Dạy Em Ngoan Đạo – Abbé G. Courtois:Trật tự và tổ chức

print

Dạy Em Ngoan Đạo – Abbé G. Courtois:Trật tự và tổ chức

 

Vô trật tự mà đẹp là một nghệ thuật. Đúng, nhưng đó chỉ dành riêng cho phòng khách. Trên bàn làm việc của vị chỉ huy không như thế được.

Đâu cũng cần có trật tự, nếp sống chồng chất của bạn càng không thể thiếu trật tự.

Trật tự giúp bạn không phí công tìm kiếm, nên rất lợi thời giờ.

Sắp đặt thế nào để khi cần đến bạn dễ dàng thấy ngay, tránh được sự bực bội.

Luôn thấy rõ như cầm trong tay nơi để hồ sơ can hệ và giấy tờ cần thiết.

Bạn sắp đặt cho từng thời giờ cũng là tốt. Nhưng đơn giản hơn là lúc nào cũng sẵn có trật tự.

Nếu bạn sắp xếp dần sau mỗi việc đã thực hiện, sau này khi cần sắp xếp toàn thể sẽ mau hơn và được lợi thời giờ.

Sử dụng thứ gì xong, xếp ngay vào chỗ của nó. Đây là một thói tốt, kẻ ít người nhiều theo tính chất ai cũng có thể tập được. Nhưng để thành tập quán, ai cũng phải tập luyện với bất cứ giá nào, nếu muốn được luôn bình tĩnh và có dư thời giờ.

Đòi buộc các cộng sự viên trung thành giữ luật sơ đẳng này để có được trật tự chung cho tập thể. Luật đó là: đồ dùng, sách vở, sổ sách vv… sử dụng rồi phải để ngay vào chỗ dành riêng cho mỗi thứ. Luật này phải được tuân giữ gắt gao không khoan nhượng.

Tập cho các em quen giữ trật tự: như trong cuộc chơi, trong đồ đạc cá nhân: nón, quần áo, giày dép. Thỉnh thoảng nên xét vali, túi rết, xắc… Không tha thứ cho các em để thực phẩm chung với quần áo dơ.

Nên tổ chức thi đua giữ trật tự trong các đội. Mỗi đồ để trật chỗ, cả đội phải phê bình hay phải bớt điểm.

Dán yết thị và nhắc nhở luôn hai khẩu hiệu: “Vật nào nơi ấy”. “Việc nào giờ ấy”.

Có thể phải dành thời gian lâu mới đạt được điểm này. Điều đó gây phản ứng nơi nhiều bạn bè. Nhưng bạn không mất giờ đâu, bởi vì bạn đã giúp các em chiến thắng oanh liệt với tính cẩu thả, vô tâm, bừa bãi.

Càng bận rộn càng không được lãng phí thời giờ. Phải ý thức bậc thang các giá trị. Mỗi ngày phải hoạch định chương trình hành động, và bao nhiêu có thể bạn thực hiện đúng giờ đã ghi.

Gặp việc ngại làm, phải làm ngay nếu có thể, hoặc lúc thuận tiện. Lúc ấy phải chấm dứt ngay những do dự, lần chần và các việc vô ích.

Đừng trì hoãn những việc có thể làm ngay.

Đừng chậm trễ về giấy tờ sổ sách thư từ và bất cứ việc gì không hôm nay thì ngày mai cũng phải làm.

Nếu chất đống công việc lại để chờ khi nào có nhiều giờ hơn, không khi nào bạn hoàn tất được các việc ấy. Bạn luôn bị chểnh mảng và sự chểnh mảng sẽ dẫn bạn đến nhiều sai lầm và nhiều mệt nhọc không đáng.

Nên tập thói quen trả lời thư ngay, dù chỉ là một giấy chứng, một tin người xin được biết. Bạn nhớ luôn câu ngạn ngữ: “Cho mau là cho hai lần”.

Nếu thư trả lời đòi phải nghiên cứu tìm tòi một vấn đề gì không thoả mãn ngay được, bạn gởi lại một danh thiếp biên nhận, và để thư ấy vào mục thư khẩn cho dễ nhớ.

