Một Cuộc Đời Phải Dám Dấn Thân

print

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM A – 2020

Một Cuộc Đời Phải Dám Dấn Thân

Lm. Giuse Nguyễn

Tôi có người bạn sáng nào cũng dậy sớm để chăm sóc Rồng Nam Mỹ là một loại thú cưng: Tắm, phơi nắng, bào thức ăn, cho thú ăn… Anh chia sẻ, tuy cực nhưng rất vui, chưa nói tới việc nguy hiểm vì bị cắn bất cứ lúc nào… Anh khẳng định, chỉ có đam mê mới nuôi được loại thú này. Đam mê nói theo khía cạnh khác chính là sự dấn thân.

Như những người mẹ mà báo chí ca ngợi trong thời gian gần đây, dám từ chối điều trị ung thư để sinh con ra được lành mạnh. Chấp nhận bệnh tật, đau đớn, và cả nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì đứa con của mình. Đó là sự dấn thân mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, để ta kết luận: cuộc đời chỉ ý nghĩa khi dám dấn thân.

Sự dấn thân của Giêrêmia trước lời mời gọi của Thiên Chúa trong bài đọc thứ nhất (Gr. 20, 7-9) được diễn tả thành sự “quyến rũ”: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Sự quyến rũ đó thành một đam mê khiến chàng thanh niên 18 tuổi không thể từ chối được để anh dấn thân trở thành một ngôn sứ chịu nhiều đau khổ vì anh vốn là một người nhạy cảm. Từ sự “quyến rũ” của Thiên Chúa, anh đã có “đam mê” để “dấn thân” mang lại ích lợi cho cuộc đời ngôn sứ của anh và cho cả những ai biết nghe lời ngôn sứ.

Cũng tâm tình đó, Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai (Rm 12, 1-2) đã khuyên các tín hữu thành Rôma: “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”. Như vậy “hiến dâng thân mình” cũng chính là đam mên, là sự dấn thân để cuộc đời mình thêm ý nghĩa và mang lại lợi ích cho người khác.

Đức Giêsu đến thế gian này là “dấn thân”, là “hiến dâng thân mình”. Nhưng sự dấn thân và hiến dâng thân mình phải vì động lực nào. Đức Giêsu hoàn toàn đến để làm theo ý Chúa Cha, vì “Lương thực của  Thầy là thi hành ý muốn của Cha Thầy” (Ga 4, 34). Việc “Người phải lên Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết” (Mt 16, 21) là thánh ý Chúa Cha, là con đường duy nhất mang đến ơn cứu độ cho nhân loại.

Tuy nhiên Phêrô không muốn Thầy mình đi con đường đó vì nó đòi hỏi sự dấn thân, đau khổ, và cả chết chóc nữa. Ông muốn Thầy đi con đường nào nhẹ nhàng, thoải mái, và có vẻ vinh quang nữa để ông và anh em được nhờ: “Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16, 22). Đây là sự bao bọc, chở che, thái độ của người lớn dành cho kẻ nhỏ. Phêrô hoàn toàn có ý tốt. Tuy nhiên ông đã sai khi có ý định “dẫn lối” cho Con Thiên Chúa. Đức Giêsu sửa sai cho ông bằng việc ông “lui lại đằng sau Thầy”, nghĩa là phải theo Thầy, chứ đừng bắt Thầy theo con.

Như vậy dấn thân trong đời sống đức tin của kitô hữu là bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá. Đừng như Phêrô muốn đi phía trước Thầy Giêsu để dẫn Ngài theo sự dễ dãi của thế gian, vì đó chính là những cơn cám dỗ mà Ngài đã từng bị ma quỷ dụ dỗ.

Linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên đã cảm nghiệm: Từng ngày qua đời con vui dấn thân trong tình yêu vươn lên để hiến dâng. Ngày tháng qua Chúa đã biết rồi: sống cho Ngài vẫn là một điều khó, thuộc về Ngài là thách đố cho con, có nhiều phen sức con đã mỏi mòn, nhưng Chúa đòi con dâng cho Ngài tất cả để chẳng có gì còn lại ở trong con.”

