Đàng Thánh Giá năm 2022: Các gia đình chia sẻ nỗi đau mất mát và sự kinh hoàng của chiến tranh
Ngày 11/4/2022, Vatican đã phổ biến các bài suy niệm của 15 gia đình viết cho buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại đấu trường Colosseo vào tối thứ Sáu Tuần Thánh. Các bài suy niệm đưa ra những khía cạnh khác nhau về nỗi đau mà cuộc sống có thể mang lại, sự kinh hoàng của chiến tranh và sự khắc nghiệt của cuộc sống của những người di cư ở các nước đón nhận họ.
Mười lăm gia đình liên kết với các hiệp hội và cộng đoàn thiện nguyện Công giáo đã được Đức Thánh Cha uỷ thác viết các bài suy niệm, vì năm nay là Năm Gia đình Amoris Laetitia, kỷ niệm 5 năm Đức Thánh Cha ban hành tông huấn Amoris Laetitia.
Các bài suy niệm đề cập đến các gia đình trong cuộc sống hàng ngày của họ, những niềm vui của tình yêu thương được chia sẻ, những vấn đề lứa đôi, những lo lắng cho con cái, đau khổ bệnh tật, đau đớn vì mất vợ hoặc chồng. Cũng có những người sống trong cảnh chiến tranh như hai dân tộc Nga và Ucraina, hoặc những người đã phải đối mặt với việc rời bỏ đất nước của họ để tìm kiếm một tương lai ở nơi khác và chỉ được gọi là người di cư.
Đó là những lời than phiền, tình trạng bấp bênh, những nhu cầu, những thương tích, nhưng cũng là lòng can đảm, sự tha thứ, lời cầu nguyện và hy vọng.
Các bài suy niệm đi từ khó khăn tài chính của các cặp vợ chồng trẻ đến thử thách của việc làm cha mẹ, và từ nỗi đau mất mát đến những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như chiến tranh.
Chặng I
Đàng Thánh Giá bắt đầu với suy tư của đôi vợ chồng trẻ về những khó khăn của họ, bao gồm việc chứng kiến những cuộc hôn nhân đổ vỡ của bạn bè, tình yêu của họ chưa được thử thách và tính toán trang trải cho cuộc sống. Họ nhận ra rằng “hôn nhân không chỉ là một cuộc phiêu lưu lãng mạn; nó cũng là vườn Ghết-sê-ma-ni: nỗi thống khổ mà chúng ta cảm thấy trước khi hy sinh cho người khác.”
Chặng II
Sau đó, một gia đình truyền giáo chia sẻ khó khăn của họ trong việc tin vào Chúa Quan Phòng, khi họ chứng kiến sự kinh hoàng của chiến tranh và bị cám dỗ đáp trả bằng bạo lực hay muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, hàng ngày họ phải đấu tranh để chống lại cám dỗ phản bội chính Chúa Ki-tô đang hiện diện trong những người nghèo nhất trong các anh chị em của Người.
Chặng III
Chặng thứ 3 được suy niệm bởi một đôi vợ chồng già không có con. Họ cho biết họ thường bị thương tổn bởi những bình luận tiêu cực của người khác vì họ không có con. Nhưng họ chia sẻ, “chúng tôi vẫn tiếp tục tiến bước mỗi ngày, cùng nắm tay, cùng nhau quan tâm đến một cộng đồng anh chị em và bạn bè mà theo thời gian, chúng tôi đã trở thành một mái ấm và một gia đình.”
Chặng IV
Trong chặng thứ tư, một gia đình có nhiều con lại chia sẻ rằng các dự án cá nhân và mục tiêu nghề nghiệp đã nhường chỗ cho gia đình. Chắc chắn là không dễ dàng nhưng cách thức này hoàn toàn đẹp hơn nhiều. Họ nói: “Bất chấp những lo lắng của chúng tôi và những ngày rất bận rộn, chúng tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.”
Chặng V
Một cặp vợ chồng khác nói rằng người con trai bị khuyết tật của họ đã bị phán xét ngay cả trước khi được chào đời, vì các bác sĩ nói với họ rằng đứa con sẽ là “gánh nặng cho ông bà và xã hội: ‘hãy đóng đinh nó.’” Nhưng người con này không làm gì sai; và họ đã chọn sự sống.
Chặng VI
Trong chặng thứ 6, một gia đình đã biến ngôi nhà của họ thành tổ ấm cho nhiều người khác chỉ ra rằng nỗi đau có sức mạnh thay đổi chúng ta và nhắc nhở chúng ta về sự đơn giản của phẩm giá con người.
