Dân Làng Hồ – Chương XIX: Giuse Ngui Lâm Bệnh Và Qua Đời

print

 

CHƯƠNG XIX

GIUSE NGUI LÂM BỆNH VÀ QUA ĐỜI

Như đã nói ở trên, trong năm 1856 đen tối này, thần chết đã cướp đi cậu nhóc Giuse của tôi. Còn tôi có bổn phận phải nhớ đến đứa trẻ thân yêu này bằng cách thuật lại tỉ mỉ những chi tiết về những ngày tháng sau cùng của cậu bé. Ngui vốn là một niềm an ủi cho tôi giữa những nỗi buồn khổ riêng tư. Trong những lúc tăm tối nhất, tôi thường trò chuyện với cậu, và lòng đạo đức sốt mến của cậu đã gia tăng lòng can đảm nơi tôi. Lòng tôi tự nhủ: “Lạy Chúa, ít ra là có người này yêu mến Chúa và chính con là người đầu tiên đã nói với cậu về Chúa rằng Chúa tốt lành biết bao”. Lần đầu, tôi tưởng giờ của cậu đã đến. Cậu bé bị bệnh sởi hay sốt xuất huyết, tôi không rõ bệnh nào trong hai bệnh đó. Cậu đau nặng đến nỗi tôi tưởng đã đến lúc phải cử hành các phép sau hết, và chuẩn bị cho cậu ra trước toà Chúa. Cậu lại trở về nhà cha mình, lúc ông Lam lãnh nhận phép rửa. Vì trong nhà quá đông người qua kẻ lại, trẻ em cười nói, ồn ào liên tục, Giuse muốn về ở bên tôi để được yên tĩnh. Một buổi chiều nọ, lúc chập tối, tôi cõng cậu trên lưng mang về nhà mình, và đặt cậu trên chiếc chiếu nằm bên cạnh tôi. Tôi thức với cậu nhiều đêm, và khi buồn ngủ quá, tôi đã thiếp đi. Nếu cần gì đến tôi thì cậu rung chiếc chuông nhỏ để đánh thức tôi dậy. Cậu bé tội nghiệp này đã đem đến cho tôi nhiều niềm an ủi hơn là khổ nhọc. Cậu có lòng nhẫn nhục của một vị thánh và cậu luôn dâng các sự đau đớn của mình cho Thiên Chúa. Bệnh nặng quá đến nỗi làm hỏng một mắt của cậu. Nhưng dù đau đớn thế nào, cậu vẫn kiên tâm chịu đựng. Lần này, Thiên Chúa đã giữ cậu lại cho tôi. Chúa Quan Phòng chỉ muốn chuẩn bị xa cho tôi đón nhận ngày mất cậu, và Người cũng muốn cho tôi hiểu rằng tôi phải thanh luyện tình cảm của tôi, tình cảm có lẽ lây nhiễm đôi chút mùi trần tục mà tôi đã dành cho hoa quả đầu tiên và ngọt ngào của tôi khi thi hành thừa tác vụ nơi miền dân tộc. Giuse Ngui đã lành bệnh và trở về nhà cha mình.

Đó là lúc lúa đã trổ bông và bắt đầu chín vàng. Vì vậy, anh em dân tộc thường ở ngoài rẫy cả ngày lẫn đêm: ngày thì xua chim, đêm thì đuổi heo rừng. Ông Lam giao cho Ngui một mình giữ một rẫy lúa. Cả tuần, cậu ăn ngủ ngoài đó. Chỉ có chiều thứ bảy, cậu phó dâng rẫy lúa cho Chúa và về làng dự lễ Chúa Nhật. Một hôm, cậu được phúc rước lễ, và sau khi cảm ơn, cậu vội vã đi ra rẫy lúa. Nhưng cũng vào chính ngày này tôi đi ra rừng và tiến về rẫy lúa của Ngui. Tôi thấy cậu ngồi bên bờ suối, cùi chỏ chống trên gối và hai tay ôm đầu. Tôi nhẹ nhàng đến bên cậu mà cậu không hề hay biết. Tôi nói với cậu: “Con đuổi chim như vậy hả?” Giật mình vì nghe tiếng tôi, cậu ngẩng đầu lên và tôi thấy gương mặt cậu tràn trề nước mắt, đôi má đỏ ửng. “Tại sao con khóc, Giuse ngoan của Cha?” Cậu đáp: “Con không biết nữa, con không biết con khóc vì vui mừng hay vì đau khổ. Điều con biết là con cảm nếm được một niềm hạnh phúc khôn tả từ lúc nước mắt con bắt đầu tuôn tràn. Con đã ngồi bên dòng nước này để lần chuỗi. Vừa đọc kinh con vừa nghĩ đến việc rước Mình Thánh Chúa sáng nay. Con cũng nghĩ đến tất cả những tội lỗi mà con đã phạm trong đời. Con thấy Thiên Chúa quá tốt và thấy con quá xấu. Ấy thế mà Chúa lại thương yêu con, nghĩ đến đó nước mắt con cứ tuôn trào. Có lẽ sự ăn năn sám hối đã làm con khóc, nhưng tại sao nước mắt lại làm con vui mừng, sung sướng? Từ lúc con khóc, con không thấy buồn nữa. Thưa Cha, xin Cha giải thích cho con. Có lẽ Cha đã thường gặp những việc này. Phần con, chưa bao giờ khóc khi cầu nguyện. Vì vậy, con xin thưa với Cha, không biết nước mắt của con là nước mắt của sự vui mừng hay đau khổ?”

