Đền thờ – nơi gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em

print

Đền thờ – nơi gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em

Trưa Chúa Nhật ngày 03/03, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay.
 

Vatican News

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một khung cảnh cứng rắn: Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ (x. Ga 2,13-25). Người xua đuổi những người bán hàng, lật đổ quầy đổi tiền và cảnh cáo người ta bằng câu nói: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (c. 16). Chúng ta dừng lại một chút về sự tương phản giữa nhà và chợ: thật vậy, đây là hai cách khác nhau khi đặt mình trước Chúa.

Nơi đền thờ, được hiểu như một cái chợ, thì để cảm thấy an tâm với Chúa, người ta chỉ cần mua một con chiên, trả tiền và toàn thiêu nó trên lửa của bàn thờ. Mua, trả tiền, toàn thiêu và sau đó mỗi người về nhà mình. Tuy nhiên, nơi đền thờ được hiểu như một ngôi nhà, thì xảy ra ngược lại: người ta đến gặp Chúa, ở với Người và với anh chị em, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Như vậy, ở chợ thì người ta chú tâm đến giá cả, ở nhà thì không tính toán; ở chợ thì tìm lợi ích riêng, ở nhà thì cho đi cách quảng đại. Chúa Giêsu hôm nay cũng cứng rắn vì Người không chấp nhận kiểu đền thờ-chợ thay thế đền thờ-nhà. Người không chấp nhận một tương quan xa cách và mang tính thương mại với Thiên Chúa, nhưng gần gũi và tin tưởng. Người không chấp nhận các quầy hàng thay thế bàn ăn gia đình, giá cả thay thế những cái ôm, và những đồng tiền thay thế những âu yếm. Tại sao Chúa Giêsu không chấp nhận điều này? Bởi vì như thế, người ta tạo nên một rào chắn giữa Thiên Chúa và con người, giữa anh em với nhau, trong khi Chúa Kitô đến để mang lại sự hiệp thông, lòng thương xót, nghĩa là tha thứ, và sự gần gũi.

Lời mời gọi hôm nay cho hành trình Mùa Chay của chúng ta là làm cho chính chúng ta và những gì xung quanh chúng ta thành nhà hơn và bớt chợ hơn. Trước hết là với Thiên Chúa bằng cách cầu nguyện nhiều, như những người con tin tưởng không mệt mỏi gõ cửa Cha mình, chứ không như những thương lái cò kèo và hoài nghi. Và sau đó là hướng đến anh chị em: Cần nhiều tình huynh đệ. Chúng ta hãy nghĩ đến sự im lặng đáng xấu hổ, cô lập, đôi khi thậm chí thù địch mà chúng ta gặp ở nhiều nơi.

Do đó, chúng ta hãy tự hỏi: trước hết, việc cầu nguyện của tôi thế nào? Đó là cái giá phải trả hay đó là khoảnh khắc tin tưởng buông mình, nơi tôi không nhìn đồng hồ? Và mối tương quan của tôi với người khác như thế nào? Tôi có biết cho đi mà không cần chờ đáp lại không? Tôi có biết đi bước đầu tiên để phá vỡ những bức tường im lặng và những trống không của khoảng cách không? Đây là những câu hỏi chúng ta phải tự đặt ra cho mình.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta tạo nên “ngôi nhà” với Thiên Chúa, giữa chúng ta và xung quanh chúng ta.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha lặp lại sự đau buồn với những đau khổ của các dân tộc Palestine và Israel với hàng ngàn người chết, bị thương, chạy trốn, phá huỷ, đặc biệt đối với những trẻ em và những người không có gì để tự vệ. Đức Thánh Cha nói: “tôi tự hỏi có thật người ta nghĩ là sẽ xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách này? Người ta có nghĩ là sẽ đạt đến hoà bình bằng cách này? Xin vui lòng hãy nói ‘đủ rồi’. Hãy dừng lại! Hãy can đảm tiếp tục đàm phán để ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và toàn khu vực”. Ngài cũng không quên cầu nguyện cho dân tộc tử đạo Ucraina.

Đức Thánh Cha nhắc rằng ngày 5/3 sắp tới là Ngày quốc tế nhận thức về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Bao nhiêu tài nguyên bị phí phạm cho vũ khí, vốn gây nên tình trạng hiện nay, và còn tiếp tục gia tăng. Ước gì cộng đồng quốc tế ý thức sống động về việc giải trừ vũ khí là một nhiệm vụ và chúng ta luôn phải nhớ trong đầu. Và điều này đòi hỏi sự can đảm của tất cả các thành viên của đại gia đình các quốc gia để đi từ sự cân bằng sợ hãi sang cân bằng tin tưởng.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào các nhóm tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.