Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm CN 32 TN C

print

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN – C

2 Mcb 7, 1-2. 9-14; 2 Tx 2, 15 – 3, 5; Lc 20, 27-38

Chủ đề: TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI

Lời Chúa:“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa” (Lc 20, 28).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 32 thường niên hôm nay khẳng định cho chúng ta có sự sống đời sau. Sự sống đó cũng không còn lệ thuộc bởi vật chất. Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống và con người là họa ảnh của Thiên Chúa, nên con người cũng được thừa hưởng sự sống thần linh của Chúa:

Vì tin xác sẽ phục sinh,

Bảy con cùng Mẹ hy sinh thân mình.

Chúa còn củng cố niềm tin,

Chết rồi sống lại thân hình đổi thay.

Ta luôn ghi nhớ điều này,

Chính khi ta chết là ngày hiển vinh.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta xác tín vào sự Phục sinh của Chúa và xác loài người ngày sau sống lại, để giúp chúng ta sống một cuộc đời tròn đầy ý nghĩa hơn và mai sau cùng được sống lại hưởng phúc muôn đời. Với niềm xác tín đó, giờ đây chúng ta thành tâm sám hối.

Sám hối:

1. Lạy Chúa, Chúa là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Chúa sẽ không chết bao giờ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

2. Lạy Chúa Kitô, Chúa là niềm hy vọng của những người đã chết. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

3. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện để đón chờ ngày Chúa đến. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ. Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Vào những tuần cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội hướng lòng chúng ta vào sự sống lại của ngày tận thế, giúp chúng ta biết lợi dụng năm tháng hiện tại để chuẩn bị những hành trang cần thiết hầu sẵn sàng lên đường. Nếu chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận, thì cái chết đến rất nhẹ nhàng, bình an. Ngược lại, nếu ngụp lặn với các thứ đời này, thì cái chết quả là bất hạnh. Cuộc sống ở đời này rất bấp bênh, kết thúc lúc nào không ai hay biết. Vì, “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”!. Chính vì thế, tỉnh thức sẵn sàng và xác tín rằng, xác loài người ngày sau sống lại là sứ điệp của phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta.

Thưa anh chị em, niềm tin vào thân xác sẽ sống lại trong lịch sử dân Israel được Cựu ước hé mở và triển nở đặc biệt trong cuộc kháng chiến dành độc lập, chống lại đế quốc xâm lăng của nhà vua Hy lạp Antiôkhô vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên, mà câu chuyện tử đạo của mẹ và bảy anh em nhà Macabê được bài đọc 1 hôm nay tán dương. Trước lệnh của nhà vua Antiôkhô cưỡng bức phá bỏ lề luật, tất cả họ đều can đảm tuyên xưng niềm tin có sự sống đời sau, và lòng trung tín đối với lề luật chống lại quân vô đạo, bắt ép họ bỏ lề luật cha ông bằng cái chết của mình. Họ thà chết chứ không chấp nhận vâng theo lệnh nhà vua mà từ bỏ lề luật. Họ tuyên xưng rằng: “thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn”. Tất cả đều can đảm chấp nhận chết cho lề luật vì cùng có sự sống lại đời sau. Cũng thế, vào thời Chúa Giêsu, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người rất bảo thủ, không tin có sự sống lại, họ đến gần Chúa Giêsu và đưa câu chuyện bảy anh em cùng lấy một người phụ nữ làm vợ để bác bỏ sự sống lại đời sau. Để trả lời vấn nạn này, Chúa Giêsu điều chỉnh quan niệm sai lầm về sự sống lại. Thật thế, người Do thái tin rằng khi sống lại, người ta sẽ tiếp tục cuộc sống ở trần gian này. Thế nhưng, sự sống lại không phải chỉ là tiếp nối sự sống trần thế. Đây sẽ là sự sống giống như của các thiên thần, người ta sẽ không cưới vợ lấy chồng nữa. Đây sẽ là một cuộc tạo dựng mới, một sự biến đổi tận căn triệt để, được tham dự vào ánh sáng mới huy hoàng của Thiên Chúa, được tham dự vào vinh quang chói lòa, được gọi là con Thiên Chúa, và sự sống này chỉ dành cho những người công chính là những người được xét xứng đáng tham dự vào vinh quang đời đời, trong khi đó những người tội lỗi thì không được tham dự vào sự sống này, nhưng họ sẽ phải bị chết tủi nhục muôn đời. Chúa Giêsu cũng đã nhắc lại câu chuyện Môsê trong bụi gai bốc cháy để đáp lại lập luận phi lý của các tư tế: “Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Với sự xác tín về sự sống lại được trình bày trong bối cảnh tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, là cơ hội thuận tiện để chúng ta xác định niềm tin và nhờ đó, chúng ta biết dành những công nghiệp do các việc lành hàng ngày của đời sống chúng ta cho các đẳng linh hồn, để xin Chúa giải cứu các ngài khỏi cảnh đau thương, mà đưa vào thiên đàng hưởng cuộc sống mới của các thiên thần. Đồng thời, chúng ta biết nỗ lực hoán cải đời sống nên tốt hơn, cầu nguyện và hợp tác với Giáo hội trong công cuộc rao giảng Tin mừng. Chính cách sống như thế, sẽ là chứng tá Tin mừng mới nhắt nhở cho đồng loại về những giá trị cao quý tiềm ẩn trong cuộc sống bình thường hôm nay.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết sống trung thành và làm chứng cho Chúa ở đời này, để xứng đáng được Chúa ân thưởng Nước Trời mai sau. Amen.  

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang