Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm Chúa Nhật 4 TN – Năm C

print

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN – C

Gr 1, 4-5, 17-19; 1 Cr 12, 31 – 13, 13; Lc 4, 21-30

Chủ đề: HỒNG ÂN CỨU ĐỘ

Lời Chúa: Không  một tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương mình” (Lc 4, 24).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 4 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Con Thiên Chúa đã đến trong nhà Người để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời. Thế nhưng, Người đã bị những người đồng hương chống đối, không chấp nhận mà còn muốn giết đi. Chỉ vì, Người cũng chỉ là một con người, con bác thợ mộc thành Nazareth:

Giêsu cứu chuộc muôn dân,

Chứ đâu chỉ với người thân người nhà.

Hễ ai tin nhận theo Cha,

Kẻ quen người lạ đều là công dân.

Phần ta đón nhận hồng ân,

Biết đem trao tặng nhưng không mọi người.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta xác tín vào Thần tín của Đấng giàu lòng thương xót, để chúng ta cũng được đón nhận hồng ân Cứu độ. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

  1. Lạy Chúa, Chúa đến để kêu gọi chúng con can đảm làm chứng nhân cho Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

  1. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã mạc khải cho chúng con gia đình của Thiên Chúa dành cho những ai thi hành thánh ý Chúa Cha. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

  1. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con hãy sống bác ái yêu thương. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Trong quyền năng và tình thương dành cho loài người, Thiên Chúa hoàn toàn tự do khi hướng dẫn, dạy dỗ và ban bố mệnh lệnh cho con người. Tuy nhiên, trong thực tế, Thiên Chúa ít khi trực tiếp ban bố những chỉ thị, mệnh lệnh. Ngài thường sử dụng trung gian qua các tổ phụ, các ngôn sứ. Ngôn sứ phải được Thiên Chúa tuyển chọn. Vì thế, ngôn sứ không còn thuộc về ai khác, cũng không thuộc về chính mình, nhưng thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã chọn gọi mình để nói lời của Thiên Chúa: “Ngươi phải thắt lưng, hãy chỗi dậy và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy ngươi”. Ngôn sứ được chọn gọi và trang bị như thế để có khả năng đương đầu với mọi thách đố, dù bị người ta chống đối, nhạo báng, lăng nhục và có khi bị giết chết vị ngôn sứ vẫn luôn trung thành với sứ mạng. Ngôn sứ Giêrêmia được nhắc đến trong bài đọc 1 hôm nay là bằng chứng khẳng định những điều trên. 

Thưa anh chị em, ngôn sứ Giêrêmia là hình ảnh tiên báo về Đấng sẽ đến được Chúa Cha tuyển chọn và được Thánh Thần xức dầu, sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, thành Nazareth. Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại, Chúa Giêsu trở về Nazareth quê hương của Người. Với những phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện tại Caphanaum, dân thành Nazareth hồ hởi đón tiếp và chờ đợi những phép lạ Người sẽ thực hiện cho quê hương. Sau khi nghe Chúa Giêsu đọc Kinh Thánh và giảng dạy tại Hội đường, dân làng Nazareth đã có phản ứng đầu tiên đầy tích cực: “Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra”. Tuy nhiên, cái thán phục của họ đầy ích kỷ và thách đố: họ chờ đợi Chúa Giêsu phải làm cho họ những gì Người làm ở Caphanaum. Còn Chúa Giêsu, Người không muốn giới hạn sứ mệnh của mình trong một nơi, dù là quê hương hay một dân tộc: “Ta còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho nhiều thành khác nữa. Chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Ở đây, Chúa Giêsu không muốn ai độc quyền chiếm hữu Người. Dân làng Nazareth không có quyền đòi hỏi Người dù với tư cách “đồng hương” với Đấng Messia, con bác thợ mộc Giuse. Đấng đem đến ơn cứu độ. Ơn cứu độ là một ân sủng. Vì những người đồng hương không hiểu được đặc tính ân sủng và phổ quát này của ơn cứu độ, nên họ chống đối, ném đá, không chấp nhận Người mà còn muốn giết đi nữa. Vì thế, số phận của Chúa Giêsu cũng giống như số phận của các ngôn sứ, bởi vì: “Không một ngôn sứ nào được đón tiếp nơi quê hương mình”

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Kinh nghiệm của Giêrêmia và dân thành Nazareth xưa giúp chúng ta có thái độ sống thiết thực đối với Tin Mừng cứu độ. Con người không có tư cách gì để đòi hỏi ơn huệ từ Thiên Chúa, không phải những liên hệ máu mủ, đồng hương, đồng chủng có thể đòi hỏi ơn cứu độ của Đấng Messia. Ơn cứu độ của Thiên Chúa trước hết hoàn toàn là một ân sủng, một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Không ai có quyền chiếm hữu cho mình và cũng không ai được độc quyền chiếm hữu ơn cứu độ. Hiểu được như thế, chúng ta sẽ có thái độ khiêm tốn và tạ ơn về hồng ân cứu độ đã lãnh nhận do bí tích rửa tội. Cách thức cảm tạ và rao truyền ơn cứu độ đã được thánh Phaolô trong bài đọc 2  hôm nay mời gọi, đó là bác ái. Chính bằng đời sống kiên tâm, nhân hậu, không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cây tất cả, chịu đựng tất cả. Đời sống bác ái này là lời cảm tạ và rao truyền tuyệt vời về hồng ân cứu độ.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn biết vâng nghe và sống lời Chúa dạy, để chúng ta được hạnh phúc đón nhận hồng ân Cứu độ như Chúa hằng mong muốn. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn văn Quang.