Dân Làng Hồ – Chương XXIV: Cha Dourisboure Về Kon Kơ Xâm – Thiết Lập Địa Sở Truyền Giáo Pơ Năng

CHƯƠNG XXIV

CHA DOURISBOURE VỀ KON KƠ XÂM –  THIẾT LẬP ĐỊA SỞ TRUYỀN GIÁO PƠ NĂNG

 

Làng Đức Mẹ Giải Thoát Kon Kơ Xâm là địa sở truyền giáo đầu tiên của chúng tôi, và là nơi các tân tòng có vẻ kiên cường nhất trong đức tin; cần phải đặc biệt quan tâm và nỗ lực làm việc để biến nó thành một cộng đoàn Kitô hữu chuẩn mực. Chúng tôi chỉ còn hai thừa sai người Âu là Cha Verdier và tôi. Tôi đề nghị Cha Verdier đến thay thế Cha Combes quá cố ở Kon Kơ Xâm. Nhưng ngài đã cảm thấy những triệu chứng lây nhiễm của căn bệnh mà ít lâu sau đó, sẽ làm ngài thiệt mạng, và có lẽ sợ rằng học thêm một thổ ngữ mới nữa sẽ vắt kiệt sức ngài. Bởi vậy, chính tôi phải nói lời từ biệt những giáo dân đáng thương của tôi ở Kon Trang. Tổng số giáo dân lúc bấy giờ là hai mươi sáu người lớn, không kể một số trẻ em và các dự tòng. Nếu là một năm trước đó, thì sự từ biệt như thế có lẽ sẽ làm tôi xót xa hơn nhiều; nhưng Chúa nhân lành đã ba lần bảy lượt lấy đi khỏi tôi những tân tòng đầu tiên và nhiệt thành nhất của tôi, và như vậy Người đã chuẩn bị tâm hồn tôi cho sự hy sinh mới này.

Toàn thể dân làng Kon Kơ Xâm, lương cũng như giáo, đều niềm nở tiếp đón tôi. Những người dũng cảm này đã từng gắn bó đặc biệt với các thừa sai; những đức hạnh của Cha Combes đã chiếm lấy tình cảm của họ. Và vài ngày sau khi tôi đến Kon Kơ Xâm, tôi đã có được một bằng chứng mới về tình thương mến mà tôi sắp kể ra đây. Hôm sau ngày Cha Combes mất, có hai người dân làng Kon Kơ Xâm đi đến một làng láng giềng tên là Kon Dơ Rey. Buổi chiều, trời mưa như trút, hai người đi vào một góc nhà để qua đêm. Các dân làng Kon Dơ Rey ngồi vây quanh bếp lửa. Một người trong bọn nói rằng ông linh mục ở làng Kon Kơ Xâm vừa mới chết. Có tiếng la lên: “Dao! Hmai!”, nghĩa là “Càng tốt! Tôi càng thoải mái”. Người nói câu đó đã ngà say, và vì trời tối nên không nhận ra có hai người làng Kon Kơ Xâm đang ngồi đó. Lập tức, hai người này vùng dậy, tiến gần đến chỗ người vừa phát ngôn và cáu gắt hỏi: “Ông linh mục đã làm điều gì gây hại đến mày mà mày vui mừng về cái chết của ông như thế?”

Bị cấm cản, người kia lắp bắp thanh minh xin lỗi rằng mình đang say, rằng Cha Combes chắc chắn đã không hề làm điều gì xúc phạm đến mình, v.v… nhưng tất cả đều vô ích.

“Không, không được, người ta không được nói những lời vô bổ như thế. Làng Kon Kơ Xâm không phải là kẻ thù của làng Kon Dơ Rey, để rồi mày có thể vui mừng về nỗi bất hạnh của nó. Chúng tao định ở lại đây qua đêm vì mưa to gió lớn; nhưng mày đã lăng nhục chúng tao thì chúng tao không thể ở lại đây thêm một giây phút nào nữa. Thôi, vĩnh biệt! Vài hôm nữa các ngươi sẽ biết”.

Và họ ra đi.

