Di sản đích thực của Đức Giáo hoàng Phaolô VI

print

Di sản đích thực của Đức Giáo hoàng Phaolô VI

phanxicovn

Hình: Ngày 21-7-1969, Đức Phaolô VI xem truyền hình cuộc “chinh phục mặt trăng”.

la-croix.com, Frédéric Mounier, 17-10-2014

Đức Giovanni Battista Montini được Đức Phanxicô phong chân phước tại Rôma ngày chúa nhật 19.10.2014 Với bề ngoài mờ nhạt và với một sức khỏe không tốt, nhưng trong rất nhiều lãnh vực, Đức Phaolô VI là một giáo hoàng có tính ngôn sứ và cương nghị.

Ngày nay còn ai nhớ đến Đức giáo hoàng Phaolô VI (1897-1978)? Ngoài một vài chữ gán ghép cho ngài như “giáo hoàng mờ nhạt”, “giáo hoàng buồn”, “giáo hoàng chống viên thuốc ngừa thai”…, chúng ta cần xem lại kỹ triều giáo hoàng của ngài trong bối cảnh thời đó để hiểu ngài đã có những hành vi có tính ngôn sứ, đặt các nền tảng mục vụ và ngoại giao cho các triều giáo hoàng tương lai.

Được đào tạo trong ngành ngoại giao, năm 1954 Đức ông Giovanni Battista Montini rời giáo triều La Mã để làm Tổng giám mục địa phận Milan trong vòng chín năm. Milan là một trong những địa phận quan trọng nhất thế giới về mặt sỉ số giáo sĩ, về tài chánh cũng như về học vị.

Ở đây, Đức Phaolô VI đã có kinh nghiệm về thế nào là thế tục hóa, giới giáo dân rất tích cực và có thể nói một cách rộng hơn, đó là địa phận “Rôma thứ nhì” của Ý, thủ đô kỷ nghệ và văn hóa. Ngài đã xây ở đây trên 70 nhà thờ, đến thăm 200 nhà máy và công xưởng, thực hiện một “Sứ vụ bình dân”.

Hơn các vị tiền nhiệm của mình, ngài nhận thức được tình trạng thực tế tại đây, trước khi phong trào thế tục hóa của phương Tây xuất hiện. 

Hòm bằng gỗ trắng

Ngay từ những ngày đầu giáo triều của mình, ngài cắt đứt với các truyền thống tại chỗ, ngài xin đơn giản tối đa các nghi thức giáo hoàng và phụng vụ. Ngài bán vương miện của mình để có tiền cho người nghèo, ngài vứt bỏ một phần lối hào nhoáng giáo hoàng và xin được chôn trong chiếc hòm bằng gỗ trắng đơn sơ.

Ngày tang lễ của ngài, 12-8-1978, người ta thấy những trang Phúc Âm bị gió thổi bay tứ tung trên chiếc hòm gỗ trắng đơn sơ, giống như lần tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II. 

Thượng Hội đồng Giám mục

Ngài biết tường tận giáo triều La Mã từ năm 1924 nên Đức Phaolô VI muốn cải cách giáo triều. Ngài ấn định tuổi hưu của các giám mục là 75, tuổi tối đa để được vào Mật nghị bầu giáo hoàng là 80, và giới hạn số hồng y được vào bầu là 120.

Ngài lập ra nhiều ban bộ mới, ngài dịch toàn bộ Công đồng Vatican II, ngài mới chính là người thai nghén Công đồng: ngài mở ra các  ủy ban, các bộ, các hội đồng giáo hoàng như Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hội đồng giáo hoàng về Giáo dân, Hội đồng giáo hoàng về Gia đình, Hội đồng giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, “Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm” (Cor Unum)…

Ngài rất chú tâm đến chiều kích hoàn vũ của Giáo hội, ngài muốn  củng cố tính đồng đội cùng làm việc chung, tính đoàn kết giữa các giám mục, cổ động để các Giáo hội địa phương có một phần tự lập. Ngài thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục và dưới triều của ngài, ngài đã triệu tập bốn lần họp Thượng Hội đồng: ba lần họp bình thường về đức tin năm 1967, về sứ vụ tu sĩ và công lý trong thế giới năm 1971, về việc Phúc Âm hóa trong thế giới hiện đại năm 1974, và một phiên họp khoáng đại bất thường về sự hợp tác giữa Tòa Thánh và các Hội đồng giám mục năm 1969. 

Đối thoại với thế giới

Cắt đứt với tất cả các thói quen, Đức Phaolô VI đã gặp các ký giả trên máy bay trong nhiều chuyến công du ra nước ngoài của ngài như Liên Hiệp Quốc, Colombia, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ouganda, Phi Luật Tân, Úc, Đất Thánh. Tháng 10 năm 1965, ngài đã có ít nhất mười bảy cuộc phỏng vấn với nhật báo Milan Corriere della Sera.

