Dân Làng Hồ – Chương XVI: Người Đưa Thư Bị Bắt – Bok Kiêm Bảo Vệ Chúng Tôi …

print

CHƯƠNG XVI

NGƯỜI ĐƯA THƯ BỊ BẮT – BOK KIÊM BẢO VỆ CHÚNG TÔI THOÁT KHỎI TAY NHÀ CHỨC TRÁCH AN NAM

Cha Combes và tôi còn chưa biết tin gì về cuộc bắt Đạo mới tại tỉnh Bình Định. Vì thế, vào khoảng thời gian đó, như thường lệ, chúng tôi sai hai người mang thư về cho Đức Cha Cuénot. Hai người này đã gặp Cha Verdier và Thầy Bảo gần làng Bơ Lu và được thông báo về những mối nguy hiểm tại An Nam lúc bấy giờ. Bất hạnh thay, nguy hiểm gần kề hơn nhiều và không ai có thể tiên liệu được điều đó. Lúc đi ngang qua Kon Go không xa làng Bơ Lu bao nhiêu, dân làng này viện cớ rằng trước đây Thầy Sáu Do đã phạm phải một trong những điều dị đoan của họ là đã bốc một nhúm tro trong bếp để xức vết thương cho ngựa, một điều trái phép và là điềm báo quái gở nhất. Vịn cớ ấy, họ nhất quyết bắt giữ hai người đưa thư. Chúng dễ dàng tóm được một người tên Đắc và trói anh lại. Người kia giả vờ cầm dao vung lên, bọn chúng sợ không dám xông vào. Anh ta vừa múa dao vừa đi ra khỏi làng và quay trở về. Anh tên Nghĩa, một trong những anh em người Kinh can trường nhất mà tôi từng gặp. Nhiều lần, anh đã liều chết để phục vụ cho việc truyền giáo nơi miền dân tộc. Dù luôn gặp những đối xử tàn bạo, thậm chí có lần bị bắt, bị bán làm nô lệ một thời gian, nhưng hiện giờ anh vẫn bình an. Vừa thoát hiểm, anh đã nhanh chân đuổi theo Cha Verdier và Thầy Bảo, nhưng lúc bắt kịp thì họ đã về đến nhà Cha Combes tại làng Kon Kơ Xâm rồi.

Việc Đắc bị bắt giữ có thể đem đến cho chúng tôi những hậu quả tai hại nhất. Bằng mọi giá phải chuộc lại anh ta, càng sớm càng tốt, để dân làng khỏi bán anh cho lái buôn người Kinh. Chắc chắn họ sẽ nộp anh cho các quan. Rồi đến lượt các quan, họ sẽ đánh đập tra tấn để bắt khai ra những điều có hại cho việc truyền giáo vừa mới hình thành của chúng tôi. Cũng chính Thầy Bảo phải gánh lấy nhiệm vụ khó khăn này. Thầy đến Bơ Lu rất sớm. Dân làng vẫn luôn thương mến chúng tôi nhưng không dám can thiệp. Họ nói: “Dân làng Kon Go, những người đã bắt giữ người đưa thư của các ông, mạnh hơn chúng tôi nhiều. Chúng tôi không thể giải cứu con tin và chúng tôi sẽ bại trận một cách vô ích thôi. Ông hãy đến nhờ Ba Ham”. Chắc bạn đọc còn nhớ tên Ba Ham ghê gớm mà tôi đã đề cập trước đây. Thầy Bảo liền đi gặp Ba Ham, nhưng vì muốn tránh làng Kon Go, Thầy đã đi vòng rất xa, nên đã đến quá muộn. Lúc Ba Ham đến Kon Go để trả tiền chuộc Đắc, thì lái buôn người Kinh ở Trạm Gò đã mua anh ta và đã đem anh về Trung Châu nộp cho Quan Huyện Bồng Sơn rồi.

Những lo ngại của chúng tôi đúng là có căn cứ. Khi bị đưa ra trước tòa, chàng thanh niên của chúng tôi không những hoảng hốt mà còn gần như mất trí vì quá sợ hãi. Vả lại, tính tình anh ta nhút nhát bao nhiêu thì anh Nghĩa, bạn của anh, lại gan dạ bấy nhiêu. Quan Huyện tra hỏi và ra lệnh giáng một trận mưa roi vào lưng, bắt anh phải khai ra đã đi đâu, làm gì trên xứ dân tộc xa xôi như vậy. Không cần tra tấn đến mức đó đâu, chưa gì anh đã khai rất rành mạch, rất tỉ mỉ về công việc truyền giáo cho người dân tộc, về các linh mục người Tây phương ở trên đó, về số người Kinh giúp việc, về những trạm liên lạc trên những con đường lên xuống của chúng tôi, v.v… Tắt một lời, anh ta đã không bỏ sót bất cứ điều gì liên quan đến chúng tôi mà không khai cho quan biết.