Về đến nhà, họ vội vàng thuật lại mọi chuyện cho dân làng nghe. Như một tia lửa đốt thành đám cháy, vài lời phát ngôn của anh dân tộc làng Kon Dơ Rey đã kích động lòng phẫn nộ của mọi người. Và sáng hôm sau, các bạn hữu của Cha Combes, tức là tất cả dân làng Kon Kơ Xâm, đến làng Kon Dơ Rey để đòi bồi thường danh dự đã bị xúc phạm. Nếu như làng Kon Dơ Rey là một làng thù địch, hoặc xưa nay thờ ơ lạnh nhạt thì chiến tranh đã dứt khoát bùng nổ. Nhưng may là những mối liên hệ họ hàng nối kết cư dân hai làng đã ngăn chặn mối hoạ này xảy ra. Người ta đã thương lượng với nhau và người có lỗi bị buộc phải chịu vạ hai con trâu cho sự vô ý ngớ ngẩn. Chuyện xích mích này đã xảy ra khi tôi còn chưa về ở Kon Kơ Xâm. Lúc tôi đến, dân làng muốn tặng cho tôi một con trâu như để bù lại lời nói xúc phạm đến người bạn đồng nghiệp của tôi. Tôi từ chối. Thế là người ta đã tổ chức một lễ hội cộng đồng, và cả hai con trâu được cả làng mang ra ăn nhậu vui vẻ. Sự kiện này, có lẽ, không chứng tỏ được lòng yêu mến hoàn toàn thuần khiết nơi dân làng Kon Kơ Xâm mà trong đó, phần đông họ chưa theo đạo, nhưng ít ra nó cũng cho thấy lòng chân thành gắn bó của dân làng đối với vị thừa sai.

Cha Bảo, người đã đến Kon Kơ Xâm theo sự quan phòng của Chúa đúng ngày Cha Combes chết, vẫn còn ở lại đó. Tôi nghĩ mình phải thoả mãn lòng khao khát muốn có vị linh mục trẻ này của làng dân tộc bé nhỏ. Và chính tôi đã đặt ngài ở đấy, vào khoảng cuối năm 1857. Làng này tên là Kon Sơ Lăng, nằm trên đường đi Trung Châu, cách Kon Kơ Xâm khoảng hai giờ đi đường.

Mối bận tâm đầu tiên của tôi ở Kon Kơ Xâm là tiếp tục việc giảng dạy cho những người dự tòng mà Cha Combes quá cố đã chuẩn bị cho họ được rửa tội. Công việc này cũng chẳng dễ dàng gì, bởi vì thời gian ở với người Xê Đăng đã làm tôi quên hết vốn từ Ba Na mà tôi đã từng học. Thật ra, như đã nói, tiếng Xê Đăng, tiếng Ba Na và các tiếng dân tộc khác là những thổ ngữ duy chỉ có một gốc nhưng chúng lại khá khác biệt nhau đến nỗi người ta không thể hiểu nhau nữa. Nhờ ơn Chúa, tôi học tiếng Ba Na cũng nhanh thôi. Và trong năm 1858, tôi đã ban phép rửa tội cho mười lăm dự tòng.

Từ trước đến nay, lòng đố kỵ, óc nhạo báng và tính cay cú đã làm cản trở bước tiến của chúng tôi thì hôm nay chúng đã bị khai tử trên nấm mồ của Cha Combes. Mặt khác, lòng đơn sơ và thiện chí của các tân tòng đã dần dần khiến cho chính những người ngoại đạo phải suy nghĩ và đem lòng yêu mến cái đạo lý mà nhờ đó những người theo đạo trở nên trọn hảo hơn. Từ đó mà Đức Tin Công Giáo không ngừng lớn lên tại xứ sở này, tuy ‘chậm mà chắc’ và bền vững. Mỗi năm tôi đều tìm được niềm an ủi trong việc dẫn đưa một ít lương dân hồi tâm trở về với Chúa, và tôi nhớ không lúc nào mà tôi không phải giảng dạy cho các dự tòng. Cứ lớp người này vừa được chuẩn bị và lãnh nhận phép rửa xong thì Chúa nhân lành lại dẫn lớp khác đến cho tôi. Tôi nói là Chúa nhân lành bởi vì tôi thấy rõ ràng tôi chẳng có công trạng gì trong việc ấy cả. Điều thường xảy ra là những kẻ đến với tôi lại là những người tôi ít hy vọng hơn hết. Còn những người mà tôi thúc giục khuyên bảo thì hoặc là vẫn hoàn toàn điếc không nghe lời tôi, hoặc là mãi lâu sau mới đến. Việc dẫn đưa một linh hồn trở lại đạo là công trình của một mình Thiên Chúa mà thôi. Đối với mọi người, đó là chân lý đức tin; nhưng riêng đối với các thừa sai chúng tôi thì hơn thế nữa, đó chính là chân lý mà kinh nghiệm hàng ngày cho phép chúng tôi mắt thấy tai nghe, tay sờ chạm được.

