Chúa Nhật 2 Mùa Chay B – 2021
Để Trở Thành Người Con Yêu Dấu
Lm. Giuse Nguyễn
Mùa Chay là thời gian để chúng ta bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá, trong cuộc khổ nạn ; và không chỉ dừng lại ở cây thập giá và cuộc khổ nạn, nhưng còn hướng đến vinh quang của ngày Phục sinh, vinh quang mà hôm nay các môn đệ đã được nếm trước qua sự kiện biến đổi hình dạng của Đức Giêsu trên một ngọn núi. Trong vinh quang, Thiên Chúa Cha đã xác nhận Đức Giêsu : « Đây là Con Ta yêu dấu! » (Mc 9, 7).
Vì thế chúng ta hãy để lời Chúa soi sáng để biết rõ hơn thế nào là « người con yêu dấu » và để quyết tâm trở thành « người con yêu dấu » của Chúa Cha.
Bài Đọc I cho chúng ta thấy người con yêu dấu của Chúa Cha là Abraham qua thái độ nghe lời Ngài một cách tuyệt đối. Nghe đến nỗi sẵn sàng hy sinh cả điều hết sức thiêng liêng là đứa con một duy nhất của mình. Tuy nhiên Thiên Chúa không phải là vị thần « ăn thịt con nít ». Ngay từ đầu đoạn sách này đã nói rõ ý định của Thiên Chúa: “Hồi đó Thiên Chúa muốn thử lòng Abraham”. Nhờ hành động nghe lời Thiên Chúa một cách tuyệt đối, hy sinh cả những gì mình yêu quý nhất mà Apraham đã trở thành người “con yêu dấu” của Thiên Chúa, và được Thiên Chúa đặt làm tổ phụ của những kẻ tin.
Tác giả của Thánh vịnh 115 đang ở trong hoàn cảnh thật bi đát: “Đây tấm thân tôi này muôn phần khổ đau”. Khổ đau do bệnh tật. Khổ đau do bị người khác hiểu lầm, xa lánh. Khổ đau do không có công ăn việc làm. Khổ đau vì một lỗi lầm đã phạm ?… Trong hoàn cảnh như vậy, tác giả vẫn tin tưởng phó thác vào Chúa. Đáp lại thái độ tin tưởng và phó thác của ông, Thiên Chúa “đã bẻ gãy xiềng xích” và cứu thoát ông. Đây lại là hình ảnh một người “con yêu dấu” của Thiên Chúa, biết tin tưởng, phó thác ngay cả những lúc đau khổ nhất.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố Đức Giêsu biến hình trên núi. Vinh quang của Chúa rực rỡ làm 3 môn đệ ngây ngất đến “quên trời quên đất, quên giờ quên giấc”. Trước đó vài ngày, khi Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ phải chịu đau khổ, chịu nạn, và cuối cùng là chịu chết trên cây thập giá, thì chính Phêrô, người vừa mới tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” lại ngăn cản Chúa: “Không đời nào Thầy lại đi trên con đường đó”. Thế là ông bị Đức Giêsu la cho một trận. Sau đó Ngài nhắn nhủ không chỉ riêng Phêrô mà còn cho tất cả các môn đệ: “Ai muốn theo Ta, phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Biết các môn đệ không thể chấp nhận nỗi điều này, nên Đức Giêsu muốn cho các ông nếm trước vinh quang mà các ông sẽ được khi biết vác thập giá theo Chúa mỗi ngày. Khi đứng trước vinh quang đó, các ông khoái chí quá sức, muốn ở luôn trên núi nên mới định dựng lều cho Thầy, cho Môsê và Êlia (dĩ nhiên sẽ có một lều cho các ông). Các ông muốn vinh quang mà không trãi qua đau khổ. Đức Giêsu cho các ông biết để có được vinh quang đó, thì phải xuống núi, vác thập giá, chịu chết rồi mới được. Chính nhờ điều đó mà Đức Giêsu mới được xác nhận là « Con yêu dấu của Ta ». Khi biết chấp nhận đi trên con đường thập giá, Đức Giêsu trở thành “Con yêu dấu” của Chúa Cha.
Với sự soi dẫn của lời Chúa cho chúng ta biết người con yêu dấu của Chúa Cha trước hết là người biết nghe lời của Chúa ; kế đến biết hy sinh cả những gì quý giá nhất ; sau nữa biết tin tưởng, không nao núng kể cả những khi gặp khó khăn hoạn nạn ; và sau cùng biết vác thập giá hằng ngày theo chân Chúa.