Quan huyện Bồng Sơn kinh hãi trước sự việc vừa mới khám phá; ông được biết hơn nhiều thứ ông muốn biết. Trong các xứ sống dưới chế độ độc tài này, thì việc nắm được tin tức về các tội phạm, việc biết rõ phạm nhân, việc có đủ bằng chứng trong tay, tất cả những thứ đó không ích lợi gì cho quan nếu như phạm nhân vẫn chưa bị bắt. Phải chăng do sự chểnh mảng của mình, mà quan sẽ bị quy trách nhiệm về tội không biết ngăn chặn hay trừng trị, và một khi chuyện này lọt đến tai cấp trên thì không chừng chính quan sẽ bị phạt và mất chức, nếu không có nhiều tiền đút lót?

Trong trường hợp chúng tôi nói đây, vị quan huyện tội nghiệp khiếp sợ vì đã lỡ moi ra những thông tin hệ trọng như vậy, và ông không còn chút hy vọng nào bắt được các linh mục người Tây phương vì họ đã mất hút trong các miền xa xôi, vốn là những vùng tự trị. Về phía Đức Cha, khi được cảnh báo những chuyện sẽ xảy ra, liền cử ngay một đặc phái viên mang theo năm sáu nén bạc đến nhà quan huyện. Nhưng tôi nghĩ rằng số tiền này chi tiêu không đáng, vì con người đáng thương kia đâu cần ai yêu cầu huỷ bỏ vụ việc mà ông đang lo lắng hơn bất cứ điều gì khác. Dù sao đi nữa thì vụ việc cũng không được trình lên quan tri phủ. Quan huyện Bồng Sơn giả vờ tin rằng anh Đắc bị điên. Ông cùng với Bồi Thẩm Đoàn xác nhận chẳng thể tin được những lời khai điên khùng ấy, và cuối cùng, ông thả Đắc ra.

Thầy Bảo vội vã chạy về báo tin cho chúng tôi biết công việc bất thành. Chúng tôi hết sức lo âu. Người đưa thư của chúng tôi sẽ ra sao? Hậu quả sẽ thế nào do những lời thú tội mà chắc là người ta sẽ không quên moi ra? Mặt khác, làm sao biết thêm được tin tức? Không thể nghĩ đến việc xuống An Nam bằng các con đường thông thường vì chắc chắn các lối đó đã bị canh giữ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể yên vị trên này mà không hay biết gì về những việc đang xảy ra liên quan đến chúng tôi. Cho nên chúng tôi quyết định gửi một lá thư cho Đức Cha Cuénot qua con đường của miền truyền giáo do các linh mục người Kinh thiết lập nơi xứ người Bơ Nông. Đó là một lối đi vòng quanh hết sức xa. Thay vì từ tám đến mười ngày đường thì phải đi trong hai tháng! Tháng đầu đi từ xứ Ba Na đến xứ Bơ Nông, và tháng sau từ xứ Bơ Nông đến tỉnh Bình Định qua ngã Phú Yên. Một lần nữa, chúng tôi lại giao trọng trách này cho thầy Bảo, và thầy đã can đảm chấp nhận không chút do dự. Cuộc hành trình thật lâu dài và khó nhọc nhưng Chúa Quan Phòng đã gìn giữ thầy khỏi mọi hiểm nguy. Và khi thầy đến đất An Nam, Đức Cha đã tưởng thưởng cho sự tận tâm không hề mệt mỏi của thầy bằng cách tiếp nhận thầy vào hàng giáo sĩ. Ba năm sau, thầy trở thành linh mục và lại được sai lên miền truyền giáo Ba Na như chúng ta sẽ thấy sau này.