Ngược lên dòng sông Dak Bla, từ Kon Kơ Xâm đi tiếp nửa giờ đồng hồ, xuất hiện một làng dân tộc tên là Pơ Năng. Cư dân hai làng vốn có nhiều mối liên hệ họ hàng với nhau. Ở Kon Kơ Xâm được một năm thì tôi bắt đầu thường xuyên viếng thăm dân làng Pơ Năng, và giải thích cho họ hiểu Kitô giáo và bổn phận phải theo đạo này. Thoạt tiên, họ tiếp đón tôi khá lạnh nhạt, nhưng dần dần có năm ba người chịu khó nghe tôi giảng dạy. Tôi bèn cho dựng lên một căn nhà nhỏ để quy tụ họ lại, và cho một người trong các anh em người Kinh trong chúng tôi ở đó, một người có nhân đức kiên vững mà khi xưa đã từng tuyên xưng đức tin trong cực hình, tra tấn vào thời bách đạo ở An Nam.

Lúc bị bắt, ông này đang giúp việc cho một Cha thừa sai, Cha Chamaison. Tuổi trẻ của ông lúc ấy cũng đã không thể che chắn cho ông thoát khỏi sự tàn bạo của viên tổng đốc Quảng Nam, kẻ bắt ông phải chịu cực hình kiềm nguội. Cơn đau đớn tột cùng khiến ông bất tỉnh, bất động và trong chốc lát, người ta tưởng ông đã chết. Thắng trận vẻ vang nhưng lại không được phúc tử đạo, vì thế ông đã hiến thân cho cuộc truyền giáo gian khổ ở miền dân tộc. Và từ những ngày đầu tiên làm việc truyền giáo, ông đã chia sẻ tất cả những nỗi khổ nhọc, vất vả, thiếu thốn của anh em chúng tôi.

Rất đông anh em người Kinh tham gia vào cuộc viễn chinh đầu tiên lên miền dân tộc Ba Na đều đã chết hoặc bị loại khỏi cuộc chiến. Còn ông, cho đến nay vẫn tiếp tục công trình của mình từ hai mươi năm qua. Mặc dù, hiện giờ ông đã hơn năm mươi tuổi, lòng nhiệt thành của ông vẫn cháy bỏng hơn bao giờ hết. Năm 1868, ông trở về quê nhà để thăm một người em và các cháu của ông mà ông chưa hề biết mặt. Không phải vì lòng ao ước muốn thăm lại quê nhà khiến ông trở về nhưng vì ông đang thừa hưởng một số đất đai nhà cửa, ông muốn về để thu xếp việc phân chia tài sản để có thể yên lòng hơn và không còn nghĩ ngợi gì, và theo như lời ông nói, để dọn mình về nơi vĩnh cửu. Đây chính là con người mà tôi đặt ở Pơ Năng để khởi đầu cho công cuộc truyền giáo thực sự. Ông nói không rành tiếng dân tộc cho lắm, nên chính tôi phải đảm nhận việc dạy dỗ các dự tòng mà Chúa sẽ ban cho chúng tôi.