- Chắc chắn một điều người con ngoan là người biết nghe lời cha mẹ. Cũng vậy, để trở thành « Con yêu dấu » của Chúa Cha, Kitô hữu cũng phải tuyệt đối nghe lời Ngài. Lời Chúa được viết trong Thánh kinh. Vì thế phải thường xuyên đọc, nghe, suy niệm Lời Chúa thì mới có thể thực hành trong đời sống. Lời Chúa còn được thể hiện qua sự hướng dẫn của Hội thánh, cụ thể qua những người có trách nhiệm trong Giáo hội như Đức Giáo Hoàng, các Giám mục và các Linh mục. Sở dĩ chúng ta chưa trở thành « Con yêu dấu » là vì chúng ta chưa thực hành lời Chúa dạy, cụ thể trong 10 điều răn. Ví dụ thờ phượng một Đức Chúa Trời, giữ ngày Chúa Nhật, yêu thương giúp đỡ người nghèo…
- Từ tấm gương của Abraham cho chúng ta chân dung của người « con yêu dấu » là người biết hy sinh cho Thiên Chúa tất cả, kể cả những gì mình yêu quý nhất. Thực ra đó chính là thái độ khôn ngoan, vì ông biết rằng tất cả những gì mình có đều bởi Chúa. Khi dâng hiến cho Thiên Chúa, không bao giờ con người bị thiệt thòi, có chăng chỉ là cảm giác đau đớn, tiếc nuối khi phải hy sinh những gì mình yêu quý mà thôi; bù lại, Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của con người.
Trong đời sống đạo, chúng ta còn tiếc nuối với Thiên Chúa nhiều thứ quá. Giữ đạo thì giữ một cách tối thiểu. Chúa dạy “xưng tội một năm ít là một lần”, tôi cũng đi xưng tội một lần một năm thôi! Chúa dạy “chịu Mình Thánh trong mùa Phục Sinh”, tôi cũng chỉ đi rước lễ trong mùa Phục Sinh thôi! Đời sống đạo của chúng ta dường như chỉ là một nghi thức chứ chưa có sự cố gắng hy sinh, chưa cảm thấy mất mát. Khi bận rộn với công việc mà chúng ta tạm gác lại để đến nhà thờ dự lễ thì đó là một sự tiếc nuối linh thánh. Khi có bạn bè mời dự tiệc mà chúng ta hoãn lại hoặc sẽ đến sau vì trùng với giờ đọc kinh trong gia đình thì đó là sự hy sinh thánh thiện. Khi có bạn bè rủ đi chơi, đi đá bóng vào ngày học Giáo lý mà chúng ta từ chối với lý do học Giáo lý quan trọng hơn, thì đó là sự hy sinh cho phần rỗi đời sau. Khi Họ đạo kêu gọi đóng góp để xây dựng nhà Chúa mà chúng ta dám gửi một số tiền lớn trong khi còn phải lo lắng nhiều thứ, thì đó là sự hy sinh rõ ràng vì Giáo hội… Người con yêu dấu là người biết hy sinh tất cả cho Chúa.
- Kế đến là tấm gương của tác giả Tv.115, tin tưởng, phó thác tất cả, ngay cả những lúc đau khổ nhất. Kinh nghiệm quý giá của đời sống đạo là “ngay khi Thiên Chúa đóng cửa cái, là lúc Ngài sẽ mở cửa sổ”. Khi Thiên Chúa đóng cửa cái là những lúc chúng ta gặp thử thách, đau khổ đến tột cùng, không còn thấy ánh sáng Chúa dẫn đường nữa. Đó là khi Thiên Chúa dường như bỏ rơi chúng ta, để mặc chúng ta vùng vẫy một mình giữa đại dương mênh mông… Nhưng chúng ta hãy để ý, chính lúc đó, Thiên Chúa sẽ mở ra một cửa sổ, một lối thoát, một hướng đi cho chúng ta.
Ví dụ Thiên Chúa đóng cửa cái bằng một cơn bệnh nặng, nhưng Ngài sẽ mở cửa sổ bằng cách cho chúng ta gặp bác sĩ giỏi giang để chữa trị. Thiên Chúa đóng cửa cái bằng những mất mát, thua thiệt, nhưng Ngài sẽ mở cửa sổ bằng cách cho những nhà hảo tâm, quảng đại sẵn sàng giúp đỡ chúng ta vượt qua sóng gió của cuộc đời. Thiên Chúa đóng cửa cái bằng việc mất mát người thân, nhưng Ngài sẽ mở cửa sổ bằng cách cho anh chị em hòa thuận với nhau… Những lúc Thiên Chúa đóng cửa cái là lúc Thiên Chúa mời gọi chúng ta thoát khỏi một hoàn cảnh xấu để chuẩn bị đón nhận những hồng ân tốt đẹp hơn. Vì vậy, hãy tin tưởng phó thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì khi Thiên Chúa đóng cửa cái là lúc Ngài mở ra cửa sổ.
- Sau cùng, thánh giá trong cuộc đời chính là phương thế thể hiện « người con yêu dấu » cách rõ ràng nhất. Thiên Chúa không dùng cách thế nào khác để cứu độ con người ngoài thập giá Đức Kitô. Vì thế vác thập giá hằng ngày chính là cách làm đẹp lòng Chúa nhất. Nếu tìm kiếm vinh quang mà không có thập giá thì đó là vinh quang ảo. Nếu khước từ những đau khổ để tìm kiếm những dễ dãi thì con người đang đi theo con đường của Satan, ma quỷ.
Lạy Chúa, xin cho con trở thành « Con yêu dấu » của Chúa qua việc nghe lời của Chúa, dành cho Chúa những gì quý giá nhất, biết tin tưởng ngay cả lúc gian nguy, và vui lòng vác thập giá hằng ngày. Xin Mẹ Maria và thánh cả Giuse cùng đi với con trên con đường lên đỉnh núi cao để gặp gỡ Chúa hằng ngày.