương, đồng thời cũng cung cấp tiền bạc trong ngân khố để xây dựng lại đền thờ Giêrusalem, là biểu tượng cũng như điểm hội tụ của niềm Tin, Hi vọng và yêu mến vào Thiên Chúa. 
 
Vì chỉ có Ngài là Thiên Chúa tối thượng duy nhất (Is.26:13, 43:11, 44:6,8). như đã được ghi trong 10 Điều Răn thời Moisê trong Sách Xuất Ai Cập 20:2-3, 6, ba trong 10 Điều Răn khi Chúa ký Giao Ước với dân trên núi Si-nai qua Ông Môisen. Ngài muốn chọn lựa ai tuỳ ý Ngài. 
 
Tới bài Phúc Âm. Tương tự như tình cảnh của bất cứ Vị Lãnh Đạo thế quyền nào muốn “tác cạn đầm”  lầy chính trường bê bối trong lịch sử xưa nay, Chúa Giêsu cũng đang bị ít là cả hai phe Do Thái thời đó chống đối, do  muốn canh tân và hoàn thiện tinh thần của đạo cũ. Hai phe đó là Biệt Phái Pharisiêu bài ngoại, bảo căn, nhiệt thành với lề luật xưa và nhóm Hêrôđê vọng ngoại đang cộng tác với chính quyền Roma thực dân thống trị.
 
 Hai phe nầy, trước kia đối nghịch nhau, nay liên kết tìm cách hại Chúa qua câu hỏi hóc búa có nên mộp thuế cho vua Cêsa – thế quyền đang xâm lặng và thống trị Do Thái – không? Trả lời có hay không đều bị xập bẩy chính trị của nhóm Herôdê và tôn giáo độc quyền của phe Biệt Phái. 
 
Chúa Giêsu thấu suốt lòng họ nên bảo họ đưa ra đồng tiền dùng để đóng thuế. Đồng tiền nầy có uy hiệu của Cê-sa/Xê-da dùng chung cho cả Đế Quốc. 
 
Nhân đây Chúa Giêsu lập lại bài học làm người có xác có hồn cho mọi thời khắp nơi: “Cái gì của Cêsa, trả Cêsa; cái gì của Thiên Chúa, trả cho Chúa”.
 
Nửa câu đầu trên, đã được thiên hạ dùng phổ thông trong hầu hết mọi lãnh vực, nhiều lúc cũng lắm lạm dụng  trong suốt 20 thế kỷ qua, để lấy lại công bằng một cách đau thương cho hạng cừu non bị áp  chế hoặc lấn lướt kiểu chó sói muốn chiếm đoạt những gì họ muốn, như trong dụ ngôn của Nhà thơ La Fontaine (1621-1695). 
 
Ở trên, Chúa Giêsu coi như chấp nhận bổn phận công dân trần thế qua việc đóng thuế (22:21) cũng như khi bảo Thánh Phêrô đóng thuế cho hai Thầy trò (Mt. 17: 24-27). Hầu hết dân chúng tại những xứ Âu Mỹ, ngoài việc đóng thuế theo luật định, còn làm thiện nguyện để mang lại lợi ích cho cộng đồng chung và riêng nơi sinh sống.  Phần lớn Dân mình và dân chúng tại những xứ nghèo, trừ một số rất ít, chưa mấy quen với tinh thần cao thượng nầy, dù có sống tại Âu Mỹ nhiều năm. 
 
Nói cách khác, mọi người đều có bổn phận góp phần xây dựng xã hội trần thế, qua tước danh Cêsa là Hoàng Đế Roma, tuỳ khả năng và trình độ của mình. Cũng vậy, vua chúa hay thứ dân phải đối xử và yêu thương nhau (Gn. 13: 34) trong việc phân chia phúc lợi cho người như cho mình. 
 
Đàng khác, mọi quyền năng trên trời dưới đất trong tay Chúa, nhưng nước Người không thuộc về thế gian nầy (Gn. 18: 36). Nên trong lảnh vực tôn giáo, người ta không thấy chổ nào trong Phúc Âm, Ngài chủ trương lật đổ thế quyền dù là ngoại lai đang thống trị, mà muốn mọi người yêu thương nhau như chính mình.
 
“Của Chúa, trả cho Chúa” là bổn phận hoặc tinh thần với niềm tin hay tôn giáo của mình. Chúa đã sinh dựng cho mình làm người bình thường, có trí khôn phần nào giống “hình ảnh” Chúa, để nhận biết và phân biệt. Tức là cho mình những ơn gọi “đoàn sủng” để phục vụ Chúa trong khả năng. Cụ thể là mình tham gia vào những hội đoàn hay những sinh hoạt đạo đức trong giáo xứ. 
 
Người Âu Mỹ đa số tự ý thức bổn phận đóng góp công của vào Giáo Hội  địa phương và trung ương một cách tự nguyện và vui lòng, có khi tới 10% lợi tức hay thu nhập trước khi trừ thuế.
 
Tại nước Đức và một số nước Bắc Âu, từ 8 – 10% được trừ thẳng từ chi phiếu lương. Những số tiền nầy được gởi tới văn phòng trung ương tôn giáo của người đóng góp hoặc tới Bộ Xã Hội nếu mình khai không tôn giáo.
 
Người tín hữu tin rằng mọi tiền của, tài năng và phúc lợi kèm theo chức vụ, đều do Chúa ban. Nay đóng góp hay trả lại phần nào cho Chúa còn ít lắm, nên chả sao. Rồi Chúa sẽ rộng lượng cho mình những thứ khác vượt quá kỳ vọng của mình nhiều khi. 
 
Trở lại Bài Đọc 2. Thánh Phaolô và hai cộng sự Silvanô và Timôthêu cùng cầu nguyện cho tín hữu thành Thêxalônica và cũng khen ngợi lòng tin, việc bác ái và niềm hi vọng, là ba nhơn đức cột trụ của những tín hữu mới nầy vào Đức Kitô. Đó là những bằng chứng xác thực của đời sống của Kitô hữu trổ hoa. 
 
Những lời rao giảng của ba vị Tông Đồ nầy với quyền năng, trong Thánh Thần và niềm tin làm cho dân Thexalônica được Chúa tuyển chọn và yêu mến trong sự nên một kỳ diệu với Cha và Con. Đó là kết quả của sứ mệnh truyền giáo lần 2 của Thánh Phaolô, khi ghé lại  thành phố nầy.
 

Dâng lời nguyện.

Xin cho tín hữu chúng con biết yêu mến tổ quốc của mình với những nhà lãnh đạo tài năng và trong sáng. Cùng xin giúp mọi người trên dưới đều là gương mẫu trong việc tuân giữ luật pháp, cho đất nước ổn định và bình an.

Xin cho người Kitô hữu biết sống đoàn kết yêu thương và nâng đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày, để trở nên ánh sáng và làm muối men cho nước Chúa, ngày thêm lan rộng giữa trần gian.

Xin cho tín hữu chúng con biết chu toàn trách nhiệm với Chúa và làm hết bổn phận trong việc cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài.

Xin cho giáo xứ chúng con ý thức thêm bổn phận Truyền Bá Tin Mừng bằng lời nói tích cực và việc làm gương mẩu trong đời sống hàng ngày.

Xin cho các bậc vua chúa văn võ quân thần các cấp khắp nơi, biết quý trọng tiền thuế là mồ hôi nước mắt công sức của  người dân, và xử dụng đồng tiền đó sao cho chính đáng, để đem lại hạnh phúc cho mọi người.