Ông thầy giảng này ở đó được vài tuần khi mà cơ hội rất thuận lợi Thiên Chúa đã soi sáng cho tôi biết phải tận dụng nó. Dân làng thay đổi chỗ ở. Nhưng theo suy nghĩ của người dân tộc thì những tập tục mê tín dị đoan lúc họ dọn đến ở nhà mới, nhất là khi dọn đến ở làng mới, thì về sau phải tiếp tục trung thành tuân giữ nếu không muốn phải chết hay gặp tai ương. Khi người ta muốn bỏ hẳn một hủ tục, thì người ta dứt bỏ lúc dọn sang ở nhà mới hay làng mới mà không thiệt hại gì. Nhân vật chủ chốt nào đảm trách đứng ra bãi bỏ hoặc đổi mới một tập tục nào đó thì hầu như chỉ một mình kẻ ấy mới phải e sợ cơn thịnh nộ của thần linh thôi. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ mình làm “con dê thục tội” cho cả làng, và nếu có thể được, đánh đổ những tập tục mê tín dị đoan, tạo thuận lợi cho đức tin thánh thiện của chúng ta. Thật vậy, chỉ vì sợ mà những người dân tộc tuân giữ các tập tục cổ truyền thôi. Họ sợ gánh chịu cơn thịnh nộ của thần linh nếu bỏ qua các tập tục đó. Cất bỏ nỗi sợ hãi khỏi họ thì cũng gần như là mở tai, mở lòng họ đón nhận lời giảng dạy của nhà truyền giáo.

Trong việc xây dựng làng mới, tập tục mê tín dị đoan buộc phải tuân giữ gắt gao nhất là khâu dựng cột nhà, sắp đặt bếp lò và việc múc nước uống lần đầu tiên nơi mạch nước mới. Tôi tự nguyện đảm nhận cả ba việc này mà bỏ qua các nghi thức thông dùng, và xin gánh chịu tất cả những hình phạt sẽ trút xuống trên đầu vì việc cẩu thả xem thường của tôi. Dân làng đồng ý. Công việc phải làm riêng cho từng nhà thì dễ dàng thôi, chỉ hơi mệt là cứ phải lặp đi lặp lại cùng những nghi thức ấy.

Cũng như ở xứ chúng ta, người chính thức đặt viên đá đầu tiên cho một công trình, chỉ có việc cầm bay, trét ít hồ lên viên đá đặt sẵn. Tôi cũng vậy, tại vị trí của mỗi căn nhà, tôi bổ xuống một nhát cuốc, rồi người trong nhà cứ thế mà đào. Lỗ đào xong, tôi sờ tay vào cây cột chính mà người ta sẽ dựng lên ở lỗ đó và tôi lại sang chỗ khác. Còn về bếp núc, thì thao tác cũng đơn giản như vậy. Trước hết, nên biết rằng bếp nấu của một ngôi nhà người dân tộc được cấu tạo hoàn toàn sơ sài. Người ta làm một cái khuôn bằng bốn khúc cây không đẽo gọt gì cả, dài một thước, bốn góc được buộc chặt bằng dây mây. Người ta đặt khuôn ở giữa nhà và đổ đất đầy vào đó. Không có vấn đề đặt ống khói; ở xứ này, khói cũng tự do bay như không khí vậy. Khói muốn nô đùa, tuỳ thích nhảy múa khắp mọi ngỏ ngách trong nhà và thoát ra đâu tuỳ nó. Việc đặt bếp nấu gồm việc bỏ vào khuôn gỗ nắm đất đầu tiên, sau đó đốt lửa mới. Tôi đã hoàn tất những công đoạn ấy cho mỗi gia đình, mà thỉnh thoảng cũng giễu cợt xúc phạm đến thần lửa và thần bếp. Làm xong, tôi đi đến mạch nước, tất cả phụ nữ trong làng đều đi theo. Đến nơi, lần lượt từng người trao cho tôi một cái ống tre và tôi chu đáo múc đầy nước cho họ.

Khi mọi sự như qui định, anh chị em dân tộc làng Pơ Năng sung sướng vì đã được giải thoát khỏi một mớ những tập tục nặng nề và tốn kém. Họ đã biểu lộ niềm hân hoan và lòng biết ơn bằng cách đãi tiệc mời tôi. Lúc trở về lại Kon Kơ Xâm, tôi đã xin họ thưởng công cho tôi bằng cách cho phép tôi mang đi một linh vật rất lớn đặt trên cổng làng cũ. Họ nói với tôi: “Chúng tôi rất vui mừng được thoát khỏi gánh nặng ấy, nhưng ai dám phạm thánh, đụng đến vị thần quyền phép đó, ai dám vui lòng gánh chịu sự huỷ diệt không thể tránh khỏi ấy.”