Chặng VII
Chặng thứ 7 được suy niệm bởi một người đàn ông có vợ bị chẩn đoán mắc một căn bệnh khủng khiếp. Theo ông, căn bệnh bất ngờ ập đến đặt ông và vợ trên thập giá nhưng cũng khiến họ trở thành nền tảng của gia đình.
Chặng VIII
Trong chặng thứ 8, hai người là ông bà ngoại so sánh hoàn cảnh của họ – có người con gái và 5 đứa cháu ngoại đang sống cùng do một cuộc hôn nhân thất bại – với hoàn cảnh Chúa Giêsu được ông Simon thành Si-rê-nê giúp đỡ để vác thập giá. Họ nói: “Bước chân của chúng tôi run rẩy và vào ban đêm, sau khi cười, chúng tôi thấy mình đang khóc với lòng trắc ẩn. Tuy nhiên, việc trở thành “bình dưỡng khí” cho gia đình con cái chúng tôi là một món quà mang lại những cảm xúc mà chúng tôi đã có khi chúng còn nhỏ. Bạn không bao giờ ngừng làm mẹ và làm cha.”
Chặng IX
Một đôi vợ chồng đã nhận nuôi hai đứa trẻ chỉ ra rằng việc nhận con nuôi luôn là kết quả của việc trẻ em bị bỏ rơi, và tình trạng này để lại vết thương lòng sẽ mãi chảy máu. “Nhận con nuôi là một thánh giá mà cha mẹ và con cái cùng nhau gánh trên vai, gánh vác nó, cố gắng xoa dịu nỗi đau nhưng cũng ôm nó như một phần cuộc đời của đứa trẻ… Tuy nhiên, mỗi ngày, chúng tôi thức dậy và biết rằng điều đó thật đáng giá; rằng mọi nỗ lực của chúng tôi không vô ích; rằng thập giá này, vì tất cả nỗi đau của nó, ẩn giấu một hạnh phúc bí mật.”
Chặng X
Ở chặng thứ 10, một người mẹ góa bụa có hai đứa con chia sẻ nỗi đau của mình, và tự hỏi nếu Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, sao Người lại không cứu chồng bà. “Nhưng những vết thương của Chúa Giê-su trên thập giá trở thành một kho tàng, suối nguồn của những mối liên kết và mối quan hệ mới và gần gũi hơn. Tình yêu trở thành hiện thực, bởi vì, trong vực thẳm của nỗi đau và giữa những khó khăn của chúng tôi, chúng tôi biết rằng mình không bị bỏ rơi.”
Chặng XI
Một người cha và người mẹ có con trai là tu sĩ chia sẻ sự hoài nghi và khó khăn khi chấp nhận ơn gọi của con họ, thừa nhận rằng họ đã bỏ mặc con. Nhưng họ đã nhận ra không ai có thể chống lại Chúa. Như người trộm lành, họ cầu xin Chúa Giê-su nhớ đến họ khi Người đến trong Vương quốc của Người.
Chặng XII
Khi Mẹ Maria nhìn Con Mẹ trên thập giá, một người mẹ khác lặng lẽ đứng bên cạnh khi đứa con gái nhỏ của bà – và sau đó là chồng của bà – qua đời. Bà chia sẻ nỗi đau khi chứng kiến gia đình mình bị thay đổi, và nhớ lại những lời duy nhất đã mang lại cho bà một sức mạnh nào đó: “Thiên Chúa không kêu gọi những người mạnh mẽ, nhưng Người củng cố những ai Người kêu gọi.”
Chặng XIII
Bài suy niệm ở chặng 13 được viết bởi hai người: một người Ucraina và một người Nga. Họ đã cùng nhau viết về nỗi đau của cái chết và sự hủy diệt – cuộc sống dường như mất đi ý nghĩa và sự căm ghét nhường chỗ cho sự vô vọng và im lặng.
Chặng XIV
Một gia đình trở thành di dân đã suy niệm chặng cuối cùng. Ở quê nhà, họ quan trọng; bây giờ ở quê người họ chỉ là những con số và danh mục. Ngay cả việc là người Công giáo dường như cũng là thứ yếu so với thực tế là họ những người di cư, và vì vậy họ hy sinh mỗi ngày để con cái của họ có cơ hội sống không có bom đạn, máu và sự bắt bớ.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News