Người ta có thể tưởng tượng những tâm tình khơi dậy trong tôi qua những lời nói của một em bé dân tộc vừa rồi. Tôi nói với cậu: “Giuse của Cha, con hãy hết lòng yêu mến Thiên Chúa và giữ tâm hồn trong sạch để được rước lễ thường xuyên. Chúa Giêsu sẽ làm cho con cảm nhận được rằng nước mắt do Người mà tuôn ra. Dù là nước mắt bắt nguồn từ sự ăn năn đau đớn vì đã xúc phạm đến Chúa thì cũng dịu ngọt hơn tất cả những sự vui sướng của trần gian. Tuy nhiên, con yêu dấu, con hãy cầu nguyện cho Cha với”. – “Con làm việc đó hằng ngày. Làm sao con quên Cha được? Hôm nọ, con đã nghĩ đến điều con sẽ làm nếu như bên Pháp, người ta không gửi gì cho Cha nữa. Nếu Cha không còn gì để sống, thì con tự nhủ sẽ làm việc gấp đôi, sẽ canh tác một cánh đồng lớn hơn, đủ để nuôi sống Cha và con”. Ngày phúc lành này trôi qua thật mau. Buổi tối, khi đọc kinh, nghĩ đến hình ảnh Giuse Ngui đang cầu nguyện làm tôi hết lo ra chia trí. Tôi tự nhủ: “Than ôi, lạy Chúa! Cậu chỉ là một đứa trẻ, hôm qua còn ngoại đạo, và tôi, tôi là linh mục!”  Bạn đọc yêu quý, tôi đã chẳng có lý sao khi nói và lặp lại rằng Chúa Quan Phòng không bao giờ gửi đến cho các thừa sai của Người toàn là những đau khổ, nhưng Người luôn biết pha thêm chút mật ngọt vào chén đắng?

Niềm vui khi thấy Ngui lành bệnh kéo dài không bao lâu. Chỉ ít tháng sau, tôi đã mất cậu bé sau trận ốm hai ngày. Để sửa mái nhà tranh cho cha mình, Ngui đã làm việc dưới cái nắng gay gắt mà không hề đội mũ nón gì. Khi trở xuống đất, Ngui bảo nhức đầu dữ dội. Sự nhiễm nắng đã dẫn đến cơn sốt màng não. Làm sao có thể chống chọi được với một thứ bệnh như thế ở miền đất không thầy, không thuốc này? Cậu bé nhanh chóng rơi vào tình trạng mê sảng. Vì không dự đoán được bệnh trở nặng nhanh như thế, nên tôi đã làm các phép sau hết, và không rõ cậu bé còn tỉnh táo hay không nữa. Cũng may là Ngui đã rước lễ ít ngày trước đó, và cậu bé luôn dọn mình rất sốt sắng mỗi khi rước Chúa vào lòng. Tôi đã ở bên Ngui cho đến giây phút cuối cùng và cậu bé đã tắt thở trên cánh tay tôi. Khi hấp hối, Ngui cầm trên tay cây thánh giá nhỏ mà tôi tặng cậu ngày Rửa tội. Từ ngày đó, Ngui đã luôn đeo trên cổ. Ngay cả khi mê sảng, cậu bé vẫn hôn thánh giá. Và khi có ai muốn lấy thánh giá khỏi tay cậu, thì cậu liền la lên. Điều này khiến tôi tin rằng cậu bé vẫn còn ý thức được các hành động của mình.