Quả thật dấn thân là một điều khó vì nó đòi hỏi ta phải quên mình. Quên mình sao được khi xã hội ngày hôm nay quá đề cao đến cái tôi, đến bản thân của mình. Hơn thế nữa, quên mình sẽ có cảm giác mất mát, tiếc nuối; trong khi con người tìm kiếm cảm giác sở hữu và thỏa mãn.

Đảng Dân Chủ của Hoa Kỳ đã chọn một người phụ nữ phò phá thai là bà Kamala Harris để ứng cử chức phó tổng thống. Bà đề cao quyền lợi của người phụ nữ mà quên đi sự sống phải được bảo vệ ngay khi nó được hình thành để bà cho phép phá thai kể cả người phụ nữ trước khi sinh con, nếu không thích. Quyền lợi của con người ở chỗ thích hay không thích. Rõ ràng con người đang tìm kiếm cái tôi cá nhân, sự thích thú và bằng mọi giá để bảo vệ nó. Trong khi bà Trump, đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ đã phát biểu trong đợt vận động bầu cử cho chồng mình mà không có Bà đã dùng cơ hội này để đề cập đến những đau khổ nhân sinh, kêu gọi sự cảm thông, hiệp nhất và lòng nhân ái. Nói tắt một điều, diễn từ của bà Trump có phong thái và khẩu khí yêu thương, tha thứ và thông cảm như diễn văn của Đức Giáo Hoàng. Nó mời gọi người ta một sự dấn thân cụ thể trong xã hội cho nhân loại được tốt hơn.

Sự dấn thân là rất khó, nhưng sẽ làm được nếu ta biết dâng tất cả cho Chúa: “nhưng Chúa đòi con dâng cho Ngài tất cả để chẳng có gì còn lại ở trong con.” Trong Chúa, thuộc về Chúa người ta sẽ dễ dàng dấn thân, quên mình để lo cho người khác như Đức Kitô.

“Kỳ tích của đôi bạn cõng nhau đến trường viết tiếp giấc mơ đại học” là chủ đề một bài viết của báo Dân Trí viết về người bạn tình nguyện trở thành đôi chân cho bạn mình trong suốt 10 năm qua, giờ họ đã đậu tốt nghiệp với số điểm rất cao. Họ đã viết nên câu chuyện về tình yêu thương và lòng hiếu học khi họ đã không nghĩ đến bản thân mình mà biết quan tâm đến người khác.

Hay như người cha nghèo, mặc dù không đủ kiến thức, không đủ suy nghĩ để dại dột bắt sống con rắn hổ mang chúa, động vật ghi trong sách đỏ và cực độc để bị rắn cắn phải lâm vào tình trạng nguy kịch. Nhưng phía sau câu chuyện đó là sự quên mình của một người cha vì ông bắt rắn để có tiền đóng học phí cho con.

Còn nhiều lắm những câu chuyện, những hình ảnh của những người dám dấn thân để tô thêm vẻ đẹp cho đời.

Từ đó mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi hãy vượt qua cái tôi cá nhân của mình để sống có ích cho gia đình, cho xã hội, cho Giáo hội. Có nhiều người vợ, người mẹ như thánh nữ Mônica, thầm lặng hy sinh cho gia đình, ướt đầm với những giọt nước mắt trong đau khổ, càu nguyện nhưng người chồng, người con nào có hay, vẫn cứ sống cho riêng bản thân mình, miễn là mình thích.

Có nhiều người trẻ đã biết nghĩ cho cha mẹ, cho xã hội, cho Giáo hội để sống thật ý nghĩa cuộc đời mình. Họ đã biết lao động kiếm thêm thu nhập cho gia đình thay vì ham chơi với chúng bạn. Họ đã biết từ khước những lời mời gọi khám phá những điều lạ lẫm, nhưng nguy hiểm, vì họ không muốn cuộc đời mình gặp hiểm nguy. Họ đã biết định hướng cho tương lai của mình bằng một lý tưởng cao đẹp như sẽ trở thành linh mục, trở thành bác sĩ, giáo viên…

Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi dám dân thân. Và sự dấn thân chỉ thành công khi dám quên mình. Sự quên mình chỉ có được khi bám vào Đức Kitô.

Xin Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và các thánh cho chúng con một lý tưởng đẹp để dám dấn thân, quên mình vì lý tưởng đó. “Đức Kitô là lý tưởng của mọi lý tưởng”