Không có thời biểu rõ ràng và nhất định, cuộc sống sẽ bị phí phạm, vì phần lớn thời giờ chỉ loay hoay xem phải làm gì và làm thế nào.

Điều gì thường xảy ra? Bất ưng bạn nghĩ đến một việc phải làm, nhưng vì bận hay không quan tâm, bạn đã không ghi nhớ. Có lúc bạn lại nghĩ đến việc ấy, nhưng vì lẽ nọ lý kia bạn lại khoan giãn. Lần thứ ba việc ấy lại được nhớ đến và bạn chú tâm đem ra thực hành. Sự kiện xung quanh khiến việc thực hành trở nên cấp bách. Bạn bắt tay vào việc, nhưng vì đã nhiều phen lần lữa, bạn không còn bao nhiêu hứng khởi. Bạn không còn nhiều giờ tập hợp các nguyên tố để thành toàn, nên công việc chỉ đạt một nửa.

Phương pháp đúng đắn là thế này: Nếu việc không dài ngày bạn nên làm ngay, miễn là không gây trở ngại cho công việc khác đang tiến hành tốt. Không vậy, bạn ghi vào sổ tay và ấn định ngay thời giờ làm. Thời gian ấy tới, bạn thực hiện cái một.

Khi cảm thấy túi bụi, bạn ngồi xuống lấy bút chì và tờ giấy ghi tất cả các việc phải làm theo thứ tự cần thiết và cấp bách. Rồi thực hiện ngay theo thứ tự đã ghi. Bạn hết mình dấn thân vào việc không còn so đo nữa.

Bạn hãy quý mến ghi chép những ý tưởng hữu ích xảy đến trong trí. Ghi chép ngay khi nó vừa xuất hiện kẻo nó biến mất không hy vọng trở lại, sau đó lại tiếp tục đến với công việc đã khởi sự.

Đừng bao giờ nói: “Tôi mệt quá rồi”. Rốt cuộc bạn sẽ tin thật như vậy, và rồi không còn bình tĩnh thanh thản làm việc gì nữa.

Thường ra những người năng nổ có đủ giờ cho mọi việc, chỉ người ăn không ngồi rồi mới hay than phiền không có giờ.

Hành động không phải là lao xao khuấy động, càng không phải là lăng xăng: nhưng là phải có hiệu quả: “Ta chọn và sai anh em đi để đem lại hiệu quả” (Ga 15,16).

Nếu từ lối sống là người thường và lối sống là linh mục người ta gom lại thời giờ bỏ phí vì đọc sách báo vô bổ, vì những câu chuyện kéo dài không có lý do đủ, vì những cuộc chạy chơi vô ích, và những công việc mà người khác nếu được một thời gian học tập sẽ làm tốt hơn ta, thì người ta sẽ thu hồi được nhiều thời giờ quý báu cho việc bồi dưỡng thiêng liêng tinh thần rất hữu ích cho thành quả việc tông đồ.

Câu nói suông: “Tôi bận lắm thì chưa đủ”. Còn phải đặt thêm câu hỏi nữa: “Việc bận ấy có ích lợi và ám hạp với trách nhiệm hiện tại của tôi không?”. Không vậy “Ta đi nhiều mà trật đường” (St. Augustin).

Đối với nhật báo, tưởng nên đọc ít thôi. Rảo qua các đầu đề cho biết tổng quát các tin tức và biến cố xảy ra trong ngày, rồi trở lại đọc kỹ các mục quan trọng hơn.

Tốt hơn là dành giờ đọc các tuần san hay nguyệt san, thường mang những đề tài có nhiều suy nghĩ, nhiều chất lượng có thể cung cấp cho ta những dinh dưỡng căn bản hơn.

Thời giờ bỏ phí rất đắt giá. Đối với địa vị chúng ta, thời giờ không phải là vàng bạc, song là sự sống đời đời. Bởi vì thời giờ của chúng ta đã trực tiếp hay gián tiếp hiến dâng cho việc cứu rỗi các linh hồn.