Họ bằng lòng giao nộp ông thần ấy cho tôi. Tôi đã đích thân hạ tượng thần ấy xuống và khi về đến làng Kon Kơ Xâm, tôi ném xuống đáy sông. Chính nơi đó, vị thần sẽ được nghỉ ngơi mát mẻ lẫn trong đất và sỏi đá. Vài ngày sau, tôi lại triệt hạ tận gốc một loại mê tín dị đoan khác liên quan đến việc đồng áng, khi đích thân tôi đốn ngã gốc cây đầu tiên tại khu rừng mà dân làng định khai hoang để canh tác vụ mùa.

Nhưng công việc của thừa sai, cốt không chỉ là huỷ hoại, bởi có lời chép rằng: “Ta đã đặt ngươi lên để ngươi phá hoại và để ngươi xây dựng, để ngươi nhổ tỉa và để ngươi vun trồng”. Sau cuộc xông pha chống ma quỉ, tôi còn phải gieo vào lòng anh chị em dân tộc Pơ Năng hạt giống chân lý, biến đổi họ trở nên những viên đá sống động của Hội Thánh. Tôi hăng say bắt tay vào việc, và vào cuối năm đầu tiên này, tôi nhận được sự khích lệ qua việc ban phép rửa cho mười lăm người đã trưởng thành: mười bốn thanh niên và một thiếu nữ. Người lớn nhất trong số các tân tòng này chưa đầy hai mươi lăm tuổi và nhỏ nhất chỉ mới mười lăm thôi. Cô Piol, thiếu nữ mà tôi vừa nói đến, từ lâu đã muốn trở thành Kitô hữu, mặc dù chưa biết đạo là gì. Trước khi bắt đầu liên hệ với làng Pơ Năng, thỉnh thoảng tôi đã gặp cô, và mỗi lần như vậy cô đều lặp lại với tôi: “Con cũng vậy, con cũng muốn biết ‘Bă Yang’ (Thiên Chúa). Khi nào thì người ta cho con biết?”

Niềm ao ước mà chính cô đã không tự giải thích và bấy lâu nay không thể loại trừ ra khỏi tư tưởng của mình, cuối cùng đã được chấp nhận. Hiện giờ, cô là một Kitô hữu tuyệt hảo.

Khi trận dịch bệnh đậu mùa lan tràn, số tân tòng ở Pơ Năng đã lên đến sáu mươi người; nhưng một nửa đã bị thiệt mạng vì căn bệnh quái ác ấy. Và rồi dần dần, sự mất mát cũng được bù đắp; vả lại, sự tiến triển tuy có chậm, nhưng ngược lại, ổn định và bền vững. Ta đừng quên rằng không thể nào trao đổi, nói chuyện lâu và thường xuyên với người dân tộc được. Ta chỉ có thể giảng dạy họ lúc chiều tối khi họ đã uể oải từ ruộng rẫy trở về; và việc này cũng chỉ thực hiện được một phần thời gian trong năm thôi, bởi vì đến mùa thu hoạch, họ phải ở lại ngoài rẫy để canh giữ hoa màu. Chính đó là một trong những nguyên nhân gây trì trệ sự tiến triển của việc trở lại đạo và làm gia tăng công việc cho các thừa sai. Cũng vì vậy mà việc dạy dỗ các tân tòng ở làng Pơ Năng nói trên đã bắt tôi phải trả giá rất đắt. Mỗi ngày, lúc mặt trời sắp lặn, tôi đến Pơ Năng và giảng dạy giáo lý một lát, rồi lại trở về Kon Kơ Xâm theo con đường mòn nhọc nhằn khó đi trong đêm tối, đôi lúc mưa trút trên đầu. Nhưng các sự khổ nhọc này đã được đền bù thoả đáng bằng niềm vui là được gia tăng một ít con chiên cho đàn chiên của Đấng Chăn Chiên Lành. Ước chi tôi lại được chịu các sự khổ nhọc như vậy mãi, miễn là chúng đem lại cho tôi cũng sự an ủi đó.

(Còn tiếp)

 

print