Không lâu sau khi thầy Bảo ra đi, Bok Kiêm, bạn của Thầy Sáu Do, thủ lãnh người dân tộc, đã gửi cho chúng tôi những tin tức xảy ra ở Trung Châu. Nhờ ông, chúng tôi biết được cuộc hỏi cung người đưa thư của chúng tôi và việc anh được trả tự do như đã thuật ở trên. Chúng tôi cũng biết rằng vì sợ không truy bắt chúng tôi được, nên quan huyện mới không dám để cho vụ việc đến tai quan lớn, nhưng ông ta đã dùng mọi phương tiện và đặt các thuộc hạ của mình trong trạng thái sẵn sàng chủ động bắt giữ người của chúng tôi. Do đó, ông đã ra lệnh canh phòng cẩn mật trên tất cả các chặng đường biên giới, nhất là tại An Sơn và Trạm Gò. Ông còn ra lệnh cho viên quản đốc sở thuế tại An Sơn, kèm theo nhiều lời đe doạ dữ dằn, buộc phải bố trí thế nào để tóm gọn hết thảy chúng tôi rồi giải về cho ông, bất kể còn sống hay đã chết. Vài ngày sau, Bok Kiêm đã nhắn tin cho chúng tôi qua một người nô lệ tín cẩn, nội dung như sau: “Quan An Sơn sắp đến nhà tôi cùng với binh lính và tôi buộc phải dẫn đường cho họ đến tận nơi các ông. Họ cứ đến! Tôi sẽ dẫn họ đi vòng vo trong rừng, và họ sẽ mệt vì phải tìm các ông quá xa, rồi sẽ bỏ cuộc. Tuy nhiên, chắc có lẽ tôi buộc lòng phải dẫn họ đến cứ điểm đầu tiên của các ông. Vậy các ông nên cho di tản khỏi nơi đó trong vòng vài ba ngày. Còn việc dẫn họ đi xa hơn nữa, tức là bên kia sông Dak Bla chảy qua làng Kon Kơ Xâm, thì các ông đừng sợ gì hết: tôi hứa với các ông, chỗ đó sẽ là tận cùng thế giới đối với họ rồi”.

Thật vậy, quan huyện An Sơn đã đến nhà Bok Kiêm cùng với binh lính của mình. Người dân tộc này đã vắt kiệt sức bọn chúng bằng cách dẫn chúng đi những đoạn đường vô ích và vòng vo mãi không cùng, đến nỗi khiến cho một số binh lính đã ngã bệnh sốt rét rừng. Quan huyện chịu trách nhiệm về mạng sống của binh lính nhiều hơn là có trách nhiệm về việc bắt bớ chúng tôi. Và cũng sợ chính mình sẽ bị nhiễm sốt rét nên ông đành chửi rủa chúng tôi từ xa với những lời lẽ thậm tệ nhất nhưng cũng vô hại nhất, rồi trở về An Sơn. Thế là công dã tràng!

Trong khi đó, Cha Combes vì không thể tiên đoán sự việc sẽ xảy ra thế nào nên đã nghe theo lời Bok Kiêm, vội vã gấp hành lý để sơ tán. Ngài đã cho ông Hmur, người tân tòng của ngài, biết mọi sự đang xảy ra và bảo ông dọn đến tạm trú ở nhà ngài một thời gian. Dân làng Kon Kơ Xâm nay đã nối lại tình cảm ban đầu với chúng tôi và Cha Combes đã làm cho họ mến phục. Cho nên, họ tình nguyện mang về và cất giữ trong nhà họ một số vật dụng, đồ lễ, sách vở và tư trang của ngài, trong thời gian ngài đi vắng. Ngài đã đến Kon Trang ở với Cha Verdier và tôi trong gần một tháng. Ba anh em sống chung như thế này dưới một mái nhà trong hoàn cảnh đã khác là một niềm hạnh phúc lớn lao đối với chúng tôi. Nhưng trong tình cảnh này, dù có lời bảo đảm của Bok Kiêm, chúng tôi không khỏi sợ hãi và nhận thấy rằng khả năng gặp đại hoạ là điều luôn đè nặng tâm trí chúng tôi. Sau những khó nhọc, vất vả triền miên, sau nhiều năm dài mong đợi, cuối cùng chúng tôi cũng đã thấy mọc lên trên miền truyền giáo yêu quý này, ngày vĩ đại của đức tin, ngày anh em dân tộc bắt đầu trở lại đạo. Rồi chúng tôi lại thấy ngày tốt đẹp ấy nay được thay thế bằng màn đêm u tối, khiến cho lòng chúng tôi lạnh giá, kinh hoàng. Chúng tôi đã khấn nguyện với Đức Trinh Nữ, với Thánh Cả Giuse, với thánh Phanxicô Xavier, để nhờ lời chuyển cầu của các ngài, Thiên Chúa sẽ dủ lòng thương xót xua đuổi cơn giông tố xa khỏi anh em Ba Na yêu dấu của chúng tôi, cơn giông tố mà quỷ dữ đang đe doạ. Bởi người ta thường cầu nguyện sốt sắng khi có chuyện thiết tha muốn được nhậm lời, nên tôi tin rằng chúng tôi đã cầu nguyện thật sốt sắng.