Ngài đặt hàng đầu vấn đề tôn trọng nhân quyền và đấu tranh chống nạn nghèo đói trong các hành động ngoại giao và mục vụ của Giáo hội. Ngài nhấn mạnh đến việc không được dùng bạo lực. Trong các Tông huấn của mình, ngài đưa công chính và phát triển vào trong bối cảnh của sứ vụ và ngài quyết liệt lên án các bất công trên hoàn vũ.

Ngài luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “nói chuyện” với thế giới, “quy trách nhiệm cho các ngôn sứ của bất hạnh và những người có khuynh hướng tiến bộ nhưng thiếu suy nghĩ”, theo chữ dùng của sử gia Philippe Levillain. 

Kinh nghiệm chính trị

Sự nhạy cảm này có nguồn gốc từ kinh nghiệm chính trị của ngài. Đức ông Montini biết rành chủ nghĩa phát xít ở Ý và ngài bị cáo buộc là hợp tác với người Anglo-Saxons. Ngài là Phụ tá Hiệp hội các trường Đại học Công giáo Ý, ngài muốn tránh cho người Công giáo không bị ảnh hưởng của phát xít bằng cách đào tạo các trí thức cấp cao. Sau này, ngài sống qua thời cay độc của Thánh Năm 68 (Mai 68) và vụ Vệ Binh Đỏ ám sát bạn của ngài là ông Aldo Moro, một chính trị gia Công giáo, trong những tháng cuối đời của ngài. 

Công đồng Vatican II

Trong số các di sản của Đức Phaolô VI để lại, trước hết phải nói đến Công đồng Vatican II. Ngay từ khi được bầu chọn, ngày 21-6-1963, ngài tiếp tục đưa dẫn Công đồng Vatican II từ năm 1963 và cuối cùng là kết thúc vào năm 1965, một Công đồng do ý kiến riêng của Đức Gioan XXIII, vị tiền nhiệm của ngài.

Chắc chắn, nếu chính bản thân ngài thì ngài sẽ không mở Công đồng nhưng ngài thừa nhận và hướng dẫn một cách kín đáo nhưng cương nghị. Theo phân tích của sử gia Ý Giovanni Maria Vian, giám đốc L’Osservatore Romano, ngài quan tâm đến “các nhà cải cách không triệt để”, ngài là vị giáo hoàng công nhận, không phải là không nhận định, sự chuyển tiếp của đạo Thiên Chúa giáo, đối diện với tính hiện đại có nguy cơ trở tay không kịp, để đi đến chỗ chấp nhận tự do tôn giáo và đối thoại với các tôn giáo khác. 

“Giáo hội của Ngài” (Ecclesiam suam)

Một di sản không chối cãi khác, đó là Tông thư đầu tiên của ngài, Tông thư Giáo hội của Ngài (Ecclesiam suam, 6 tháng 8-1964). Nếu không phải vì đó mà giám mục Lefebvre người chủ trương bảo thủ quá khích đã ở bên lề Giáo hội. Ngày 27 tháng 6 năm 1976, Đức Phaolô VI đã cất chức thánh giám mục Lefebvre. Đó là cơn chấn động do giáo huấn của Công đồng muốn Giáo hội đối thoại với thế giới.

Một đoạn quan trọng cần được nhắc đến: “Trước khi nói, phải lắng nghe tiếng nói và nhất là quả tim của con người, hiểu nó, tôn trọng nó tối đa có thể, nơi mà nó xứng đáng được tôn trọng, và đi theo hướng của nó. Bầu khí đối thoại là tình bằng hữu và còn hơn thế nữa: phục vụ.”

“Loan báo Tin Mừng, Evangelii nuntiandi”

Cũng trong chiều hướng đó, mười một năm sau, ngài công bố Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi, 8 tháng 12-1975), kết thúc phần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt nói về việc Phúc Âm hóa.  Đức Phaolô VI cổ vũ cho một Giáo hội vừa ở trong lòng thế giới vừa là chứng nhân tuyệt đối của Thiên Chúa.

Theo ngài, đối thoại và nói chuyện với con người là các hình thức lỗi lạc để loan báo Tin Mừng trong thời hiện đại này. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị tiền nhiệm của mình, vào ngày 20-9-1998, Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên bố: “Ít nhân vật nào như ngài đã biết nói lên các lo lắng, các khó khăn, các xu hướng cũng như các táo bạo của người đương thời. Ngài muốn đi bên cạnh họ.” 

“Phát triển các dân tộc, Populorum Progressio”

Với Tông huấn Phát triển các Dân tộc (Populorum Progressio, 26 tháng 3-1967), Đức Phaolô VI xác nhận một mặt, “vấn đề xã hội là vấn đề thế giới”, mặt khác “phát triển là tên mới của hòa bình”.

Hiến chương dấn thân của người Công giáo phục vụ cho sự phát triển “trọn con người và với tất cả mọi người” theo thành ngữ diễn tả của linh mục dòng Đa Minh Pháp Joseph Lebret (1897-1966), là tiếng vang đáng kể, được củng cố qua bức thư gởi cho hồng y Roy năm 1973, xác nhận tính hợp pháp đa dạng của các chọn lựa chính trị của người Công giáo.

