Di Sản Để Lại Là Những Quyết Định

print

Di Sản Để Lại Là Những Quyết Định

Hằng năm, linh mục đoàn trong Giáo phận đều có kỳ tĩnh tâm và thường huấn. Năm nay Giáo phận chia chương trình thường huấn thành hai nhóm. Nhóm một từ ngày 12-15/04/2021 trên dưới 100 cha hiện diện và được Sr Nguyễn Thị Ngọc Dung Ph.D chia sẻ. Khởi đầu một chút bỡ ngỡ vì chưa quen nhưng sau đó có nhiều đề tài được quan tâm và kết quả tốt đẹp.

Điều làm cho các cha tham dự một chút ngỡ ngàng khi Sr Dung đặt câu hỏi “Di sản chúng ta để lại là gì?” Theo tự điển Tiếng Việt, nhà xuất bản Đà Nẵng 2013 “1. Di sản là tài sản của người chết để lại và chúng ta được thừa kế. 2. Tài sản tinh thần hoặc tài sản vật chất do lịch sử để lại hoặc do thiên nhiên tạo ra; bảo vệ di sản văn hóa; di sản phi vật thể”. Nói một cách đơn giản, di sản là những tài sản vật chất và tinh thần mà chúng ta, hay tạo hóa đã tạo ra để lại cho thế hệ mai sau. Tuy nhiên, theo giáo trình Tầm Nhìn và Chiến Lược thì di sản để lại là những quyết định của chúng ta.

Thật vậy, với thói quen và tầm nhìn bình thường, chúng ta chỉ nhìn thấy di sản để lại nhà cửa, đất đai, vật chất hay giá trị tinh thần. Tuy nhiên, trước khi có tòa nhà kiên cố và đẹp, chúng ta phải chuẩn bị xa, gần; phải có chương trình, kế hoạch chiến lược và kế hoạch thực hiện… nhưng điều quan trọng nhất là quyết định. Dù chúng ta có nhiều chương trình, dự án, kế hoạch nhưng nếu không quyết định thì vẫn là chương trình hay dự án mà thôi.

Hơn thế nữa, những quyết định của ta đem lại giá trị tích cực hay tiêu cực, rộng hay hẹp, sáng hay tối, chóng qua hay bền vững, phát triển hay suy tàn, sống hay chết, tinh thần hay vật chất, thánh thiện hay tội lỗi, đạo đức hay nguội lạnh… Sau khi học lý thuyết, Sr Dung cho các cha làm thực hành về tầm nhìn và chiến lược qua các buổi họp nhóm và lên chương trình cho họ đạo, hạt và Giáo phận. Qua các buổi họp và chia sẻ, hầu hết các cha đều quan tâm đến đào tạo nhân sự, thành phần kế thừa trong ba giai đoạn: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Khi thấy các cha quan tâm đến vấn đề này, có cha hỏi tôi tại sao như vậy?

Để trả lời cho vấn nạn và chương trình học ở trên, chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Giê-su, Ngài có những quyết định rất đặc biệt. Khi mới 12 tuổi, Ngài đã quyết định ở lại đền thờ để chu toàn bổn phận với Chúa Cha dù Mẹ Maria và Thánh Giuse phải vất vả tìm “…cha và mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).

Ngòai ra, khi đang rao giảng, Chúa Giê-su thấy dân chúng đói, Ngài quyết định làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho họ ăn no, dù các Tông đề đề nghị giải tán đám đông. Kết quả có hơn 5 ngàn người được no thỏa cả xác lẫn hồn (Mt 14, 13-21). Lần khác Chúa Giê-su quyết định lên Giê-ru-sa-lem để vác thập giá, dù Phê-rô ra sức can ngăn nhưng Ngài dẫn tiến bước để hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha đã giao phó hầu đem ơn cứu độ đến cho con người (Mt 16, 21-23).

Không những thế, Chúa Giê-su còn quyết định chữa bệnh, cứu sống con người trong ngày Sabath dù là luật cấm của người Do thái (Lc 13, 10-17). Thậm chí có khi Chúa còn đối diện với những vấn đề nan giải khi người ta đem đến cho Ngài người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình. Chúa Giê-su quyết định tha thứ cho chị và cải hóa tâm hồn của họ “ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá ném trước đi…” (Ga 8, 1-11).

Để dạy bài học khiêm nhường, Chúa Giê-su đã quyết định cuối xuống để rửa chân cho các Tông đồ (Ga 13, 1-17); Để ở lại với nhân loại và yêu thương, tha thứ, ban sức mạnh và trao ban những ân huệ cao quý, Chúa Giê-su đã lập nên Bí tích Thánh Thể và các Bí tích… và còn rất nhiều quyết định từ nơi Chúa Giê-su dù Ngài chấp nhận những đau khổ, kể cả sự chết hầu để lại “di sản” vô giá cho loài người chúng ta.

Ước gì qua chương trình học và qua gương Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta dù ở cấp bậc nào cần có những quyết định không chỉ tốt cho bản thân mà còn tốt cho tha nhân, tốt cho họ đạo, giáo hạt, đặc biệt là Giáo phận về tinh thần cũng như vật chất, cách riêng là thành phần nhân sự và kế thừa.

Có cha lớn tuổi hỏi, xin được chia sẻ nơi đây “sau nhiệm sở, nhiệm kỳ hay chức vụ chúng ta để lại di sản gì?” Trước khi hoàn thành sứ vụ ở trần gian, Chúa Giê-su chọn thành phần “kế thừa” là 12 thánh Tông đồ. (Mt 10, 1-4) Nhìn vào cách Chúa Giê-su chọn người “kế thừa” rất đặc biệt. Ngài đã cầu nguyện suốt đêm và đến sáng Ngài chọn các Tông đồ (Lc 6, 12-16). Các ông đã được Chúa “đào tạo” trong suốt thời gian thi hành sứ vụ công khai và rao giảng nước Thiên Chúa. Cuối cùng, Sau 33 năm sống ở trần gian, Chúa Giê-su để lại “di sản” Giáo hội duy nhất, thánh thiện và tông truyền; “di sản” Tin Mừng cứu độ cho toàn dân và những “di sản” gương sáng, đạo đức… có giá trị ngàn đời cho cả Giáo hội, xã hội và toàn thể nhân loại.

Lm. Biển Xanh.