Tôi đã quên lửng đó là những việc đạo đức, những kinh nguyện và những việc hãm mình ép xác nào. Tôi cũng đã quên thời gian kéo dài bao lâu. Tôi chỉ nhớ mỗi một chi tiết nhỏ, xin kể ra đây để cho tập hồi ký này luôn duy trì tính chân thật và sắc thái địa phương của nó. Chúng tôi đã đồng ý với nhau chỉ hút thuốc ba lần mỗi ngày thôi: sáng, trưa và tối. Có lẽ bạn đọc nào đó sẽ cười và nói: “Chà, cái kiểu hãm mình đó nghĩa lý gì đâu!” Tuy nhiên, không phải là vô nghĩa như vừa nghe đâu, nhất là sống lâu năm giữa anh em dân tộc đã làm cho thói quen xấu này trở thành một nhu cầu thực sự. Sự việc luôn xảy ra là, khi đến giờ hút thuốc, mỗi người chúng tôi cố tình nhồi thuốc làm sao để có thể hút cho lâu hết! Việc này khiến Cha Combes phải lên tiếng: “Tôi nghĩ ít nhiều gì chúng ta đã gian lận. Lẽ nào chúng ta lại tìm cách lừa dối Thiên Chúa!”

Mặc dù thất bại trong đợt xuất quân đầu tiên, nhưng quan quân huyện An Sơn vẫn cố gắng thực hiện nhiều đợt khác nữa, mong bất ngờ bắt được chúng tôi. Có lần họ đã đến tận làng Kon Jơdri, chỉ còn không đầy một ngày đường nữa là đến Kon Kơ Xâm nhưng dân làng này đã nhận được lệnh của Bok Kiêm nên đã thẳng thừng từ chối làm người dẫn đường cho kẻ thù của chúng tôi. Ôi đường lối Chúa Quan Phòng đáng thán phục biết bao! Nếu như các cuộc truy nã của nhà cầm quyền An Nam xảy ra trước đó một năm, thời điểm mà tất cả anh em các làng dân tộc đều tỏ ra thù nghịch hoặc lãnh đạm với chúng tôi, thì chắc chắn chúng tôi đã “tiêu đời” vô phương cứu chữa. Và việc truyền giáo cho người Ba Na cũng bị bóp chết khi còn trong trứng nước! Nhưng Thiên Chúa nhân lành, Đấng lượng sức gió với bộ lông chiên, lúc khởi đầu đã chỉ chia cho chúng tôi những thập giá riêng cho từng người để mỗi người cố sức vác lấy trên đôi vai yếu đuối của mình. Khi Người đưa ra một thử thách chung, nghĩa là trực tiếp nhắm vào việc truyền giáo, thì Người đã ban cho chúng tôi đủ sức chịu đựng rồi. Tôi đã lưu ý điều này và sẽ còn lưu ý nữa. Tất cả câu chuyện tôi thuật lại minh chứng rằng ma quỷ không phải là chủ thể hành động, mặc sức thao túng theo lòng ghen ghét của chúng đâu. Chúng đã bị chế ngự và Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời buông lỏng hay siết chặt sợi dây cương là tuỳ theo Thánh ý Người để cho danh Người được cả sáng và để mưu ích thiêng liêng tối đa cho con cái của Người.

Những cơ sở ở Trạm Gò, ở An Sơn và ở Bến đều đã bị phá hủy. Từ nay, chúng tôi không còn một trạm dừng chân nào dọc biên giới nước An Nam nữa. Từ nay, khi lên cao nguyên cũng như khi xuống đồng bằng, không những phải đi ban đêm mà còn phải lẩn trốn ban ngày hết sức cẩn thận. Việc vận chuyển hàng hoá gì kềnh càng một chút qua ngã An Sơn thì gần như bất khả thi. May thay, người bạn trung tín của chúng tôi, Bok Kiêm, đã giúp đỡ chúng tôi trong việc này bằng đàn voi của ông, và người Kinh không dám khám xét kỹ những hàng hoá giao phó cho viên tù trưởng đáng ngại này. Về sau, sự việc càng được trôi chảy hơn nữa. Các quan ở An Sơn thấy rõ người của chúng tôi từ An Nam lên hoặc xuống qua ngã đó, nhưng làm thế nào bây giờ? Bắt giữ họ ư? Như thế càng rối thêm, vì như tôi đã giải thích ở trên, họ không thể bắt chúng tôi được. Vậy thì cách hay nhất là nhắm mắt làm ngơ. Họ đã làm như thế và trong nhiều năm, chúng tôi ít bị quấy nhiễu hơn.

(Còn tiếp)