Ngày 4 tháng 10 năm 1965, ngài là vị giáo hoàng đầu tiên phát biểu ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ở đó, nhân danh một Giáo hội “chuyên lo nhân đạo”, ngài dằn mạnh: “Không bao giờ được có chiến tranh nữa!”

Tông du Bogota

Một cách ngoạn mục, Tòa Thánh thấm nhập vào các quốc gia. Nhưng không phải với bất cứ giá nào. Ở Bogota, ở Colombia, ngày 26 tháng 8 năm 1968, ngài nói rõ: “Không phải hận thù cũng không phải bạo lực là sức mạnh của chúng tôi, sức mạnh của chúng tôi là bác ái. Giữa các con đường khác nhau (…), chúng tôi không chọn chủ nghĩa vô thần mácxít, cũng không chọn cải cách một cách hệ thống, lại càng không chọn đổ máu và tình trạng vô chính phủ.”

Ngày 5 tháng 1 năm 1964, ngài đi Giêrusalem, nơi mà chưa một giáo hoàng nào đặt chân đến và đó là lần đầu tiên từ năm 1439, có cuộc gặp gỡ giữa một Giáo hoàng và Thượng phụ Đại kết Constantinople, Athénagoras Ier .

Cuộc “đối thoại tay trong tay” được tiếp tục ngày 24 tháng 3 năm 1966 với Giám mục Anh giáo Michael Ramsey, Cantorbéry, lúc Đức Phaolô VI đeo nhẫn mục vụ giám mục địa phận Milan cho giám mục Ramsey. Và vào ngày 15 tháng 12 năm 1975 ở Nhà nguyện Sixtine, khi loan báo đối thoại lại với những người chính thống giáo, ngài đã quỳ xuống trước Thượng phụ Meliton, Chalcédoine và hôn chân Thượng phụ.

Ngược lại, kể từ năm 1968, những năm cuối cùng của triều giáo hoàng của ngài là những năm lo âu và đã để lại một di sản nhiều tranh cãi. Số linh mục chịu chức ở Phương Tây giảm sút trầm trọng,  việc làm cho phù hợp với Công đồng Vatican II đôi khi mang tính phiêu lưu, các nhà cầm quý phản kháng: “Mùi khói Satan thấm vào Giáo hội”, ngài đã phải nói. 

“Sự sống Con người, Humanae Vitae”

Tông huấn cuối cùng của ngài, Tông huấn Sự sống Con người (Humanae Vitae, 25 tháng 7-1968) thiết đặt sự tôn trọng sự sống, nguyên tắc của việc từ chối mọi phương pháp ngừa thai nhân tạo đối với các cặp vợ chồng Công giáo. Về vấn đề này, ngài thố lộ với người bạn triết gia Công giáo người Pháp, ông Jean Guitton: “Không quan trọng nếu chúng tôi là thiểu số, nếu chúng tôi đơn độc. Sức mạnh của chúng tôi là trong sự thật.”

Và đây là lần đầu tiên, một giáo huấn của Huấn Quyền đã bị đặt vấn đề một cách công khai, kể cả với các hồng y và các giám mục.

Một cắt đứt phủ phàng giữa thế giới và vị giáo hoàng chủ trương “đối thoại” và “nói chuyện” với thế giới. Trùng hợp trong thời gian này là cơn khủng hoảng ở hàng giáo sĩ phương Tây trong bối cảnh của một tranh chấp nhằm đặt lại vấn đề ngay cả tính hợp pháp của các thể chế, việc chấp nhận lạnh nhạt này đã tác động mạnh trên chính ngài cũng như trên giáo triều của ngài, và từ đó ngài không soạn thảo Tông huấn nào nữa. 

“Độc thân của linh mục. Sacerdotalis Coelibatus”

Cũng vậy, một năm trước đó, Tông huấn “Độc thân của linh mục, (Sacerdotalis Coelibatus, 24 tháng 6 năm 1967) tái xác nhận luật độc thân của linh mục, Tông huấn vẫn là nguồn gây tranh cãi của triều giáo hoàng của ngài, một triều giáo hoàng kết thúc trong suy nhược bị in dấu bởi nỗi lo âu và có thể nói nỗi chán nản của ngài.

Cuối cùng, nguồn gốc mang tính thiên sứ của ngài chắc chắn phải nói đến xu hướng Pháp của ngài. Gần như nói tiếng Pháp từ khi sinh ra, ngài mến chuộng nước Pháp, văn hóa và Giáo hội Pháp một cách đặc biệt. Tháng 5 năm 1964, ở Saint-Louis-des-Français, ngài tuyên bố: “Nơi quý vị có một sức sống sôi động, một động lực gợi lên trong lãnh vực tôn giáo cũng như trong lãnh vực thế tục, một suy tư đào sâu không ngừng, có thể đôi khi chưa đủ tôn kính đối với giá trị của các thể chế Kitô giáo.” Các triết gia Pháp Jean Guitton (1901-1999) và Jacques Maritain (1882-1973) vừa là bạn vừa là người truyền cảm hứng cho ngài.

Nguyễn Tùng Lâm dịch