Thú thật, lúc Ngui trút hơi thở cuối cùng, tôi đã khóc và khóc thật lâu. Đó là đứa con của tôi! Đứa con yêu quý biết bao! Tôi lắp bắp trong cơn đau đớn: “Giuse tội nghiệp, con thật có phúc! Con lên thiên đàng với Chúa, với Thiên Chúa mà con đã nhận ra Người muộn màng nhưng lại yêu mến Người rất nhiều! Và Cha, Cha của con, Cha còn ở nơi thung lũng đầy nước mắt này, vì linh hồn Cha không trong trắng như linh hồn con. Ôi! Ít ra con đừng quên Cha! Ở trên trời, người ta không thể nào vô ơn bạc nghĩa. Còn con, khi còn ở dưới thế, con đã không vô ơn, thì lẽ nào con lại vô ơn khi ở trên trời?”

Tôi đã tắm xác, mặc đồ mới và hôn lên vầng trán bất động của cậu bé. Anh em dân tộc tụ tập xung quanh, chăm chú nhìn mọi hành động, cử chỉ của tôi. Tôi nghe có người lặp lại lời nói của những người Do Thái khi chứng kiến việc Đức Giêsu khóc Lazarô: “Xem kìa, Người yêu thương nó biết bao!” Cha của Ngui đã khóc thương đứa con yêu dấu của mình rất nhiều; nhưng Andrê Ngam lại còn đau khổ hơn nữa. Giuse là anh em tinh thần với Andrê còn hơn là anh em huyết tộc nữa. Có thể nói, về tinh thần, Ngui đã là bố của anh mình từ lúc nhờ lời cầu nguyện không ngừng và lời khuyên bảo rất đạo đức của Ngui mà người anh đã trở nên con cái Chúa.

Ở miền dân tộc, khi một người cha, một người mẹ, một người anh, chị, em nào trút hơi thở cuối cùng, hoặc lúc hạ huyệt, có một thói quen rất tàn nhẫn đó là người ta buộc phải tự hành hạ mình bằng những hành động bạo lực có thể gây thương tích nặng, đôi khi làm chết người. Nhất là những chàng thanh niên, họ thường liều lĩnh. Họ tự đâm những nhát dao vào người hoặc đập đầu vào cột nhà để chứng tỏ mạnh mẽ rằng họ thân tình với người quá cố, và thất vọng vì phải chia ly vĩnh viễn. Bà con, bạn bè của Ngam, vì biết anh rất yêu quý em mình, sợ rằng Ngam sẽ tự tử.  Để ngăn chặn thảm kịch này, họ luôn theo dõi anh. Ngam nhận thấy họ sợ hãi như thế, nên nói lớn tiếng với họ: “Bà con hiểu sai về đạo Chúa Kitô và về những tâm tình do đạo này đem lại, nên mới tưởng rằng tôi có ý định tự sát. Nếu người nào đó bắt mất em tôi, thì chắc chắn tôi sẽ giải thoát nó bằng con dao này hoặc sẽ chết với nó. Nhưng tôi biết rằng em Ngui thuộc về Thiên Chúa hơn là thuộc về tôi. Thiên Chúa đã muốn lấy lại báu vật của Người thì xin vâng theo ý Người! Vả lại, các người không biết đó thôi, một ngày kia, tôi sẽ gặp lại em tôi. Vì thế, bà con đã không hiểu được sự nhẫn nại chịu đựng của tôi.” Hôm sau, thân xác bất động của người chết đã được liệm trong một chiếc hòm gỗ, cứng như sắt và đã được chôn cất tử tế. Tôi đã khóc hơn là hát kinh cầu hồn của Hội Thánh. Tôi cũng đã cho làm một tấm bia mộ bằng loại gỗ cứng và trên đó có khắc mấy dòng chữ như sau:

HIC JACET JOSEPH NGUI

PRIMITIAE ECCLESIAE SEDANAE

NON SUMUS SICUT CAETERI, QUI SPEM NON HABENT,

PIE JESU, DONA EI REQUIEM.

Nơi đây Giuse Ngui an nghỉ

Của đầu mùa Giáo Hội Xê Đăng tiên khởi

Chúng ta không giống như những kẻ không có niềm hy vọng,

Lạy Chúa Giêsu dịu hiền, xin cho em được nghỉ yên.

Sau đó, làng Kon Trang còn di dời chỗ khác nữa. Vì thế, mộ của Giuse Ngui phải nằm ở xa làng. Hươu nai gặm cỏ xung  quanh, chim chóc hót líu lo trên những cành cây phủ rợp nấm mộ. Chính trong cảnh thanh vắng này, thi hài của đứa trẻ thân thương nằm nghỉ chờ ngày phục sinh vinh hiển.

(Còn tiếp)